Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional năm 2017
Các Vị Tiên Tri, Sự Lãnh Đạo và Luật Pháp Thiêng Liêng


29:25

Các Vị Tiên Tri, Sự Lãnh Đạo và Luật Pháp Thiêng Liêng

Một Buổi Họp Tối với Chủ Tịch Russell M. Nelson

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu Dành Cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 8 tháng Giêng năm 2017 • Brigham Young University

Các em thân mến, tôi mang những lời chào mừng và tình yêu thương đến với các em từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Chúng tôi cám ơn các em đã có mặt với chúng tôi buổi tối hôm nay, và chuẩn bị tấm lòng cùng tâm trí của các em để được giảng dạy về phần thuộc linh.1

Kể từ tháng Giêng năm 2016, khi tôi nói chuyện với các em trong buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu này, thì tôi đã gặp gỡ nhiều em trong lúc tôi đi đến Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Canada, Anh, Wales, Đức, Ý, Tây Ban Nha, và khắp các địa điểm khác ở Hoa Kỳ.

Tháng Chín năm ngoái, tôi đã có một kinh nghiệm khó quên với Anh Cả M. Russell Ballard và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội khi chúng tôi đi đến Baton Rouge, Louisiana, để gặp gỡ những người ở đó sau một trận lụt đầy sức tàn phá. Vào ngày Chủ Nhật, mỗi người chúng tôi tổ chức bốn buổi lễ Tiệc Thánh có rất đông người—một lễ cho các nạn nhân và ba lễ cho các tình nguyện viên đã đến từ nhiều tiểu bang để giúp dọn dẹp. Những tấm hình này cho thấy các giáo đoàn trong ngày Sa Bát đó gồm hàng trăm người mặc áo thun với nhãn hiệu Mormon Helping Hands (Bàn Tay Giúp Đỡ của Người Mặc Môn).

Hãy lưu ý đến những khuôn mặt vui vẻ của các thanh niên và thiếu nữ là những người đã rời nhà của họ để đến giúp những người lân cận mà họ không biết, giữa cái nóng oi bức của mùa hè ở Louisiana, và là những người ngừng tay vào ngày Sa Bát để thờ phượng Chúa. Khi tôi nhìn các giáo đoàn của những người sẵn lòng kỳ diệu đó thì phần lớn trong số họ ở độ tuổi của các em, tôi cảm thấy có ấn tượng đầy vui mừng vì tôi đã nhìn vào những người nam và người nữ chẳng bao lâu nữa sẽ là những người lãnh đạo của Giáo Hội này.

Vì vậy, buổi tối hôm nay, khi tưởng tượng ra các em đang quy tụ trên khắp thế giới, tôi muốn nhấn mạnh và nói chuyện về ấn tượng đó. Các em những người lãnh đạo tương lai trong Giáo Hội của Chúa! Các em đã sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo chưa?

Cách đây một năm, khi nói chuyện với các em, tôi đã yêu cầu các em vươn lên với tư cách là những người thực thụ của thiên niên kỷ mà các em đã được sinh ra để làm những người như vậy. Các em phải giúp chuẩn bị thế gian cho sự trị vì trong thời kỳ ngàn năm của Đấng Cứu Rỗi bằng cách giúp quy tụ những người được Chúa chọn từ bốn phương trời, để tất cả những người chọn làm như vậy có thể nhận được phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và tất cả các phước lành của phúc âm. Buổi tối hôm nay tôi muốn nói với các em về cách các em có thể chuẩn bị.

Trước hết, hãy tập trung vào hôn nhân và gia đình của các em. Thi hành theo các ấn tượng mà các em đã nghe về bốn lẽ thật của “Dì Wendy” về tình yêu và hôn nhân.

Trách nhiệm của các em đối với Chúa để giúp quy tụ những người được Chúa chọn từ cảnh hỗn loạn về mặt đạo đức và rất nhiều tội lỗi vây quanh trong thời kỳ chúng ta không đơn giản đâu. Lu Xi Phe và những kẻ theo nó đang sử dụng mọi hình thức công nghệ và truyền thông để rao truyền những lời dối trá về cuộc sống và về nguồn gốc đích thực của hạnh phúc. Vì vậy, để làm điều mà các em đến thế gian để làm sẽ đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo tốt nhất mà thế hệ của các em có thể đạt được.

May mắn thay, chúng ta có các tấm gương tuyệt vời để noi theo. Trong khi thế giới có thể nhìn vào khả năng lãnh đạo tài ba của những người nam và người nữ như Napoleon, Joan of Arc, George Washington, Mahatma Gandhi, Mẹ Teresa, và những người khác, thì tôi tin rằng các vị lãnh đạo xuất sắc nhất đã từng sống trên thế gian đều là các vị tiên tri của Thượng Đế.

Đến nay, đã có 16 người được Chúa chọn làm Chủ Tịch trong Giáo Hội của Ngài, được phục hồi trong gian kỳ này—gian kỳ tột bậc này trong lịch sử của thế gian. Cá nhân tôi đã quen biết 10 người trong số 16 người này. (Điều đó cho biết thêm về số tuổi của tôi hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta hãy nói theo cách này nhé: Tuổi của tôi đã cao lắm rồi.)

Giờ đây, nếu các em nghiêm túc vươn lên với tư cách là người thật sự của thiên niên kỷ, thì tôi khuyên nhủ các em nên nghiên cứu cuộc đời và những lời giảng dạy của 16 vị tiên tri này của Thượng Đế.2 Việc nghiên cứu đó sẽ thay đổi cuộc sống của các em. Tôi xin được chia sẻ một vài nguyên tắc lãnh đạo tôi đã học được từ họ.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith, Chủ Tịch thứ 10 của Giáo Hội, sống cách ngôi nhà thời thơ ấu của tôi chỉ mấy căn. Hai người con trai út của ông là bạn thời thơ ấu của tôi. Họ thường rủ tôi tới nhà họ.

Chủ Tịch Smith là Chủ Tịch của Giáo Hội vào năm 1971, khi tôi được kêu gọi làm Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật. Khi Dantzel, người vợ quá cố của tôi và tôi đi cùng với ông đến dự đại hội giáo vùng đầu tiên được tổ chức tại Manchester, nước Anh vào cuối năm đó, tôi đã nhận thấy một bài học hùng hồn trong cách lãnh đạo hữu hiệu khi Chủ Tịch Smith yêu cầu có các báo cáo từ Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương đang quy tụ lại trong một căn phòng nhỏ trước buổi đại hội.

Sau khi mọi người đã nói xong, thay vì đưa ra lời chỉ dẫn có tính cách mệnh lệnh, Chủ Tịch Smith, với thái độ chững chạc của một vị chủ tịch, mời họ học hỏi sự khôn ngoan từ 94 năm kinh nghiệm của ông, trong khi ông bày tỏ tình yêu thương và ước muốn chân thành của mình để giúp đỡ họ. Tôi kinh ngạc trước quyền năng của vị lãnh đạo này trong việc bày tỏ tình yêu thương và sự tin tưởng nơi những người cộng sự của mình. Sau đại hội giáo vùng, khi chúng tôi khen ngợi Chủ Tịch Smith về sứ điệp tuyệt vời của ông thì ông chỉ đáp: “Tôi không đến đây để bị thất bại.”3

Ông đã tin rằng Chúa sẽ hướng dẫn những diễn tiến đó khi Chủ Tịch Smith làm hết khả năng của mình để xúc tiến công việc. Đức tin, sự cầu nguyện, nghiên cứu, và làm việc chăm chỉ là một sự kết hợp để thành công. Cũng như Chủ Tịch Smith đã không đi đến nước Anh để bị thất bại, thì Đức Chúa Cha gửi các em đến thế gian trong gian kỳ sau cùng này không phải để thất bại mà là để thành công---và tìm thấy niềm vui trong khi làm như vậy.

Chủ Tịch Ezra Taft Benson là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chỉ trong hai năm thì, vào tháng Mười Hai năm 1945, do hậu quả của Đệ Nhị Thế Chiến, Chủ Tịch George Albert Smith đã kêu gọi ông lúc đó là Anh Cả Benson chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Châu Âu. Tình trạng ở đó rất nghiêm trọng. Trong 10 tháng với sứ mệnh tình thương dành cho các tín hữu mà cuộc sống của họ đã bị đảo lộn bởi chiến tranh, Anh Cả Benson đã đi khắp nước Đức, Ba Lan, Séc, và Scandinavia, phân phát thực phẩm, quần áo và chăn, mền, gối cho Các Thánh Hữu đang đau khổ.4 Ông liên tục gặp phải những xung đột dường như không thể vượt qua nổi. Tuy nhiên, nhiều lần ông đã cho thấy “đức tin kiên cường nơi quyền năng của Chúa để vượt qua những trở ngại.”5

Bốn mươi năm sau, vào tháng Mười Một năm 1985, Chủ Tịch Benson, lúc bấy giờ mới được sắc phong với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, chỉ định tôi với tư cách là một thành viên ít thâm niên hơn trong Nhóm Túc Số Mười Hai để bắt đầu truyền bá phúc âm ở các nước Đông Âu lúc ấy đang nằm dưới sự cai trị của cộng sản.

Tôi cảm thấy chưa sẵn sàng cho một nhiệm vụ khó khăn như vậy, nhưng Chủ Tịch Benson đã bắt đầu làm công việc này trước tôi rồi. Làm sao tôi lại có thể không làm như ông đã làm được? Tấm gương của ông thúc đẩy tôi cầu nguyện và cố gắng làm việc hết sức mình và sau đó nhìn xem bàn tay giúp đỡ kỳ diệu của Chúa.6

Khi nào bất cứ ai trong chúng ta cảm thấy quá sức chịu đựng thì chúng ta có thể học hỏi nhiều từ Chủ Tịch Benson. Trong tám năm, ông đã phục vụ với tư cách là Sứ Đồ kiêm bộ trưởng canh nông trong nội các của Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower.

Ông đã xoay sở như thế nào? Đây là những lời nói của ông: “Tôi cố gắng làm việc hết sức và làm mọi điều trong khả năng của mình. Và tôi cố gắng tuân giữ các giáo lệnh. Sau đó, tôi để cho Chúa làm phần còn lại.”7 Đó là triết lý mà chúng ta phải sống theo.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley là một vị lãnh đạo năng động mà lời giảng dạy của ông trong việc quản trị Giáo Hội thật là độc đáo. Trước khi phục vụ với tư cách là Chủ Tịch thứ 15 của Giáo Hội, ông đã là cố vấn cho ba Vị Chủ Tịch trước đó. Lúc còn là thanh niên, sau khi truyền giáo trở về từ nước Anh, ông đã làm việc cho Giáo Hội trong nhiều nhiệm vụ khác nhau, luôn luôn dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai. Nhiều lần ông đã được yêu cầu phải giải quyết những thử thách đáng kể. Ví dụ, Chủ Tịch David O. McKay đã chỉ định cho Anh Hinckley phải quyết định cách sử dụng phim ảnh để làm giáo lễ thiên ân hầu đáp ứng nhu cầu phiên dịch vì Giáo Hội đang được bành trướng.

Chủ Tịch Hinckley là một nhà truyền thôngxuất sắc. Ông nói một cách đầy tin tưởng về phúc âm với tất cả mọi người, từ các nhà báo dày dạn kinh nghiệm đến các nhà lãnh đạo thế giới. Tôi đã chứng kiến cách ông làm mềm lòng Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Liên Xô, là người ban đầu đã không chịu gặp Chủ Tịch Hinckley trong văn phòngcủa ông. Thay vì thế, Ông Gorbachev muốn Chủ Tịch Hinckley đến phòng khách sạn của Ông Gorbachev. Nhưng khi họ gặp nhau tại trụ sở Giáo Hội, Chủ Tịch Hinckley đã chỉ cho ông ta thấy lớp mặt đồ mộc của vách tường ghép bằng gỗ óc chó rất đẹp trong phòng họp hội đồng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Khi Chủ Tịch Hinckley nói cho Ông Gorbachev biết loại gỗ đó từ đâu ra, thì Ông Gorbachev lấy làm kinh ngạc! Loại gỗ đó đã đến từ chính nơi sinh của ông ở Nga!8 Thái độ của ông trở nên thân thiện ngay lập tức.

Chủ Tịch Hinckley luôn luôn lạc quan, một kết quả tự nhiên của đức tin trọn vẹn nơi Chúa. Trong gần 13 năm làm Chủ Tịch, ông đã hướng dẫn Giáo Hội qua một thời kỳ đổi mới đáng kể, kể cả cách thiết kế các đền thờ nhỏ, việc xây cất Trung Tâm Đại Hội, loan báo sẽ xây cất 79 đền thờ mới và lễ cung hiến hay tái cung hiến 95 trong số 124 đền thờ đang hoạt động lúc bấy giờ. Tầm nhìn xa của Chủ Tịch Hinckley, và điều mà ông tự đòi hỏi nơi ông vì tầm nhìn xa đó, thì không có giới hạn.

Chủ Tịch Hinckley là một chuyên gia về lịch sử Giáo Hội. Ông cũng là một vị tiên kiến. Vì vậy, ông không sợ hãi khi nói về tương lai. Chúng ta hãy nghe lời nói của ông: “Chính nghĩa này [của Đấng Ky Tô] sẽ tiếp tục trong vẻ uy nghi và quyền năng trên khắp thế gian. Việc thuyết giảng phúc âm sẽ xảy ra ở những chỗ mà hiện chưa được phép thuyết giảng. Đấng Toàn Năng, nếu cần thiết, có thể bắt các dân tộc phải hạ mình và làm cho họ phải lắng nghe các tôi tớ của Thượng Đế hằng sống. Bất cứ điều gì cần thiết phải xảy ra thì sẽ xảy ra thôi.”9

Bây giờ Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri tại thế của Chúa trên thế gian. Chúng ta yêu mến ông biết bao, chúng ta tán trợ và cầu nguyện cho ông! Và chúng ta học hỏi được từ ông biết bao nhiêu! Hãy nghĩ về ông. Ông được kêu gọi với tư cách là giám trợ lúc 22 tuổi. Tiểu giáo khu của ông gồm có 80 góa phụ. Ông được kêu gọi là một Sứ Đồ lúc 36 tuổi. Chủ Tịch Monson đã sống cuộc sống của ông theo phương châm “Nếu Chúa cần một điều gì đó phải được thực hiện, thì tôi muốn Ngài biết rằng Ngài có thể trông cậy vào Tom Monson để làm điều đó.”10

Ông đã cho chúng ta thấy cách tìm đến giải cứu một người. Ông đã dạy cho chúng ta bằng cách nêu gương rằng chăm sóc người khác là luôn luôn quan trọng hơn việc quản lý thời gian, hoặc các buổi họp, hay lịch trình.

Trong suốt cuộc đời của ông, Chủ Tịch Monson thường lấy các lộ trình một cách ngẫu nhiên để về nhà sau một ngày dài làm việc của ông. Đôi khi ông ngừng lại tại một bệnh viện để an ủi những người đau buồn. Những ngày khác, ông được dẫn dắt đến ghé thăm những ngôi nhà nhất định nào đó. Thường thì tiếng gõ cửa bất ngờ của ông đã được đáp ứng với một khuôn mặt đẫm lệ của một người nói những lời như sau: “Làm sao giám trợ biết hôm này là ngày giỗ của con gái chúng tôi?” Hoặc “Làm thế nào giám trợ biết hôm nay là ngày sinh nhật của tôi?”

Trong suốt cuộc đời của ông, Chủ Tịch Monson thường cho thấy hai đức tính cơ bản mà làm cho các vị tiên tri của Thượng Đế trở thành các vị lãnh đạo phi thường của Thượng Đế: Trước hết, ông đã cho thấy bằng tấm gương về các giáo lệnh lớn thứ nhất và thứ hai---hết lòng kính mến Thượng Đế và yêu thương người lân cận của chúng ta, con cái của Thượng Đế, như chúng ta yêu bản thân mình. Và thứ hai, mỗi vị tiên tri biết cách nhận được mặc khải và đáp ứng một cách nhanh chóng khi mặc khải đến. Chủ Tịch Thomas S. Monson là hiện thân của việc lãnh đạo ngay chính.

Các vị tiên tri của Thượng Đế có chung nhiều thuộc tính. Một thuộc tính là mỗi vị tiên tri đều hiểu được tầm quan trọng của luật pháp thiêng liêng. Sự hiểu biết luật pháp thiêng liêng và có hiệu quả đi kèm theo việc lãnh đạo ngay chính. Các em càng có thể biết thêm---và quan trọng hơn nữa là cách các em sống theo--- luật pháp của Thượng Đế thì sự lãnh đạo ngay chính của các em sẽ càng hiệu quả hơn.

Khi tôi còn là một sinh viên y khoa trẻ tuổi, thì việc nghiên cứu kỹ của tôi về cơ thể con người đã thuyết phục tôi rằng Thượng Đế hằng sống. Và khi bắt đầu biết rằng cơ thể là tạo vật của Thượng Đế, thì tôi đã trở nên càng ngày càng thích thú với các định luật của Thượng Đế mà chi phối chức năng của cơ thể. Qua việc nghiên cứu sâu rộng trong phòng thí nghiệm, về sau tôi đã biết được định luật chi phối nhịp đập của trái tim. Ngoài ra, tôi còn biết được rằng trái tim đang đập an toàn có thể tạm thời ngừng lại để tạo điều kiện cho những sửa chữa phẫu thuật tinh tế. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thay đổi tỷ lệ natri/kali trong lượng máu cung cấp cho trái tim. Về sau, khi được nuôi dưỡng bằng máu với tỷ lệ natri/kali bình thường, thì trái tim sẽ đập bình thường trở lại. Những khám phá này chứng tỏ là có thể biết trước được, đáng tin cậy được, và có thể được lặp lại.

Gần đây tôi đã có cơ hội để giải thích điều này với một lớp học trong trường y. Một giáo sư uyên bác có mặt ở đó đã hỏi tôi: “Nhưng nếu nó không hoạt động thì sao?”Tôi trả lời: “Nó luôn luôn hoạt động! Nó hoạt động theo định luật thiêng liêng.”

Định luật thiêng liêng không thể chối cãi và bác bỏ được. Định luật thiêng liêng không thể bị chối bỏ hay tranh cãi được. Và khi luật pháp của Thượng Đế được vâng theo, thì luôn luôn đưa đến các phước lành liên quan! Các phước lành luôn luôn căn cứ vào sự vâng phục luật pháp đang áp dụng.11

Những người ủng hộ thuyết hiện sinh có thể dẫn giải; những người theo thuyết tương đối có thể hợp lý hóa quan điểm kiềm chế của họ về sự thật tế---rằng lẽ thật chỉ là một kinh nghiệm chủ quan---nhưng luật pháp là luật pháp! Lẽ thật của Thượng Đế là có thật! Điều gì Thượng Đế phán là đúng thì phải đúng! Và điều gì Ngài nói là sai thì là sai!

Đó là lý do tại sao các em bắt buộc phải biết luật pháp của Thượng Đế. Các luật pháp này chi phối vũ trụ này và rất nhiều vũ trụ khác. Khi luật pháp thiêng liêng bị vi phạm, thì các hậu quả theo sau. Mặc dù chúng ta đau lòng giùm cho những người vi phạm luật pháp của Thượng Đế, nhưng hình phạt phải được trả. Luật pháp thiêng liêng phải được tuân theo.

Tôi biết được điều này với tư cách là bác sĩ phẫu thuật của Chủ Tịch Spencer W. Kimball. Khi máy trợ tim được cấy ghép vào trái tim của ông bất ngờ không hoạt động, Chủ Tịch Kimball trở lại với tôi để được giúp đỡ. Nhưng trước hết, ông đã yêu cầu tôi ban cho ông một phước lành của chức tư tế. Sau việc ban phước lành này, mà hứa sẽ sửa chỉnh máy trợ tim đã không hoạt động của ông thì ông nói với tôi: “Bây giờ anh có thể làm bất cứ điều gì anh cần phải làm để làm cho phước lành đó trở thành hiện thực.”

Tôi tiến hành cuộc phẫu thuật. Trên sợi dây dẫn điện từ máy trợ tim đến tim ông, tôi bắt gặp một chỗ nứt trong phần cách nhiệt. Khi tôi thay thế sợi dây bị hỏng thì ngay lập tức máy trợ tim đã hoạt động lại, cho phép tim của Chủ Tịch Kimball đập bình thường. Ngay cả đối với vị tiên tri của Thượng Đế cũng không thể làm ngơ định luật liên quan đến việc truyền tải điện.

Thật vậy, Chủ Tịch Kimball là vị tiên tri của Thượng Đế. Khi tôi nhìn kỹ ông qua vài căn bệnh khác nhau và quan sát việc nghiên cứu thấu đáo và sâu sắc của ông khi ông tìm kiếm sự mặc khải, thì ông chính là người thầy của tôi. Tình yêu thương của tôi dành cho ông là vô hạn!

Trong khi thế gian đầy bấp bênh thì không cần phải có sự ngờ vực trong tâm trí của các em về điều gì đúng và điều gì không đúng. Sự ngờ vực nảy sinh từ thông tin không hoàn hảo hoặc xa lạ. Là một Sứ Đồ, tôi khẩn nài với các em phải tìm hiểu các luật pháp bất di bất dịch của Thượng Đế. Hãy tìm hiểu các luật pháp này bằng cách nghiên cứu và bằng đức tin. Điều đó có nghĩa là, trong số những điều khác, “phải sống theo từng lời nói phán ra từ miệng của Thượng Đế.”12

Hãy cầu nguyện để phân biệt giữa các luật pháp của Thượng Đế và triết lý của loài người, kể cả những điều giả mạo đầy xảo quyệt của kẻ nghịch thù. Qua nhiều thời kỳ, Lu Xi Phe đã rèn luyện mánh khóe của nó. Nó rất khéo léo trong việc làm xao lãng, xuyên tạc, lừa gạt, và hướng dẫn sai. Tôi khẩn nài các em hãy tránh cạm bẫy đầy xảo quyệt của nó như thể các em tránh một bệnh dịch!

Những cái bẫy do Sa Tan thiết kế chỉ có thể mang lại cho các em đau khổ, sự giam cầm phần thuộc linh, và cái chết.13 Điều này luôn luônđúng sự thật. Hậu quả đáng buồn của việc đầu hàng các cám dỗ của Lu Xi Phe là có thể biết trước được, có căn cứ, có thể được lặp lại và đáng tiếc.

Ngược lại, tôi hứa rằng khi các em tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, khi các em sống theo các luật pháp của Ngài, thì các em sẽ trở nên càng ngày càng tự do. Sự tự do này sẽ cho các em thấy bản tính thiêng liêng của các em và cho phép cá nhân các em được phát triển. Các em sẽ thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Các em sẽ được tự do để làm con người mà mình muốn trở thành---một người lãnh đạo ngay chính có hiệu quả. Các em sẽ sẵn sàng để hướng dẫn bằng lời giáo huấn và bằng tấm gương bất cứ nơi nào các em được cần đến. May thay, các phước lành của việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế cũng có thể biết trước được, đáng tin cậy được, và có thể được lặp lại.

Là tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Ngài, chúng ta biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Chủ Tể của chúng ta, là Đấng Thầy thượng đẳng của chúng ta. Là một người thật sự của thiên niên kỷ, các em được sinh ra để làm một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thực tế, cách duy nhất để trở thành một người thực thụ của thiên niên kỷ phải là một trong các môn đồ chân chính của Ngài!

Làm thế nào các em có thể tăng trưởng trong vai trò môn đồ của mình? Tôi có một lời mời---thật ra đó là một sự chỉ định---cho các em mà sẽ giúp ích nếu các em chọn để chấp nhận lời mời này. Bắt đầu từ buổi tối hôm nay, hãy hiến dâng một phần thời gian của mình mỗi tuần để nghiên cứu tất cả mọi điều mà Chúa Giê Su đã phán và làm theo như đã được ghi lại trong Kinh Cựu Ước, vì Ngài là Đức Giê Hô Va của thời Cựu Ước. Hãy nghiên cứu các luật pháp của Ngài như đã được ghi lại trong Kinh Tân Ước, vì Ngài chính là Đấng Ky Tô của thời Tân Ước. Hãy nghiên cứu giáo lý của Ngài như đã được ghi trong Sách Mặc Môn, vì không có cuốn thánh thư nào mà trong đó sứ mệnh và giáo vụ của Ngài được mặc khải rõ ​​hơn. Và hãy nghiên cứu lời Ngài như đã được ghi trong Giáo Lý và Giao Ước, vì Ngài vẫn tiếp tục giảng dạy cho dân Ngài trong gian kỳ này.

Điều này có thể dường như một sự chỉ định lớn lao, nhưng tôi khuyến khích các em hãy chấp nhận. Nếu các em tiến hành việc tìm hiểu với tất cả khả năng của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, thì tôi hứa với các em rằng tình yêu thương của các em dành cho Ngài, và cho các luật pháp của Thượng Đế, sẽ phát triển nhiều hơn điều các em đang tưởng tượng. Tôi cũng hứa với các em rằng khả năng của các em để từ bỏ tội lỗi sẽ gia tăng. Ước muốn của các em để tuân giữ các giáo lệnh sẽ tăng cao. Các em sẽ thấy mình có khả năng tốt hơn để đi ra khỏi những cuộc giải trí và những cái bẫy của những người chế nhạo các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Để phụ giúp các em, hãy tra cứu Sách Hướng Dẫn Thánh Thư để tham khảo dưới chủ đề “Chúa Giê Su Ky Tô.”14

Hãy nghiên cứu tất cả mọi điều về Chúa Giê Su Ky Tô một cách thành tâm và siêng năng cùng tìm cách hiểu điều mà mỗi danh hiệu và tên gọi khác nhau của Ngài có nghĩa là gì đối với cá nhân của các em. Ví dụ, Ngài thực sự là Đấng Biện Hộ của các em với Đức Chúa Cha. Ngài sẽ đứng về phía các em. Ngài sẽ bênh vực cho các em. Ngài sẽ nói thay cho các em, luôn luôn, khicác em chọn được giống như Ngài hơn.15

Hãy nhận biết Ngài bằng cách nghiên cứu tất cả những điều Ngài tiếp tục giảng dạy qua các vị tiên tri và sứ đồ tại thế của Ngài. Hãy nghiên cứu “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Hãy nghiên cứu tài liệu“Đấng Ky Tô Hằng Sống.”Hai tài liệu này đều được nhận bằng sự mặc khải. Hãy tải hai tài liệu này trực tuyến và dán chúng nơi nào mà các em có thể thấy được hàng ngày.

Những lời được mặc khải đó là những điều mà mỗi Thánh Hữu Ngày Sau chân chính tin tưởng. Hãy cầu nguyện để nhận được một sự làm chứng rằng các lẽ thật đó tiêu biểu cho luật pháp thiêng liêng. Hãy học cách bày tỏ các lẽ thật đó bằng lời riêng của các em. Hãy thực hành đi! Sau đó, cầu nguyện và tìm kiếm cơ hội để nói điều mà các em tin. Khả năng của các em để hướng dẫn và có được ảnh hưởng ngay chính sẽ gia tăng khi các em làm như vậy.

Đến một ngày nào đó, các em sẽ trình diện trước Đấng Cứu Rỗi. Lòng các em sẽ tràn đầy cảm xúc đến rơi lệ khi được ở trong sự hiện diện thiêng liêng của Ngài. Các em sẽ rất khó tìm ra những lời cảm tạ Ngài vì Ngài đã chuộc trả tội lỗi của các em, đã tha thứ cho các em về bất cứ sự tàn nhẫn nào của các em đối với người khác, để chữa lành cho các em khỏi những thương tích và bất công của cuộc đời này.

Các em sẽ cám ơn Ngài vì đã thêm sức cho các em để làm điều không thể làm được, để biến những yếu kém của các em thành những ưu điểm, và để làm cho các em có thể sống với Ngài và gia đình của các em vĩnh viễn. Danh tính của Ngài, Sự Chuộc Tội của Ngài, và các thuộc tính của Ngài sẽ trở nên riêng tư và thực sự cho các em.

Nhưng các em không cần phải chờ đợi cho đến khi đó. Bây giờ, hãy chọn làm một trong số các môn đồ chân chính của Ngài. Hãy là một người thật sự yêu mến Ngài, thật sự muốn phục vụ và dẫn dắt như Ngài đã làm.16

Chúng ta là dân của Ngài! Chúng ta đang lập giao ước để mang sứ điệp phúc âm đến mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc. Khi cố gắng có ý định để trở thành những người lãnh đạo ngay chính, thì chúng ta có thể cùng đồng lòng hát bài “Chúng ta hãy dấn bước trong công việc của Chúa.”17

Giờ đây, với tư cách là một trong Các Sứ Đồ của Ngài, tôi cầu xin được để lại một phước lành cho mỗi em. Tôi ban phước cho các em để học hỏi và sống theo các luật pháp của Thượng Đế. Tôi ban phước cho các em để làm một tấm gương tốt, trong lời nói và hành động, của một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi ban phước cho các em được thoát khỏi tội lỗi, để tỏa chiếu sự tốt lành và ánh sáng trong cách mà sẽ thu hút những người khác cũng muốn biết và cảm nhận được nguồn ánh sáng của các em. Tôi ban phước cho các em được thành công trong các nỗ lực học hành và nghề nghiệp của các em. Tôi ban phước cho các em để tìm kiếm và chăm sóc cho người bạn đời đức hạnh của các em. Và tôi ban phước cho mỗi em sẽ là một người lãnh đạo ngay chính trong gia đình, cộng đồng, đất nước của các em, và trong Giáo Hội.

Tôi ban phước cho các em như vậy và tuyên bố rằng Thượng Đế hằng sống! Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô! Đây là Giáo Hội của Ngài! Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11; An Ma 32:6.

  2. Xin xem LDS.org. Ứng dụng Thư Viện Phúc Âm cũng có nhiều nguồn tài liệu để giúp các em trong việc học tập.

  3. Xin xem Spencer J. Condie, Russell M. Nelson: Father, Surgeon, Apostle (2003), 165.

  4. Xin xem Sheri L. Dew, Ezra Taft Benson: A Biography (1987), 197–227.

  5. Thư của Harold B. Lee gửi cho Ezra Taft Benson, ở Dew, Ezra Taft Benson, 224.

  6. Xin xem 2 Nê Phi 27:20–21.

  7. Ezra Taft Benson, ở Dew, Ezra Taft Benson, viii.

  8. Xin xem Condie, Russell M. Nelson, 279.

  9. Gordon B. Hinckley, “Look to the Future,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 68.

  10. Cuộc nói chuyện riêng với Chủ Tịch Thomas S. Monson.

  11. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21.

  12. Giáo Lý và Giao Ước 84:44.

  13. Xin xem 2 Nê Phi 2:27.

  14. Xin xem Topical Guide, “Jesus Christ.” Ngoài các văn bản dưới tiêu đề quan trọng đó ra còn có 57 tiêu đề phụ về Ngài. Với các ấn bản thánh thư không phải bằng tiếng Anh, hãy sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Hãy để cho tài liệu này trở thành chương trình giảng dạy cá nhân của các em.

  15. Xin xem 3 Nê Phi 27:27.

  16. A Bi Na Đi cảnh cáo những người bất chính đã bắt ông: “Các người đã không đem hết lòng mình tìm hiểu” (Mô Si A 12:27). Các em có thể nhận thấy cùng một điểm tương tự trong số những người chống đối của thế hệ các em.

  17. “Let Us All Press On,” Hymns, số 243.