Nhận Được Đức Thánh Linh
Sáu chữ—“Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh”—không phải là một lời tuyên bố tiêu cực; thay vì thế, những chữ này cấu thành một mệnh lệnh của chức tư tế—lời khuyên nhủ có thẩm quyền để hành động chứ không phải chỉ bị tác động.
Sứ điệp của tôi tập trung vào tầm quan trọng về nỗ lực trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta để thật sự nhận được Đức Thánh Linh. Tôi cầu nguyện và thỉnh mời Thánh Linh của Chúa chỉ dẫn cùng gây dựng mỗi người chúng ta.
Ân Tứ Đức Thánh Linh
Vào tháng Mười Hai năm 1839, trong khi đang ở Washington D.C. để cố gắng tìm cách đòi bồi thường cho những hành động sai quấy đối với Các Thánh Hữu ở Missouri, Joseph Smith và Elias Higbee viết cho Hyrum Smith: “Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Tổng Thống [Hoa Kỳ], ông đã gặng hỏi chúng tôi về khía cạnh nào mà tôn giáo của chúng ta khác với các tôn giáo khác trong thời này. Anh Joseph nói rằng chúng ta khác trong cách thức báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay. Chúng ta tin rằng tất cả các điều suy xét khác đều được chứa đựng trong ân tứ Đức Thánh Linh” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 97).
Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn; Ngài là một Đấng linh hồn và làm chứng về mọi lẽ thật. Trong thánh thư, Đức Thánh Linh được nói đến là Đấng An Ủi (xin xem Giăng 14:16–27; Mô Rô Ni 8:26), Đấng Thầy (xin xem Giăng 14:26; GLGƯ 50:14), và Đấng Mặc Khải (xin xem 2 Nê Phi 32:5). Những điều mặc khải từ Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử được truyền đạt qua Đức Thánh Linh. Ngài là sứ giả cho và nhân chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.
Đức Thánh Linh được biểu hiện cho những người nam lẫn người nữ trên thế gian với tính cách là quyền năng và ân tứ Đức Thánh Linh. Quyền năng có thể đến với một người trước khi phép báp têm; đó là sự làm chứng đầy thuyết phục rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, những người tầm đạo chân thành có thể có được một lòng tin chắc về lẽ trung thực của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, về Sách Mặc Môn, về lẽ xác thật của sự phục hồi và về sự kêu gọi làm tiên tri của Joseph Smith.
Ân tứ Đức Thánh Linh chỉ được ban cho sau khi phép báp têm thích hợp và có thẩm quyền qua phép đặt tay bởi những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chúa đã phán:
“Phải, mỗi người trong các ngươi phải hối cải và chịu phép báp têm để được xá miễn tội lỗi; phải, hãy chịu phép báp têm ngay cả bằng nước rồi đến phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh. …
“Và những người nào có đức tin thì các ngươi phải xác nhận họ trong giáo hội của ta bằng phép đặt tay, rồi ta sẽ ban ân tứ Đức Thánh Linh cho họ” (GLGƯ 33:11, 15).
Sứ Đồ Phao Lô đã làm cho lối thực hành này được rõ ràng đối với dân Ê Phê Sô khi ông hỏi:
“Từ khi anh em tin, có lãnh được Đức Thánh Linh chăng! Trả lời rằng: Chúng tôi cũng chưa nghe có Đức Thánh Linh nào.
“Người lại hỏi: Vậy thì anh em đã chịu phép báp têm nào? Trả lời rằng: Phép báp têm của Giăng.
“Phao Lô bèn nói rằng: Giăng đã làm phép báp têm về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đức Chúa Giê Su.
“Chúng nghe bấy nhiêu lời, bèn chịu phép báp têm nhân danh Đức Chúa Giê Su.
“Sau khi Phao Lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:2–6).
Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước là “giáo lễ khởi đầu của phúc âm và cần phải được theo sau bằng phép báp têm của Thánh Linh để cho được trọn vẹn” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phép Báp Têm”). Tiên Tri Joseph Smith giải thích rằng “phép báp têm là một giáo lễ thiêng liêng chuẩn bị cho việc tiếp nhận Đức Thánh Linh; đó là hệ thống và chìa khóa mà Đức Thánh Linh sẽ được phục sự. Ân tứ Đức Thánh Linh bởi phép đặt tay, không thể nhận được qua trung gian của bất cứ nguyên tắc nào khác hơn là nguyên tắc về sự ngay chính” (Teachings: Joseph Smith, 95–96).
Giáo lễ xác nhận một tín hữu mới của Giáo Hội và giáo lễ ban cho ân tứ Đức Thánh Linh đều giản dị lẫn sâu xa. Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đặt tay họ lên đầu của một cá nhân và gọi tên người này. Rồi, trong thẩm quyền của chức tư tế thánh và trong danh của Đấng Cứu Rỗi, cá nhân này được xác nhận là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và cụm từ quan trọng này được thốt ra: “Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh.”
Vẻ giản dị của giáo lễ này có thể làm cho chúng ta không chú ý tới ý nghĩa của nó. Sáu chữ—“Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh”—không phải là một lời tuyên bố tiêu cực; thay vì thế, những chữ này cấu thành một mệnh lệnh của chức tư tế—lời khuyên nhủ có thẩm quyền để hành động chứ không phải chỉ bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:26). Đức Thánh Linh không trở thành tác động trong cuộc sống của chúng ta chỉ vì việc đặt tay lên đầu của chúng ta và sáu chữ quan trọng được nói lên đó. Khi chúng ta tiếp nhận giáo lễ này, mỗi người chúng ta chấp nhận một trách nhiệm thiêng liêng và liên tục để mong muốn, tìm kiếm và sống xứng đáng để chúng ta quả thật “tiếp nhận Đức Thánh Linh” cùng các ân tứ thuộc linh đi kèm theo. “Vì nó có ích lợi gì cho một người nếu một ân tứ được ban cho kẻ đó, và kẻ đó không chấp nhận ân tứ ấy? Này, kẻ đó không vui sướng với điều được ban cho và cũng chẳng vui với Đấng ban ân tứ cho mình” (GLGƯ 88:33).
Chúng ta cần phải làm gì để cho lời khuyên nhủ có thẩm quyền này về việc tìm kiếm sự đồng hành của Đấng thứ ba trong thiên chủ đoàn luôn trở thành sự thực? Tôi xin đề nghị rằng chúng ta cần phải (1) chân thành mong muốn tiếp nhận Đức Thánh Linh; (2) thỉnh mời Đức Thánh Linh một cách thích hợp vào cuộc sống của mình; và (3) trung tín tuân theo những lệnh truyền của Thượng Đế.
Chân Thành Mong Muốn
Trước hết chúng ta cần phải mong muốn, ao ước, tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Các anh chị em và tôi có thể học một bài học quan trọng về những ước muốn ngay chính từ các môn đồ trung tín của Đấng Chủ Tể đã được mô tả trong Sách Mặc Môn.
“Và mười hai vị này giảng dạy cho đám đông; và này, các vị bảo dân chúng hãy quỳ xuống mặt đất mà cầu nguyện Đức Chúa Cha trong danh Chúa Giê Su. …
“Và họ cầu xin điều mà họ mong muốn nhất; họ mong muốn được ban cho Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 19:6, 9).
Cũng vậy, chúng ta cũng có nhớ cầu nguyện khẩn thiết và liên tục về điều chúng ta nên mong muốn nhiều nhất, chính là Đức Thánh Linh không? Hoặc chúng ta có bị xao lãng bởi những lo lắng trần tục cũng như công việc thường làm hằng ngày của cuộc sống và cho đó là điều tất nhiên hoặc còn xao lãng ân tứ quý báu nhất trong tất cả các ân tứ này không? Việc tiếp nhận Đức Thánh Linh bắt đầu với ước muốn chân thành và liên tục có được sự đồng hành của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.
Thỉnh Mời một cách Thích Hợp
Chúng ta sẵn sàng tiếp nhận và công nhận Thánh Linh của Chúa hơn khi chúng ta thỉnh mời Ngài một cách thích hợp vào cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể bắt buộc, ép buộc hoặc ra lệnh cho Đức Thánh Linh. Thay vì thế, chúng ta cần phải thỉnh mời Ngài vào cuộc sống của chúng ta với cùng một sự hòa nhã và dịu dàng là cách mà Ngài đã dạy bảo chúng ta (xin xem GLGƯ 42:14).
Lời thỉnh mời của chúng ta để có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh xảy ra bằng nhiều cách: qua việc lập và tuân giữ các giao ước; bằng cách cầu nguyện chân thành riêng cá nhân lẫn chung gia đình; bằng cách siêng năng tra cứu thánh thư; qua việc củng cố những mối quan hệ thích hợp với những người trong gia đình và bạn bè; bằng cách có được những ý nghĩ, hành động và lời lẽ đức hạnh; và bằng cách thờ phượng trong nhà của chúng ta, trong đền thờ và tại nhà thờ. Trái lại, việc hờ hững hoặc vi phạm các giao ước và những lời cam kết, không cầu nguyện và không học thánh thư, cùng có những ý nghĩ, hành động và lời lẽ không thích hợp sẽ khiến cho Thánh Linh hoàn toàn rút lui khỏi chúng ta hoặc tránh xa chúng ta.
Như Vua Bên Gia Min đã dạy dân ông: “Và giờ đây, tôi nói cho các người, là đồng bào của tôi, hay rằng, sau khi các người đã biết và đã được giáo huấn về tất cả những điều này mà nếu các người phạm giới và làm ngược lại những điều đã được nói ra, thì tức là các người đã tự lánh xa khỏi Thánh Linh của Chúa, khiến Ngài không có chỗ đứng trong các người để hướng dẫn các người vào những nẻo đường của sự khôn ngoan, ngõ hầu các người được phước, được thịnh vượng, và được bảo tồn” (Mô Si A 2:36).
Trung Tín Tuân Theo
Việc trung tín tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế đều thiết yếu để tiếp nhận Đức Thánh Linh. Chúng ta được nhắc nhở về lẽ thật này mỗi tuần khi chúng ta lắng nghe những lời cầu nguyện Tiệc Thánh và dự phần xứng đáng vào bánh và nước. Khi sẵn lòng cam kết để mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, để luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, chúng ta được hứa rằng chúng ta có thể luôn luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta (xin xem GLGƯ 20:77). Do đó, mọi điều mà phúc âm của Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta làm và trở thành là nhằm ban phước cho chúng ta với sự đồng hành của Đức Thánh Linh.
Hãy cân nhắc những lý do chúng ta cầu nguyện và học thánh thư. Vâng, chúng ta mong mỏi truyền đạt bằng lời cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng trong danh của Vị Nam Tử của Ngài. Vâng, chúng ta mong muốn đạt được ánh sáng và sự hiểu biết có sẵn trong các tác phẩm tiêu chuẩn. Nhưng xin hãy nhớ rằng những thói quen thiêng liêng này chủ yếu là những cách mà qua đó chúng ta luôn luôn tưởng nhớ đến Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài cũng như cần thiết cho sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh.
Hãy nghĩ về những lý do chúng ta thờ phượng trong nhà của Chúa và trong các buổi họp vào ngày Sa Bát. Vâng, chúng ta phục vụ thân quyến đã qua đời của mình trong đền thờ—và gia đình cùng bạn bè của chúng ta trong tiểu giáo khu và chi nhánh nơi chúng ta sống. Vâng, chúng ta vui hưởng sự giao thiệp quen biết ngay chính với các anh chị em của mình. Nhưng chúng ta chủ yếu quy tụ trong tình đoàn kết để tìm kiếm các phước lành và lời chỉ dẫn từ Đức Thánh Linh.
Cầu nguyện, học hỏi, quy tụ, thờ phượng, phục vụ và vâng lời không phải là những điều riêng biệt và độc lập trên bản liệt kê về những điều phải làm của phúc âm. Thay vì thế, mỗi lối thực hành này là một yếu tố quan trọng trong sự tìm kiếm thuộc linh bao quát để làm tròn lệnh truyền: hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh. Các lệnh truyền từ Thượng Đế mà chúng ta tuân theo và những lời khuyên đầy soi dẫn từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà chúng ta tuân theo phần lớn đều tập trung vào việc nhận được sự đồng hành của Thánh Linh. Về cơ bản, tất cả những điều giảng dạy và những sinh hoạt của phúc âm đều tập trung vào việc tiếp nhận Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta.
Các anh chị em và tôi cần phải cố gắng để trở thành giống như những chiến sĩ trẻ tuổi đã được mô tả trong Sách Mặc Môn là những người đã “tuân lệnh và chú ý thi hành mọi mệnh lệnh một cách rất chính xác; phải, và sự việc như vậy là nhờ họ có đức tin; …
“… Và họ rất nghiêm chỉnh trong việc tưởng nhớ tới Chúa, Thượng Đế của họ, hằng ngày; phải, họ luôn luôn cố gắng tuân giữ các luật lệ, các mạng lệnh và các lệnh truyền của Ngài” (An Ma 57:21; 58:40).
Chứng Ngôn
Chúa đã phán rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này” (GLGƯ 1:30). Giáo Hội được phục hồi này là chân chính vì là Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi; Ngài là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6). Và đây là một giáo hội hằng sống là nhờ vào những tác động và ân tứ của Đức Thánh Linh. Chúng ta được phước biết bao để sống trong một thời kỳ mà chức tư tế hiện hữu trên thế gian và chúng ta có thể tiếp nhận được Đức Thánh Linh.
Vài năm sau khi Tiên Tri Joseph Smith tuẫn đạo, ông đã hiện đến cùng Chủ Tịch Brigham Young và chia sẻ lời khuyên dạy bất hủ này: “Hãy bảo các tín hữu phải khiêm nhường và trung tín cùng chắc chắn tuân giữ Thánh Linh của Chúa rồi điều này sẽ hướng dẫn họ đúng. Hãy cẩn thận và đừng làm ngơ đối với tiếng nói êm nhẹ; tiếng nói này sẽ dạy cho [họ] biết phải làm điều gì và đi nơi đâu; tiếng nói này sẽ sinh ra những trái của vương quốc. Hãy nói cho các anh em tín hữu biết phải giữ lòng họ rộng mở đối với sự tin chắc, để khi Đức Thánh Linh đến với họ, lòng họ sẽ sẵn sàng để tiếp nhận Đức Thánh Linh. Họ có thể phân biệt Thánh Linh của Chúa với tất cả các linh khác. Đức Thánh Linh sẽ thì thầm sự bình an và niềm vui cho tâm hồn họ, sẽ cất đi mối hiểm độc, căm ghét, bất hòa và tất cả những điều xấu xa ra khỏi lòng họ; và ước muốn trọn vẹn của họ sẽ là làm điều tốt, mang đến sự ngay chính và xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Hãy nói cho các anh em tín hữu biết rằng nếu họ chịu tuân theo Thánh Linh của Chúa, thì họ sẽ đi đúng đường” (Teachings: Joseph Smith, 98).
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ chân thành mong muốn và thỉnh mời Đức Thánh Linh một cách thích hợp vào cuộc sống của chúng ta. Tôi cũng cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ trung tín tuân theo những lệnh truyền của Thượng Đế và thật sự tiếp nhận Đức Thánh Linh. Tôi hứa rằng các phước lành được Tiên Tri Joseph Smith mô tả cho Brigham Young biết đều có thể áp dụng và đạt được bởi mỗi cá nhân đang lắng nghe hoặc đọc sứ điệp này.
Tôi làm chứng rằng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đều có thật và hằng sống. Tôi làm chứng rằng Đức Thánh Linh là Đấng mặc khải, Đấng an ủi, và Đấng thầy tột bậc mà chúng ta cần phải học từ Ngài. Và tôi làm chứng rằng các phước lành và các ân tứ của Thánh Linh đang hoạt động trong Giáo Hội được phục hồi, chân chính và hằng sống của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau cùng này. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.