2010–2019
Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải
Tháng mười 2011


2:3

Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải

Chỉ qua sự hối cải, chúng ta mới nhận được ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sách Mặc Môn ghi chép câu chuyện về một người tên là Nê Hô. Rất dễ để hiểu lý do tại sao khi tóm lược các biên sử một ngàn năm về dân Nê Phi, Mặc Môn đã nghĩ rằng việc viết về người này và ảnh hưởng lâu dài của học thuyết đầy sức phá hoại của hắn là điều quan trọng. Mặc Môn cố gắng cảnh cáo chúng ta khi biết rằng triết lý này sẽ được giảng dạy một lần nữa trong thời kỳ chúng ta.

Lần đầu tiên Nê Hô được đề cập đến là vào khoảng 90 năm trước khi Đấng Ky Tô giáng sinh. Hắn dạy “rằng tất cả nhân loại sẽ được cứu vào ngày sau cùng, … vì Chúa đã sáng tạo ra tất cả mọi người và cũng đã cứu chuộc tất cả mọi người; và cuối cùng là tất cả mọi người sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (An Ma 1:4).

Khoảng 15 năm sau, Cô Ri Ho đến rao giảng và đẩy mạnh học thuyết của Nê Hô ở giữa dân Nê Phi. Sách Mặc Môn chép rằng hắn là “người chống báng Đấng Ky Tô, vì hắn bắt đầu thuyết giảng cho dân chúng những lời chống báng lại các điều tiên tri mà các vị tiên tri đã nói về sự hiên đến của Đấng Ky Tô ” (An Ma 30:6). Lời rao giảng của Cô Ri Ho là “sẽ không có sự chuộc tội lỗi nào cho loại người cả, trái lại, mọi người đều trải qua cuộc đời này tùy theo cách cư xử của con người; vậy nên, mọi người thịnh vượng tùy theo thiên tài của mình, và mọi người chinh phục tùy theo sức lực của mình; và bất cứ điều gì loài người làm đều không phải là tội ác” (An Ma 30:17). Các tiên tri giả này và những người đi theo họ “không tin vào sự hối cải các tội lỗi của mình” (An Ma 15:15).

Giống như trong thời kỳ của Nê Hô và Cô Ri Ho, chúng ta sống trong một thời kỳ không xa lắm trước khi Chúa Giê Su Ky Tô đến—trong trường hợp chúng ta, là thời kỳ chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Và tương tự như thế, sứ điệp về sự hối cải thường không được người ta ưa thích. Một số người cho rằng nếu có Thượng Đế, thì Ngài cũng không thật sự đòi hỏi gì nơi chúng ta (xin xem An Ma 18:5). Những người khác cho rằng một Thượng Đế nhân từ tha thứ tất cả tội lỗi nếu chỉ thú tội một cách đơn giản, hoặc nếu thật sự có một hình phạt vì tội lỗi, thì “Thượng Đế cũng chỉ đánh chúng ta ít roi, rồi sau cùng chúng ta vẫn được cứu rỗi vào vương quốc của Thượng Đế” (2 Nê Phi 28:8). Những người khác, cùng với Cô Ri Ho, chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Ky Tô cũng như sự hiện hữu của tội lỗi. Học thuyết của họ là các giá trị, tiêu chuẩn và ngay cả lẽ thật đều chỉ là tương đối. Do đó, bất cứ điều gì một người cảm thấy là đúng đối với mình thì không thể bị những người khác phê phán là sai lầm hay có tội.

Thoạt tiên, những triết lý như vậy dường như đầy hấp dẫn vì chúng cho phép chúng ta chiều theo ham muốn hoặc dục vọng mà không cần quan tâm đến hậu quả. Bằng cách sử dụng những điều giảng dạy của Nê Hô và Cô Ri Ho, chúng ta có thể hợp lý hóa và biện minh cho bất cứ điều gì. Khi các vị tiên tri đến rao giảng sự hối cải, thì điều đó sẽ “tạt gáo nước lạnh vào mặt họ.” Nhưng thực tế thì sự kêu gọi của vị tiên tri cần phải được tiếp nhận với niềm vui. Nếu không có sự hối cải, thì sẽ không có tiến triển hay cải tiến thật sự trong cuộc sống. Việc giả vờ nghĩ rằng không có tội lỗi không làm giảm gánh nặng và nỗi đau đớn vì tội lỗi. Nỗi đau khổ vì tội lỗi tự nó không thay đổi bất cứ điều gì để được tốt hơn. Chỉ có sự hối cải mới dẫn đến một cuộc sống tốt hơn. Và, dĩ nhiên, chỉ qua sự hối cải, chúng ta mới nhận được ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự cứu rỗi. Sự hối cải là một ân tứ thiêng liêng và cần phải tươi cười khi nói về ân tứ đó. Ân tứ này hướng chúng ta đến tự do, sự tự tin và bình an. Ân tứ về sự hối cải là nguyên nhân để vui mừng thật sự, chứ không làm gián đoạn niềm vui.

Sự hối cải chỉ có thể có được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà thôi. Chính là sự hy sinh vô hạn của Ngài “đem lại cho loài người một phương tiện để họ có được đức tin đưa đến sự hối cải” (An Ma 34:15). Sự hối cải là điều kiện cần thiết và ân điển của Đấng Ky Tô là quyền năng để nhờ đó “lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý” (An Ma 34:16). Chứng ngôn của chúng ta là như sau:

“Chúng tôi cũng biết rằng sự biện minh [hay sự tha thứ các tội lỗi] nhờ ân điển của Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, là công bình và chân thật;

“Và chúng tôi cũng biết rằng việc thánh hóa [hay làm sạch khỏi kết quả của tội lỗi] nhờ ân điển của Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, là công bình và chân thật, đối với những ai biết yêu thương và phục vụ Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình” (GLGƯ 20:30–31).

Sự hối cải là một đề tài rộng lớn, nhưng hôm nay, tôi chỉ muốn đề cập đến năm khía cạnh của nguyên tắc phúc âm cơ bản này mà tôi hy vọng là sẽ hữu ích.

Thứ nhất, lời mời để hối cải là một cách biểu lộ tình yêu thương. Khi Đấng Cứu Rỗi “khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” (Ma Thi Ơ 4:17), thì đó là một sứ điệp về tình yêu thương, mời gọi tất cả mọi người được hội đủ điều kiện để cùng với Ngài “hưởng những lời về cuộc sống vĩnh cửu trong thế gian này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế gian này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (Môi Se 6:59). Nếu chúng ta không mời những người khác thay đổi hoặc không tự đòi hỏi mình phải hối cải, thì chúng ta không làm tròn bổn phận cơ bản đối với nhau và đối với bản thân mình. Một người cha hay mẹ để cho con cái mình phạm tội, một người bạn quá khoan dung đối với lỗi lầm của bạn mình, một vị lãnh đạo Giáo Hội thường sợ sệt đều thật sự quan tâm đến bản thân họ hơn là sự an lạc và hạnh phúc của những người mình có thể giúp đỡ. Vâng, đôi khi sự kêu gọi hối cải được xem như là cố chấp hay xúc phạm, và thậm chí căm ghét, nhưng trên thực tế đó là một hành động quan tâm thật lòng (xin xem GLGƯ 121:43–44).

Thứ hai, sự hối cải có nghĩa là cố gắng thay đổi. Thật là điều nhạo báng nếu chúng ta trông mong rằng nỗi thống khổ của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự cho chúng ta sẽ biến đổi chúng ta thành những người thánh thiện mà không có nỗ lực thật sự nào của mình cả. Thay vì thế, chúng ta tìm kiếm ân điển của Ngài để hoàn thành và tưởng thưởng cho các nỗ lực chuyên cần nhất của mình (xin xem 2 Nê Phi 25:23). Có lẽ chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều để có được thời giờ và cơ hội để làm việc, cố gắng và khắc phục tội lỗi cũng như để có được lòng thương xót. Chắc chắn Chúa sẽ hài lòng với một người mong muốn được xứng đáng để đến nơi phán xét, mỗi ngày quyết tâm cố gắng thay thế khuyết điểm bằng ưu điểm. Sự hối cải và thay đổi thật sự có thể đòi hỏi những cố gắng liên tục, nhưng có một điều gì đó tinh luyện và thánh thiện trong cố gắng đó. Sự tha thứ và chữa lành thiêng liêng đến một cách khá tự nhiên với một tâm hồn như vậy, vì quả thật “đức hạnh thương yêu đức hạnh, ánh sáng gắn bó với ánh sáng; lòng thương xót động lòng trước lòng xót thương và đòi hỏi những gì của nó” (GLGƯ 88:40).

Với sự hối cải, chúng ta có thể tiến triển đều đặn trong khả năng của mình để sống theo luật thiên thượng, vì chúng ta nhận biết rằng “kẻ nào không tuân theo luật pháp của vương quốc thượng thiên thì không thể đương nổi vinh quang thượng thiên được” (GLGƯ 88:22).

Thứ ba, sự hối cải có nghĩa là không những từ bỏ tội lỗi mà còn cam kết để vâng lời nữa. Bible Dictionary (Tự Điển Kinh Thánh) dạy rằng: “Sự hối cải có nghĩa là hướng lòng và ý nghĩ mình đến Thượng Đế, [cũng như] từ bỏ tội lỗi mà bản tính chúng ta thường phạm phải.”1 Một trong vài ví dụ về lời giảng dạy này từ Sách Mặc Môn được tìm thấy trong những lời của An Ma cho một trong số các con trai của ông:

“Vì lòng kính sợ Thượng Đế, cha truyền lệnh cho con, hỡi con trai của cha, con hãy dằn lại những điều bất chính của mình;

“Để quay về với Chúa với tất cả tâm trí, năng lực, và sức mạnh của mình” (An Ma 39:12–13; xin xem thêm Mô Si A 7:33; 3 Nê Phi 20:26; Mặc Môn 9:6).

Muốn việc quay về với Chúa được trọn vẹn, thì cần phải không có điều gì ngoại trừ một giao ước để vâng lời Ngài. Chúng ta thường nói tới giao ước này là giao ước báp têm vì giao ước này cho thấy việc báp têm trong nước (xin xem Mô Si A 18:10). Phép báp têm của Đấng Cứu Rỗi nêu ra tấm gương cho chúng ta cần phải noi theo, xác nhận giao ước vâng lời của Ngài với Đức Chúa Cha. “Dù thánh thiện, Ngài vẫn chứng tỏ cho con cái loài người biết rằng, theo thể cách xác thịt Ngài cũng phải hạ mình trước mặt Đức Chúa Cha, và chứng tỏ cho Đức Chúa Cha thấy rằng, Ngài vâng lời và tuân giữ những lệnh truyền của Đức Chúa Cha” (2 Nê Phi 31:7). Nếu không có giao ước này, sự hối cải vẫn không đầy đủ và sự xá miễn các tội lỗi không thể nhận được.2 Giáo Sư Noel Reynolds đưa ra lời phát biểu đáng ghi nhớ: “Chọn để hối cải là chọn cắt hết mọi con đường [quyết tâm] để vĩnh viễn chỉ đi theo một con đường, một con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.”3

Thứ tư, sự hối cải đòi hỏi con người phải có ý định nghiêm chỉnh và sẵn lòng kiên trì, thậm chí phải đau khổ. Đối với một số người, việc cố gắng lập ra một bản liệt kê những bước cụ thể để hối cải cũng có thể hữu ích, nhưng việc này cũng có thể đưa đến một phương pháp máy móc không cần suy nghĩ hay thay đổi thực sự, vì đó chỉ là một bản liệt kê những bước để làm theo mà thôi. Chân thành hối cải không phải là việc làm hời hợt. Chúa đưa ra cho chúng ta hai đòi hỏi bao quát: “Qua cách thức này, các người có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không—này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó” (GLGƯ 58:43).

Hai khái niệm thú tội và từ bỏ đều có tác động mạnh mẽ. Hai khái niệm thú tội và từ bỏ này phức tạp nhiều hơn là chỉ đơn giản nói “Tôi nhận lỗi; tôi xin lỗi.” Thú tội là thừa nhận sâu xa, đôi khi đầy thống khổ về lỗi lầm và sự xúc phạm đến Thượng Đế và con người. Nỗi buồn phiền, hối tiếc và những giọt lệ đau đớn thường đi kèm theo với lời thú tội của một người, nhất là khi những hành động của người này gây ra đau đớn cho một người khác, hay tệ hơn nữa, đã dẫn dắt người khác đến việc phạm tội. Chính là nỗi đau đớn cùng cực này, quan điểm này về những điều đúng với sự thật hiện hữu, đã khiến một người như An Ma phải kêu lên: “Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ ở trong mật đắng và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết” (An Ma 36:18).

Với đức tin nơi Đấng Cứu Chuộc đầy lòng thương xót và nơi quyền năng của Ngài, nỗi thất vọng sẽ biến thành hy vọng. Chính tấm lòng và ước muốn của một người sẽ thay đổi, và tội lỗi mà có lúc trông hấp dẫn bây giờ trở nên càng ngày càng ghê tởm. Giờ đây trong tấm lòng mới mẻ đó nảy sinh quyết tâm từ bỏ tội lỗi và sửa chữa, đền bù điều thiệt hại do người ấy gây ra một cách càng trọn vẹn càng tốt. Chẳng bao lâu, quyết tâm này phát triển thành một giao ước để vâng lời Thượng Đế. Sau khi đã lập giao ước đó, Đức Thánh Linh, sứ giả của ân điển thiêng liêng, sẽ mang đến sự trợ giúp và tha thứ. Người này sẽ được soi dẫn để một lần nữa để nói với An Ma: “Và ô kìa, sự vui mừng biết bao, và cha đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, tâm hồn cha tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khác chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy!” (An Ma 36:20).

Bất cứ nỗi đau đớn nào xảy đến trong khi hối cải đều luôn luôn ít hơn nỗi đau khổ cần để thỏa mãn công lý đối với sự phạm giới chưa được giải quyết. Tuy Đấng Cứu Rỗi không phán nhiều về điều Ngài đã chịu đựng để thỏa mãn được đòi hỏi của công lý và chuộc tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài đã tiết lộ như sau:

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy” (GLGƯ 19:16–18).

Thứ năm, dù sự hối cải gây ra đau đớn đến đâu đi nữa, thì nỗi đau đớn đó cũng được đền bù với niềm vui được tha thứ. Trong một bài nói chuyện tại đại hội trung ương có tựa đề “Buổi Sáng Rực Rỡ của Sự Tha Thứ,” Chủ Tịch Boyd K. Packer đã đưa ra phép so sánh tương đồng này:

“Vào tháng Tư năm 1847, Brigham Young đã dẫn nhóm người tiền phong đầu tiên ra khỏi Khu Tạm Trú Mùa Đông. Cũng vào lúc ấy, cách đó 2.575 kilômét ở phía tây, những người sống sót đáng thương của Đoàn Donner đang lang thang đi xuống sườn núi Sierra Nevada Mountains để vào Thung Lũng Sacramento.

“Họ đã trải qua mùa đông khắc nghiệt, bị các mảng tuyết lớn cuốn đi dưới đỉnh núi. Gần như không thể tưởng tượng nổi có một ai có thể sống sót qua những ngày tháng đói khát và thống khổ không thể diễn tả được.

“Một trong số những người sống sót này là John Breen, một thiếu niên mười lăm tuổi. Vào đêm 24 tháng Tư, cậu ta đi vào Nông Trại của Johnson. Nhiều năm sau, John viết:

“‘Khi trời hừng sáng, thì chúng tôi đã tới Nông Trại của Johnson, vì thế đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nông trại đó vào buổi sáng sớm. Thời tiết tốt, mặt đất bao phủ với thảm cỏ xanh, chim chóc ca hát từ các ngọn cây và cuộc hành trình đã kết thúc. Tôi khó có thể tin rằng mình còn sống.

“‘Cảnh tượng tôi nhìn thấy buổi sáng hôm đó dường như in sâu vào tâm trí tôi. Hầu hết những biến cố đều đã xóa tan khỏi ký ức, nhưng tôi vẫn luôn luôn có thể thấy được chỗ cắm trại gần Nông Trại của Johnson.’”

Chủ Tịch Packer nói: “Thoạt đầu, tôi không hiểu câu nói của cậu ta rằng ‘hầu hết những biến cố đều đã xóa tan khỏi ký ức.’ Làm thế nào những tháng dài đau khổ và u buồn khủng khiếp lại có thể được xóa tan khỏi tâm trí của cậu ta được? Làm thế nào mùa đông khắc nghiệt tăm tối đó lại có thể được thay thế với một buổi sáng rực rỡ được?

“Sau khi suy nghĩ thêm về điều này, thì tôi thấy là không có gì là khó hiểu cả. Tôi đã thấy một điều tương tự xảy ra đối với những người tôi quen biết. Tôi đã thấy một người đã bước vào buổi sáng của sự tha thứ, sau một mùa đông dài với tội lỗi và thiếu vắng phần thuộc linh. Khi buổi sáng đó đến, họ đã biết được điều này:

“‘Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa sẽ không nhớ tới những tội lỗi đó nữa’ [GLGƯ 58:42].”4

Tôi cảm tạ với lòng biết ơn và làm chứng rằng nỗi đau khổ không thể hiểu nổi, cái chết và Sự Phục Sinh của Chúa chúng ta “đem đến một điều kiện hối cải” (Hê La Man 14:18). Ân tứ thiêng liêng về sự hối cải là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau. Bằng những lời phán của Đấng Cứu Rỗi và lòng khiêm nhường cùng tình yêu thương sâu đậm, tôi xin mời tất cả mọi người “hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” (Ma Thi Ơ 4:17). Tôi biết rằng khi chấp nhận lời mời này, các anh chị em sẽ tìm ra niềm vui cả bây giờ lẫn vĩnh viễn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Bible Dictionary, “Sự Hối Cải.”

  2. Sách Mặc Môn nhắc đi nhắc lại về việc “được báp têm để hối cải” (xin xem Mô Si A 26:22; An Ma 5:62; 6:2; 7:14; 8:10; 9:27; 48:19; 49:30; Hê La Man 3:24; 5:17, 19; 3 Nê Phi 1:23; 7:24–26; Mô Rô Ni 8:11). Giăng Báp Tít cũng dùng những lời giống như thế (xin xem Ma Thi Ơ 3:11), và Phao Lô nói về “phép báp têm về sự ăn năn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:4). Cụm từ đó cũng xuất hiện trong Giáo Lý và Giao Ước (xin xem GLGƯ 35:5; 107:20). “Được báp têm để hối cải” chỉ đơn thuần ám chỉ sự thật là phép báp têm với giao ước vâng lời chính là chìa khóa của sự hối cải. Với sự hối cải hoàn toàn, kể cả phép báp têm, một người sẽ hội đủ điều kiện để nhận được phép đặt tay để có được ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Giăng 3:5) và được xá miễn các tội lỗi: “Vì cổng mà các người phải đi vào tức là sự hối cải và phép báp têm bằng nước vậy; và tiếp đó là sự xá miễn các tội lỗi của các người bằng lửa và Đức Thánh Linh” (2 Nê Phi 31:17).

  3. Noel B. Reynolds, “The True Points of My Doctrine,” Journal of Book of Mormon Studies, tập 5, số 2 (1996): 35; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Boyd K. Packer, trong Conference Report, tháng Mười năm 1995, 21; xin xem thêm “The Brilliant Morning of Forgiveness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 18.