2010–2019
Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện
Tháng tư 2013


16:12

Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện

Khi đứng vững và tuân theo giáo lý của Thượng Đế của mình, chúng ta đang đứng tại những nơi thánh thiện, vì giáo lý của Ngài là thiêng liêng và sẽ không thay đổi.

Thưa các anh em, thật là một vinh dự để có mặt với những người nắm giữ chức tư tế hoàng gia của Thượng Đế. Chúng ta đang sống trong những ngày sau cùng, trong “những thời kỳ khó khăn.”1 Là những người mang chức tư tế, chúng ta có trách nhiệm đứng vững với một tấm khiên của đức tin chống lại các tên lửa của kẻ nghịch thù. Chúng ta là tấm gương cho thế gian, chúng ta bảo vệ quyền hạn và tự do mà đã được Thượng Đế ban cho, và những điều này không thể bị lấy đi. Chúng ta bảo vệ nhà cửa và gia đình của mình.

Năm học lớp chín, tôi trở về nhà từ trận đấu bóng chày đầu tiên giữa đội tuyển bóng chày của trường tôi với một đội ở một thị trấn khác. Cha tôi cảm thấy rằng trên chuyến xe buýt đường dài trở về nhà, tôi đã chứng kiến lời lẽ và hành vi không phù hợp với các tiêu chuẩn của phúc âm. Là một họa sĩ chuyên nghiệp, ông ngồi xuống vẽ hình một hiệp sĩ—một chiến sĩ có khả năng bảo vệ các lâu đài và vương quốc.

Trong khi ông vẽ và đọc từ thánh thư, tôi đã học được việc làm một người nắm giữ chức tư tế trung tín là như thế nào—để bảo vệ vương quốc của Thượng Đế. Những lời của Sứ Đồ Phao Lô đã hướng dẫn tôi:

“Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng.

“Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình;

“Dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an mà làm giày dép;

“Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ.

“Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.”2

Thưa các anh em, nếu chúng ta trung tín trong chức tư tế, thì khí giới này sẽ được ban cho chúng ta với tính cách là ân tứ từ Thượng Đế. Chúng ta cần khí giới này!

Các em thiếu niên thân mến, cha ông của các em không bao giờ phải đối diện với những cám dỗ mà các em thường xuyên phải đối diện. Các em đang sống trong những ngày cuối cùng. Nếu muốn gặp rắc rối, thì cha của các em đã phải đi tìm kiếm nó. Điều đó không còn như vậy nữa! Ngày nay cám dỗ tìm kiếm các em! Xin hãy nhớ điều đó! Sa Tan mong muốn có các em, và “tội lỗi rình rập đợi trước cửa.”3 Các em sẽ chống lại chiến thuật tấn công của nó bằng cách nào? Hãy mặc vào bộ áo giáp của Thượng Đế.

Tôi xin được giảng dạy cho các em từ một kinh nghiệm khác về cuộc đời của tôi:

Vào tháng Giêng năm 1982, tôi đã nói chuyện tại một buổi họp đặc biệt devotional trong khuôn viên trường BYU tại Provo, Utah. Tôi mời các sinh viên tưởng tượng rằng Giáo Hội đang ở một bên bục giảng, ở ngay nơi đây này, và thế gian nằm ở bên kia bục giảng cách xa chưa tới một mét. Điều này tiêu biểu cho “khoảng cách rất ngắn giữa các tiêu chuẩn của thế gian và các tiêu chuẩn của Giáo Hội” khi tôi còn đang học đại học. Rồi, ba mươi năm sau, khi đứng trước các sinh viên, tôi đã giơ tay lên cũng như thế này đây và giải thích: “Tiêu chuẩn của thế gian đã khác biệt rất nhiều với tiêu chuẩn của Giáo Hội; [tiêu chuẩn đó đã đi rất xa khỏi tầm nhìn của chúng ta;] nó đã tiến ra xa, ra khỏi [tòa nhà này và đi ra khắp thế gian]. … Chúng ta và con cháu chúng ta phải nhớ rằng Giáo Hội sẽ không thay đổi, [Giáo Hội vẫn còn ở đây này; tuy nhiên] thế gian sẽ tiếp tục di chuyển—khoảng cách đó [trở nên] càng ngày càng xa hơn. … Vì vậy, hãy rất cẩn thận. Nếu đánh giá hành động của mình và các tiêu chuẩn của Giáo Hội dựa theo thế gian đang ở đâu và sẽ đi đâu, thì các em sẽ thấy rằng các em không phải ở nơi các em cần phải ở.”4

Lúc bấy giờ, tôi đã không thể tưởng tượng ra thế gian sẽ đi xa và đi nhanh đến mức nào khỏi Thượng Đế; không thể nào hiểu nổi điều đó, giáo lý, nguyên tắc, và giáo lệnh được ban cho. Tuy nhiên các tiêu chuẩn của Đấng Ky Tô và Giáo Hội của Ngài đã không thay đổi. Như Ngài đã phán: “Lẽ thật tồn tại mãi mãi và đời đời.”5 Khi hiểu và chấp nhận điều này, chúng ta sẵn sàng đối diện với áp lực xã hội, lời chế giễu, và thậm chí thái độ kỳ thị mà sẽ đến từ thế gian và từ một số người tự gọi là bạn của chúng ta.

Hầu hết chúng ta đều biết một người nào đó sẽ nói: “Nếu bạn muốn được làm bạn với tôi, thì bạn sẽ phải chấp nhận giá trị của tôi.” Một người bạn chân thật không đòi hỏi chúng ta phải chọn giữa phúc âm và tình bạn của mình. Tôi xin đáp bằng cách mượn lời của Phao Lô: “Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.”6 Một người bạn chân thật củng cố chúng ta để giúp chúng ta ở trên con đường chật và hẹp.

Việc ở trên con đường phúc âm của các giao ước, lệnh truyền, và giáo lễ bảo vệ chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta làm công việc của Thượng Đế trên thế gian này. Khi chúng ta tuân theo Lời Thông Sáng, thì quyền tự quyết của chúng ta được bảo vệ khỏi thói nghiện những chất như rượu, ma túy, và thuốc lá. Khi chúng ta đóng tiền thập phân, học thánh thư, chịu phép báp têm và lễ xác nhận, sống xứng đáng để có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh, dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, tuân theo luật trinh khiết, chuẩn bị và tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, và lập các giao ước thiêng liêng trong đền thờ, thì chúng ta đã sẵn sàng để phục vụ.

Trong đền thờ, chúng ta được chuẩn bị và hứa sẽ sống theo luật dâng hiến. Các thiếu niên có khả năng bắt đầu sống theo luật này bằng việc tìm cách trở thành một người truyền giáo—dành ra hai năm trong số hai mươi năm đầu của cuộc đời mình thì cũng giống như đóng tiền thập phân vậy. Sự hy sinh đó củng cố họ để tiến tới giao ước cao quý nhất trong đời—đối với nhiều người, đó sẽ là được kết hôn và làm lễ gắn bó trong đền thờ và bắt đầu một gia đình vĩnh cửu.

Khi tiếp tục tiến bước trên con đường chật và hẹp, thì chúng ta đang xây dựng sức mạnh thuộc linh để liên tục gia tăng—sức mạnh trong việc sử dụng quyền tự quyết của chúng ta để hành động cho chính mình. Đối với các thanh niên lẫn các thiếu nữ, sự tăng trưởng này được hỗ trợ khi các em học giáo lý và chia sẻ chứng ngôn của mình qua chương trình giảng dạy trực tuyến mới, Hãy Đến, mà Theo Ta.

Ngoài ra, hãy sử dụng quyền tự quyết của các em để tự phát triển bản thân mình. Khi các em khám phá ra các ân tứ và tài năng của mình, thì hãy nhớ rằng cha mẹ và các giảng viên cũng có thể phụ giúp các em, nhưng các em phải để cho Thánh Linh hướng dẫn. Hãy chọn hành động cho chính bản thân mình. Hãy được thúc đẩy từ bên trong. Hãy lập một kế hoạch cho cuộc sống của các em, kể cả học vấn lẫn học nghề. Hãy khám phá ra sở thích và kỹ năng. Hãy làm việc và trở nên tự lực cánh sinh. Hãy đặt mục tiêu, khắc phục những sai lầm, đạt được kinh nghiệm, và hoàn thành những gì các em bắt đầu dự định để làm.

Trong khi ở trên con đường của mình, hãy chắc chắn phải tham gia vào các sinh hoạt của gia đình, nhóm túc số, lớp học, và các sinh hoạt của Hội Hỗ Tương Thanh Niên Thiếu Nữ. Hãy vui chơi một cách lành mạnh với nhau. Qua những kinh nghiệm này, các em sẽ dần dần tôn trọng và biết ơn các ân tứ thuộc linh của nhau cũng như đặc tính vĩnh cửu, bổ sung của các con trai và con gái của Thượng Đế.

Hơn hết, hãy có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi! Đừng sợ hãi! Khi siêng năng sống theo phúc âm, thì chúng ta trở nên mạnh mẽ trong Chúa. Với sức mạnh của Ngài, chúng ta có thể bác bỏ những người chống Đấng Ky Tô là những người nói rằng: “Hãy ăn đi, hãy uống đi, và hãy vui chơi thỏa thích đi,” vì Thượng Đế “sẽ biện minh cho khi [ta] chỉ phạm một tội nhỏ; … việc này không có hại gì cả…, vì ngày mai chúng ta sẽ chết.”7 Trong sức mạnh của Chúa, chúng ta có thể đương đầu với bất cứ triết lý hoặc tín ngưỡng nào chối bỏ Đấng Cứu Rỗi và mâu thuẫn với kế hoạch hạnh phúc vĩ đại vĩnh cửu dành cho tất cả con cái của Thượng Đế.

Chúng ta không được phép sửa đổi các điều kiện của kế hoạch vĩnh cửu đó. Hãy nhớ chuyện Nê Hê Mi là người được lệnh phải xây dựng một bức tường để bảo vệ Giê Ru Sa Lem. Một số người muốn ông đi xuống và thỏa hiệp vị thế của ông, nhưng Nê Hê Mi từ chối. Không phải là ông không khoan dung những người khác; ông chỉ giải thích: “Ta mắc làm công việc lớn, xuống không đặng. Lẽ nào để công việc dứt trong khi bỏ nó đặng đi xuống với các ngươi… ?”8

Đôi khi chúng ta trở thành trọng tâm điểm và phải chịu đựng sự chế nhạo và khinh miệt vì sống theo các tiêu chuẩn của Thượng Đế và làm công việc của Ngài. Tôi làm chứng rằng chúng ta không cần phải sợ hãi nếu chúng ta đặt cuộc sống của mình vào giáo lý của Ngài. Chúng ta có thể bị hiểu lầm, chỉ trích, và thậm chí còn bị cáo gian nữa, nhưng chúng ta không bao giờ đơn độc một mình. Đấng Cứu Rỗi đã bị “người ta khinh rẻ và ghét bỏ.”9 Đó là đặc ân thiêng liêng của chúng ta để được đứng với Ngài!

Mỉa mai thay, việc đứng vững đôi khi có nghĩa là tránh và thậm chí còn chạy trốn thế gian. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Hỡi quỉ Sa Tan, hãy lui ra đằng sau ta.”10 Giô Sép ở Ai Cập đã chạy trốn những cám dỗ của vợ Phô Ti Pha,11 và Lê Hi đã bỏ lại Giê Ru Sa Lem và mang gia đình ông vào vùng hoang dã.12

Hãy yên tâm rằng tất cả các vị tiên tri trước thời chúng ta đều đã đứng vững trong thời kỳ của họ:

Nê Phi làm công việc lạ lùng của Chúa mặc dù bị Sa Tan hành hạ và bị hai anh của ông là La Man và Lê Mu Ên ngược đãi.13

A Bi Na Đi làm chứng về Đấng Ky Tô mặc dù bị nghi ngờ, khinh miệt, và biết chắc rằng mình sẽ bị xử tử.14

Hai ngàn chiến sĩ trẻ bảo vệ gia đình của họ chống lại những người xem thường giá trị phúc âm.15

Mô Rô Ni giương cao cờ hiệu tự do để bảo vệ gia đình và tự do tín ngưỡng của dân ông.16

Sa Mu Ên đứng trên bức tường thành và nói tiên tri về sự giáng lâm của Đấng Ky Tô, trong khi người ta ném đá và bắn cung tên vào ông.17

Tiên Tri Joseph Smith phục hồi phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, ấn chứng lời chứng của ông với máu của ông.18

Và những người tiền phong Mặc Môn đứng vững trước sự chống đối và gian nan khủng khiếp, khi đi theo một vị tiên tri trong chuyến đi dài và trong việc định cư ở miền tây.

Các tôi tớ và Các Thánh Hữu tuyệt vời này của Thượng Đế đã có thể đứng vững vì họ đứng với Đấng Cứu Rỗi. Hãy xem cách Đấng Cứu Rỗi đứng vững như thế nào:

Khi còn niên thiếu, Chúa Giê Su đã trung thành đi làm công việc của Cha Ngài, thuyết giảng phúc âm cho những nhà thông thái trong đền thờ.19 Trong suốt giáo vụ của Ngài, Ngài đã thực hiện công việc của chức tư tế—giảng dạy, chữa lành, phục vụ, ban phước và nâng đỡ những người khác. Khi nào thích hợp, Ngài đã mạnh dạn đứng chống lại điều ác, thậm chí còn dọn dẹp sạch đền thờ.20 Và Ngài cũng đứng bênh vực cho lẽ thật—cho dù bằng lời nói hoặc với sự im lặng nghiêm trang. Khi các thầy tế lễ cả cáo buộc Ngài trước Cai Phe, thì Chúa Giê Su đã khôn ngoan và can đảm từ chối trả lời cho câu hỏi không đúng sự thật và Ngài đã giữ im lặng.21

Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta không ngại khỏi phải uống chén đắng cay của Sự Chuộc Tội.22 Và trên cây thập tự, Ngài đã chịu đau khổ một lần nữa để làm theo ý muốn của Cha Ngài, cho đến khi cuối cùng Ngài có thể nói: “Mọi việc đã được trọn.”23 Ngài đã chịu đựng đến cùng. Để đáp lại việc Đấng Cứu Rỗi hoàn toàn vâng phục bằng cách đứng vững, Cha Thiên Thượng đã phán: “Này, đây là Con Trai Yêu Dấu của ta, người mà ta rất hài lòng, và nơi người ta đã làm sáng danh ta.”24

Các anh em chức tư tế thân mến, cả lớn tuổi lẫn trẻ tuổi, chúng ta hãy làm vinh hiển danh của Thượng Đế bằng cách đứng vững với Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đưa ra lời chứng đặc biệt rằng Ngài hằng sống và chúng ta “được kêu gọi bằng ơn kêu gọi thánh”25 để tham gia vào công việc của Ngài. “Vậy nên, các ngươi hãy đứng vững tại những nơi thánh thiện, và chớ để bị lay chuyển.”26 Khi đứng vững và tuân theo giáo lý của Thượng Đế của mình, chúng ta đang đứng tại những nơi thánh thiện, vì giáo lý của Ngài là thiêng liêng và sẽ không thay đổi theo xu hướng xã hội và chính trị của thời kỳ chúng ta. Tôi nói như Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Anh em hãy tỉnh thức, hãy vững vàng trong đức tin, hãy dốc chí trượng phu và mạnh mẽ.”27 Đây là lời cầu nguyện khẩn thiết của tôi cho các anh em, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.