2010–2019
Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết
Tháng tư 2013


15:47

Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết

Việc tuân theo luật trinh khiết sẽ gia tăng hạnh phúc của chúng ta trên trần thế và làm cho sự tiến triển của chúng ta trong vĩnh cửu có thể thực hiện được.

Sứ điệp của tôi nhằm mục đích trả lời cho một câu hỏi cơ bản về hậu quả thuộc linh nghiêm trọng: Tại sao luật trinh khiết lại quan trọng như vậy? Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ xác nhận tính trung thật của các nguyên tắc tôi nhấn mạnh đến.

Kế Hoạch Hạnh Phúc của Đức Chúa Cha

Tầm quan trọng vĩnh cửu của sự trinh khiết chỉ có thể được hiểu trong vòng toàn cảnh bao quát của kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài. “Tất cả nhân loại—nam và nữ—đều được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Mỗi người là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và … có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, Tháng Mười Một năm 2010, 129). Tất cả những người nam và người nữ sống với Thượng Đế như là các con cái linh hồn của Ngài trước khi đến thế gian với tư cách là người trần thế. Kế hoạch của Đức Chúa Cha cho phép các con trai và con gái linh hồn của Ngài nhận được thể xác, để đạt được kinh nghiệm trần thế, và để tiến triển tới sự tôn cao.

Tầm Quan Trọng của Thể Xác

Thể xác của chúng ta làm cho chúng ta có thể có được một loạt kinh nghiệm sâu rộng và mãnh liệt mà hoàn toàn không thể nào đạt được trong cuộc sống tiền dương thế. Như vậy, mối quan hệ của chúng ta với những người khác, khả năng của chúng ta để nhận biết và hành động phù hợp với lẽ thật, và khả năng của chúng ta để tuân theo các nguyên tắc và giáo lễ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được gia tăng qua thể xác. Trên trần thế, chúng ta kinh nghiệm được sự dịu dàng, tình yêu thương, lòng nhân từ, hạnh phúc, đau khổ, thất vọng, đau đớn, và thậm chí cả những thử thách của các giới hạn thể chất nhằm chuẩn bị chúng ta cho vĩnh cửu. Nói một cách giản dị, có những bài học chúng ta cần phải học và những kinh nghiệm cần phải có, như thánh thư mô tả: “theo tính cách xác thịt” (1 Nê Phi 19:6; An Ma 7:12–13).

Quyền năng sinh sản

Sau khi thế gian đã được tạo dựng, A Đam được đặt trong Vườn Ê Đen. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Thượng Đế đã phán rằng: “người nam sống một mình thì không tốt” (Môi Se 3:18; xin xem thêm Sáng Thế Ký 2:18), và Ê Va đã trở thành vợ và người phụ giúp A Đam. Sự kết hợp độc đáo của các khả năng thuộc linh, thể chất, tinh thần và tình cảm của nam giới lẫn nữ giới là cần thiết để thực hiện kế hoạch hạnh phúc. “Song trong Chúa thì chẳng phải đờn bà ngoại đờn ông, cũng chẳng phải đờn ông ngoại đờn bà” (1 Cô Rinh Tô 11:11). Người nam và người nữ đều nhằm mục đích để học hỏi, củng cố, ban phước, và bổ sung lẫn nhau.

Sự sống hữu diệt được tạo ra bằng phương tiện đã được Thượng Đế quy định. “Lệnh truyền đầu tiên mà Thượng Đế ban cho A Đam và Ê Va liên quan đến tiềm năng của họ làm cha mẹ với tư cách là vợ chồng” (Liahona, Tháng Mười Một năm 2010, 129). Lệnh truyền phải sinh sôi nẩy nở và làm cho dẫy đầy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực trong thời nay. Như vậy, hôn nhân giữa một người nam và người nữ là phương cách được cho phép để qua đó các linh hồn trên tiền dương thế có thể được sinh ra trên trần thế. Việc hoàn toàn không có hoạt động tình dục trước khi kết hôn và hoàn toàn chung thủy trong vòng hôn nhân bảo vệ phương cách thiêng liêng này.

Quyền năng sinh sản có một ý nghĩa thuộc linh. Việc lạm dụng quyền năng này phá hỏng các mục đích của kế hoạch của Đức Chúa Cha và của sự tồn tại trên trần thế của chúng ta. Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài là hai Đấng sáng tạo và đã giao phó cho mỗi người chúng ta với một phần quyền năng sáng tạo của hai Ngài. Những hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng đúng khả năng tạo ra sự sống là các yếu tố thiết yếu trong kế hoạch của Đức Chúa Cha. Cảm nghĩ và cách chúng ta sử dụng quyền năng siêu nhiên đó sẽ định đoạt hạnh phúc của chúng ta với một mức độ lớn trên trần thế và số mệnh của chúng ta trong cõi vĩnh cửu.

Anh Cả Dallin H. Oaks giải thích:

“Quyền năng tạo ra sự sống hữu diệt là quyền năng tôn cao nhất mà Thượng Đế đã ban cho con cái của Ngài. Việc sử dụng quyền năng này đã được đòi hỏi trong giáo lệnh đầu tiên, nhưng một giáo lệnh quan trọng khác đã được ban cho để cấm lạm dụng quyền năng đó. Việc chúng ta chú trọng vào luật trinh khiết được giải thích bằng sự hiểu biết của chúng ta về mục đích của quyền năng sinh sản trong việc hoàn thành kế hoạch của Thượng Đế. …

“Bên ngoài vòng ràng buộc của hôn nhân, tất cả những hình thức sử dụng quyền năng sinh sản trong một mức độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn là tội lỗi và sự trụy lạc về thuộc tính thiêng liêng nhất của người nam và người nữ” (“The Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 74).

Tiêu Chuẩn Đạo Đức về Mặt Tình Dục

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có một tiêu chuẩn đạo đức giản dị, chặt chẽ về mặt tình dục: các mối quan hệ riêng tư chỉ thích hợp giữa một người nam và một người nữ trong mối quan hệ hôn nhân đã được quy định trong kế hoạch của Thượng Đế. Mối quan hệ như vậy không phải chỉ là tò mò để được khám phá, một cơn thèm khát để được thỏa mãn, hoặc một loại giải trí hay vui chơi để được theo đuổi một cách ích kỷ. Những điều này không phải là một cuộc chinh phục để đạt được hoặc chỉ là một hành động để được thực hiện. Thay vì thế, trên trần thế, những điều đó là một trong những cách biểu lộ tột bậc về thiên tính và tiềm năng của chúng ta, cũng là một cách củng cố các mối ràng buộc tình cảm và tinh thần giữa vợ chồng. Chúng ta là những người được ban phước với quyền tự quyết về mặt đạo đức và được xác định bởi di sản thiêng liêng của chúng ta với tư cách là con cái của Thượng Đế—chứ không phải do hành vi tình dục, những thái độ đương thời hoặc triết lý của người đời.

Con Người Thiên Nhiên

Tới một mức độ nào đó, con người thiên nhiên được Vua Bên Gia Min mô tả vẫn còn sống một cách mạnh mẽ trong mỗi người chúng ta (xin xem Mô Si A 3:19). Con người thiên nhiên thì không hối cải, ưa thích xác thịt và nhục dục (xin xem Mô Si A 16:5; An Ma 42:10; Môi Se 5:13), buông thả quá mức, kiêu ngạo và ích kỷ. Như Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “‛Con người thiên nhiên’ là ‛con người trần thế’ đã cho phép những dục vọng xác thịt mãnh liệt làm lu mờ các khuynh hướng thuộc linh của mình” (“Ocean Currents and Family Influences,” Ensign, tháng Mười Một năm 1974, 112).

Trái lại, “người của Đấng Ky Tô” (Hê La Man 3:29) là người có Thánh Linh và kiềm chế tất cả mọi dục vọng (xin xem An Ma 38:12), là người ôn hòa và tự chủ, và là người nhân từ và vị tha. Những người nam và người nữ của Đấng Ky Tô bám vào lời của Thượng Đế, từ bỏ chính mình và vác thập giá của Ngài (xem Ma Thi Ơ 16:24; Mác 8:34; Lu Ca 9:23; GLGƯ 56:2), và trì chí tiến bước dọc theo con đường chật và hẹp của lòng trung tín, sự vâng lời, tận tụy đối với Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài.

Vì là các con trai và con gái của Thượng Đế, chúng ta đã thừa hưởng khả năng thiêng liêng từ Ngài. Nhưng chúng ta hiện đang sống trong một thế giới sa ngã. Chính các yếu tố mà thể xác của chúng ta được tạo ra có tính chất sa ngã và luôn luôn bị ảnh hưởng của tội lỗi, sự hư hỏng, và cái chết. Do đó, Sự Sa Ngã của A Đam cũng như các hậu quả thuộc linh và vật chất của Sự Sa Ngã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta nhất qua thể xác. Và chúng ta là con người có hai phần, vì linh hồn của chúng ta chính là phần vĩnh cửu được trú ngụ trong một thể xác bị ảnh hưởng bởi Sự Sa Ngã. Như Chúa Giê Su đã nhấn mạnh với Sứ Đồ Phi E Rơ: “Tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma Thi Ơ 26:41).

Vậy thì, bản chất chính xác của cuộc thử thách trên trần thế có thể được tóm tắt trong câu hỏi sau đây: Tôi sẽ đáp ứng các khuynh hướng của con người thiên nhiên, hoặc tôi sẽ tuân theo những lời khuyên bảo của Đức Thánh Linh và từ bỏ con người thiên nhiên và trở thành một thánh hữu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Ky Tô (xin xem Mô Si A 3:19)? Đó là cuộc thử thách. Mỗi nỗi thèm khát, ham muốn, xu hướng, và thôi thúc của con người thiên nhiên có thể được khắc phục và nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta đang ở trên thế gian này đây để phát triển các đức tính giống như Thượng Đế và để kiềm chế tất cả những dục vọng của xác thịt.

Ý Định của Kẻ Nghịch Thù

Kế hoạch của Đức Chúa Cha là nhằm cung ứng sự hướng dẫn cho con cái của Ngài, để giúp họ trở nên hạnh phúc, và mang họ về nhà với Ngài một cách an toàn với thể xác phục sinh, tôn cao. Cha Thiên Thượng muốn chúng ta được ở với nhau trong ánh sáng và tràn đầy hy vọng. Ngược lại, Lu Xi Phe lao nhọc để làm cho các con trai và con gái của Thượng Đế hoang mang và khổ sở, và cản trở khả năng tiến triển vĩnh cửu của họ. Mục đích chính của cha đẻ của mọi sự dối trá là làm cho tất cả chúng ta cũng sẽ trở nên “đau khổ như nó vậy” (2 Nê Phi 2:27). Lu Xi Phe muốn chúng ta cuối cùng phải ở một mình trong bóng tối và không có hy vọng.

Sa Tan không ngừng cố gắng để xuyên tạc các yếu tố quan trọng nhất của kế hoạch của Đức Chúa Cha. Nó không có một thể xác, và sự tiến triển vĩnh cửu của nó đã bị chặn đứng. Giống như nước chảy trong lòng sông bị một con đập chặn lại, thì sự tiến triển vĩnh cửu của kẻ nghịch thù cũng bị cản trở vì nó không có một thể xác. Vì cuộc nổi loạn của nó, nên Lu Xi Phe đã tự mình chối bỏ tất cả các phước lành và kinh nghiệm trên trần thế mà có thể nhận được qua một thể xác bằng xương bằng thịt. Nó không thể học được các bài học mà chỉ có một linh hồn trú ngụ trong thể xác mới có thể học được. Nó lại gửi thực tế về một sự phục sinh thật sự và chung của tất cả nhân loại. Trong thánh thư, một trong những ý nghĩa mạnh mẽ của từ bị đoán phạt được minh họa trong việc thiếu khả năng để tiếp tục phát triển và trở thành giống như Cha Thiên Thượng.

Vì một thể xác vô cùng quan trọng đối với kế hoạch hạnh phúc của Đức Chúa Cha và sự phát triển thuộc linh của chúng ta, nên Lu Xi Phe tìm cách làm hỏng sự tiến triển của chúng ta bằng cách cám dỗ để chúng ta sử dụng thân thể của mình không đúng cách. Một trong những điều trớ trêu tột bậc của vĩnh cửu là kẻ nghịch thù, là kẻ đau khổ chính vì nó không có thể xác, cám dỗ chúng ta để chia sẻ nỗi đau khổ của nó qua việc sử dụng thân thể của chúng ta không đúng cách. Vì thế công cụ chính mà nó không có là mục tiêu chính của nỗ lực của nó để cám dỗ chúng ta đi đến sự hủy diệt linh hồn.

Việc vi phạm luật trinh khiết là một tội lỗi đau thương và là cách lạm dụng thân thể của chúng ta. Đối với những người hiểu biết kế hoạch cứu rỗi thì việc làm ô uế thân thể là một hành vi nổi loạn (xin xem Mô Si A 2:36–37; GLGƯ 64:34–35) và từ chối nguồn gốc thực sự của chúng ta là các con trai và con gái của Thượng Đế. Khi chúng ta nhìn vượt quá sang bên kia cuộc sống trần thế và nhìn vào vĩnh cửu, thì rất dễ để phân biệt được sự đồng hành giả mạo do kẻ nghịch thù ủng hộ là tạm thời và trống rỗng.

Các Phước Lành của Cuộc Sống Trinh Khiết

An Ma khuyên dạy con trai Síp Lân của mình phải “kềm chế mọi dục vọng của mình, để … được tràn đầy tình thương.” (An Ma 38:12). Một cách đáng kể, việc kỷ luật con người thiên nhiên trong mỗi người chúng ta có thể làm cho tình yêu thương của Thượng Đế và của con cái Ngài được phong phú hơn, sâu sắc hơn, và lâu dài hơn. Tình yêu thương gia tăng qua sự kiềm chế ngay chính và giảm bớt qua tính buông thả đầy thôi thúc.

Chủ Tịch Marion G. Romney đã nói:

“Tôi không thể nghĩ rằng có phước lành nào lại được chân thành mong muốn hơn so với các phước lành đã được hứa cho người thanh sạch và đạo đức. Chúa Giê Su đã nói về các phần thưởng cụ thể dành cho các đức hạnh khác nhau, nhưng các phần thưởng cao quý nhất thì dường như đối với tôi là được dành cho những người có tấm lòng thanh khiết, Ngài phán: ‛vì sẽ thấy Đức Chúa Trời’ (Ma Thi Ơ 5:8). Và không những họ sẽ được thấy Chúa mà họ còn sẽ cảm thấy thoải mái nơi hiện diện của Ngài.

“Đây là lời hứa của Đấng Cứu Rỗi: ‘hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế’ (GLGƯ 121:45)” (“Trust in the Lord,” Ensign, tháng Năm năm 1979, 42).

Chúng ta cũng được hứa rằng, nếu theo đuổi con đường đức hạnh, thì “Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên [chúng ta]” (GLGƯ 121:46). Như vậy, cuộc sống theo luật trinh khiết mời gọi một số các phước lành lớn nhất mà những người nam và người nữ có thể nhận được trên trần thế—sự tin tưởng thuộc linh thích hợp nơi hiện diện của gia đình, bạn bè, người cộng sự trong Giáo Hội, và cuối cùng, Đấng Cứu Rỗi. Nỗi khao khát bẩm sinh của chúng ta để được thuộc vào được làm tròn trong sự ngay chính khi chúng ta bước đi trong ánh sáng và hy vọng.

Nguyên Tắc Hối Cải

Một số anh chị em nhận được sứ điệp này cần phải hối cải tội lỗi về tình dục hoặc các tội lỗi khác. Đấng Cứu Rỗi thường được gọi là Đấng Thầy Thuốc Đại Tài, và danh hiệu này có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tất cả chúng ta đã trải qua nỗi đau đớn liên quan đến thương tích về thể xác. Khi đau đớn, chúng ta thường tìm cách được giảm đau và biết ơn đối với thuốc men và phương pháp điều trị nhằm giúp làm giảm bớt cơn đau của chúng ta. Hãy xem tội lỗi như một vết thương tinh thần gây ra cảm giác tội lỗi hoặc, như được An Ma mô tả cho con trai của ông, Cô Ri An Tôn, “một hối hận trong lương tâm” (An Ma 42:18). Hiệu quả của tội lỗi đối với tinh thần của chúng ta cũng tương tự như ảnh hưởng của cơn đau đớn trong cơ thể của chúng ta—Tội lỗi là để cảnh báo về mối nguy hiểm và bảo vệ khỏi bị hư hại thêm. Từ Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi tuôn chảy loại thuốc giảm đau có tác dụng chữa lành các vết thương thuộc linh của chúng ta và loại bỏ cảm giác tội lỗi. Tuy nhiên, thuốc giảm đau này chỉ có thể được áp dụng qua các nguyên tắc của đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và sự vâng lời liên tục. Kết quả của sự hối cải chân thành là cảm giác bình an của lương tâm, sự an ủi, và sự chữa lành và đổi mới phần thuộc linh.

Vị giám trợ hoặc hoặc chủ tịch chi nhánh của các anh chị em là người phụ tá của Đức Thầy Thuốc tinh thần, là người được ủy quyền để giúp các anh chị em hối cải và chữa lành. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mức độ và cường độ của sự hối cải của các anh chị em cần phải phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội lỗi của các anh chị em—nhất là Các Thánh Hữu Ngày Sau đã lập giao ước thiêng liêng. Những vết thương tinh thần nghiêm trọng đòi hỏi phải được điều trị liên tục và thời gian để chữa lành hoàn toàn và trọn vẹn.

Một Lời Hứa và một Chứng Ngôn

Giáo lý tôi đã mô tả sẽ dường như là cổ hủ và lỗi thời đối với nhiều người trong một thế giới càng ngày càng chế nhạo tính thiêng liêng của sự sinh sản và xem thường giá trị của đời sống con người. Nhưng lẽ thật của Chúa không bị thay đổi bởi những trào lưu, tính phổ biến, hoặc các cuộc thăm dò ý kiến công chúng. Tôi hứa rằng việc tuân theo luật trinh khiết sẽ gia tăng hạnh phúc của chúng ta trên trần thế và làm cho sự tiến triển của chúng ta trong vĩnh cửu có thể thực hiện được. Sự trinh khiết và đức hạnh đang và sẽ luôn luôn là “những gì yêu quý và quý giá nhất” (Mô Rô Ni 9:9). Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.