2010–2019
Hãy Vững Lòng Bền Chí
Tháng tư 2014


16:18

Hãy Vững Lòng Bền Chí

Chúng ta—tất cả chúng ta—hãy có can đảm để chống lại sự đồng lòng của công chúng, can đảm để bênh vực cho các nguyên tắc của mình.

Các anh em thân mến, thật là tuyệt diệu để có mặt với các anh em một lần nữa. Tôi cầu nguyện xin thiên thượng giúp đỡ trong khi tôi lấy cơ hội này để ngỏ lời cùng các anh em.

Ngoài Trung Tâm Đại Hội này ra, còn có hàng ngàn người nắm giữ chức tư tế nhóm họp trong các giáo đường và những nơi khác trên khắp thế giới. Chúng ta đều có một điểm chung vì chúng ta đã được ban cho trách nhiệm để mang chức tư tế của Thượng Đế.

Chúng ta đang ở đây trên thế gian này vào một thời kỳ đáng kể trong lịch sử thế giới. Cơ hội của chúng ta gần như vô hạn, nhưng chúng ta cũng phải đối phó với vô số thử thách, một số thử thách này chỉ có vào thời kỳ này mà thôi.

Chúng ta sống trong một thế giới nơi mà các giá trị đạo đức, trong một mức độ lớn, đã bị dẹp qua một bên, nơi mà tội lỗi được phô bày một cách hiển nhiên và nơi có những cám dỗ để đi lạc ra khỏi con đường chật và hẹp xung quanh chúng ta. Chúng ta đang phải đối phó với các áp lực dai dẳng và ảnh hưởng xảo quyệt nhằm hủy diệt điều đứng đắn và cố gắng thay thế điều đó với các triết lý và thực hành của một xã hội thế tục.

Vì những thử thách này và các thử thách khác nên chúng ta liên tục đối phó với những quyết định mà có thể định đoạt vận mệnh của chúng ta. Để đưa ra những quyết định chính xác, chúng ta cần có can đảm—can đảm để nói không khi cần thiết, can đảm để nói vâng khi thích hợp để làm như vậy, can đảm để làm điều đúng vì điều đó là điều đúng.

Vì các tiêu chuẩn của xã hội hiện nay đang nhanh chóng trở nên khác xa với các giá trị và nguyên tắc mà Chúa đã ban cho chúng ta, nên gần như chúng ta sẽ chắc chắn được đòi hỏi để bênh vực cho điều mình tin. Chúng ta sẽ có can đảm để làm như vậy không?

Chủ Tịch J. Reuben Clark, Jr, là thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong nhiều năm, đã nói: “Đã có những trường hợp trong đó những người được cho là có đức tin … đã cảm thấy rằng vì họ đã khẳng định đức tin trọn vẹn của họ nên làm cho các đồng nghiệp không tin chế giễu, vì vậy họ phải sửa đổi đức tin của họ hoặc làm giảm bớt tầm quan trọng của đức tin của mình bằng lời giải thích đến mức làm hủy diệt đức tin, hoặc thậm chí còn giả vờ chối bỏ đức tin nữa. Những người như vậy gọi là đạo đức giả.”1 Không ai trong chúng ta lại muốn bị gọi là người đạo đức giả, nhưng chúng ta có miễn cưỡng để tuyên bố đức tin của mình trong một số trường hợp hay không?

Chúng ta có thể tự giúp mình trong ước muốn để làm điều đúng nếu chúng ta đặt mình vào đúng chỗ và tham gia vào các sinh hoạt nơi mà chúng ta được ảnh hưởng bởi những ý nghĩ tốt và là nơi Thánh Linh của Chúa sẽ được thoải mái.

Cách đây một thời gian, tôi nhớ đã đọc lời khuyên dạy của một người cha đưa ra cho con trai của mình khi nó đi học xa: “Nếu lúc nào con thấy mình đang ở một nơi nào đó mà con không nên ở thì hãy bỏ đi ngay!” Tôi cũng đưa ra cho mỗi anh em lời khuyên dạy tương tự: “Nếu lúc nào các anh em thấy mình ở nơi mà mình không nên tới thì hãy bỏ đi ngay!”

Chúng ta đều phải luôn luôn can đảm. Chúng ta cần phải can đảm mỗi ngày trong cuộc sống—không phải chỉ là trong những sự kiện quan trọng mà thôi, mà còn phải thường xuyên khi chúng ta đưa ra quyết định hoặc đáp ứng với hoàn cảnh xung quanh. Robert Louis Stevenson, nhà thơ và nhà viết tiểu thuyết người Scotland, đã nói: “Ít có những hành động can đảm thường được thấy hàng ngày. Nhưng lòng can đảm của bạn vẫn còn cao quý mặc dù không có ai khuyến khích hoặc khen ngợi mình.”2

Lòng can đảm có nhiều hình thức. Charles Swindoll, tác giả Ky Tô hữu, đã viết: “Lòng can đảm không giới hạn chỉ trong chiến trường … hoặc việc dũng cảm bắt một tên trộm trong nhà. Những thử nghiệm thực sự về lòng can đảm thì tinh vi hơn. Đó là những thử nghiệm bên trong, như vẫn trung tín khi không có ai đang nhìn, … như giữ vững niềm tin của mình vững vàng khi không được ai hiểu.”3 Ngoài ra, tôi còn tin rằng lòng can đảm nội tâm này còn gồm có việc làm điều đúng mặc dù chúng ta có thể sợ hãi, bênh vực cho niềm tin của mình mặc dù có thể bị nhạo báng, và duy trì những niềm tin đó ngay cả khi bị đe dọa sẽ mất bạn bè hoặc địa vị xã hội. Người nào vẫn vững vàng bênh vực cho điều đúng đôi khi có nguy cơ không được chấp nhận và không được ưa chuộng.

Khi phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến, tôi đã học được những hành động gan dạ, những hành vi dũng cảm, và những tấm gương can đảm. Một tấm gương mà tôi không bao giờ quên là lòng can đảm thầm lặng của một thủy thủ 18 tuổi—không cùng tín ngưỡng với chúng ta—là người biết khiêm nhường để cầu nguyện. Trong số 250 người đàn ông trong thủy thủ đoàn, anh ấy là người duy nhất quỳ xuống cầu nguyện mỗi đêm bên cạnh giường của mình, đôi khi ngay giữa những lời nhạo báng của những kẻ không tin và giễu cợt. Anh ấy đã cúi đầu xuống cầu nguyện lên Thượng Đế. Anh ấy không bao giờ nao núng. Anh ấy không bao giờ chùn bước. Anh ấy có lòng can đảm.

Cách đây không lâu tôi đã nghe về tấm gương của một người mà chắc chắn dường như thiếu lòng can đảm nội tâm này. Một người bạn kể cho tôi nghe về một buổi lễ Tiệc Thánh thiêng liêng và làm xây đắp đức tin mà vợ chồng chị tham dự trong tiểu giáo khu của họ. Một thiếu niên nắm giữ chức phẩm thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn đã làm cho toàn thể giáo đoàn xúc động khi em ấy nói về các lẽ thật phúc âm và về niềm vui của việc tuân giữ các giáo lệnh. Em ấy chia sẻ một chứng ngôn chân thành, đầy cảm động trong khi đứng tại bục giảng, em ấy trông sạch sẽ và gọn gàng trong chiếc áo sơ mi trắng và thắt cà vạt.

Cùng ngày đó, khi vợ chồng chị này lái xe ra khỏi khu xóm của mình thì họ thấy cũng em thiếu niên này là người đã soi dẫn họ rất nhiều chỉ một vài giờ trước đó. Tuy nhiên, bây giờ, em ấy trông hoàn toàn khác hẳn khi em ấy bước xuống vỉa hè ăn mặc lôi thôi—và hút thuốc. Vợ chồng người bạn của tôi không những thất vọng và buồn bã rất nhiều, mà họ còn hoang mang vì làm thế nào em ấy đã có thể có đầy sức thuyết phục với tư cách là một người trong lễ Tiệc Thánh và sau đó nhanh chóng dường như trở thành một người khác hoàn toàn.

Thưa các anh em, các anh em có là một người trước sau như một dù đang ở đâu và đang làm gì—là người mà Cha Thiên Thượng muốn các anh em trở thành và là người mà các anh em biết là mình nên phải như vậy không?

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên một tạp chí quốc gia, Jabari Parker, một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng của đại học Mỹ, cũng là một tín hữu của Giáo Hội, đã được yêu cầu chia sẻ lời khuyên tốt nhất mà anh đã nhận được từ cha mình. Jabari trả lời: “[Cha tôi] nói: con chỉ cần là một người trước sau như một cho dù đang ở chỗ kín đáo hay là đang ở ngoài công chúng.”4 Thưa các anh em, đây là lời khuyên quan trọng cho tất cả chúng ta.

Thánh thư của chúng ta đầy dẫy các tấm gương về lòng can đảm mà mỗi người chúng ta cần trong thời đại này. Tiên tri Đa Ni Ên đã chứng minh lòng can đảm tột bậc bằng cách bênh vực điều mà ông biết là đúng và bằng cách cho thấy lòng can đảm để cầu nguyện, mặc dù bị hăm dọa sẽ chết nếu ông làm như vậy.5

A Bi Na Đi sống một cuộc sống dũng cảm được cho thấy bằng việc ông sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình chứ không phải để chối bỏ lẽ thật.6

Chúng ta đều được soi dẫn bởi cuộc sống của 2.000 thanh niên của Hê La Man, là những người đã dạy và cho thấy sự cần thiết phải can đảm để tuân theo những lời dạy của cha mẹ, để sống thanh khiết và thanh sạch phải không?7

Có lẽ mỗi câu chuyện này trong thánh thư không vượt qua tấm gương của Mô Rô Ni, là người đã có can đảm để kiên trì trong sự ngay chính đến cuối đời.8

Trong suốt cuộc đời của mình, Tiên Tri Joseph Smith đã cho thấy rất nhiều tấm gương can đảm. Một tấm gương đầy ấn tượng nhất xảy ra khi ông và các anh em khác đã bị xiềng lại với nhau—hãy tưởng tượng họ đã bị xiềng lại với nhau—và bị giam trong một căn nhà gỗ nhỏ còn đang xây cất dở dang bên cạnh tòa án ở Richmond, Missouri. Parley P. Pratt, là một trong những người bị giam giữ, đã viết về một buổi tối đặc biệt: “Chúng tôi nằm đó như thể đang ngủ say cho đến khi nửa đêm trôi qua, và lòng chúng tôi đau đớn, trong khi chúng tôi lắng nghe hàng giờ những lời trêu chọc khiếm nhã, những lời chửi thề hung dữ, những lời nói phạm thượng đáng sợ và lời lẽ bẩn thỉu của những người lính canh chúng tôi.”

Anh Cả Pratt nói tiếp:

“Tôi đã lắng nghe cho đến khi tôi cảm thấy phẫn nộ, căm phẫn, kinh tởm và lòng tràn đầy tinh thần công lý phẫn nộ đến nỗi tôi khó có thể kiềm chế không đứng lên và khiển trách những người lính canh; nhưng [tôi] không nói một lời nào với Joseph, hoặc bất cứ ai khác, mặc dù tôi nằm cạnh ông và biết rằng ông còn thức. Bất ngờ ông đứng lên, và nói với một tiếng nói như sấm sét, hoặc như tiếng sư tử gầm, những lời sau đây mà tôi còn có thể nhớ được gần hết:

“‘HÃY IM ĐI. … Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi khiển trách mấy người, và truyền lệnh cho mấy người phải im đi; tôi sẽ không sống thêm một giây phút nào nữa để nghe lời lẽ như vậy. Hãy ngừng nói, hoặc mấy người hay tôi sẽ chết NGAY LẬP TỨC!’”

Anh Cả Pratt mô tả là Joseph “đứng thẳng lên trong một vẻ uy nghiêm oai vệ. Tuy đang bị xiềng xích, và không có vũ khí nhưng ông vẫn điềm tĩnh và có phẩm cách. Ông nhìn những người lính canh đang run sợ, thu mình vào góc tường hoặc cúi quỳ xuống dưới chân ông. Đây là những người dường như bất trị, họ đã xin lỗi ông và giữ im lặng.9

Không phải tất cả hành động dũng cảm đều mang lại những kết quả ngoạn mục hoặc ngay lập tức như vậy, nhưng tất cả các hành động này thực sự mang đến cảm giác an tâm và sự hiểu biết rằng điều đúng và lẽ thật đã được bênh vực.

Thật là khó để có thể vẫn luôn trung thành với các tiêu chuẩn của mình khi những hành động của chúng ta tùy thuộc vào những ý kiến luôn thay đổi và sự chấp thuận của những người khác. Chúng ta cần có lòng can đảm của Đa Ni Ên, A Bi Na đi, Mô Rô Ni hoặc Joseph Smith để luôn vâng theo một cách mạnh mẽ và vững vàng điều mà chúng ta biết là đúng. Các vị tiên tri này đã có can đảm để làm điều đúng thay vì điều dễ dàng.

Chúng ta đều sẽ đối phó với nỗi sợ hãi, trải qua cảnh nhạo báng và bị chống đối. Chúng ta—tất cả chúng ta—hãy có can đảm để chống lại sự đồng lòng của công chúng, can đảm để bênh vực cho các nguyên tắc của mình. Lòng can đảm, chứ không phải thỏa hiệp, sẽ được Thượng Đế chấp thuận. Lòng can đảm trở thành một đức tính mạnh mẽ và hấp dẫn không những khi được xem là sự sẵn lòng để chết trong vinh dự, mà còn là quyết tâm để sống đúng đắn. Khi tiến bước, và cố gắng sống như chúng ta nên sống, chúng ta sẽ chắc chắn nhận được sự giúp đỡ từ Chúa và có thể tìm thấy niềm an ủi trong những lời của Ngài. Tôi thích lời hứa của Ngài được ghi lại trong sách Giô Suê:

“Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu. …

“… Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.”10

Các anh em thân mến, khi có can đảm về sự tin chắc của mình, chúng ta có thể tuyên bố với Sứ Đồ Phao Lô: “Tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu.”11 Và sau đó, cũng với cùng một lòng can đảm đó, chúng ta có thể tuân theo lời khuyên của Phao Lô: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”12

Những cuộc xung đột nghiêm trọng đến rồi đi, nhưng chiến tranh bùng nổ để kiềm chế con người thì vẫn tiếp tục không ngừng. Lời kêu gọi đến từ Chúa đối với các anh em, với tôi, và với những người nắm giữ chức tư tế ở khắp mọi nơi là: “Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình, và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.”13 Rồi như Sứ Đồ Phi E Rơ đã tuyên bố, chúng ta sẽ là “chức thầy tế lễ nhà vua,”14 đoàn kết trong mục đích và được ban cho quyền năng từ trên cao.15

Cầu xin cho mỗi người chúng ta trong buổi tối hôm nay, khi rời buổi họp này, đều có được quyết tâm và lòng can đảm để nói với Gióp thời xưa: “Hễ hơi thở tôi còn ở mình tôi, … tôi chẳng hề thôi quả quyết rằng tôi trọn vẹn.”16 Tôi khiêm nhường cầu nguyện để điều này có thể được như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.