Nơi Có Công Lý, Tình Yêu Thương và Lòng Thương Xót Liên Kết Với Nhau
Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại từ cõi chết để Ngài có thể nâng chúng ta lên tới cuộc sống vĩnh cửu.
Hai anh em—Jimmy, 14 tuổi, và John, 19 tuổi (mặc dù đó không phải là tên thật của họ)—đã cố gắng leo vách núi thẳng đứng ở Snow State Park Canyon tại quê hương miền nam Utah của tôi mà không hề có dây thừng và bộ dây thắt lưng an toàn hay bất cứ thiết bị leo núi nào. Khi lên đến gần đỉnh trong cuộc leo núi đầy vất vả này, họ khám phá ra một tảng đá nhô ra nằm chắn ngang đường, cản trở họ leo lên một hai mét cuối cùng để đến đỉnh núi. Họ không thể vượt qua tảng đá đó, nhưng lúc này họ cũng không thể rút lui từ chỗ đó được. Họ bị mắc kẹt. Sau khi vận dụng trí óc để quan sát kỹ, John tìm thấy đủ chỗ để đặt chân xuống trong một vị trí để anh ta có thể đẩy em trai của mình an toàn lên đến đỉnh mỏm đá. Nhưng không có cách nào để tự nâng mình lên trên mỏm đá. Anh ta càng cố gắng tìm chỗ để đặt các ngón tay hoặc chân, thì các cơ bắp của anh ta càng bắt đầu bị chuột rút. Anh ta bắt đầu cảm thấy vô cùng hoảng hốt, và lo sợ cho mạng sống của mình.
Không thể bám giữ lâu hơn nữa, nên John đã quyết định rằng lựa chọn duy nhất là cố gắng nhảy thẳng đứng lên với một nỗ lực để bám lấy đỉnh của mỏm đá nhô ra. Nếu thành công, anh ta có thể kéo mình đến nơi an toàn, bằng cách sử dụng sức mạnh đáng kể của cánh tay.
Đây chính là lời của anh ta:
“Trước khi nhảy, tôi nói với Jimmy phải đi kiếm một cành cây đủ chắc để chuyền xuống cho tôi, mặc dù tôi đã biết là không hề có loại cây nào như thế trên đỉnh núi đá này. Đó chỉ là một mưu mẹo tuyệt vọng để gạt em tôi phải đi chỗ khác. Nếu tôi nhảy không thành công, thì ít nhất tôi có thể chắc chắn là em trai của tôi không nhìn thấy tôi rơi xuống mà chết.
“Trong khi chờ cho em trai tôi có đủ thời gian để đi khuất, tôi dâng lên lời cầu nguyện cuối cùng—tôi muốn gia đình tôi biết là tôi yêu thương họ và Jimmy có thể tự mình trở về nhà an toàn—rồi tôi nhảy lên. Tôi đã đẩy mạnh đến nỗi cú nhảy làm cánh tay của tôi dang dài gần khuỷu tay của tôi ở trên mỏm đá. Nhưng khi bàn tay của tôi chạm vào mặt đá, thì tôi chỉ cảm thấy toàn cát trên tảng đá phẳng. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác cứng cỏi trong khi đu người ở đó mà không có thứ gì để bám vào cả—không có bờ mép, không có chỏm, không có gì cả để bám vào hoặc nắm lấy. Tôi cảm thấy các ngón tay của tôi bắt đầu trượt dần trên mặt cát. Tôi biết là mạng sống của tôi đã kết thúc.
“Nhưng rồi đột nhiên, như một tia sét trong một cơn bão mùa hè, hai bàn tay thò ra từ một nơi nào đó trên vách đá, tóm lấy cổ tay của tôi với một sức mạnh và quyết tâm vượt quá kích thước. Đứa em trai trung thành của tôi đã không đi tìm kiếm bất cứ cành cây tưởng tượng nào cả. Vì đoán đúng điều tôi đã dự định để làm, nên nó đã không hề bỏ tôi đi. Nó chỉ chờ đợi—âm thầm, hầu như không thở—biết rõ là tôi sẽ rồ dại đủ để nhảy như thế. Khi tôi làm điều đó, nó túm lấy tôi, ôm tôi, và không để cho tôi rơi xuống. Hai cánh tay mạnh mẽ của đứa em tôi đã cứu mạng sống tôi vào ngày hôm đó khi tôi đang đu người lơ lửng trên không một cách bất lực mà nếu rơi xuống thì chắc chắn sẽ là cầm chắc cái chết.”1
Các anh chị em thân mến, hôm nay là ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh. Mặc dù chúng ta nên luôn luôn ghi nhớ (chúng ta hứa trong lời cầu nguyện Tiệc Thánh rằng chúng ta sẽ làm như vậy), tuy nhiên đây là ngày thiêng liêng nhất trong năm mà chúng ta nên đặc biệt ghi nhớ hành động yêu thương và nỗ lực quyết tâm của người anh trai là Chúa Giê Su, là Đấng đã tìm đến chúng ta là những người chịu cái chết thuộc linh và thể xác, để cứu chúng ta khỏi sự thất bại và yếu kém, và từ những nỗi buồn phiền và tội lỗi. Bằng cách sử dụng câu chuyện này để minh họa do gia đình của John và Jimmy kể lại, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của mình về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô và ghi nhận các sự kiện trong kế hoạch thiêng liêng của Thượng Đế đã dẫn đến và mang lại ý nghĩa của “tình yêu mà Chúa Giê Su đã ban cho [chúng ta].”2
Trong xã hội càng ngày càng theo xu hướng thế tục của chúng ta, có thể là khác thường cũng như không hợp thời để nói chuyện về A Đam và Ê Va hay Vườn Ê Đen hoặc về “sự sa ngã may mắn” của họ trên trần thế. Tuy nhiên lẽ thật đơn giản là chúng ta không thể hiểu hết Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô và chúng ta sẽ không đánh giá thích hợp mục đích duy nhất của sự giáng sinh hay cái chết của Ngài—nói cách khác, không có cách gì để thật sự kỷ niệm lễ Giáng Sinh hoặc lễ Phục Sinh—nếu không hiểu rằng thật sự là có một người đàn ông tên là A Đam và một người phụ nữ tên là Ê Va đã sa ngã từ Vườn Ê Đen thật sự với tất cả những hậu quả mà sự sa ngã có thể gây ra.
Tôi không biết chi tiết về điều đã xảy ra trên hành tinh này trước đó, nhưng tôi quả thực biết được hai người này đã được sáng tạo dưới bàn tay của Thượng Đế, và trong một thời gian họ đã sống một mình trong một khung cảnh thiên đàng là nơi không có cái chết của con người cũng như không thể có gia đình, và rằng sau khi lựa chọn nhiều điều, họ đã vi phạm một lệnh truyền của Thượng Đế mà đòi hỏi họ phải rời khỏi khu vườn của họ, nhưng cho phép họ có con cái trước khi trải qua cái chết thể xác.3 Để làm cho hoàn cảnh của họ thêm buồn đau và phức tạp, sự phạm giới của họ đã có những hậu quả thuộc linh cũng như khai trừ họ ra khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế vĩnh viễn. Vì sau đó, chúng ta được sinh ra trong thế giới sa ngã đó và vì chúng ta cũng vi phạm các luật pháp của Thượng Đế, nên chúng ta cũng bị kết tội để lãnh nhận các hình phạt tương tự như A Đam và Ê Va đã phải đối phó.
Thật là một cảnh ngộ đáng buồn! Toàn thể nhân loại sa ngã—mỗi người nam, người nữ và trẻ em trong số nhân loại đó—luôn luôn tiến đến gần hơn cái chết thể xác mãi mãi, luôn luôn tiến đến gần hơn nỗi đau khổ thuộc linh vĩnh viễn. Có phải cuộc sống đã được dự định như thế không? Đây có phải là kết quả cuối cùng của kinh nghiệm con người không? Có phải tất cả chúng ta chỉ đu người trong một hẻm núi lạnh giá, ở nơi nào đó trong một vũ trụ thờ ơ, mỗi người tìm kiếm một nguồn hỗ trợ nhỏ, mỗi người tìm kiếm một điều gì đó để bám vào—không có gì ngoài cảm giác chạm vào cát và các ngón tay đang trượt dần, không có gì để cứu chúng ta, không có gì để bám vào, và chắc chắn là không có gì cả để giữ chúng ta lại? Mục đích duy nhất của chúng ta trong cuộc đời là một thử nghiệm vô nghĩa về cuộc sống—chỉ hoàn thành điều chúng ta có thể hoàn thành trong cuộc sống này, kiên trì chịu đựng trong khoảng bảy mươi năm, rồi sau đó thất bại và sa ngã, và tiếp tục sa ngã vĩnh viễn chăng?
Câu trả lời cho những câu hỏi đó là một câu trả lời dứt khoát và vĩnh viễn! Cùng với các vị tiên tri thời xưa lẫn thời nay, tôi làm chứng rằng “mọi sự việc đã được thực hiện theo sự thông sáng của Đấng thông hiểu mọi sự việc.”4 Như vậy, từ giây phút khi các tổ phụ đầu tiên bước ra khỏi Vườn Ê Đen, Thượng Đế và Đức Chúa Cha của tất cả chúng ta, đã biết trước quyết định của A Đam và Ê Va, gửi các thiên sứ của thiên thượng để tuyên bố với họ—và truyền xuống đến chúng ta qua suốt các thời kỳ—rằng một loạt những sự kiện dẫn đến Sự Sa Ngã và việc họ bị đuổi ra khỏi Vườn Ê Đen là nhằm mang đến cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là một phần kế hoạch thiêng liêng của Ngài mà đã mang đến một Đấng Cứu Rỗi, chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế, một “A Đam” khác mà Sứ Đồ Phao Lô thường gọi Ngài5—là Đấng sẽ đến trong thời trung thế để chuộc tội cho sự phạm giới đầu tiên của A Đam. Sự Chuộc Tội đó sẽ chiến thắng hoàn toàn đối với cái chết thể xác, ban cho sự phục sinh một cách vô điều kiện cho tất cả mọi người đã hay sẽ được sinh ra trên thế gian này. Sự Chuộc Tội đầy thương xót đó cũng sẽ mang đến sự tha thứ cho những tội lỗi cá nhân của tất cả mọi người từ thời A Đam cho đến tận thế, với điều kiện được đặt trên sự hối cải và tuân theo các lệnh truyền thiêng liêng.
Là một trong số các nhân chứng đã được sắc phong của Ngài, vào buổi sáng Phục Sinh này tôi tuyên bố rằng Chúa Giê Su người Na Xa Rét chính là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, rằng “A Đam sau hết,”6 là cội rễ và cuối cùng của đức tin của chúng ta, Đấng An Pha và Ô Mê Ga của cuộc sống vĩnh cửu. Phao Lô nói: “Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại,”7 Và vị tiên tri tộc trưởng Lê Hi cũng nói như vậy: “A Đam sa ngã để loài người sinh tồn. … Rồi Đấng Mê Si sẽ đến trong thời kỳ trọn vẹn để Ngài có thể cứu chuộc con cái loài người khỏi sự sa ngã.”8 Tiên tri Gia Cốp của Sách Mặc Môn đã dạy một cách triệt để nhất như là một phần của bài giảng trong hai ngày về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô rằng “sự phục sinh cần phải … đến … vì sự sa ngã.”9
Vì vậy, hôm nay chúng ta kỷ niệm ân tứ về sự chiến thắng mỗi lần sa ngã mà chúng ta đã từng trải qua, mọi nỗi buồn chúng ta đã từng biết, mọi chán nản chúng ta đã từng có, mọi nỗi sợ hãi chúng ta từng phải đối phó—chưa nói tới là sự phục sinh của chúng ta từ cái chết và sự tha thứ các tội lỗi. Chiến thắng đó có sẵn cho chúng ta vì những sự kiện đã xảy ra vào một ngày cuối tuần giống y như hôm nay cách đây gần hai ngàn năm ở Giê Ru Sa Lem.
Bắt đầu từ những nỗi đau khổ thuộc linh của Vườn Ghết Sê Ma Nê, rồi tới lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá ở đồi Sọ, và kết thúc vào một buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời bên trong một ngôi mộ đã được cho Ngài mượn, một Đấng vô tội, thanh khiết và thánh thiện, chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế, đã làm điều mà không có một người đã chết nào khác đã từng làm hoặc có thể làm. Dưới quyền năng của Ngài, Ngài đã sống lại từ cõi chết, thể xác của Ngài không bao giờ tách rời khỏi linh hồn của Ngài một lần nữa. Ngài tự ý cởi bỏ vải liệm khỏi thể xác của Ngài mà đã được dùng để bó xác Ngài, cẩn thận cuốn lại cái khăn liệm trùm đầu “để riêng ra một nơi khác,”10 thánh thư chép như thế.
Đó là chuỗi Phục Sinh đầu tiên của Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh tạo thành giây phút quan trọng nhất, ân tứ rộng rãi nhất, nỗi đau đớn cùng cực nhất, và sự biểu hiện uy nghi nhất về tình yêu luôn luôn thanh khiết để được cho thấy trong lịch sử của thế giới này. Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế, đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại từ cõi chết để Ngài có thể, giống như một tia sét trong một cơn bão mùa hè, nắm lấy tay của chúng ta trong khi chúng ta ngã, giữ chặt chúng ta với sức mạnh của Ngài, và qua việc tuân theo các lệnh truyền của Ngài, nâng chúng ta lên tới cuộc sống vĩnh cửu.
Mùa lễ Phục Sinh này, tôi cám ơn Ngài và Đức Chúa Cha là Đấng đã ban Ngài cho chúng ta để Chúa Giê Su vẫn còn chiến thắng cái chết, mặc dù Ngài đứng trên đôi chân bị thương. Mùa lễ Phục Sinh này, tôi cám ơn Ngài và Đức Chúa Cha là Đấng đã ban Ngài cho chúng ta để Ngài vẫn còn ban cho chúng ta ân điển vô tận, mặc dù Ngài làm như thế với lòng bàn tay bị xuyên thủng và cổ tay còn mang vết thương. Mùa lễ Phục Sinh này, tôi cám ơn Ngài và Đức Chúa Cha là Đấng đã ban Ngài cho chúng ta để chúng ta có thể hát về một khu vườn đẫm mồ hôi và máu, một cây thập tự đóng đầy đinh, và một ngôi mộ trống đầy vinh quang:
Ôi vĩ đại, vinh quang, hoàn chỉnh biết bao,
Đại kế hoạch cứu chuộc,
Nơi có công lý, tình yêu thương và lòng thương xót liên kết với nhau
Trong sự hòa hợp thiêng liêng!11
Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, A Men.