2010–2019
Những Nền Tảng của Đức Tin
Tháng Tư năm 2017


16:21

Những Nền Tảng của Đức Tin

Tôi khẩn nài rằng chúng ta sẽ chịu hy sinh và có lòng khiêm nhường cần thiết để củng cố những nền tảng của đức tin chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Đây thật là một đại hội trung ương kỳ diệu. Chúng ta thực sự đã được gây dựng. Nếu có một mục tiêu tối quan trọng của đại hội trung ương thì đó chính là xây đắp đức tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Bài nói chuyện của tôi sẽ tập trung vào những nền tảng của đức tin.

Những nền tảng cá nhân, giống như nhiều mưu cầu đáng giá, thường được xây đắp dần dần—từng lớp, từng kinh nghiệm, từng thử thách, từng sự thất bại, và từng sự thành công một. Một kinh nghiệm hữu hình đáng trân quý nhất là những bước đi đầu tiên của một đứa bé. Thật là kỳ diệu để được chứng kiến điều đó! Vẻ mặt vô cùng rạng rỡ đó—một sự kết hợp của sự quyết tâm, niềm hân hoan, sự ngạc nhiên, và thành quả—thật là một sự kiện có ảnh hưởng rất lớn.

Trong gia đình của chúng tôi, có một sự kiện nổi bật với tính chất tương tự. Khi đứa con trai út của chúng tôi được khoảng bốn tuổi, cháu đi vào nhà và hớn hở thông báo cho gia đình biết với lòng đầy hãnh diện: “Bây giờ con đã có thể làm được mọi thứ. Con có thể buộc, con có thể lái và con có thể kéo.” Chúng tôi hiểu cháu đang nói rằng cháu có thể buộc dây giày, cháu có thể lái xe đạp ba bánh Big Wheel của mình, và cháu có thể kéo khóa áo khoác của mình. Tất cả chúng tôi đều cười nhưng nhận ra rằng điều đó đối với cháu là những thành tựu rất hoành tráng. Cháu nghĩ rằng mình đã thực sự thành đạt và trưởng thành.

Những sự phát triển về mặt thể chất, tinh thần và thuộc linh có nhiều điểm chung. Sự phát triển thể chất khá dễ dàng nhìn thấy. Chúng ta bắt đầu với những bước đi chập chững và tiến triển từng ngày, từng năm, trưởng thành và phát triển để đạt được trạng thái thể chất tối ưu của mình. Sự phát triển là khác nhau đối với mỗi người.

Khi chúng ta xem một buổi trình diễn thể thao hay âm nhạc thì chúng ta thường nói rằng người đó có năng khiếu, và điều đó thường là đúng. Nhưng sự trình diễn đó là dựa trên nhiều năm chuẩn bị và luyện tập. Một nhà văn nổi tiếng tên là Malcolm Gladwell gọi điều này là quy tắc 10.000 giờ. Những nhà nghiên cứu đã xác định rằng khối lượng thời gian tập luyện này là cần thiết cho việc trình diễn thể thao, âm nhạc, sự thành thạo trong học thuật, những kỹ năng làm việc được chuyên môn hóa, chuyên gia về y tế hay pháp luật, và vân vân. Một trong những chuyên gia nghiên cứu xác nhận rằng: “Mười ngàn giờ tập luyện là cần thiết để đạt được mức độ thành thạo nếu muốn được coi là người có chuyên môn tầm cỡ—trong bất cứ lĩnh vực nào.”1

Hầu hết mọi người nhận ra rằng để đạt được đỉnh cao trong việc trình diễn về mặt thể chất và tinh thần thì việc chuẩn bị và luyện tập như vậy là thiết yếu.

Rủi thay, trong một thế giới càng ngày càng quan tâm tới vật chất, họ ít chú trọng hơn tới sự cần thiết về việc tăng trưởng phần thuộc linh để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn và thiết lập những nền tảng dẫn tới một đức tin kiên trì. Chúng ta có khuynh hướng nhấn mạnh đến những khoảnh khắc hiểu biết thuộc linh cao quý. Đây là những trường hợp quý báu khi chúng ta biết Đức Thánh Linh đã làm chứng về những sự thấu hiểu thuộc linh đặc biệt trong tâm trí chúng ta. Chúng ta vui mừng về những sự kiện này; chúng không nên bị suy giảm về bất cứ phương diện nào. Nhưng để có đức tin kiên trì và có được sự đồng hành liên tục của Thánh Linh, sẽ chẳng có điều gì thay thế được cho việc tuân theo tôn giáo của cá nhân mà có thể so sánh với sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần. Chúng ta nên xây đắp dựa trên những kinh nghiệm này mà đôi lúc giống với những bước đi chập chững đầu tiên vậy. Chúng ta làm điều này qua việc chân thành cam kết sẽ dự phần vào các buổi lễ Tiệc Thánh thiêng liêng, học thánh thư, cầu nguyện, và phục vụ khi được kêu gọi. Trong một cáo phó mới đây của một người cha của 13 đứa con, có ghi rằng “việc trung thành với sự cầu nguyện và học thánh thư hàng ngày đã ảnh hưởng sâu sắc tới con cái của ông, và cho chúng một nền tảng đức tin không thể lay chuyển nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”2

Một kinh nghiệm mà tôi có được khi tôi 15 tuổi đã thật sự làm nền tảng cho tôi. Người mẹ trung tín của tôi đã can đảm cố gắng giúp tôi thiết lập các nền tảng của đức tin trong cuộc sống. Tôi đã tham dự các buổi lễ Tiệc thánh, Hội Thiếu Nhi, và rồi Hội Thiếu Niên và lớp giáo lý. Tôi đã đọc Sách Mặc Môn và luôn cầu nguyện riêng cá nhân. Lúc đó, một sự kiện lớn đã xảy đến trong gia đình tôi khi người anh yêu quý của tôi đang cân nhắc chấp nhận một sự kêu gọi đi phục vụ truyền giáo hay không. Người cha tuyệt vời của tôi, một tín hữu kém tích cực của Giáo hội, đã muốn anh ấy tiếp tục việc học và không phục vụ truyền giáo. Điều này đã trở thành một điểm xung đột.

Trong một cuộc thảo luận đặc biệt với anh tôi, là người anh lớn hơn tôi năm tuổi và đã dẫn dắt cuộc thảo luận, chúng tôi đã kết luận rằng quyết định đi phục vụ truyền giáo hay không của anh ấy phụ thuộc vào ba vấn đề: (1) Chúa Giê Su Ky Tô có phải là Đấng thiêng liêng không? (2) Sách Mặc Môn có chân chính không? (3) Joseph Smith có phải là vị tiên tri của Sự Phục Hồi không?

Khi tôi cầu nguyện một cách chân thành vào tối hôm đó, Thánh Linh đã xác nhận cho tôi về lẽ thật của cả ba câu hỏi đó. Tôi cũng tiến đến việc hiểu được rằng hầu hết mọi quyết định tôi đưa ra trong suốt quãng đời còn lại của mình là dựa trên các câu trả lời cho ba câu hỏi đó. Cụ thể, tôi đã nhận ra rằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là thiết yếu. Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng, chính nhờ mẹ tôi, những nền tảng đó đã được ghi khắc trong tôi để cho tôi nhận được sự xác nhận thuộc linh vào buổi tối hôm đó. Anh trai tôi, là người đã có một chứng ngôn, đã đưa ra quyết định phục vụ truyền giáo và cuối cùng đã có được sự hỗ trợ của cha chúng tôi.

Chúng ta nhận được sự hướng dẫn thuộc linh khi cần, trong kỳ định của Chúa và theo như ý muốn của Ngài.3 Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô là một ví dụ xuất sắc. Gần đây, tôi có xem lại ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn. Joseph Smith đã hoàn tất việc phiên dịch khi ông 23 tuổi. Chúng ta biết một vài điều về tiến trình này và các công cụ mà ông đã sử dụng khi phiên dịch. Trong bản in đầu tiên vào năm 1830, Joseph đã gồm vào một lời tựa ngắn, đơn giản và tuyên bố rõ ràng rằng sách đó đã được dịch “bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”4 Thế còn những vật trợ giúp cho công việc phiên dịch—U Rim và Thu Mim, những viên đá tiên kiến thì sao? Các vật đó có thiết yếu không, hay chúng giống như những cái bánh xe tập đi của chiếc xe đạp cho đến lúc Joseph có thể sử dụng đức tin cần thiết để nhận được thêm sự mặc khải trực tiếp hơn?5

Bìa Sách Mặc Môn ấn bản năm 1830
Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn ấn bản năm 1830

Giống như việc lặp đi lặp lại và nỗ lực kiên định là cần thiết để gia tăng sức mạnh thể chất và tinh thần, thì những vấn đề về mặt thuộc linh cũng tương tự như vậy. Hãy nhớ rằng Vị Tiên Tri Joseph đón tiếp cùng một vị khách là Mô Rô Ni với cùng một sứ điệp 4 lần gặp để chuẩn bị cho việc tiếp nhận những bảng khắc. Tôi tin việc chuẩn bị hàng tuần trong những buổi lễ Tiệc thánh có những ngụ ý về mặt thuộc linh mà chúng ta không hiểu hết được. Việc suy ngẫm thánh thư thường xuyên—thay vì chỉ thỉnh thoảng đọc—có thể thay thế một sự hiểu biết nông cạn bằng một sự cải thiện cao quý và làm thay đổi cuộc sống nơi đức tin của chúng ta.

Đức tin là một nguyên tắc về quyền năng. Tôi xin minh họa: Khi tôi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo tuyệt vời 6 đã giới thiệu cho tôi bằng một cách thức sâu sắc về một câu chuyện thánh thư trong Lu Ca 8 về người phụ nữ mắc bệnh mất huyết trong 12 năm và đã tiêu hết tất cả tiền của cho các thầy thuốc mà cũng không khỏi. Cho đến nay đó vẫn là một trong những câu thánh thư ưa thích của tôi.

Anh chị em nhớ rằng bà ấy có đức tin là nếu chỉ có thể rờ trôn áo của Đấng Cứu Rỗi thì bà ấy sẽ được chữa lành. Khi bà ấy làm như vậy, tức thì được chữa lành. Đấng Cứu Rỗi, khi đó đang đi cùng với các môn đồ của Ngài, đã phán rằng: “Ai sờ đến ta?”

Phi E Rơ thưa rằng đó là tất cả mọi người, cùng đi lại và ép vào Ngài.

“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Có người đã rờ đến ta, vì ta nhận biết có quyền phép từ ta mà ra.”

Gốc của từ quyền phép có thể dễ dàng được hiểu là “quyền năng.” Nhưng dù vậy, Đấng Cứu Rỗi đã không nhìn thấy bà; Ngài còn không chú ý đến nhu cầu của bà. Nhưng đức tin của bà về việc rờ vào trôn áo đã sử dụng quyền năng chữa lành của Vị Nam Từ của Thượng Đế.

Như Đấng Cứu Rỗi đã phán với bà ấy: “Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an.”7

Tôi suy ngẫm câu chuyện này suốt cả quãng đời trưởng thành của mình. Tôi nhận ra rằng những lời cầu nguyện cá nhân và khẩn khoản của chúng ta lên Cha Thiên Thượng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang các phước lành vào cuộc sống của chúng ta ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta. Những nền tảng của đức tin, loại đức tin mà người đàn bà này đã cho thấy nên là một sự mong muốn lớn lao trong lòng chúng ta.

Tuy nhiên, những nền tảng ban đầu của đức tin, thậm chí với sự xác nhận thuộc linh, không có nghĩa rằng chúng ta sẽ không gặp thử thách. Việc cải đạo theo phúc âm không có nghĩa là tất cả các vấn đề của chúng ta sẽ được giải quyết.

Lịch sử ban đầu của Giáo Hội và những điều mặc khải đã được ghi lại trong sách Giáo Lý và Giao Ước chứa đựng những ví dụ tuyệt vời về việc thiết lập những nền tảng đức tin và đương đầu với những hoàn cảnh và thử thách không lường trước mà mọi người đều gặp phải.

Việc hoàn tất Đền Thờ Kirtland là nền tảng cho toàn thể Giáo Hội. Việc này được kèm theo bởi sự trút xuống Thánh Linh, những sự mặc khải giáo lý, và sự phục hồi các chìa khóa thiết yếu cho việc tiếp tục thiết lập Giáo Hội. Giống như Các Vị Sứ Đồ thời xưa vào ngày lễ Ngũ Tuần, nhiều tín hữu đã có được những kinh nghiệm thuộc linh kỳ diệu liên quan đến lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland.8 Nhưng, giống như trong chính cuộc sống của chúng ta, điều này không có nghĩa rằng họ sẽ không gặp thử thách hay khó khăn ở phía trước. Các tín hữu tiền phong này đâu biết rằng họ sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ—cuộc hoảng loạn năm 1837—mà sẽ thử thách tấm lòng họ rất nhiều.9

Một trong những ví dụ về những thử thách liên quan tới cuộc khủng hoảng tài chính này là kinh nghiệm của Anh Cả Parley P. Pratt, một trong những vị lãnh đạo vĩ đại của Sự Phục Hồi. Ông là một trong số các thành viên đầu tiên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Trong thời gian đầu năm 1837, người vợ yêu quý của ông là Thankful đã qua đời sau khi sinh hạ đứa con đầu lòng của họ. Parley và Thankful đã kết hôn được gần 10 năm, và sự qua đời của bà đã làm ông vô cùng đau khổ.

Một vài tháng sau đó, Anh Cả Pratt rơi vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất mà Giáo Hội gặp phải. Ở giữa tình trạng khủng hoảng của quốc gia, những vấn đề kinh tế ở địa phương —kể cả việc đầu cơ đất đai và những khó khăn của một cơ quan tài chính do Joseph Smith và các tín hữu khác của Giáo Hội thành lập—đã tạo ra sự bất hòa và mâu thuẫn ở Kirtland. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã không luôn có các quyết định sáng suốt về mặt vật chất trong cuộc sống của họ. Parley đã chịu đựng những mất mát về mặt tài chính đáng kể và có lúc trở nên bất đồng với Tiên Tri Joseph.10 Ông đã viết ra một lời phê bình gay gắt với Joseph và phát biểu chống lại Vị Tiên Tri ở trên bục giảng. Đồng thời, Parley đã nói rằng ông tiếp tục tin vào Sách Mặc Môn và Giáo Lý và Giao Ước.11

Anh Cả Pratt đã mất đi người vợ, đất đai, và nhà cửa của mình. Parley đã bỏ đi đến Missouri mà không nói cho Joseph biết. Trên đường đến đó, ông tình cờ gặp hai Sứ Đồ là Thomas B. Marsh và David Patten đang trên đường quay lại Kirtland. Họ đã cảm thấy sự cần thiết lớn lao để khôi phục lại sự hòa thuận trong Nhóm Túc Số và đã thuyết phục Parley quay lại cùng với họ. Parley đã nhận ra rằng không ai mất mát nhiều hơn Joseph Smith và gia đình của ông ấy.

Parley đã đi tìm Vị Tiên Tri, đã khóc và thú nhận rằng điều ông đã làm là sai trái. Trong nhiều tháng sau khi vợ ông là Thankful qua đời, Parley đã ở “dưới một đám mây đen” và đã trải qua nỗi sợ hãi và thất vọng.12 Vì biết việc vật lộn chống lại sự đối nghịch và cám dỗ là như thế nào, nên Joseph “đã thật lòng tha thứ” cho Parley, cầu nguyện và ban phước cho ông ấy.13 Parley và những người trung tín đã được ích lợi từ những thử thách ở Kirtland. Họ đã trở nên khôn ngoan và cao quý và thánh thiện hơn. Kinh nghiệm đó đã trở thành một phần trong nền tảng đức tin của họ.

Nghịch cảnh không nên được xem là vì sự không hài lòng của Chúa hay sự rút lại những phước lành của Ngài. Sự đối nghịch trong mọi điều là một phần lửa của người thợ luyện nhằm chuẩn bị chúng ta cho số mệnh thượng thiên vĩnh cửu. 14 Khi Vị Tiên Tri Joseph ở trong Ngục Thất Liberty, những lời của Chúa phán với ông đã mô tả tất cả các loại thử thách—gồm cả những sự khổ cực, và sự buộc tội sai trái—và kết luận rằng:

“Nếu hầm của ngục giới hả rộng miệng ra để nuốt ngươi, thì hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.

“Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?”15

Qua lời chỉ dẫn này cho Joseph Smith, Chúa cũng nói rõ rằng những ngày của ông đã được biết và sẽ chẳng giảm đi thêm. Chúa đã phán: “Chớ sợ hãi chi những điều loài người có thể làm được, vì Thượng Đế sẽ ở với ngươi mãi mãi và đời đời.”16

Vậy, những phước lành của đức tin là gì? Việc có đức tin đạt được điều gì? Bản liệt kê đó hầu như là vô tận:

Những tội lỗi của chúng ta có thể được tha thứ nhờ đức tin nơi Đấng Ky Tô.17

Và tất cả những ai có đức tin thì sẽ có được sự giao tiếp với Đức Thánh Linh.18

Sự cứu rỗi xảy ra được là nhờ có đức tin nơi danh của Đấng Ky Tô.19

Chúng ta nhận được sức mạnh thể theo đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô.20

Không một ai bước vào chốn an nghỉ của Chúa nếu người đó không tẩy sạch y phục của mình bằng máu của Đấng Ky Tô nhờ đức tin của họ.21

Những lời cầu nguyện được đáp ứng thể theo đức tin.22

Nếu không có đức tin ở giữa con cái loài người thì Thượng Đế không thể làm phép lạ ở giữa họ được.23

Cuối cùng, đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô là nền tảng thiết yếu cho sự cứu rỗi vĩnh cửu và tôn cao. Như Hê La Man dạy cho những người con trai của mình rằng: “Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế … , đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được.”24

Tôi biết ơn về sự củng cố của những nền tảng đức tin nhận được từ buổi đại hội này. Tôi khẩn nài rằng chúng ta sẽ chịu hy sinh và có được sự khiêm nhường cần thiết để củng cố những nền tảng của đức tin chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi chia sẻ lời chứng chắc chắn về Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Sy Ky Tô. A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Malcolm Gladwell, Outliers: The Story of Success (2008), 40. Ông trích dẫn nhà thần kinh học Daniel Levitin.

  2. Cáo phó của Bryant Hinckley Wadsworth, Deseret News, 15 tháng Giêng năm 2017, legacy.com/obituaries/deseretnews.

  3. Xin xem 2 Nê Phi 28:30. Chúng ta không nhận được tất cả kiến thức hay tất cả các nguyên tắc có liên quan tới vấn đề đó. Chúng sẽ đến khi nào cần thiết: từng hàng chữ một và từng lời chỉ giáo một.

  4. Trong ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn được in vào năm 1830, Tiên Tri Joseph Smith đã viết, “Tôi nói cho các anh em rằng tôi phiên dịch bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.” (xin xem trang tựa của Sách Mặc Môn [1830]). Những ấn bản sau này của Sách Mặc Môn cũng gồm có lời phát biểu tương tự: “Các bảng khắc đã được giao cho Joseph Smith và ông đã phiên dịch các bảng khắc này bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.” (xin xem lời giới thiệu sách Mặc Môn [2013]).

  5. Orson Pratt nhớ lại việc ông đã có mặt trong nhiều dịp khi Joseph Smith đang phiên dịch Kinh Tân Ước và tự hỏi tại sao ông đã không sử dụng công cụ nào trong tiến trình đó. “Joseph, như đã đọc được tâm trí của ông, đã nhìn lên và giải thích rằng Chúa đã ban cho ông U Rim và Thu Mim khi ông chưa có được sự từng trải trong sự soi dẫn của Thánh Linh. Nhưng giờ ông đã tiến triển xa đến mức ông hiểu được sự hoạt động của Thánh Linh và không cần sự trợ giúp của công cụ đó nữa” (“Two Days’ Meeting at Brigham City, ngày 27 và  28 tháng Sáu năm 1874,” Millennial Starngày 11 tháng Tám năm 1874, 499; xin xem thêm Richard E. Turley Jr., Robin S. Jensen, và Mark Ashurst-McGee, “Joseph the Seer,” Liahona, tháng Mười năm 2015, 10–17).

  6. Chủ tịch phái bộ truyền báo là Anh Cả Marion D. Hanks, và cũng là Vị Thẩm Quyền Trung Ương.

  7. Xin xem Lu Ca 8:43–48.

  8. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 2.

  9. Xin xem Mô Si A 2:36–37; xin xem thêm Henry B. Eyring, “Sự Chuẩn Bị Thuộc Linh: Bắt Đầu Sớm và Hãy Kiên Định,” Liahona,tháng Mười Một năm 2005, 38: “Thử thách lớn lao trong đời là để xem chúng ta có chịu lắng nghe và vâng theo lệnh truyền của Thượng Đế giữa những cơn bão tố trong đời không. Nó không phải là để chịu đựng cơn bão mà là để chọn điều đúng khi cơn bão hoành hành. Và bi kịch trong đời là bị đánh rớt trong cuộc trắc nghiệm đó và vì thế không đủ tiêu chuẩn để trở về mái nhà thiên thượng của chúng ta trong vinh quang.”

  10. Xin xem Terryl L. Givens and Matthew J. Grow, Parley P. Pratt: The Apostle Paul of Mormonism (2011), 91–98; tập giới thiệu và lời giới thiệu “Part 5,” The Joseph Smith Papers, Documents, Volume 5: Tháng Mười năm 1835–Tháng Giêng năm 1838, chủ bút Brent M. Rogers và những người khác (2017), xxviii-xxxi, 285–93.

  11. Xin xem “Thư gửi từ Parley P. Pratt ngày 23 Tháng Năm năm 1837,” trong The Joseph Smith Papers, Documents, Volume 5: Tháng Mười năm 1835–Tháng Giêng năm 1838, 389–91.

  12. Xin xem “History of John Taylor by Himself,” 15, trong Histories of the Twelve, 1856–1858, 1861, Church History Library; Givens and Grow, Parley P. Pratt, 101–2.

  13. Xin xem The Autobiography of Parley P. Pratt, do Parley P. Pratt Jr. biên soạn (1874), 183–84.

  14. Xin xem 2 Nê Phi 2:11.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 122:7–8.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 122:9.

  17. Xin xem Ê Nót 1:5–8.

  18. Xin xem Gia Rôm 1:4.

  19. Xin xem Mô Rô Ni 7:26, 38.

  20. Xin xem An Ma 14:26.

  21. Xin xem 3 Nê Phi 27:19.

  22. Xin xem Mô Rô Ni 7:26.

  23. Xin xem Ê The 12:12.

  24. Hê La Man 5:12.