2010–2019
Đừng Sợ Làm Điều Tốt
Tháng Mười năm 2017


2:3

Đừng Sợ Làm Điều Tốt

Chúa phán với chúng ta rằng khi chúng ta đứng lên với đức tin trên đá của Ngài thì sự nghi ngờ và sợ hãi được giảm bớt; ước muốn làm điều tốt lành sẽ gia tăng.

Các anh chị em thân mến, tôi khiêm nhường cầu nguyện rằng Thánh Linh của Chúa sẽ ở cùng chúng ta khi tôi ngỏ lời ngày hôm nay. Lòng tôi tràn đầy sự biết ơn đối với Chúa, mà đây là Giáo Hội của Ngài, vì sự soi dẫn mà chúng ta đã cảm thấy được qua những lời cầu nguyện nhiệt thành, những bài giảng đầy soi dẫn, và lời hát thánh thiện trong đại hội kỳ này.

Tháng Tư vừa rồi, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã đưa ra một sứ điệp mà đã làm lay động mọi người trên khắp thế giới, trong đó gồm có cả tôi. Ông đã nói về quyền năng của Sách Mặc Môn. Ông thúc giục chúng ta học tập, suy ngẫm, và áp dụng các lời giảng dạy trong sách đó. Ông hứa rằng nếu chúng ta dành thời gian mỗi ngày để học tập và suy ngẫm cùng tuân giữ các lệnh truyền mà Sách Mặc Môn chứa đựng, chúng ta sẽ có một chứng ngôn rất quan trọng về các lẽ thật trong đó, và chứng ngôn về Đấng Ky Tô hằng sống sẽ giúp chúng ta vượt qua những lúc hoạn nạn một cách an toàn. (Xin xem “Quyền năng của Sách Mặc Môn,” Liahona, tháng Năm năm 2017, 86–87.)

Giống như nhiều anh chị em, tôi lắng nghe lời của vị tiên tri như là tiếng nói của Chúa dành cho tôi vậy. Và, cũng giống như nhiều anh chị em, tôi quyết định tuân theo những lời đó. Kể từ khi tôi còn là một cậu bé, tôi đã cảm thấy sự tin chắc rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, rằng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã hiện ra và nói chuyện với Joseph Smith, và rằng Các Vị Sứ Đồ thời xưa đã tới gặp Tiên Tri Joseph để phục hồi các chìa khóa của chức tư tế cho Giáo Hội của Chúa.

Với chứng ngôn đó, tôi đã đọc Sách Mặc Môn mỗi ngày trong hơn 50 năm qua. Vì lẽ đó, tôi có lý do để nghĩ rằng lời nói của Chủ Tịch Monson là dành cho người khác. Nhưng, giống như nhiều anh chị em, tôi đã cảm thấy được sự khích lệ của vị tiên tri và lời hứa mời tôi nỗ lực nhiều hơn nữa của ông. Nhiều anh chị em cũng đã làm điều giống như tôi: cầu nguyện với chủ ý hơn, suy ngẫm thánh thư chăm chú hơn, và cố gắng nhiều hơn để phục vụ Chúa cùng những người khác cho Ngài.

Kết quả tốt lành dành cho tôi và cho nhiều anh chị em, là điều mà vị tiên tri đã hứa. Những người thành tâm chấp nhận lời khuyên dạy đầy soi dẫn của ông thì nghe thấy Thánh Linh một cách rõ rệt hơn. Chúng ta đã thấy một quyền năng lớn lao hơn để chống lại cám dỗ và cảm thấy một đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, nơi phúc âm của Ngài và Giáo Hội hằng sống của Ngài.

Trong thời buổi mà sự hỗn loạn trên thế giới đang ngày càng gia tăng, những gia tăng nơi chứng ngôn đó đã xua đi nỗi nghi ngờ và sợ hãi, và mang đến cho chúng ta cảm giác bình an. Việc lưu tâm đến lời khuyên dạy của Chủ Tịch Monson đã mang đến cho tôi hai hiệu quả tuyệt vời khác nữa: Đầu tiên, như điều ông đã hứa, Thánh Linh đã tạo cho tôi một cảm giác lạc quan về những điều trong tương lai, thậm chí khi mà tình trạng xáo trộn trong thế giới dường như gia tăng. Thứ hai, Chúa đã ban cho tôi—và anh chị em—một cảm nghĩ lớn lao hơn về tình yêu thương của Ngài dành cho những người đang buồn khổ. Chúng ta cảm thấy sự gia tăng ước muốn để đi giải cứu những người khác. Ước muốn đó là trọng tâm trong giáo vụ và lời giảng dạy của Chủ Tịch Monson.

Chúa đã hứa với Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery về sự gia tăng tình yêu thương với người khác cũng như sự can đảm khi mà các nhiệm vụ trước mắt họ dường như quá sức chịu đựng. Chúa đã phán rằng sự can đảm cần có đó sẽ đến bởi đức tin của họ nơi Ngài với vai trò như là đá của họ vậy:

“Đừng sợ làm điều tốt, hỡi các con trai của ta, vì các ngươi gieo bất cứ điều gì, thì các ngươi sẽ gặt điều ấy; vậy nếu các ngươi gieo điều tốt thì các ngươi sẽ gặt được điều tốt vì đó là phần thưởng của các ngươi.

Vậy thì, chớ sợ hãi, hỡi đàn chiên nhỏ bé; hãy làm điều tốt; hãy để mặc cho thế gian và ngục giới cấu kết với nhau chống lại mình, vì một khi các ngươi đã xây dựng trên đá của ta thì chúng không thể nào thắng thế được.

Này, ta không kết tội các ngươi; hãy theo những con đường của mình và đừng phạm tội nữa; hãy nghiêm chỉnh thi hành công việc mà ta đã truyền lệnh cho các ngươi.

Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.

Hãy nhìn xem những vết thương xuyên thủng sườn ta và những dấu đinh đóng trên tay và chân ta; hãy trung thành, hãy tuân giữ các giáo lệnh của ta, rồi các ngươi sẽ được thừa hưởng vương quốc thiên thượng.” (GLGƯ 6:33–37).

Chúa đã phán với những người lãnh đạo Phục Hồi của Ngài, và Ngài cũng phán với chúng ta, rằng khi chúng ta đứng lên với đức tin trên đá của Ngài thì sự nghi ngờ và sợ hãi được giảm bớt; ước muốn làm điều tốt lành sẽ gia tăng. Khi chúng ta chấp nhận với lời mời của Chủ Tịch Monson để gieo vào lòng chúng ta một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ đạt được sức mạnh, ước muốn, và lòng can đảm để đi giải cứu người khác mà không bận tâm đối với các nhu cầu của chính chúng ta.

Tôi đã nhìn thấy đức tin và sự can đảm như thế nhiều lần khi Các Thánh Hữu Ngày Sau đầy lòng tin tưởng đương đầu với những thử thách đáng sợ. Ví dụ, tôi đã ở Bang Idaho khi Đập Teton bị vỡ vào ngày 5 tháng Sáu năm 1976. Một bức tường nước ập xuống. Hàng nghìn người phải rời khỏi nhà của mình. Hàng nghìn ngôi nhà và cửa hàng bị hủy hoại. Kỳ diệu thay, chỉ có chưa đến 15 người bị thiệt mạng.

Điều tôi đã chứng kiến ở đó, là điều tôi đã luôn thấy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Các Thánh Hữu Ngày Sau vẫn đứng vững trên đá của một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô. Vì họ tin chắc Ngài trông nom cho họ, họ trở nên không sợ hãi. Họ bỏ qua những thử thách của mình để đi giúp đỡ người khác. Và họ làm vậy vì tình yêu nơi Chúa, mà không cầu mong sự đáp trả nào cả.

Ví dụ, khi Đập Teton bị vỡ, một cặp vợ chồng Thánh Hữu Ngày Sau khi đó đang đi du lịch cách xa nhà họ hàng dặm. Ngay khi họ nghe thấy tin tức trên đài phát thanh, họ tức tốc quay lại thành phố Rexburg. Thay vì về nhà xem nó có bị phá hủy hay không, họ đi tìm giám trợ của họ. Ông lúc đó đang ở trong một tòa nhà mà được sử dụng để làm trung tâm khắc phục hậu quả. Ông đang giúp hướng dẫn cho hàng ngàn tình nguyện viên mà đang đến trên các xe buýt màu vàng dùng đưa đón học sinh.

Cặp vợ chồng này đi tới vị giám trợ và nói: “Chúng tôi mới quay lại. Thưa giám trợ, chúng tôi có thể tới đâu giúp đỡ?” Ông đưa cho họ các cái tên của một gia đình. Cặp vợ chồng này đi dọn bùn đất và nước hết nhà này đến nhà khác. Họ làm việc từ lúc bình minh tới khi trời tối trong nhiều ngày. Họ cuối cùng cũng nghỉ tay để đi xem ngôi nhà của chính họ. Nó đã bị lũ cuốn trôi, không hề còn lại gì để phải dọn cả. Vì thế họ nhanh chóng quay lại gặp vị giám trợ của họ lần nữa. Họ hỏi: “Thưa giám trợ, có người nào cần chúng tôi giúp đỡ không?”

Sự kỳ diệu của sự can đảm thầm lặng và lòng bác ái đó—tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô—đã được lặp lại nhiều năm qua và trên khắp thế giới. Sự kỳ diệu đó cũng đã xảy ra trong những ngày khủng khiếp của những sự ngược đãi và thử thách khi Tiên Tri Joseph Smith ở tại Missouri. Sự kỳ diệu đó đã xảy ra khi Brigham Young hướng dẫn cuộc di cư từ Nauvoo và sau đó kêu gọi các Thánh Hữu đi tới những nơi sa mạc ở trên khắp miền tây Hoa Kỳ, để giúp nhau thiết lập Si Ôn cho Chúa.

Nếu anh chị em đọc các tác phẩm nhật ký của những người tiền phong đó, anh chị em thấy sự kỳ diệu của đức tin đã làm xua đi sự nghi ngờ và sợ hãi. Và anh chị em đọc được về việc Các Thánh Hữu bỏ qua các vấn đề cá nhân để giúp người khác cho Chúa, trước khi quay lại đàn cừu hoặc cánh đồng chưa được cày của họ.

Chỉ một vài ngày trước đây, tôi đã thấy sự kỳ diệu đó sau hậu quả của Cơn Bão Irma ở Puerto Rico, Saint Thomas, và Florida, là nơi mà Các Thánh Hữu Ngày Sau cùng với các giáo hội khác, các nhóm phục vụ cộng đồng tại địa phương, và các tổ chức quốc gia bắt đầu các nỗ lực dọn dẹp.

Giống như các người bạn của tôi ở Rexburg, một cặp vợ chồng ngoại đạo ở Florida đã tập trung vào việc giúp cộng đồng thay vì chăm lo cho tài sản của chính họ. Khi một vài người hàng xóm Thánh Hữu Ngày Sau đề nghị giúp đỡ với hai cái cây to lớn đang chắn lối đi vào nhà của cặp vợ chồng đó, họ đã giải thích rằng họ có quá nhiều việc và vì thế họ quyết định đi giúp đỡ những người khác, và tin rằng Chúa sẽ cung cấp sự trợ giúp họ cần cho ngôi nhà của mình. Người chồng sau đó đã chia sẻ rằng trước khi các tín hữu của Giáo Hội đến đề nghị giúp đỡ, họ đã cầu nguyện. Họ đã nhận được sự đáp ứng rằng sự giúp đỡ sẽ đến. Và điều đó đã xảy đến chỉ trong một vài giờ sau đó.

Tôi đã nghe về một báo cáo rằng có một số người đã bắt đầu gọi Các Thánh Hữu Ngày Sau mặc các áo phông Helping Hands màu vàng là “Thiên Thần Áo Vàng.” Một Thánh Hữu Ngày Sau đã mang xe của mình đi sửa chữa, và người đàn ông giúp cô ấy đã miêu tả về “kinh nghiệm thuộc linh” mà ông ấy có được khi những người mặc áo vàng đã dọn những cái cây khỏi sân nhà của ông, và ông nói rằng họ “đã hát cho tôi một bài hát về việc làm con cái của Thượng Đế.”

Một cư dân Florida khác—cũng là người không có cùng đạo với chúng ta—đã chia sẻ rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau đã tới nhà cô ấy khi cô ấy đang dọn khu vườn bị tàn phá của mình và đang cảm thấy bị quá tải, quá nóng bức, và gần như sắp khóc. Theo như lời cô ấy nói, những tình nguyện viên đã tạo ra “một phép lạ thuần khiết.” Họ đã phục vụ không chỉ với sự siêng năng mà còn cả tiếng cười, và không chấp nhận bất cứ sự đền đáp nào.

Vào tối muộn ngày Thứ Bảy, tôi đã thấy sự siêng năng đó và đã nghe thấy tiếng cười đó khi tôi viếng thăm một nhóm Thánh Hữu Ngày Sau ở Florida. Những tình nguyện viên này đã dừng việc dọn dẹp đủ lâu để tôi có thể bắt tay một vài người. Họ nói rằng 90 tín hữu trong giáo khu của họ ở Georgia đã tạo ra một kế hoạch để tham gia vào việc cứu hộ ở Florida ngay vào đêm hôm trước.

Họ đã rời Georgia lúc 4:00 giờ sáng, lái xe hàng giờ, làm việc cả ngày lẫn đêm, và đã lên kế hoạch để tiếp tục làm việc vào ngày hôm sau.

Họ đã miêu tả tất cả điều đó với tôi bằng những nụ cười và cử chỉ tốt đẹp. Sự căng thẳng duy nhất mà tôi cảm nhận được là họ đã muốn dừng việc được cảm ơn lại để họ có thể quay lại làm việc. Chủ tịch giáo khu đã khởi động máy cưa xích và đang xử lý một cái cây bị đổ và một vị giám trợ đang di chuyển các nhánh cây to trong khi chúng tôi đi vào xe để đi tới nhóm cứu hộ tiếp theo.

Trước ngày hôm đó, khi chúng tôi lái xe rời khỏi một địa điểm khác, một người đàn ông đã bước tới ô tô, bỏ mũ ra, và cảm ơn chúng tôi vì những tình nguyện viên. Ông nói: “Tôi không phải là tín hữu của Giáo Hội các bạn. Tôi không thể tin nổi những điều mà các bạn đã làm cho chúng tôi. Xin Thượng Đế ban phước cho các bạn.” Một tình nguyện viên mặc áo phông màu vàng của Giáo Hội Thánh Hữu Ngày Sau đang đứng bên cạnh ông ấy và mỉm cười, nhún vai, như thể mình không xứng đáng với sự tán dương đó.

Trong khi những tình nguyện viên đó đến từ Georgia để giúp đỡ người đàn ông này, là người mà không thể tin điều đó, thì hàng trăm Thánh Hữu Ngày Sau từ những vùng bị tàn phá nặng nề của Florida cũng đã đi hàng trăm dặm về phía nam để đi tới vùng khác của Florida là nơi mà họ nghe rằng người ở đó gặp nhiều khó khăn hơn.

Ngày hôm đó, tôi đã nhớ đến và hiểu hơn những lời tiên tri của Tiên Tri Joseph Smith: “Một người đầy dẫy tình yêu thương với Thượng Đế, thì không toại nguyện với phước lành chỉ ban cho gia đình mình thôi, mà còn đi khắp thế gian, thiết tha mong muốn ban phước cho toàn thể nhân loại” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 426).

Chúng ta thấy được tình yêu thương như thế trong cuộc sống của Các Thánh Hữu Ngày Sau ở khắp mọi nơi. Mỗi khi có một thảm họa xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới, Các Thánh Hữu Ngày Sau quyên góp và tình nguyện giúp cho các nỗ lực nhân đạo của Giáo Hội. Hiếm khi cần có một sự kêu gọi. Thực ra, trong vài trường hợp, chúng ta đã phải yêu cầu những người muốn làm tình nguyện phải đợi để di chuyển tới trung tâm khắc phục hậu quả cho tới khi những người đang chỉ đạo công việc ở đó sẵn sàng để tiếp nhận họ.

Ước muốn ban phước là kết quả khi mà mọi người gia tăng một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô, phúc âm của Ngài, Giáo Hội phục hồi của Ngài, và vị tiên tri của Ngài. Đó là lý do tại sao dân của Chúa không hề nghi ngờ và sợ hãi. Đó là lý do tại sao những người truyền giáo tình nguyện phục vụ ở mọi nơi trên thế gian. Đó là lý do tại sao cha mẹ cùng con cái cầu nguyện cho những người khác. Đó là lý do tại sao các vị lãnh đạo Giáo Hội mời giới trẻ của họ chân thành tuân theo yêu cầu chuyên tâm học tập Sách Mặc Môn của Chủ Tịch Monson. Kết quả từ việc tuân theo lời mời này không bởi do sự thúc giục của các vị lãnh đạo, mà bởi do việc giới trẻ và các tín hữu hành động theo đức tin. Đức tin đó được chuyển thành hành động, mà đòi hỏi sự hy sinh vô vị kỷ, mang đến sự thay đổi trong lòng để làm cho họ có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế.

Tuy nhiên, tấm lòng của chúng ta chỉ giữ được những sự thay đổi đó khi chúng ta tiếp tục tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri. Nếu chúng ta ngừng lại việc nỗ lực, sự thay đổi đó sẽ mờ dần đi.

Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín đã gia tăng đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô, về việc Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, và sự phục hồi các chìa khóa của chức tư tế trong Giáo Hội chân chính của Ngài. Chứng ngôn được gia tăng đó đã ban cho chúng ta sự can đảm và mối quan tâm lớn hơn với những con cái khác của Thượng Đế. Nhưng những khó khăn và cơ hội trong tương lai thậm chí còn đòi hỏi chúng ta nhiều hơn nữa.

Chúng ta không thể nhìn thấy trước một cách cụ thể, nhưng chúng ta biết một cách tổng quát hơn. Chúng ta biết rằng vào ngày sau cùng, thế gian sẽ bị xáo động. Chúng ta biết rằng dù bất cứ hoạn nạn nào xảy đến, Chúa sẽ dẫn dắt các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô tới mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc. Và chúng ta biết rằng những môn đồ chân chính của Chúa sẽ xứng đáng và sẵn sàng đón nhận Ngài khi Ngài tái lâm. Chúng ta không cần phải sợ hãi.

Vì thế, dù chúng ta đã vun đắp đức tin và lòng quả cảm trong tấm lòng mình bao nhiêu chăng nữa, Chúa vẫn kỳ vọng chúng ta nhiều hơn—và cả các thế hệ đến sau chúng ta nữa. Họ sẽ cần trở nên mạnh mẽ hơn và can đảm hơn bởi vì họ thậm chí sẽ làm những việc vĩ đại hơn và khó khăn hơn điều chúng ta đã làm. Và họ sẽ đương đầu với sự chống đối đang gia tăng từ kẻ thù của linh hồn chúng ta.

Chúa đã ban cho chúng ta cách thức để có được sự lạc quan trong tương lai rằng: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi” (GLGƯ 6:36). Chủ Tịch Monson đã nói cho chúng ta cách làm điều đó. Chúng ta suy ngẫm và áp dụng các nguyên tắc trong Sách Mặc Môn và những lời của các vị tiên tri. Hãy cầu nguyện luôn luôn. Hãy tin tưởng. Hãy phục vụ Chúa với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh. Chúng ta cần phải cầu nguyện với tất cả mãnh lực của lòng mình để có được ân tứ về lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:47–48). Và hơn hết, chúng ta hãy nhất quán cùng kiên trì trong việc tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri.

Khi con đường trở nên khó khăn, chúng ta có thể tin cậy vào lời hứa của Chúa—là lời hứa mà Chủ Tịch Monson đã luôn nhắc nhở chúng ta khi ông trích dẫn những lời này của Đấng Cứu Rỗi: “Và kẻ nào tiếp nhận các ngươi thì ta cũng sẽ ở đó, vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các nguơi để nâng đỡ các ngươi” (GLGƯ 84:88).

Tôi làm chứng rằng Chúa đi trước mặt anh chị em bất cứ khi nào anh chị em làm công việc của Ngài. Đôi lúc, anh chị em sẽ là thiên sứ mà Chúa gửi tới nâng đỡ cho những người khác. Đôi lúc, anh chị em sẽ được các thiên sứ bao quanh mình để nâng đỡ anh chị em. Nhưng anh chị em sẽ luôn có Thánh Linh của Ngài trong lòng mình, như đã được hứa cho anh chị em trong mỗi buổi lễ Tiệc Thánh. Anh chị em chỉ cần tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Những ngày đẹp nhất đang ở phía trước cho vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Sự chống đối sẽ củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, như đã luôn như vậy từ thời kỳ của Tiên Tri Joseph Smith. Đức tin sẽ luôn đánh bại nỗi sợ hãi. Đứng cùng với nhau sẽ mang đến sự đoàn kết. Và lời cầu nguyện của anh chị em cho những người đang hoạn nạn đã được Thượng Đế nhân từ lắng nghe và đáp ứng. Ngài không hề nhắm mắt, cũng không ngủ.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống và muốn anh chị em trở về nhà cùng với Ngài. Đây là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài biết anh chị em, yêu thương anh chị em, Ngài trông nom anh chị em. Ngài đã chuộc tội cho tội lỗi của anh chị em, của tôi và của tất cả con cái của Cha Thiên Thượng. Việc tuân theo Ngài trong cuộc sống và trong sự phục vụ người khác của anh chị em là cách duy nhất dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Tôi làm chứng về những điều đó và để lại cho anh chị em phước lành và tình yêu thương của tôi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.