2010–2019
Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


2:3

Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô

Thượng Đế mời gọi chúng ta ném bỏ hết những lề lối cũ ngoài tầm tay với và bắt đầu một cuộc sống mới trong Đấng Ky Tô.

Tháng Tư vừa qua, tôi đã có đặc ân làm lễ cung hiến Đền Thờ Kinshasa Democratic Republic of the Congo.1 Không lời nào có thể diễn tả được hết niềm vui mà những người Congo trung tín và tôi đã cảm nhận khi thấy một ngôi đền thờ được làm lễ cung hiến trong đất nước họ.

Bức Tranh Thác Nước Congo

Những người bước vào Đền Thờ Kinshasa đều nhìn thấy bản vẽ gốc của một bức tranh có tên là Thác Nước Congo.2 Bức tranh này nhắc nhở một cách độc đáo những người đi đền thờ về sự cam kết không lay chuyển để bám chặt vào Chúa Giê Su Ky Tô và đi theo con đường giao ước trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Các thác nước trong bức tranh này minh họa cho một lối thực hành phổ biến cách đây hơn một thế kỷ trong số những người cải đạo đầu tiên theo Ky Tô giáo ở Congo.

Bức Tranh Thác Nước Nzongo

Trước khi cải đạo, họ thờ những đồ vật vô tri và tin rằng những đồ vật này có quyền lực siêu nhiên.3 Sau khi cải đạo, nhiều người đã hành hương đến một trong vô số thác nước dọc theo Sông Congo, như Thác Nước Nzongo.4 Những người cải đạo này đã ném những thần tượng đã được họ tôn sùng trước đây vào thác nước để cho Thượng Đế và những người khác biết rằng điều đó tượng trưng cho việc họ đang quăng bỏ các truyền thống cũ và chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cố tình không ném những đồ vật của mình vào vùng nước nông, phẳng lặng; họ ném chúng vào vùng nước dậy sóng của một thác nước lớn, nơi mà những đồ vật đó không thể vớt lên lại được. Những hành động này tượng trưng cho việc khởi đầu một sự cam kết không lay chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô.

Những người ở những nơi khác và thời đại khác cũng đã cho thấy sự cam kết của họ đối với Chúa Giê Su Ky Tô theo những cách tương tự.5 Những người dân trong Sách Mặc Môn được gọi là dân An Ti Nê Phi Lê Hi “đã dẹp bỏ khí giới phản nghịch của họ,” chôn “sâu xuống đất” như là “chứng minh với Thượng Đế … rằng họ sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí đó [của họ] nữa.”6 Khi làm như vậy, họ đã hứa sẽ tuân theo những lời giảng dạy của Thượng Đế và không bao giờ vi phạm cam kết của họ. Hành động này là khởi đầu của việc “cải đạo theo Chúa” và luôn luôn giữ cam kết không vi phạm.7

Việc “cải đạo theo Chúa” có nghĩa là từ bỏ một hành động, bị chi phối bởi một đường lối tin tưởng cũ, và chấp nhận một đường lối mới dựa trên đức tin nơi kế hoạch của Cha Thiên Thượng và nơi Chúa Giê Su Ky Tô cùng Sự Chuộc Tội của Ngài. Sự thay đổi này không chỉ là sự chấp nhận bằng lý trí những lời dạy của phúc âm. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến bản sắc của chúng ta, biến đổi sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa cuộc sống, và dẫn đến một lòng trung thành bất biến đối với Thượng Đế. Những ước muốn cá nhân trái ngược với những ước muốn dựa vào Đấng Cứu Rỗi và đi theo con đường giao ước đã dần dần biến mất và được thay thế bằng một quyết tâm để tuân phục theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.

Việc cải đạo theo Chúa bắt đầu với một sự cam kết không lay chuyển đối với Thượng Đế, tiếp theo đó là việc biến cam kết đó thành một phần chính yếu của cuộc sống chúng ta. Việc tiếp thu một sự cam kết như vậy là một tiến trình suốt đời mà đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự hối cải liên tục. Cuối cùng, cam kết này trở thành một phần của con người chúng ta, gắn liền với ý thức về bản thân chúng ta và luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Giống như chúng t không bao giờ quên tên của mình cho dù đang nghĩ gì khác đi nữa thì chúng ta cũng không bao giờ quên một cam kết khắc sâu trong lòng mình.8

Thượng Đế mời gọi chúng ta ném bỏ hết những lề lối cũ ngoài tầm tay với và bắt đầu một cuộc sống mới trong Đấng Ky Tô. Điều này xảy ra khi chúng ta phát triển đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi mà bắt đầu bằng cách lắng nghe chứng ngôn của những người có đức tin.9 Sau đó, đức tin gia tăng khi chúng ta hành động theo những cách để bám chặt vào Ngài.10

Giờ đây, thật là tốt nếu đức tin gia tăng được lây truyền như bệnh cúm hoặc bệnh cảm thông thường. Sau đó, một cái hắt hơi “thuộc linh” bình thường sẽ xây đắp đức tin nơi những người khác. Nhưng cách đó là không phải vậy. Cách duy nhất mà đức tin tăng trưởng là một cá nhân phải hành động với đức tin. Những hành động này thường được nhắc nhở bởi những lời mời mọc của những người khác, nhưng chúng ta không thể “phát triển” đức tin của một người khác hoặc chỉ dựa vào người khác để củng cố đức tin của mình. Để đức tin của mình tăng trưởng, chúng ta phải chọn các hành động xây đắp đức tin, chẳng hạn như cầu nguyện, học thánh thư, dự phần Tiệc Thánh, tuân giữ các giáo lệnh và phục vụ người khác.

Khi đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô tăng trưởng, Thượng Đế mời gọi chúng ta lập những lời hứa với Ngài. Những giao ước này, được biết chính là những lời hứa đó, cho thấy sự cải đạo của chúng ta. Các giao ước cũng tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự tiến triển thuộc linh. Khi chọn để chịu phép báp têm, chúng ta bắt đầu mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô11 và chọn để được giống như Ngài. Chúng ta cam kết trở nên giống như Ngài và phát triển các thuộc tính của Ngài.

Các giao ước này giữ chặt chúng ta với Đấng Cứu Rỗi và giúp chúng ta đi theo con đường dẫn đến ngôi nhà thiên thượng của mình. Quyền năng của các giao ước giúp chúng ta duy trì sự thay đổi lớn lao trong lòng, gia tăng sự cải đạo của chúng ta đối với Chúa và tiếp nhận hình ảnh của Đấng Ky Tô ghi khắc trên diện mạo chúng ta.12 Nhưng nếu không thật lòng cam kết với các giao ước của mình sẽ không bảo đảm một điều gì cho chúng ta cả.13 Chúng ta có thể bị cám dỗ để hành động nước đôi, ném những lối sống cũ của mình vào các thác nước êm ả hoặc giả vờ chôn sâu những vũ khí phản nghịch của mình. Nhưng một cam kết lập lờ với các giao ước của chúng ta sẽ không dẫn đến quyền năng thánh hóa của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Đền Thờ Kinshasa

Sự cam kết của chúng ta để tuân giữ các giao ước của mình không nên kèm theo điều kiện hoặc thay đổi theo hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống của mình. Lòng trung kiên của chúng ta đối với Thượng Đế nên giống như dòng Sông Congo kiên định chảy gần Đền Thờ Kinshasa. Con sông này, không giống như hầu hết các con sông trên thế giới, đang liên tục14 đổ gần 41,500 triệu lít nước mỗi giây vào Đại Tây Dương quanh năm.

Đấng Cứu Rỗi đã mời gọi các môn đồ của Ngài phải kiên định và bền chí. Ngài phán: “Vậy nên, hãy ghi khắc điều này trong lòng các ngươi để các ngươi sẽ làm những điều mà ta sẽ giảng dạy và truyền lệnh cho các ngươi làm.”15 Một quyết tâm “vững vàng” để tuân giữ các giao ước của chúng ta cho phép thực hiện đầy đủ lời hứa của Thượng Đế để chúng ta có thể nhận được niềm vui lâu dài.16

Nhiều Thánh Hữu Ngày Sau trung tín đã cho thấy rằng họ có “quyết tâm vững vàng” trong việc tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế và đã thay đổi mãi mãi. Tôi xin kể cho anh chị em nghe về ba người như vậy—Anh Banza Mucioko, Chị Banza Régine và Anh Mbuyi Nkitabungi.

Gia đình Banza

Vào năm 1977, gia đình Banza sống tại Kinshasa ở nước Zaire, nay được gọi là Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Họ rất được kính trọng trong cộng đồng giáo hội Tin Lành. Vì tài năng của họ nên giáo hội của họ đã sắp xếp cho gia đình có con nhỏ của họ đi du học ở Thụy Sĩ và cấp cho một học bổng đại học.

Trong khi ở Geneva, trên đường đi xe buýt đến trường, Anh Banza thường xuyên thấy một nhà hội nhỏ với cái tên là “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.” Anh tự hỏi: “Chúa Giê Su Ky Tô có Các Thánh Hữu bây giờ, trong những ngày sau không?” Cuối cùng anh quyết định nên đi xem.

Anh Chị Banza được chào đón nồng nhiệt tại chi nhánh. Họ đưa ra một số câu hỏi dai dẳng mà họ đã có về thiên tính của Thượng Đế, chẳng hạn như: “Nếu Thượng Đế là một linh hồn, giống như gió, thì làm thế nào chúng ta có thể được tạo ra giống như Ngài được? Làm thế nào Ngài có thể ngồi trên một ngai vàng?” Họ chưa bao giờ nhận được một câu trả lời thỏa đáng cho đến khi những người truyền giáo giải thích giáo lý được phục hồi trong một bài học ngắn. Khi những người truyền giáo ra về, Anh Chị Banza nhìn nhau và nói: “Đây không phải là lẽ thật mà chúng ta đã nghe sao?” Họ tiếp tục đến nhà thờ và gặp những người truyền giáo. Họ biết rằng việc chịu phép báp têm trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ dẫn đến những hậu quả. Họ sẽ bị tước học bổng của mình; thị thực của họ sẽ bị thu hồi và họ cùng hai con nhỏ của họ sẽ bị bắt buộc phải rời khỏi Thụy Sĩ. Họ chọn chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận vào tháng Mười năm 1979.

Hai tuần sau lễ báp têm, Anh Chị Banza trở về Kinshasa với tư cách là tín hữu đầu tiên và thứ hai của Giáo Hội trong quốc gia của họ. Các tín hữu của Chi Nhánh Geneva vẫn giữ liên lạc với họ và giúp họ kết nối với các vị lãnh đạo Giáo Hội. Anh Chị Banza được khuyến khích nên trung thành chờ đợi thời gian đã được hứa là Thượng Đế sẽ thiết lập Giáo Hội của Ngài ở Zaire.

Anh Cả Mbuyi

Trong khi đó, một sinh viên trao đổi khác cũng từ Zaire, Anh Mbuyi, đang du học ở Bỉ. Anh chịu phép báp têm vào năm 1980 trong Tiểu Giáo Khu Brussels. Ngay sau đó, anh đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian ở Anh. Và Thượng Đế đã làm phép lạ. Anh Mbuyi trở về Zaire với tư cách là tín hữu thứ ba của Giáo Hội tại đất nước của anh. Với sự cho phép của cha mẹ anh, các buổi họp Giáo Hội đã được tổ chức tại nhà của gia đình anh. Vào tháng Hai năm 1986, một bản thỉnh nguyện đã được gửi đến chính quyền để Giáo Hội được chính thức công nhận. Cần phải có chữ ký của ba công dân ở Zaire. Ba người hân hoan ký tên vào bản thỉnh nguyện chính là Anh Banza, Chị Banza và Anh Mbuyi.

Anh Mbuyi và Anh Chị Banza

Các tín hữu trung kiên này đã biết được lẽ thật khi họ nghe nói về nó; họ đã lập một giao ước lúc chịu phép báp têm mà giữ chặt họ với Đấng Cứu Rỗi. Theo nghĩa bóng, họ đã ném bỏ những lối sống cũ của mình vào một thác nước đang cuồn cuộn chảy mà không có ý định đi vớt chúng lên. Con đường giao ước chưa bao giờ là dễ dàng. Sự bất ổn chính trị, sự liên lạc không thường xuyên với các vị lãnh đạo Giáo Hội và những thử thách cố hữu trong việc xây dựng một cộng đồng Các Thánh Hữu có thể đã cản bước các cá nhân ít cam kết hơn. Nhưng Anh Chị Banza và Anh Mbuyi đã kiên trì trong đức tin của họ. Họ đã có mặt tại lễ cung hiến Đền Thờ Kinshasa, 33 năm sau khi họ ký vào bản thỉnh nguyện mà dẫn đến việc Giáo Hội được chính thức công nhận ở Zaire.

Anh Chị Banza

Gia đình Banza đang có mặt ở đây trong Trung Tâm Đại Hội hôm nay. Họ đi cùng với hai con trai của họ, Junior và Phil, và hai con dâu, Annie và Youyou. Vào năm 1986, Junior và Phil, là hai người đầu tiên chịu phép báp têm vào Giáo Hội ở Zaire. Anh Mbuyi đang theo dõi đại hội này từ Kinshasa cùng với vợ anh, Maguy và năm đứa con của họ.

Anh Chị Mbuyi

Những người tiền phong này đã hiểu được ý nghĩa và kết quả của các giao ước mà qua đó họ đã được mang “tới sự hiểu biết về Chúa, Thượng Đế của họ, và vui mừng trong Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của họ.”17

Bằng cách nào chúng ta vẫn bám chặt vào Đấng Cứu Rỗi và luôn trung tín giống như những người này và hàng chục ngàn Thánh Hữu Congo đã đi theo họ cùng hàng triệu người khác trên khắp thế giới? Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta biết cách thức đó. Mỗi tuần, chúng ta dự phần Tiệc Thánh và lập một giao ước với Cha Thiên Thượng. Chúng ta sẽ liên kết đặc tính của mình với thiên tính của Đấng Cứu Rỗi bằng cách cam kết sẵn lòng mang lấy danh Ngài, luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.18 Việc chuẩn bị kỹ và lập các giao ước này mỗi tuần một cách xứng đáng sẽ giữ chặt chúng ta với Đấng Cứu Rỗi19 và thúc đẩy chúng ta một cách mạnh mẽ để đi theo con đường giao ước.

Tôi mời anh chị em hãy cam kết với một tiến trình suốt đời để làm môn đồ. Hãy lập và tuân giữ các giao ước. Hãy ném những lối sống cũ của mình vào các thác nước sâu và đang nổi sóng. Hãy thật tâm cam kết với các giao ước đã lập. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, việc lập các giao ước với một chủ ý thật sự để tôn trọng các giao ước này một cách vững chắc sẽ ban phước cho cuộc sống của anh chị em mãi mãi. Anh chị em sẽ trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn khi anh chị em luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, noi theo Ngài và yêu mến Ngài. Tôi làm chứng rằng Ngài là nền tảng vững chắc. Ngài là Đấng kiên định và những lời hứa của Ngài là chắc chắn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lễ cung hiến diễn ra vào Chủ Nhật Lễ Lá, ngày 14 tháng Tư năm 2019, do Chủ Tịch Russell M. Nelson chỉ định.

  2. Họa sĩ David Meikle đã vẽ bức tranh Thác Nước Congo từ các bức ảnh của Thác Nước Kiubu Falls. Thác Kiubu nằm khoảng 400 kilômét về phía bắc Lubumbashi ở đông nam của nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

  3. Những vật này được biết là inkisi trong tiếng Kikongo và fétiches trong tiếng Pháp. Từ này dịch sang tiếng Anh là “bùa hộ mệnh,” “bùa chú” hoặc “vật thờ.”

  4. David Meikle cũng vẽ bức tranh Thác Nước Nzongo từ các bức ảnh của các thác nước. Thác Nước Nzongo nằm khoảng 130 kilômét cách xa Kinshasa, nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Con sông tại các thác nước này có tên là Nzadi Inkisi, hay là “Sông của Các Vật Thờ.” Cái tên này phản ảnh lối thực hành được mô tả trong bài.

  5. Vào năm 1000 sau Công Nguyên, những người lãnh đạo các thị tộc Iceland đã nhóm lại với nhau trong buổi họp hằng năm diễn ra trong hai tuần của họ ở Allting, là một buổi họp thân mật để làm ra các luật lệ mà sẽ ràng buộc tất cả. Một người đàn ông tên Thorgeir được yêu cầu đưa ra quyết định cho mọi người về việc cải đạo sang Ky Tô giáo hoặc tiếp tục thờ các vị thần Bắc Âu. Sau ba ngày ẩn dật trong căn lều của mình, Thorgeir tuyên bố quyết định của mình: các thị tộc sẽ trở thành Ky Tô hữu. Khi Thorgeir trở về làng mình, ông đã mang ném các thần tượng Norse-God yêu quý của mình vào một thác nước, hiện được gọi là Godafoss, hay là “Thác Nước của Các Vị Thần.” Hành động này đã biểu thị sự cải đạo trọn vẹn của Thorgeir theo Ky Tô giáo.

  6. An Ma 23:13; 24:17–18.

  7. Xin xem An Ma 23:6; David A. Bednar, “Được Cải Đạo theo Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 106–109.

  8. Xin xem Ê Xê Chi Ên 11:19–20; 2 Cô Rinh Tô 3:3.

  9. Xin xem Rô Ma 10:14, 17.

  10. Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Sự Phục Vụ Truyền Giáo, hiệu đính và tái bản (năm 2018), trang 203.

  11. Xin xem Dallin H. Oaks, “Taking upon Us the Name of Jesus Christ,” Ensign, tháng Năm năm 1985, trang 80–83.

  12. Xin xem An Ma 5:12–14.

  13. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:10.

  14. Sông Congo là con sông sâu nhất, mạnh thứ hai và dài thứ chín trên thế giới. Vì nó chảy ngang đường xích đạo hai lần, nên ít nhất một đoạn sông luôn luôn ở trong mùa mưa, do đó mà dòng nước chảy rất đều đặn. Dòng nước chảy tương đối ổn định trong cả năm, trung bình 41.000 mét khối nước mỗi giây, mặc dù tốc độ dòng chảy có thể thay đổi qua các năm (khoảng 23.000–75.000 mét khối mỗi giây).

  15. Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 14:28 (trong Lu Ca 14:27, cước chú b).

  16. Xin xem 2 Nê Phi 9:18; Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 81–84. Chủ Tịch Nelson nói: “Niềm vui là một ân tứ dành cho người trung tín” (trang 84).

  17. An Ma 37:9.

  18. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77. Trong buổi hội thảo về công việc lãnh đạo tôn giáo vào tháng Sáu năm 2019, sau khi dự phần Tiệc Thánh, trước khi bắt đầu sứ điệp chính thức của mình, Chủ tịch Russell M. Nelson đã nói: “Một ý nghĩ đã đến với tôi rằng việc tôi lập một giao ước hôm nay quan trọng hơn nhiều so với sứ điệp mà tôi đã chuẩn bị. Tôi đã lập một giao ước khi dự phần Tiệc Thánh rằng tôi sẽ sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và tôi sẵn lòng tuân theo các lệnh truyền của Ngài. Thông thường, tôi nghe thành ngữ rằng chúng ta dự phần Tiệc Thánh để tái lập các giao ước đã được lập trong phép báp têm. Mặc dù điều đó đúng nhưng còn có ý nghĩa nhiều hơn thế nữa. Tôi đã lập một giao ước mới. Anh chị em đã lập các giao ước mới. … Giờ đây, để đáp lại việc đó, Ngài phán rằng chúng ta sẽ luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Đây thật là một phước lành lớn!”

  19. Xin xem 3 Nê Phi 18:12.