Lời Bế Mạc
Sự xứng đáng cá nhân đòi hỏi một sự cải sửa hoàn toàn nơi tâm trí và tâm hồn để được giống như Chúa hơn.
Anh chị em thân mến, khi sắp kết thúc đại hội lịch sử này, chúng ta cảm tạ Chúa đã soi dẫn các sứ điệp và phần âm nhạc mà đã củng cố chúng ta. Chúng ta đã thực sự thưởng thức một yến tiệc thuộc linh.
Chúng ta biết phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang lại hy vọng và niềm vui cho những người chịu nghe và lưu tâm đến giáo lý của Ngài. Chúng ta cũng biết rằng mỗi ngôi nhà đều có thể trở thành một chốn tôn nghiêm thực sự của đức tin, nơi mà sự bình an, tình yêu thương và Thánh Linh của Chúa có thể ngự trị.
Dĩ nhiên, phần quan trọng nhất của Sự Phục Hồi là ngôi đền thờ thánh. Các giáo lễ và giao ước thiêng liêng của đền thờ là then chốt để chuẩn bị một dân tộc sẵn sàng chào đón Đấng Cứu Rỗi trong Ngày Tái Lâm của Ngài. Chúng ta hiện có 166 đền thờ đã được làm lễ cung hiến và sẽ có thêm một số đền thờ nữa.
Thời gian mở cửa đền thờ cho công chúng vào tham quan sẽ được tổ chức trước lễ cung hiến của mỗi ngôi đền thờ mới và mỗi ngôi đền thờ được sửa chữa lại. Nhiều người bạn không cùng tín ngưỡng của chúng ta sẽ tham dự trong các chuyến đi tham quan các ngôi đền thờ đó và sẽ học được điều gì đó về phước lành của đền thờ. Và một số khách tham quan đó sẽ được thúc giục để biết thêm. Một số người sẽ thành thật hỏi làm thế nào họ có thể hội đủ điều kiện để nhận các phước lành của đền thờ.
Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta cần phải sẵn sàng để trả lời các câu hỏi của họ. Chúng ta có thể giải thích rằng các phước lành của đền thờ đều có sẵn cho bất cứ ai cũng như cho tất cả những người chịu chuẩn bị. Nhưng trước khi họ có thể vào một đền thờ đã được làm lễ cung hiến, họ cần phải hội đủ điều kiện. Chúa muốn tất cả con cái của Ngài dự phần các phước lành vĩnh cửu có sẵn trong đền thờ của Ngài. Ngài đã chỉ dẫn điều mà mỗi người cần phải làm để hội đủ điều kiện được vào ngôi nhà thánh của Ngài.
Nơi lý tưởng nhất để bắt đầu một cơ hội giảng dạy như vậy là hướng sự chú ý đến những dòng chữ được khắc ở bên ngoài đền thờ: “Thánh cho Chúa: Nhà của Chúa.” Sứ điệp của Chủ Tịch Henry B. Eyring hôm nay và nhiều sứ điệp khác đã soi dẫn chúng ta để trở nên thánh thiện hơn. Mỗi đền thờ là chốn thánh; mỗi người tham dự đền thờ cố gắng để trở nên thánh thiện hơn.
Tất cả những điều kiện để vào đền thờ liên quan đến sự thánh thiện của cá nhân. Để đánh giá sự sẵn sàng đó, mỗi người muốn nhận hưởng các phước lành của đền thờ sẽ có hai cuộc phỏng vấn: trước hết là với một giám trợ, cố vấn trong giám trợ đoàn, hoặc chủ tịch chi nhánh; thứ hai với một chủ tịch giáo khu hoặc chủ tịch phái bộ truyền giáo hay với một trong hai cố vấn của ông. Trong các cuộc phỏng vấn đó, một số câu hỏi sẽ được hỏi.
Một số câu hỏi mới gần đây đã được hiệu đính để cho rõ ràng. Bây giờ, tôi muốn nhắc lại những câu hỏi này cho anh chị em:
-
Anh (chị, em) có đức tin và chứng ngôn về Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu; Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh không?
-
Anh (chị, em) có chứng ngôn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và về vai trò của Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của mình không?
-
Anh (chị, em) có chứng ngôn về Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không?
-
Anh (chị, em) có tán trợ Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải và là người duy nhất trên thế gian có thẩm quyền sử dụng tất cả mọi chìa khóa của chức tư tế không?
Anh (chị, em) có tán trợ các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải không?
Anh (chị, em) có tán trợ Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác và các vị lãnh đạo địa phương của Giáo Hội không?
-
Chúa đã phán rằng tất cả mọi công việc cần phải “được làm trong sự thanh sạch” trước mặt Ngài (Giáo Lý và Giao Ước 42:41).
Anh (chị, em) có chuyên tâm tìm kiếm sự thanh sạch về mặt đạo đức trong những ý nghĩ và hành vi của mình không?
Anh (chị, em) có tuân theo luật trinh khiết không?
-
Anh (chị, em) có tuân theo những điều giảng dạy của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong cách cư xử với những người trong gia đình mình và những người khác ở nơi kín đáo cũng như ở chỗ công cộng không?
-
Anh (chị, em) có ủng hộ hay khuyến khích bất cứ những điều giảng dạy, lối thực hành, hay giáo lý nào mà trái ngược với những điều của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không?
-
Anh (chị, em) có chuyên tâm tìm cách giữ cho ngày Sa Bát được thánh, cả ở nhà lẫn ở nhà thờ; tham dự các buổi họp của mình; chuẩn bị và dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng; và giữ cho cuộc sống của mình phù hợp với các luật pháp và các lệnh truyền của phúc âm không?
-
Anh (chị, em) có chuyên tâm tìm cách trở nên trung thực trong mọi việc mình làm không?
-
Anh (chị, em) có đóng tiền thập phân đầy đủ không?
-
Anh (chị, em) có hiểu và tuân giữ Lời Thông Sáng không?
-
Anh (chị, em) có bất cứ bổn phận nào về tài chính hay những bổn phận khác đối với người phối ngẫu cũ hay với con cái không?
Nếu có, thì anh (chị, em) hiện có đáp ứng đúng những bổn phận đó không?
-
Anh (chị, em) có tuân giữ các giao ước mà mình đã lập trong đền thờ, kể cả việc mặc trang phục đền thờ theo sự chỉ dẫn trong lễ thiên ân không?
-
Có tội lỗi nghiêm trọng nào trong cuộc sống của anh (chị, em) mà cần phải được giải quyết với các vị thẩm quyền chức tư tế như là một phần trong sự hối cải của anh (chị, em) không?
-
Anh (chị, em) có tự nghĩ là mình xứng đáng để vào ngôi nhà của Chúa và tham dự các giáo lễ đền thờ không?
Ngày mai, những câu hỏi về giấy giới thiệu đi đền thờ mà đã được hiệu đính này sẽ được phân phát cho các vị lãnh đạo Giáo hội trên khắp thế giới.
Ngoài việc trả lời những câu hỏi đó của họ một cách thành thật, chúng ta cũng phải hiểu rằng mỗi người thành niên tham dự đền thờ sẽ mặc trang phục thiêng liêng của chức tư tế ở bên dưới bộ thường phục của họ. Đây là biểu tượng về một sự cam kết thuộc linh để cố gắng mỗi ngày để được trở thành giống như Chúa hơn. Biểu tượng này cũng nhắc nhở chúng ta mỗi ngày phải luôn trung thành với các giao ước đã lập và mỗi ngày bước đi trên con đường giao ước một cách cao cả và thánh thiện hơn.
Giờ đây, tôi muốn ngỏ lời với giới trẻ của chúng ta chỉ trong một giây lát. Chúng tôi khuyến khích các em nên hội đủ điều kiện để nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ sử dụng có giới hạn. Các em sẽ chỉ được hỏi những câu hỏi mà áp dụng cho các em trong khi chuẩn bị tiếp nhận các giáo lễ báp têm và xác nhận thay cho người chết. Chúng tôi rất biết ơn về sự xứng đáng và sẵn lòng tham gia của các em vào công việc đền thờ thiêng liêng đó. Chúng tôi cám ơn các em!
Sự xứng đáng cá nhân để vào nhà của Chúa đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị thuộc linh của cá nhân. Nhưng với sự giúp đỡ của Chúa thì mọi việc đều có thể thực hiện được. Trong một số khía cạnh, việc xây cất một đền thờ thì dễ hơn là xây đắp một dân tộc sẵn sàng cho đền thờ. Sự xứng đáng cá nhân đòi hỏi một sự cải sửa hoàn toàn về tâm trí và tâm hồn để được giống như Chúa hơn, làm một công dân lương thiện, làm một tấm gương tốt hơn và làm một người thánh thiện hơn.
Tôi làm chứng rằng công việc chuẩn bị như vậy mang lại vô số phước lành trong cuộc sống này và những phước lành phi thường cho cuộc sống mai sau, kể cả sự tồn tại của đơn vị gia đình anh chị em trong suốt thời vĩnh cửu “trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”1
Bây giờ tôi muốn chuyển sang một đề tài khác: những kế hoạch cho năm tới. Vào mùa xuân năm 2020 sẽ là đúng 200 năm kể từ khi Joseph Smith nhìn thấy sự hiện đến của Thượng Đế mà chúng ta gọi là Khải Tượng Thứ Nhất. Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng Joseph Smith, một thiếu niên 14 tuổi. Sự kiện đó đánh dấu việc khởi đầu của Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, đúng như đã được báo trước trong Kinh Thánh.2
Sau đó là hàng loạt các lần viếng thăm của các sứ giả thiên thượng, kể cả Mô Rô Ni, Giăng Báp Tít cùng Các Sứ Đồ ban đầu là Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng. Những vị khác theo sau gồm có Môi Se, Ê Li A và Ê Li. Mỗi vị đã mang đến thẩm quyền thiêng liêng để một lần nữa ban phước cho con cái của Thượng Đế trên thế gian.
Nhiệm mầu thay, chúng ta cũng đã nhận được Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô, một thánh thư song hành với Kinh Thánh. Những điều mặc khải được đăng trong Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá cũng đã làm gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về các giáo lệnh và lẽ thật vĩnh cửu của Thượng Đế.
Các chìa khóa và chức phẩm của chức tư tế đã được phục hồi gồm có các chức phẩm Sứ Đồ, Thầy Bảy Mươi, tộc trưởng, thầy tư tế thượng phẩm, anh cả, giám trợ, thầy tư tế, thầy giảng và thầy trợ tế. Và những người phụ nữ yêu mến Chúa phục vụ một cách dũng cảm trong Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nhi, Hội Thiếu Nữ, Trường Chủ Nhật và những sự kêu gọi khác của Giáo Hội—tất cả các phần quan trọng của Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô.
Do đó, năm 2020 sẽ được chỉ định là dịp hai trăm năm. Đại hội trung ương vào tháng 4 năm sau sẽ khác với bất cứ đại hội nào trước đó. Trong sáu tháng tới, tôi hy vọng rằng mọi tín hữu và mọi gia đình sẽ chuẩn bị cho một đại hội độc đáo mà sẽ kỷ niệm những nền tảng của phúc âm phục hồi.
Anh chị em có thể muốn bắt đầu phần chuẩn bị của mình bằng cách đọc lại một lần nữa lời tường thuật của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất như đã được chép lại trong Trân Châu Vô Giá. Khóa học của chúng ta cho năm tới trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta là Sách Mặc Môn. Anh chị em có thể muốn suy ngẫm về những câu hỏi quan trọng như: “Cuộc sống của tôi sẽ khác như thế nào nếu sự hiểu biết của tôi đạt được từ Sách Mặc Môn bất ngờ bị lấy đi?” hoặc “Các sự kiện theo sau Khải Tượng Thứ Nhất đã tạo ra sự khác biệt như thế nào cho tôi và những người thân của tôi?” Ngoài ra, với các video Sách Mặc Môn hiện đã có sẵn, anh chị em có thể muốn kết hợp chúng lại trong thời gian học riêng cá nhân và chung gia đình của mình.
Chọn ra các câu hỏi riêng của mình. Lập ra kế hoạch riêng của mình. Chú tâm vào ánh sáng vinh quang của Sự Phục Hồi. Khi làm như vậy, đại hội trung ương vào tháng Tư năm sau sẽ không những là đáng nhớ mà còn sẽ là không thể nào quên được.
Bây giờ để kết thúc, tôi để lại cho anh chị em tình yêu thương và phước lành của tôi để mỗi anh chị em có thể trở nên hạnh phúc và thánh thiện hơn với mỗi ngày trôi qua. Trong khi đó, xin hãy yên tâm rằng sự mặc khải vẫn tiếp tục trong Giáo Hội và sẽ tiếp tục dưới sự hướng dẫn của Chúa cho đến khi “các mục đích của Thượng Đế sẽ được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán rằng công việc đã hoàn tất.”3
Tôi ban phước cho anh chị em như vậy, tái khẳng định tình yêu thương của tôi dành cho anh chị em, với chứng ngôn của tôi rằng Thượng Đế hằng sống! Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô! Đây là Giáo Hội của Ngài và chúng ta là dân của Ngài. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.