Đại Hội Trung Ương
Mồ Mả Không Còn Sự Đắc Thắng Được Nữa
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2021


9:18

Mồ Mả Không Còn Sự Đắc Thắng Được Nữa

Qua Sự Chuộc Tội với quyền năng cứu chuộc và Sự Phục Sinh đầy vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô, những tấm lòng đau khổ có thể được chữa lành, nỗi thống khổ có thể trở thành sự bình an, và nỗi phiền muộn có thể trở thành hy vọng.

Vào ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh vinh quang này, con cái chúng ta vui mừng hát, “Vào một ngày mùa xuân rực rỡ, Chúa Giê Su Ky Tô sống lại và rời khỏi ngôi mộ nơi chôn cất Ngài; Ngài đã cắt đứt dây trói buộc sự chết.”1

Chúng ta biết ơn sự hiểu biết về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, vào một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta sẽ cảm thấy tuyệt vọng khi mất đi người mình yêu thương tha thiết. Vì đại dịch toàn cầu hiện nay, nhiều người trong chúng ta đã mất đi những người thân yêu—trong gia đình hay bạn bè.2 Chúng tôi cầu nguyện cho những người đang đau buồn vì mất mát như vậy.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói:

“Không phân biệt tuổi tác, chúng ta than khóc cho những người mình yêu thương đã khuất. Than khóc là một cách bày tỏ sâu thẳm nhất tình yêu thương thanh khiết. …

“Hơn nữa, chúng ta không thể biết ơn trọn vẹn các cuộc hội ngộ đầy vui vẻ sau này nếu không có sự chia ly đầy nước mắt bây giờ. Cách duy nhất để không đau buồn trước cái chết là sống mà không có yêu thương.”3

Các nữ môn đồ than khóc cho Chúa Giê Su.

Chúng ta có thể tưởng tượng bạn bè của Chúa Giê Su, là những người đã đi theo Ngài và phục sự Ngài,4 đã cảm thấy ra sao khi chứng kiến cái chết của Ngài.5 Chúng ta biết rằng “họ than thở và khóc lóc.”6 Vào ngày Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào Chủ Nhật, chắc hẳn họ đã choáng váng vì đau khổ, không biết làm sao để tiếp tục nếu không có Chúa của họ. Tuy vậy, họ tiếp tục phục sự Ngài thậm chí khi Ngài đã chết.

Giô Sép ở thành A Ri Ma Thê nài xin Phi Lát cho ông ta xác Chúa Giê Su. Ông lấy xác Ngài xuống, bọc trong tấm vải lanh mịn, đặt trong một ngôi mộ mới, rồi lăn một hòn đá lớn đến trước cửa ngôi mộ .7

Ni Cô Đem đã mang đến bao trầm hương và kỳ nam hương. Ông giúp Giô Sép lấy xác Ngài và bọc trong vải lanh cùng với hương liệu.8

Ma Ri Ma Đơ Len và các phụ nữ khác đã đi theo Giô Sép và Ni Cô Đem, xem nơi người ta đặt xác Chúa Giê Su, và sắm sửa những thuốc thơm và sáp thơm để xức cho xác Ngài.9 Theo như luật pháp nghiêm ngặt thời đó, họ đã chờ đợi để chuẩn bị thêm và xức xác Ngài vì ngày thứ Bảy là ngày Sa Bát.10 Sau đó, vào sáng sớm ngày Chủ Nhật, những người phụ nữ đi đến ngôi mộ. Sau khi nhận thấy là xác của Đấng Cứu Rỗi không có ở đó, họ đi báo cho các môn đồ, là Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su. Các Sứ Đồ đi cùng với họ đến ngôi mộ và thấy rằng nó trống rỗng. Cuối cùng, tất cả trừ Ma Ri Ma Đơ Len rời khỏi đó, tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với xác của Đấng Cứu Rỗi.11

Ma Ri Ma Đơ Len đã ở lại ngôi mộ một mình. Chỉ trước đó vài ngày, bà đã chứng kiến cái chết thảm khốc của người bạn và Đấng Thầy của mình. Giờ đây ngôi mộ của Ngài trống rỗng, và bà không biết Ngài ở đâu. Điều này thật quá mức chịu đựng đối với bà, và bà đã khóc. Đúng lúc đó, Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã đến bên bà và hỏi tại sao bà khóc và bà đang tìm ai. Vì tưởng đó là người làm vườn đang hỏi chuyện mình, bà đã hỏi xem liệu người ấy có lấy xác Chúa của bà không, thì cho bà biết xác Ngài ở đâu để bà đến lấy.12

Ma Ri Ma Đơ Len

Tôi hình dung ra Chúa có lẽ đã để cho Ma Ri Ma Đơ Len buồn rầu và cho bà bày tỏ nỗi đau của mình.13 Rồi Ngài gọi tên bà, và bà quay về phía Ngài và nhận ra Ngài. Bà đã trông thấy Đấng Ky Tô phục sinh và là một nhân chứng về Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài.14

Giống như anh chị em, trong một phương diện nào đó, tôi có thể cảm thông với nỗi đau khổ mà Ma Ri Ma Đơ Len và các bạn của bà đã cảm thấy khi họ đau buồn trước cái chết của Chúa của họ. Khi tôi chín tuổi, anh trai tôi đã qua đời trong một trận động đất khủng khiếp. Vì nó đã xảy ra bất ngờ, nên phải mất một thời gian tôi mới có thể hiểu được thật sự những gì đã xảy ra. Lòng tôi tan nát vì đau khổ, và tôi đã tự hỏi: “Điều gì đã xảy ra cho anh mình vậy? Anh ấy ở đâu? Anh ấy đã đi đâu? Mình sẽ gặp lại anh ấy không?”

Lúc đó tôi chưa biết về kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế, và tôi đã có ước muốn để biết chúng ta từ đâu tới, mục đích của cuộc sống là gì, và điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta sau khi chết. Chẳng phải chúng ta đều có những khát khao như thế khi chúng ta mất đi một người thân hoặc gặp phải những khó khăn trong cuộc đời hay sao?

Vài năm sau, tôi bắt đầu nghĩ về anh trai tôi theo một cách thức cụ thể. Tôi tưởng tượng anh đang gõ cửa nhà chúng tôi. Tôi sẽ mở cửa ra, anh đang đứng đó, và sẽ nói với tôi: “Anh không chết đâu. Anh vẫn còn sống. Anh đã không thể đến gặp em, nhưng bây giờ anh sẽ ở bên em và không bao giờ đi nữa.” Sự tưởng tượng đó, gần giống như một giấc mơ, đã giúp tôi đối phó với nỗi đau mà tôi đã cảm thấy vì mất anh ấy. Ý nghĩ rằng anh ấy sẽ ở bên tôi đã đến với tâm trí tôi nhiều lần. Thậm chí thỉnh thoảng tôi còn nhìn chằm chằm ra cửa, hy vọng rằng anh ấy sẽ gõ cửa, và tôi sẽ gặp lại anh ấy.

Khoảng 40 năm sau, vào dịp Lễ Phục Sinh, tôi đang suy ngẫm về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô và bắt đầu nghĩ tới anh tôi. Ngay lúc đó, bỗng dưng một điều gì sáng tỏ trong tâm trí tôi. Tôi nhớ đã tưởng tượng ra anh tôi đến gặp tôi.

Ngày hôm đó, tôi nhận ra rằng Thánh Linh đã ban cho tôi sự an ủi trong lúc khó khăn. Tôi đã nhận được sự làm chứng rằng linh hồn của anh trai tôi không chết; linh hồn anh ấy còn sống. Anh ấy vẫn đang tiến triển trong sự tồn tại vĩnh cửu của mình. Tôi biết rằng “anh [tôi] sẽ sống lại”15 vào giây phút kỳ diệu đó khi tất cả chúng ta đều sẽ được phục sinh nhờ Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngoài ra, Ngài đã làm cho tất cả chúng ta có thể được đoàn tụ với gia đình của mình và có được niềm vui vĩnh cửu trong sự hiện diện của Thượng Đế nếu chúng ta chọn lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Ngài.

Chủ Tịch Nelson đã dạy:

“Cái chết là một yếu tố cần thiết cho cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Không một ai biết khi nào nó sẽ đến, nhưng nó là thiết yếu cho kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa, sự phục sinh cuối cùng là một sự thật và cuộc sống vĩnh cửu là điều có thể xảy ra cho tất cả nhân loại. …

“… Đối với những người thân yêu đang đau khổ bị bỏ lại—như gia đình tôi và tôi—thì nọc của sự chết được giảm nhẹ bởi một sự trì chí trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, một niềm hy vọng hết sức xán lạn, tình yêu thương Thượng Đế và mọi người, và một ước muốn sâu xa để phục vụ họ. Đức tin, hy vọng, tình yêu thương đó sẽ làm cho chúng ta hội đủ điều kiện để đến nơi hiện diện thánh của Thượng Đế và, với những người bạn đời và gia đình vĩnh cửu của chúng ta, sống với Ngài vĩnh viễn.”16

Ngôi mộ vườn

Tôi làm chứng rằng “nếu Đấng Ky Tô không sống lại từ cõi chết, hay không cắt đứt những dây trói buộc của sự chết để cho nấm mồ không còn sự đắc thắng nữa, và sự chết không còn nọc độc nữa, thì làm sao có sự phục sinh được.

“Nhưng có sự phục sinh, vì thế mà mồ mả không còn sự đắc thắng được nữa, và nọc của sự chết đã bị nuốt mất trong Đấng Ky Tô.

“Ngài là sự sáng và sự sống của thế gian; phải, một sự sáng bất tận, không bao giờ có thể bị lu mờ được; phải, và cũng là một sự sống bất tận, để không thể có sự chết được nữa.”17

Đấng Cứu Rỗi phục sinh

Chính Chúa Giê Su Ky Tô đã tuyên phán: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.”18

Tôi làm chứng rằng qua Sự Chuộc Tội với quyền năng cứu chuộc và Sự Phục Sinh đầy vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô, tấm lòng đau khổ có thể được chữa lành, nỗi thống khổ có thể trở thành sự bình an, và nỗi phiền muộn có thể trở thành hy vọng. Ngài có thể ôm chúng ta trong vòng tay thương xót của Ngài, cùng an ủi, ban thêm sức và chữa lành cho mỗi người chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.