Thiên Tính và Số Mệnh Vĩnh Cửu của Anh Chi Em
Tôi mời gọi các chị em hãy tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô và ghi nhớ các lẽ thật cơ bản trong chủ đề của Hội Thiếu Nữ.
Các chị em thân mến, cảm ơn các chị em đã có mặt nơi đây. Tôi rất vinh dự được tham dự phiên họp phụ nữ này của đại hội trung ương. Thỉnh thoảng, tôi cũng có đặc ân tham dự các lớp học Hội Thiếu Nữ. Nhưng tôi xin nêu ra thực tế—tôi không còn trẻ, và tôi không phải là phụ nữ! Tuy nhiên, tôi đã biết được rằng tôi sẽ cảm thấy bớt lạc lõng hơn nếu tôi có thể đọc thuộc lòng chủ đề của Hội Thiếu Nữ cùng với các em thiếu nữ. Giáo lý sâu sắc được giảng dạy trong chủ đề của Hội Thiếu Nữ1 là quan trọng đối với các em thiếu nữ, nhưng nó cũng áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả những người không phải là thiếu nữ.
Chủ đề của Hội Thiếu Nữ bắt đầu với câu: “Tôi là con gái yêu dấu của cha mẹ thiên thượng với thiên tính và số mệnh vĩnh cửu.”2 Câu này gồm có bốn lẽ thật quan trọng. Thứ nhất, các chị em đều là con gái yêu quý. Không có điều gì các chị em làm—hoặc không làm—mà có thể thay đổi điều đó. Thượng Đế yêu thương các chị em vì các chị em là con gái linh hồn của Ngài. Đôi khi chúng ta có thể không cảm nhận được tình yêu thương của Ngài, nhưng tình yêu thương đó luôn tồn tại. Tình yêu thương của Thượng Đế là hoàn hảo.3 Khả năng của chúng ta để cảm nhận được tình yêu thương đó lại không hoàn hảo.
Thánh Linh đóng một vai trò then chốt trong việc truyền đạt tình yêu thương của Thượng Đế cho chúng ta.4 Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Đức Thánh Linh có thể bị che khuất “do những mối xúc cảm mạnh mẽ như cơn giận dữ, căm hờn, … [hoặc] nỗi sợ hãi … cũng giống như việc cố gắng thưởng thức hương vị thơm ngon của trái nho trong khi ăn một trái ớt cay. … [Hương vị này] hoàn toàn chế ngự [hương vị] kia.”5 Cũng như vậy, những hành vi khiến chúng ta xa cách với Đức Thánh Linh, kể cả tội lỗi,6 làm cho chúng ta khó nhận biết được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta.
Tương tự như vậy, ý thức của chúng ta về tình yêu thương của Thượng Đế có thể bị suy giảm bởi những hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật về thể chất hoặc tâm thần, cùng những điều khác. Trong tất cả những trường hợp này, lời khuyên bảo của các vị lãnh đạo hoặc chuyên gia đáng tin cậy thường có thể mang lại lợi ích. Chúng ta cũng có thể cố gắng cải thiện khả năng tiếp nhận tình yêu thương của Thượng Đế bằng cách tự hỏi: “Tình yêu thương của tôi dành cho Thượng Đế có kiên định không, hay tôi yêu mến Ngài khi tôi có những ngày tốt lành nhưng lại bớt yêu mến Ngài khi tôi có những ngày tồi tệ?”
Lẽ thật thứ hai là chúng ta có cha mẹ thiên thượng, một người cha và một người mẹ.7 Giáo lý về Người Mẹ Thiên Thượng có được qua sự mặc khải và là một niềm tin đặc biệt giữa Các Thánh Hữu Ngày Sau. Chủ Dallin H. Oaks giải thích tầm quan trọng của lẽ thật này: “Thần học của chúng ta bắt đầu với cha mẹ thiên thượng. Nguyện vọng lớn nhất của chúng ta là trở nên giống như họ.”8
Có rất ít điều được mặc khải về Mẹ Thiên Thượng, nhưng điều chúng ta biết được tóm lược trong một đề tài phúc âm được tìm thấy trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm của chúng ta.9 Khi các chị em đã đọc những điều ở đó, thì các chị em sẽ biết tất cả mọi điều mà tôi biết về đề tài này. Ước gì tôi biết thêm. Các chị em cũng có thể vẫn có câu hỏi và muốn tìm thêm câu trả lời. Việc tìm kiếm sự hiểu biết lớn lao hơn là một phần quan trọng trong sự phát triển thuộc linh của chúng ta, nhưng xin hãy thận trọng. Lý do không thể thay thế cho sự mặc khải.
Sự suy đoán sẽ không dẫn đến sự hiểu biết thuộc linh lớn lao hơn, mà nó có thể dẫn dắt chúng ta đến sự lừa gạt hoặc làm sự tập trung của chúng ta chuyển hướng khỏi điều đã được mặc khải.10 Ví dụ, Đấng Cứu Rỗi đã dạy các môn đồ của Ngài: “Luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong danh ta.”11 Chúng ta tuân theo mẫu mực này và hướng sự thờ phượng của mình lên Cha Thiên Thượng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô và không cầu nguyện lên Mẹ Thiên Thượng.12
Kể từ khi Thượng Đế chỉ định các vị tiên tri, họ đã được ủy quyền để nói thay cho Ngài. Nhưng họ không rao giảng các giáo lý “tự [họ]”13 bịa đặt hoặc giảng dạy điều chưa được mặc khải. Hãy suy ngẫm những lời của tiên tri Ba La Am trong Kinh Cựu Ước, là người đã được đưa hối lộ để rủa sả dân Y Sơ Ra Ên để làm lợi cho Mô Áp. Ba La Am đã nói: “Dầu [vua Mô Áp] sẽ cho ta nhà người đầy vàng và bạc, ta cũng chẳng được vượt qua mạng của Giê Hô Va, Đức Chúa Trời của ta, đặng làm một việc hoặc nhỏ hay lớn.”14 Các vị tiên tri ngày sau cũng bị hạn chế tương tự. Việc đòi hỏi sự mặc khải từ Thượng Đế vừa ngạo mạn vừa không có hiệu quả. Thay vì thế, chúng ta chờ đợi Chúa và kỳ định của Ngài để mặc khải các lẽ thật của Ngài qua các phương tiện mà Ngài đã thiết lập.15
Lẽ thật thứ ba trong câu mở đầu của chủ đề của Hội Thiếu Nữ là chúng ta có “thiên tính.” Đây là bản chất của con người của chúng ta. Đó là “sự di truyền” về mặt thuộc linh, được thừa hưởng từ cha mẹ thiên thượng,16 và không đòi hỏi nỗ lực nào về phía chúng ta cả. Đây là nguồn gốc quan trọng nhất của chúng ta, bất kể chúng ta chọn cách nào khác để nhận dạng bản thân mình. Việc hiểu được lẽ thật sâu sắc này là điều quan trọng đối với tất cả mọi người nhưng đặc biệt là đối với những người thuộc vào các nhóm bị xem thường, bị áp bức hoặc nô dịch trong lịch sử. Hãy nhớ rằng nguồn gốc quan trọng nhất của anh chị em liên quan đến thiên tính của anh chị em với tư cách là con cái của Thượng Đế.
Lẽ thật thứ tư là chúng ta có “số mệnh vĩnh cửu.” Một số mệnh như vậy sẽ không bị áp đặt vào chúng ta. Sau khi chết, chúng ta sẽ nhận được những điều chúng ta xứng đáng và “[chỉ] hưởng những gì [chúng ta] muốn nhận được.”17 Việc nhận ra số mệnh vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào những lựa chọn của chúng ta. Điều này đòi hỏi phải lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. Con đường giao ước này là cách chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và dựa trên lẽ thật tuyệt đối và luật pháp vĩnh cửu, bất biến. Chúng ta không thể tạo ra con đường riêng của mình và trông mong những kết quả đã được hứa của Thượng Đế. Việc trông mong các phước lành của Ngài trong khi không tuân theo các luật pháp vĩnh cửu dẫn đến các phước lành đó18 là sai lầm, giống như việc nghĩ rằng chúng ta có thể chạm vào một cái lò lửa nóng và “quyết định” không bị bỏng.
Các chị em có thể biết rằng tôi đã từng điều trị bệnh nhân suy tim. Kết quả tốt nhất của họ đạt được bằng cách tuân theo các kế hoạch điều trị đã được thiết lập, dựa trên bằng chứng. Mặc dù biết điều này, nhưng một số bệnh nhân đã cố gắng thương lượng một kế hoạch điều trị khác. Họ nói: “Tôi không muốn dùng quá nhiều loại thuốc” hoặc “Tôi không muốn trải qua quá nhiều cuộc xét nghiệm theo dõi.” Dĩ nhiên, bệnh nhân được tự do đưa ra quyết định của mình, nhưng nếu họ đi sai khỏi các kế hoạch điều trị thích hợp, thì kết quả của họ sẽ bị ảnh hưởng. Bệnh nhân suy tim không thể chọn một liệu trình kém hơn và rồi đổ lỗi cho bác sĩ tim mạch của họ vì kết quả kém hơn.
Điều này cũng đúng với chúng ta. Con đường do Cha Thiên Thượng quy định dẫn đến những kết quả vĩnh cửu tốt nhất. Chúng ta được tự do lựa chọn, nhưng chúng ta không thể chọn những hậu quả của việc không đi theo con đường đã được mặc khải.19 Chúa đã phán: “Bất cứ điều gì vi phạm luật pháp và không tuân theo luật pháp mà lại tìm cách tự tạo nên luật pháp, … thì không thể được thánh hóa bởi luật pháp hay bởi lòng thương xót, công lý, hay sự phán xét được.”20 Chúng ta không thể đi xa khỏi hướng đi của Cha Thiên Thượng và rồi đổ lỗi cho Ngài vì những kết quả kém hơn.
Đoạn thứ hai trong chủ đề của Hội Thiếu Nữ có ghi: “Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi cố gắng để trở nên giống như Ngài. Tôi tìm kiếm và hành động theo sự mặc khải cá nhân và phục sự người khác trong thánh danh của Ngài.” Chúng ta có thể phát triển một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách hành động trong đức tin.21 Chúng ta có thể thỉnh cầu ân tứ thuộc linh “để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con của Thượng Đế, và Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian.” Hoặc chúng ta có thể nhận được ân tứ để tin vào lời của những người đã biết,22 cho đến khi chúng ta tự mình biết được. Chúng ta có thể tuân theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và giúp những người khác đến cùng Ngài. Bằng cách này, chúng ta tham gia cùng Ngài trong công việc của Ngài.23
Chủ đề của Hội Thiếu Nữ tiếp tục viết: “Tôi sẽ đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu.” Tất cả các tín hữu của Giáo Hội đều được cần đến với tư cách là các nhân chứng của Thượng Đế,24 mặc dù Các Sứ Đồ và Các Thầy Bảy Mươi được ủy quyền với tư cách là các nhân chứng đặc biệt cho danh của Đấng Ky Tô.25 Hãy tưởng tượng một trận đấu bóng đá chỉ có thủ môn bảo vệ khung thành. Nếu không có sự giúp đỡ của các cầu thủ khác trong đội, thì thủ môn sẽ không thể bảo vệ khung thành một cách thỏa đáng, và đội sẽ luôn luôn thua. Giống như vậy, mọi người đều được cần đến trong đội của Chúa.26
Đoạn cuối của chủ đề của Hội Thiếu Nữ bắt đầu với câu: “Khi tôi cố gắng hội đủ điều kiện cho sự tôn cao, tôi quý trọng ân tứ về sự hối cải và cố gắng cải thiện mỗi ngày.” Nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể hối cải, học hỏi từ những lỗi lầm của mình, và không bị kết tội vì chúng. Chủ tịch Russell M. Nelson dạy: “Có quá nhiều người xem sự hối cải là hình phạt. … Nhưng cảm giác bị trừng phạt này là do Sa Tan gây ra. Nó cố gắng ngăn chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng với vòng tay mở rộng đang hy vọng và sẵn lòng chữa lành, tha thứ, gột sạch, củng cố, thanh tẩy và thánh hóa chúng ta”27
Khi chúng ta chân thành hối cải, thì sẽ không còn vết sẹo thuộc linh, bất kể chúng ta đã làm điều gì, điều đó nghiêm trọng đến đâu, hoặc bao nhiêu lần chúng ta lặp lại điều đó.28 Nếu chúng ta càng hối cải và chân thành tìm kiếm sự tha thứ thì chúng ta có thể được tha thứ.29 Thật là một ân tứ phi thường từ Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô!30 Đức Thánh Linh có thể bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta đã được tha thứ. Khi chúng ta cảm nhận được niềm vui và sự bình an,31 tội lỗi sẽ được quét sạch,32 và chúng ta không còn bị giày vò bởi tội lỗi của mình nữa.33
Tuy nhiên, ngay cả sau khi đã chân thành hối cải, chúng ta cũng có thể vấp phạm. Sự vấp phạm không có nghĩa là sự hối cải không thỏa đáng mà chỉ đơn giản là phản ảnh sự yếu kém của con người. Thật là an ủi biết bao khi biết rằng “Chúa thấy những yếu điểm khác hơn là Ngài [thấy] những phản nghịch.” Chúng ta không nên nghi ngờ khả năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp chúng ta với những yếu kém của mình, vì khi “Chúa phán về các yếu điểm, luôn luôn với lòng thương xót.”34
Chủ đề của Hội Thiếu Nữ kết thúc bằng câu: “Với đức tin, tôi sẽ củng cố nhà cửa và gia đình mình, lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, và tiếp nhận các giáo lễ và phước lành của đền thờ thánh.” Việc củng cố mái gia đình có thể có nghĩa là tạo ra mắt xích đầu tiên trong chuỗi dây trung tín, tiếp tục một di sản về đức tin, hoặc khôi phục nó.35 Bất kể điều gì, sức mạnh có được qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và bằng cách lập các giao ước thiêng liêng.
Trong đền thờ, chúng ta biết được mình là ai và chúng ta đã ở đâu. Nhà triết học La Mã Cicero đã nói: “Việc không hiểu điều đã xảy ra trước khi sinh ra khiến bạn luôn là một đứa trẻ.”36 Tất nhiên, ông đề cập đến lịch sử thế tục, nhưng khả năng quan sát sắc sảo của ông có thể được mở rộng. Chúng ta sẽ mãi mãi sống như những đứa trẻ nếu chúng ta không biết về quan điểm vĩnh cửu đạt được trong đền thờ. Ở đó, chúng ta lớn lên trong Chúa, “nhận được sự trọn vẹn của Đức Thánh Linh,”37 và trở nên cam kết trọn vẹn hơn với tư cách là các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi.38 Khi tuân giữ các giao ước của mình, chúng ta nhận được quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống của mình.39
Tôi mời gọi các chị em hãy tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô và ghi nhớ các lẽ thật cơ bản trong chủ đề của Hội Thiếu Nữ. Nếu các chị em sẵn lòng, Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn các chị em. Cha Thiên Thượng muốn các chị em trở thành người thừa kế của Ngài và tiếp nhận tất cả những gì Ngài có.40 Ngài không thể ban cho các chị em nhiều hơn. Ngài không thể hứa với các chị em nhiều hơn. Ngài yêu thương các chị em nhiều hơn các chị em biết và muốn các chị em được hạnh phúc trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.