Được Sinh Lại
Sự sinh lại phần thuộc linh bắt nguồn từ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mà qua ân điển của Ngài chúng ta đã thay đổi.
Cách đây mười lăm năm, lần đầu tiên tôi đã đứng tại bục giảng trong Đại Thính Đường với tư cách là Thầy Bảy Mươi mới vừa được tán trợ. Lúc bấy giờ tôi mới 48 tuổi, mái tóc tôi còn dầy có mầu nâu sậm. Tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu ý nghĩa của việc cảm thấy không thích đáng. Vào lúc kết thúc bài nói chuyện dài năm phút của mình, cái áo sơ mi của tôi ướt đẫm mồ hôi. Tất cả điều đó thật là một thử thách. Ngày hôm nay, khi nhìn lại, thì dường như đó là một kinh nghiệm tương đối dễ chịu.
Khi Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf và Anh Cả David A. Bednar mới được tán trợ với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, thì một sự làm chứng về nguồn gốc thiêng liêng của sự kêu gọi của họ đến với tôi trong phiên họp đó. Tôi cũng được ban cho trong giây phút đó một sự hiểu biết về sự thiêng liêng phi thường về sự kêu gọi và sự phục vụ của một sứ đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi không có đủ lời để bày tỏ sự hiểu biết đó vì nó được Thánh Linh truyền đạt cho tâm hồn tôi chứ không phải bằng lời. Giờ đây việc nghĩ đến điều đó làm tôi hạ mình xuống đáy sâu của sự khiêm nhường mà tôi chưa bao giờ trải qua trước đó, và tôi cầu khẩn Cha Thiên Thượng hỗ trợ tôi như Ngài đã làm từ trước đến giờ để tôi có thể đạt đến quá khả năng bẩm sinh của mình và có thể tập trung ra ngoài bản thân mình mà đắm mình trong sự phục vụ các anh chị em. Tôi tin cậy nơi Ngài và tôi biết rằng ân điển của Ngài là đủ và như vậy tôi sẵn lòng cam kết nơi đây tất cả những gì tôi có và con người của tôi cùng Thượng Đế và Con Trai Yêu Quý của Ngài. Tôi cũng xin tự nguyện với lòng trung thành, sự phục vụ và tình yêu thương của tôi cùng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Các Anh Em trong Nhóm Túc Số Mười Hai.
Phước lành tộc trưởng của tôi, nhận được lúc 13 tuổi từ ông nội yêu quý , có ghi như sau: “[Cha Thiên Thượng của cháu] gửi cháu đến trong gian kỳ cuối cùng và vinh quang này để cháu có thể được sinh ra trong giao ước mới và vĩnh cửu từ hai bậc cha mẹ tốt lành và ngay chính.” Với lòng biết ơn sâu xa nhất tôi nhìn nhận rằng đây là phước lành cơ bản vĩ đại của cuộc sống của tôi. Tôi xin gửi lời tri ân đến cha mẹ tôi, và với tình yêu thương, tôi nhìn nhận rằng tôi đã mang ơn họ và ông bà tôi và các thế hệ trước đó. Không bao lâu sau khi tôi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, tôi đã có cơ hội để đứng bên ngôi mộ của một trong các tổ phụ đã qua đời nhiều năm trước khi tôi được sinh ra. Khi tôi suy ngẫm về sự hy sinh của vị ấy và gia đình của vị ấy bằng cách chấp nhận phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, thì một cảm giác biết ơn tràn ngập lòng tôi, và một quyết tâm phát sinh trong tôi để kính trọng sự hy sinh của vị ấy và những người được sinh ra sau đó bằng cách sống một cuộc sống đức hạnh, trung tín cùng Thượng Đế và các giao ước phúc âm.
Khi nhìn nhận các phước lành này, tôi cũng xin gồm luôn những người anh em yêu quý của tôi cùng với những người phối ngẫu của họ là những người cũng hiện diện trong ngày hôm nay. Vợ tôi và tôi có bốn con trai và một con gái, mỗi đứa đều kết hôn với một người phối ngẫu tuyệt vời, hoặc trong trường hợp của đứa con trai út của chúng tôi, sắp kết hôn với một thiếu nữ yêu kiều. Chúng tôi yêu thương chúng và các cháu của chúng tôi và biết ơn cách mà chúng đã ban phước cuộc sống của chúng tôi qua lòng trung thành của chúng đối với Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Nhiều nhất là đối với vợ của tôi, Kathy, người nội trợ của gia đình chúng tôi, ánh sáng của đời tôi, một người bạn đồng hành vững vàng và khôn ngoan, tràn đầy trực giác thuộc linh, tính hóm hỉnh, lòng nhân hậu và lòng bác ái. Tôi yêu bà hơn tôi có thể nói ra được và hy vọng có thể bày tỏ tình yêu đó một cách đầy thuyết phục hơn trong những năm tháng sắp tới.
Tôi có phước lành để phục vụ truyền giáo toàn thời gian khi còn là một thanh niên ở Argentina dưới sự trông coi của hai vị chủ tịch phái bộ truyền giáo hiếm có, Ronald V. Stone và Richard G. Scott, cùng với vợ của họ là Patricia và Jeanene. Tôi cảm tạ Thượng Đế về ảnh hưởng lâu dài của họ đối với tôi. Tiếp theo lễ tốt nghiệp của tôi từ trường luật, Kathy và tôi cùng con cái chúng tôi đã thành công trong việc dọn nhà đến các tiểu bang Maryland, Tennessee, Virginia, North Carolina, và bây giờ Utah. Ba năm quý báu ở Mexico. Trong tất cả những nơi này, chúng tôi đều được ban phước với những người bạn thân quý ở trong lẫn bên ngoài Giáo Hội là những người đã yêu thương, giảng dạy và làm bạn với chúng tôi và con cái chúng tôi, và là những người tiếp tục làm như vậy. Tôi xin lấy cơ hội này để công khai bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người này.
Tình yêu thương và sự kính trọng của tôi đối với Các Anh Em thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi và Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa thì thật là bao la. Tôi hân hoan với sự phục vụ liên tục mà sẽ giúp tôi gần gũi với họ và rằng sẽ có những cơ hội thường xuyên để cùng phục vụ chung với nhau. Những điều mặc khải được tiết lộ về thời kỳ của chúng ta mà đã đặt Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi vào vị trí trong Giáo Hội tạo thành một trong những phép lạ sâu xa và có lẽ là những phép lạ bị xem thường nhất trong lịch sử của công việc ngày sau của Chúa. Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi là bí quyết thành công của công việc này bây giờ và trong những năm tháng sắp tới, và tôi cảm thấy được vô cùng vinh hạnh mà tên của tôi đã được ở trong số các tên trong nhóm túc số này. Xin Thượng Đế ban phước cho Các Anh Em, là các anh em của tôi.
Tôi muốn được chia sẻ với các anh chị em lời chứng của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, và quyền năng của sự hy sinh chuộc tội vô hạn của Ngài. Khi làm như vậy, tôi sẽ nhắc lại một kinh nghiệm từ những năm mà tôi sống ở Tennessee. Một buổi chiều nọ, tôi nhận được một cú điện thoại tại nhà từ một người nọ rất lịch thiệp mà tôi không quen biết. Người ấy tự giới thiệu là một mục sư mới về hưu của một tôn giáo khác và yêu cầu được gặp riêng tôi vào ngày Chúa Nhật kế tiếp. Khi chúng tôi gặp nhau, người khách của tôi nói thẳng rằng người ấy đến vì quan tâm đến sự an lạc của linh hồn tôi. Người ấy lấy ra từ cặp giấy của mình một bản liệt kê khá dài từ quyển Tân Ước và nói rằng người ấy muốn xem lại các câu này với tôi để xem người ấy có thể giúp tôi được cứu rỗi không. Tôi hơi ngạc nhiên trước tính thẳng thắn của người ấy, nhưng tôi có thể thấy được rằng người ấy rất thành thật, và tôi cảm động trước mối quan tâm thật sự của người ấy đối với tôi.
Chúng tôi trò chuyện hơn một giờ đồng hồ, và người ấy rất cởi mở lắng nghe tôi giải thích về tín ngưỡng của tôi cũng như đọc với tôi một số điều giảng dạy từ Sách Mặc Môn mà còn xa lạ đối với người ấy. Chúng tôi thấy rằng có nhiều điều mà chúng tôi cùng tin tưởng giống nhau và có một vài điều chúng tôi tin khác nhau. Chúng tôi cảm thấy được một mối tình thân thiết và cùng cầu nguyện chung trước khi người ấy ra về. Tôi vẫn còn nhớ cuộc thảo luận của chúng tôi là về sự sinh lại. Chính sự sinh lại phần thuộc linh qua Chúa Giê Su Ky Tô là đề tài về lời chứng của tôi về Ngài.
Chính Chúa Giê Su đã phán rằng việc bước vào vương quốc của Thượng Đế đòi hỏi rằng một người phải được sinh lại—sinh ra từ nước và Thánh Linh (xin xem Giăng 3:3-5). Lời giảng dạy của Ngài về phép báp têm cho phần thể xác và phần thuộc linh giúp chúng ta hiểu rằng cả hai hành động của chúng ta và sự can thiệp của quyền năng thiêng liêng đều cần thiết cho sự sinh lại có tác dụng thay đổi này—về sự thay đổi từ con người tự nhiên thành thánh hữu (xin xem Mô Si A 3:19). Phao Lô đã mô tả sự sinh lại bằng lời giản dị này: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Ky Tô, thì nấy là người dựng nên mới” (2 Cô Rinh Tô 5:17).
Chúng ta hãy cùng xem xét hai ví dụ trong Sách Mặc Môn. Khoảng một thế kỷ trước khi Đấng Ky Tô giáng sinh, Vua Bên Gia Min đã dạy dân ông về sự giáng lâm và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Linh của Chúa đã đem lại sự thay đổi lớn lao nơi dân của nhà vua khiến họ “không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5:2). Vì đức tin của họ nơi Đấng Ky Tô, nên họ đã nói: “Chúng tôi sẵn lòng lập giao ước với Thượng Đế của chúng tôi để làm theo ý Ngài, và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài … , suốt quãng đời còn lại của mình” (Mô Si A 5:5; sự nhấn mạnh được thêm vào). Nhà vua đáp: “Nhờ giao ước mà các người đã lập, các người sẽ được gọi là con cái của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái của Ngài; vì này, hôm nay, Ngài đã sinh ra các người theo thể thuộc linh; vì các người có nói rằng, lòng các người đã thay đổi nhờ có đức tin nơi danh Ngài; vậy nên các người được Ngài sinh ra” (Mô Si A 5:7; xin xem thêm GLGƯ 76:24).
Trường hợp của An Ma thì cũng cho biết nhiều chi tiết hữu ích. Khi ông và những người bạn đồng hành của ông đi ra tìm cách phá hoại Giáo Hội của Đấng Ky Tô, thì họ đã bị một thiên sứ khiển trách. Sau đó, ba ngày và ba đêm của An Ma đã được ông mô tả là: “đã bị một cực hình vĩnh cửu xâu xé… . Phải, cha đã nhớ lại tất cả những tội lỗi và những điều bất chính của mình, và vì thế cha phải bị giày vò với những nỗi đau đớn của ngục giới” (An Ma 36:12–13). Cuối cùng, sau khi “đã hối cải lúc hầu như gần kề sự chết” (Mô Si A 27:28), rồi ông mô tả rằng có một sứ điệp tuyệt diệu của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài đến với tâm trí của ông. An Ma cầu khẩn: “Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ đang ở trong mật đắng và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết” (An Ma 36:18). Sự tha thứ đến với ông, và ông đã công khai đứng lên thú nhận:
“Tôi đã hối cải tội lỗi của tôi, và đã được Chúa cứu chuộc; này, tôi đã được sinh ra bởi Thánh Linh.
“Và Chúa có phán với tôi rằng: Ngươi chớ kinh ngạc khi thấy tất cả loài người, phải, cả nam lẫn nữ, tất cả các quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc, đều phải được tái sinh; phải, được Thượng Đế sinh ra, được chuyển từ trạng thái trần tục và sa ngã qua trạng thái ngay chính, được Thượng Đế cứu chuộc, và trở thành những con trai và con gái của Ngài;
“Và như vậy họ trở thành những sinh linh mới” (Mô Si A 27:24-26).
Khi chúng ta suy ngẫm về các tấm gương này và các câu thánh thư khác, thì rõ ràng là sự sinh lại phần thuộc linh bắt nguồn từ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mà qua ân điển của Ngài chúng ta đã thay đổi. Nói một cách cụ thể hơn, đó là đức tin nơi Đấng Ky Tô là Đấng Chuộc Tội, Đấng Cứu Chuộc mà có thể tẩy sạch tội lỗi và làm cho thánh thiện (xin xem Mô Si A 4:2-3).
Khi đức tin chân thật này nơi Đấng Ky Tô bắt đầu nảy nở nơi một người, thì chắc chắn nó sẽ dẫn đến sự hối cải. A Mu Léc dạy rằng sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi sẽ “đem lại sự cứu rỗi cho tất cả những ai tin vào danh Ngài; đây chính là mục đích của sự hy sinh cuối cùng này, để thực hiện lòng thương xót tận tâm can, mà lòng thương xót này chế ngự cả công lý và đem lại cho loài người một phương tiện để họ có được đức tin đưa đến sự hối cải” (An Ma 34:15, sự nhấn mạnh được thêm vào).
Tuy nhiên, để được trọn vẹn, sự hối cải đòi hỏi giao ước vâng lời. Đây là giao ước do những người dân của Vua Bên Gia Min lập “để làm theo ý [Thượng Đế], và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài” (Mô Si A 5:5). Đây là giao ước được chứng thực bởi phép báp têm bằng nước (xin xem Mô Si A 18:10), đôi khi được nói đến trong thánh thư là “phép báp têm về sự hối cải” hoặc “phép báp têm để hối cải” vì đó là cực điểm, điều tột bậc trong sự hối cải của chúng ta. (xin xem ví dụ trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:4; An Ma 7:14; 9:27; GLGƯ 107:20).
Rồi như đã được hứa, Chúa làm phép báp têm cho chúng ta “bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 9:20). Nê Phi đã nói điều này như sau: “Vì cổng mà các ngươi phải đi vào tức là sự hối cải và phép báp têm bằng nước vậy; và tiếp theo đó là sự xá miễn các tội lỗi của các người bằng lửa và Đức Thánh Linh” (2 Nê Phi 31:17).1
Sau khi trông cậy “vào những công nghiệp của Đấng có quyền năng cứu rỗi ” (2 Nê Phi 31:19), chúng ta “được trở nên sống động trong lòng” (Môi Se 6:65) và nếu chưa được hoàn toàn sinh lại, thì chắc chắn chúng ta đang trên con đường của sự sinh lại phần thuộc linh.
Giờ đây, Chúa cảnh giác chúng ta phải lưu tâm vì “điều có thể xảy ra là loài người có thể mất ân điển” (GLGƯ 20:32), ngay cả những người đã được thánh hóa (xin xem các câu 32–34). Như Nê Phi đã khuyên dạy: “Các nguời phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20).
Các anh chị em có thể hỏi: “Tại sao sự thay đổi mạnh mẽ này không xảy ra nhanh hơn với tôi?” Các anh chị em cần phải nhớ rằng các tấm gương phi thường của những người dân của Vua Bên Gia Min, An Ma và một số người khác trong thánh thư cũng đều như thế—phi thường và không đặc trưng.2 Đối với đa số chúng ta, những thay đổi xảy ra dần dần và theo thời gian. Việc sinh lại, không giống như sự ra đời với thân xác của chúng ta, là một tiến trình hơn là một sự kiện. Và việc tham gia vào tiến trình đó là mục tiêu chính yếu của cuộc sống hữu diệt.
Đồng thời, chúng ta chớ tự biện minh trong một nỗ lực bình thường. Chúng ta chớ bằng lòng với việc giữ lại một khuynh hướng nào đó để làm điều xấu. Chúng ta chớ trì hoãn bất cứ sự hối cải nào cần thiết. Chúng ta hãy xứng đáng khi dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần và tiếp tục nhờ đến Đức Thánh Linh để loại bỏ hoàn toàn vết tích cuối cùng của sự không thanh sạch ở bên trong chúng ta. Tôi làm chứng rằng khi các anh chị em tiếp tục con đường của sự sinh lại phần thuộc linh, thì ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cất đi các tội lỗi của các anh chị em và vết nhơ của các tội lỗi đó nơi các anh chị em, những cám dỗ sẽ mất sức thu hút của chúng, và nhờ vào Đấng Ky Tô, các anh chị em sẽ trở nên thánh thiện, như Ngài và Cha Ngài là thánh thiện.
Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống và phục sinh. “[Tôi] biết rằng sự biện minh nhờ ân điển của Chúa, Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, là công bình và chân thật;
“Và [tôi] cũng biết rằng việc thánh hóa nhờ ân điển của Chúa, Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, là công bình và chân thật, đối với những ai biết yêu thương và phục vụ Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí, và sức mạnh của mình” (GLGƯ 20:30–31; xin xem thêm Mô Rô Ni 10:32–33).
Tôi hân hoan về sự thăng bằng trong cuộc sống của mình để tôi sẽ có khả năng tiếp tục nói về Đấng Ky Tô, nói về tin lành về Đấng Ky Tô trên khắp thế gian. Tôi làm chứng về sự xác thật và tình yêu thương của Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, là Đấng mà Chúa Giê Su đã dâng tất cả vinh quang lên Ngài. Tôi yêu thương và làm chứng về Tiên Tri Joseph Smith. Qua sự giao tiếp cá nhân của ông với Chúa, công việc phiên dịch và xuất bản Sách Mặc Môn của ông, và sự đóng ấn chứng ngôn của ông bằng máu tuẫn đạo của ông, Joseph đã trở thành vị mặc khải ưu việt về Chúa Giê Su Ky Tô trong thiên tính thật của Ngài là Đấng Cứu Chuộc thiêng liêng. Chúa Giê Su không có nhân chứng nào cao quý hoặc người bạn nào tốt hơn Joseph Smith. Tôi tuyên bố chứng ngôn của tôi về sự kêu gọi của Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri và Chủ Tịch của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời kỳ này và cam kết lòng trung thành của tôi đối với ông và hai vị cố vấn của ông trong vai trò thiêng liêng đó của họ. Tôi cầu nguyện rằng các phước lành của Thượng Đế được ban xuống cho tất cả chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.