Chứng Ngôn
Sự hiểu biết khuyến khích sự vâng lời, và sự vâng lời gia tăng sự hiểu biết.
Một chứng ngôn về phúc âm là một sự làm chứng riêng của Đức Thánh Linh cho tâm hồn của chúng ta rằng một vài sự kiện về ý nghĩa vĩnh cửu là có thật và rằng chúng ta biết những sự kiện này là chân chính. Những sự kiện như vậy gồm có thiên tính của Thiên Chủ Đoàn và mối quan hệ của chúng ta với ba Đấng trong Thiên Chủ Đoàn, sự hữu hiệu của Sự Chuộc Tội và sự thật về Sự Phục Hồi.
Một chứng ngôn về phúc âm không phải là một bản báo cáo về một cuộc hành trình, một bản báo cáo về sức khỏe hoặc một lời bảy tỏ yêu thương đối với những người trong gia đình. Đó không phải là một bài thuyết giảng. Chủ Tịch Kimball đã dạy rằng giây phút mà chúng ta bắt đầu rao giảng cho những người khác thì chứng ngôn của chúng ta kết thúc.1
I.
Nhiều câu hỏi khác nhau đặt ra khi chúng ta nghe những người khác chia sẻ chứng ngôn hoặc khi chúng ta suy nghĩ về việc tự chia sẻ chứng ngôn.
-
Trong một buổi họp chứng ngôn, một người tín hữu nói: “Tôi biết rằng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hiện ra cùng Tiên Tri Joseph Smith.” Một người khách thăm viếng tự hỏi: “Người ấy có ý nói gì khi nói rằng mình biết điều đó?”
-
Một thanh niên chuẩn bị đi truyền giáo tự hỏi chứng ngôn của mình có đủ vững mạnh để người ấy có thể phục vụ với tư cách là một người truyền giáo không.
-
Một người trẻ tuổi nghe chứng ngôn của cha, mẹ hay người giảng viên. Chứng ngôn như vậy giúp đỡ người nghe chứng ngôn như thế nào?
II.
Chúng ta có ý nói gì khi chúng ta làm chứng và nói rằng chúng ta biết phúc âm là chân chính? Hãy đối chiếu loại hiểu biết đó với “Tôi biết rằng trời rất lạnh ở bên ngoài” hoặc “Tôi biết rằng tôi yêu vợ tôi.” Đây là ba loại hiểu biết khác nhau, mỗi loại được học hỏi bằng một cách khác. Sự hiểu biết về nhiệt độ bên ngoài có thể được kiểm chứng bởi bằng chứng khoa học. Sự hiểu biết rằng chúng ta yêu người phối ngẫu của mình là riêng tư và cá nhân. Mặc dù sự kiện này không thể chứng minh bằng khoa học, nhưng nó vẫn quan trọng. Ý nghĩ rằng tất cả sự hiểu biết quan trọng được dựa trên bằng chứng khoa học thì hoàn toàn không đúng.
Mặc dù một số “bằng chứng” về các lẽ thật phúc âm, (để có ví dụ, xin xem Thi Thiên 19:1; He La Man 8:24), các phương pháp khoa học sẽ không mang lại sự hiểu biết thuộc linh. Đây là điều mà Chúa Giê Su đã dạy để đáp lại chứng ngôn của Si Môn Phi E Rơ rằng Ngài là Đấng Ky Tô: “Hỡi Si Môn, con Giô Na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải vì thịt và huyết tỏ cho người biết điều này đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy” (Ma Thi Ơ 16:17). Sứ Đồ Phao Lô đã giải thích điều này. Trong một bức thư gửi cho các thánh hữu ở Cô Rinh Tô, ông đã nói: “Nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời , thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời” (1 Cô Rinh Tô 2:11; xin xem thêm Giăng 14:17).
Trái lại, chúng ta biết những sự việc của con người qua đường lối của con người, nhưng “người có tính xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (1 Cô Rinh Tô 2:14).
Sách Mặc Môn dạy rằng Thượng Đế sẽ biểu hiện lẽ thật của những sự việc thuộc linh cho chúng ta bằng quyền năng của Đức Thánh Linh (xin xem Mô Rô Ni 10:4–5). Trong điều mặc khải hiện đại, Thượng Đế hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ nhận được “sự hiểu biết” bằng cách Ngài phán bảo trong tâm trí của chúng ta “bởi Đức Thánh Linh” (GLGƯ 8:1–2).
Một trong những điều lớn lao nhất về kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài là mỗi người chúng ta có thể tự biết được lẽ thật của kế hoạch đó. Sự hiểu biết đã được mặc khải đó không đến từ sách vở, từ chứng minh khoa học, hoặc từ sự suy ngẫm của trí tuệ. Cũng giống như Sứ Đồ Phi E Rơ, chúng ta có thể nhận được sự hiểu biết đó trực tiếp từ Cha Thiên Thượng của chúng ta qua sự làm chứng của Đức Thánh Linh.
Khi biết được các lẽ thật thuộc linh qua những phương tiện thuộc linh, thì chúng ta có thể chắc chắn về kiến thức đó như các học giả và các nhà khoa học chắc chắn về các loại kiến thức khác mà họ đạt được bằng các phương pháp khác.
Tiên Tri Joseph Smith đã cung ứng một tấm gương tuyệt vời về điều này. Khi bị ngược đãi vì nói cho những người khác biết về khải tượng của mình, ông đã so sánh hoàn cảnh của mình với Sứ Đồ Phao Lô, là người đã bị nhạo báng và chửi rủa khi ông đưa ra lời bênh vực trước Vua Ạc Ríp Ba (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 26). Joseph đã nói: “Nhưng tất cả những hành động trên không làm sao phá đổ sự thật về khải tượng của ông. Ông đã trông thấy khải tượng, ông biết là ông đã trông thấy, và tất cả những sự ngược đãi dưới gầm trời này không thể làm đảo lộn sự thật được … Trường hợp của tôi cũng vậy.” Joseph nói tiếp: “Quả thật tôi đã thấy một ánh sáng, và giữa ánh sáng ấy, tôi đã trông thấy hai Nhân Vật, và hai vị đó đã thật sự ngỏ lời cùng tôi… . Tôi đã trông thấy khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận, tôi cũng không dám làm thế.” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:24–25)
III.
Đó là chứng ngôn của Joseph Smith. Còn chứng ngôn của chúng ta thì sao? Làm thế nào chúng ta tiến đến việc biết và làm chứng rằng điều ông đã nói là đúng? Làm thế nào một người nhận được điều mà chúng ta gọi là chứng ngôn?
Bước đầu tiên để nhận được bất cứ kiến thức nào thì thật sự là phải có ước muốn để biết. Trong trường hợp đó là sự hiểu biết thuộc linh, thì bước kế tiếp là cầu vấn Thượng Đế trong lời cầu nguyện chân thành. Như chúng ta đọc trong điều mặc khải hiện đại:
“Nếu các ngươi cầu xin thì các ngươi sẽ nhận được điều mặc khải này đến điều mặc khải khác, sự hiểu biết này đến sự hiểu biết nọ, để các ngươi có thể hiểu được những điều kín nhiệm và những điều bình an— là những điều đem lại sự vui mừng và đem lại cuộc sống vĩnh cửu” (GLGƯ 42:61).
Đây là điều mà An Ma viết về điều ông đã làm: “Này, tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này. Và bây giờ tôi tự biết rằng những điều này là thật; vì Đức Chúa Trời đã biểu lộ những điều này cho tôi biết bằng Đức Thánh Linh của Ngài” (An Ma 5:46).
Khi mong muốn và tìm kiếm, chúng ta cần phải nhớ rằng việc nhận được một chứng ngôn không phải là một điều thụ động mà là một tiến trình mà trong đó chúng ta được trông mong để làm một điều gì. Chúa Giê Su đã dạy: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).
Một cách khác để tìm kiếm một chứng ngôn thì dường như rất lạ lùng khi được so sánh với các phương pháp để đạt được sự hiểu biết khác. Chúng ta đạt được hay củng cố một chứng ngôn bằng cách chia sẻ chứng ngôn đó. Một người nào đó còn đề nghị rằng một số chứng ngôn thì nhận được dễ dàng khi đứng lên làm chứng hơn là quỳ xuống để xin nhận được một chứng ngôn.
Một chứng ngôn cá nhân là cơ bản cho đức tin của chúng ta. Do đó, những điều chúng ta cần phải làm để nhận được, củng cố, và duy trì một chứng ngôn là thiết yếu cho cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Ngoài những cách đã được nói đến, chúng ta cần phải dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần (xin xem GLGƯ 59:9) để nhận được lời hứa quý báu rằng chúng ta sẽ “luôn luôn có Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” (GLGƯ 20:77). Dĩ nhiên, Thánh Linh đó là nguồn gốc của những chứng ngôn của chúng ta.
IV.
Những người có được chứng ngôn về phúc âm phục hồi cũng có một bổn phận để chia sẻ chứng ngôn đó. Sách Mặc Môn dạy rằng chúng ta cần “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu mà [chúng ta] hiện diện” (Mô Si A 18:9).
Một trong những lời giảng dạy gây ấn tượng nhất về mối quan hệ giữa ân tứ của một chứng ngôn với bổn phận để chia sẻ chứng ngôn đó nằm trong tiết 46 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Trong khi mô tả những loại ân tứ thuộc linh khác nhau thì điều mặc khải này nói rằng:
“Một số người được Đức Thánh Linh ban cho ân tứ để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con của Thượng Đế, và Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian.
“Những người khác thì được ban cho ân tứ để tin vào lời nói của họ, rằng họ cũng có thể có được một cuộc sống vĩnh cửu nếu họ tiếp tục trung thành” (các câu 13–14; xin xem thêm Giăng 20:29).
Những người có được ân tứ để biết thì có bổn phận hiển nhiên để làm chứng ngõ hầu những người có được ân tứ để tin vào lời nói của họ thì cũng có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.
Chưa từng bao giờ có một nhu cầu nhiều hơn đối với chúng ta để tuyên xưng đức tin của mình, nơi kín đáo và trước công chúng (xin xem GLGƯ 60:2). Mặc dù có một số người tự cho là vô thần, thì cũng có nhiều người sẵn lòng xem xét thêm các lẽ thật về Thượng Đế. Đối với những người chân thành tìm kiếm thì chúng ta cần phải xác nhận sự hiện hữu của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, sứ mệnh thiêng liêng của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, và sự xác thật của Sự Phục Hồi. Chúng ta cần phải dũng cảm trong chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su. Mỗi người chúng ta có nhiều cơ hội để rao giảng lòng tin thuộc linh của mình với bạn bè và xóm giềng, với những người đồng sự, và những người quen biết xã giao. Chúng ta cần phải sử dụng những cơ hội này để bày tỏ tình yêu thương của chúng ta đối với Đấng Cứu Rỗi, sự làm chứng của chúng ta về sứ mệnh thiêng liêng của Ngài, và quyết tâm của chúng ta để phục vụ Ngài.2 Con cái của chúng ta cũng cần phải nghe chúng ta chia sẻ chứng ngôn của mình thường xuyên. Chúng ta cũng cần phải củng cố con cái của mình bằng cách khuyến khích chúng tự xác định rõ chúng là ai qua chứng ngôn tăng trưởng của chúng, chứ không phải chỉ qua những sự công nhận của chúng trong học bổng, thể thao, hoặc các sinh hoạt khác ở trường học.
V.
Chúng ta sống trong một thời điểm mà một số người đã trình bày sai tín ngưỡng của những người mà họ gọi là người Mặc Môn và còn chửi rủa chúng ta vì tín ngưỡng này. Khi chúng ta bắt gặp những lời trình bày sai như vậy thì chúng ta có bổn phận phải lên tiếng để làm sáng tỏ giáo lý của chúng ra và điều mà chúng ta tin. Chúng ta cần phải là những người nói về tín ngưỡng của mình hơn là để cho những người khác trình bày sai về các giáo lý và tín ngưỡng của chúng ta. Điều này cần có chứng ngôn mà có thể được bày tỏ riêng với một người quen biết hoặc công khai trong một buổi họp nhỏ hay lớn. Khi làm chứng về lẽ thật mà mình biết, chúng ta cần phải tuân theo một cách trung thành lời cảnh cáo để nói “bằng sự êm ái và nhu mì” (GLGƯ 38:41). Chúng ta chớ bao giờ hống hách, quấy rầy, hoặc chửi rủa. Như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy, chúng ta cần phải nói sự thật trong tình yêu thương (xin xem Ê Phê Sô 4:15). Bất cứ người nào cũng có thể không đồng ý với chứng ngôn cá nhân của chúng ta nhưng không một ai có thể bắt bẻ nó.
VI.
Để kết thúc, tôi xin nói về mối quan hệ giữa sự vâng lời với kiến thức. Các tín hữu có được chứng ngôn và hành động theo chứng ngôn đó dưới sự chỉ dẫn của các vị lãnh đạo Giáo Hội đôi khi bị cáo buộc là mù quáng vâng lời.
Dĩ nhiên, chúng ta có các vị lãnh đạo, và dĩ nhiên chúng ta phải tuân theo những quyết định và những chỉ dẫn của họ trong việc điều hành Giáo Hội và trong việc thực hiện các giáo lễ của chức tư tế cần thiết. Nhưng khi đến lúc để học hỏi và biết được lẽ thật của phúc âm—chứng ngôn riêng của chúng ta—thì mỗi người chúng ta có được mối quan hệ trực tiếp với Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, qua sự làm chứng mạnh mẽ của Đức Thánh Linh. Đây là điều mà những người chỉ trích đã không hiểu được. Nó làm cho họ hoang mang khi chúng ta có thể đoàn kết trong việc tuân theo các vị lãnh đạo của mình nhưng vẫn độc lập trong việc tự mình hiểu biết.
Có lẽ nỗi hoang mang mà một số người cảm nhận được thì có thể được giải thích bằng sự thật là mỗi người chúng ta có hai lối giao tiếp với Thượng Đế. Chúng ta có một lối điều hành qua vị tiên tri và các vị lãnh đạo khác của mình. Lối giao tiếp này, mà có liên quan đến giáo lý , các giáo lễ và các lệnh truyền, đưa đến việc vâng lời. Chúng ta cũng có một lối giao tiếp khác của chứng ngôn cá nhân, mà đi thẳng đến Thượng Đế. Điều này có liên quan đến sự hiện hữu của Ngài, mối quan hệ của chúng ta với Ngài, và lẽ thật của phúc âm phục hồi của Ngài. Lối giao tiếp này đưa đến sự hiểu biết. Hai lối giao tiếp này củng cố lẫn nhau: sự hiểu biết khuyến khích sự vâng lời (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:27; Môi Se 5:11), và sự vâng lời gia tăng sự hiểu biết (xin xem Giăng 7:17; GLGƯ 93:1).
Tất cả chúng ta đều hành động hoặc vâng lời theo sự hiểu biết. Cho dù trong khoa học hay trong tôn giáo thì sự vâng lời của chúng ta không phải mù quáng khi chúng ta hành động theo sự hiểu biết liên hệ đến vấn đề của chúng ta. Một nhà khoa học nhận được và hành động theo một sự kiểm chứng có thể tin cậy được về nội dung hoặc tình trạng của một cuộc thử nghiệm đặc biệt. Trong vấn đề tôn giáo, nguồn hiểu biết của một người tin chính là thuộc linh, nhưng nguyên tắc thì vẫn giống nhau. Trong trường hợp Các Thánh Hữu Ngày Sau, khi Đức Thánh Linh mang đến cho tâm hồn của chúng ta một sự làm chứng về lẽ thật của phúc âm phục hồi và sự kêu gọi của một vị tiên tri hiện đại, thì sự chọn lựa của chúng ta để tuân theo những lời giảng dạy đó không phải là vâng lời một cách mù quáng.
Trong tất cả lời chứng của mình, chúng ta cần phải tránh tính kiêu ngạo và tự phụ. Chúng ta cần phải nhớ rằng Sách Mặc Môn đã quở trách một dân tộc mà đã có tính tự phụ như vậy trong những sự việc lớn lao mà Thượng Đế đã ban cho họ để họ làm khổ sở những người lân cận của họ (xin xem Gia Cốp 2:20). Gia Cốp đã nói đây là “khả ố đối với Đấng đã sáng tạo ra mọi loài xác thịt” vì “mọi nhân thể đều quý báu như nhau” (Gia Cốp 2:21). Về sau, An Ma đã cảnh giác rằng “các ngươi không được xem trọng người này hơn người kia, và chớ tự cho mình là cao quý hơn kẻ khác” (Mô Si A 23:7).
Tôi xin kết thúc với chứng ngôn của mình. Tôi biết rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng mà kế hoạch của Ngài mang chúng ta đến thế gian và cung ứng những điều kiện và vận mệnh cho cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta. Tôi biết rằng chúng ta có một Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, mà những lời giảng dạy của Ngài định rõ kế hoạch và Sự Chuộc Tội của Ngài mang đến sự bảo đảm về sự bất diệt và cơ hội cho cuộc sống vĩnh cửu. Tôi biết rằng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith để phục hồi sự trọn vẹn của phúc âm trong những ngày sau cùng này. Và tôi biết rằng ngày nay chúng ta được hướng dẫn bởi một vị tiên tri, Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người nắm giữ các chìa khóa để cho phép những người nắm giữ chức tư tế thực hiện các giáo lễ đã được đòi hỏi cho sự tiến bộ của chúng ta hướng đến cuộc sống vĩnh cửu. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.