Ngày Hôm Nay
Miễn là chúng ta đã sống Ngày Hôm Nay sao cho chúng ta có quyền nhận được ân điển tẩy sạch của Sự Chuộc Tội, thì chúng ta sẽ sống vĩnh viễn với Thượng Đế.
Cách đây ba tuần, tôi đã bước vào Quá Khứ. Vào lúc đó tôi đã tái khám phá Hiện Tại. Và chính là Ngày Hôm Nay mà tôi muốn đề cập đến.
Một sự chỉ định của Giáo Hội đã đưa tôi ngang qua Thái Bình Đương bao la đến vùng đất Việt Nam. Đối với tôi, điều này còn có ý nghĩa hơn là một chuyến bay ngang qua đại dương. Đó là chuyến bay trở về với quá khứ. Cách đây hơn 40 năm, tôi đã phục vụ trên chiến trường của vùng đất đó với tư cách là một sĩ quan bộ binh. Những ký ức nơi chốn đó sau bao nhiêu năm đã in sâu vào tâm khảm tôi, những người dân của đất nước đó và các bạn đồng đội của tôi trong quân ngũ. Gia Cốp có lần đã viết: “Cuộc đời của chúng tôi rồi đây cũng trôi qua như một giấc mộng” (Gia Cốp 7:26). Và điều đó đã xảy ra như vậy đối với tôi. Và bây giờ tôi đang từ những ký ức trở về nơi kỷ niệm đó sau gần nửa thế kỷ . Khi công việc Giáo Hội chỉ định cho tôi kết thúc, tôi quyết tâm đi thăm lại những nơi xảy ra các trận đánh dữ dội. Cùng với vợ mình, tôi đã thực hiện một chuyến đi đầy ý nghĩa.
Tôi không chắc điều gì mà tôi đã trông mong tìm ra sau rất nhiều năm. Điều mà tôi đã tìm ra thì thật là bất ngờ. Thay vì một dân tộc bị chiến tranh tàn phá, tôi thấy một dân tộc trẻ trung, đầy sức sống. Thay vì một vùng quê lởm chởm hố bom, tôi thấy những thửa ruộng bình yên, xanh ngát. Ngay cả rừng rậm cũng phát triển mới mẻ. Tôi đoán rằng tôi đã trông mong chỉ một nửa để đi tìm Quá Khứ, nhưng điều mà tôi đã tìm ra là Hiện Tại … và lời hứa về một Tương Lai sáng lạn. Tôi được nhắc nhở rằng “sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng” (Thi Thiên 30:5).
Khi tôi đặt chân một lần nữa trên thửa ruộng nơi từng là bãi chiến trường và bước đi một lần nữa trên con đường rừng, thì trong tâm trí tôi vọng lại tiếng súng máy, tiếng rít của bom đạn và tiếng chạm nhau của vũ khí. Tôi thấy lại những gương mặt non nớt sạm nắng của bạn bè là những người “hy sinh mạng sống của mình làm biểu tượng cho sự tận tâm của họ” (Abraham Lincoln, Gettysburg Address). Và đặc biệt tôi đã nghĩ về một người bạn đồng đội và trong một ngày—chỉ một ngày thôi, ngày 3 tháng Tư năm 1966, ngày Chúa Nhật lễ Lá, Mùa lễ Phục Sinh—cách đây gần bốn mươi hai năm tính đến ngày hôm nay.
Tiểu đoàn bộ binh của chúng tôi đã ở Việt Nam trong vài tháng. Tôi là một trung úy, người chỉ huy một trung đội pháo binh. Chúng tôi hầu như không ngừng tham gia vào các trận đánh. Ngày ấy bắt đầu với tiểu đoàn của chúng tôi đang đi sâu vào lòng địch. Trước đó rất sớm, chúng tôi đã gửi đi một đội trinh sát có khoảng 10 người. Một trong số họ là Trung Sĩ Arthur Morris. Vài người bị thương trong khi bắn nhau, kể cả Trung Sĩ Morris, là người bị thương nhẹ. Cuối cùng những người trong đội trinh sát khập khiễng trở về phòng tuyến của chúng tôi.
Chúng tôi truyền tin yêu cầu một chiếc trực thăng tải thương. Trong khi đưa những người bị thương lên trực thăng, tôi cố thuyết phục Trung Sĩ Morris cũng lên trực thăng. Anh do dự. Tôi khuyên nhủ anh một lần nữa. Anh từ chối một lần nữa. Cuối cùng, tôi nói: “Trung sĩ Morris, hãy lên trực thăng.”
Anh nhìn tôi, đôi mắt tha thiết, đầy khẩn nài. Anh nói: “Thưa Trung Úy” và rồi những lời này đã luôn luôn ám ảnh tôi: “Chúng không thể giết một loài chim cứng cỏi như tôi đâu.”
Toàn thể khung cảnh đó in sâu vào tâm khảm tôi giống như một hình ảnh chiến trận: rừng được dọn sạch; cánh quạt của chiếc trực thăng đập mạnh thúc giục, người phi công nhìn tôi chờ đợi; và người bạn của tôi nài nỉ xin được ở lại với bạn đồng đội của mình. Tôi nhượng bộ. Tôi vẫy tay cho chiếc trực thăng bay đi với cơ hội được sống thêm một ngày nữa. Trước khi mặt trời lặn trong cùng ngày đó, người bạn thân thiết của tôi, Trung Sĩ Arthur Cyrus Morris, nằm chết trên mặt đất, ngã gục vì đạn thù. Và tôi nghe lặp đi lặp lại trong đầu tôi lời nói của anh ấy: “Chúng không thể giết, chúng không thể giết, chúng không thể giết …”
Dĩ nhiên, về một phương diện, thì anh ấy đã nghĩ rất sai. Cuộc sống trần thế rất mong manh. Chỉ một nhịp đập của trái tim, chỉ một hơi thở cũng lấy đi mạng sống khỏi thế gian này. Trong một lúc, người bạn tôi đang là một người sống đầy sinh động; một lúc sau đó thì linh hồn bất diệt của anh đã bay xa, bỏ lại thể xác trần tục của anh nằm chết bất động. Cái chết là một bức màn mà qua đó mỗi người phải bước qua, và giống như Trung Sĩ Arthur Morris, không một ai trong chúng ta biết khi nào thì phải bước qua bức màn đó. Trong số tất cả những thử thách mà chúng ta trải qua, có lẽ thử thách lớn nhất là cảm tưởng sai lầm rằng cuộc sống hữu diệt sẽ tiếp tục vĩnh viễn, và hệ quả của nó, rằng chúng ta có thể trì hoãn cho đến ngày mai việc tìm kiếm và đưa ra sự tha thứ, mà theo như phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy, là trong số các mục đích chính yếu của cuộc sống trần thế.
Lẽ thật sâu xa này đã được A Mu Léc giảng dạy trong Sách Mặc Môn:
“Vì này, cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế; phải, này, thời gian của cuộc sống này là thời gian cho loài người thực thi những công việc lao nhọc của mình.
“… Vì thế mà tôi tha thiết mong các người chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình cho đến lúc cuối cùng …
“… Vì cũng chính linh hồn đã làm chủ phần xác của các người khi các người vừa ra khỏi cuộc đời này, thì cũng chính linh hồn ấy sẽ có quyền năng để làm chủ thể xác các người trong thế giới vĩnh cửu ấy” (An Ma 34:32–34; chữ nghiêng được thêm vào).
Thật là một lời sâu sắc mà A Mu Léc đã dùng—“thời gian của cuộc sống này”! Sứ Đồ Gia Cơ đã nói như sau: “Song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết. Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay” (Gia Cơ 4:14).Và con người của chúng ta khi chúng ta lìa bỏ cuộc đời này là con người của chúng ta trong tương lai khi bước vào cuộc sống mai sau. May thay, chúng ta vẫn còn có Ngày Hôm Nay.
Nếu Trung Sĩ Morris đã nghĩ rất sai, thì anh ấy cũng nghĩ cực kỳ đúng! Chúng ta thật sự là bất diệt, theo ý nghĩa rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô đã thắng cái chết, cả về phần thể xác lẫn thuộc linh. Và miễn là chúng ta đã sống Ngày Hôm Nay sao cho chúng ta có quyền nhận được ân điển tẩy sạch của Sự Chuộc Tội, thì chúng ta sẽ sống vĩnh viễn với Thượng Đế. Cuộc sống này không phải là thời gian để tìm kiếm và tích lũy mà là thời gian để ban phát và thay đổi tốt hơn. Cuộc sống trần thế là một bãi chiến trường mà trên đó công lý và lòng thương xót phối hợp. Nhưng chúng không cần phải phối hợp như một sự đối ngược vì chúng đã được hòa giải trong Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đối với tất cả những ai đã khôn ngoan sử dụng Ngày Hôm Nay.
Chỉ còn lại cho các anh chị em và tôi để tìm kiếm lẫn đưa ra sự tha thứ đó—để hối cải lẫn cho thấy lòng bác ái đối với những người khác—mà làm cho chúng ta có thể bước qua cánh cửa mà Đấng Cứu Rỗi đang chờ để mở, như vậy bước ngang ngưỡng cửa từ cuộc sống này đến sự tôn cao. Ngày Hôm Nay là ngày để tha thứ những người khác về những “điều vi phạm” của họ, như vậy bảo đảm trong sự hiểu biết rằng Chúa sẽ tha thứ những điều vi phạm của chúng ta. Như Lu Ca đã chép lại một cách đầy ý nghĩa: “Hãy thương xót” (Lu Ca 6:36; sự nhấn mạnh được thêm vào). Chúng ta có thể không toàn hảo ở nơi đây nhưng chúng ta có thể có lòng thương xót. Và cuối cùng, sự hối cải và tha thứ là một trong những điều kiện đòi hỏi chính yếu của Thượng Đế nơi chúng ta.
Chuyến đi tìm về quá khứ của tôi đã hoàn tất, tôi nhìn quanh nơi các thửa ruộng bình an đó của Ngày Hôm Nay và thấy trong tình trạng màu mỡ của chúng là lời hứa của Ngày Mai. Tôi nghĩ đến người bạn của tôi, Trung Sĩ Arthur Cyrus Morris. Tôi nghĩ đến ngày Chúa Nhật định mệnh trước lễ Phục Sinh nhiều năm về trước. Và tôi biết ơn sâu xa Đấng Cứu Chuộc của buổi sáng lễ Phục Sinh, là Đấng đã hy sinh mạng sống cho chúng ta, là Đấng đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật để làm cho chúng ta có thể vượt lên trên tất cả mọi vật—Ngày Mai nếu chúng ta nắm lấy Ngày Hôm Nay. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.