Học Hỏi theo Cách của Chúa
Từ một bài nói chuyện đưa ra tại cuộc hội thảo dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới vào ngày 25 tháng Sáu năm 2014.
Việc mời Đức Thánh Linh giảng dạy là một mục đích chính yếu trong mọi mẫu mực học hỏi của Chúa.
Việc Chúa gấp rút làm công việc của Ngài đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi, thay đổi, và tiến bước với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi.
Một Mẫu Mực cho Mọi Sự Việc
Trong một điều mặc khải được ban cho qua Tiên Tri Joseph Smith vào tháng Sáu năm 1831, Chúa phán rằng: “Ta ban cho các ngươi một mẫu mực cho mọi sự việc, để các ngươi khỏi bị lừa gạt; vì Sa Tan đang lan tràn khắp xứ, và nó đi khắp nơi để lừa gạt các quốc gia” (GLGƯ 52:14).
Thú vị thay, Chúa đã ban cho chúng ta “một” mà không phải là “một và chỉ một” mẫu mực cho mọi sự việc. Tôi không tin rằng Chúa đang đề nghị với cách nói “một mẫu mực cho mọi sự việc” tức là Ngài chỉ có một mẫu mực dùng để sử dụng trong mỗi tình huống. Thay vì vậy, cách của Chúa gồm có các mẫu mực đa dạng mà có thể được dùng để đạt được các mục tiêu thuộc linh khác nhau.
Mục đích tột bật của chúng ta trong bất kỳ kinh nghiệm học hỏi và giảng dạy phải nên là việc xác định được và sử dụng một hoặc nhiều các mẫu mực mà đáp ứng tốt nhất cho các nhu cầu của mình và đạt được kết quả học hỏi mong muốn.
Đức Thánh Linh là Đấng Giảng Dạy
Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn, và là một Đấng Mặc Khải, một Đấng Giảng Dạy, một Đấng An Ủi, một Đấng Thánh Hóa, và Ngài nhắc lại cho chúng ta nhớ mọi điều (xin xem Giăng 14:16–17, 26; 3 Nê Phi 27:20). Anh Cả James E. Talmage (1862–1933) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích: “Chức Vụ của Đức Thánh Linh trong sự phục sự của Ngài giữa loài người đã được mô tả trong thánh thư. Ngài là một Đấng giảng dạy được Cha Thiên Thượng gửi đến, và với những ai có quyền nhận được sự giảng dạy của Ngài, Ngài sẽ tiết lộ mọi điều cần thiết cho sự tiến bộ của người đó.”1 Việc mời Đức Thánh Linh làm Đấng giảng dạy duy nhất phải là một mục đích chính yếu trong mọi mẫu mực về việc học hỏi và giảng dạy của Chúa.
Một người học hỏi sử dụng quyền tự quyết đạo đức và hành động theo các nguyên tắc đúng mở rộng lòng mình cho Đức Thánh Linh—và do đó mời gọi sự giảng dạy, quyền năng làm chứng và sự làm chứng xác nhận của Ngài. Việc học hỏi bằng đức tin đòi hỏi nỗ lực tinh thần, trí tuệ, và thể chất chứ không phải chỉ lãnh nhận một cách thụ động. Trong sự chân thành và trước sau như một của hành động do đức tin soi dẫn, chúng ta cho Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, thấy rằng mình sẵn lòng để học hỏi và tiếp nhận chỉ dẫn từ Đức Thánh Linh.
Hãy xem xét cách những người truyền giáo giúp những người tầm đạo học hỏi bằng đức tin. Việc lập và tuân giữ những cam kết thuộc linh, như học hỏi và cầu nguyện về Sách Mặc Môn, tuân giữ các lệnh truyền, và tham dự các buổi họp Giáo Hội đều đòi hỏi một người tầm đạo phải sử dụng đức tin và hành động. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho tất cả các tín hữu, kể cả các bậc cha mẹ, các giảng viên, và các vị lãnh đạo.
Việc giảng dạy, khuyên nhủ, và giải thích—dù rất quan trọng—có thể không bao giờ truyền đạt được cho một người tầm đạo, một đứa trẻ, một học viên, hay một tín hữu một sự làm chứng về lẽ trung thực của phúc âm phục hồi. Chỉ khi đức tin của họ bắt đầu đưa đến hành động và mở đường đi vào tấm lòng thì Đức Thánh Linh mới có thể mang lại sự làm chứng xác nhận. Những người truyền giáo, các bậc cha mẹ, các giảng viên, và các vị lãnh đạo rõ ràng phải học hỏi để giảng dạy bằng quyền năng của Thánh Linh. Tuy nhiên, cũng quan trọng tương đương là trách nhiệm của họ để giúp người khác tự học hỏi bằng đức tin.
Việc học hỏi tôi đang mô tả vượt xa hơn sự hiểu biết nhận thức và giữ lại cùng nhớ lại thông tin. Loại học hỏi mà tôi đang nói đến khiến cho chúng ta thức tỉnh trong Thượng Đế (xin xem An Ma 5:7), cởi bỏ con người thiên nhiên (xin xem Mô Si A 3:19), thay đổi tấm lòng chúng ta (xin xem Mô Si A 5:2), và được cải đạo theo Chúa và không bao giờ bỏ đạo (xin xem An Ma 23:6). Việc học hỏi bằng đức tin đòi hỏi cả tấm lòng thành lẫn tâm hồn đầy thiện chí (xin xem GLGƯ 64:34) và là kết quả của việc Đức Thánh Linh mang quyền năng lời của Thượng Đế đi vào tấm lòng. Việc học hỏi bằng đức tin không thể được chuyển từ một giảng viên sang một học viên, từ một người truyền giáo sang một người tầm đạo, qua một bài giảng, một minh họa, hay một bài tập trải nghiệm; thay vì vậy, một học viên phải thực hành đức tin và hành động để có được sự hiểu biết cho chính mình.
Một Khuôn Mẫu cho Việc Học Hỏi và Giảng Dạy
1. Chuẩn bị để học tập. Nếu anh chị em tham dự lớp học Trường Chủ Nhật của mình và lắng nghe giảng viên trình bày một đề tài, thì cũng tốt. Nhưng nếu anh chị em bỏ công sức chuẩn bị, nếu anh chị em nghĩ về những điều người giảng viên đã mời anh chị em đọc, suy ngẫm, và cầu nguyện về điều đó trước lớp học, thì sẽ có sự ban cho dồi dào đầy quyền năng của Thánh Linh, và Đức Thánh Linh trở thành Đấng dạy dỗ anh chị em. Sự chuẩn bị mời sự mặc khải đến.
2. Tương tác để gây dựng. Tôi muốn anh chị em lưu ý đến câu thánh thư này. “Hãy chỉ định một thầy giảng trong số các ngươi, và tất cả mọi người không được phát ngôn cùng một lúc; nhưng mỗi lần chỉ một người được nói, và tất cả mọi người phải lắng nghe người đó nói, để khi tất cả đều đã nói thì nhờ mọi người mà tất cả có thể được gây dựng, và để mọi người đều có thể có được đặc ân ngang nhau” (GLGƯ 88:122).
Đây là một trong những mẫu mực đầy quyền năng của Chúa dành cho việc học hỏi và giảng dạy. Tôi xin đề nghị một cách nhìn khác cho câu này: “Hãy chỉ định một thầy giảng trong số các ngươi.” Ai là thầy giảng? Đức Thánh Linh. Liệu có phải vậy không nếu anh chị em muốn Đức Thánh Linh là Đấng giảng dạy, thì “tất cả mọi người không được phát ngôn cùng một lúc; nhưng mỗi lần chỉ một người được nói, và tất cả mọi người phải lắng nghe người đó nói, để khi tất cả đều đã nói thì nhờ mọi người mà tất cả có thể được gây dựng”? Đấng duy nhất có thể tạo ra sự gây dựng đó là Đức Thánh Linh.
Việc tương tác để gây dựng mời sự mặc khải đến. Hiện nay trong Giáo Hội, chúng ta thậm chí đang học hỏi và áp dụng những mẫu mực nhạy bén hơn về mặt thuộc linh, khắt khe hơn, và đòi hỏi cao hơn trong việc học hỏi và giảng dạy. Chúng ta sẽ luôn luôn làm điều chúng ta đã luôn luôn làm và có được các kết quả giống với các kết quả chúng ta luôn luôn có, hay là chúng ta sẽ hối cải và học hỏi cùng thay đổi và gia tăng việc giảng dạy theo cách của Chúa?
3. Mời gọi hành động. Chỉ một câu hỏi đơn giản sẽ giúp đạt được mục đích này. Anh chị em sẽ làm gì với điều anh chị em đã học được? Việc hành động theo sự mặc khải mời thêm nhiều sự mặc khải đến.
Tôi cầu nguyện cho chúng ta sẽ bắt kịp với việc Chúa gấp rút làm công việc của Ngài, rằng chúng ta sẽ không chỉ làm điều chúng ta đã luôn luôn làm theo cách chúng ta đã luôn luôn thực hiện.
Tôi tuyên bố lời chứng của tôi về hiện thực hằng sống của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống. Ngài đã phục sinh. Ngài đứng đầu Giáo Hội này và Ngài hướng dẫn các công việc của Giáo Hội. Ngài đang yêu cầu cả chúng ta bắt kịp với việc Ngài gấp rút làm công việc của Ngài và làm theo các mẫu mực Ngài đã đặt ra cho sự tiến triển và học hỏi của chúng ta.