Liahona
Sự Chiến Thắng trong Niềm Hy Vọng
Tháng Mười Một năm 2024


13:32

Sự Chiến Thắng trong Niềm Hy Vọng

Niềm hy vọng là một ân tứ “sống”, một ân tứ mà sẽ lớn dần khi chúng ta gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh chị em thân mến trên khắp thế giới, khi chúng ta bắt đầu thời gian rất đặc biệt này của đại hội trung ương, thì thiên thượng chắc chắn sẽ tập trung nhìn xuống chúng ta. Chúng ta sẽ được nghe tiếng nói của Chúa qua các tôi tớ của Ngài; chúng ta sẽ cảm thấy được “dìu dắt, hướng dẫn và an ủi” qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, và đức tin của chúng ta sẽ được củng cố.

Cách đây ba năm, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mở đầu đại hội trung ương bằng những lời này: “Sự mặc khải thuần khiết cho những thắc mắc trong lòng của anh chị em sẽ làm cho đại hội này trở nên bổ ích và khó quên. Nếu anh chị em vẫn chưa tìm kiếm cách phục sự của Đức Thánh Linh để giúp anh chị em nghe những gì Chúa sẽ muốn cho anh chị em nghe trong hai ngày này, thì tôi mời anh chị em làm như vậy ngay bây giờ. Xin hãy làm cho đại hội này thành một thời gian vui hưởng các sứ điệp từ Chúa qua các tôi tớ của Ngài.”

Thánh thư luôn liên kết vững chắc ba từ này với nhau: đức tin, hy vọng, lòng bác ái. Ân tứ hy vọng là một món quà thiên ân vô giá từ Thượng Đế.

Từ hy vọng được sử dụng cho nhiều điều chúng ta mong muốn xảy ra. Ví dụ, “tôi hy vọng trời sẽ không mưa,” hoặc “tôi hy vọng đội của chúng ta sẽ giành chiến thắng.” Mục đích của tôi là nói đến những hy vọng thiêng liêng và vĩnh cửu, được đặt trọng tâm nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi, và “[những] kỳ vọng đầy tin tưởng … về những phước lành đã được hứa với người ngay chính.”

Hy Vọng của Chúng Ta về Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu được đảm bảo qua ân điển của Đấng Ky Tô và những lựa chọn của bản thân, cho phép chúng ta có được phước lành đặc biệt là được quay về ngôi nhà thiên thượng của mình, sống mãi mãi trong bình yên và hạnh phúc bên Cha Thiên Thượng, Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, gia đình trung tín và bạn bè đáng quý của chúng ta, cùng những người nam và nữ ngay chính từ khắp các châu lục qua bao thời đại.

Trên thế gian, chúng ta trải qua niềm vui và nỗi buồn khi chúng ta được thử thách và chứng tỏ bản thân mình. Chiến thắng của chúng ta đến qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta vượt qua các tội lỗi, khó khăn, cám dỗ, bất công, và thử thách trong cuộc sống trần thế này.

Khi củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta nhìn xa hơn những gian nan của bản thân và hướng đến các phước lành và lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu. Giống như một ngọn đèn ngày càng rực rỡ, niềm hy vọng sẽ thắp sáng thế giới đang tăm tối, cho chúng ta thấy được tương lai huy hoàng của mình.

Hy Vọng Đến từ Thượng Đế

Kể từ lúc bắt đầu, Cha Thiên Thượng của chúng ta và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài đã ban phước dồi dào cho người ngay chính với một ân tứ quý báu, chính là niềm hy vọng.

Sau khi rời khu vườn, A Đam và Ê Va được một thiên sứ giảng dạy lời hứa về Chúa Giê Su Ky Tô. Ân tứ hy vọng đã soi sáng cho cuộc sống của họ. A Đam tuyên bố: “Mắt tôi được mở ra, và trong đời này tôi sẽ có được niềm vui.” Ê Va nói về “niềm vui của sự cứu chuộc của [họ] cùng cuộc sống vĩnh cửu mà Thượng Đế ban cho tất cả những ai biết vâng lời.”

Giống như Đức Thánh Linh đã mang hy vọng đến cho A Đam, ngày nay, quyền năng từ Thánh Linh của Chúa tiếp tục soi sáng cho những người trung tín, làm sáng tỏ tính xác thực của cuộc sống vĩnh cửu.

Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta một Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh, làm người bạn đồng hành mang đến đức tin, hy vọng và sự bình an “chẳng phải như thế gian cho.”

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, [hãy giữ một hy vọng xán lạn], ta đã thắng thế gian rồi.”

Trong những lúc khó khăn, chúng ta chọn dùng đức tin mà tin cậy Chúa. Chúng ta thầm cầu nguyện: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý [con].” Chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đã chấp thuận sự sẵn lòng khiêm nhu của chúng ta, và chúng ta chờ đợi sự bình an mà Ngài đã hứa là sẽ ban vào kỳ định Ngài chọn.

Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “Đức Chúa Trời của sự trông cậy [sẽ ban] cho anh em … mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an … , hầu cho anh em … được dư dật sự trông cậy,” “hãy vui mừng trong sự trông cậy; nhịn nhục trong sự hoạn nạn;” “nhờ quyền phép Đức Thánh Linh.”

Bài Học về Niềm Hy Vọng

Tiên tri Mô Rô Ni đã có kinh nghiệm thực tế về việc có hy vọng nơi Đấng Ky Tô trong lúc hoạn nạn. Ông đã giải thích hoàn cảnh bi thương của mình:

“Tôi còn trơ trọi một mình. … “Tôi … cũng không còn nơi nào để đi.”

“Tôi không ra mặt … vì sợ họ sẽ sát hại tôi.”

Lạ thường thay, trong giờ phút đen tối cô quạnh này, Mô Rô Ni nhớ lại những lời cha ông đã nói về niềm hy vọng:

“Vậy nên, nếu một người có đức tin thì người đó cần phải có hy vọng; vì nếu không có đức tin thì không thể có bất cứ hy vọng gì.”

“Và các người sẽ hy vọng điều gì? … Qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô cùng quyền năng phục sinh của Ngài, các người sẽ có hy vọng được sống lại vĩnh cửu.”

Thưa anh chị em, niềm hy vọng là một ân tứ “sống”, một ân tứ mà sẽ lớn dần khi chúng ta gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô. “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong.” Chúng ta xây đắp sự biết chắc vững vàng này—từ những bằng chứng riêng lẻ trong đức tin của chúng ta—qua lời cầu nguyện, các giao ước đền thờ, việc tuân giữ các lệnh truyền, việc tiếp tục nuôi dưỡng những lời từ thánh thư và từ các vị tiên tri thời nay, dự phần Tiệc Thánh, phục vụ người khác và thờ phượng hằng tuần cùng Các Thánh Hữu.

Ngôi Nhà của Hy Vọng

Để củng cố niềm hy vọng của chúng ta trong thời kỳ mà sự tà ác đang gia tăng, Chúa đã chỉ thị cho vị tiên tri của Ngài xây dựng các đền thờ của Ngài trên khắp thế gian.

Khi bước vào ngôi nhà của Chúa, chúng ta cảm nhận được Thánh Linh của Thượng Đế đang xác thực cho niềm hy vọng của chúng ta.

Đền thờ làm chứng về ngôi mộ trống và về cuộc sống sau cái chết cho tất cả mọi người.

Với những ai không có một người bạn đồng hành vĩnh cửu, các giáo lễ khẳng định chắc chắn rằng những người ngay chính sẽ nhận được mọi phước lành đã được hứa.

Ở đó có một niềm hy vọng tuyệt vời, khi một cặp vợ chồng trẻ quỳ nơi bàn thờ để được làm lễ gắn bó, không chỉ cho thời tại thế, mà còn cho thời vĩnh cửu.

Ở đó có niềm hy vọng bao la dành cho chúng ta để trông cậy vào những lời hứa dành cho con cháu của mình, cho dù hoàn cảnh hiện tại của chúng là gì đi nữa.

Không có đau đớn, bệnh tật, bất công, khổ sở, và không có gì có thể làm lu mờ hy vọng của chúng ta khi chúng ta tin tưởng và bám chặt vào các giao ước đã lập với Thượng Đế trong nhà của Chúa. Đó là ngôi nhà của ánh sáng, ngôi nhà của hy vọng.

Khi Đánh Mất Hy Vọng

Chúng ta rơi những giọt nước mắt sầu muộn khi thấy sự buồn bã và tuyệt vọng ở những người không có hy vọng nơi Đấng Ky Tô.

Gần đây, tôi đã đứng từ xa quan sát một cặp vợ chồng từng có đức tin nơi Đấng Ky Tô nhưng rồi quyết định từ bỏ niềm tin của họ. Họ thành công trong thế gian, và họ thấy hài lòng với trí tuệ của bản thân và sự chối bỏ đức tin của mình.

Mọi điều dường như tốt đẹp cho đến khi người chồng, dù vẫn còn trẻ và tràn đầy sức sống, đột nhiên ngã bệnh và qua đời. Giống như hiện tượng nhật thực với mặt trời bị che khuất, vì trước đó họ đã che đi ánh sáng của Đức Chúa Con, nên khi ấy, hy vọng của họ cũng bị che khuất. Người vợ, vì sự không tin tưởng của mình, giờ đây cảm thấy mất phương hướng, đau đớn vì không lường trước tình cảnh này, và không thể an ủi con cái mình. Trí tuệ của cô ấy nói rằng cuộc sống đã được cô ấy sắp xếp hoàn hảo cho đến khi đột nhiên cô ấy không thể thấy được ngày mai. Nỗi thất vọng của cô ấy kéo theo bóng tối và sự hỗn loạn.

Hy Vọng trong Bi Thương

Hãy để tôi cho thấy sự tương phản giữa nỗi tuyệt vọng đau đớn của cô ấy với niềm hy vọng nơi Đấng Ky Tô của một gia đình khác cũng trong thời gian đau khổ.

Hai mươi mốt năm về trước, vợ chồng cháu trai của tôi là Ben và Robbie Anderson có một đứa con trai mới sinh phải được đưa đi cấp cứu bằng máy bay trực thăng từ trang trại gia đình ở Idaho đến Salt Lake City. Tôi đến bệnh viện, và Ben giải thích về việc tim của đứa bé gặp biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của nó. Chúng tôi đặt tay lên đầu của Trey bé bỏng. Và Chúa đã ban phước cho nó được tiếp tục sống.

Trey đã được mổ tim trong tuần đầu tiên của cuộc đời, và trải qua nhiều ca phẫu thuật sau đó. Theo thời gian, ngày càng cho thấy rõ rằng Trey cần được ghép tim. Mặc dù bị hạn chế trong các sinh hoạt thể chất, nhưng đức tin của Trey lại lớn mạnh. Trey đã viết: “Tôi chưa bao giờ thấy tội nghiệp cho bản thân mình, bởi vì tôi luôn biết được tầm quan trọng của việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chứng ngôn về kế hoạch cứu rỗi.”

Trey Andersen

Trey lưu lại trên điện thoại của mình một câu trích dẫn nổi tiếng từ Chủ Tịch Nelson: “Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung của cuộc sống chúng ta.”

Trey Andersen

Trey viết rằng: “Tôi luôn trông chờ để được đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian, nhưng … bác sĩ của tôi sẽ không để tôi đi phục vụ truyền giáo cho đến ít nhất một năm sau khi được ghép tim. … Tôi nguyện đặt đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”

Trey rất phấn khởi khi được nhận vào chuyên ngành kế toán tại trường BYU vào đầu học kỳ của mình, nhưng còn phấn khởi hơn nhiều vào cuối tháng Bảy khi nhận được một cuộc điện thoại rất được mong đợi, thông báo rằng bệnh viện đã sẵn sàng để tiến hành ca ghép tim.

Trey nói: “Một năm nữa thôi và tôi sẽ đi phục vụ truyền giáo.”

Trey đã mang theo những kỳ vọng lớn lao khi bước vào phòng phẫu thuật. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, đã xảy ra những biến chứng nghiêm trọng, và Trey đã không bao giờ tỉnh lại.

Robbie, mẹ của Trey, chia sẻ: “Thứ Sáu đó là ngày đau đớn nhất … chúng tôi cố gắng để chấp nhận chuyện đã xảy ra. … Tôi thức đến khuya chỉ để cố gắng xử lý mọi thứ. … Nhưng vào thứ Bảy, tôi thức dậy với một cảm giác hân hoan trọn vẹn. Cảm giác đó không chỉ là sự bình an; cũng chẳng phải là sự chối bỏ. Tôi cảm thấy vui cho con trai mình, và tôi cảm thấy vui với tư cách là mẹ của nó. … Ben đã dậy sớm hơn tôi nhiều, và cuối cùng khi chúng tôi có thời gian để trò chuyện, tôi mới biết anh ấy đã thức dậy với một cảm giác giống hệt tôi.”

Robbie và Ben Andersen

Ben giải thích: “Tôi đã trở nên sáng suốt hơn, như thể Thượng Đế đã dạy tôi qua Thánh Linh của Ngài. Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, trong lòng ngập tràn cảm giác bình an và niềm vui mà không thể diễn tả được. Làm sao có thể như vậy được? … Sự ra đi của Trey là quá đau đớn, và tôi nhớ thằng bé vô cùng. Nhưng Chúa không để mặc chúng tôi bơ vơ, không người an ủi. … Tôi mong chờ đến ngày cả gia đình chúng tôi sẽ được vui vẻ đoàn tụ.”

Lời Hứa trong Hy Vọng

Trey đã ghi lại trong nhật ký của mình những lời này từ bài nói chuyện trong đại hội trung ương của Chủ Tịch Nelson: “Dường như [chúng] ta không thể cảm thấy được niềm vui khi con cái mắc phải một căn bệnh vô phương cứu chữa, hoặc khi bị mất việc làm, hoặc khi bị chồng hay vợ phản bội. Tuy nhiên đó chính là niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi ban cho. Niềm vui của Ngài là liên tục, bảo đảm với chúng ta rằng ‘những nỗi thống khổ của [chúng ta] sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi’ [Giáo Lý và Giao Ước 121:7] và [vì] lợi ích của chúng ta.”

Thưa anh chị em, sự bình an mà anh chị em tìm kiếm có lẽ không đến nhanh như anh chị em mong muốn, nhưng tôi hứa rằng khi anh chị em tin cậy Chúa, thì sự bình an của Ngài sẽ đến.

Cầu xin cho chúng ta nuôi dưỡng đức tin quý giá của mình, tiến tới với một niềm hy vọng hết sức xán lạn. Tôi làm chứng rằng niềm hy vọng của chúng ta chính là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Qua Ngài, mọi ước mơ ngay chính của chúng ta sẽ thành hiện thực. Ngài là Thượng Đế của niềm hy vọng—là sự chiến thắng trong niềm hy vọng. Ngài hằng sống và Ngài yêu thương anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96.

  2. Russell M. Nelson, “Lẽ Thật Thuần Khiết, Giáo Lý Thuần Khiết và Sự Mặc Khải Thuần Khiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 6–7.

  3. “Anh chị em có bao giờ nhận thấy rằng trong thánh thư, từ ‘hy vọng’ hiếm khi đứng một mình không? Hy vọng thường được gắn với đức tin. Hy vọng và đức tin hay được liên kết với lòng bác ái. Tại sao? Bởi vì hy vọng là điều cần thiết cho đức tin; đức tin là điều cần thiết để hy vọng; cả đức tin và hy vọng đều cần thiết để có lòng bác ái (xin xem 1 Cô Rinh Tô 13:13, An Ma 7:24, Ê The 12:28, Giáo Lý và Giao Ước 4:5). Ba thuộc tính này hỗ trợ lẫn nhau, giống như kiềng ba chân. Cả ba đều liên quan đến Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

    Đức tin [bắt nguồn nơi] Chúa Giê Su Ky Tô. Hy vọng căn cứ vào Sự Chuộc Tội của Ngài. Lòng bác ái được biểu lộ trong ‘tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô’ (xem Mô Rô Ni 7:47). Ba thuộc tính này gắn bó chặt chẽ với nhau giống như các sợi cáp bện lại với nhau trong dây cáp và có thể không bao giờ được phân biệt một cách chính xác. Chúng kết hợp lại với nhau trở thành sợi dây dẫn dắt chúng ta đến thượng thiên giới” (Russell M. Nelson, “A More Excellent Hope” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 8 tháng Một năm 1995], 3 speeches.byu.edu).

  4. Gospel Topics, “Hope,” Gospel Library.

  5. “Vậy nên, người nào tin Thượng Đế thì chắc chắn hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn, … một chỗ bên tay phải của Thượng Đế. Niềm hy vọng này do đức tin mà có, và là một chiếc neo đối với linh hồn loài người, làm cho họ được chắc chắn vững vàng” (Ê The 12:4).

  6. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã nói: “Hãy cho phép tôi thừa nhận rằng bệnh trầm cảm và những thử thách khó khăn khác về tinh thần và cảm xúc là có thật, và câu trả lời không chỉ đơn giản là: ‘Hãy cố gắng trở nên hạnh phúc hơn.’ Mục đích của tôi hôm nay không phải là giảm bớt hoặc bình thường hóa các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nếu anh chị em đối mặt với những thử thách như vậy, thì tôi sẽ đau buồn cùng anh chị em và tôi sẽ sát cánh cùng anh chị em. Đối với một số người, việc tìm kiếm niềm vui có thể bao gồm việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia đã được huấn luyện về sức khỏe tâm thần [là] những người đã cống hiến cả cuộc đời của họ để thực hành môn nghệ thuật rất quan trọng của mình. Chúng ta nên biết ơn sự giúp đỡ như thế” (“Niềm Vui Cao Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2024, trang 66).

  7. Cha Thiên Thượng của chúng ta đã tuyên phán rằng công việc và vinh quang của Ngài là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta (xin xem Môi Se 1:39).

  8. Xin xem Môi Se 5.

  9. Môi Se 5:10.

  10. Môi Se 5:11.

  11. Xin xem Môi Se 5:9.

  12. Giăng 14:27.

  13. Giăng 16:33.

  14. Xin xem Lu Ca 22:42.

  15. Rô Ma 15:13.

  16. Rô Ma 12:12.

  17. Rô Ma 15:13.

  18. Mặc Môn 8:5.

  19. Mô Rô Ni 1:1.

  20. Mô Rô Ni 7:42.

  21. Mô Rô Ni 7:41.

  22. Hê Bơ Rơ 11:1. Bản Dịch Joseph Smith có ghi rằng: “Vả, đức tin là sự biết chắc về những điều mình hy vọng, là bằng cớ của những điều mình không thấy” (trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục). Chúng ta thấy được sự đảm bảo cho đức tin của mình qua các phước lành đến với những người tuân giữ các giao ước mà họ đã lập với Chúa.

  23. Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82.

  24. Bài nói chuyện của Robbie Andersen tại tang lễ của con trai mình, Trey Andersen, vào ngày 12 tháng Tám năm 2024. Trey được phẫu thuật vào ngày 31 tháng Bảy năm 2024, và đã qua đời vào ngày 3 tháng Tám năm 2024.

  25. Bài nói chuyện của Ben Andersen tại tang lễ của con trai mình, Trey Andersen, vào ngày 12 tháng Tám năm 2024.

  26. Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” trang 82.

  27. Xin xem 2 Nê Phi 31:20. Niềm hy vọng được Nê Phi nói đến là toàn hảo và xán lạn, bởi vì niềm hy vọng đó lấy Đấng Ky Tô làm trọng tâm. Vì niềm hy vọng xán lạn này do Ngài, là Đấng toàn hảo và Sự Chuộc Tội của Ngài mang lại, nên nó cũng toàn hảo như Ngài vậy.