Liahona
Chào Mừng đến với Giáo Hội của Niềm Vui
Tháng Mười Một năm 2024


13:2

Chào Mừng đến với Giáo Hội của Niềm Vui

Nhờ vào cuộc đời và sứ mệnh cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta có thể—và nên—là những người hân hoan nhất trên thế gian!

Tôi đã được báp têm vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô kể từ đêm Trước Lễ Giáng Sinh năm 1987, gần 37 năm trước. Đó là một ngày thật sự rất tuyệt vời trong cuộc đời và trong cuộc hành trình vĩnh cửu của tôi, và tôi vô cùng biết ơn những người bạn mà đã chuẩn bị con đường giao ước và mang tôi đến dòng nước tái sinh đó.

Cho dù lễ báp têm của anh chị em là hôm qua hay cách đây nhiều năm, cho dù anh chị em nhóm họp trong một tòa nhà Giáo Hội rộng lớn có tiểu giáo khu hay dưới một chòi mái lá, cho dù anh chị em nhận Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi bằng tiếng Thái hay tiếng Swahili, thì tôi cũng muốn nói với anh chị em rằng, chào mừng đến với giáo hội của niềm vui! Chào mừng đến với giáo hội của niềm vui!

Giáo Hội của Niềm Vui

Nhờ vào kế hoạch nhân từ của Cha Thiên Thượng dành cho mỗi con cái của Ngài, cũng như nhờ vào cuộc đời và sứ mệnh cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta có thể—và nên—là những người hân hoan nhất trên thế gian! Thậm chí khi những cơn bão của cuộc đời trong một thế giới thường xuyên hỗn loạn ập đến chúng ta, chúng ta vẫn có thể vun đắp cho cảm giác vui mừng và bình an trong tâm hồn trở nên ngày càng lớn mạnh và lâu dài nhờ vào niềm hy vọng của chúng ta nơi Đấng Ky Tô và sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của mình trong kế hoạch hạnh phúc tuyệt vời.

Vị Sứ Đồ trưởng của Chúa, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã nói về niềm vui đến từ một cuộc sống tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong hầu hết mọi bài nói chuyện ông đã đưa ra kể từ khi trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội. Ông tóm tắt nó rất súc tích rằng: “Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. … Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, thì Chúa Giê Su Ky Tô chính là niềm vui!”

Chúng ta là các tín hữu trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta là các tín hữu trong giáo hội của niềm vui! Và không có nơi nào mà niềm vui của chúng ta với tư cách là một dân tộc được thể hiện rõ ràng hơn khi chúng ta quy tụ lại với nhau vào mỗi ngày Sa Bát trong các buổi lễ Tiệc Thánh để thờ phượng nguồn gốc của mọi niềm vui! Chúng ta nhóm họp nơi đây với các gia đình tiểu giáo khu và chi nhánh của mình để cử hành lễ Tiệc Thánh như trong Bữa Ăn Tối của Chúa, vui mừng với sự giải thoát cho chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết, cùng ân điển đầy quyền năng của Đấng Cứu Rỗi! Chúng ta đến đây để trải nghiệm niềm vui, nơi trú ẩn, sự tha thứ, lòng biết ơn, và cảm giác được thuộc vào, tất cả đều được tìm thấy qua Chúa Giê Su Ky Tô!

Cảm giác hân hoan vui mừng này của mọi người trong Đấng Ky Tô có phải là điều anh chị em tìm kiếm không? Đó có phải là điều anh chị em mang đến không? Có thể anh chị em nghĩ rằng điều này không liên quan nhiều đến mình, hoặc có lẽ anh chị em chỉ đơn giản là đã quen với cách mọi việc vẫn luôn diễn ra. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể đóng góp, bất kể tuổi tác hay chức vụ kêu gọi của mình, để làm cho các buổi lễ Tiệc Thánh của chúng ta có thể trở thành giờ phút tràn đầy niềm vui, tập trung vào Đấng Ky Tô, thân thiện, và sống động với một tinh thần tôn kính hân hoan.

Sự Tôn Kính Hân Hoan

Sao lại là tôn kính hân hoan? Anh chị em có thể hỏi “Có điều đó sao?” Vâng, có thể chứ! Chúng ta vô cùng yêu thương, tôn vinh, và tôn kính Thượng Đế của mình, và sự tôn kính của chúng ta trào dâng từ một tâm hồn hân hoan trong tình yêu thương dồi dào, lòng thương xót và sự cứu rỗi của Đấng Ky Tô! Sự tôn kính hân hoan này đối với Chúa nên là điểm đặc trưng trong các buổi lễ Tiệc Thánh thiêng liêng của chúng ta.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự tôn kính chỉ có nghĩa là: khoanh tay lại trước ngực, cúi đầu, nhắm mắt, và ngồi yên—trong vô chừng! Đây có thể là một cách hữu ích để giảng dạy các em nhỏ hiếu động, nhưng khi chúng ta trưởng thành và có sự hiểu biết, thì chúng ta hãy nghĩ rằng sự tôn kính còn có ý nghĩa nhiều hơn như vậy. Liệu đó có phải là điều chúng ta sẽ làm nếu Đấng Cứu Rỗi ở cùng chúng ta không? Không, vì “trước mặt [Ngài] có trọn sự khoái lạc”!

Vâng, nhiều người trong chúng ta sẽ cần phải luyện tập cho quen với cách thờ phượng này trong các buổi lễ Tiệc Thánh.

Tham Dự so với Thờ Phượng

Chúng ta không quy tụ vào ngày Sa Bát chỉ để tham dự buổi lễ Tiệc Thánh và xem như đã hoàn thành việc cần làm. Chúng ta quy tụ lại để thờ phượng. Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Tham dự có nghĩa là có mặt tại đó. Nhưng thờ phượng là có chủ đích ca ngợi và tôn thờ Thượng Đế của chúng ta theo cách biến đổi chúng ta!

Trên Bục Chủ Tọa và trong Giáo Đoàn

Nếu chúng ta quy tụ lại để tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và sự cứu chuộc mà Ngài đã làm, thì khuôn mặt của chúng ta nên phản chiếu niềm vui và lòng biết ơn! Anh Cả F. Enzio Busche có lần đã kể câu chuyện khi ông còn là chủ tịch chi nhánh và một cậu bé trong giáo đoàn nhìn ông trên bục chủ tọa rồi hỏi to: “Chú có khuôn mặt cau có kia đang làm gì ở trên đó vậy ạ?” Những người ngồi trên bục chủ tọa—những người nói chuyện, những người lãnh đạo, ca đoàn—và những người quy tụ trong giáo đoàn truyền đạt lời “chào mừng đến với giáo hội của niềm vui” qua những gì được thể hiện trên nét mặt của họ!

Hát Thánh Ca

Trong khi hát, chúng ta có cùng nhau ngợi khen Thượng Đế và Vua của chúng ta bất kể chất giọng của chúng ta như thế nào không, hay chúng ta chỉ lẩm bẩm trong miệng hoặc thậm chí còn chẳng hát? Thánh thư ghi lại rằng “bài ca của người ngay chính là một lời cầu nguyện dâng lên [Thượng Đế]” và làm cho tâm hồn Ngài hân hoan. Vậy hãy ca lên! Và ngợi khen Ngài!

Các Bài Nói Chuyện và Chứng Ngôn

Chúng ta làm cho các bài nói chuyện và chứng ngôn của mình tập trung vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và những trái sinh ra từ việc khiêm nhường sống theo phúc âm của hai Ngài, là những trái “ngon ngọt hơn hết thảy những trái ngon ngọt khác.” Sau đó, chúng ta hãy thực sự “thưởng thức …cho đến no nê, để [chúng ta] không còn đói … và khát nữa,” và gánh nặng của chúng ta sẽ được nhẹ đi qua sự vui mừng về Vị Nam Tử của Ngài.

Tiệc Thánh

Tâm điểm vinh quang trong các buổi lễ thờ phượng của chúng ta là phần ban phước và tiếp nhận Tiệc Thánh, là bánh và nước tượng trưng cho ân tứ chuộc tội của Chúa và là toàn bộ mục đích của sự quy tụ của chúng ta. Đây là “thời gian thiêng liêng trong sự đổi mới phần thuộc linh” khi chúng ta làm chứng một lần nữa rằng chúng ta sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và tái lập giao ước để luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Trong một số giai đoạn cuộc đời, chúng ta có thể đến Tiệc Thánh với tấm lòng nặng trĩu và gánh nặng quá lớn. Vào những lúc khác, chúng ta đến với lòng nhẹ nhàng, thoát khỏi những bối rối, lo âu. Khi chăm chú lắng nghe lời ban phước bánh và nước và dự phần những biểu hiệu thiêng liêng đó, chúng ta sẽ muốn suy ngẫm về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi, những nỗi thống khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, nỗi đau đớn của Ngài trên thập tự giá, và những phiền muộn và đau thương mà Ngài đã chịu đựng thay cho chúng ta. Đó sẽ là điều làm xoa dịu tâm hồn chúng ta, khi chúng ta liên tưởng nỗi đau khổ của mình với nỗi đau khổ của Ngài. Vào những lúc khác, chúng ta sẽ lấy làm kinh ngạc, với lòng kính sợ và biết ơn, trước niềm vui “lớn lao và ngọt ngào” mà nhờ có ân tứ tuyệt vời của Chúa Giê Su mới có thể đến được với cuộc sống tại thế và vĩnh cửu của chúng ta! Chúng ta sẽ vui mừng vì những điều sắp xảy đến—cuộc hội ngộ đáng quý của chúng ta với Đức Chúa Cha yêu dấu và Đấng Cứu Rỗi phục sinh.

Có thể chúng ta đã quen với việc cho rằng mục đích của Tiệc Thánh là ngồi trên ghế và chỉ suy nghĩ về tất cả những điều chúng ta đã làm sai trong tuần trước đó. Nhưng hãy thay đổi cách thực hành này. Trong sự tĩnh lặng, chúng ta có thể suy ngẫm về nhiều cách chúng ta đã thấy Chúa không ngừng ban cho chúng ta tình yêu thương tuyệt vời của Ngài trong tuần vừa qua! Chúng ta có thể suy ngẫm về ý nghĩa của việc “khám phá ra niềm vui của sự hối cải hằng ngày.” Chúng ta có thể tạ ơn về những lần Đấng Cứu Rỗi tác động vào trong những lúc khó khăn cũng như lúc thành công của chúng ta và những dịp khi chúng ta cảm nhận được ân điển, sự tha thứ, và quyền năng của Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những khó khăn và mang gánh nặng của mình với lòng kiên nhẫn và thậm chí là niềm vui.

Đúng là chúng ta suy ngẫm về những nỗi đau khổ và bất công mà Đấng Cứu Chuộc phải chịu vì tội lỗi của chúng ta, và điều đó khiến chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc. Nhưng đôi khi chúng ta quá tập trung vào những điều đáng buồn đã xảy ra với Đấng Cứu Rỗi—trong khu vườn, trên thập tự giá, bên trong ngôi mộ. Chúng ta thất bại trong việc hướng tới niềm vui lúc ngôi mộ mở ra, khi cái chết bị đánh bại, và chiến thắng của Đấng Ky Tô trước mọi điều có thể ngăn cản chúng ta nhận được sự bình an và trở về ngôi nhà thiên thượng của mình. Cho dù chúng ta rơi nước mắt vì cảm thấy đau buồn hay biết ơn trong lễ Tiệc Thánh, thì cũng hãy kinh ngạc trước tin mừng về sự ban cho Vị Nam Tử của Cha Thiên Thượng!

Cha Mẹ có Con Cái Còn Nhỏ hoặc Có Nhu Cầu Đặc Biệt

Với cha mẹ có con cái còn nhỏ hoặc có nhu cầu đặc biệt, thường thì anh chị em sẽ không có thời gian yên tĩnh và yên lặng để suy ngẫm trong lúc Tiệc Thánh. Nhưng trong những khoảnh khắc ngắn trong tuần, anh chị em có thể giảng dạy bằng tấm gương về tình yêu thương, lòng biết ơn, và niềm vui mà anh chị em cảm nhận được từ Đấng Cứu Rỗi khi anh chị em liên tục chăm sóc các con chiên nhỏ của Ngài. Không có nỗ lực nào trong công việc này là lãng phí cả. Thượng Đế biết rõ anh chị em.

Các Hội Đồng Gia Đình, Tiểu Giáo Khu và Chi Nhánh

Tương tự như khi ở nhà, chúng ta có thể bắt đầu gia tăng hy vọng và kỳ vọng về thời gian của mình ở nhà thờ. Trong các hội đồng gia đình, chúng ta có thể thảo luận cách mỗi cá nhân có thể có những đóng góp ý nghĩa để chào đón tất cả mọi người đến với giáo hội của niềm vui! Chúng ta có thể hoạch định và kỳ vọng sẽ có được một trải nghiệm hân hoan ở nhà thờ.

Hội đồng tiểu giáo khu và chi nhánh có thể hình dung và tạo ra một văn hóa tôn kính hân hoan cho giờ Tiệc Thánh của chúng ta, xác định các bước thực hiện và những thông điệp trực quan để hỗ trợ.

Niềm Vui

Niềm vui sẽ là khác nhau đối với mỗi người khác nhau. Đối với một số người, đó có thể là những lời chào hỏi hồ hởi ở cửa. Đối với những người khác, đó có thể là lặng lẽ giúp mọi người cảm thấy thoải mái bằng cách mỉm cười và ngồi cạnh họ với một tấm lòng tử tế và rộng mở. Đối với những người cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị ngó lơ, thì sự chào đón nồng nhiệt này sẽ rất quan trọng. Nhưng trên hết, chúng ta có thể tự hỏi Đấng Cứu Rỗi muốn giờ Tiệc Thánh của chúng ta diễn ra như thế nào. Ngài muốn mỗi con cái của Ngài được chào đón, chăm sóc, nuôi dưỡng, và yêu thương ra sao? Ngài muốn chúng ta cảm thấy gì khi chúng ta được đổi mới qua việc tưởng nhớ và thờ phượng Ngài?

Kết Luận

Khi bắt đầu cuộc hành trình đức tin của mình, niềm vui nơi Chúa Giê Su Ky Tô là khám phá vĩ đại đầu tiên của tôi, và nó đã làm thay đổi thế giới của tôi. Nếu anh chị em vẫn chưa khám phá ra niềm vui này, thì hãy bắt đầu hành trình tìm kiếm nó. Đây là một lời mời gọi để tiếp nhận ân tứ bình an, ánh sáng và niềm vui của Đấng Cứu Rỗi—để vui hưởng, thán phục, và hân hoan trong ân tứ đó trong mỗi ngày Sa Bát.

Am Môn trong Sách Mặc Môn bày tỏ những cảm nghĩ của lòng tôi khi ông nói:

“Giờ đây, chúng ta không có lý do để hoan hỷ hay sao? Phải, tôi nói cho các anh em hay, từ lúc thế gian mới bắt đầu cho đến giờ, chưa có [một dân tộc] nào có lý do mạnh mẽ để hoan hỷ như chúng ta cả; phải, và sự vui sướng của tôi tràn đầy đến độ tôi phải khoe khoang trong Thượng Đế của tôi, và quả Ngài có đủ mọi quyền năng, mọi sự thông sáng và mọi sự hiểu biết; Ngài thông suốt tất cả mọi điều, Ngài là một Đấng đầy lòng thương xót, và Ngài ban sự cứu rỗi cho bất cứ ai hối cải và tin nơi danh Ngài.

“Giờ đây, nếu nói đó là sự khoe khoang thì tôi rất muốn khoe khoang, vì đó là sự sống và sự sáng của tôi, … sự vui mừng của tôi, và là sự tạ ơn lớn lao của tôi.”

Chào mừng đến với giáo hội của niềm vui! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Niềm vui thật là mạnh mẽ, và việc tập trung vào niềm vui mang quyền năng của Thượng Đế vào cuộc sống của chúng ta. Cũng giống như trong tất cả mọi điều, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc của chúng ta, ‘là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá’ [Hê Bơ Rơ 12:2]. Hãy suy nghĩ về điều đó! Để chịu đựng được kinh nghiệm cay nghiệt nhất mà chưa người nào trên thế gian từng phải chịu đựng như vậy, Đấng Cứu Rỗi đã tập trung vào niềm vui! Và sự vui mừng đã đặt trước mặt Ngài là gì? Chắc chắn sự vui mừng đó gồm có niềm vui thanh tẩy, chữa lành, và củng cố chúng ta; niềm vui của việc chuộc trả tội lỗi của tất cả những người sẽ hối cải; niềm vui mà làm cho anh chị em và tôi có thể trở về nhà—trong sạch và xứng đáng—để sống với Cha Mẹ Thiên Thượng và gia đình của mình. Nếu chúng ta tập trung vào niềm vui mà sẽ đến với mình, hoặc với những người mình yêu thương, thì chúng ta có thể chịu đựng điều gì mà hiện tại dường như quá sức chịu đựng, đau đớn, sợ hãi, không công bằng, hoặc đơn giản là không thể thực hiện được không?” (“Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82–83).

  2. Thi Thiên 16:11.

  3. F. Enzio Busche, “Lessons from the Lamb of God,” Religious Educator quyển 9, số 2 (2008), trang 3.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 25:12.

  5. Xin xem Thi Thiên 100:1.

  6. An Ma 32:42.

  7. Xin xem An Ma 33:23.

  8. Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, mục 29.2.1.1, Thư Viện Phúc Âm.

  9. Xin xem Russell M. Nelson, lời bình luận được đưa ra tại hội thảo dành cho các lãnh đạo phái bộ truyền giáo, tháng Sáu năm 2019; trích dẫn trong Dale G. Renlund, “Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 25.

  10. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy: “Khi các anh em, với tư cách là một thầy tư tế, quỳ xuống tại bàn Tiệc Thánh và dâng lên lời cầu nguyện, mà đến từ sự mặc khải, thì các anh em đang đặt toàn thể giáo đoàn dưới giao ước với Chúa. Đó có phải là một điều nhỏ nhặt không? Đó là điều quan trọng và đáng chú ý nhất” (“The Aaronic Priesthood—a Gift from God,” Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 46).

    “Những người chuẩn bị, ban phước hoặc chuyền Tiệc Thánh đang thực hiện giáo lễ này cho những người khác thay cho Chúa. Mỗi người nắm giữ chức tư tế nên thực hiện chỉ định này với một thái độ nghiêm trang, tôn kính. Người ấy cần ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ, và trang nhã. Ngoại hình cá nhân cần phản ánh tính chất thiêng liêng của giáo lễ” (“The Aaronic Priesthood—a Gift from God,” Family Guidebook [2006], trang 22).

  11. An Ma 36:21.

  12. Russell M. Nelson, “Sức Mạnh của Đà Thúc Đẩy Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 98.

  13. Xin xem Mô Si A 24:13–15.

  14. Xin xem Giăng 3:16–17.

  15. An Ma 26:35–37.