Liahona
Làm Cho Ý Muốn Của Chúng Ta Phù Hợp với Ý Muốn Của Ngài
Tháng Mười Một năm 2024


15:20

Làm Cho Ý Muốn Của Chúng Ta Phù Hợp với Ý Muốn Của Ngài

Việc tuân theo ý muốn của Chúa sẽ cho phép chúng ta tìm ra viên trân châu quý giá nhất trên thế gian—là vương quốc thiên thượng.

Vào một dịp nọ, Đấng Cứu Rỗi nói về một người lái buôn đi tìm những viên “ngọc châu tốt.” Trong lúc tìm kiếm, người này tìm thấy một viên “rất quý giá.” Tuy nhiên, để có được viên ngọc kỳ diệu đó, anh ta đã phải bán tất cả tài sản của mình, điều anh làm một cách nhanh chóng và vui vẻ.

Qua câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn và sâu sắc này, Đấng Cứu Rỗi đã dạy một cách tuyệt vời rằng vương quốc thiên thượng được ví như một viên trân châu vô giá, thật sự là kho báu quý giá nhất đáng ao ước hơn hết thảy mọi thứ khác. Việc người lái buôn bán ngay tất cả tài sản của mình để có được viên ngọc quý giá đó cho thấy rằng chúng ta nên làm cho tâm trí và ước muốn của mình phù hợp với ý muốn của Chúa và sẵn lòng làm mọi việc có thể làm trong cuộc hành trình hữu diệt để đạt được các phước lành vĩnh cửu trong vương quốc của Thượng Đế.

Để được xứng đáng với phần thưởng lớn lao này, chắc chắn là chúng ta cần phải nỗ lực hết sức để gác lại tất cả những ham muốn ích kỷ và từ bỏ bất cứ chướng ngại nào mà ngăn cản chúng ta cam kết trọn vẹn với Chúa và với những đường lối cao quý và thánh thiện hơn của Ngài. Sứ Đồ Phao Lô đề cập đến những nỗ lực được thánh hóa này là “[việc] có ý của Đấng Ky Tô.” Như đã được Chúa Giê Su Ky Tô minh họa, điều này có nghĩa là “luôn luôn làm những điều đẹp lòng [Chúa]” trong cuộc sống của chúng ta, hoặc như một số người nói ngày nay là “[làm] những gì có lợi cho Chúa.”

Theo nghĩa phúc âm, việc “luôn luôn [làm] những điều đẹp lòng [Chúa]” liên quan đến việc quy phục ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Ngài. Đấng Cứu Rỗi đã ân cần giảng dạy về tầm quan trọng của nguyên tắc này trong khi chỉ dẫn các môn đồ của Ngài:

“Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến.

“Vả, ý muốn của Đấng đã sai ta đến là hễ sự gì Ngài đã ban cho ta, thì ta chớ làm mất, nhưng ta phải làm cho sống lại nơi ngày sau rốt.

“Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt.”

Đấng Cứu Rỗi đã đạt được một mức độ tuân phục hoàn hảo và thiêng liêng đối với Đức Chúa Cha bằng cách để cho ý muốn của Ngài được nuốt trọn trong ý muốn của Đức Chúa Cha. Ngài từng phán rằng: “Đấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta, chẳng để ta ở một mình, vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài.” Trong khi giảng dạy Tiên Tri Joseph Smith về nỗi đau đớn và thống khổ của Sự Chuộc Tội, Đấng Cứu Rỗi đã phán:

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải; …

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—

“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người.”

Trong cuộc sống trần thế, chúng ta thường vật lộn với điều chúng ta nghĩ là mình biết, nghĩ là tốt nhất, và cho là hữu hiệu cho mình, trái ngược với việc thấu hiểu những gì Cha Thiên Thượng thực sự biết, điều gì vĩnh viễn là tốt nhất, và điều gì hoàn toàn hữu hiệu cho con cái trong kế hoạch của Ngài. Sự giằng co lớn lao này có thể trở nên rất phức tạp, đặc biệt khi xem xét những lời tiên tri chứa đựng trong thánh thư cho thời kỳ chúng ta: “Hãy biết rằng, trong những ngày sau rốt … người ta đều tư kỷ, … ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.”

Một dấu hiệu cho thấy sự ứng nghiệm của lời tiên tri này là xu hướng đang phát triển hiện nay trên thế giới, được rất nhiều người chấp nhận, về việc mọi người trở nên tập trung vào chính mình và liên tục tuyên bố, “Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn sống theo những gì tôi cho là đúng hoặc tôi làm những gì phù hợp với tôi.” Như Sứ Đồ Phao Lô đã nói, họ “tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Giê Su Ky Tô.” Lối suy nghĩ này thường được biện minh như việc “sống thật” bởi những người theo đuổi các ham muốn ích kỷ, tập trung vào sở thích cá nhân hoặc muốn biện minh cho một số hành vi nào đó mà thường không phù hợp với kế hoạch yêu thương của Thượng Đế và ý muốn của Ngài dành cho họ. Nếu để cho tâm trí của mình chấp nhận lối suy nghĩ này, thì chúng ta có thể tạo ra những chướng ngại vật đáng kể cho mình trong việc tìm kiếm viên trân châu vô giá nhất mà Thượng Đế đã nhân từ chuẩn bị cho con cái của Ngài—đó là cuộc sống vĩnh cửu.

Mặc dù đúng là mỗi người chúng ta đều có cách riêng để trở thành môn đồ trên con đường giao ước, trong lúc cố gắng giữ cho tâm trí của mình tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng chúng ta cần phải cẩn thận và không ngừng cảnh giác để không bị cám dỗ phải áp dụng loại triết lý thế gian này vào cuộc sống của mình. Anh Cả Quentin L. Cook đã nói rằng “việc trở nên chân thành giống như Đấng Ky Tô là một mục tiêu còn quan trọng hơn là sống thật.”

Các bạn thân mến, khi chọn để cho Thượng Đế thành ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong cuộc sống của mình thay vì các ham muốn ích kỷ, thì chúng ta có thể tiến triển trong vai trò môn đồ của mình và gia tăng khả năng kết hợp tâm trí mình với Đấng Cứu Rỗi. Mặt khác, khi chúng ta không để cho đường lối của Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình, thì chúng ta trở nên đơn độc, và nếu không có sự hướng dẫn đầy soi dẫn của Chúa, thì chúng ta có thể biện minh cho hầu hết mọi việc chúng ta sẽ làm hoặc không làm. Chúng ta cũng có thể tự bào chữa cho mình bằng cách làm mọi việc theo cách riêng của mình, và nói rằng: “Tôi chỉ đang làm mọi việc theo cách của mình.”

Vào một dịp nọ, trong khi Đấng Cứu Rỗi đang giảng dạy giáo lý của Ngài, một số người, đặc biệt là những người Pha Ri Si tự cho mình là ngay chính, đã chối bỏ sứ điệp của Ngài và mạnh dạn tuyên bố rằng họ là con cái của Áp Ra Ham, ngụ ý rằng dòng dõi của họ sẽ cho họ những đặc ân dưới mắt Thượng Đế. Tâm lý đó đưa họ đến việc dựa vào sự hiểu biết của riêng họ và không tin vào những gì Đấng Cứu Rỗi đang giảng dạy. Phản ứng của người Pha Ri Si đối với Chúa Giê Su là bằng chứng rõ ràng rằng thái độ tự phụ của họ khiến họ không còn chỗ nào trong lòng dành cho những lời của Đấng Cứu Rỗi và đường lối của Thượng Đế. Để đáp lại, Chúa Giê Su đã phán một cách khôn ngoan và can đảm rằng nếu họ thực sự là con cái giao ước của Áp Ra Ham, thì họ sẽ làm những công việc của Áp Ra Ham, nhất là khi Thượng Đế của Áp Ra Ham đang đứng trước mặt họ và giảng dạy cho họ lẽ thật ngay vào lúc đó.

Thưa anh chị em, như anh chị em có thể thấy, việc hành động theo tâm lý biện minh về những “điều phù hợp với tôi” so với việc làm “những điều luôn luôn làm đẹp lòng Chúa” không phải là một xu hướng mới mẻ mà chỉ có trong thời kỳ của chúng ta. Đó là một quan niệm lâu đời đã trải qua nhiều thế kỷ và thường làm những người tự cho là khôn ngoan không nhận thấy được và làm cho nhiều con cái của Thượng Đế trở nên hoang mang và chán nản. Thật ra tâm lý này là một mánh khóe cũ của kẻ thù; đó là cách thức lừa gạt để từ từ dẫn dắt con cái của Thượng Đế rời xa con đường giao ước chân chính và trung tín. Mặc dù những hoàn cảnh cá nhân như di truyền, địa lý, và những thử thách về thể chất lẫn tinh thần thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, đến những điều thực sự quan trọng, nhưng chúng ta có khả năng suy nghĩ và lý luận để đưa ra những lựa chọn cho dù chúng ta có quyết định tuân theo mẫu mực mà Chúa đã chuẩn bị cho cuộc sống của chúng ta hay không. Thật vậy, “Ngài chỉ lối ta đi dẫn bước từng giây, Mỗi điều mỗi lời [phán ra].”

Là môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta mong muốn bước đi trên con đường Ngài đã vạch ra cho chúng ta trong giáo vụ trần thế của Ngài. Chúng ta không những mong muốn làm theo ý muốn của Ngài và làm tất cả những gì đẹp lòng Ngài mà còn tìm cách noi gương Ngài. Khi chúng ta cố gắng trung tín với mọi giao ước mà mình đã lập và sống theo “bằng mọi lời nói ra từ miệng của Đức Chúa Trời,” thì chúng ta sẽ được bảo vệ để không trở thành nạn nhân của tội lỗi và sai lầm của thế gian—những sai lầm về triết lý mà sẽ dẫn chúng ta rời xa những viên trân châu quý giá nhất đó.

Cá nhân tôi đã được soi dẫn bởi cách mà sự phục tùng thuộc linh như vậy đối với Thượng Đế đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các môn đồ trung tín của Đấng Ky Tô, khi họ chọn làm những điều phù hợp và làm đẹp lòng Chúa. Tôi biết một thanh niên ban đầu đã cảm thấy do dự về việc đi truyền giáo nhưng rồi cảm thấy được soi dẫn để đi phục vụ Chúa khi nghe một vị lãnh đạo thâm niên của Giáo Hội chia sẻ chứng ngôn cá nhân và kinh nghiệm thiêng liêng của ông ấy về việc phục vụ truyền giáo.

Người thanh niên này, giờ đây là một người truyền giáo được giải nhiệm, đã nói rằng: “Khi lắng nghe chứng ngôn của một Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đã có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho tôi, và tôi mong muốn chia sẻ tình yêu thương đó với người khác. Vào giây phút đó, tôi biết rằng tôi nên phục vụ truyền giáo bất kể nỗi sợ hãi, nghi ngờ và lo lắng của mình. Tôi cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào các phước lành và những lời hứa của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Hôm nay, tôi là một con người mới; Tôi làm chứng rằng phúc âm này là chân chính và rằng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian.” Người thanh niên này đã chọn đường lối của Chúa và trở thành tấm gương của một môn đồ chân chính trong mọi phương diện.

Một người phụ nữ trẻ trung tín đã quyết định không hạ thấp các tiêu chuẩn của mình khi được yêu cầu ăn mặc khiếm nhã để phù hợp với phòng kinh doanh của công ty thời trang nơi chị ấy làm việc. Vì hiểu rằng thân thể của mình là một món quà thiêng liêng từ Cha Thiên Thượng và là nơi Thánh Linh có thể ngự vào, nên chị ấy được soi dẫn để sống theo một tiêu chuẩn cao quý hơn tiêu chuẩn của thế gian. Chị ấy không những nhận được sự tin tưởng của những người thấy chị sống theo lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mà còn giữ được công việc của mình, một công việc mà lúc ấy tưởng chừng sẽ vuột mất. Sự sẵn lòng của chị ấy để làm điều đẹp lòng Chúa thay vì điều có hiệu quả cho thế gian, đã mang đến cho chị ấy niềm tin nơi giao ước giữa những lựa chọn khó khăn.

Thưa anh chị em, chúng ta liên tục đối mặt với những quyết định tương tự trong cuộc sống hằng ngày của mình. Cần có một tấm lòng can đảm và sẵn sàng để ngừng lại và rồi tự đánh giá mình một cách trung thực và nhu mì, để thừa nhận rằng những yếu đuối của mình có thể cản trở chúng ta vâng phục Thượng Đế, và cuối cùng quyết định chấp nhận con đường của Ngài thay vì theo cách của chúng ta. Thử thách tột bậc của vai trò môn đồ của chúng ta là ở sự sẵn lòng để từ bỏ và quên đi con người cũ của mình và dâng hết lòng mình lên Thượng Đế để ý muốn của Ngài trở thành ý muốn của chúng ta.

Một trong những khoảnh khắc vinh quang nhất của cuộc sống trần thế xảy ra khi chúng ta khám phá ra niềm vui có được khi luôn luôn làm những điều “phù hợp và làm đẹp lòng Chúa” và “những gì phù hợp cho chúng ta” cũng giống như vậy! Việc chắc chắn và dứt khoát để làm cho ý muốn của Chúa thành ý muốn của chúng ta đòi hỏi vai trò môn đồ cao quý và quả cảm! Vào thời điểm kỳ diệu đó, chúng ta trở nên tận tụy với Chúa, và chúng ta hoàn toàn tuân phục ý muốn của mình theo Ngài. Có thể nói, sự vâng phục thuộc linh như vậy thật là tuyệt vời, mạnh mẽ, và mang tính biến đổi.

Tôi làm chứng cùng anh chị em rằng việc tuân theo ý muốn của Chúa trong cuộc sống của chúng ta sẽ cho phép chúng ta tìm ra viên trân châu quý giá nhất trên thế gian—đó là vương quốc thiên thượng. Tôi cầu xin rằng mỗi người chúng ta, khi đến lượt mình, với sự tự tin trong giao ước, sẽ thưa với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô rằng: “điều gì phù hợp đối với Ngài thì cũng phù hợp đối với tôi.” Tôi nói những điều này trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.