Liahona
“Chính Ta Đây”
Tháng Mười Một năm 2024


15:23

“Chính Ta Đây”

Lòng bác ái của Đấng Ky Tô—là hiển nhiên qua lòng trung thành tuyệt đối với ý muốn của Thượng Đế—vẫn tồn tại và tiếp tục tồn tại.

Hôm nay là ngày Sa Bát, và chúng ta đã quy tụ lại để nói về Đấng Ky Tô và việc Ngài bị đóng đinh. Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống.

Hãy suy ngẫm về cảnh tượng này vào tuần lễ cuối cùng trong cuộc sống trần thế của Chúa Giê Su. Một đám đông đã tụ tập lại, kể cả những người lính La Mã được trang bị gậy và đeo gươm. Được dẫn đầu bởi các viên chức do các thầy tế lễ cả sai đến, với đuốc trong tay, đoàn người hăm hở này không đi xâm chiếm một thành nào cả. Mà tối nay, họ chỉ đi tìm một người, một người được biết là không mang vũ khí, không được huấn luyện quân sự, hoặc không từng tham gia trận chiến nào trong suốt cuộc đời của Ngài.

Khi những người lính tiến đến gần, Chúa Giê Su, trong nỗ lực bảo vệ các môn đồ của Ngài, đã bước ra và nói: “Các ngươi tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giê Su người Na Xa Rét.” Chúa Giê Su phán: “Chính ta đây. … Vừa khi … Ngài phán cùng họ, chính ta đây, thì họ bèn thối lui và té xuống đất.”

Đối với tôi, đó là một trong những câu gây ấn tượng nhất trong khắp thánh thư. Ngoài những điều khác, câu đó cho tôi hiểu rõ rằng chỉ cần ở trong sự hiện diện của Con Trai Thượng Đế—Đức Giê Hô Va vĩ đại của Kinh Cựu Ước và Đấng Chăn Hiền Lành của Kinh Tân Ước, là Đấng không mang bất cứ loại vũ khí nào—và rằng chỉ cần nghe tiếng nói của Nơi Trú Ẩn Khỏi Bão Tố, Hoàng Tử Bình An, là đủ để khiến những kẻ địch luống cuống rút lui, té ngã lên nhau và làm cho cả nhóm ước gì họ được giao cho nhiệm vụ nấu ăn vào đêm đó thay vì đi bắt Chúa.

Chỉ một vài ngày trước đó, khi Ngài tiến vào thành một cách vinh quang, thánh thư chép rằng: “cả thành đều xôn xao,” và hỏi: “Người này là ai?” Tôi chỉ có thể tưởng tượng rằng câu “Người này là ai?” là câu hỏi mà những người lính bị rối trí kia đang hỏi!

Câu trả lời cho câu hỏi đó không thể nằm ở vẻ bề ngoài của Ngài, vì Ê Sai đã tiên tri khoảng bảy thế kỷ trước đó rằng “Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được.” Chắc chắn là câu trả lời không nằm ở bộ quần áo hào nhoáng hay tài sản cá nhân đồ sộ, bởi Ngài không hề có gì cả. Nó không thể đến từ bất cứ sự đào tạo chuyên nghiệp nào trong các giáo đường địa phương vì chúng ta không có bằng chứng nào cho thấy rằng Ngài từng học ở bất cứ giáo đường nào, mặc dù khi còn nhỏ, Ngài đã có thể làm bối rối các thầy thông giáo và luật gia được đào tạo kỹ lưỡng, khiến họ kinh ngạc với giáo lý của Ngài “như một người có thẩm quyền.”

Từ lời giảng dạy trong đền thờ cho đến cuộc tiến vào thành Giê Ru Sa Lem đầy vinh quang của Ngài và cuộc bắt giữ cuối cùng đầy vô lý này, Chúa Giê Su thường xuyên bị đặt vào những tình huống khó khăn, thường là đầy mưu mô nhưng Ngài luôn chiến thắng—những chiến thắng mà chúng ta không có lời giải thích nào ngoại trừ thiên tính của Ngài.

Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều người đã đơn giản hóa, thậm chí tầm thường hóa hình ảnh của Ngài và lời chứng của Ngài về Ngài là ai. Họ đã hạ thấp sự ngay chính của Ngài xuống chỉ còn là sự giả tạo, sự công bằng của Ngài chỉ còn là sự tức giận, lòng thương xót của Ngài chỉ còn là sự dễ dãi. Chúng ta không nên phạm lỗi vì những hình ảnh đơn giản như vậy về Ngài mà tùy tiện bỏ qua những lời dạy khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái. Tình trạng “đơn giản hóa” này xảy ra ngay cả đối với đức hạnh quan trọng tột bậc của Ngài, đó là tình yêu thương của Ngài.

Trong suốt sứ mệnh trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã dạy rằng có hai giáo lệnh lớn. Hai giáo lệnh lớn này đã được dạy trong đại hội này và sẽ được dạy mãi mãi: “Hãy yêu mến Chúa Thượng Đế của ngươi [và] yêu kẻ lân cận như mình.” Nếu muốn noi theo Đấng Cứu Rỗi một cách thành tín trong hai nguyên tắc quan trọng và được liên kết chặt chẽ này, thì chúng ta phải nắm vững điều Ngài đã thực sự phán. Và điều Ngài đã thực sự phán là: “Nếu các ngươi yêu mến ta thì giữ gìn các điều răn ta.” Cũng vào buổi tối đó, Ngài đã phán là: các ngươi phải “yêu nhau, như ta đã yêu các ngươi.”

Trong các câu thánh thư đó, những cụm từ bổ nghĩa cho tình yêu thương đích thực, giống như Đấng Ky Tô—đôi khi được gọi là lòng bác ái—là hoàn toàn cần thiết.

Các cụm từ này xác định điều gì? Chúa Giê Su Ky Tô đã yêu thương như thế nào?

Trước hết, Ngài đã yêu thương với “tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh [của Ngài],” nhờ vậy Ngài mới có được khả năng chữa lành nỗi đau khổ cùng cực nhất và nói lên những lẽ thật khó chấp nhận nhất. Tóm lại, Ngài là Đấng có thể cùng một lúc ban cho ân điển và đòi hỏi lẽ thật. Như Lê Hi đã nói khi ban phước cho con trai mình là Gia Cốp: “Sự cứu chuộc sẽ đến trong và qua Đấng Mê Si Thánh; vì Ngài đầy ân điển và lẽ thật.” Tình yêu thương của Ngài cho phép một cái ôm khích lệ khi cần và một chén đắng khi phải uống. Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng yêu thương—với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình—vì đó là cách Ngài yêu thương chúng ta.

Đặc điểm thứ hai của lòng bác ái thiêng liêng của Chúa Giê Su là sự vâng phục của Ngài đối với mọi lời bởi miệng của Thượng Đế mà ra, luôn luôn làm cho ý muốn và hành vi của Ngài phù hợp với ý muốn của Cha Thiên Thượng.

Khi Ngài đến Tây Bán Cầu sau khi phục sinh, Đấng Ky Tô đã phán với dân Nê Phi: “Này, ta là Giê Su Ky Tô. … Ta đã uống cạn chén đắng mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta, … và khi làm việc ấy là ta đã cam chịu theo ý muốn của Đức Chúa Cha … từ lúc ban đầu.”

Trong vô số cách mà Ngài có thể tự giới thiệu, Chúa Giê Su đã chọn cách tuyên phán sự vâng phục của Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Cha—cho dù không lâu trước đó, trong giờ phút tuyệt vọng nhất của Ngài, Con Độc Sinh của Thượng Đế đã cảm thấy bị Cha Ngài bỏ rơi hoàn toàn. Lòng bác ái của Đấng Ky Tô—là hiển nhiên qua lòng trung thành tuyệt đối với ý muốn của Thượng Đế—đã tồn tại và tiếp tục tồn tại, không chỉ trong những ngày dễ dàng và thoải mái mà đặc biệt còn trong những ngày đen tối và khó khăn nhất.

Thánh thư ghi chép rằng Chúa Giê Su “từng trải sự buồn bực,”. Ngài trải qua nỗi ưu phiền, sự mệt mỏi, nỗi thất vọng và cảnh cô đơn cùng cực. Trong những thời điểm này và trong mọi thời điểm, tình yêu thương của Chúa Giê Su, cũng như của Cha Ngài, chẳng hề hư mất. Với tình yêu thương trọn vẹn như vậy—loại tình yêu thương tiêu biểu, mang đến sức mạnh và được phổ biến—tình yêu thương của chúng ta cũng sẽ chẳng hề hư mất.

Vì vậy, nếu đôi khi anh chị em càng cố gắng, mà dường như lại càng gặp khó khăn hơn; nếu ngay khi vừa mới cố gắng khắc phục những giới hạn và khuyết điểm của mình, mà anh chị em lại thấy ai đó hoặc điều gì đó quyết tâm thách thức đức tin của mình; nếu anh chị em làm việc cật lực mà vẫn cảm thấy những giây phút sợ hãi ập đến mình, thì hãy nhớ rằng điều đó đã từng xảy ra với một số người vô cùng thành tín và tuyệt vời trong mọi thời đại. Cũng hãy nhớ rằng có một thế lực trong vũ trụ quyết tâm chống lại mọi điều tốt đẹp mà anh chị em cố gắng làm.

Vì vậy, trong hoàn cảnh sung túc cũng như nghèo khổ, trong lời khen ngợi cho riêng một cá nhân cũng như lời chỉ trích công khai, trong các yếu tố thiêng liêng của Sự Phục Hồi cũng như những nhược điểm của con người mà chắc chắn sẽ là một phần của Sự Phục Hồi đó, chúng ta vẫn cứ tiếp tục thành tín với Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô. Tại sao? Bởi vì giống như Đấng Cứu Chuộc, chúng ta đã cam kết sẽ theo hết khóa học—chứ không phải kết thúc ở một bài kiểm tra đầu khóa ngắn ngủi, mà là phải kiên trì cho đến hết kỳ thi cuối khóa. Điều vui mừng ở đây là Vị Hiệu Trưởng đã cho tất cả chúng ta các câu trả lời có sẵn trong sách trước khi khóa học bắt đầu. Hơn nữa, chúng ta có rất nhiều gia sư thường xuyên nhắc lại những câu trả lời đó trong khi học. Nhưng dĩ nhiên, không có cách nào trong số này là hữu hiệu nếu chúng ta cứ trốn học.

“Các ngươi tìm ai?” Chúng ta đồng lòng đáp: “Giê Su người Na Xa Rét.” Khi Ngài phán: “Chính ta đây,” thì chúng ta quỳ xuống và cất tiếng thừa nhận rằng Ngài là Đấng Ky Tô hằng sống, rằng chỉ mình Ngài đã chuộc tội lỗi của chúng ta, rằng Ngài đã mang vác chúng ta ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng Ngài đã bỏ rơi chúng ta. Khi đứng trước Ngài và nhìn thấy những vết thương trên tay và chân Ngài, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấu hiểu ý nghĩa của việc Ngài gánh tội lỗi của chúng ta và nhận lấy những sầu khổ, để hoàn toàn vâng phục ý muốn của Cha Ngài—tất cả đều là từ tình yêu thương thanh khiết dành cho chúng ta. Để giới thiệu những người khác về đức tin, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh, và tiếp nhận các phước lành của chúng ta trong nhà của Chúa—đây là các “nguyên tắc và giáo lễ” nền tảng, mà cuối cùng cho thấy tình yêu thương của chúng ta đối với Thượng Đế và người lân cận của chúng ta, và cũng hân hoan tiêu biểu cho Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô.

Thưa anh chị em, tôi làm chứng rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là phương tiện mà Thượng Đế đã ban cho vì sự tôn cao của chúng ta. Phúc âm mà Giáo Hội giảng dạy là chân chính, và chức tư tế hợp pháp hóa phúc âm đó là trực tiếp từ Thượng Đế mà đến. Tôi làm chứng rằng Russell M. Nelson là vị tiên tri của Thượng Đế chúng ta, giống như những người tiền nhiệm cũng như những người kế nhiệm của ông. Và một ngày nào đó sự hướng dẫn của vị tiên tri sẽ dẫn dắt một thế hệ để nhìn thấy Vị Sứ Giả Cứu Rỗi của chúng ta giáng xuống như “chớp phát … từ phương đông,” và chúng ta sẽ kêu lên: “Chúa Giê Su người Na Xa Rét.” Ngài sẽ đáp lại với đôi tay mãi mãi dang rộng và tình yêu thương chân thành: “Chính ta đây.” Tôi hứa như vậy với quyền năng và thẩm quyền của một sứ đồ trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.