“Gia Cốp 5:1–53: ‘Chúa Vườn’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“Gia Cốp 5:1–53”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
Gia Cốp 5:1–53
“Chúa Vườn”
Thượng Đế quan tâm đến tất cả con cái của Ngài, cả những người ngay chính lẫn những người chọn điều không ngay chính. Gia Cốp đã chia sẻ câu chuyện ngụ ngôn của Giê Nốt về vườn cây ô liu, là biểu tượng minh họa cho sự phân tán của một số người ngay chính và một số người không ngay chính. Câu chuyện ngụ ngôn này cũng minh họa những nỗ lực của Chúa để quy tụ Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng. Bài học này có thể giúp em cảm nhận được tình yêu thương Chúa Giê Su Ky Tô dành cho em và cho mọi người.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Tình yêu thương của Chúa dành cho những người đi lạc lối
Lisa cảm thấy cắn rứt về một số sai lầm mà cô ấy đã mắc phải gần đây. Cô ấy bắt đầu tự hỏi liệu Thượng Đế có còn quan tâm đến cô ấy vì những sai lầm này không.
-
Em có thể nói gì nếu đang cố gắng giúp đỡ một người nào đó có những cảm nghĩ như Lisa?
-
Tại sao khó có thể nhận ra hoặc cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế sau khi chúng ta chọn phạm lỗi?
Hôm nay em sẽ nghiên cứu một câu chuyện thánh thư thể hiện tình yêu thương của Chúa đối với những người đi lạc lối. Khi em học, hãy tìm kiếm những bài học quan trọng về sự sẵn lòng của Chúa Giê Su Ky Tô để giúp đỡ những người đã quay lưng lại với Ngài. Suy ngẫm xem những lẽ thật em học được có thể giúp em như thế nào trong hoàn cảnh của mình.
Truyện ngụ ngôn về cây ô liu
Gia Cốp đã tiên tri rằng người Do Thái sẽ chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Gia Cốp 4:15). Để giúp dân ông hiểu cách Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp dân Do Thái trở lại cùng Ngài, Gia Cốp đã dạy cho họ một câu chuyện ngụ ngôn của một vị tiên tri tên là Giê Nốt. Câu chuyện ngụ ngôn sử dụng các nhân vật, sự vật và hành động mang tính chất biểu tượng để giảng dạy các lẽ thật.
Sau đây là một số biểu tượng chính của câu chuyện ngụ ngôn, cùng với những ý nghĩa có thể có của những biểu tượng đó. Cân nhắc liệt kê những biểu tượng này trong nhật ký ghi chép việc học tập hoặc thánh thư của em.
Biểu Tượng |
Ý Nghĩa Có Thể Có |
---|---|
Biểu Tượng Chúa hay chủ vườn cây | Ý Nghĩa Có Thể Có Chúa Giê Su Ky Tô |
Biểu Tượng Vườn cây | Ý Nghĩa Có Thể Có Thế gian |
Biểu Tượng Cây ô liu lành | Ý Nghĩa Có Thể Có Gia tộc Y Sơ Ra Ên, dân giao ước của Chúa |
Biểu Tượng Cây ô liu dại | Ý Nghĩa Có Thể Có Dân Ngoại (là những người không có giao ước với Chúa) và Y Sơ Ra Ên bội giáo |
Để giúp em chuẩn bị tìm hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô khi học Gia Cốp 5, hãy viết “Những điều tôi học về Chúa Giê Su Ky Tô từ Gia Cốp 5” ở giữa một trang trống trong nhật ký ghi chép việc học tập và vẽ một vòng tròn xung quanh câu này. Xuyên suốt bài học, hãy tìm kiếm những lẽ thật và sự hiểu biết sâu sắc về Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa của vườn cây. Hãy ghi lại những phát hiện này vào bên trong hoặc xung quanh vòng tròn trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.
Cách hiểu câu chuyện ngụ ngôn
Phần mở đầu của câu chuyện ngụ ngôn có thể tượng trưng cho thời gian trước giáo vụ trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô. Đọc Gia Cốp 5:3–6, tìm kiếm những điều đã xảy ra với cây ô liu lành mà tượng trưng cho dân giao ước của Thượng Đế.
-
Em nghĩ sự tàn tạ của cây tượng trưng cho điều gì?
-
Em nghĩ việc người chủ vườn tỉa xén cây, vun xới và chăm bón có thể tượng trưng cho điều gì?
-
Những hành động này dạy cho em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô? (Hãy thêm những hiểu biết sâu sắc của em vào trang nhật ký.)
Sau lần thăm đầu tiên này, người chủ vườn đã thực hiện hai hành động quan trọng khác để cứu cây ô liu lành của mình:
-
Ông ra lệnh cắt bỏ các cành chính bị mục nát của cây ô liu và ghép một số cành từ một cây ô liu dại vào cây chính (xin xem Gia Cốp 5:7–10). Sự ghép nối này có thể tượng trưng cho những nỗ lực của Chúa giúp Dân Ngoại trở thành một phần của dân giao ước của Ngài qua phép báp têm và sự cải đạo.
-
Ông lấy những cành non và mềm mại từ cây ô liu chính và ghép chúng vào các chỗ khác nhau của vườn cây (xin xem Gia Cốp 5:8, 13–14). Điều này có thể tượng trưng cho sự phân tán của Y Sơ Ra Ên đến các khu vực khác nhau trên thế giới. Một số người bị tản lạc là người ngay chính, chẳng hạn như gia đình của Lê Hi (xin xem 1 Nê Phi 10:12–13). Những người khác bị tản lạc vì sự tà ác.
Phần còn lại của câu chuyện ngụ ngôn miêu tả những lần chúa vườn thăm vườn cây của mình sau đó. Những lần thăm vườn này có thể tượng trưng cho các khoảng thời gian khác nhau trong lịch sử của thế gian.
Nghiên cứu các câu sau đây, tìm kiếm những điều đã xảy ra với cả cây chính và các cây bị phân tán trong mỗi lần thăm vườn.
-
Lần thăm vườn thứ hai (tượng trưng cho thời kỳ của Chúa Giê Su Ky Tô): Gia Cốp 5:15–17, 19–20, 23–28
-
Lần thăm vườn thứ ba (tượng trưng cho Sự Đại Bội Giáo): Gia Cốp 5:29–32, 38–41, 46–47
-
Em nhận thấy điều gì về tình trạng của các cây và trái trong những lần thăm vườn?
-
Em nhận thấy điều gì về những lời nói và hành động của chúa vườn trong những lần thăm vườn này?
-
Những lời nói và hành động này dạy cho em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô? (Hãy thêm những hiểu biết sâu sắc của em vào trang nhật ký.)
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một bài học mà chúng ta có thể học về Thượng Đế từ những câu thánh thư này:
Sau khi đào xới, bón phân, tưới nước, nhổ cỏ, tỉa cây, cắt và ghép cành, Chúa vườn cao trọng ném thuổng và kéo của mình xuống, khóc và than thở với bất kỳ ai chịu lắng nghe: “Ta đã có thể làm gì hơn nữa cho vườn cây này của ta?” [Gia Cốp 5:41, 49].
Thật là một hình ảnh sâu đậm về lòng thiết tha của Thượng Đế đối với cuộc sống của chúng ta! Thật là nỗi đau đớn cho một bậc cha mẹ khi con cái của Ngài không chọn Ngài cũng như “phúc âm của Thượng Đế” [Rô Ma 1:1] mà Ngài đã gửi đến! Thật dễ dàng biết bao để yêu thương một người mà yêu thương mình một cách đặc biệt! (Jeffrey R. Holland, “The Grandeur of God”, , tháng Mười Một năm 2003, trang 72)
-
Em thấy điều gì nổi bật từ lời phát biểu này? Tại sao?
Những nỗ lực liên tục của chúa vườn
Đọc Gia Cốp 5:51–53, tìm kiếm những điều chúa vườn đã chọn làm sau khi nhìn thấy cây cối của mình trong tình trạng tàn tạ.
-
Các câu thánh thư này dạy cho em điều gì về Chúa? (Hãy thêm những hiểu biết sâu sắc của em vào trang nhật ký.)
-
Em sẽ tóm tắt như thế nào những bài học đã học được từ Gia Cốp 5 trong một câu tuyên bố về lẽ thật?
Một lẽ thật mà chúng ta có thể học từ Gia Cốp 5 là Chúa yêu thương tất cả con cái của Cha Thiên Thượng và tiếp tục chăm sóc cho họ ngay cả khi họ quay lưng lại với Ngài.
-
Làm thế nào lẽ thật này có thể giúp người nào đó cảm thấy có mong muốn lớn lao hơn để hối cải?
-
Một số ví dụ nào, từ thánh thư hoặc từ cuộc sống của em, minh họa rằng Chúa tiếp tục yêu thương và chăm sóc cho mọi người ngay cả sau khi họ quay lưng lại với Ngài?
Hãy suy ngẫm xem những điều em đã học được và cảm nhận ngày hôm nay có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của em. Cân nhắc ghi lại những ấn tượng của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.