“Ngày 21–27 tháng Mười: ‘Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn.’ 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 21–27 tháng Mười. 3 Nê Phi 27–4 Nê Phi,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
Ngày 21–27 tháng Mười: “Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn”
3 Nê Phi 27–4 Nê Phi
Những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô còn hơn cả một triết lý đẹp để nghiền ngẫm. Những lời giảng dạy này nhằm soi dẫn chúng ta trở nên giống như Ngài. Sách 4 Nê Phi cho thấy phúc âm của Đấng Cứu Rỗi hoàn toàn có thể thay đổi con người như thế nào. Sau giáo vụ ngắn ngủi của Chúa Giê Su, sự tranh chấp trong hàng thế kỷ giữa dân Nê Phi và dân La Man đã chấm dứt. Hai dân tộc nổi tiếng bất đồng và kiêu ngạo đã trở thành “một, đều là con cái của Đấng Ky Tô” (4 Nê Phi 1:17), và họ bắt đầu “xem mọi vật là của chung” (4 Nê Phi 1:3). “Tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân,” và “chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này” (4 Nê Phi 1:15–16). Đây là cách mà những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi đã thay đổi dân Nê Phi và dân La Man. Những lời của Ngài đang làm anh chị em thay đổi như thế nào?
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được gọi bằng danh Ngài.
Khi các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi bắt đầu thiết lập Giáo Hội của Ngài trên khắp xứ, một câu hỏi xuất hiện, mà với một số người, nó dường như không quan trọng—tên của Giáo Hội nên là gì? (xin xem 3 Nê Phi 27:1–3). Anh chị em học được điều gì về tầm quan trọng của cái tên này từ câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 27:4–12?
Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải tên của Giáo Hội Ngài ngày nay (trong Giáo Lý và Giao Ước 115:4). Hãy suy ngẫm từng từ trong cái tên đó. Làm thế nào những từ này giúp chúng ta biết được chúng ta là ai, chúng ta tin điều gì, và cách mà chúng ta nên hành động?
Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 87–89.
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được xây dựng trên phúc âm của Ngài.
Sau khi giải thích rằng Giáo Hội của Ngài phải được “xây dựng trên phúc âm [của Ngài]” (3 Nê Phi 27:10), Đấng Cứu Rỗi đã mô tả phúc âm của Ngài là gì. Anh chị em sẽ tóm tắt điều Ngài đã phán trong 3 Nê Phi 27:13–22 như thế nào? Dựa trên định nghĩa này, việc được xây dựng trên phúc âm của Ngài có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội—và đối với anh chị em?
“Các ngươi muốn xin ta điều gì?”
Anh chị em sẽ nói gì nếu Đấng Cứu Rỗi hỏi anh chị em, giống như đã hỏi các môn đồ của Ngài: “Các ngươi muốn xin ta điều gì?” (3 Nê Phi 28:1). Hãy nghĩ về điều này khi anh chị em đọc 3 Nê Phi 1–11. Anh chị em học được điều gì về những ước muốn từ tấm lòng của các môn đồ qua cách họ trả lời câu hỏi của Ngài? Ước muốn của anh chị em thay đổi như thế nào khi sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô?
Hãy cân nhắc việc tìm một bài thánh ca mà phản ảnh ước muốn của anh chị em.
Sách Mặc Môn là một điềm triệu cho thấy công việc ngày sau của Thượng Đế đang được thực hiện.
Hãy nghĩ về những dấu hiệu mà cho anh chị em biết một điều gì đó sẽ xảy ra. Ví dụ, làm thế nào anh chị em biết rằng trời sắp mưa hoặc mùa đang thay đổi? Theo 3 Nê Phi 29:1–3, làm thế nào anh chị em biết công việc của Thượng Đế để quy tụ dân Ngài “đã bắt đầu được thực hiện”? (xin xem thêm 3 Nê Phi 21:1–7). Anh chị em cũng có thể lưu ý, trong 3 Nê Phi 29:4–9, những điều mà người ta sẽ chối bỏ trong thời kỳ của chúng ta. Sách Mặc Môn củng cố đức tin của anh chị em nơi những điều này như thế nào?
Việc tuân theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô dẫn đến tình đoàn kết và hạnh phúc.
Cuộc sống trong những năm sau lần viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi sẽ như thế nào? Khi anh chị em học 4 Nê Phi 1:1–18, hãy cân nhắc liệt kê các phước lành mà dân chúng nhận được. Anh chị em cũng có thể đánh dấu hoặc ghi chú những lựa chọn của họ mà đã giúp đưa đến cuộc sống được phước này. Chúa Giê Su đã dạy họ điều gì mà có thể đã soi dẫn những sự lựa chọn ngay chính của họ? Đây là một số ví dụ, nhưng anh chị em có thể tìm thấy những ví dụ khác: 3 Nê Phi 11:28–30; 12:8–9, 21–24, 40–44; 13:19–21, 28–33; 14:12; 18:22–25.
Hãy suy ngẫm điều anh chị em có thể làm để giúp gia đình mình, tiểu giáo khu, hoặc cộng đồng sống đoàn kết hơn và hạnh phúc hơn. Anh chị em có thể làm gì để giúp khắc phục những sự chia rẽ và thực sự trở thành “một” với các con cái khác của Thượng Đế? Những lời giảng dạy nào của Chúa Giê Su Ky Tô giúp anh chị em hoàn thành mục tiêu này?
Buồn thay, xã hội Si Ôn được mô tả trong 4 Nê Phi cuối cùng đã rơi vào sự tà ác. Trong khi đọc 4 Nê Phi 1:19–49, anh chị em hãy tìm những thái độ và hành vi đã chấm dứt hạnh phúc và sự đoàn kết của họ. Anh chị em có thể làm gì giúp loại bỏ những thái độ hoặc hành vi này?
Xin xem thêm Môi Se 7:18; D. Todd Christofferson, “Xã Hội Bền Vững,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 32–35; Reyna I. Aburto, “Đồng Một Lòng,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 78–80.
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Tôi thuộc vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Để giới thiệu tầm quan trọng của danh xưng của Giáo Hội của Chúa Giê Su, hãy trò chuyện với các bé về tên của chúng. Tại sao tên của chúng ta lại quan trọng? Sau đó, anh chị em có thể cùng nhau đọc 3 Nê Phi 27:3, và tìm kiếm câu hỏi mà các môn đồ của Chúa Giê Su đã hỏi. Hãy giúp các bé tìm câu trả lời trong 3 Nê Phi 27:5–8. Tại sao danh xưng của Giáo Hội lại quan trọng?
-
Anh chị em cũng có thể giúp các bé nghĩ về những nhóm khác nhau mà chúng thuộc vào, chẳng hạn như gia đình hay một lớp Thiếu Nhi. Hỏi chúng những điều mà chúng thích khi được thuộc vào các nhóm đó.
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được xây dựng trên phúc âm của Ngài.
-
Đấng Cứu Rỗi đã tóm lược phúc âm của Ngài trong 3 Nê Phi 27. Anh chị em có thể giải thích cho các bé rằng từ phúc âm có nghĩa là “tin lành.” Chúng ta tìm thấy tin lành nào trong 3 Nê Phi 27:13–16? Hãy sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để dạy rằng Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi được xây dựng trên phúc âm của Ngài.
Cha Thiên Thượng vui mừng khi con cái của Ngài trở về cùng Ngài.
-
Hãy cân nhắc chơi một trò chơi mà trong đó một người đi trốn và những người khác cố gắng tìm người đó. Điều này có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện về niềm vui mà chúng ta cảm thấy khi một người bị thất lạc được tìm thấy. Sau khi đọc 3 Nê Phi 27:30–31, anh chị em có thể nói về cách giúp nhau ở gần Cha Thiên Thượng để cho “không một ai … bị lạc lối.”
4 Nê Phi
Việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô mang đến cho tôi niềm vui.
-
Để giúp các bé học về hạnh phúc của dân tộc được mô tả trong 4 Nê Phi, anh chị em có thể cho chúng thấy hình ảnh của những người hạnh phúc. Sau đó, khi anh chị em cùng nhau đọc các câu 2–3 và 15–17 (hoặc “Chương 48: Thái Bình ở Mỹ Châu,” Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 136–137), chúng có thể chỉ vào các bức tranh khi anh chị em đọc đến một điều gì đó trong câu chuyện mà mang lại hạnh phúc.
-
Để giúp các bé thực hành những điều được giảng dạy trong 4 Nê Phi 1:15–16, anh chị em có thể cho chúng thấy những tình huống khi người ta tức giận với nhau. Mời chúng diễn lại tình huống đó nếu chúng ta có “tình yêu thương của Thượng Đế” trong lòng mình.