“Ngày 11–17 tháng Mười Một: ‘Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng.’ Ê The 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 11–17 tháng Mười Một. Ê The 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
Ngày 11–17 tháng Mười Một: “Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng”
Ê The 1–5
Mặc dù đúng là những đường lối của Thượng Đế thì cao hơn của chúng ta và chúng ta nên luôn luôn tuân phục ý muốn của Ngài, Ngài cũng khuyến khích chúng ta tự mình suy nghĩ và hành động. Đó là một bài học mà Gia Rết và anh của ông đã học được. Ví dụ, ý tưởng hành trình đến một vùng đất mới “chọn lọc hơn hết thảy mọi vùng đất khác trên thế gian này” dường như bắt đầu với Gia Rết, và Chúa đã chấp nhận lời thỉnh cầu này, khi phán với anh của Gia Rết rằng: “Đó là việc ta sẽ làm cho ngươi vì ngươi đã cầu khẩn ta trong bấy lâu nay” (xin xem Ê The 1:38–43). Và khi anh của Gia Rết cần ánh sáng bên trong những chiếc thuyền mà sẽ mang họ đến đất hứa, thì Chúa đặt một câu hỏi mà chúng ta thường hỏi Ngài: “Ngươi muốn ta làm gì?” (Ê The 2:23). Ngài muốn nghe những suy nghĩ và ý kiến của chúng ta, và Ngài sẽ lắng nghe và ban cho sự xác nhận của Ngài hoặc là khuyên nhủ chúng ta bằng cách khác. Đôi khi điều duy nhất ngăn cách chúng ta khỏi những phước lành mà chúng ta tìm kiếm là “bức màn vô tín ngưỡng” của chính mình, và nếu chúng ta có thể “xé rách được tấm màn [đó]” (Ê The 4:15), thì chúng ta có thể kinh ngạc bởi điều Chúa sẵn lòng làm cho chúng ta.
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Khi tôi kêu cầu lên Chúa, Ngài sẽ thương xót tôi.
Ê The 1:33–43 kể về ba lời cầu nguyện của anh của Gia Rết. Anh chị em học được gì từ cách đáp ứng của Chúa với lời cầu nguyện? Hãy nghĩ về một lần khi anh chị em có được lòng thương xót của Chúa trong khi kêu cầu lên Ngài trong lời cầu nguyện. Anh chị em có thể muốn ghi lại kinh nghiệm này và chia sẻ nó với một ai đó cần được nghe chứng ngôn của anh chị em.
Tôi có thể nhận được sự mặc khải cho cuộc đời mình.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Tôi khẩn nài các anh chị em gia tăng khả năng thuộc linh của mình để nhận được sự mặc khải. … Hãy chọn làm công việc thuộc linh được đòi hỏi này để vui hưởng ân tứ Đức Thánh Linh và nghe được tiếng nói của Thánh Linh thường xuyên hơn và rõ ràng hơn” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96).
Khi anh chị em học Ê The 2; 3:1–6; 4:7–15, anh chị em học được điều gì về “công việc thuộc linh” mà Chủ Tịch Nelson đã nói đến? Anh chị em có thể đánh dấu các câu hỏi hoặc mối bận tâm mà anh của Gia Rết đã có và điều ông đã làm với chúng bằng một màu mực, và dùng một màu mực khác để đánh dấu cách Chúa đã giúp ông và biểu lộ ý muốn của Ngài.
Sau đây là một số câu hỏi để suy ngẫm khi anh chị em học tập:
-
Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về cách Chúa trả lời những câu hỏi của anh của Gia Rết trong Ê The 2:18–25?
-
Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng Ê The 3:1–5 để giúp một người nào đó đang học cách cầu nguyện?
-
Điều gì có thể ngăn cản anh chị em nhận được sự mặc khải từ Chúa? (xin xem Ê The 4:8–10). Làm thế nào anh chị em có thể nhận được sự mặc khải từ Ngài thường xuyên hơn? (xin xem Ê The 4:7, 11–15).
-
Anh chị em nghĩ “xé rách được tấm màn vô tín ngưỡng” trong cuộc sống của mình có nghĩa là gì (Ê The 4:15).
Anh chị em học được điều gì khác từ anh của Gia Rết về sự mặc khải cá nhân?
Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy về “Một Khuôn Khổ cho Sự Mặc Khải Cá Nhân” (Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 16–19). Hãy cân nhắc việc vẽ một khung hình và viết bốn yếu tố của khuôn khổ đó ở mỗi cạnh. Làm thế nào khuôn khổ này có thể giúp anh chị em “gia tăng khả năng của mình để nhận được sự mặc khải”?
Qua sự sửa phạt của Ngài, Chúa mời gọi tôi hối cải và đến với Ngài.
Ngay cả một vị tiên tri vĩ đại như anh của Gia Rết cũng cần sự quở phạt từ Chúa. Anh chị em học được điều gì từ Ê The 2:14–15 về sự quở phạt của Chúa? Anh chị em cũng có thể thảo luận về cách Chúa quở phạt và phản ứng của anh của Gia Rết có thể đã giúp ông chuẩn bị ra sao cho kinh nghiệm trong Ê The 3:1–20.
Chúa sẽ chuẩn bị cho tôi vượt qua “vực sâu” của mình.
Đôi khi, vượt qua “vực sâu” là cách duy nhất để làm tròn ý muốn của Thượng Đế dành cho chúng ta. Anh chị em có thấy những sự tương đồng với cuộc đời mình trong Ê The 2:16–25 không? Bằng cách nào Chúa đã chuẩn bị anh chị em cho những thử thách của anh chị em? Ngài đang yêu cầu anh chị em làm gì bây giờ để chuẩn bị cho điều Ngài cần anh chị em làm trong tương lai?
Xin xem thêm L. Todd Budge, “Sự Tin Cậy Kiên Định và Kiên Cường,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 47–49.
Các nhân chứng làm chứng về tính chân thật của Sách Mặc Môn.
Khi anh chị em đọc lời tiên tri của Mô Rô Ni trong Ê The 5, hãy suy ngẫm mục đích của Chúa trong việc chuẩn bị nhiều nhân chứng về Sách Mặc Môn. Những nhân chứng nào đã soi dẫn anh chị em tin rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế? Sách Mặc Môn đã cho anh chị em thấy “quyền năng của Thượng Đế và luôn cả lời của Ngài” như thế nào? (Ê The 5:4).
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Cha Thiên Thượng lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi.
-
Nếu anh chị em biết một ngôn ngữ mà các bé không biết, thì hãy cho chúng một số hướng dẫn đơn giản bằng ngôn ngữ đó (hoặc phát một bản thu âm của một ngôn ngữ khác). Anh chị em có thể sử dụng điều này để giải thích lý do tại sao anh của Gia Rết đã cầu nguyện để được giúp đỡ trong Ê The 1:33–37. Hãy nhấn mạnh cảm nghĩ của Chúa về lời cầu nguyện này và cách Ngài đáp ứng (xin xem thêm “Chương 50: Dân Gia Rết Rời Ba Bên,” Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 143–144).
-
Các bé có thể giả vờ đóng một chiếc thuyền khi anh chị em đọc Ê The 2:16–17. Sau đó, anh chị em và các bé có thể đọc về những vấn đề dân Gia Rết gặp phải với các chiếc thuyền của họ (xin xem Ê The 2:19) và những cách đáp ứng khác nhau của Chúa cho những lời cầu nguyện của anh của Gia Rết (xin xem Ê The 2:19–25; 3:1–6). Bức tranh và trang sinh hoạt ở cuối đề cương này có thể giúp anh chị em và các bé kể câu chuyện. Chúng ta học được điều gì từ anh của Gia Rết về lời cầu nguyện? Hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm khi anh chị em cầu xin sự giúp đỡ và Cha Thiên Thượng đã giúp đỡ anh chị em.
Tôi được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế.
-
Khi chúng lớn lên, con cái của anh chị em sẽ gặp nhiều thông điệp sai lạc về Thượng Đế, về bản thân, và cơ thể của chúng. Anh chị em có thể yêu cầu chúng giúp anh chị em tìm kiếm các lẽ thật về các đề tài này trong Ê The 3:6–16. Để nhấn mạnh lẽ thật được giảng dạy trong Ê The 3:13, 15, anh chị em có thể cùng nhau nhìn vào một bức hình của Đấng Cứu Rỗi và mời các bé chỉ vào các phần khác nhau của cơ thể Ngài. Sau đó chúng có thể chỉ vào phần đó trên cơ thể của mình. Anh chị em và các bé có thể nói về lý do tại sao anh chị em biết ơn về cơ thể của mình.
Ba nhân chứng làm chứng về Sách Mặc Môn.
-
Mô Rô Ni đã tiên tri rằng Ba Nhân Chứng sẽ giúp thiết lập lẽ thật về Sách Mặc Môn. Để giảng dạy một nhân chứng là gì, anh chị em có thể bảo các bé mô tả một điều gì đó chúng đã thấy hoặc trải qua mà những người khác thì không. Sau đó, khi cùng nhau đọc Ê The 5, anh chị em có thể nói về lý do tại sao Thượng Đế sử dụng các nhân chứng trong công việc của Ngài. Anh chị em cũng có thể chia sẻ với nhau về làm thế nào mà anh chị em biết Sách Mặc Môn là chân chính và làm sao để chia sẻ lời chứng của mình với người khác.