“2. Hỗ Trợ Các Cá Nhân và Gia Đình trong Công Việc Cứu Rỗi và Tôn Cao,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).
“2. Hỗ Trợ Các Cá Nhân và Gia Đình,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.
2.
Hỗ Trợ Các Cá Nhân và Gia Đình trong Công Việc Cứu Rỗi và Tôn Cao
2.0
Lời Giới Thiệu
Là một người lãnh đạo trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em hỗ trợ các cá nhân và gia đình trong việc thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế (xin xem phần 1.2). Mục đích tột bậc của công việc này là nhằm giúp tất cả con cái của Thượng Đế nhận được các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu và một niềm vui trọn vẹn.
Phần lớn công việc cứu rỗi và tôn cao được thực hiện qua gia đình. Đối với tất cả các tín hữu Giáo Hội, công việc này được tập trung ở nhà. Chương này sẽ giúp anh chị em có được một sự hiểu biết về:
-
Vai trò của gia đình trong kế hoạch của Thượng Đế.
-
Công việc cứu rỗi và tôn cao trong gia đình.
-
Mối quan hệ giữa gia đình và Giáo Hội.
2.1
Vai Trò của Gia Đình trong Kế Hoạch của Thượng Đế
Gia đình là do Thượng Đế quy định và là trọng tâm kế hoạch của Ngài. Mỗi người chúng ta “là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng [với] một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Chúng ta là phần tử của gia đình cha mẹ thiên thượng. Chúng ta đã sống với hai Ngài trước khi được sinh ra trên thế gian.
Là một phần kế hoạch của Ngài, Cha Thiên Thượng đã thiết lập các gia đình trên thế gian. Ngài dự định cho gia đình mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Gia đình mang đến các cơ hội để học hỏi, tăng trưởng, phục vụ, hối cải và tha thứ. Gia đình có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.
Trong cuộc sống này, nhiều người bị hạn chế các cơ hội để có được các mối quan hệ gia đình yêu thương. Không có gia đình nào thoát khỏi những thử thách, nỗi đau đớn và buồn phiền. Các cá nhân và gia đình thực hành đức tin nơi Chúa và cố gắng sống theo các lẽ thật mà Ngài đã mặc khải về gia đình. Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng Ngài sẽ làm nhẹ đi những gánh nặng của tất cả những ai đến cùng Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30).
Kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng bảo đảm rằng tất cả con cái của Ngài sẽ có cơ hội chấp nhận phúc âm của Ngài và nhận được các phước lành lớn nhất của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 137:7–10). Tất cả những ai lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế đều có thể cảm nhận niềm vui và “sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (Giáo Lý và Giao Ước 59:23; xin xem thêm Mô Si A 2:41).
Lời hứa của Thượng Đế về cuộc sống vĩnh cửu gồm có hôn nhân vĩnh cửu, con cái và tất cả các phước lành khác của một gia đình vĩnh cửu. Lời hứa này áp dụng cho những người hiện chưa kết hôn hoặc chưa có gia đình trong Giáo Hội (xin xem đoạn 38.1.4). Mặc dù thời gian và cách thức chính xác mà các phước lành của sự tôn cao mà được tiếp nhận sẽ không được biết trước, nhưng các phước lành này được bảo đảm cho những ai cố gắng sống như các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.
2.1.1
Gia Đình Vĩnh Cửu
Gia đình vĩnh cửu được hình thành khi các tín hữu Giáo Hội lập giao ước khi họ nhận được các giáo lễ gắn bó trong đền thờ. Các phước lành của một gia đình vĩnh cửu đạt được khi các tín hữu tuân giữ những giao ước đó và hối cải khi họ phạm lỗi lầm. Các vị lãnh đạo Giáo Hội giúp các tín hữu chuẩn bị để tiếp nhận các giáo lễ này và tôn trọng các giao ước của họ.
Mỗi người có thể làm tròn một số vai trò trong một gia đình vĩnh cửu. Tất cả các vai trò trong gia đình đều thiêng liêng và quan trọng. Những vai trò này có thể gồm có cha mẹ, con trai con gái, anh chị em, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ và ông bà. Việc làm tròn những vai trò này trong tình yêu thương giúp con cái của Thượng Đế tiến tới cuộc sống vĩnh cửu.
Một khía cạnh khác nữa của việc thiết lập các gia đình vĩnh cửu là thực hiện các giáo lễ trong đền thờ mà cho phép các tín hữu được làm lễ gắn bó với các tổ tiên đã qua đời của họ.
Với sự hiểu biết về kế hoạch của Thượng Đế, các tín hữu tìm kiếm các phước lành của một gia đình vĩnh cửu. Điều này gồm có việc chuẩn bị để trở thành một người phối ngẫu và cha hay mẹ xứng đáng, nhân từ.
2.1.2
Vợ Chồng
Hôn nhân giữa một người nam và người nữ là do Thượng Đế quy định (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 49:15). Vợ chồng có mục đích là để cùng nhau tiến triển hướng tới cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:11).
Một trong những điều kiện để có được cuộc sống vĩnh cửu là một người nam và một người nữ lập giao ước hôn nhân thiên thượng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4). Một cặp vợ chồng lập giao ước này khi họ nhận được giáo lễ gắn bó hôn nhân trong đền thờ. Giao ước này là nền tảng của một gia đình vĩnh cửu. Khi được trung thành tuân giữ, giao ước này cho phép cuộc hôn nhân của họ tồn tại vĩnh viễn. Cuối cùng, họ có thể trở nên giống như Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19–20).
Thượng Đế đã truyền lệnh cho vợ chồng phải kết hợp với nhau (xin xem Sáng Thế Ký 2:24; Giáo Lý và Giao Ước 42:22). Trong ngữ cảnh này, từ kết hợp có nghĩa là tận tâm và chung thủy với một người nào đó. Vợ chồng kết hợp với nhau bằng cách yêu thương và phục vụ lẫn nhau.
Việc kết hợp cũng gồm có sự chung thủy trọn vẹn giữa vợ và chồng. Sự gần gũi thể xác giữa vợ chồng phải đạt mục đích là tuyệt vời và thiêng liêng. Điều này do Thượng Đế quy định cho việc tạo ra con cái và cho sự bày tỏ tình yêu giữa vợ chồng. Sự dịu dàng và kính trọng—chứ không phải là tính ích kỷ—nên hướng dẫn mối quan hệ gần gũi của họ.
Thượng Đế đã truyền lệnh rằng sự gần gũi tình dục phải được dành riêng cho hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Việc vẫn còn trinh khiết về mặt tình dục trước khi kết hôn và trung thành trong hôn nhân giúp các cá nhân thực sự hạnh phúc và tránh sự tổn hại về mặt thuộc linh, cảm xúc và thể xác. Cha mẹ và các vị lãnh đạo Giáo Hội được khuyến khích nên làm hết sức để tái củng cố lời giảng dạy này. (Xin xem 38.6.5.)
Một cặp vợ chồng cố gắng được hiệp nhất trong việc thiết lập gia đình của mình (xin xem Sáng Thế Ký 2:24). Việc được kết hợp trong hôn nhân đòi hỏi sự cộng tác trọn vẹn và biết chia sẻ các trách nhiệm với nhau. Vợ chồng đều bình đẳng dưới mắt Thượng Đế. Người này không nên lấn át người kia. Những quyết định của họ nên được đưa ra trong sự thống nhất và yêu thương với sự tham gia trọn vẹn của cả hai.
A Đam và Ê Va nêu gương cho các cặp vợ chồng. Họ đã làm việc, cầu nguyện và cùng nhau thờ phượng (xin xem Môi Se 5:1, 4). Họ đã dạy cho con cái của họ phúc âm và than khóc với nhau trước những thử thách của con cái họ (xin xem Môi Se 5:12, 27). Họ đã hiệp nhất với nhau và với Thượng Đế.
2.1.3
Cha Mẹ và Con Cái
Trước khi con cái của Thượng Đế có thể nhận được “sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu,” thì họ phải nhận được một thể xác hữu diệt (Môi Se 1:39). Lệnh truyền đầu tiên của Thượng Đế cho A Đam và Ê Va với tư cách là vợ chồng là phải sinh sản con cái (xin xem Sáng Thế Ký 1:28). Các vị tiên tri Ngày Sau đã dạy rằng “lệnh truyền của Thượng Đế cho con cái của Ngài là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 49:16–17).
Đó là một đặc ân và trách nhiệm thiêng liêng đối với một cặp vợ chồng để chăm sóc cho con cái mà họ có thể sinh ra hoặc nhận nuôi. Cha mẹ nuôi cũng có những phước lành và trách nhiệm giống như cha mẹ ruột.
Một cặp vợ chồng yêu thương nhau cùng cung cấp môi trường tốt nhất để nuôi nấng và nuôi dưỡng con cái. Các hoàn cảnh cá nhân có thể ngăn cản cha mẹ cùng nhau nuôi nấng con cái của họ. Tuy nhiên, Chúa sẽ ban phước cho họ khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài và cố gắng tuân giữ các giao ước của họ với Ngài.
Cha mẹ có trách nhiệm thiết yếu để giúp con cái của họ chuẩn bị tiếp nhận các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu. Họ dạy con cái biết yêu thương và phục vụ Thượng Đế và những người khác (xin xem Ma Thi Ơ 22:36–40). Họ dạy con cái biết cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và học hỏi lời của Thượng Đế (xin xem An Ma 37:36–37, 44–46). Họ giúp con cái hiểu được giáo lý về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:25). Họ cũng giúp con cái chuẩn bị để lập các giao ước khi chúng nhận được các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao.
“Những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và sự bảo vệ gia đình mình” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Khi không có người chồng hoặc người cha trong nhà, thì người mẹ chủ tọa gia đình.
Việc chủ tọa trong gia đình là trách nhiệm để giúp hướng dẫn những người trong gia đình trở về sống nơi hiện diện của Thượng Đế. Điều này được thực hiện bằng cách phục vụ và giảng dạy một cách dịu dàng, nhu mì và với tình yêu thương thanh khiết, noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Ma Thi Ơ 20:26–28). Việc chủ tọa trong gia đình gồm có hướng dẫn những người trong gia đình thường xuyên cầu nguyện, học phúc âm, và các khía cạnh khác của sự thờ phượng. Cha mẹ cố gắng hiệp nhất để làm tròn các trách nhiệm này.
“Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Nuôi dưỡng có nghĩa là nuôi nấng, dạy dỗ và hỗ trợ, noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi (xin xem 3 Nê Phi 10:4). Để hiệp nhất với chồng mình, một người mẹ giúp gia đình mình học hỏi các lẽ thật phúc âm và phát triển đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cùng nhau khuyến khích một môi trường yêu thương trong gia đình.
“Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Họ thành tâm hội ý cùng với nhau và cùng với Chúa. Họ cùng nhau đưa ra quyết định trong sự hiệp nhất và tình yêu thương, với sự tham gia trọn vẹn của cả hai.
2.2
Công Việc Cứu Rỗi và Tôn Cao trong Gia Đình
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói: “Gia đình là nền tảng của một cuộc sống ngay chính” (Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 11 tháng Hai năm 1999). Trong nhà của họ, các cá nhân và gia đình tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao. Công việc này gồm có bốn trách nhiệm đã được Chúa chỉ định:
-
Sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem đoạn 1.2.1)
-
Chăm sóc cho những người hoạn nạn (xin xem đoạn 1.2.2)
-
Mời tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm (xin xem đoạn 1.2.3)
-
Kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu (xin xem đoạn 1.2.4)
Để hỗ trợ các tín hữu trong việc thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao trong nhà, các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyến khích họ thiết lập một ngôi nhà nơi có sự hiện diện của Thánh Linh. Họ cũng khuyến khích các tín hữu tôn trọng ngày Sa Bát, nghiên cứu và học hỏi phúc âm tại nhà cùng tổ chức buổi họp tối hằng tuần tại nhà. Các vị lãnh đạo chú trọng đặc biệt đến việc hỗ trợ các cá nhân mà có thể thiếu sự trợ giúp hoặc khuyến khích từ những người trong gia đình.
2.2.1
Ngôi Nhà Nơi Có Sự Hiện Diện của Thánh Linh
Các tín hữu Giáo Hội được khuyến khích để làm cho ngôi nhà của họ trở thành một nơi có sức mạnh và niềm vui thuộc linh. Họ có thể mời Thánh Linh của Chúa vào nhà của họ qua các nỗ lực đơn giản. Mỗi ngôi nhà có thể là “ngôi nhà cầu nguyện, ngôi nhà nhịn ăn, ngôi nhà của đức tin, ngôi nhà của sự học hỏi, ngôi nhà của sự vinh quang, ngôi nhà của sự trật tự, ngôi nhà của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 88:119).
2.2.2
Sự Tuân Thủ Ngày Sa Bát
Thượng Đế đã truyền lệnh cho con cái của Ngài phải “nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8). Các tín hữu Giáo Hội quy tụ vào ngày Sa Bát để dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:12). Ngày Sa Bát là một ngày để học hỏi và giảng dạy phúc âm ở nhà thờ và ở nhà. Các tín hữu có thể được củng cố vào ngày Sa Bát khi họ tham gia vào các sinh hoạt chẳng hạn như:
-
Thờ phượng riêng qua lời cầu nguyện và sự nhịn ăn.
-
Học và giảng dạy phúc âm.
-
Phục sự và phục vụ những người khác.
-
Lịch sử gia đình.
-
Vui hưởng thời gian với gia đình.
-
Những buổi quy tụ thích hợp khác.
2.2.3
Học và Giảng Dạy Phúc Âm ở Nhà
Việc giảng dạy và học phúc âm được tập trung ở nhà và được Giáo Hội hỗ trợ. Các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyến khích tất cả các tín hữu học phúc âm ở nhà vào ngày Sa Bát và trong suốt tuần. Việc học phúc âm ở nhà củng cố các cá nhân và gia đình. Việc này gia tăng sự cải đạo theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
Việc học thánh thư được mô tả trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành cho Cá Nhân và Gia Đình là khóa học được đề nghị cho việc học phúc âm ở nhà. Tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta kết hợp các bài học trong Hội Thiếu Nhi, Trường Chủ Nhật, Hội Thiếu Nữ, các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và lớp giáo lý với việc học phúc âm tại nhà.
Các cá nhân và gia đình tìm kiếm sự soi dẫn khi họ chọn học điều mà sẽ đáp ứng tốt nhất cho các nhu cầu của họ. Ngoài các đoạn thánh thư được đề nghị trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta, họ còn có thể thành tâm xem xét việc học:
-
Sách Mặc Môn và các thánh thư khác.
-
Các sứ điệp trong đại hội trung ương.
-
Các tạp chí của Giáo Hội và nội dung khác mang tính gây dựng.
2.2.4
Buổi Họp Tối Gia Đình và Các Sinh Hoạt Khác
Các vị tiên tri ngày sau đã khuyên bảo các tín hữu Giáo Hội nên tổ chức một buổi họp tối gia đình tại nhà hằng tuần. Đây là thời gian thiêng liêng để các cá nhân và gia đình học hỏi phúc âm, củng cố chứng ngôn, xây dựng tình đoàn kết và vui hưởng thời gian bên nhau.
Buổi họp tối gia đình linh động tùy theo hoàn cảnh của các tín hữu. Buổi họp này có thể được tổ chức vào ngày Sa Bát hoặc vào ngày và thời gian khác. Buổi họp này có thể gồm có:
-
Học và giảng dạy phúc âm (các tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta có thể được sử dụng nếu muốn).
-
Phục vụ những người khác.
-
Hát hoặc phát các bài thánh ca và các bài hát của Hội Thiếu Nhi được thu âm sẵn (xin xem chương 19).
-
Hỗ trợ những người trong gia đình trong Sự phát triển của Trẻ Em và Giới Trẻ.
-
Một hội đồng gia đình để lập các mục tiêu, giải quyết các vấn đề và điều phối lịch trình.
-
Các sinh hoạt giải trí.
Các tín hữu độc thân và những người khác có thể quy tụ theo nhóm ở bên ngoài các buổi lễ thờ phượng trong ngày Sa Bát bình thường để tham gia buổi họp tối gia đình và củng cố lẫn nhau qua việc học phúc âm. Hãy Đến Mà Theo Ta có thể là nguồn tài liệu cho những người mong muốn cùng nhau học hỏi.
Các vị lãnh đạo đặc biệt chú ý đến việc giúp đỡ những người còn mới để tổ chức buổi họp tối gia đình và học phúc âm.
Ngoài buổi họp tối gia đình ra, các vị lãnh đạo còn khuyến khích các gia đình nên ưu tiên cho thời gian bên nhau trong suốt tuần. Điều này có thể gồm có việc chia sẻ bữa ăn, làm việc và phục vụ chung với nhau, và các sinh hoạt giải trí.
Để tạo thời gian cho các gia đình được ở bên nhau, các vị lãnh đạo nên tránh không có hội họp và sinh hoạt trong Giáo Hội vào tối thứ Hai.
Các vị lãnh đạo khuyến khích các tín hữu nên kiên định trong việc tổ chức buổi họp tối gia đình và dành thời gian bên gia đình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 64:33).
2.2.5
Hỗ Trợ Các Cá Nhân
Các vị lãnh đạo Giáo Hội trợ giúp các tín hữu nào thiếu sự hỗ trợ của gia đình. Những người tín hữu mà có thể cần thêm sự hỗ trợ là:
-
Các em thiếu nhi, giới trẻ và những người thành niên mà có gia đình không tích cực tham gia các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội.
-
Những người thành niên độc thân thuộc đủ mọi lứa tuổi, kể cả cha mẹ đơn thân và các tín hữu góa bụa.
Các vị lãnh đạo giúp các tín hữu này và gia đình của họ có được cơ hội để kết tình thân hữu, có những kinh nghiệm giao tiếp lành mạnh và có sự tăng trưởng phần thuộc linh. Các vị lãnh đạo khuyến khích và trợ giúp họ trong các nỗ lực của họ để học hỏi và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các vị lãnh đạo cũng mang đến cho họ cơ hội phục vụ trong Giáo Hội.
2.3
Mối Quan Hệ giữa Gia Đình và Giáo Hội
Công việc cứu rỗi và tôn cao được tập trung trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ. Các nguyên tắc sau đây áp dụng trong mối quan hệ giữa gia đình và Giáo Hội.
-
Các vị lãnh đạo và giảng viên làm vinh hiển vai trò của các bậc cha mẹ và trợ giúp họ. Các vị lãnh đạo và giảng viên thiết lập và duy trì sự liên lạc hiệu quả với cha mẹ.
-
Các vị lãnh đạo tìm cách bảo đảm rằng các buổi họp, sinh hoạt và chương trình của Giáo Hội hỗ trợ các cá nhân và gia đình thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao trong nhà của họ.
-
Một số buổi họp của Giáo Hội là rất thiết yếu trong mỗi tiểu giáo khu hoặc chi nhánh. Những buổi họp này gồm có buổi lễ Tiệc Thánh và các lớp học cùng các buổi họp nhóm túc số được tổ chức vào ngày Sa Bát. Nhiều buổi họp, sinh hoạt và chương trình khác là không cần thiết. Các vị lãnh đạo tổ chức các buổi họp này khi cần để giúp đáp ứng các nhu cầu của cá nhân và gia đình. Các vị lãnh đạo xem xét các hoàn cảnh và nguồn lực địa phương.
-
Các cá nhân và gia đình xem xét hoàn cảnh của họ khi đưa ra quyết định về việc tham gia các chương trình của Giáo Hội mà không cần thiết.
-
Sự phục vụ và tham gia trong Giáo Hội đòi hỏi một mức độ hy sinh. Chúa sẽ ban phước cho các tín hữu khi họ phục vụ và hy sinh trong Giáo Hội của Ngài. Tuy nhiên, số lượng thời gian dành cho sự phục vụ Giáo Hội không nên làm giảm bớt khả năng của các tín hữu để làm tròn trách nhiệm của họ ở nhà, ở nơi làm việc và ở nơi nào khác. Các vị lãnh đạo và các tín hữu không nên bị chất chồng quá nhiều trách nhiệm của Giáo Hội. Họ cũng không nên được yêu cầu hy sinh quá mức để hỗ trợ các chương trình hoặc các sinh hoạt của Giáo Hội.
Khi các tín hữu tuân theo những nguyên tắc này và sự thúc giục của Thánh Linh, thì Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho những nỗ lực của họ.