Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
27. Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Sống


“27. Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Sống,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“27. Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Sống,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

cô dâu chú rể

27.

Các Giáo Lễ Đền Thờ dành cho Người Sống

27.0

Lời Giới Thiệu

Từ thời xưa, bất cứ khi nào có một dân tộc trung tín trên thế gian thì Thượng Đế đều ban phước cho họ với các giao ước và giáo lễ trong đền thờ. Đôi khi Ngài đã cho phép các giáo lễ thiêng liêng của Ngài được thực hiện ở bên ngoài các đền thờ khi không có đền thờ được làm lễ cung hiến (xin xem Sáng Thế Ký 28:12–22; Xuất Ê Díp Tô Ký 24; Xuất Ê Díp Tô Ký 25:8–9; Ê The 3). Nhưng bất cứ khi nào Chúa đã thành lập Giáo Hội của Ngài, thì Ngài đã truyền lệnh cho dân Ngài xây cất một ngôi nhà “cho danh [Ngài].” Tại đó, Ngài mặc khải các giáo lễ và vinh quang của vương quốc Ngài cùng giảng dạy con đường cứu rỗi. (Xin xem 2 Sử Ký 3–5; 2 Nê Phi 5:16; Giáo Lý và Giao Ước 97:10–16; 124:29–39.)

Đền thờ là nhà của Chúa. Đền thờ hướng sự chú ý của chúng ta tới Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Trong đền thờ, chúng ta tham gia vào các giáo lễ thiêng liêng và lập giao ước với Cha Thiên Thượng để ràng buộc chúng ta với Ngài và với Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Những giao ước và giáo lễ này chuẩn bị cho chúng ta trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng và được làm lễ gắn bó gia đình chung với nhau cho đến vĩnh cửu.

Trong đền thờ, các phước lành lớn lao cũng dành sẵn cho các con cái trung tín của Thượng Đế trong cuộc đời này. Trong các giao ước và giáo lễ của đền thờ, “quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt” (Giáo Lý và Giao Ước 84:20). Đền thờ là một nơi thiêng liêng nơi mà các tín hữu có thể thờ phượng, học hỏi, nhận được sự hướng dẫn và an ủi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:13–16). Những người tham dự đền thờ có thể tiếp cận quyền năng của Thượng Đế để giúp hoàn tất công việc của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:22–23; xin xem thêm phần 3.5 trong sách hướng dẫn này).

Các giáo lễ và giao ước đền thờ đều là thiêng liêng. Các biểu tượng liên quan tới các giao ước đền thờ không nên được thảo luận ở bên ngoài đền thờ. Chúng ta cũng không nên thảo luận về chi tiết thiêng liêng mà chúng ta hứa trong đền thờ là sẽ không tiết lộ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thảo luận các mục đích và giáo lý cơ bản của các giao ước và giáo lễ đền thờ cũng như những cảm nghĩ thuộc linh mà chúng ta có trong đền thờ.

Các vị lãnh đạo trong tiểu giáo khu và giáo khu thảo luận thông tin trong chương này với các tín hữu đang chuẩn bị để tiếp nhận lễ thiên ân hoặc các giáo lễ gắn bó.

27.1

Tiếp Nhận Các Giáo Lễ Đền Thờ

27.1.1

Chuẩn Bị Tiếp Nhận Các Giáo Lễ Đền Thờ

Các tín hữu nên chuẩn bị phần thuộc linh để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ, lập và tôn trọng các giao ước đền thờ.

Cha mẹ có trách nhiệm chính là giúp con cái họ chuẩn bị để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ. Các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu, những người anh em và chị em phục sự, cùng các thân quyến hỗ trợ các cha mẹ trong vai trò này.

Các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu thường xuyên khuyến khích các tín hữu chuẩn bị để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ của họ. Các vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng các giao ước đền thờ và việc luôn xứng đáng để có một giấy giới thiệu đi đền thờ.

Các nguồn tài liệu để giúp các tín hữu chuẩn bị để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ đều có sẵn trên trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org.

Các tín hữu đang chuẩn bị tiếp nhận lễ thiên ân của họ hoặc được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu đều được khuyến khích tham dự khóa học chuẩn bị để đi đền thờ (xin xem đoạn 25.2.8).

Các tín hữu gặp vị giám trợ và chủ tịch giáo khu của họ để nhận được một giấy giới thiệu để làm các giáo lễ dành cho người sống khi họ:

  • Tiếp nhận lễ thiên ân của họ.

  • Được làm lễ gắn bó với một người phối ngẫu.

Để có thông tin về việc cấp giấy giới thiệu đi đền thờ trong những hoàn cảnh này, xin xem phần 26.1 và đoạn 26.3.1.

trẻ em mặc quần áo màu trắng

27.1.2

Lên Lịch Hẹn để Thực Hiện Các Giáo Lễ Đền Thờ

Các tín hữu nào đang dự định tiếp nhận lễ thiên ân hoặc làm lễ gắn bó hay lễ hôn phối thì nên sắp xếp lịch trình thực hiện giáo lễ trước với đền thờ mà họ dự định tham dự. Thông thường, họ làm điều này sau khi đã nhận được giấy giới thiệu cho các giáo lễ dành cho người sống. Xin xem trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org để biết thông tin liên lạc của mỗi đền thờ.

27.1.3

Các Tín Hữu Có Khuyết Tật về Thể Chất

Các tín hữu xứng đáng mà có khuyết tật về thể chất đều có thể nhận được các giáo lễ đền thờ (xin xem đoạn 38.2.5). Các tín hữu này được khuyến khích tham dự đền thờ cùng với thân quyến hoặc bạn bè cùng giới tính và đã được làm lễ thiên ân mà có thể phụ giúp họ. Những người nào phụ giúp thì phải có một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. Nếu không thể tham dự cùng với một người trong gia đình hoặc một người bạn, các tín hữu có thể gọi điện thoại trước cho đền thờ để xem có thể có những sắp xếp nào. Xin xem trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org để biết thông tin liên lạc của mỗi đền thờ.

Những con vật phục vụ và những con vật hỗ trợ cảm xúc đều không được phép vào trong đền thờ. Các chủ tịch giáo khu có thể liên lạc với Sở Đền Thờ tại trang mạng TempleDepartment@ChurchofJesusChrist.org nếu họ có thắc mắc.

27.1.4

Phụ Giúp Phiên Dịch hoặc Thông Dịch

Nếu các tín hữu cần sự phụ giúp phiên dịch hoặc thông dịch, họ cần phải liên lạc trước với đền thờ để xem sự phụ giúp đó có sẵn không. Xin xem trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org để biết thông tin liên lạc của mỗi đền thờ.

27.1.5

Quần Áo để Mặc Đi Đền Thờ

Khi đi đền thờ, các tín hữu nên mặc quần áo mà họ thường mặc đi dự lễ Tiệc Thánh. Họ nên tránh mặc quần áo xuềnh xoàng hoặc không che được trang phục đền thờ. Họ cũng nên tránh mặc quần áo quá trang trọng, chẳng hạn như tuxedo. Chỉ dẫn này tốt nhất được dạy bởi cha mẹ, những anh chị em phục sự và các vị lãnh đạo tiểu giáo khu và giáo khu khi các tín hữu chuẩn bị thờ phượng trong đền thờ.

Xin xem mục 27.3.2.6 để biết thông tin về quần áo mặc khi đi tham dự lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó trong đền thờ.

Xin xem phần 38.5 để có thông tin về:

  • Quần áo để mặc trong các giáo lễ thiên ân và lễ gắn bó.

  • Nhận được, ăn mặc và chăm sóc lễ phục và trang phục đền thờ.

27.1.6

Trông Coi Trẻ Em

Trẻ em cần phải có người lớn trông chừng nếu đang ở trong khuôn viên đền thờ. Những người làm việc trong đền thờ chỉ có mặt để trông chừng các trẻ em trong những trường hợp sau:

  • Nếu các em này được làm lễ gắn bó với cha mẹ

  • Nếu các em này chứng kiến lễ gắn bó của cha mẹ mình với anh chị em ruột, anh chị em con riêng của cha hay mẹ kế hoặc anh chị em khác cha hay khác mẹ còn sống của mình

27.1.7

Nói Chuyện với Các Tín Hữu Sau Khi Họ Tiếp Nhận Các Giáo Lễ Đền Thờ

Các tín hữu thường có thắc mắc sau khi nhận được các giáo lễ đền thờ. Những người trong gia đình đã được làm lễ thiên ân, vị giám trợ, các vị lãnh đạo khác trong tiểu giáo khu và những người anh chị em phục sự có thể nhóm họp với các tín hữu để thảo luận về kinh nghiệm trong đền thờ của họ.

Các vị lãnh đạo cũng khuyến khích các tín hữu tìm kiếm những giải đáp cho các thắc mắc của họ qua sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Trong đền thờ, Thánh Linh có thể cung cấp những giải đáp cho nhiều thắc mắc mà các tín hữu có thể có về kinh nghiệm trong đền thờ của họ.

Các tài liệu để giúp giải đáp những thắc mắc đều có sẵn tại trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org.

27.2

Lễ Thiên Ân

Từ thiên ân có nghĩa là “ân tứ.” Lễ thiên ân trong đền thờ thực sự là một ân tứ từ Thượng Đế mà qua đó Ngài ban phước cho con cái của Ngài. Lễ thiên ân chỉ có thể nhận được trong các đền thờ thánh. Một số ân tứ mà các tín hữu nhận được qua lễ thiên ân trong đền thờ gồm có:

  • Sự hiểu biết lớn lao hơn về các mục đích và lời giảng dạy của Chúa.

  • Quyền năng để làm tất cả những điều Cha Thiên Thượng muốn con cái của Ngài phải làm.

  • Sự hướng dẫn thiêng liêng khi phục vụ Chúa, gia đình của họ và những người khác.

  • Niềm hy vọng, sự an ủi và bình an gia tăng.

Tất cả các phước lành đã được hứa của lễ thiên ân đều có hiệu lực trong cuộc sống này lẫn thời vĩnh cửu. Việc ứng nghiệm các phước lành này tùy thuộc vào sự trung tín với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Lễ thiên ân được tiếp nhận trong hai phần. Trong phần đầu, một người nhận được một giáo lễ sơ bộ được gọi là lễ mở đầu. Lễ mở đầu còn được gọi là thanh tẩy và xức dầu (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 29:4–9). Lễ này gồm có các phước lành đặc biệt liên quan đến di sản và tiềm năng thiêng liêng của người đó.

Trong khi làm lễ mở đầu, người tín hữu được phép mặc trang phục đền thờ. Bộ trang phục đại diện cho mối quan hệ cá nhân của người đó với Thượng Đế và sự cam kết để tuân theo các giao ước đã lập trong đền thờ. Khi các tín hữu trở nên trung thành với các giao ước của họ và mặc trang phục đúng cách trong suốt cuộc đời của họ thì bộ trang phục này cũng là một sự bảo vệ. Để có thông tin về việc mặc và chăm sóc bộ trang phục, xin xem đoạn 38.5.5.

Trong phần thứ hai của lễ thiên ân, kế hoạch cứu rỗi được giảng dạy, kể cả Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Bội Giáo và Sự Phục Hồi. Các tín hữu cũng nhận được chỉ dẫn về cách để trở lại nơi hiện diện của Chúa.

Trong lễ thiên ân, các tín hữu được mời lập các giao ước thiêng liêng như sau:

  • Sống theo luật vâng lời và cố gắng tuân giữ các giáo lệnh của Cha Thiên Thượng.

  • Tuân theo luật hy sinh mà có nghĩa là hy sinh để hỗ trợ công việc của Chúa và hối cải với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.

  • Tuân theo luật pháp của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, đó là luật pháp cao hơn mà Ngài đã dạy trong khi còn ở trên thế gian.

  • Tuân giữ luật trinh khiết có nghĩa là một tín hữu chỉ có quan hệ tình dục với người mà họ được kết hôn hợp pháp và hợp thức theo luật của Thượng Đế.

  • Tuân giữ luật dâng hiến có nghĩa là các tín hữu cống hiến thời gian, tài năng và mọi điều mà Chúa đã ban phước cho họ để xây đắp Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian.

Đổi lại, Cha Thiên Thượng hứa rằng những ai vẫn trung tín với các giao ước đền thờ của họ sẽ được ban cho “với quyền năng từ trên cao” (Giáo Lý và Giao Ước 38:32, 38; xin xem thêm Lu Ca 24:49; Giáo Lý và Giao Ước 43:16).

27.2.1

Ai Có Thể Tiếp Nhận Lễ Thiên Ân

Tất cả các tín hữu thành niên có trách nhiệm của Giáo Hội đều được mời chuẩn bị và tiếp nhận lễ thiên ân của họ. Tất cả các giáo lễ tiên quyết phải được thực hiện và được ghi lại trước khi các tín hữu có thể tiếp nhận lễ thiên ân (xin xem đoạn 26.3.1). Xin xem đoạn 27.2.2 để có thông tin về quyết định khi nào nên tiếp nhận lễ thiên ân.

27.2.1.1

Các Tín Hữu Mới Chịu Phép Báp Têm

Các tín hữu thành niên mới được báp têm và xứng đáng có thể tiếp nhận lễ thiên ân ít nhất tròn một năm kể từ ngày họ được làm lễ xác nhận (xin xem đoạn 26.5.2).

27.2.1.2

Các Tín Hữu Có Người Phối Ngẫu Chưa Được Làm Lễ Thiên Ân

Một tín hữu xứng đáng có người phối ngẫu chưa được làm lễ thiên ân thì có thể tiếp nhận lễ thiên ân của mình khi các điều kiện sau đây được đáp ứng:

  • Người phối ngẫu chưa nhận được lễ thiên ân đã đồng ý.

  • Người tín hữu đó, vị giám trợ và chủ tịch giáo khu phải tin chắc rằng trách nhiệm được đảm nhận với các giao ước đền thờ sẽ không làm gián đoạn hôn nhân.

Những điều kiện này được áp dụng cho dù người phối ngẫu có phải là tín hữu của Giáo Hội hay không.

27.2.1.3

Các Tín Hữu Bị Thiểu Năng Trí Tuệ

Các tín hữu bị thiểu năng trí tuệ có thể tiếp nhận lễ thiên ân của họ nếu:

  • Họ đã nhận được tất cả các giáo lễ tiên quyết (xin xem đoạn 26.3.1).

  • Họ có năng lực trí tuệ để hiểu, lập và tuân giữ các giao ước liên quan.

Vị giám trợ khuyên bảo người tín hữu và, nếu có thể, cha mẹ của họ. Vị này cũng tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh. Vị này có thể hội ý với chủ tịch giáo khu. Chủ tịch giáo khu có thể chuyển những thắc mắc đó lên Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu cần. Xin xem đoạn 38.2.4.

27.2.2

Quyết Định Khi Nào nên Tiếp Nhận Lễ Thiên Ân

Quyết định tiếp nhận lễ thiên ân là của riêng cá nhân và nên được thực hiện một cách thành tâm. Lễ thiên ân là một phước lành về quyền năng và sự mặc khải ban cho tất cả những ai chuẩn bị để tiếp nhận lễ ấy. Các tín hữu có thể chọn tiếp nhận lễ thiên ân của mình khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:

  • Họ phải được ít nhất 18 tuổi.

  • Họ đã hoàn tất hoặc không còn học trung học hoặc tương đương.

  • Tròn một năm đã trôi qua kể từ khi họ được làm lễ xác nhận.

  • Họ cảm thấy có ước muốn để tiếp nhận và tôn vinh các giao ước thiêng liêng trong đền thờ suốt cuộc đời của họ.

Các tín hữu nào đã nhận được một sự kêu gọi đi truyền giáo hoặc đang chuẩn bị để được làm lễ gắn bó trong đền thờ nên tiếp nhận lễ thiên ân. Vị giám trợ cũng khuyên bảo các tín hữu thành niên khác là những người mong muốn tiếp nhận lễ thiên ân.

Trước khi cấp giấy giới thiệu đi đền thờ cho một tín hữu để tiếp nhận lễ thiên ân, vị giám trợ và chủ tịch giáo khu nên cảm thấy rằng người đó đã sẵn sàng để hiểu và tuân giữ các giao ước thiêng liêng trong đền thờ. Việc đạt đủ tiêu chuẩn này được xác định riêng cho mỗi người. Các vị lãnh đạo không sử dụng các tiêu chí được phổ biến, chẳng hạn như các tiêu chí được liệt kê dưới đây, khi xác định xem một người có sẵn sàng để tiếp nhận lễ thiên ân hay không:

  • Đạt đến một độ tuổi nhất định

  • Rời nhà đi học đại học, đi làm việc hoặc nhập ngũ

  • Mong muốn chứng kiến lễ gắn bó trong đền thờ của một người trong gia đình hoặc người bạn

27.2.3

Hoạch Định và Lên Lịch Hẹn cho Lễ Thiên Ân

27.2.3.1

Nhận Được Giấy Giới Thiệu để Thực Hiện Các Giáo Lễ dành cho Người Sống

Một tín hữu cần phải nhận được một giấy giới thiệu để thực hiện các giáo lễ dành cho người sống để vào một đền thờ và tiếp nhận lễ thiên ân. Để có thông tin về các giấy giới thiệu này, xin xem đoạn 26.5.1.

27.2.3.2

Liên Lạc với Đền Thờ

Các tín hữu nào dự định tiếp nhận lễ thiên ân nên liên lạc trước với đền thờ để sắp xếp lịch hẹn cho giáo lễ này (xin xem đoạn 27.1.2). Đền thờ sẽ cung cấp những chỉ dẫn kể cả thông tin về y phục đền thờ, khi có lịch hẹn.

27.2.3.3

Những Người Đi Theo Giúp Đỡ Các Tín Hữu Tiếp Nhận Lễ Thiên Ân

Các tín hữu sắp tiếp nhận lễ thiên ân của họ có thể mời một tín hữu cùng giới tính với mình mà đã được làm lễ thiên ân để làm người đi theo giúp đỡ họ trong suốt phiên lễ thiên ân. Người đi theo giúp đỡ cần phải có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. Đền thờ có thể cung cấp một người đi theo giúp đỡ nếu cần.

27.3

Lễ Gắn Bó Vợ Chồng

“Gia đình là do Thượng Đế quy định. Hôn nhân giữa người nam và người nữ là thiết yếu cho kế hoạch vĩnh cửu của Ngài” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Một lễ gắn bó trong đền thờ kết hợp vợ chồng lại với nhau cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. Các cặp vợ chồng được làm lễ gắn bó trong đền thờ đều được hứa ban cho vinh quang và niềm vui suốt thời vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19–20). Họ sẽ nhận được các phước lành này nếu họ trung thành với các giao ước họ lập trong đền thờ. Qua giáo lễ này, con cái của họ cũng có thể thuộc vào gia đình vĩnh cửu của họ.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyến khích các tín hữu chuẩn bị để được kết hôn và làm lễ gắn bó trong đền thờ. Ở những nơi mà lễ hôn phối trong đền thờ không được pháp luật công nhận, các vị lãnh đạo Giáo Hội có thẩm quyền hoặc những người khác có thể thực hiện hôn lễ theo luật dân sự và một lễ gắn bó trong đền thờ được thực hiện sau đó (xin xem phần 38.3). Cách này cũng có thể được thực hiện khi một lễ hôn phối trong đền thờ có thể làm cho cha mẹ hoặc các thân quyến cảm thấy bị gạt ra ngoài vì họ không thể tham dự nghi lễ đền thờ.

gia đình ở bên ngoài đền thờ

27.3.1

Ai Có Thể Được Làm Lễ Gắn Bó trong Đền Thờ

Tất cả các tín hữu của Giáo Hội mà chưa kết hôn và có trách nhiệm giải trình đều được mời chuẩn bị để được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Những người đã kết hôn theo luật dân sự đều được khuyến khích làm lễ gắn bó cho thời tại thế và thời vĩnh cửu trong đền thờ ngay sau khi họ đã sẵn sàng. Các tín hữu cần phải được làm lễ thiên ân trước khi họ có thể được làm lễ gắn bó (xin xem phần 27.2).

Các cặp nam nữ được làm lễ gắn bó trong đền thờ đều phải (1) đã kết hôn theo luật dân sự trước khi được làm lễ gắn bó hoặc (2) đã kết hôn và được làm lễ gắn bó trong cùng một nghi lễ đền thờ. Xin xem đoạn 27.3.2.

27.3.1.1

Các Tín Hữu Đã Được Làm Lễ Gắn Bó với Người Phối Ngẫu Trước

Xin xem đoạn 38.4.1.

27.3.1.2

Các Tín Hữu Bị Thiểu Năng Trí Tuệ

Các tín hữu bị thiểu năng trí tuệ có thể được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu, hôn phu hay hôn thê của họ nếu:

  • Họ đã nhận được tất cả các giáo lễ tiên quyết kể cả lễ thiên ân (xin xem mục 27.2.1.3).

  • Họ có năng lực trí tuệ để hiểu, lập và tuân giữ các giao ước liên quan.

Vị giám trợ khuyên bảo tín hữu và người phối ngẫu, hôn phu hoặc hôn thê của họ. Vị này cũng tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh. Vị này có thể hội ý với chủ tịch giáo khu. Chủ tịch giáo khu có thể chuyển những thắc mắc đó lên Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu cần. Xin xem đoạn 38.2.4.

27.3.2

Hoạch Định và Lên Lịch Hẹn cho Lễ Hôn Phối hoặc Lễ Gắn Bó trong Đền Thờ

27.3.2.1

Nhận Được Giấy Giới Thiệu để Thực Hiện Các Giáo Lễ dành cho Người Sống

Một tín hữu cần phải nhận được giấy giới thiệu để thực hiện các giáo lễ dành cho người sống nhằm làm lễ gắn bó với người phối ngẫu của người ấy. Để có thông tin về các giấy giới thiệu này, xin xem phần 26.3.

27.3.2.2

Liên Lạc với Đền Thờ

Các tín hữu nào dự định làm lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó cho người phối ngẫu thì nên liên lạc trước với đền thờ để sắp xếp lịch hẹn cho giáo lễ này (xin xem đoạn 27.1.2). Đền thờ sẽ cung cấp những chỉ dẫn khi có lịch hẹn.

27.3.2.3

Có Được một Giấy Phép Kết Hôn

Trước khi kết hôn, một cặp nam nữ phải có giấy phép kết hôn hợp pháp và hợp lệ ở nơi mà lễ cưới sẽ được thực hiện. Nếu cặp nam nữ này dự định làm lễ hôn phối và lễ gắn bó trong cùng một nghi lễ, họ phải mang giấy phép kết hôn hợp lệ đến đền thờ.

Các cặp nam nữ đã được làm lễ gắn bó sau khi kết hôn theo luật dân sự không cần phải mang giấy phép kết hôn đến đền thờ. Thay vì thế, họ cung cấp ngày và địa điểm của lễ kết hôn theo luật dân sự của mình như là một phần của tiến trình kiểm chứng hồ sơ.

27.3.2.4

Những Người Đi Theo Giúp Đỡ Cô Dâu và Chú Rể

Một chị phụ nữ đã được làm lễ thiên ân có thể đi cùng cô dâu để phụ giúp cô ấy trong phòng thay đồ. Một anh em đã được làm lễ thiên ân có thể cũng làm điều tương tự cho chú rể. Người đi theo giúp đỡ cần phải có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. Đền thờ có thể cung cấp một người đi theo giúp đỡ nếu cần.

27.3.2.5

Ai Thực Hiện Lễ Hôn Phối hoặc Lễ Gắn Bó trong Đền Thờ

Một lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó trong đền thờ thường được thực hiện bởi một người được chỉ định cho ngôi đền thờ nơi mà cặp nam nữ sẽ được kết hôn hoặc làm lễ gắn bó. Nếu có một người trong gia đình hoặc người quen nắm giữ thẩm quyền làm lễ gắn bó và được chỉ định cho ngôi đền thờ nơi mà cặp nam nữ sẽ được kết hôn hoặc làm lễ gắn bó thì họ có thể mời người đó thực hiện lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó.

Một người thực hiện lễ gắn bó cũng có thể xin sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để thực hiện một lễ gắn bó cho con cháu trong dòng dõi của mình (con, cháu và chắt) trong một ngôi đền thờ khác với ngôi đền thờ mà người ấy được chỉ định. Người ấy phải nhận được thư cho phép của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cho mỗi lần làm lễ gắn bó như vậy. Người ấy trình ra bức thư đó ở đền thờ.

Các tín hữu không được khuyến khích để yêu cầu Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương thực hiện lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó đền thờ của họ.

27.3.2.6

Ăn Mặc Thích Hợp cho Lễ Hôn Phối hoặc Lễ Gắn Bó

Váy Đầm của Cô Dâu. Váy đầm của cô dâu được mặc trong đền thờ phải là màu trắng, kiểu và loại vải trang nhã kín đáo, không có gắn đồ trang sức rườm rà. Váy đầm cũng nên bao phủ trang phục của đền thờ. Vải mỏng phải được lót.

Để phù hợp với các váy đầm khác được mặc trong đền thờ, váy đầm của cô dâu phải có tay dài hoặc dài tay ba phần tư. Váy đầm của cô dâu không được có đuôi dài trừ khi có thể được ghim ở bên trên hoặc được gỡ ra trong lúc làm lễ trong đền thờ.

Đền thờ có thể cung cấp một chiếc váy đầm nếu cần thiết hoặc mong muốn.

Quần Áo của Chú Rể. Chú rể mặc y phục bình thường của đền thờ trong lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó (xin xem đoạn 38.5.1 và đoạn 38.5.2). Chú rể có thể mặc quần áo trang trọng bên ngoài đền thờ để chụp ảnh sau khi làm lễ.

Y Phục của Khách Mời. Những người tham dự lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó nên mặc y phục giống như những gì họ thường mặc khi đi dự lễ Tiệc Thánh. Khách mời không nên mặc đồ màu trắng trừ khi phải đi qua phòng thượng thiên giới để tới phòng làm lễ gắn bó. Các tín hữu nào đến dự lễ gắn bó ngay sau buổi lễ thiên ân đều có thể mặc lễ phục đền thờ.

Cặp nam nữ này nên chia sẻ thông tin này với khách mời ngay trước khi lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó.

Hoa. Cặp nam nữ và khách mời của họ không nên đeo hoa trong lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó. Hoa có thể được đeo bên ngoài đền thờ để chụp ảnh sau buổi lễ. Cặp nam nữ này nên chia sẻ thông tin này với khách mời ngay trước khi lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó.

27.3.2.7

Trao Nhẫn cho nhau sau Lễ Hôn Phối hoặc Lễ Gắn Bó trong Đền Thờ

Nghi thức trao nhẫn cho nhau không phải là một phần của lễ gắn bó trong đền thờ. Tuy nhiên, các cặp nam nữ có thể trao nhẫn cho nhau sau buổi lễ trong phòng làm lễ gắn bó. Các cặp nam nữ không nên trao nhẫn cho nhau vào bất cứ lúc nào hoặc nơi nào khác trong một đền thờ hoặc trên khu sân vườn quanh đền thờ. Việc làm như vậy có thể làm giảm giá trị của buổi lễ.

Các cặp nam nữ đã kết hôn và được làm lễ gắn bó trong cùng một nghi thức có thể trao nhẫn cho nhau sau đó để đáp ứng sự mong mỏi của những người trong gia đình mà không thể tham dự hôn lễ ở đền thờ. Việc trao đổi nhẫn với nhau cần phải phù hợp với chân giá trị của một lễ hôn phối trong đền thờ. Việc trao đổi này không nên lặp lại bất cứ phần nào của lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó trong đền thờ. Cặp vợ chồng không nên trao đổi lời thề sau khi đã được làm lễ kết hôn hoặc lễ gắn bó trong đền thờ.

Các cặp vợ chồng đã kết hôn theo luật dân sự trước khi lễ gắn bó đền thờ của họ có thể trao nhẫn cho nhau trong buổi hôn lễ theo luật dân sự của họ, tại lễ gắn bó đền thờ của họ, hoặc tại cả hai buổi lễ.

27.3.3

Lễ Hôn Phối trong Đền Thờ chỉ cho Thời Tại Thế

Mục đích của đền thờ là để thực hiện các giáo lễ cho thời vĩnh cửu. Vì lý do này, các hôn lễ cho thời tại thế đã không còn được thực hiện trong các đền thờ.

Đối với chính sách về việc làm lễ gắn bó một cặp nam nữ đã kết hôn trong đền thờ chỉ cho thời tại thế, xin xem mục 38.4.1.6.

27.3.4

Ai Có Thể Tham Dự Lễ Hôn Phối hoặc Lễ Gắn Bó trong Đền Thờ

Các cặp nam nữ chỉ nên mời những người trong gia đình và bạn bè thân thiết đến lễ hôn phối hoặc lễ gắn bó trong đền thờ. Các tín hữu nào có trách nhiệm giải trình phải đã được làm lễ thiên ân và có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành để tham dự.

Chủ tịch giáo khu có thể cho phép một người chưa được báp têm hoặc làm lễ thiên ân do bị thiểu năng trí tuệ để chứng kiến lễ hôn phối hay lễ gắn bó trong đền thờ của anh chị em ruột còn sống của họ. Người đó phải:

  • Ít nhất 18 tuổi trở lên.

  • Có thể luôn nghiêm trang trong suốt buổi lễ.

Chủ tịch giáo khu viết một bức thư nói rằng người đó được phép chứng kiến lễ gắn bó. Bức thư này phải được trình ra ở đền thờ.

Các tín hữu phải đã được làm lễ thiên ân và có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành mới được chứng kiến lễ gắn bó của cha mẹ họ.

27.3.5

Tiệc Cưới

Xin xem đoạn 35.5.15 để có thông tin về việc tổ chức tiệc cưới trong các tòa nhà của Giáo Hội.

27.4

Lễ Gắn Bó Con Cái Còn Sống với Cha Mẹ

Con cái sinh ra sau khi mẹ của họ đã được làm lễ gắn bó với một người chồng trong đền thờ đều được sinh ra trong giao ước của lễ gắn bó đó. Họ không cần phải tiếp nhận giáo lễ gắn bó với cha mẹ.

Con cái không sinh ra trong giao ước đều có thể trở thành một phần tử trong một gia đình vĩnh cửu bằng cách được làm lễ gắn bó với cha mẹ ruột hoặc cha mẹ nuôi của họ. Những người con này được hưởng cùng những phước lành giống như những người con được sinh ra trong giao ước.

Xin xem đoạn 38.4.2 để biết các chính sách về lễ gắn bó con cái với cha mẹ.

27.4.1

Cấp Giấy Giới Thiệu để Làm Lễ Gắn Bó Con Cái Còn Sống với Cha Mẹ

Các tín hữu có trách nhiệm từ 8 tuổi trở lên cần có giấy giới thiệu để được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ. Họ cũng cần có giấy giới thiệu để chứng kiến lễ gắn bó của cha mẹ họ với anh chị em ruột, anh chị em là con riêng của cha hay mẹ kế hoặc anh chị em khác cha hay khác mẹ còn sống (xin xem đoạn 27.4.4). Trẻ em từ 8 tuổi trở lên phải đã được làm phép báp têm và lễ xác nhận để nhận được một giấy giới thiệu đi đền thờ. Các em trai được ít nhất là 11 tuổi và sẽ tròn 12 tuổi trong năm giáo lễ đó diễn ra cũng đều cần phải nắm giữ chức tư tế.

Các tín hữu từ 21 tuổi trở lên phải được làm lễ thiên ân và có giấy giới thiệu đi đền thờ còn hiệu lực để được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ.

Chủ tịch giáo khu có thể cho phép những người chưa được báp têm hoặc làm lễ thiên ân vì bị thiểu năng trí tuệ để được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ. Chủ tịch giáo khu viết một bức thư nói rằng người đó được phép làm lễ gắn bó. Bức thư này phải được trình ra ở đền thờ.

Xin xem đoạn 26.4.4 để có thông tin về việc cấp giấy giới thiệu cho trẻ em.

27.4.2

Liên Lạc với Đền Thờ

Một cặp vợ chồng muốn con cái của họ được làm lễ gắn bó với họ, hoặc con cái muốn được làm lễ gắn bó với cha mẹ đã qua đời thì nên liên lạc trước với đền thờ để sắp xếp lịch hẹn làm giáo lễ (xin xem đoạn 27.1.2). Trong một số trường hợp, các giáo lễ khác của đền thờ có thể cần được thực hiện trước khi làm lễ gắn bó.

các thiếu niên đang ở bên ngoài đền thờ

27.4.3

Trông Coi Trẻ Em

Xin xem đoạn 27.1.6.

27.4.4

Ai Có Thể Tham Dự Lễ Gắn Bó Con Cái Còn Sống với Cha Mẹ

Để chứng kiến lễ gắn bó của cha mẹ mình với anh chị em ruột, anh chị em không phải ruột thịt hay anh chị em khác cha hay khác mẹ của họ mà còn sống, các tín hữu chưa làm lễ thiên ân, dưới 21 tuổi phải được sinh ra trong giao ước hoặc đã được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ. Ngoài ra, trẻ em từ 8 tuổi trở lên phải được làm báp têm và lễ xác nhận và cũng phải có giấy giới thiệu đi đền thờ còn hiệu lực (xin xem đoạn 26.4.4). Các em trai được ít nhất là 11 tuổi và sẽ tròn 12 tuổi trong năm giáo lễ đó diễn ra cũng đều cần phải nắm giữ chức tư tế.

Các tín hữu từ 21 tuổi trở lên phải được làm lễ thiên ân và có một giấy giới thiệu đi đền thờ còn hiệu lực để chứng kiến các lễ gắn bó như vậy.

Các tín hữu đã kết hôn dưới 21 tuổi không cần phải được làm lễ thiên ân để chứng kiến lễ gắn bó như vậy. Tuy nhiên, họ cần phải có giấy giới thiệu đi đền thờ còn hiệu lực (xin xem đoạn 26.4.4).