“38. Các Chính Sách và Chỉ Dẫn của Giáo Hội,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).
“38. Các Chính Sách và Chỉ Dẫn của Giáo Hội,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.
38.
Các Chính Sách và Chỉ Dẫn của Giáo Hội
38.1
Sự Tham Gia Giáo Hội
Cha Trên Trời yêu thương con cái của Ngài. “Tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế,” và Ngài kêu gọi tất cả “mọi người hãy đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài” (2 Nê Phi 26:33).
Các vị lãnh đạo và tín hữu của Giáo Hội thường được hỏi là ai có thể tham dự các buổi họp của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, ai có thể trở thành tín hữu của Giáo Hội và ai có thể tham dự đền thờ.
38.1.1
Tham Dự Các Buổi Họp Giáo Hội
Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng các môn đồ của Ngài nên yêu mến những người lân cận của họ (xin xem Ma Thi Ơ 22:39). Phao Lô đã mời những người mới cải đạo “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ” (Ê Phê Sô 2:19). Đấng Cứu Rỗi cũng đã dạy rằng các tín hữu Giáo Hội không được “xua đuổi bất cứ ai ra khỏi những buổi họp công cộng … là những buổi họp được tổ chức trước công chúng” (Giáo Lý và Giao Ước 46:3).
Tất cả mọi người đều được chào đón đến tham dự buổi lễ Tiệc Thánh, các buổi họp khác trong ngày Chủ Nhật và các sinh hoạt liên hoan của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Vị chức sắc chủ tọa có trách nhiệm phải bảo đảm rằng tất cả những người tham dự đều tôn trọng khung cảnh thiêng liêng đó.
Những người tham dự nên tránh gây gián đoạn hoặc xao lãng trái với sự thờ phượng hoặc các mục đích khác của buổi họp. Tất cả những điều kiện về tuổi tác và hành vi đối với các buổi họp và các sinh hoạt khác nhau của Giáo Hội cũng nên được tôn trọng. Điều đó đòi hỏi phải kiềm chế hành vi lãng mạn lộ liễu và cách ăn mặc hay chải chuốt mà sẽ gây xao lãng. Điều đó cũng loại trừ việc đưa ra những lời tuyên bố chính trị hoặc nói về khuynh hướng tình dục hay các đặc điểm cá nhân khác mà làm giảm đi giá trị của các buổi họp tập trung vào Đấng Cứu Rỗi.
Nếu có hành vi không phù hợp, vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu đưa ra lời khuyên bảo riêng trong tinh thần yêu thương. Vị này khuyến khích những người có hành vi không phù hợp đối với dịp này nên tập trung vào việc giúp duy trì một khung cảnh thiêng liêng cho mọi người đang có mặt với sự nhấn mạnh đặc biệt vào việc thờ phượng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi.
Các nhà hội của Giáo Hội vẫn là tài sản riêng tư theo chính sách của Giáo Hội. Những người không muốn tuân theo các chỉ dẫn này sẽ được lịch sự yêu cầu không tham dự các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội.
38.1.2
Trở Thành một Tín Hữu của Giáo Hội
Tư cách tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho những người “đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối,” “sẵn lòng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô,” và mong muốn lập và tuân giữ các giao ước báp têm thiêng liêng (Giáo Lý và Giao Ước 20:37).
Một đứa trẻ vị thành niên từ 8 tuổi trở lên có thể được báp têm với sự cho phép của (những) người cha hay mẹ giám hộ hoặc (những) người giám hộ hợp pháp. (Những) người cha hay mẹ giám hộ hoặc (những) người giám hộ hợp pháp nên hiểu giáo lý của Giáo Hội mà con của họ sẽ được giảng dạy và hỗ trợ đứa con đó lập và tuân giữ giao ước báp têm. (Xin xem mục 38.2.8.2.)
38.1.3
Tham Dự Đền Thờ
Đền thờ là nơi thờ phượng thiêng liêng mà trong đó các giáo lễ thiết yếu được tiếp nhận và các giao ước thiêng liêng được lập. Đối với các tín hữu của Giáo Hội, đền thờ là nhà của Thượng Đế. Nhờ vào sự thiêng liêng này và các giao ước đã được lập, chỉ các tín hữu của Giáo Hội với giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành mới có thể tham dự đền thờ. Các tín hữu có thể nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ khi họ trung tín tuân giữ các giáo lệnh bắt buộc và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. (Xin xem chương 26.)
38.1.4
Sự Tham Gia và Các Phước Lành của Tín Hữu Chưa Kết Hôn
Cho dù chưa bao giờ kết hôn hoặc không có gia đình trong Giáo Hội, tất cả các tín hữu cũng nên cố gắng để có được cuộc sống lý tưởng trong một gia đình vĩnh cửu. Điều này có nghĩa là chuẩn bị để được làm lễ gắn bó với tư cách là một người chồng hoặc người vợ xứng đáng và trở thành một người cha hoặc người mẹ nhân từ. Đối với một số người, các phước lành này sẽ không được hoàn thành cho đến cuộc sống mai sau, nhưng mục tiêu tối thượng vẫn là như nhau đối với tất cả mọi người.
Các tín hữu trung thành nào mà có hoàn cảnh không cho phép họ tiếp nhận các phước lành của hôn nhân vĩnh cửu và vai trò làm cha mẹ trong cuộc sống này thì sẽ nhận được tất cả các phước lành đã được hứa trong thời vĩnh cửu, miễn là họ tuân giữ các giao ước mà họ đã lập với Thượng Đế (xin xem Mô Si A 2:41).
38.1.5
Các Cha Mẹ dưới 18 Tuổi Chưa Kết Hôn
Một thiếu niên dưới 18 tuổi chưa kết hôn sắp làm cha có thể tham dự nhóm túc số Chức Tư tế A Rôn của mình hoặc nhóm túc số các anh cả. Quyết định này tùy thuộc vào việc thành tâm suy xét của người thiếu niên ấy, cha mẹ của người ấy và vị giám trợ.
Một thiếu nữ dưới 18 tuổi chưa kết hôn sắp làm mẹ có thể tham dự Hội Thiếu Nữ hoặc Hội Phụ Nữ. Quyết định này tùy thuộc vào việc thành tâm suy xét của người thiếu nữ ấy, cha mẹ của người ấy và vị giám trợ.
Khi chọn quyết định này, giới trẻ, các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo cân nhắc những điều sau đây:
-
Nếu người trẻ tuổi đó tham dự các lớp học và sinh hoạt dành cho giới trẻ thì người ấy không nên mang con theo.
-
Thanh thiếu niên lớn tuổi hơn chọn nuôi dạy đứa con có thể hưởng lợi ích khi được chào đón vào nhóm túc số các anh cả với tư cách là các anh cả tương lai hoặc vào Hội Phụ Nữ.
38.2
Chính Sách về Các Giáo Lễ và Các Phước Lành
Phần này đưa ra các chính sách về các giáo lễ và các phước lành. Một số chính sách này liên quan đến các trường hợp đặc biệt. Thông tin tổng quát về các giáo lễ và các phước lành được cho thấy trong chương 18. Thông tin về các giáo lễ đền thờ được cho thấy trong các chương 27 và 28.
38.2.1
Thông Dịch Các Giáo Lễ và Các Phước Lành sang Một Ngôn Ngữ Khác
Điều quan trọng là một người nhận được một giáo lễ hoặc phước lành sẽ hiểu những gì được nói ra. Nếu cần, một vị lãnh đạo chủ tọa có thể yêu cầu một người nào đó thông dịch một giáo lễ hoặc lễ ban phước sang một ngôn ngữ mà người thụ lễ hiểu được. Điều này gồm có việc thông dịch ngôn ngữ ký hiệu. Nếu có thể được, người này nên là người nắm giữ chức tư tế. Nếu không có sẵn một người nắm giữ chức tư tế, thì một người nam hoặc người nữ có khả năng có thể thông dịch.
Để biết thông tin về các bản dịch bằng văn bản của các phước lành tộc trưởng, xin xem mục 38.2.10.5. Để biết thông tin về công việc thông dịch ngôn ngữ ký hiệu của các phước lành tộc trưởng, xin xem mục 38.2.10.6.
38.2.2
Ảnh Chụp, Bản Thu Âm và Bản Ghi Chép Các Giáo Lễ và Các Phước Lành
Các giáo lễ và các phước lành đều rất thiêng liêng. Vì lý do này, không một ai được chụp ảnh hoặc thu âm các giáo lễ, các phước lành, hoặc các lễ báp têm.
Một gia đình có thể thu âm và chép lại lễ ban phước của người cha. Các phước lành này được mô tả trong đoạn 18.14.1.
Các phước lành tộc trưởng được ghi chép lại. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, vị tộc trưởng hoặc người ghi chép của ông ta thu âm lễ ban phước.
Các giáo lễ và các phước lành khác không nên được ghi lại hoặc sao chép lại.
Để có thông tin về các giáo lễ được phát trực tuyến, xin xem đoạn 38.2.3.
38.2.3
Phát Trực Tuyến Các Giáo Lễ
Khi nào có thể được, những người nào muốn xem một giáo lễ thì nên cố gắng đến tham dự trực tiếp. Khi các tín hữu và bạn bè quy tụ cho một giáo lễ, họ cảm thấy ảnh hưởng của Thánh Linh và kết tình bằng hữu với nhau.
Tuy nhiên, khi một người thân trong gia đình không thể trực tiếp tham dự, vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể cho phép phát trực tuyến giáo lễ cho người đó. Ví dụ, việc phát trực tuyến được cho phép khi người thân trong gia đình:
-
Sống ở một địa điểm xa xôi hoặc bị giới hạn khả năng đi lại.
-
Có những thử thách về sức khỏe thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc.
-
Bị suy giảm miễn dịch hoặc đang ở trong một cơ sở chăm sóc hay bệnh viện.
-
Cần sự thông dịch ngôn ngữ ký hiệu.
-
Đang phục vụ truyền giáo toàn thời gian. (Cần phải có sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo.)
Giám trợ có thể cho phép phát trực tuyến lễ ban phước cho trẻ sơ sinh, phép báp têm, lễ xác nhận và các lễ sắc phong của Chức Tư Tế A Rôn. Chủ tịch giáo khu có thể cho phép phát trực tuyến các lễ sắc phong cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và lễ phong nhiệm những người truyền giáo.
Giáo lễ Tiệc Thánh không được phát trực tuyến. Nếu một lễ Tiệc Thánh đang được phát trực tuyến, dòng trực tuyến phải được tạm dừng trong lúc lễ Tiệc Thánh đang được thực hiện. Vị giám trợ có thể cho phép một thầy tư tế hoặc một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc thực hiện lễ Tiệc Thánh trực tiếp cho những người nào không thể tham dự buổi lễ.
Việc phát trực tuyến các giáo lễ không được làm sao lãng khỏi Thánh Linh. Chỉ nên sử dụng một thiết bị. Nói chung, thiết bị đó được chuyên gia công nghệ tiểu giáo khu hoặc giáo khu điều hành. Không nên cho thấy thông tin về thiết bị lẫn người đang ghi lại buổi họp.
Việc phát trực tuyến các giáo lễ phải được xóa bỏ trong vòng một ngày sau giáo lễ đó.
38.2.4
Các Giáo Lễ dành cho Những Người Bị Thiểu Năng Trí Tuệ
Khi cân nhắc có nên thực hiện các giáo lễ cho một người bị thiểu năng trí tuệ hay không, thì người đó, cha hay mẹ hoặc người giám hộ của người đó (nếu có) và các vị lãnh đạo cùng nhau hội ý. Họ thành tâm cân nhắc ước muốn và mức độ hiểu biết của người đó. Không nên từ chối thực hiện các giáo lễ nếu người đó xứng đáng, muốn tiếp nhận các giáo lễ, và cho thấy trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đầy đủ.
Một giám trợ có thể hội ý với chủ tịch giáo khu nếu ông có thắc mắc gì về những người cụ thể. Chủ tịch giáo khu có thể liên lạc Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu cần.
Những người có khuyết tật khiến họ không thể chịu trách nhiệm “đều được cứu rỗi trong vương quốc thượng thiên” (Giáo Lý và Giao Ước 137:10). Vì lý do này, các giáo lễ không cần thiết hoặc được thực hiện cho họ. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là làm lễ gắn bó với cha mẹ cho những người không được sinh ra trong giao ước.
Để biết thông tin về việc thực hiện các giáo lễ dành cho người bị thiểu năng trí tuệ, hãy xem những điều sau:
38.2.5
Các Giáo Lễ và Các Phước Lành Được Thực Hiện bởi và cho Những Người Bị Khuyết Tật về Thể Chất
Những người bị khuyết tật về thể chất, chẳng hạn như mất tứ chi, liệt hoặc điếc, có thể thực hiện và tiếp nhận các giáo lễ và các phước lành. Các vị lãnh đạo sắp xếp để những người này có thể tham gia trong mức độ khả thi. Nếu các vị lãnh đạo có những thắc mắc mà họ không thể giải quyết, thì chủ tịch giáo khu liên lạc với Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
Những người bị điếc hoặc khiếm thính có thể giao tiếp nhờ vào ngôn ngữ ký hiệu khi thực hiện hoặc tiếp nhận một giáo lễ hoặc lễ ban phước. Một vị lãnh đạo chức tư tế giám sát một giáo lễ bảo đảm rằng người thụ lễ hiểu được giáo lễ đó qua một người thông dịch hoặc bằng các phương tiện khác (xin xem đoạn 38.2.1).
38.2.6
Chứng Thực hoặc Phê Chuẩn Các Giáo Lễ
Thông tin dưới đây đưa ra các lý do mà một giáo lễ sẽ không hợp lệ. Nó cũng mô tả cách chứng thực hoặc phê chuẩn giáo lễ.
Trong một số trường hợp, một giáo lễ cần phải được thực hiện lại. Khi điều này xảy ra, một thư ký ghi ngày tháng mới vào hồ sơ tín hữu, ngay cả khi nó không theo trình tự với ngày tháng của các giáo lễ khác.
38.2.6.1
Hồ Sơ Tín Hữu Không Được Lập hoặc Năm Bị Thiếu hay Không Chính Xác
Vì các mục đích lưu giữ hồ sơ, một giáo lễ được coi là không hợp lệ nếu năm mà giáo lễ đó được thực hiện bị thiếu hoặc không đúng trên hồ sơ tín hữu. Ngoài ra, một phép báp têm không hợp lệ nếu một hồ sơ tín hữu không được lập. Giáo lễ có thể được chứng thực bằng chứng chỉ gốc đã được cấp khi thực hiện giáo lễ. Với chứng chỉ này, vị giám trợ có thể cho phép một thư ký cập nhật hồ sơ tín hữu.
Nếu không thể tìm thấy chứng chỉ, thì giáo lễ có thể được chứng thực với lời khai của hai người đã chứng kiến. Hai nhân chứng này phải:
-
Được 8 tuổi trở lên khi giáo lễ này được thực hiện.
-
Đã thấy và nghe giáo lễ này.
-
Là tín hữu của Giáo Hội có tên trong hồ sơ vào thời điểm họ đưa ra lời chứng của họ.
-
Đưa ra lời chứng của họ bằng văn bản, nêu rõ (1) ngày tháng đầy đủ mà giáo lễ này được thực hiện hoặc (2) năm mà giáo lễ này được thực hiện và người thực hiện giáo lễ này.
-
Ký giấy làm chứng của họ trước sự hiện diện của một thành viên trong giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu.
Với lời chứng này, vị giám trợ có thể cho phép một thư ký lập hoặc cập nhật hồ sơ tín hữu. Sau đó giấy làm chứng có thể được bỏ đi.
Nếu không thể tìm thấy chứng chỉ hoặc các nhân chứng, thì giáo lễ phải được thực hiện lại.
Nếu người tín hữu đã nhận được các giáo lễ khác sau khi đã nhận được giáo lễ không hợp lệ, thì các giáo lễ này phải được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn phê chuẩn. Để yêu cầu sự phê chuẩn này, chủ tịch giáo khu gửi thư đến Văn Phòng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
38.2.6.2
Các Giáo Lễ Đã Nhận Được Không Đúng theo Trình Tự
Một giáo lễ sẽ không hợp lệ nếu một người tiếp nhận giáo lễ này không đúng theo trình tự. Ví dụ, lễ thiên ân của một nam tín hữu là không hợp lệ nếu người này đã nhận được lễ này trước khi nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Tuy nhiên, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có thể phê chuẩn một giáo lễ như vậy. Để yêu cầu sự phê chuẩn này, chủ tịch giáo khu gửi thư đến Văn Phòng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
38.2.6.3
Giáo Lễ đã Được Thực Hiện Lúc Chưa Đúng Tuổi
Một giáo lễ là không hợp lệ nếu được thực hiện lúc chưa đúng tuổi. Ví dụ, một phép báp têm là không hợp lệ nếu được thực hiện trước khi người đó tròn 8 tuổi.
Nếu không nhận được các giáo lễ nào khác sau giáo lễ không hợp lệ, thì giáo lễ đó sẽ được thực hiện lại. Nếu nhận được các giáo lễ khác, thì những giáo lễ đó và giáo lễ không hợp lệ phải được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn phê chuẩn. Để yêu cầu sự phê chuẩn này, chủ tịch giáo khu gửi thư đến Văn Phòng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
38.2.6.4
Giáo Lễ Đã Được Thực Hiện mà Không Có Thẩm Quyền Thích Hợp
Một giáo lễ không được hợp lệ nếu nó được thực hiện bởi một người không có thẩm quyền thích hợp của chức tư tế. Ví dụ, một lễ xác nhận không được hợp lệ nếu nó được thực hiện bởi một người không nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Tương tự như vậy, một giáo lễ sẽ không được hợp lệ nếu người thực hiện giáo lễ đó đã tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc không đúng theo trình tự hoặc không có sự chấp thuận thích hợp (xin xem mục 38.2.6.2; xin xem thêm phần 32.17).
Nếu không có các giáo lễ nào khác được nhận sau giáo lễ không được hợp lệ, thì nó nên được thực hiện lại bởi người có thẩm quyền thích hợp. Nếu nhận được các giáo lễ khác, thì những giáo lễ đó và giáo lễ không hợp lệ phải được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn phê chuẩn. Để yêu cầu sự phê chuẩn này, chủ tịch giáo khu gửi thư đến Văn Phòng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Trong một số trường hợp, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có thể chỉ dẫn rằng các giáo lễ phải được thực hiện lại.
38.2.7
Lễ Đặt Tên và Ban Phước cho Trẻ Em
Để biết thông tin tổng quát về việc đặt tên và ban phước lành cho trẻ em, xin xem phần 18.6.
38.2.7.1
Trẻ Sơ Sinh Bị Bệnh Hiểm Nghèo
Nếu một trẻ sơ sinh bị bệnh hiểm nghèo, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể thực hiện lễ đặt tên và ban phước lành trong bệnh viện hoặc tại nhà. Người ấy không cần sự cho phép của vị giám trợ. Sau khi ban phước lành, người ấy thông báo ngay cho vị giám trợ để có thể lập hồ sơ tín hữu cho đứa trẻ.
38.2.7.2
Trẻ Em Có Cha hay Mẹ Không Phải Là Tín Hữu của Giáo Hội
Đôi khi, cha mẹ hoặc người giám hộ của một đứa trẻ yêu cầu rằng đứa trẻ phải được ban phước mặc dù chúng không phải là tín hữu của Giáo Hội. Khi điều này xảy ra, vị giám trợ nhận được sự cho phép bằng lời nói của cả cha mẹ hoặc người giám hộ trước khi ban phép lành. Vị ấy giải thích rằng:
-
Một hồ sơ tín hữu sẽ được lập cho đứa trẻ.
-
Các tín hữu trong tiểu giáo khu sẽ liên lạc với họ theo định kỳ.
-
Vị ấy hoặc những người lãnh đạo khác của tiểu giáo khu sẽ đề nghị rằng đứa trẻ chuẩn bị được chịu phép báp têm khi nó gần 8 tuổi.
38.2.8
Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận
Để có thông tin tổng quát về phép báp têm và lễ xác nhận, xin xem phần 18.7 và phần 18.8.
38.2.8.1
Những Người bị Thiểu Năng Trí Tuệ
Một người bị thiểu năng trí tuệ có thể được phép báp têm và làm lễ xác nhận nếu người đó có thể được coi là người có trách nhiệm giải trình một cách hợp lý. Người đó phải có khả năng hiểu và tuân giữ các giao ước báp têm.
Giám trợ nắm giữ các chìa khóa cho phép báp têm của một người nếu người đó:
-
Một tín hữu có tên trong hồ sơ từ 8 tuổi trở lên.
-
Tròn 8 tuổi và có ít nhất một người cha hoặc mẹ hay người giám hộ là tín hữu (xin xem mục 18.7.1.1).
Người ấy, cha hoặc mẹ hay người giám hộ của người ấy (nếu có), và vị giám trợ cùng hội ý với nhau để quyết định xem người đó có nên được báp têm và làm lễ xác nhận hay không.
Nếu người ấy là người cải đạo tiềm năng, chủ tịch phái bộ truyền giáo nắm giữ các chìa khóa về phép báp têm của người ấy (xin xem mục 18.7.1.2). Trong trường hợp này, những người truyền giáo thông báo cho chủ tịch phái bộ truyền giáo. Vị này hội ý với người ấy và cha mẹ hoặc người giám hộ của người ấy (nếu có) để quyết định xem người ấy có nên được báp têm và làm lễ xác nhận hay không. Nếu vị giám trợ biết rõ người này thì chủ tịch phái bộ truyền giáo cũng có thể tìm kiếm ý kiến đóng góp của vị giám trợ.
Những người nào không có trách nhiệm giải trình đều không cần phải chịu phép báp têm, bất kể tuổi tác (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:46–50 và đoạn 38.2.4 trong sách hướng dẫn này).
Để biết thông tin về hồ sơ tín hữu của những người không thể chịu trách nhiệm giải trình, xin xem đoạn 33.6.10.
38.2.8.2
Những Người Vị Thành Niên
Một đứa trẻ vị thành niên, theo quy định của luật pháp địa phương, có thể chịu phép báp têm khi cả hai điều kiện sau đây được đáp ứng:
-
(Các) cha mẹ giám hộ hoặc (các) người giám hộ hợp pháp cho phép. Họ nên hiểu giáo lý mà sẽ được dạy cho con của họ. Họ cũng nên sẵn lòng hỗ trợ đứa trẻ để lập và tuân giữ giao ước báp têm. Người thực hiện cuộc phỏng vấn về phép báp têm và lễ xác nhận nên yêu cầu giấy cho phép này nếu người này cảm thấy việc đó sẽ giúp ngăn ngừa những hiểu lầm. Ở một số địa điểm, cần phải có giấy cho phép. Các vị lãnh đạo của phái bộ truyền giáo và giáo vùng có thể đưa ra sự hướng dẫn.
-
Người thực hiện cuộc phỏng vấn nên nhận biết rõ rằng đứa trẻ hiểu được giao ước báp têm. Vị này nên cảm thấy tin tưởng rằng đứa trẻ sẽ cố gắng tuân giữ giao ước này bằng cách tuân theo các lệnh truyền kể cả việc tham dự các buổi họp của Giáo Hội.
38.2.8.3
Trẻ Em Có Cha Mẹ Ly Dị
Một đứa trẻ có cha mẹ ly dị chỉ có thể chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận nếu có sự cho phép của (những) người cha hay mẹ có quyền giám hộ hợp pháp.
Nếu một đứa trẻ mang họ của cha dượng, thì đứa trẻ đó có thể chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận theo tên đó. Điều này đúng cho dù đứa trẻ này chưa được nhận nuôi chính thức. Tuy nhiên, tên hợp pháp của đứa trẻ, như được quy định bởi luật pháp hoặc phong tục địa phương, phải được ghi vào hồ sơ tín hữu và giấy chứng nhận về phép báp têm và lễ xác nhận.
38.2.8.4
Những Người Đã Kết Hôn
Một người đã kết hôn phải có sự đồng ý của vợ hay chồng của người ấy trước khi chịu phép báp têm.
38.2.8.5
Những Người Chung Sống Như Vợ Chồng Nhưng Không Kết Hôn
Một cặp nam nữ sống chung với nhau nhưng không kết hôn phải cam kết sống theo luật trinh khiết trước khi một trong hai người có thể được báp têm. Điều này bao gồm việc thực hành đức tin để hối cải như được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 20:37. Nó cũng bao gồm việc không còn chung sống với nhau nữa hoặc sẽ kết hôn, trong trường hợp một người nam và một người nữ.
38.2.8.6
Những Người Đã Bị Thu Hồi Tư Cách Tín Hữu Giáo Hội hoặc Những Người Đã Từ Bỏ Tư Cách Tín Hữu
Những người đã bị thu hồi tư cách tín hữu Giáo Hội hoặc những người đã từ bỏ tư cách tín hữu đều có thể được thu nhận lại vào Giáo Hội qua phép báp têm và lễ xác nhận. Họ không được xem là người cải đạo. Những người truyền giáo không phỏng vấn họ để được chịu phép báp têm. Để biết những chỉ dẫn này, xin xem phần 32.16.
38.2.8.7
Các Tình Huống Cần Sự Cho Phép của Chủ Tịch Phái Bộ Truyền Giáo hoặc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn
Cần có sự cho phép của chủ tịch phái bộ truyền giáo trước khi một người có thể được báp têm nếu người đó đã từng:
Trong những trường hợp này, chủ tịch phái bộ truyền giáo phỏng vấn người đó. Nếu cần, chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể cho phép một trong hai cố vấn của ông thực hiện cuộc phỏng vấn. Ông ta đưa ra sự cho phép này riêng cho mỗi cuộc phỏng vấn. Người cố vấn nào thực hiện cuộc phỏng vấn sẽ báo cáo cho chủ tịch phái bộ truyền giáo, là người sau đó có thể cho phép hoặc từ chối không cho làm phép báp têm và làm lễ xác nhận.
Cần phải có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trước khi một người có thể được chịu phép báp têm nếu người đó:
-
Đã phạm tội giết người (xin xem mục 38.2.8.8).
-
Đã bị kết án về một tội ác liên quan đến hành vi sai trái về tình dục (xin xem mục 38.2.8.8).
-
Hiện đang bị quản chế hoặc án treo về bất cứ tội ác hoặc tội lỗi nghiêm trọng nào (thường bị trừng phạt một năm tù hoặc lâu hơn) hoặc bất cứ tội nào liên quan đến hành vi sai trái về tình dục (xin xem mục 38.2.8.8).
-
Đã tham gia vào tục đa hôn (xin xem mục 38.2.8.9).
-
Đã hoàn tất sự chuyển đổi sang một giới tính khác với giới tính lúc sinh ra (xin xem mục 38.2.8.10).
Nếu người đó đang xin chịu phép báp têm lần đầu tiên, thì chủ tịch phái bộ truyền giáo phỏng vấn người ấy. Nếu ông thấy người đó xứng đáng và nếu ông đề nghị để người đó chịu phép báp têm, thì ông nộp đơn yêu cầu lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để xin sự chấp thuận bằng cách sử dụng hệ thống LCR.
Nếu người đó là một cựu tín hữu đang tìm cách được thu nhận lại, thì vị giám trợ lẫn chủ tịch giáo khu phỏng vấn người đó. Họ tuân theo những chỉ dẫn trong phần 32.16. Nếu cả hai đều thấy người đó xứng đáng và đề nghị chịu phép báp têm, thì chủ tịch giáo khu nộp đơn yêu cầu lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn bằng cách sử dụng hệ thống LCR.
Bất cứ thư yêu cầu nào gửi lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đều cần phải gồm vào tất cả các chi tiết cần thiết như đã được xác định trong các cuộc phỏng vấn.
Xin xem đoạn 6.2.3 về trách nhiệm của chủ tịch giáo khu (hoặc chủ tịch phái bộ truyền giáo) khi nộp đơn lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
38.2.8.8
Những Người Đã Bị Kết Án Phạm Tội
Những người nào đã bị kết án về tội phạm đều không được chịu phép báp têm cho đến khi họ mãn hạn tù. Điều này đúng cho những người cải đạo và cho những người đang tìm cách được thu nhận lại.
Những người nào đã bị kết án về các tội nghiêm trọng hoặc bất cứ tội phạm nào liên quan đến hành vi sai trái về tình dục đều không được chịu phép báp têm và lễ xác nhận cho đến khi họ cũng đã hoàn tất các điều khoản quản chế hoặc tạm tha của họ. Chỉ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới có thể cho phép một trường hợp ngoại lệ (xin xem mục 38.2.8.7). Những người này được khuyến khích làm việc chặt chẽ với các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương. Họ cố gắng làm tất cả những gì họ có thể làm được để nhận được sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để trở nên xứng đáng với phép báp têm và lễ xác nhận.
Những người truyền giáo toàn thời gian không giảng dạy cho những người đang ở trong tù hoặc nhà giam.
Một người đã bị kết án về tội giết người hoặc một tội ác liên quan đến hành vi sai trái về tình dục có thể không được báp têm trừ khi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chấp thuận (xin xem mục 38.2.8.7). Cũng tương tự như vậy đối với một người đã thú nhận phạm tội giết người, ngay cả khi thú tội riêng với một vị lãnh đạo chức tư tế. Như được sử dụng ở đây, tội giết người không gồm vào hành động phá thai hoặc cảnh sát hay quân sự trong khi thi hành nhiệm vụ.
Nếu người đó đang xin chịu phép báp têm lần đầu tiên, thì chủ tịch phái bộ truyền giáo tuân theo những chỉ dẫn trong mục 38.2.8.7. Nếu người đó là một tín hữu cũ đang tìm cách được thu nhận lại, thì vị giám trợ và chủ tịch giáo khu tuân theo những chỉ dẫn trong cùng phần đó (xin xem thêm phần 32.16).
38.2.8.9
Người Thành Niên Tham Gia vào Tục Đa Hôn
Một người thành niên đã khuyến khích, giảng dạy, hoặc tham gia vào việc thực hành tục đa hôn cần phải nhận được sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trước khi người đó có thể chịu phép báp têm.
Nếu người đó đang xin chịu phép báp têm lần đầu tiên, thì chủ tịch phái bộ truyền giáo tuân theo những chỉ dẫn trong mục 38.2.8.7. Nếu người đó là một tín hữu cũ đang tìm cách được thu nhận lại, thì vị giám trợ và chủ tịch giáo khu tuân theo những chỉ dẫn trong mục 38.2.8.7 (xin xem thêm phần 32.16).
Thư yêu cầu phải mô tả sự tham gia tục đa hôn trong quá khứ của người đó. Nó cũng nên mô tả sự hối cải và hoàn cảnh gia đình hiện tại của người đó.
38.2.8.10
Những Người Tự Nhận là Người Chuyển Giới
Một người chuyển giới có thể được làm phép báp têm và lễ xác nhận nếu người đó không theo đuổi sự can thiệp của y khoa hoặc phẫu thuật chọn lọc để cố gắng chuyển đổi sang giới tính khác với giới tính sinh học của mình khi sinh ra (“xác định lại giới tính”).
Chủ tịch phái bộ truyền giáo nên hội ý với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng để giải quyết các tình huống cá nhân với sự nhạy cảm và tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.
Một người đã hoàn tất việc xác định lại giới tính qua sự can thiệp y khoa hoặc phẫu thuật chọn lọc phải có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để chịu phép báp têm. Chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể yêu cầu sự chấp thuận này nếu ông đã phỏng vấn người đó, thấy người đó xứng đáng, và có thể đề nghị làm phép báp têm cho người đó. Người đó sẽ không thể nhận được chức tư tế, giấy giới thiệu đi đền thờ, hoặc một số sự kêu gọi của Giáo Hội. Tuy nhiên, người đó có thể tham gia vào Giáo Hội theo những cách khác.
Để biết thêm thông tin, xin xem đoạn 38.6.23.
38.2.9
Lễ Sắc Phong Chức Tư Tế
Để có thông tin tổng quát về sự sắc phong chức tư tế, xin xem phần 18.10.
38.2.9.1
Các Tín Hữu Mới
Khi một người anh em chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, người ấy đủ điều kiện để được sắc phong cho chức phẩm trong Chức Tư Tế A Rôn nếu người ấy ít nhất 12 tuổi tính đến cuối năm. Vị giám trợ phỏng vấn người ấy ngay sau khi lễ xác nhận của người ấy, thường là trong vòng một tuần. Một thành viên của giám trợ đoàn giới thiệu người ấy trong buổi lễ Tiệc Thánh để các tín hữu trong tiểu giáo khu có thể tán trợ lễ sắc phong được đề nghị của người ấy (xin xem đoạn 18.10.3). Sau đó, người ấy có thể được sắc phong cho chức phẩm thích hợp:
-
Thầy Trợ Tế, nếu người ấy sẽ tròn 12 hoặc 13 tuổi tính đến cuối năm
-
Thầy Giảng, nếu người ấy sẽ tròn 14 hay 15 tuổi tính đến cuối năm
-
Thầy Tư Tế, nếu người ấy sẽ 16 tuổi trở lên tính đến cuối năm; nếu người ấy 19 tuổi trở lên thì người ấy cũng được coi là một anh cả tương lai (xin xem mục 38.2.9.3)
Một tín hữu mới hội đủ điều kiện để nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và được sắc phong là anh cả khi người ấy:
-
Từ 18 tuổi trở lên.
-
Đã từng là thầy tư tế (không cần thời gian cụ thể).
-
Hiểu biết đủ về phúc âm.
-
Đã chứng tỏ xứng đáng.
Những anh em mới chịu phép báp têm không được sắc phong vào ngày họ chịu phép báp têm hoặc được làm lễ xác nhận. Trước hết, họ cần được vị giám trợ phỏng vấn và được các tín hữu tiểu giáo khu tán trợ.
Buổi lễ báp têm của những người trong gia đình không nên bị hoãn lại để người cha có thể nhận được chức tư tế và chính mình thực hiện phép báp têm.
38.2.9.2
Các Thiếu Niên Có Cha Mẹ Ly Dị
Một thiếu niên có cha mẹ ly dị có thể được sắc phong cho chức phẩm Chức Tư Tế A Rôn chỉ với sự cho phép của (những) người cha hay mẹ có quyền giám hộ hợp pháp.
Nếu người thiếu niên mang họ của cha dượng thì người ấy có thể được sắc phong với họ đó. Điều này đúng cho dù người ấy chưa được chính thức nhận nuôi. Tuy nhiên, tên hợp pháp của thiếu niên này, như được quy định bởi luật pháp hoặc phong tục địa phương, phải được ghi lại trên giấy chứng nhận lễ sắc phong.
38.2.9.3
Anh Cả Tương Lai
Một anh cả tương lai là một nam tín hữu Giáo Hội 19 tuổi trở lên không nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Các anh em kết hôn dưới 19 tuổi và không nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cũng là các anh cả tương lai.
Dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ, chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả làm việc chặt chẽ với các anh cả tương lai để giúp họ chuẩn bị tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Nếu một anh cả tương lai chưa phải là một thầy tư tế thì người này nên được sắc phong là thầy tư tế ngay sau khi được xứng đáng. Người này không cần phải được sắc phong trước là thầy trợ tế hay thầy giảng. Người này có thể được sắc phong là anh cả khi đã phát triển đủ sự hiểu biết về phúc âm và cho thấy sự xứng đáng của mình. Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu phỏng vấn người này để đưa ra quyết định này (xin xem đoạn 31.2.6).
Để biết thêm thông tin về việc giúp các anh cả tương lai chuẩn bị tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, xin xem phần 8.4.
38.2.9.4
Các Anh Em Đã Thay Đổi Những Tiểu Giáo Khu Trong Năm Vừa Qua
Đôi khi một người anh em đã sống trong một tiểu giáo khu ít hơn một năm cần hoặc mong muốn được sắc phong cho một chức phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Trong tình huống đó, vị giám trợ hoặc một cố vấn đã được chỉ định liên lạc với vị giám trợ trước đây của người đó để hỏi xem có vấn đề nào về sự xứng đáng không. Nếu một cố vấn biết rằng có thông tin kín nhiệm thì vị này sẽ kết thúc cuộc trò chuyện. Ông thông báo cho vị giám trợ của mình để liên lạc với vị giám trợ trước đây của người tín hữu đó trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn.
38.2.9.5
Các Anh Em trong Các Tiểu Giáo Khu của Người Thành Niên Trẻ Tuổi Độc Thân và Người Thành Niên Độc Thân
Các anh em xứng đáng từ 18 tuổi trở lên trong các tiểu giáo khu của người thành niên trẻ tuổi độc thân và các tiểu giáo khu của người thành niên độc thân nên được sắc phong là anh cả. Những người nào không phải là các anh cả được sắc phong đều là thành viên của nhóm túc số các anh cả với tư cách là các anh cả tương lai.
38.2.9.6
Các Quân Nhân trong Vùng Chiến Sự hoặc Khu Vực Hẻo Lánh
Một quân nhân thường được phỏng vấn và được sắc phong trong tiểu giáo khu nơi có hồ sơ tín hữu của người đó. Tuy nhiên, điều này có thể không khả thi nếu người quân nhân đó ở trên biển trong một thời gian dài hoặc đang phục vụ trong một vùng chiến sự hoặc khu vực hẻo lánh. Trong những trường hợp như vậy, người quân nhân này họp với người lãnh đạo nhóm quân nhân của mình. Nếu người lãnh đạo nhóm cảm thấy rằng người quân nhân này đã sẵn sàng để được sắc phong, thì người này đưa ra một đề nghị bằng văn bản cho vị lãnh đạo chủ tọa của đơn vị Giáo Hội là người giám sát nhóm quân nhân. (Nếu không có một đơn vị Giáo Hội như vậy, người ấy gửi thư đề nghị với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng.) Người lãnh đạo đó liên lạc với vị giám trợ của tiểu giáo khu nhà của người quân nhân để chứng nhận sự xứng đáng của người ấy.
Để sắc phong cho các chức phẩm Chức Tư Tế A Rôn, vị lãnh đạo chủ tọa có thể cho phép người lãnh đạo nhóm hoặc một tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau để phỏng vấn người đó và giám sát lễ sắc phong. Để sắc phong cho chức phẩm anh cả, chủ tịch giáo khu, chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng có thể cho phép một tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau để phỏng vấn người đó và giám sát lễ sắc phong. Tất cả các lễ sắc phong đều phải được tán trợ hoặc chấp thuận như được giải thích trong đoạn 18.10.3.
38.2.9.7
Các Anh Em Bị Thiểu Năng Trí Tuệ
Một nam tín hữu của Giáo Hội bị thiểu năng trí tuệ, cha mẹ của người ấy (nếu có), và giám trợ cùng nhau hội ý về việc liệu người ấy có nên nhận được chức tư tế hay không. Họ tư vấn về những ước muốn của người ấy và liệu người ấy có sự hiểu biết cơ bản về chức tư tế và các trách nhiệm của mình hay không.
Những người nắm giữ chức tư tế bị khuyết tật như vậy cần được phụ giúp để họ có thể làm tròn tối đa các bổn phận chức tư tế nếu có thể được.
38.2.9.8
Các Anh Em Đã Được Thu Nhận Lại bằng Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận
Khi một người nam chưa được làm lễ thiên ân trước đây được thu nhận lại vào Giáo Hội bằng phép báp têm và lễ xác nhận thì người ấy có thể được sắc phong ngay sau đó. Người ấy được sắc phong cho chức phẩm trong chức tư tế mà người ấy nắm giữ khi tư cách tín hữu của người ấy bị thu hồi hoặc từ bỏ.
Nếu trước đây đã được làm lễ thiên ân, người ấy không được sắc phong cho chức phẩm trong chức tư tế. Thay vì thế, chức phẩm trước đây của người ấy được phục hồi qua giáo lễ phục hồi các phước lành.
Để biết thêm thông tin và những chỉ dẫn, xin xem phần 32.17.
38.2.9.9
Những Người Tự Nhận là Người Chuyển Giới
Một tín hữu đã nhận được sự can thiệp của y khoa hoặc phẫu thuật chọn lọc để cố gắng chuyển đổi sang giới tính khác với giới tính sinh học của mình khi sinh ra (“xác định lại giới tính”) không thể nhận được hoặc sử dụng chức tư tế. Cũng như một tín hữu đã chuyển đổi trong giao tiếp xã hội sang giới tính khác với giới tính sinh học của mình khi sinh ra thì không thể nhận được hoặc sử dụng chức tư tế.
Các chủ tịch giáo khu nên hội ý với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng để giải quyết các tình huống cá nhân với sự nhạy cảm và tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.
Một nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội không theo đuổi sự chuyển đổi của y khoa, phẫu thuật hoặc xã hội khỏi giới tính sinh học của mình khi sinh ra có thể nhận được và sử dụng chức tư tế.
Để biết thêm thông tin, xin xem đoạn 38.6.23.
38.2.10
Các Phước Lành Tộc Trưởng
Để biết thông tin tổng quát về phước lành tộc trưởng, xin xem:
-
Phần 18.17 của sách hướng dẫn này.
-
Thông Tin và Những Đề Nghị cho Các Tộc Trưởng.
-
Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo trên Toàn Cầu: Vị Tộc Trưởng.
38.2.10.1
Các Tín Hữu Bị Thiểu Năng Trí Tuệ
Một tín hữu bị thiểu năng trí tuệ, cha mẹ hoặc người giám hộ (nếu có), và vị giám trợ cùng nhau hội ý về việc liệu người ấy có nên nhận được phước lành tộc trưởng hay không. Họ xem xét ước muốn của người tín hữu này và liệu người này có khả năng cơ bản để hiểu được phước lành hay không. Nếu vậy, một thành viên của giám trợ đoàn có thể cấp một Giấy Giới Thiệu Nhận Phước Lành Tộc Trưởng. Những chỉ dẫn được ghi trong phần 18.17.
38.2.10.2
Những Người Truyền Giáo
Một phước lành tộc trưởng có thể là nguồn sức mạnh thuộc linh cho một người truyền giáo. Nếu có thể được, một tín hữu nên tiếp nhận một phước lành tộc trưởng trước khi bắt đầu phục vụ truyền giáo. Khi điều này không thể thực hiện được, người đó có thể nhận được một phước lành tộc trưởng trong thời gian phục vụ truyền giáo. Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo phỏng vấn người truyền giáo và chuẩn bị một Giấy Giới Thiệu Nhận Phước Lành Tộc Trưởng. Những chỉ dẫn được ghi trong phần 18.17.
Một người truyền giáo đang ở tại một trung tâm huấn luyện truyền giáo (TTHLTG) thì chỉ có thể nhận được một phước lành tộc trưởng khi nào tất cả những điều sau đây được áp dụng:
-
Người truyền giáo đến từ một khu vực mà không có vị tộc trưởng nào có thể ban phước bằng tiếng mẹ đẻ của người truyền giáo đó.
-
Người truyền giáo sẽ phục vụ trong một phái bộ truyền giáo mà không có vị tộc trưởng nào có thể ban phước bằng tiếng mẹ đẻ của người truyền giáo.
-
Một tộc trưởng ở gần TTHLTG có thể ban một phước lành bằng tiếng mẹ đẻ của người truyền giáo.
38.2.10.3
Các Tín Hữu Gia Nhập Quân Ngũ
Một phước lành tộc trưởng có thể là một nguồn sức mạnh thuộc linh cho một người tín hữu đang phục vụ trong quân đội. Nếu có thể được, một tín hữu xứng đáng nên nhận một phước lành tộc trưởng trước khi trình diện nhập ngũ.
Nếu điều này không thể thực hiện được, tín hữu có thể nhận được phước lành tộc trưởng tại nơi đóng quân thường trực của mình. Một thành viên của giám trợ đoàn ở đó phỏng vấn người tín hữu đó và chuẩn bị một Giấy Giới Thiệu Nhận Phước Lành Tộc Trưởng. Những chỉ dẫn được ghi trong phần 18.17.
Để biết thêm thông tin, chủ tịch giáo khu có thể liên lạc với Văn Phòng của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ tại Q12Patriarchs@ChurchofJesusChrist.org.
38.2.10.4
Các Tín Hữu Sống bên ngoài Giáo Khu của Tộc Trưởng
Một tín hữu thường nhận được phước lành tộc trưởng từ vị tộc trưởng trong giáo khu của người ấy. Tuy nhiên, một tín hữu có thể nhận được phước lành từ một tộc trưởng ở một giáo khu khác nếu người ấy:
-
Là con cháu trực hệ của vị tộc trưởng (con, cháu hoặc chắt) qua việc sinh nở hoặc nhận con nuôi.
-
Sống trong một giáo khu mà không có một vị tộc trưởng đang tích cực trong chức năng.
-
Sống trong một giáo hạt.
-
Không nói cùng ngôn ngữ với vị tộc trưởng giáo khu và một vị tộc trưởng trong giáo khu gần đó nói ngôn ngữ của người tín hữu.
Trong mỗi trường hợp này, một thành viên của giám trợ đoàn hoặc chủ tịch chi nhánh phỏng vấn người tín hữu như được mô tả trong phần 18.17. Một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu của vị tộc trưởng và của chủ tịch đoàn giáo khu hoặc phái bộ truyền giáo của người thụ lễ phải chấp thuận giấy giới thiệu qua Hệ Thống của Phước Lành Tộc Trưởng.
38.2.10.5
Bản Dịch Các Phước Lành Tộc Trưởng
Nguồn soi dẫn và ý nghĩa của một phước lành tộc trưởng rất khó chuyển tải trong bản dịch. Vì lý do này, các tín hữu nên tiếp nhận các phước lành của họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu rõ nhất. Giáo Hội không cung cấp các bản dịch bằng văn bản của các phước lành tộc trưởng.
Các tín hữu không được khuyến khích phiên dịch các phước lành tộc trưởng. Tuy nhiên, đôi khi một tín hữu cần một phước lành được phiên dịch sang một ngôn ngữ mà người ấy hiểu. Người tín hữu ấy có thể tìm kiếm một tín hữu đáng tin cậy và xứng đáng của Giáo Hội mà có thể cung cấp công việc phiên dịch. Người tín hữu ấy nên chọn ra một người phiên dịch lành nghề và hiểu rõ tính chất thiêng liêng cùng tính bảo mật của phước lành đó. Không nộp bản dịch của các phước lành tại trụ sở Giáo Hội.
Một chủ tịch giáo khu có thể yêu cầu bản phiên âm chữ nổi braille của một phước lành tộc trưởng. Ông liên lạc với Văn Phòng của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ tại Q12Patriarchs@ChurchofJesusChrist.org.
38.2.10.6
Thông Dịch Phước Lành Tộc Trưởng bằng Ngôn Ngữ Ký Hiệu
Nếu một tín hữu bị điếc hoặc khiếm thính, thì phước lành tộc trưởng của người ấy có thể được thông dịch bằng ngôn ngữ ký hiệu. Người tín hữu tìm ra một thông dịch viên. Tốt nhất là nếu người này là một tín hữu đáng tin cậy và xứng đáng của Giáo Hội và hiểu được ý nghĩa giáo lý của các phước lành tộc trưởng. Tuy nhiên, khi không tìm được một tín hữu của Giáo Hội thì một người khác có khả năng có thể cung cấp việc thông dịch.
38.2.10.7
Phước Lành Tộc Trưởng thứ Hai
Trong những trường hợp rất hiếm, một tín hữu xứng đáng có thể yêu cầu một phước lành tộc trưởng thứ hai. Tuy nhiên, điều này thường không được khuyến khích và lời yêu cầu có thể không được chấp thuận. Nếu một tín hữu có một lý do quan trọng cho một lá thư yêu cầu như vậy thì người ấy sẽ thảo luận lý do đó với vị giám trợ. Nếu vị giám trợ cảm thấy rằng cần có một phước lành thứ hai thì ông chuẩn bị một Giấy Giới Thiệu Nhận Phước Lành Tộc Trưởng. Những chỉ dẫn được ghi trong phần 18.17.
Sau đó, chủ tịch giáo khu sẽ phỏng vấn người tín hữu và đọc phước lành ban đầu cho người đó nghe. Nếu cảm thấy rằng phước lành thứ hai là cần thiết thì chủ tịch giáo khu sẽ tìm kiếm sự chấp thuận từ Văn Phòng Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ tại Q12Patriarchs@ChurchofJesusChrist.org.
Chủ tịch giáo khu thông báo cho người thụ lễ và vị tộc trưởng về quyết định của Văn Phòng Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Nếu lời yêu cầu này được chấp thuận, chủ tịch giáo khu sẽ chấp thuận giấy giới thiệu trong Hệ Thống Phước Lành Tộc Trưởng. Chủ tịch giáo khu cho người thụ lễ biết rằng phước lành thứ hai này thay thế cho phước lành ban đầu. Sau đó vị tộc trưởng có thể ban cho phước lành tộc trưởng thứ hai.
38.3
Hôn Lễ theo Luật Dân Sự
Các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyến khích các tín hữu nên hội đủ điều kiện để làm lễ hôn phối trong đền thờ và được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Nếu được luật pháp địa phương cho phép, các vị lãnh đạo Giáo Hội có thể thực hiện lễ hôn nhân dân sự trong các trường hợp như sau đây:
-
Một cặp nam nữ dự định kết hôn trong một đền thờ, nhưng lễ hôn phối trong đền thờ không được pháp luật công nhận.
-
Một cặp nam nữ sẽ kết hôn trong một đền thờ nhưng một lễ cưới theo luật dân sự sẽ giúp cha mẹ hoặc những người thân trực hệ trong gia đình cảm thấy được mời tham dự.
-
Không thể vào đền thờ trong một thời gian dài.
-
Một cặp nam nữ không dự định kết hôn trong một đền thờ.
Hôn lễ theo luật dân sự có giá trị cho đến chừng nào một cặp vợ chồng còn sống. Nhưng nó không kéo dài sau cuộc sống trần thế.
Hôn lễ theo luật dân sự phải được thực hiện theo luật pháp nơi hôn lễ được thực hiện.
Không nên thực hiện lễ cưới theo luật dân sự và các nghi lễ tôn giáo liên quan vào ngày Sa Bát. Cũng không nên tổ chức vào những giờ giấc bất thường.
Vị giám trợ hội ý với chủ tịch giáo khu của ông nếu ông có những thắc mắc về hôn lễ theo luật dân sự mà không được giải đáp trong phần này. Chủ tịch giáo khu có thể chuyển các thắc mắc này đến Văn Phòng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
38.3.1
Ai Có Thể Thực Hiện Hôn Lễ Theo Luật Dân Sự
Khi được luật pháp địa phương cho phép, những chức sắc Giáo Hội hiện đang phục vụ sau đây có thể hành động theo sự kêu gọi của họ để thực hiện lễ cưới theo luật dân sự:
-
Chủ tịch phái bộ truyền giáo
-
Chủ tịch giáo khu
-
Chủ tịch giáo hạt
-
Giám trợ
-
Chủ tịch chi nhánh
Các chức sắc này chỉ có thể thực hiện lễ cưới theo luật dân sự giữa một người nam và một người nữ. Tất cả các điều kiện sau đây cũng phải áp dụng:
-
Cô dâu hoặc chú rể là tín hữu của Giáo Hội hoặc đã có ngày báp têm.
-
Hồ sơ tín hữu của cô dâu hoặc chú rể là, hoặc sẽ có sau phép báp têm, trong đơn vị Giáo Hội mà vị chức sắc này chủ tọa.
-
Chức sắc Giáo Hội được cho phép hợp pháp để cử hành hôn lễ theo luật dân sự trong quyền tài phán nơi hôn lễ sẽ diễn ra.
Các vị tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau đang phục vụ tích cực trong quân đội có thể thực hiện hôn lễ theo luật dân sự mà không cần có sự chấp thuận trước.
Các vị tuyên úy được chỉ định cho các đơn vị Trừ Bị hoặc Vệ Binh Quốc Gia cần phải được sự chấp thuận trước của Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội để thực hiện một hôn lễ theo luật dân sự. Xin xem thông tin liên lạc trong đoạn 38.9.10.
Các vị tuyên úy phi quân sự nào phục vụ trong các tổ chức sau đây đều phải nhận được sự chấp thuận trước của Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội để thực hiện một lễ cưới theo luật dân sự:
-
Bệnh viện
-
Các tổ chức an dưỡng cuối đời
-
Các trung tâm chăm sóc người cao niên
-
Nhà giam
-
Cảnh sát biên phòng
-
Cảnh sát hoặc sở cứu hỏa
Các vị tuyên úy nghỉ hưu không được phép thực hiện hôn lễ theo luật dân sự với tư cách là các giáo sĩ tuyên úy.
Những người nào thực hiện hôn lễ và hành động theo những chức vụ kêu gọi của họ với tư cách là các vị lãnh đạo Giáo Hội hoặc các tuyên úy nên sử dụng những hướng dẫn trong phần này. Họ cũng tuân theo tất cả những đòi hỏi pháp lý.
Các vị tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau không được coi là các chức sắc chủ tọa của Giáo Hội trừ khi họ đang phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu, giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh. Khi một vị tuyên úy không phải là một chức sắc chủ tọa của Giáo Hội thực hiện một lễ cưới theo luật dân sự, vị ấy làm việc với tư cách là viên chức đại diện cho chính phủ hoặc tổ chức dân sự mà người ấy đang phục vụ. Do đó, lời diễn đạt của nghi lễ hôn nhân dân sự được thay đổi một chút đối với các vị tuyên úy này như được cho thấy trong đoạn 38.3.6.
Các tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau chỉ có thể thực hiện lễ cưới theo luật dân sự giữa một người nam và một người nữ.
Các chức sắc Giáo Hội và các vị tuyên úy thực hiện hôn lễ theo luật dân sự cho các tín hữu của Giáo Hội cần cung cấp thông tin về hôn nhân cần thiết cho thư ký tiểu giáo khu hoặc chi nhánh. Thư ký cập nhật các hồ sơ tín hữu.
Một chức sắc Giáo Hội hay vị tuyên úy, là người thực hiện lễ cưới theo luật dân sự theo quyền hạn của mình trong Giáo Hội, không được chấp nhận lệ phí.
38.3.2
Hôn Lễ Theo Luật Dân Sự dành cho Các Tín Hữu từ Các Đơn Vị Khác
Một chức sắc Giáo Hội không được thực hiện một lễ cưới cho các tín hữu Giáo Hội khi hồ sơ tín hữu của cô dâu lẫn chú rể không nằm trong đơn vị Giáo Hội mà vị chức sắc đó đang chủ tọa (xin xem đoạn 38.3.1). Một trường hợp ngoại lệ được thiết lập cho các tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau và các chức sắc Giáo Hội là các viên chức chính phủ.
38.3.3
Hôn Lễ Dân Sự cho Những Người Không Phải Là Tín Hữu của Giáo Hội
Một chức sắc Giáo Hội không được thực hiện lễ cưới khi cả cô dâu lẫn chú rể đều không phải là tín hữu Giáo Hội trừ khi một hoặc cả hai người đã có ngày báp têm. Một trường hợp ngoại lệ được thiết lập cho các tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau và các chức sắc Giáo Hội là các viên chức chính phủ.
38.3.4
Hôn Lễ Dân Sự được Tổ Chức trong Các Tòa Nhà của Giáo Hội
Một bữa tiệc cưới có thể được tổ chức trong một tòa nhà của Giáo Hội nếu không làm gián đoạn lịch trình các hoạt động thường xuyên của Giáo Hội. Không nên tổ chức những bữa tiệc này vào ngày Sa Bát hoặc tối thứ Hai. Các bữa tiệc cưới được thực hiện trong các tòa nhà của Giáo Hội phải là đơn giản và trang nghiêm. Âm nhạc phải thiêng liêng, trang nghiêm và vui vẻ.
Hôn lễ có thể được thực hiện trong giáo đường, hội trường văn hoá, hoặc một căn phòng thích hợp khác. Hôn lễ phải tuân theo những hướng dẫn để sử dụng nhà hội một cách hợp lý (xin xem các đoạn 35.5.8 và 35.5.15).
Giáo Hội không cho phép sử dụng nhà hội hoặc tài sản của Giáo Hội cho bất cứ mục đích nào liên quan đến hôn nhân đồng giới, đa thê, bất hợp pháp hoặc các hôn lễ khác không phù hợp với giáo lý hoặc chính sách của Giáo Hội.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, vị giám trợ có thể cho phép sử dụng một tòa nhà của Giáo Hội cho các hôn lễ được thực hiện bởi một người không phải là một chức sắc Giáo Hội hoặc cho những người không phải là tín hữu Giáo Hội. Vị giám trợ hội ý trước với chủ tịch giáo khu. Vị giám trợ hội ý với người sẽ cử hành lễ để bảo đảm rằng người ấy hiểu những hướng dẫn trong phần này. Một thành viên của hội đồng giáo khu hoặc tiểu giáo khu tham dự để bảo đảm việc sử dụng và chăm sóc tòa nhà là đúng cách.
Vị giám trợ có thể cho phép phát trực tuyến một đám cưới được thực hiện trong một tòa nhà của Giáo Hội (xin xem phần 29.7).
38.3.5
Hôn Lễ Theo Luật Dân Sự Phải Được Thực Hiện bởi một Viên Chức Chính Quyền hoặc ở một Nơi Công Cộng
Trong một số địa điểm, luật pháp đòi hỏi rằng một nghi lễ hôn nhân phải được thực hiện bởi một công chức. Một số khu vực đòi hỏi rằng buổi lễ phải được thực hiện trong một tòa nhà công cộng hoặc một nơi công cộng khác. Trong những trường hợp này, một chức sắc của chức tư tế được cho phép có thể thực hiện một buổi nhóm họp tôn giáo ngắn gọn sau hôn lễ theo luật dân sự. Trong buổi quy tụ này, vị ấy đưa ra lời khuyên bảo cho hai vợ chồng.
38.3.6
Hôn Lễ Theo Luật Dân Sự
Hôn nhân là thiêng liêng và cần được tôn vinh và trang nghiêm như vậy. Hôn nhân cho các tín hữu Giáo Hội được thực hiện bên ngoài đền thờ phải phản ánh một tinh thần cam kết và hân hoan.
Ngoại trừ những nơi nào được ghi chú, thông tin trong phần này áp dụng cho các tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau cũng như các chức sắc Giáo Hội.
Trước khi thực hiện hôn lễ theo dân sự, một chức sắc Giáo Hội có thể hội ý với cặp nam nữ về tính chất thiêng liêng của lời thề ước hôn nhân. Vị này có thể thêm vào lời khuyên bảo khác khi Thánh Linh hướng dẫn.
Để thực hiện một lễ cưới theo luật dân sự, một chức sắc Giáo Hội nói với cặp nam nữ: “Xin hãy nắm bàn tay phải của nhau.” Rồi vị ấy nói: “[Họ và tên của chú rể] và [họ và tên của cô dâu], hai anh chị đã nắm bàn tay phải của nhau trong dấu hiệu giao ước mà hai anh chị sẽ bước vào trong sự hiện diện của Thượng Đế và các nhân chứng này.” (Cặp nam nữ này có thể chọn hoặc đề nghị những nhân chứng này.)
Sau đó, vị chức sắc ngỏ lời với chú rể và hỏi: “[Họ và tên của chú rể], anh có nhận [họ và tên của cô dâu] là người vợ cưới hỏi hợp pháp của anh và anh có tự nguyện và tự ý long trọng giao ước rằng anh sẽ là người bạn đời và người chồng cưới hỏi hợp pháp của chị và anh sẽ gắn bó với chị chứ không với một ai khác; rằng anh sẽ tuân thủ tất cả các luật pháp, giao ước, và bổn phận liên quan đến tình trạng hôn nhân thiêng liêng; và anh sẽ yêu thương, kính trọng, và quý mến chị cho tới suốt đời của hai anh chị không?”
Chú rể đáp: “Vâng” hoặc “Có ạ.”
Sau đó, vị chức sắc Giáo Hội ngỏ lời với cô dâu và hỏi: “[Họ và tên của cô dâu], chị có nhận [họ và tên đầy đủ của chú rể] là người chồng cưới hỏi hợp pháp của chị và chị có tự nguyện và tự ý long trọng giao ước rằng chị sẽ là người bạn đời và người vợ cưới hỏi hợp pháp của anh và chị sẽ gắn bó với anh chứ không với một ai khác; rằng chị sẽ tuân thủ tất cả các luật pháp, trách nhiệm và bổn phận liên quan đến tình trạng hôn nhân thiêng liêng; và chị sẽ yêu thương, kính trọng, và quý mến anh cho tới suốt đời của hai anh chị không?”
Cô dâu đáp: “Vâng” hoặc “Có ạ.”
Sau đó, vị chức sắc Giáo Hội ngỏ lời với cặp nam nữ và nói: “Bởi thẩm quyền hợp pháp được ban cho tôi là một anh cả của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi tuyên bố anh, [tên chú rể] và [tên cô dâu] là vợ chồng cưới hỏi hợp pháp và hợp thức trong thời kỳ sống trên trần thế của anh chị.”
(Lời lẽ thay thế dành cho một tuyên úy không phục vụ với tư cách là một chức sắc chủ tọa của Giáo Hội: “Bởi thẩm quyền hợp pháp được ban cho tôi là một tuyên úy trong [binh chủng quân đội hay tổ chức dân sự], tôi tuyên bố anh, [tên chú rể] và [tên cô dâu] là vợ chồng cưới hỏi hợp pháp và hợp thức trong thời kỳ sống trên trần thế của anh chị.”)
“Cầu xin Thượng Đế ban phước cho hôn nhân của anh chị với niềm vui nơi con cháu của anh chị và cuộc sống hạnh phúc lâu dài với nhau, và cầu xin Ngài ban phước cho anh chị để tuân giữ các giao ước thiêng liêng mà anh chị đã lập. Tôi cầu khẩn những phước lành này cho anh chị trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.”
Lời mời hôn nhau với tư cách là vợ chồng là tùy ý và dựa trên chuẩn mực văn hóa.
38.4
Chính Sách về Lễ Gắn Bó
Các tín hữu Giáo Hội lập giao ước thiêng liêng với Thượng Đế khi họ nhận được các giáo lễ đền thờ. Các giáo lễ gắn bó trong đền thờ kết nối các gia đình cho thời vĩnh cửu khi các tín hữu cố gắng tôn vinh các giao ước mà họ lập khi họ nhận được giáo lễ. Các giáo lễ gắn bó gồm có:
-
Lễ gắn bó vợ chồng.
-
Lễ gắn bó con cái với cha mẹ.
Những người nào tuân giữ các giao ước của họ thì sẽ vẫn giữ lại các phước lành cá nhân do lễ gắn bó mang lại. Điều này đúng cho dù người phối ngẫu của người đó đã vi phạm các giao ước hoặc rút lui khỏi cuộc hôn nhân.
Những đứa con thành tín đã được làm lễ gắn bó với cha mẹ hoặc được sinh ra trong giao ước đều vẫn giữ được phước lành của việc có được cha mẹ vĩnh cửu. Điều này đúng ngay cả khi cha mẹ của họ hủy bỏ lễ gắn bó hôn nhân, bị thu hồi hoặc từ bỏ tư cách tín hữu Giáo Hội của họ.
Các tín hữu nào quan tâm đến tính chất vĩnh cửu của giáo lễ gắn bó và các mối quan hệ gia đình và vợ chồng liên quan của họ đều được khuyến khích tin cậy nơi Chúa và tìm kiếm sự an ủi của Ngài.
Các tín hữu nên hội ý với vị giám trợ của họ nếu có thắc mắc gì về các chính sách làm lễ gắn bó chưa được giải đáp trong phần này. Vị giám trợ liên lạc với chủ tịch giáo khu nếu ông có thắc mắc. Các chủ tịch giáo khu có thể liên lạc với chủ tịch đoàn đền thờ trong khu vực đền thờ của họ, Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng hoặc Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu họ có thắc mắc.
38.4.1
Lễ Gắn Bó của một Người Nam và Người Nữ
Nhu Cầu |
Mục |
---|---|
Nhu Cầu Tôi đã kết hôn theo luật dân sự và muốn được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu của tôi. | Mục |
Nhu Cầu Tôi đã ly dị với người phối ngẫu trước và muốn được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu hiện tại. | Mục |
Nhu Cầu Người phối ngẫu mà tôi được làm lễ gắn bó đã qua đời. Bây giờ tôi có thể được làm lễ gắn bó với ai? | Mục |
Nhu Cầu Tôi cần làm đơn xin hủy bỏ lễ gắn bó hoặc xin phép làm lễ gắn bó. | Mục |
Nhu Cầu Tôi cần phải loại bỏ sự hạn chế đối với việc làm lễ gắn bó trong đền thờ. | Mục |
Nhu Cầu Vợ chồng tôi đã kết hôn trong đền thờ chỉ cho thời tại thế mà thôi. Chúng tôi có thể được làm lễ gắn bó với nhau không? | Mục |
Nhu Cầu Những người trong gia đình đã qua đời của tôi có thể được làm lễ gắn bó với ai? | Mục |
Nhu Cầu Sự ly dị ảnh hưởng đến việc làm lễ gắn bó của tôi như thế nào? | Mục |
Nhu Cầu Tác dụng của việc hủy bỏ lễ gắn bó là gì? | Mục |
Nhu Cầu Việc từ bỏ hoặc bị thu hồi tư cách tín hữu Giáo Hội ảnh hưởng đến việc làm lễ gắn bó của tôi như thế nào? | Mục |
38.4.1.1
Lễ Gắn Bó của Các Tín Hữu Còn Sống sau Hôn Lễ theo Luật Dân Sự
Một người nam và người nữ đã kết hôn theo luật dân sự có thể được làm lễ gắn bó trong đền thờ ngay khi hoàn cảnh cho phép nếu các điều kiện sau đây được đáp ứng:
-
Cả hai người đều đã là tín hữu của Giáo Hội ít nhất một năm (xin xem đoạn 27.3.1 và đoạn 27.2.1).
-
Họ đã chuẩn bị và xứng đáng.
Khi cấp giấy giới thiệu đi đền thờ cho một cặp vợ chồng để được làm lễ gắn bó, các vị lãnh đạo chức tư tế phải chắc chắn rằng hôn lễ theo luật dân sự đều hợp lệ và hợp pháp. Xin xem phần 26.3 và phần 27.3.
38.4.1.2
Lễ Gắn Bó của Các Tín Hữu Còn Sống sau khi Ly Dị
Phụ Nữ. Một phụ nữ còn sống có thể được làm lễ gắn bó với chỉ một người chồng trong một thời điểm. Nếu người ấy và một người chồng đã được làm lễ gắn bó và sau đó ly dị thì người ấy phải được phép hủy bỏ lễ gắn bó đó trước khi được làm lễ gắn bó với một người đàn ông khác trong suốt cuộc đời của người ấy (xin xem mục 38.4.1.4).
Một người phụ nữ còn sống hiện chưa kết hôn hoặc chưa làm lễ gắn bó với người đàn ông khác thì có thể được làm lễ gắn bó với người chồng đã qua đời mà người ấy đã ly dị trong lúc sống. Trước hết người ấy phải nhận được giấy ưng thuận có ký tên từ người vợ góa của người chồng cũ (nếu có).
Xin xem chương 28 để biết thông tin về việc thực hiện các giáo lễ dành cho người phối ngẫu đã qua đời.
Đàn Ông. Nếu một người nam và người nữ được làm lễ gắn bó và sau đó ly dị, thì người đàn ông phải nhận được sự cho phép làm lễ gắn bó trước khi được làm lễ gắn bó với một người phụ nữ khác (xin xem mục 38.4.1.4). Cần có sự cho phép làm lễ gắn bó ngay cả khi (1) lễ gắn bó trước đã được hủy bỏ hoặc (2) người vợ ly dị trước giờ đã qua đời.
Chỉ cần có sự cho phép làm lễ gắn bó nếu một người đàn ông đã ly dị với người phụ nữ mới được làm lễ gắn bó gần đây nhất với người nam ấy. Ví dụ, nếu một người đàn ông đã nhận được một sự cho phép làm lễ gắn bó với người vợ thứ hai sau khi ly dị, và sau đó người vợ thứ hai của người này chết thì người đàn ông này sẽ không cần một sự cho phép khác để được làm lễ gắn bó lại.
Một người đàn ông còn sống có thể được làm lễ gắn bó với người vợ đã qua đời mà người này đã ly dị khi còn sống. Trước hết người đàn ông phải nhận được giấy ưng thuận có ký tên từ người chồng góa của người vợ cũ (nếu có). Người này cũng phải nhận được giấy ưng thuận của người vợ hiện tại nếu người này đã kết hôn.
Xin xem chương 28 để biết thông tin về việc thực hiện các giáo lễ dành cho người phối ngẫu đã qua đời.
38.4.1.3
Lễ Gắn Bó của Các Tín Hữu Còn Sống sau khi Người Phối Ngẫu Đã Qua Đời
Phụ Nữ. Nếu một cặp vợ chồng đã được làm lễ gắn bó và người chồng qua đời, thì người phụ nữ này không được làm lễ gắn bó với người đàn ông khác trừ khi người phụ nữ này nhận được giấy cho phép hủy bỏ lễ gắn bó đầu tiên (xin xem mục 38.4.1.4).
Một người phụ nữ còn sống hiện chưa kết hôn hoặc chưa được làm lễ gắn bó với một người đàn ông khác có thể được làm lễ gắn bó với một người chồng đã qua đời. Nếu cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị, thì xin xem mục 38.4.1.2.
Một người phụ nữ còn sống hiện đang kết hôn thì không thể được làm lễ gắn bó với người chồng đã qua đời nếu không có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
Xin xem chương 28 để biết thông tin về việc thực hiện các giáo lễ dành cho người phối ngẫu đã qua đời.
Đàn Ông. Nếu một cặp vợ chồng đã được làm lễ gắn bó và người vợ qua đời, thì người đàn ông này có thể được làm lễ gắn bó với một người phụ nữ khác nếu người phụ nữ ấy chưa được làm lễ gắn bó với một người đàn ông khác. Trong trường hợp này, người đàn ông không cần sự cho phép làm lễ gắn bó từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trừ khi người này ly dị với người vợ cũ trước khi người vợ này qua đời (xin xem mục 38.4.1.2).
Một người đàn ông còn sống có thể được làm lễ gắn bó với một người vợ đã qua đời. Nếu cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị, thì xin xem mục 38.4.1.2. Trước khi được làm lễ gắn bó với một người vợ đã qua đời, một người đàn ông phải nhận được sự ưng thuận bằng văn bản từ người vợ hiện tại của mình nếu người ấy đã kết hôn.
Xin xem chương 28 để biết thông tin về việc thực hiện các giáo lễ dành cho người phối ngẫu đã qua đời.
38.4.1.4
Làm Đơn Xin Hủy Bỏ Lễ Gắn Bó hoặc Cho Phép Làm Lễ Gắn Bó
Xin xem mục 38.4.1.2 để biết thông tin về lễ gắn bó của các tín hữu còn sống sau khi ly dị. Xin xem mục 38.4.1.3 để biết thông tin về lễ gắn bó của các tín hữu còn sống sau khi người phối ngẫu qua đời.
Các tín hữu thuộc một trong hai giới tính có thể cố gắng yêu cầu hủy bỏ lễ gắn bó cho dù họ không chuẩn bị làm lễ gắn bó với người phối ngẫu khác. Một nam tín hữu của Giáo Hội phải nhận được sự cho phép để được làm lễ gắn bó với một phụ nữ khác sau khi ly dị.
Tiến trình tìm cách xin hủy bỏ lễ gắn bó hoặc cho phép làm lễ gắn bó được mô tả dưới đây.
-
Người tín hữu này nói chuyện với vị giám trợ của mình về lời yêu cầu này.
-
Vị giám trợ bảo đảm rằng:
-
Cuộc ly dị là chung cuộc.
-
Người tín hữu hiện đáp ứng tất cả các điều kiện pháp lý về việc cấp dưỡng con cái và người phối ngẫu liên quan đến cuộc ly dị.
-
-
Nếu vị giám trợ đề nghị rằng việc hủy bỏ lễ gắn bó hoặc cho phép làm lễ gắn bó được chấp thuận thì ông:
-
Điền một Đơn Gửi lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cho người tín hữu bằng cách sử dụng hệ thống Những Nguồn Tài Liệu của Vị Lãnh Đạo và Thư Ký (LCR). Các vị lãnh đạo nào không có quyền truy cập vào hệ thống LCR thì thay vì thế hãy sử dụng một bản sao mẫu Đơn Gửi lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Mẫu đơn này có sẵn tại Văn Phòng Hồ Sơ Kín Nhiệm tại trụ sở Giáo Hội.
-
Nộp đơn cho chủ tịch giáo khu.
-
-
Chủ tịch giáo khu họp với tín hữu. Chủ tịch giáo khu kiểm chứng rằng:
-
Cuộc ly dị là chung cuộc.
-
Người tín hữu hiện đáp ứng tất cả các điều kiện pháp lý về việc cấp dưỡng con cái và người phối ngẫu liên quan đến cuộc ly dị.
-
-
Nếu chủ tịch giáo khu đề nghị rằng nên chấp thuận việc hủy bỏ lễ gắn bó hoặc xin phép làm lễ gắn bó thì ông nộp đơn lên trụ sở Giáo Hội bằng cách sử dụng hệ thống LCR. Xin xem đoạn 6.2.3 về trách nhiệm của chủ tịch giáo khu khi nộp đơn lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
-
Nếu đơn thỉnh cầu này được chấp thuận, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cung cấp một lá thư nói rằng việc hủy bỏ lễ gắn bó hoặc cho phép làm lễ gắn bó đã được chấp thuận.
-
Sau khi nhận được lá thư này, người tín hữu này có thể đặt lịch hẹn để được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Người tín hữu này nên trình lá thư này tại đền thờ.
Xin xem mục 38.4.1.9.
38.4.1.5
Loại Bỏ một Hạn Chế đối với Lễ Gắn Bó trong Đền Thờ
Một người phạm tội ngoại tình trong khi đang kết hôn với người phối ngẫu mà họ đã được làm lễ gắn bó thì không thể được làm lễ gắn bó với người đã ngoại tình với mình nếu không có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
Một cặp vợ chồng có thể cố gắng xin sự chấp thuận sau khi họ đã kết hôn được ít nhất năm năm. Tiến trình đưa ra lời thỉnh cầu xin loại bỏ một hạn chế đối với lễ gắn bó trong đền thờ được mô tả dưới đây.
-
Cặp vợ chồng này đến nói chuyện với vị giám trợ và chủ tịch giáo khu của họ.
-
Nếu các vị lãnh đạo này cảm thấy rằng sự hạn chế này nên được loại bỏ thì họ sẽ viết thư cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn với những lời đề nghị của họ. Thư của họ phải mô tả sự xứng đáng của người nộp đơn đối với đền thờ và sự ổn định của cuộc hôn nhân của họ trong ít nhất năm năm. Xin xem đoạn 6.2.3 về trách nhiệm của chủ tịch giáo khu khi nộp đơn lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
-
Cặp vợ chồng này cũng viết thư thỉnh cầu gửi lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
-
Chủ tịch giáo khu nộp tất cả những lá thư này lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Vị này có thể gửi yêu cầu cùng với tờ đơn xin hủy bỏ lễ gắn bó hoặc xin phép làm lễ gắn bó (xin xem mục 38.4.1.4).
-
Nếu thư yêu cầu này được chấp thuận, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn sẽ gửi cho một lá thư nói rằng sự hạn chế đối với lễ gắn bó đền thờ đã được gỡ bỏ.
-
Sau khi nhận được thư đó, cặp vợ chồng này có thể hẹn lịch để được làm lễ gắn bó. Họ trình ra bức thư đó ở đền thờ.
38.4.1.6
Lễ Gắn Bó sau khi Có Lễ Hôn Phối trong Đền Thờ Chỉ cho Thời Tại Thế
Các cặp vợ chồng kết hôn trong đền thờ chỉ cho thời tại thế thường không được làm lễ gắn bó sau này. Để thực hiện lễ gắn bó như vậy, trước hết người phụ nữ này cần phải nhận được từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn sự hủy bỏ lễ gắn bó trước đây của người đó. Nếu giám trợ và chủ tịch giáo khu đều cảm thấy rằng việc hủy bỏ lễ gắn bó là hợp lý, thì chủ tịch giáo khu nộp đơn lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn bằng cách sử dụng hệ thống LCR. Xin xem đoạn 6.2.3 về trách nhiệm của chủ tịch giáo khu khi nộp đơn lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
Hôn lễ chỉ cho thời tại thế không còn được thực hiện trong đền thờ nữa (xin xem đoạn 27.3.3).
38.4.1.7
Lễ Gắn Bó của Những Người Đã Qua Đời
Phần này áp dụng cho những người đã qua đời được làm lễ gắn bó với những người phối ngẫu cũng đã qua đời. Nếu một trong những người phối ngẫu vẫn còn sống, xin xem mục 38.4.1.3.
Các Phụ Nữ Đã Qua Đời. Một phụ nữ đã qua đời có thể được làm lễ gắn bó với tất cả những người đàn ông mà người ấy đã kết hôn hợp pháp trong cuộc đời của người ấy. Bảng sau đây cho thấy khi nào các lễ gắn bó này có thể diễn ra.
Người ấy đã không được làm lễ gắn bó với một người chồng khi còn sống |
Người ấy có thể được làm lễ gắn bó với tất cả những người đàn ông còn sống hoặc đã qua đời mà người ấy đã kết hôn khi còn sống. Nếu người đàn ông còn sống, thì vợ của người ấy (nếu đã kết hôn) phải đồng ý bằng văn bản. Nếu người đàn ông này đã qua đời, thì góa phụ của người ấy (nếu có) phải đồng ý bằng văn bản. |
Người ấy đã được làm lễ gắn bó với một người chồng khi còn sống |
Tất cả những người chồng của người ấy phải qua đời trước khi người ấy được làm lễ gắn bó với những người đàn ông khác mà người ấy đã kết hôn với. Điều này gồm có những người chồng cũ mà người phụ nữ đó có thể đã ly dị. Mỗi góa phụ của những người đàn ông (nếu có) phải đồng ý bằng văn bản. |
Người Đàn Ông Đã Qua Đời. Một người đàn ông đã qua đời có thể đã được làm lễ gắn bó với tất cả những phụ nữ đã kết hôn hợp pháp với mình trong suốt cuộc đời của người ấy nếu (1) họ đã qua đời hoặc (2) họ đang sống và không được làm lễ gắn bó với một người khác.
Trước khi một người đàn ông đã qua đời có thể được làm lễ gắn bó với một người phụ nữ đã qua đời mà người ấy đã kết hôn trong cuộc đời, thì người chồng góa của người đàn bà đó (nếu có) phải đồng ý bằng văn bản.
Các Cặp Vợ Chồng Qua Đời Đã Ly Dị. Các cặp vợ chồng đã qua đời và đã ly dị đều có thể được làm lễ gắn bó thay để con cái của họ có thể được làm lễ gắn bó với họ. Xin xem đoạn 28.3.5 về việc nếu người chồng hoặc người vợ đã bị thu hồi hay đã từ bỏ tư cách tín hữu Giáo Hội và chưa được làm phép báp têm lại vào lúc qua đời.
Cần có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trước khi làm lễ gắn bó cho một cặp vợ chồng đã qua đời và đã nhận được sự hủy bỏ lễ gắn bó của họ trong khi còn sống.
38.4.1.8
Hiệu Lực của Vụ Ly Dị
Nếu một cặp vợ chồng đã được làm lễ gắn bó và sau đó ly dị, thì các phước lành của lễ gắn bó đó vẫn có hiệu lực đối với những cá nhân xứng đáng trừ khi lễ gắn bó đó bị hủy bỏ (xin xem mục 38.4.1.4 và mục 38.4.1.9). Một tín hữu vẫn trung thành với các giao ước đền thờ sẽ nhận được mọi phước lành đã được hứa trong đền thờ, cho dù người phối ngẫu của người đó đã vi phạm các giao ước hoặc rút lui khỏi cuộc hôn nhân này.
Xin xem mục 38.4.2.1 để biết thông tin về các trẻ em được sinh ra sau khi ly dị.
38.4.1.9
Hiệu Lực của Việc Hủy Bỏ Lễ Gắn Bó
Một khi việc hủy bỏ lễ gắn bó đã được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chấp thuận, thì các phước lành đã liên quan đến lễ gắn bó đó sẽ không còn hiệu lực nữa. Các vị lãnh đạo chức tư tế nên bàn thảo với các tín hữu đang tìm cách hủy bỏ một lễ gắn bó để giúp họ hiểu các nguyên tắc này. Các vị lãnh đạo nên tôn trọng quyền tự quyết của các tín hữu trong những quyết định này.
Bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra bởi một người phụ nữ sau khi lễ gắn bó của người ấy với người chồng cũ đã bị hủy bỏ thì không được sinh ra trong giao ước trừ khi người ấy đã được làm lễ gắn bó với một người đàn ông khác.
38.4.1.10
Hiệu Lực của Việc Từ Bỏ hoặc Bị Thu Hồi Tư Cách Tín Hữu của Giáo Hội
Sau khi một cặp vợ chồng đã được làm lễ gắn bó trong một đền thờ, nếu một trong hai người từ bỏ tư cách tín hữu của Giáo Hội hoặc bị thu hồi tư cách tín hữu của họ, thì những phước lành trong đền thờ của họ cũng bị rút lại. Tuy nhiên, các phước lành cá nhân của giáo lễ gắn bó cho người phối ngẫu và con cái của người đó vẫn còn hiệu lực nếu họ vẫn xứng đáng.
Bất cứ đứa trẻ nào được sinh ra bởi một cặp vợ chồng sau khi một hoặc cả hai người đã từ bỏ tư cách tín hữu của họ hoặc bị thu hồi tư cách tín hữu Giáo Hội của họ đều không được sinh ra trong giao ước. Xin xem mục 38.4.2.8.
38.4.2
Lễ Gắn Bó Con Cái với Cha Mẹ
38.4.2.1
Con Cái Sinh Ra trong Giao Ước
Con cái sinh ra sau khi mẹ của họ đã được làm lễ gắn bó với một người chồng trong đền thờ đều được sinh ra trong giao ước của lễ gắn bó đó. Họ không cần phải tiếp nhận giáo lễ gắn bó với cha mẹ.
Đôi khi một người phụ nữ đã được làm lễ gắn bó với một người đàn ông về sau có con với một người đàn ông khác. Khi điều này xảy ra, những đứa trẻ này được sinh ra trong giao ước của lễ gắn bó đầu tiên trừ khi chúng được sinh ra (1) sau khi lễ gắn bỏ bị hủy bỏ hoặc (2) sau khi lễ gắn bó bị thu hồi do việc từ bỏ hoặc bị thu hồi tư cách tín hữu của Giáo Hội.
38.4.2.2
Con Cái Không Sinh Ra trong Giao Ước
Con cái không sinh ra trong giao ước có thể trở thành một phần của một gia đình vĩnh cửu bằng cách được làm lễ gắn bó với cha mẹ ruột hoặc cha mẹ nuôi của họ. Những đứa con này nhận được cùng các phước lành như thể đã được sinh ra trong giao ước.
Con cái còn sống. Một đứa con còn sống chỉ có thể được làm lễ gắn bó với hai cha mẹ—một cặp vợ chồng—chứ không phải chỉ với một người cha hoặc một người mẹ. Xin xem đoạn 27.4.1 để biết thông tin về việc cấp giấy giới thiệu của đền thờ cho con cái được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ.
Các tín hữu từ 21 tuổi trở lên phải được làm lễ thiên ân trước khi được làm lễ gắn bó với cha mẹ của chúng.
Các tín hữu đã kết hôn dưới 21 tuổi không cần phải làm lễ thiên ân để được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ. Tuy nhiên, họ cần phải có giấy giới thiệu đi đền thờ còn hiệu lực (xin xem đoạn 26.4.4).
Con cái đã qua đời. Một người qua đời thường được làm lễ gắn bó với cha mẹ ruột hay cha mẹ nuôi của mình. Tuy nhiên, một đứa trẻ đã chết cũng có thể được làm lễ gắn bó với:
-
Một người mẹ ruột và cha kế.
-
Một người cha ruột và mẹ kế.
-
Cha mẹ nuôi tạm thời hoặc ông bà là người nuôi dưỡng đứa trẻ này (xin xem mục 38.4.2.4).
-
Một cặp vợ chồng có ý định nhận nuôi đứa trẻ này nhưng không thể hoàn tất việc nhận con nuôi trước khi đứa trẻ này chết (xin xem mục 38.4.2.4).
Những lễ gắn bó này có thể được thực hiện cho dù một đứa trẻ đã chết mà đã được làm lễ gắn bó với cha mẹ ruột hoặc cha mẹ nuôi của mình rồi. Những lễ gắn bó với cha mẹ không phải là cha mẹ ruột hoặc cha mẹ không nuôi dưỡng trong những trường hợp khác ngoài những trường hợp được liệt kê ở trên thì cần phải có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
38.4.2.3
Con Nuôi hoặc Con Nuôi Tạm Thời Còn Sống
Con cái còn sống được sinh ra trong giao ước hoặc đã được làm lễ gắn bó với cha mẹ đều không thể được làm lễ gắn bó với bất cứ cha mẹ nào khác trừ khi được sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
Con cái còn sống đã được nhận nuôi hợp pháp và không sinh ra trong giao ước cũng như không được làm lễ gắn bó với cha mẹ trước đều có thể được làm lễ gắn bó với cha mẹ nuôi sau khi hoàn tất thủ tục nhận con nuôi. Một bản sao của phán quyết nhận con nuôi chung cuộc nên được trình ra tại đền thờ. Một án lệnh của toà cho phép quyền giám hộ hợp pháp là không đủ để cho phép làm lễ gắn bó. Không bắt buộc phải xác định cha mẹ ruột của những đứa trẻ này.
Cần có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để một tín hữu còn sống được làm lễ gắn bó với cha mẹ tạm nuôi. Yêu cầu này được áp dụng cho dù không biết cha mẹ ruột của đứa con nuôi là ai. Những yêu cầu như vậy được chủ tịch giáo khu đưa ra bằng cách sử dụng hệ thống LCR (xin xem đoạn 6.2.3).
38.4.2.4
Con Nuôi hoặc Con Nuôi Tạm Thời Đã Qua Đời
Một người con nuôi đã qua đời thường được làm lễ gắn bó với cha mẹ nuôi của mình.
Một người con nuôi tạm thời đã qua đời thường được làm lễ gắn bó với cha mẹ ruột của mình.
38.4.2.5
Lễ Gắn Bó của Con Cái Còn Sống với một Người Cha hay Mẹ Ruột và một Người Cha hay Mẹ Kế
Con cái vị thành niên và con cái không chịu trách nhiệm giải trình. Con cái vị thành niên còn sống và con cái không phải chịu trách nhiệm giải trình do bị thiểu năng trí tuệ chỉ có thể được làm lễ gắn bó với người cha hay mẹ ruột và một người cha hay mẹ kế nếu đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:
-
Con cái không được sinh ra trong giao ước hoặc đã được làm lễ gắn bó trước đó.
-
Con cái đã không được nhận làm con nuôi bởi một người cha hay mẹ khác.
-
Người cha hay mẹ ruột kia đã viết một lá thư ưng thuận có ký tên để lễ gắn bó được diễn ra. Một án lệnh của toà cho phép quyền giám hộ hợp pháp là không đủ để cho phép làm lễ gắn bó. Thư ưng thuận nên có lời lẽ tương tự như sau: “Tôi, [tên của cha hay mẹ ruột], cho phép [tên của đứa con hoặc nhiều đứa con] được làm lễ gắn bó trong đền thờ với [tên của cha mẹ]. Tôi hiểu rằng lễ gắn bó là một nghi lễ tôn giáo và không có ý nghĩa pháp lý.” Thư này cần phải được trình ra tại đền thờ trước khi làm lễ gắn bó.
Nếu một người cha hay người mẹ ruột kia qua đời hoặc nếu quyền cha mẹ của người đó đã bị chấm dứt hoàn toàn bởi thủ tục pháp lý, thì không cần có giấy ưng thuận. Tương tự như vậy, không cần có sự ưng thuận nếu đứa trẻ được coi như là một người lớn trong khu vực phạm vi quyền hạn nơi em ấy sống.
Nếu không thể biết một người cha hay người mẹ ruột kia ở đâu sau các nỗ lực triệt để nhằm tìm người đó, thì không cần có giấy ưng thuận. Trong trường hợp này, vị giám trợ và chủ tịch giáo khu chứng nhận trong một tiến trình xác minh rằng những nỗ lực triệt để nhằm tìm kiếm người cha hay mẹ mất tích đã thất bại. Nếu người cha hay mẹ ruột kia ra mặt vào một ngày sau đó, lễ gắn bó sẽ phải được xem xét.
Con cái là người thành niên. Một tín hữu thành niên còn sống có thể được làm lễ gắn bó với một người cha hay mẹ ruột và một người cha hay mẹ kế nếu người tín hữu đó không được sinh ra trong giao ước hoặc trước đó đã được làm lễ gắn bó với cha mẹ.
Các tín hữu từ 21 tuổi trở lên phải được làm lễ thiên ân trước khi được làm lễ gắn bó với một người cha hay mẹ ruột và một người cha hay mẹ kế.
Các tín hữu đã kết hôn dưới 21 tuổi không cần phải được làm lễ thiên ân để được làm lễ gắn bó với một người cha hay mẹ ruột và người cha hay mẹ kế. Tuy nhiên, họ phải có giấy giới thiệu đi đền thờ còn hiệu lực để được làm lễ gắn bó với cha mẹ (xin xem đoạn 26.4.4).
38.4.2.6
Con Cái Được Thụ Tinh Nhân Tạo hoặc Thụ Tinh trong Ống Nghiệm
Con cái được thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm được sinh ra trong giao ước nếu cha mẹ của họ đã được làm lễ gắn bó. Nếu con cái sinh ra trước khi cha mẹ được làm lễ gắn bó, họ có thể được làm lễ gắn bó với cha mẹ sau khi cha mẹ của họ đã được làm lễ gắn bó với nhau.
38.4.2.7
Con Cái Sinh Ra Bởi Những Người Mẹ Mang Thai Hộ
Nếu một đứa con được sinh ra bởi một người mẹ mang thai hộ, thì vị chủ tịch giáo khu chuyển vấn đề này lên Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn (xin xem đoạn 38.6.22).
38.4.2.8
Tình Trạng của Con Cái Khi một Lễ Gắn Bó Bị Hủy Bỏ hoặc Bị Thu Hồi
Con cái sinh ra trong giao ước hoặc được làm lễ gắn bó với cha mẹ thì vẫn ở trong tình trạng như vậy cho dù lễ gắn bó của cha mẹ về sau (1) bị hủy bỏ hoặc (2) bị thu hồi vì người cha hay mẹ từ bỏ hoặc bị thu hồi khỏi tư cách tín hữu của Giáo Hội.
Con cái sinh ra sau khi lễ gắn bó của cha mẹ họ bị hủy bỏ hoặc bị thu hồi thì không được sinh ra trong giao ước. Những người con này có thể được làm lễ gắn bó với cha mẹ họ sau khi các phước lành đền thờ của cha mẹ họ đã được phục hồi (nếu có thể được) và bất cứ trở ngại nào khác đã được gỡ bỏ.
38.5
Y Phục và Trang Phục Đền Thờ
38.5.1
Y Phục Đền Thờ
Trong các lễ thiên ân và lễ gắn bó trong đền thờ, các tín hữu Giáo Hội mặc y phục màu trắng. Nữ giới mặc y phục màu trắng như sau: áo đầm dài tay hoặc tay áo dài tới khuỷu tay (hoặc váy và áo bờ lu dài tay hoặc tay áo dài tới khuỷu tay), tất hoặc vớ ny lông, và giày hoặc giày mềm, nhẹ.
Nam giới mặc y phục màu trắng như sau: áo sơ mi dài tay, cà vạt hoặc thắt nơ, quần dài, tất và giày hoặc dép mềm, nhẹ.
Trong các lễ thiên ân và lễ gắn bó, các tín hữu mặc thêm bộ lễ phục bên ngoài y phục màu trắng của họ.
38.5.2
Mua Y Phục và Trang Phục Đền Thờ
Các vị lãnh đạo tiểu giáo khu và giáo khu khuyến khích các tín hữu đã được làm lễ thiên ân nên mua y phục đền thờ riêng của họ. Có thể mua y phục và trang phục đền thờ từ một cửa hàng Phân Phối của Giáo Hội hoặc tại trang mạng store.ChurchofJesusChrist.org. Các thư ký trong giáo khu và tiểu giáo khu có thể giúp các tín hữu đặt mua y phục.
Một số đền thờ cũng có sẵn y phục đền thờ để cho thuê. Nếu một đền thờ không có y phục cho thuê, thì các tín hữu cần phải mang theo y phục đền thờ. Xin xem trang mạng temples.ChurchofJesusChrist.org để tìm hiểu xem một đền thờ cụ thể có cho thuê quần áo hay không.
Các đền thờ duy trì một nguồn cung cấp y phục đền thờ hạn chế mà những người truyền giáo toàn thời gian có thể sử dụng. Không phải trả phí thuê y phục trong khi họ ở trong các trung tâm huấn luyện truyền giáo và khi họ được phép tham dự các giáo lễ đền thờ trong khi phục vụ truyền giáo. Nếu cần, những người truyền giáo nhận được lễ thiên ân của riêng họ đều có thể sử dụng y phục này.
Để biết thông tin về các loại vải và kiểu của trang phục, xin xem trang mạng store.ChurchofJesusChrist.org.
38.5.3
Trang Phục và Y Phục Đền Thờ dành cho Các Tín Hữu Khuyết Tật hoặc Bị Dị Ứng
Có thể mua trang phục đặc biệt dành cho các tín hữu nằm liệt giường, bị khuyết tật nặng về thể chất, hoặc bị dị ứng đối với một số loại vải hoặc trang phục (xin xem trang mạng “Garments and Sacred Clothing,” store.ChurchofJesusChrist.org).
Có sẵn áo choàng đền thờ ngắn hơn dành cho các tín hữu ngồi xe lăn hay những người có nhu cầu khác (xin xem trang mạng store.ChurchofJesusChrist.org).
38.5.4
Tự May Tạp Dề Đền Thờ
Các tín hữu có thể tự may tạp dề đền thờ nếu sử dụng một trong những bộ dụng cụ may tạp dề đã được chấp thuận. Những bộ dụng cụ này có sẵn từ cửa hàng Phân Phối của Giáo Hội hoặc từ trang mạng store.ChurchofJesusChrist.org.
Các tín hữu không nên may lễ phục đền thờ hoặc trang phục đền thờ khác.
38.5.5
Mặc và Giữ Gìn Chăm Sóc Trang Phục Đền Thờ
Các tín hữu nào đã nhận được lễ thiên ân đều đã lập giao ước phải mặc bộ trang phục đền thờ trong suốt đời họ.
Là một đặc ân thiêng liêng để mặc bộ trang phục đền thờ. Việc làm như vậy là một cách biểu lộ bề ngoài về lòng cam kết bên trong để noi theo Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.
Bộ trang phục là một sự nhắc nhở về các giao ước đã được lập trong đền thờ. Khi được mặc đúng cách suốt đời thì bộ trang phục sẽ là một sự bảo vệ.
Bộ trang phục phải được mặc bên trong lớp y phục bên ngoài. Là tùy ý nếu cá nhân muốn mặc bộ đồ lót khác ở bên trên hay bên dưới bộ trang phục đền thờ hay không.
Không được cởi bộ trang phục ra cho các sinh hoạt mà có thể vẫn tham dự được một cách hợp lý khi mặc bộ trang phục. Không được sửa lại bộ trang phục cho phù hợp với các kiểu y phục khác.
Bộ trang phục rất thiêng liêng và cần phải được tôn trọng. Các tín hữu đã được làm lễ thiên ân cần phải tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giải đáp những thắc mắc cá nhân về việc mặc bộ trang phục.
38.5.6
Mặc Trang Phục Đền Thờ trong Quân Đội, Cứu Hỏa, Cơ Quan Thực Thi Pháp Luật, hoặc một Cơ Quan Tương Tự
Những chỉ dẫn trong phần này áp dụng cho các tín hữu đã được làm lễ thiên ân mà có những điều kiện đồng nhất cụ thể trong khi phục vụ:
-
Trong quân đội.
-
Là lính cứu hỏa.
-
Với tư cách là các viên chức thực thi pháp luật.
-
Với tư cách là các nhân viên an ninh của chính phủ.
Các vị giám trợ bảo đảm rằng các tín hữu đã được làm lễ thiên ân đang phục vụ trong những lãnh vực này đều phải hiểu các hướng dẫn sau đây.
Khi nào có thể được, họ nên mặc trang phục đền thờ giống như bất cứ tín hữu nào khác. Tuy nhiên, họ nên tránh phơi bày trang phục đền thờ cho những người không hiểu ý nghĩa của trang phục này thấy. Các tín hữu nên tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh và sử dụng sự khéo léo, thận trọng và khôn ngoan. Có thể điều tốt nhất là tạm để trang phục đền thờ qua một bên và mặc nó vào lại khi điều kiện cho phép. Tuy nhiên, việc thấy bất tiện khi mặc bộ trang phục đền thờ không biện minh cho việc để nó sang một bên.
Đôi khi các quy định của ngành phục vụ ngăn cản một tín hữu mặc trang phục đền thờ. Trong những trường hợp này, tình trạng tôn giáo của người tín hữu đó không bị ảnh hưởng, miễn là họ vẫn luôn xứng đáng. Người tín hữu đó vẫn sẽ nhận được các phước lành liên quan đến việc mặc trang phục đền thờ. Nếu không thể mặc trang phục đền thờ thì các tín hữu nên mặc lại trang phục này càng sớm càng tốt khi hoàn cảnh cho phép.
Các tín hữu trong những tổ chức này nên tham khảo với mỗi ngành phục vụ của họ về những điều kiện cụ thể mà bộ trang phục đền thờ phải đáp ứng, chẳng hạn như màu sắc hoặc kiểu cổ áo. Các tín hữu này có thể gửi bộ trang phục đã được tổ chức chấp thuận mà đáp ứng những chỉ dẫn về trang phục đền thờ đến Beehive Clothing để được đánh dấu là trang phục đền thờ đã được phép. Những hướng dẫn và chỉ dẫn bổ sung được cung cấp trên Mẫu Đơn Đặt Hàng Đánh Dấu Trang Phục Đền Thờ.
38.5.7
Vứt Bỏ Bộ Trang Phục và Lễ Phục Đền Thờ
Để vứt bỏ bộ trang phục đền thờ đã bị sờn cũ, các tín hữu cần phải cắt bỏ và tiêu hủy những chỗ có dấu. Sau đó các tín hữu cắt bỏ phần vải còn lại để không ai có thể nhận ra đó là bộ trang phục nữa. Có thể vứt bỏ phần còn lại của y phục.
Để vứt bỏ lễ phục đền thờ đã bị sờn cũ, các tín hữu cần phải cắt nó ra để không ai có thể nhận ra được bộ lễ phục nguyên thủy. Sau đó nên vứt bỏ y phục.
Các tín hữu có thể tặng trang phục và y phục đền thờ còn trong tình trạng tốt cho các tín hữu khác đã làm lễ thiên ân. Các vị lãnh đạo Chức Tư Tế và Hội Phụ Nữ có thể nhận ra những người có thể cần y phục như vậy. Các tín hữu không được tặng trang phục hoặc lễ phục đền thờ cho các cửa hàng bán đồ cũ, nhà kho của giám trợ, đền thờ hay các tổ chức từ thiện.
38.5.8
Chôn Cất trong Y Phục Đền Thờ
Nếu có thể, các tín hữu qua đời mà đã được làm lễ thiên ân phải được mặc y phục đền thờ khi chôn cất hoặc hỏa táng. Nếu các truyền thống văn hoá hoặc tục lệ chôn cất làm cho điều này không phù hợp hoặc khó khăn, thì y phục đền thờ có thể được xếp lại và đặt bên cạnh thi hài.
Chỉ những tín hữu được làm lễ thiên ân trong khi còn sống mới có thể được chôn cất hoặc hỏa táng trong y phục đền thờ. Một người đã được làm lễ thiên ân nhưng ngừng mặc trang phục trước khi qua đời cũng có thể được chôn cất hoặc hỏa táng trong y phục đền thờ nếu gia đình yêu cầu.
Một người nào có các phước lành chưa được phục hồi sau khi bị thu hồi hoặc từ bỏ tư cách tín hữu của Giáo Hội thì không được chôn cất hoặc hỏa táng trong y phục đền thờ.
Một người đã được làm lễ thiên ân khi còn sống và qua đời vì tự tử cũng có thể được chôn cất hoặc hỏa táng trong y phục đền thờ.
Y phục đền thờ được sử dụng để chôn cất hoặc hỏa táng không cần phải mới, nhưng phải còn tốt và sạch sẽ. Có thể sử dụng y phục đền thờ của chính người tín hữu quá cố.
Một tín hữu sắp được chôn cất hoặc hỏa táng trong y phục đền thờ có thể được một người trong gia đình cùng giới tính hay người phối ngẫu đã được làm lễ thiên ân mặc y phục đó cho. Nếu không có một người nào trong gia đình hoặc người đó không muốn mặc quần áo cho thi hài của một người nam đã được làm lễ thiên ân, thì vị giám trợ có thể yêu cầu chủ tịch nhóm túc số các anh cả mời một người nam đã được làm lễ thiên ân để mặc quần áo cho thi hài hoặc giám sát việc mặc quần áo đúng cách. Nếu không có một người nào trong gia đình hoặc người đó không muốn mặc quần áo cho thi hài của một người phụ nữ đã được làm lễ thiên ân, thì vị giám trợ có thể yêu cầu chủ tịch Hội Phụ Nữ mời một phụ nữ đã được làm lễ thiên ân mặc quần áo cho thi hài hoặc giám sát việc mặc quần áo đúng cách. Các vị lãnh đạo phải chắc chắn rằng sự chỉ định này được đưa ra cho một người mà sẽ không cảm thấy là khó chấp nhận để làm.
Thi hài của một người đàn ông được mặc trang phục đền thờ và quần áo màu trắng sau đây: áo sơ mi dài tay, cà vạt hay nơ thắt, quần, tất, và giày hay giày mềm và nhẹ. Thi hài của một người phụ nữ được mặc trang phục đền thờ và quần áo màu trắng sau đây: một cái áo đầm dài tay hay tay áo dài đến khuỷu tay (hay váy và áo bờ lu dài tay hay tay áo dài đến khuỷu tay), tất hay vớ ny lông, và giày hay giày mềm và nhẹ.
Lễ phục đền thờ được mặc cho thi hài như đã được chỉ dẫn trong lễ thiên ân. Áo choàng được mặc lên vai phải và được buộc bằng dải rút ở bên hông trái. Chiếc tạp dề được thắt ngang lưng. Dây lưng được buộc quanh hông và thắt thành một cái nơ bên hông trái. Nón của người đàn ông thường được đặt bên cạnh thi hài của người ấy cho đến lúc đóng nắp hòm hay thùng đựng. Sau đó, cái nón được đội vào với chiếc nơ ở bên trên tai trái. Cái khăn che của người phụ nữ có thể được đặt trên gối ở phía sau đầu của người ấy. Việc che mặt của người phụ nữ trước khi chôn cất hoặc hỏa táng là tùy chọn, do gia đình quyết định.
Ở một số khu vực, chỉ viên giám đốc tang lễ có giấy phép hoặc một nhân viên của người giám đốc ấy mới được phép lo liệu cho một thi hài người chết. Trong những trường hợp này, một người trong gia đình đã được làm lễ thiên ân hoặc một người đã được làm lễ thiên ân và đã được vị giám trợ hoặc chủ tịch Hội Phụ Nữ mời phải bảo đảm rằng y phục đã được mặc đúng cách cho thi hài.
Một số quốc gia đòi hỏi rằng người qua đời phải được mặc quần áo làm bằng chất liệu có thể phân hủy được khi họ được chôn cất. Có sẵn y phục đền thờ làm bằng chất liệu có thể phân hủy được tại trang mạng store.ChurchofJesusChrist.org.
Ở những khu vực mà có thể khó có được y phục đền thờ trong thời gian chôn cất, các chủ tịch giáo khu nên luôn giữ sẵn ít nhất hai bộ y phục cỡ vừa, một cho người đàn ông và một cho người phụ nữ.
Nếu không có sẵn y phục đền thờ, thì một tín hữu qua đời đã được làm lễ thiên ân nên được chôn cất trong trang phục và quần áo phù hợp khác.
38.6
Chính Sách về Các Vấn Đề Đạo Đức
Một vài chính sách trong phần này là về những vấn đề mà Giáo Hội “không khuyến khích.” Các tín hữu Giáo Hội thường không trải qua những hạn chế về tư cách tín hữu vì những quyết định của họ về những vấn đề này. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế về các quyết định của họ.
38.6.1
Phá Thai
Chúa đã truyền lệnh: “Các ngươi chớ giết người hay làm bất cứ điều gì tương tự điều này” (Giáo Lý và Giao Ước 59:6). Giáo Hội lên án việc tự chọn phá thai vì thuận tiện cho cá nhân hoặc xã hội. Các tín hữu không được phép chấp nhận, thực hiện, thu xếp, trả tiền cho, đồng ý, hoặc khuyến khích một vụ phá thai. Các ngoại lệ khả thi chỉ là khi:
-
Việc mang thai là do hiếp dâm hoặc loạn luân.
-
Một bác sĩ giỏi xác định rằng sinh mạng hoặc sức khỏe của người mẹ đang trong tình trạng nguy kịch trầm trọng.
-
Một bác sĩ giỏi xác định rằng bào thai có các khuyết tật nghiêm trọng mà sẽ không cho phép đứa trẻ sống sót sau khi sinh.
Ngay cả trong những trường hợp này cũng đừng nên tự động bào chữa cho sự phá thai. Phá thai là một vấn đề nghiêm trọng nhất. Điều này chỉ nên được xem xét sau khi những người chịu trách nhiệm đã nhận được sự xác nhận qua lời cầu nguyện. Các tín hữu có thể hội ý với vị giám trợ của họ như là một phần của tiến trình này.
Các chức sắc chủ tọa xem xét kỹ các hoàn cảnh nếu một tín hữu Giáo Hội đã tham gia vào hành vi phá thai. Có thể cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu nếu một tín hữu chấp nhận, thực hiện, sắp xếp, trả tiền cho, đồng ý hoặc khuyến khích phá thai (xin xem mục 32.6.2.5). Tuy nhiên, không cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu nếu một tín hữu đã tham gia phá thai trước khi chịu phép báp têm. Cũng không cần có các hội đồng xem xét tư cách tín hữu hoặc những hạn chế cho các tín hữu tham gia phá thai vì bất cứ lý do nào trong ba lý do được mô tả trước trong phần này.
Các giám trợ chuyển những thắc mắc về các trường hợp cụ thể đến chủ tịch giáo khu. Chủ tịch giáo khu có thể chuyển những thắc mắc đó lên Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu cần.
Theo như sự hiểu biết đã được mặc khải, một người có thể hối cải và được tha thứ cho tội phá thai.
38.6.2
Sự Lạm Dụng, Ngược Đãi
Sự lạm dụng, ngược đãi là đối xử tàn tệ hoặc bỏ bê người khác theo cách mà gây tổn hại về thể chất, tình dục, tình cảm hoặc tài chính. Quan điểm của Giáo Hội là sự lạm dụng, ngược đãi không thể được khoan dung dưới bất cứ hình thức nào. Những người lạm dụng, ngược đãi người phối ngẫu, con cái của họ, những người khác trong gia đình, hoặc bất cứ người nào khác đều vi phạm luật pháp của Thượng Đế và con người.
Tất cả các tín hữu, nhất là cha mẹ và các vị lãnh đạo, được khuyến khích phải cảnh giác và siêng năng cùng hết sức cố gắng để bảo vệ trẻ em và những người khác khỏi hành vi lạm dụng, ngược đãi. Nếu các tín hữu biết được có các trường hợp lạm dụng, ngược đãi, họ phải báo cáo các trường hợp đó với cơ quan dân sự và bàn thảo với giám trợ. Các vị lãnh đạo Giáo Hội nên xem trọng các báo cáo về sự lạm dụng, ngược đãi và không bao giờ coi thường chúng.
Tất cả những người thành niên làm việc với trẻ em hay giới trẻ cần phải hoàn tất phần huấn luyện bảo vệ trẻ em và giới trẻ trong vòng một tháng sau khi được tán trợ (xin xem trang mạng ProtectingChildren.ChurchofJesusChrist.org). Họ phải ôn lại phần huấn luyện này mỗi ba năm.
Trong trường hợp có sự lạm dụng, ngược đãi, trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp của các vị lãnh đạo Giáo Hội là giúp đỡ những người đang bị lạm dụng, ngược đãi và bảo vệ những người nào có thể dễ bị tổn thương khỏi nạn lạm dụng trong tương lai. Các vị lãnh đạo không nên khuyến khích một người ở lại trong một ngôi nhà hoặc trong tình huống mà đang bị lạm dụng, ngược đãi hay không an toàn.
38.6.2.1
Đường Dây Điện Thoại Giúp Đỡ Người Bị Lạm Dụng, Ngược Đãi
Ở một số quốc gia, Giáo Hội đã thiết lập một đường dây điện thoại kín mật để giúp đỡ nạn lạm dụng nhằm phụ giúp các chủ tịch giáo khu và giám trợ. Các vị lãnh đạo này cần lập tức gọi đường dây điện thoại giúp đỡ về mọi tình huống mà trong đó một người có thể đang bị lạm dụng, ngược đãi—hoặc có nguy cơ bị lạm dụng, ngược đãi. Họ cũng nên gọi đường dây điện thoại giúp đỡ nếu họ bắt đầu biết được rằng một tín hữu đang xem, mua hoặc phân phối hình ảnh sách báo ấu dâm.
Đường dây điện thoại giúp đỡ này có sẵn để các giám trợ và chủ tịch giáo khu gọi 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Các số điện thoại được cho thấy dưới đây.
-
Hoa Kỳ và Canada: 1-801-240-1911 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-1911
-
Anh Quốc: 0800 970 6757
-
Ireland: 1800 937 546
-
Pháp: 0805 710 531
-
Úc: 02 9841 5454 (từ trong nước)
-
New Zealand: 09 488 5592 (từ trong nước)
Các giám trợ và chủ tịch giáo khu nên gọi đường dây điện thoại giúp đỡ này khi giải quyết các tình huống liên quan đến bất cứ hành vi lạm dụng, ngược đãi nào. Các chuyên gia pháp lý và bệnh lý sẽ trả lời những thắc mắc của họ. Các chuyên gia này cũng sẽ đưa ra những chỉ dẫn về cách:
-
Phụ giúp các nạn nhân và giúp bảo vệ họ khỏi bị lạm dụng, ngược đãi thêm nữa.
-
Giúp bảo vệ các nạn nhân trong tương lai.
-
Tuân thủ các điều kiện pháp lý để trình báo nạn lạm dụng, ngược đãi.
Giáo Hội cam kết tuân thủ luật pháp trong việc trình báo nạn lạm dụng, ngược đãi (xin xem mục 38.6.2.7). Luật pháp ở mỗi nơi mỗi khác, và hầu hết các vị lãnh đạo Giáo Hội không phải là các chuyên gia pháp lý. Việc gọi đường dây giúp đỡ là điều cần thiết cho các giám trợ và chủ tịch giáo khu làm tròn trách nhiệm của họ để trình báo nạn lạm dụng, ngược đãi.
Một giám trợ cũng nên thông báo cho chủ tịch giáo khu của mình biết về các trường hợp lạm dụng, ngược đãi.
Ở các quốc gia nào mà không có đường dây giúp đỡ, khi một giám trợ biết được về hành vi lạm dụng, ngược đãi thì nên liên lạc với chủ tịch giáo khu của mình. Chủ tịch giáo khu nên tìm kiếm sự hướng dẫn từ người tư vấn về pháp lý cho giáo vùng tại văn phòng giáo vùng. Ông cũng được khuyến khích phải hội ý với nhân viên văn phòng Dịch Vụ Gia Đình hoặc người giám đốc chương trình an sinh và tự lực tại văn phòng giáo vùng.
38.6.2.2
Tư Vấn Khuyên Bảo trong Các Trường Hợp Lạm Dụng, Ngược Đãi
Nạn nhân bị lạm dụng, ngược đãi thường bị chấn thương nặng. Các chủ tịch giáo khu và giám trợ đáp ứng bằng tấm lòng trắc ẩn và sự cảm thông chân thành. Họ mang đến sự khuyên bảo và hỗ trợ tinh thần để giúp nạn nhân vượt qua những hậu quả tàn khốc của sự lạm dụng, ngược đãi.
Đôi khi nạn nhân có cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi. Những nạn nhân này đều không có tội. Các vị lãnh đạo giúp họ và gia đình họ hiểu được tình yêu thương của Thượng Đế và sự chữa lành đến từ Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài (xin xem An Ma 15:8; 3 Nê Phi 17:9).
Các chủ tịch giáo khu và giám trợ nên giúp những người đã phạm tội lạm dụng, ngược đãi hối cải và chấm dứt hành vi lạm dụng, ngược đãi của họ. Nếu một người lớn đã phạm tội tình dục với một đứa trẻ thì hành vi đó có thể rất khó thay đổi. Tiến trình hối cải có thể kéo dài rất lâu. Xin xem mục 38.6.2.3.
Các chủ tịch giáo khu và giám trợ cũng nên chăm sóc và nhạy cảm khi làm việc với gia đình nạn nhân và thủ phạm của hành vi lạm dụng, ngược đãi.
Sự hướng dẫn để tư vấn các nạn nhân và những người phạm tội được cung cấp tại trang mạng Abuse: How to Help.
Ngoài việc nhận được sự giúp đỡ đầy soi dẫn của các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nạn nhân, thủ phạm và gia đình của họ còn có thể cần được tư vấn chuyên nghiệp nữa. Để có thông tin, xin xem đoạn 31.3.6.
Để có thông tin về điều các giám trợ và chủ tịch giáo khu nên làm khi họ biết được về bất cứ loại lạm dụng, ngược đãi nào, xin xem mục 38.6.2.1. Để có thông tin về tư vấn trong các trường hợp lạm dụng tình dục, hãm hiếp hoặc các hình thức tấn công tình dục khác, hãy xem mục 38.6.18.2.
Xin xem thêm trang mạng FamilyServices.ChurchofJesusChrist.org.
38.6.2.3
Lạm Dụng, Ngược Đãi Trẻ Em hoặc Thanh Thiếu Niên
Sự lạm dụng, ngược đãi một đứa trẻ hoặc thiếu niên hay thiếu nữ là một tội lỗi nghiêm trọng đặc biệt (xin xem Lu Ca 17:2). Như được sử dụng ở đây, nạn lạm dụng trẻ em hoặc thiếu niên hay thiếu nữ gồm có những điều sau đây:
-
Sự lạm dụng, ngược đãi thể xác: Gây tổn hại nghiêm trọng cho thân thể bằng bạo lực. Một số tổn hại có thể không nhìn thấy được.
-
Sự lạm dụng tình dục hoặc bóc lột: Việc có bất cứ hoạt động tình dục nào với một đứa trẻ hoặc thiếu niên hay thiếu nữ hoặc cố ý cho phép hoặc giúp đỡ người khác có hoạt động đó. Như được sử dụng ở đây, sự lạm dụng tình dục không gồm có hoạt động tình dục đồng thuận giữa hai trẻ vị thành niên gần bằng tuổi nhau.
-
Sự lạm dụng cảm xúc: Sử dụng hành động và lời nói để gây tổn hại nghiêm trọng cho ý thức về lòng tự trọng hoặc nhân phẩm của một đứa trẻ hoặc thiếu niên hay thiếu nữ. Điều này thường gồm có những lời lăng mạ, thao túng và chỉ trích lặp đi lặp lại và liên tục để làm nhục và coi thường. Nó cũng có thể bao gồm sự bỏ bê hoàn toàn.
-
Hình ảnh sách báo ấu dâm: Xin xem đoạn 38.6.6.
Nếu vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu biết được hoặc nghi ngờ một đứa trẻ hoặc thiếu niên hay thiếu nữ bị lạm dụng, ngược đãi thì vị này phải lập tức tuân theo các hướng dẫn trong mục 38.6.2.1. Vị này cũng hành động để giúp bảo vệ chống lại sự lạm dụng, ngược đãi thêm nữa.
Cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu và ghi chú thích vào hồ sơ tín hữu nếu một tín hữu thành niên lạm dụng, ngược đãi một đứa trẻ hoặc thiếu niên hay thiếu nữ như được mô tả trong phần này. Xin xem thêm mục 32.6.1.1 và 38.6.2.5.
Nếu một trẻ vị thành niên lạm dụng một đứa trẻ thì chủ tịch giáo khu liên lạc với Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để nhận được sự hướng dẫn.
Sự bắt nạt về thể chất hoặc tinh thần giữa trẻ em hoặc thiếu niên hay thiếu nữ ở độ tuổi tương tự nên được giải quyết bởi các vị lãnh đạo tiểu giáo khu. Không cần tổ chức một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu.
38.6.2.4
Sự Lạm Dụng, Ngược Đãi một Người Phối Ngẫu hoặc Một Người Thành Niên Khác
Sự lạm dụng, ngược đãi một người phối ngẫu hoặc một người thành niên khác có thể xảy ra trong nhiều cách. Những cách này gồm có sự lạm dụng thể xác, tình dục, tình cảm và tài chính. Những người thành niên là những người già cả, dễ bị tổn thương hoặc khuyết tật đôi khi có nguy cơ dễ bị lạm dụng, ngược đãi.
Thường thì không có một định nghĩa duy nhất nào về sự lạm dụng, ngược đãi có thể được áp dụng trong mọi tình huống. Thay vì thế, có nhiều mức độ nghiêm trọng trong hành vi lạm dụng, ngược đãi. Mức độ này đi từ việc thỉnh thoảng sử dụng những lời nói gay gắt đến việc gây ra tổn hại nghiêm trọng.
Nếu giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu biết được một người phối ngẫu hoặc một người thành niên khác đang bị lạm dụng, ngược đãi thì vị này phải lập tức tuân theo các hướng dẫn trong mục 38.6.2.1. Vị này cũng hành động để giúp bảo vệ chống lại sự lạm dụng, ngược đãi thêm nữa.
Các vị lãnh đạo tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh để xác định xem liệu cách khuyên bảo riêng hoặc một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu có là khung cảnh thích hợp nhất để giải quyết vấn đề lạm dụng hay không. Họ cũng có thể hội ý với vị lãnh đạo chức tư tế trực tiếp của họ về khung cảnh này. Tuy nhiên, bất cứ sự lạm dụng, ngược đãi người phối ngẫu hoặc người lớn nào khác lên đến các mức độ được mô tả dưới đây thì cần phải có một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu.
-
Sự lạm dụng, ngược đãi thể xác: Gây tổn hại nghiêm trọng cho thân thể bằng bạo lực. Một số tổn hại có thể không nhìn thấy được.
-
Sự lạm dụng tình dục: Xin xem những tình huống được ghi rõ trong mục 38.6.18.3.
-
Sự lạm dụng cảm xúc: Sử dụng hành động và lời nói để gây tổn hại nghiêm trọng đến ý thức về lòng tự trọng hoặc nhân phẩm của một người. Điều này thường gồm có những lời lăng mạ, thao túng và chỉ trích lặp đi lặp lại và liên tục để làm nhục và coi thường.
-
Sự lạm dụng tài chính: Lợi dụng một người nào đó về mặt tài chính. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng tài sản, tiền bạc, hoặc các vật quý giá khác của một người một cách bất hợp pháp hoặc trái phép. Nó cũng có thể bao gồm sự gian lận để đạt được quyền tài chính đối với một ai đó. Nó có thể bao gồm việc sử dụng quyền tài chính để cưỡng ép hành vi. Xin xem thêm mục 32.6.1.3.
38.6.2.5
Những Chức Vụ Kêu Gọi trong Giáo Hội, Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ và Những Chú Thích trong Hồ Sơ Tín Hữu
Các tín hữu đã lạm dụng, ngược đãi người khác không nên nhận được chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội và có thể không có giấy giới thiệu đi đền thờ cho đến khi họ đã hối cải và những biện pháp hạn chế về tư cách tín hữu Giáo Hội của họ đã được xóa bỏ.
Nếu một người lạm dụng tình dục một đứa trẻ hoặc thiếu niên hay thiếu nữ hoặc lạm dụng, ngược đãi một cách trầm trọng thân thể hay cảm xúc của một đứa trẻ hoặc thiếu niên hay thiếu nữ thì hồ sơ tín hữu của người đó sẽ có ghi chú thích. Người đó không được nhận bất cứ chức vụ kêu gọi hoặc chỉ định nào liên quan đến trẻ em hoặc giới trẻ. Điều này bao gồm việc không được giao cho nhiệm vụ phục sự cho một gia đình có giới trẻ hoặc trẻ em trong nhà. Điều này cũng gồm có việc không được có một thiếu niên hay thiếu nữ là người bạn đồng hành phục sự. Những hạn chế này nên được giữ lại cho đến khi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cho phép xóa bỏ phần chú thích. Xin xem đoạn 32.14.5 để có thông tin về các chú thích.
38.6.2.6
Các Hội Đồng Giáo Khu và Tiểu Giáo Khu
Trong các buổi họp của hội đồng giáo khu và tiểu giáo khu, chủ tịch đoàn giáo khu và giám trợ đoàn thường xuyên xem xét các chính sách và hướng dẫn của Giáo Hội về việc ngăn ngừa và ứng phó với hành vi lạm dụng, ngược đãi. Họ giảng dạy các thông điệp chính trong “Preventing and Responding to Abuse (Ngăn Ngừa và Ứng Phó với Hành Vi Lạm Dụng Ngược Đãi),” một tài liệu đính kèm với thư gửi Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đề ngày 26 tháng Ba năm 2018. Họ mời các thành viên hội đồng cùng thảo luận. Các vị lãnh đạo và các ủy viên hội đồng nên tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh trong khi giảng dạy và thảo luận đề tài nhạy cảm này.
Các ủy viên hội đồng cũng phải hoàn tất phần huấn luyện bảo vệ trẻ em và giới trẻ (xin xem đoạn 38.6.2).
38.6.2.7
Các Vấn Đề Pháp Lý Liên Quan đến Sự Lạm Dụng, Ngược Đãi
Nếu hành vi lạm dụng, ngược đãi của một tín hữu đã vi phạm luật lệ hiện hành, thì vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu nên khuyên nhủ người tín hữu đó trình báo các hành vi này cho nhân viên thực thi pháp luật hoặc các cơ quan chính quyền thích hợp khác. Vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể thu thập thông tin về những đòi hỏi trình báo ở địa phương qua đường dây điện thoại giúp đỡ (xin xem mục 38.6.2.1). Nếu các tín hữu có thắc mắc về những điều kiện trình báo thì vị lãnh đạo này khuyến khích họ tìm kiếm sự tư vấn pháp lý đủ điều kiện.
Các vị lãnh đạo và tín hữu Giáo Hội cần phải làm tròn tất cả các nghĩa vụ pháp lý để trình báo hành vi lạm dụng, ngược đãi cho chính quyền dân sự. Ở một số địa điểm, các vị lãnh đạo và giảng viên làm việc với trẻ em và giới trẻ được coi là “những người có nhiệm vụ trình báo” và phải trình báo hành vi lạm dụng, ngược đãi cho các cơ quan pháp lý. Tương tự như vậy, ở nhiều địa điểm, bất cứ người nào biết được về hành vi lạm dụng, ngược đãi đều cần phải trình báo hành vi đó cho các cơ quan pháp lý. Các giám trợ và chủ tịch giáo khu nên gọi đường dây điện thoại giúp đỡ để được cho biết các chi tiết về những người có nhiệm vụ trình báo và những đòi hỏi khác của pháp luật để trình báo hành vi lạm dụng, ngược đãi. Chính sách của Giáo Hội là phải tuân thủ luật pháp.
38.6.3
Thụ Tinh Nhân Tạo
Xin xem đoạn 38.6.9.
38.6.4
Phương Pháp Ngừa Thai
Sự gần gũi thể xác giữa vợ chồng phải đạt mục đích là tuyệt vời và thiêng liêng. Điều này do Thượng Đế quy định cho việc tạo ra con cái và cho sự bày tỏ tình yêu giữa vợ chồng (xin xem đoạn 2.1.2).
Là một đặc ân đối với các cặp vợ chồng để có thể sinh con cái nhằm cung ứng thể xác hữu diệt cho con cái linh hồn của Thượng Đế, là những người mà sau đó họ chịu trách nhiệm nuôi dưỡng và nuôi nấng (xin xem đoạn 2.1.3). Quyết định về việc có bao nhiêu con và khi nào có con là vấn đề vô cùng riêng tư của cá nhân. Điều đó phải để cho cặp vợ chồng và Chúa quyết định. Các tín hữu Giáo Hội không nên phê phán nhau về vấn đề này.
Giáo Hội phản đối phẫu thuật triệt sản như một hình thức tự chọn ngừa thai. Phẫu thuật triệt sản gồm có các thủ thuật như thắt ống dẫn tinh và nối ống dẫn trứng. Tuy nhiên, quyết định này là một vấn đề cá nhân mà cuối cùng phải để cho người chồng và người vợ suy xét và thành tâm cân nhắc. Các cặp vợ chồng nên cùng nhau bàn bạc trong sự đoàn kết và tìm kiếm sự xác nhận của Thánh Linh khi đưa ra quyết định này.
Đôi khi cần phải triệt sản bằng phẫu thuật vì lý do y tế. Các tín hữu có thể được hưởng lợi ích từ việc hội ý với các chuyên gia y tế.
38.6.5
Sự Trinh Khiết và Chung Thủy
Luật trinh khiết của Chúa là:
-
Hoàn toàn không có quan hệ tình dục bên ngoài hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ.
-
Sự chung thủy trong hôn nhân.
Sự gần gũi thể xác giữa vợ chồng phải đạt mục đích là tuyệt vời và thiêng liêng. Điều này do Thượng Đế quy định cho việc tạo ra con cái và cho sự bày tỏ tình yêu giữa vợ chồng.
Chỉ một người nam và một người nữ đã kết hôn một cách hợp pháp và hợp thức với tư cách là vợ chồng mới được có quan hệ tình dục. Dưới mắt của Thượng Đế, sự trong sạch về mặt đạo đức là rất quan trọng. Những vi phạm về luật trinh khiết là rất nghiêm trọng (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:14; Ma Thi Ơ 5:28; An Ma 39:5). Những vi phạm ấy liên quan đến việc lạm dụng quyền năng thiêng liêng mà Thượng Đế đã ban cho để tạo ra mầm sống.
Có thể cần có một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu nếu một người tín hữu:
-
Có mối quan hệ tình dục ngoài vòng hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ, chẳng hạn như ngoại tình, gian dâm, quan hệ đồng tính, và những cuộc gặp gỡ trực tuyến hoặc qua điện thoại về tình dục (xin xem đoạn 32.6.2).
-
Ở trong một hình thức hôn nhân hoặc quan hệ tình nhân ngoài vòng hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ, chẳng hạn như sống chung như là vợ chồng nhưng không kết hôn, kết hợp theo luật dân sự và quan hệ tình nhân, và hôn nhân đồng tính.
-
Việc đam mê hoặc luôn luôn bị thôi thúc để xem hình ảnh sách báo khiêu dâm mà gây ra tác hại đáng kể cho hôn nhân hoặc gia đình của một tín hữu (xin xem đoạn 38.6.13).
Quyết định về việc có nên tổ chức một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu trong những tình huống này hay không tùy thuộc vào nhiều trường hợp (xin xem phần 32.7). Ví dụ, có lẽ cần thiết một hội đồng để giúp một tín hữu hối cải nếu người này đã vi phạm các giao ước đền thờ hoặc nếu tội lỗi lặp đi lặp lại.
Xin xem mục 32.6.1.2 để biết khi nào thì cần có một buổi họp hội đồng đối với tội lỗi tình dục.
Trong một số trường hợp, cách khuyên bảo riêng và những hạn chế không chính thức về tư cách tín hữu có thể là đủ (xin xem phần 32.8).
38.6.6
Hình Ảnh Sách Báo Ấu Dâm
Giáo Hội lên án hình ảnh sách báo ấu dâm dưới mọi hình thức. Nếu giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu biết được một tín hữu đang dính líu đến hình ảnh sách báo ấu dâm, thì vị này phải lập tức tuân theo các hướng dẫn trong mục 38.6.2.1.
Cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu Giáo Hội và ghi phần chú thích vào hồ sơ nếu một tín hữu thực hiện, chia sẻ, sở hữu hoặc liên tục xem các hình ảnh khiêu dâm trẻ em (xin xem mục 32.6.1.2 và đoạn 32.14.5). Hướng dẫn này thường không áp dụng cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên có cùng khoảng độ tuổi chia sẻ hình ảnh khêu gợi tình dục của chính các em hoặc người khác. Cách khuyên bảo riêng và những hạn chế không chính thức về tư cách tín hữu có thể phù hợp trong những tình huống đó.
Để có thêm hướng dẫn, xin xem đoạn 38.6.13.
38.6.7
Hiến Tặng hay Bán Tinh Trùng hoặc Trứng
Mẫu mực của một người chồng và người vợ cung cấp thể xác cho con cái linh hồn của Thượng Đế là do Thượng Đế quy định (xin xem đoạn 2.1.3). Vì lý do này, Giáo Hội không khuyến khích việc hiến tặng tinh trùng hoặc trứng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề cá nhân mà cuối cùng phải để cho người hiến tặng tương lai xét đoán và thành tâm cân nhắc. Xin xem đoạn 38.6.9. Giáo Hội cũng không khuyến khích việc bán tinh trùng hay trứng.
38.6.8
Cắt Bỏ Âm Vật
Giáo Hội lên án việc cắt bộ phận sinh dục nữ.
38.6.9
Điều Trị Khả Năng Sinh Sản
Mẫu mực của một người chồng và người vợ cung cấp thể xác cho con cái linh hồn của Thượng Đế là do Thượng Đế quy định (xin xem đoạn 2.1.3). Khi cần, công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể phụ giúp một người nam và người nữ đã kết hôn với ước muốn ngay chính để có con cái. Công nghệ này gồm có sự thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Giáo Hội không khuyến khích sự thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách sử dụng tinh trùng của bất cứ người nào ngoài của người chồng hoặc trứng của bất cứ người nào ngoài của người vợ ra. Tuy nhiên, đây là một vấn đề cá nhân mà cuối cùng phải để cho người chồng và người vợ đã kết hôn hợp pháp xét đoán và thành tâm cân nhắc.
Xin xem thêm “Adoption” (Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).
38.6.10
Loạn Luân
Giáo Hội lên án bất cứ hình thức loạn luân nào. Như được sử dụng ở đây, sự loạn luân là quan hệ tình dục giữa:
-
Cha, mẹ và một đứa con.
-
Ông, bà và một đứa cháu nội, ngoại.
-
Anh chị em ruột.
-
Chú, bác, cậu hoặc cô, dì và một cháu gái hoặc cháu trai.
Như được sử dụng ở đây, đứa con, đứa cháu nội, cháu ngoại, anh chị em ruột, cháu gái, và cháu trai bao gồm các mối quan hệ con ruột, con nuôi, con riêng hoặc con nuôi tạm thời. Sự loạn luân có thể xảy ra giữa hai trẻ vị thành niên, một người lớn và một trẻ vị thành niên hoặc hai người lớn. Nếu có thắc mắc về việc liệu một mối quan hệ có phải là loạn luân theo luật địa phương hay không, một chủ tịch giáo khu tìm kiếm sự hướng dẫn từ Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch.
Khi một trẻ vị thành niên là nạn nhân của sự loạn luân thì vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu gọi đường dây điện thoại giúp đỡ của Giáo Hội về nạn lạm dụng tại các quốc gia nào mà có sẵn đường dây này (xin xem mục 38.6.2.1). Trong các quốc gia khác, chủ tịch giáo khu nên tìm kiếm sự hướng dẫn từ người tư vấn về pháp lý cho giáo vùng tại văn phòng giáo vùng. Ông cũng được khuyến khích phải hội ý với nhân viên văn phòng Dịch Vụ Gia Đình hoặc người giám đốc chương trình an sinh và tự lực tại văn phòng giáo vùng.
Cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu của Giáo Hội và phần chú thích trong hồ sơ nếu một tín hữu phạm tội loạn luân (xin xem mục 32.6.1.2 và đoạn 32.14.5). Tội loạn luân hầu như luôn luôn đòi hỏi Giáo Hội phải thu hồi tư cách tín hữu của một người.
Nếu một trẻ vị thành niên phạm tội loạn luân thì chủ tịch giáo khu liên lạc với Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để nhận được sự hướng dẫn.
Nạn nhân của sự loạn luân thường bị chấn thương nặng. Các vị lãnh đạo đáp ứng bằng tấm lòng trắc ẩn và sự cảm thông chân thành. Họ mang đến sự hỗ trợ tinh thần và khuyên bảo để giúp nạn nhân vượt qua những hậu quả tàn khốc của sự loạn luân.
Đôi khi nạn nhân có cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi. Những nạn nhân này đều không có tội. Các vị lãnh đạo giúp họ và gia đình họ hiểu được tình yêu thương của Thượng Đế và sự chữa lành đến từ Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài (xin xem An Ma 15:8; 3 Nê Phi 17:9).
Ngoài việc nhận được sự giúp đỡ đầy soi dẫn của các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nạn nhân và gia đình nạn nhân còn có thể cần được tư vấn chuyên nghiệp nữa. Để biết thông tin, xin xem mục 38.6.18.2.
38.6.11
Thụ Tinh trong Ống Nghiệm
Xin xem đoạn 38.6.9.
38.6.12
Ma Thuật
“Những gì của Thượng Đế đều là ánh sáng” (Giáo Lý và Giao Ước 50:24). Ma thuật tập trung vào bóng tối và dẫn đến sự lừa gạt. Nó hủy diệt đức tin nơi Đấng Ky Tô.
Ma thuật gồm có sự thờ phượng Sa Tan. Nó cũng gồm có các sinh hoạt thần bí không hòa hợp với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các sinh hoạt như vậy bao gồm (nhưng không giới hạn ở) bói toán, lời nguyền và phương pháp chữa bệnh là sự bắt chước quyền năng chức tư tế của Thượng Đế (xin xem Mô Rô Ni 7:11–17).
Các tín hữu Giáo Hội không được tham gia vào bất cứ hình thức thờ phượng Sa Tan hoặc tham gia với ma thuật trong bất cứ cách nào. Họ không nên tập trung vào bóng tối như vậy trong các cuộc trò chuyện hoặc trong các buổi họp của Giáo Hội.
38.6.13
Hình ảnh sách báo khiêu dâm
Giáo Hội lên án hình ảnh sách báo khiêu dâm dưới mọi hình thức. Việc sử dụng bất cứ loại hình ảnh sách báo khiêu dâm nào cũng làm tổn thương cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Việc này cũng làm cho Thánh Linh của Chúa rút lui. Các tín hữu Giáo Hội nên tránh mọi hình thức về tài liệu khiêu dâm và chống đối việc sản xuất, phổ biến, và sử dụng nó.
Giáo Hội cung cấp những nguồn tài liệu sau đây để giúp những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi hình ảnh sách báo khiêu dâm:
-
Giúp Đỡ Những Người Đang Chống Chọi với Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm (quyển sách nhỏ)
-
Let Virtue Garnish Thy Thoughts (quyển sách nhỏ)
Các chủ tịch giáo khu và các giám trợ cũng giúp đỡ những người trong gia đình nếu cần.
Một số người tiếp xúc với hình ảnh sách báo khiêu dâm có thể là vô tình. Việc cố ý sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm có thể là thỉnh thoảng hoặc một cách say mê. Việc sử dụng một cách say mê có thể trở thành một sự thôi thúc hoặc, trong những trường hợp rất hiếm hoi, là một thói nghiện.
Cách khuyên bảo riêng và những hạn chế không chính thức về tư cách tín hữu thường là đủ để giúp một người hối cải việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm (xin xem phần 32.8). Thông thường các hội đồng xem xét tư cách tín hữu không được tổ chức. Tuy nhiên, một hội đồng có thể cần thiết cho việc sử dụng một cách say mê và luôn bị thôi thúc bởi hình ảnh sách báo khiêu dâm mà đã gây ra tác hại đáng kể cho hôn nhân hoặc gia đình của một tín hữu (xin xem phần 38.6.5). Cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu Giáo Hội nếu một tín hữu thực hiện, chia sẻ, sở hữu hoặc liên tục xem các hình ảnh khiêu dâm trẻ em (xin xem đoạn 38.6.6).
Ngoài sự giúp đỡ đầy cảm hứng của các vị lãnh đạo Giáo Hội, một số tín hữu còn có thể cần được tư vấn chuyên môn nữa. Các vị lãnh đạo có thể liên lạc với văn phòng Dịch Vụ Gia Đình để được giúp đỡ, nếu cần. Xin xem đoạn 31.3.6 để có thông tin liên lạc.
38.6.14
Định kiến
Tất cả mọi người đều là con cái của Thượng Đế. Tất cả anh chị em thuộc gia đình thiêng liêng của Ngài (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”). Thượng Đế “đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:26). “Tất cả mọi người đều như nhau” trước mặt Ngài (2 Nê Phi 26:33). Mỗi người “đều quý báu như nhau” (Gia Cốp 2:21).
Thành kiến không phù hợp với lời mặc khải của Thượng Đế. Việc làm Thượng Đế đẹp lòng hoặc không hài lòng tùy thuộc vào lòng tận tụy của anh chị em đối với Thượng Đế và các giáo lệnh của Ngài, chứ không phải vào màu da của một người hoặc các thuộc tính khác.
Giáo Hội kêu gọi mọi người phải từ bỏ thái độ và hành động với thành kiến đối với bất cứ nhóm hay cá nhân nào. Các tín hữu của Giáo Hội nên dẫn đầu trong việc khuyến khích sự tôn trọng đối với tất cả con cái của Thượng Đế. Các tín hữu tuân theo lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi phải yêu thương người khác (xin xem Ma Thi Ơ 22:35–39). Họ cố gắng trở thành những người có thiện chí đối với tất cả mọi người, bác bỏ thành kiến dưới bất cứ hình thức nào. Điều này gồm có thành kiến dựa trên chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, bộ lạc, giới tính, tuổi tác, khuyết tật, tình trạng kinh tế xã hội, niềm tin tôn giáo hoặc sự không tin tưởng và khuynh hướng tình dục.
38.6.15
Sức Thu Hút Đồng Giới và Hành Vi Đồng Giới
Giáo Hội khuyến khích các gia đình và các tín hữu nên tìm đến với sự nhạy cảm, tình yêu thương và sự tôn trọng những người bị thu hút bởi những người khác cùng giới tính. Giáo Hội cũng thúc đẩy sự hiểu biết trong xã hội nói chung phản ánh những lời dạy của Giáo Hội về lòng nhân từ, sự hòa đồng, tình yêu thương đối với người khác và sự tôn trọng đối với tất cả mọi người. Giáo Hội không bày tỏ lập trường về nguyên nhân của sự hấp dẫn đồng giới tính.
Các giáo lệnh của Thượng Đế nghiêm cấm tất cả các hành vi không đúng mực, dù là dị tính hay đồng giới. Các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyên bảo các tín hữu đã vi phạm luật trinh khiết. Các vị lãnh đạo giúp họ hiểu rõ ràng về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, tiến trình hối cải và mục đích của cuộc sống trên thế gian. Hành vi không phù hợp với luật trinh khiết có thể là nguyên nhân dẫn đến việc tổ chức một hội đồng xem xét tư cách tín hữu Giáo Hội (xin xem đoạn 38.6.5). Hành vi này có thể được tha thứ qua sự hối cải chân thành.
Nếu các tín hữu cảm thấy bị thu hút bởi người đồng giới và đang cố gắng sống theo luật trinh khiết, các vị lãnh đạo sẽ ủng hộ và khuyến khích họ trong quyết tâm của họ. Những tín hữu này có thể nhận được những sự kêu gọi của Giáo Hội, có giấy giới thiệu đi đền thờ và tiếp nhận các giáo lễ đền thờ nếu họ xứng đáng. Các nam tín hữu Giáo Hội có thể tiếp nhận và thực hành chức tư tế.
Tất cả các tín hữu tuân giữ các giao ước của họ đều sẽ nhận được tất cả các phước lành đã được hứa trong thời vĩnh cửu cho dù hoàn cảnh của họ có cho phép họ nhận được các phước lành của hôn nhân vĩnh cửu và vai trò làm cha mẹ trong đời này hay không (xin xem Mô Si A 2:41).
Giáo Hội cung cấp những nguồn tài liệu sau đây để hiểu rõ hơn và ủng hộ những người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi sức thu hút đồng tính:
-
“Sức Thu Hút Đồng Tính,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org
-
“Sức Thu Hút Đồng Tính,” Life Help, ChurchofJesusChrist.org
Ngoài sự giúp đỡ đầy cảm ứng của các vị lãnh đạo Giáo Hội, các tín hữu còn có thể nhận hưởng lợi ích từ sự tư vấn chuyên nghiệp nữa. Các vị lãnh đạo có thể liên lạc với văn phòng Dịch Vụ Gia Đình để được giúp đỡ. Xin xem đoạn 31.3.6 để có thông tin liên lạc.
38.6.16
Hôn Nhân Đồng Tính
Là một nguyên tắc giáo lý, dựa trên thánh thư, Giáo Hội khẳng định rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là thiết yếu cho kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài. Giáo Hội cũng khẳng định rằng luật pháp của Thượng Đế định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp hợp pháp và hợp thức giữa một người nam và một người nữ.
Chỉ một người nam và một người nữ đã kết hôn một cách hợp pháp và hợp thức với tư cách là vợ chồng mới được có quan hệ tình dục. Bất cứ mối quan hệ tình dục nào khác, kể cả các mối quan hệ giữa những người cùng giới tính cũng đều là tội lỗi và làm suy yếu tổ chức gia đình do Thượng Đế tạo dựng.
38.6.17
Giảng Dạy về Tình Dục
Cha mẹ có trách nhiệm chính yếu đối với việc giảng dạy về tình dục cho con cái mình. Cha mẹ nên có những cuộc trò chuyện thành thật, rõ ràng và liên tục với con cái họ về tình dục lành mạnh, đúng đắn. Những cuộc trò chuyện này nên:
-
Phù hợp với độ tuổi và sự chín chắn của đứa trẻ.
-
Giúp con cái chuẩn bị có được hạnh phúc trong hôn nhân và tuân theo luật trinh khiết (xin xem đoạn 2.1.2).
-
Đề cập đến những nguy hiểm của hình ảnh sách báo khiêu dâm, sự cần thiết phải tránh và cách ứng phó khi gặp nó.
Để biết thêm thông tin, xin xem “Sex Education and Behavior” (Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).
Là một phần trách nhiệm dạy dỗ con cái của mình, các bậc cha mẹ nên nhận thức và tìm cách ảnh hưởng một cách thích hợp đến việc giảng dạy về tình dục được dạy ở trường học. Cha mẹ dạy các nguyên tắc đúng đắn và hỗ trợ việc giảng dạy của trường học phù hợp với phúc âm.
38.6.18
Lạm Dụng Tình Dục, Hiếp Dâm và Các Hình Thức Tấn Công Tình Dục Khác
Giáo Hội lên án sự lạm dụng tình dục. Như được sử dụng ở đây, sự lạm dụng tình dục được định nghĩa là việc áp đặt bất cứ sự hoạt động tình dục không muốn nào lên người khác. Hoạt động tình dục với một người không hoặc không thể có sự đồng thuận hợp pháp được coi là sự lạm dụng tình dục. Sự lạm dụng tình dục cũng có thể xảy ra với vợ, chồng hoặc trong một mối quan hệ hẹn hò. Để có thông tin về sự lạm dụng tình dục của một trẻ em hoặc thiếu niên, thiếu nữ, xin xem mục 38.6.2.3.
Sự lạm dụng tình dục bao gồm một loạt các hành động, từ quấy rối đến hiếp dâm và các hình thức tấn công tình dục khác. Sự lạm dụng này có thể xảy ra cho thân thể, bằng lời nói và theo những cách khác. Để được hướng dẫn về cách tư vấn cho các tín hữu đã từng bị lạm dụng tình dục, hiếp dâm hoặc các hình thức tấn công tình dục khác, xin xem mục 38.6.18.2.
Nếu các tín hữu nghi ngờ hoặc bắt đầu nhận thức về sự lạm dụng tình dục thì họ sẽ hành động để bảo vệ các nạn nhân và những người khác càng sớm càng tốt. Điều này gồm có việc báo cáo với chính quyền dân sự và báo cho vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu. Nếu một đứa trẻ đã bị lạm dụng thì các tín hữu nên tuân theo các chỉ dẫn trong đoạn 38.6.2.
38.6.18.1
Đường Dây Điện Thoại Giúp Đỡ Người Bị Lạm Dụng, Ngược Đãi
Nếu giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu biết về sự lạm dụng tình dục, hiếp dâm hoặc hình thức tấn công tình dục khác thì vị ấy gọi đường dây điện thoại giúp đỡ của Giáo Hội về nạn lạm dụng, ngược đãi tại các quốc gia nào mà có sẵn đường dây này (xin xem mục 38.6.2.1 để có được thông tin liên lạc). Các chuyên gia pháp lý và bệnh lý sẽ trả lời những thắc mắc của vị ấy. Các chuyên gia này cũng sẽ đưa ra những chỉ dẫn về cách:
-
Phụ giúp các nạn nhân và giúp bảo vệ họ khỏi bị tổn hại thêm nữa.
-
Giúp bảo vệ các nạn nhân trong tương lai.
-
Tuân thủ các điều kiện pháp lý để trình báo.
Ở các quốc gia nào không có đường dây giúp đỡ, khi một giám trợ biết được về các hành vi phạm tội này thì nên liên lạc với chủ tịch giáo khu của mình. Chủ tịch giáo khu nên tìm kiếm sự hướng dẫn từ người tư vấn về pháp lý cho giáo vùng tại văn phòng giáo vùng. Ông cũng được khuyến khích phải hội ý với nhân viên văn phòng Dịch Vụ Gia Đình hoặc người giám đốc chương trình an sinh và tự lực tại văn phòng giáo vùng.
38.6.18.2
Khuyên Bảo Tư Vấn cho Nạn Nhân của Sự Lạm Dụng Tình Dục, Hiếp Dâm và Các Hình Thức Tấn Công Tình Dục Khác
Nạn nhân của sự lạm dụng tình dục, hiếp dâm hoặc các hình thức tấn công tình dục khác thường bị chấn thương nặng. Khi họ tâm sự với giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu, thì vị ấy đáp lại bằng lòng trắc ẩn và cảm thông chân thành. Vị ấy mang đến sự khuyên bảo tư vấn và hỗ trợ tinh thần để giúp nạn nhân vượt qua những hậu quả tàn khốc của sự lạm dụng, ngược đãi. Vị này cũng gọi đường dây điện thoại giúp đỡ của Giáo Hội để được hướng dẫn nơi nào có sẵn đường dây này (xin xem mục 38.6.18.1).
Đôi khi nạn nhân có cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi. Những nạn nhân này đều không có tội. Các vị lãnh đạo không trách cứ nạn nhân. Họ giúp nạn nhân và gia đình nạn nhân hiểu được tình yêu thương của Thượng Đế và sự chữa lành mà đến nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài (xin xem An Ma 15:8; 3 Nê Phi 17:9).
Mặc dù các tín hữu có thể chọn chia sẻ thông tin về sự lạm dụng hoặc hành hung, các vị lãnh đạo cũng không nên tập trung quá mức vào các chi tiết. Điều này có thể gây tổn thương cho nạn nhân.
Ngoài việc nhận được sự giúp đỡ đầy soi dẫn của các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nạn nhân và gia đình nạn nhân còn có thể cần được tư vấn chuyên nghiệp nữa. Để có thông tin, xin xem đoạn 31.3.6.
38.6.18.3
Buổi Họp Hội Đồng Xem Xét Tư Cách Tín Hữu
Có thể cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu đối với một người đã tấn công hoặc lạm dụng tình dục một người nào đó. Cần có một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu nếu một tín hữu phạm tội hiếp dâm hoặc bị kết án về một hình thức khác của tội tấn công tình dục (xin xem mục 32.6.1.1).
Một buổi họp hội đồng cũng phải được tổ chức để xét xử hoạt động tình dục với một người lớn không tự bảo vệ được. Như được sử dụng ở đây, một người lớn không tự bảo vệ được là một người, vì những hạn chế về thể chất hoặc tinh thần, nên không thể đồng thuận với hoạt động đó hoặc không thể hiểu tính chất của nó.
Để giải quyết các hình thức khác của hành động lạm dụng tình dục, các vị lãnh đạo tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh về cách khuyên bảo riêng hoặc một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu có là khung cảnh thích hợp nhất hay không (xin xem mục 32.6.2.2 và phần 32.8). Cần có một buổi họp hội đồng trong những trường hợp nghiêm trọng. Các vị lãnh đạo có thể hội ý với vị lãnh đạo chức tư tế trực tiếp của họ về khung cảnh đó.
Nếu những biện pháp hạn chế về tư cách tín hữu xuất phát từ một buổi họp hội đồng xem xét tư cách tín hữu được tổ chức vì một thủ phạm đã có hành vi lạm dụng tình dục thì hồ sơ tín hữu của người đó sẽ có ghi chú thích.
Để có thông tin về cách khuyên bảo tư vấn trong những trường hợp lạm dụng, ngược đãi, xin xem mục 38.6.2.2. Để có thông tin về cách khuyên bảo tư vấn nạn nhân bị tấn công tình dục, xin xem mục 38.6.18.2.
38.6.19
Những Người Mẹ Độc Thân Đang Mang Thai
Các tín hữu nào của Giáo Hội là những người độc thân và đang mang thai đều được khuyến khích đến nói chuyện với giám trợ của họ. Tại Hoa Kỳ và Canada, văn phòng Dịch Vụ Gia Đình có sẵn để:
-
Hội ý với các vị lãnh đạo Giáo Hội.
-
Tư vấn khuyên bảo với những người mẹ độc thân đang mang thai và gia đình của họ.
Không cần sự giới thiệu của vị giám trợ cho dịch vụ này. Sẽ không tính phí. Xin xem đoạn 31.3.6 để có thông tin liên lạc của văn phòng Dịch Vụ Gia Đình.
Trong các khu vực khác, các vị lãnh đạo có thể liên lạc với chuyên viên văn phòng Dịch Vụ Gia Đình hoặc vị giám đốc chương trình an sinh và tự lực trong văn phòng giáo vùng để tư vấn.
Sự hướng dẫn để tư vấn khuyên bảo những người mẹ độc thân mang thai cũng được cung cấp tại “Unwed Pregnancy” (Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).
38.6.20
Tự Tử
Cuộc sống trên trần thế là một ân tứ quý giá từ Thượng Đế—một ân tứ mà cần được quý trọng và bảo vệ. Giáo Hội ủng hộ mạnh mẽ việc ngăn ngừa tự tử. Để biết thông tin về cách giúp người đang muốn tự tử hoặc người bị ảnh hưởng bởi sự tự tử, xin xem trang mạng suicide.ChurchofJesusChrist.org.
Hầu hết những người đã từng nghĩ đến tự tử đều muốn tìm cách giải tỏa nỗi đau về thể xác, tinh thần, cảm xúc hoặc thuộc linh. Những cá nhân như vậy cần được yêu thương, giúp đỡ và giúp đỡ từ gia đình, các vị lãnh đạo Giáo Hội và các chuyên gia đủ điều kiện.
Vị giám trợ cung cấp sự giúp đỡ của vị lãnh đạo Giáo Hội nếu một tín hữu đang cân nhắc việc tự tử hoặc toan tự tử. Vị ấy cũng ngay lập tức giúp người tín hữu đó có được sự trợ giúp chuyên nghiệp. Vị ấy khuyến khích những người thân cận của người tín hữu đó tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp nếu cần.
Bất kể những nỗ lực tốt nhất của những người thân, các vị lãnh đạo và các chuyên gia, sự tự tử không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được. Nó để lại nỗi đau khổ vô cùng, sự xáo trộn tình cảm và những thắc mắc chưa được giải đáp cho những người thân và những người khác. Các vị lãnh đạo nên khuyên bảo và an ủi gia đình đó. Họ cung cấp sự nuôi dưỡng và giúp đỡ. Gia đình đó cũng có thể cần sự giúp đỡ và tư vấn chuyên nghiệp.
Việc một người kết liễu mạng sống mình là không đúng. Tuy nhiên, chỉ có Thượng Đế mới có thể phán xét những ý nghĩ, hành động và mức độ trách nhiệm giải trình của người đó (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7; Giáo Lý và Giao Ước 137:9).
Bằng cách hội ý với vị giám trợ, gia đình ấy xác định địa điểm và loại tang lễ cho một người qua đời. Gia đình có thể chọn sử dụng các cơ sở của Giáo Hội. Nếu đã được làm lễ thiên ân, thì người đó có thể được chôn cất hay hỏa táng trong y phục đền thờ.
Những người đã mất một người thân do tự tử đều có thể tìm thấy hy vọng và sự chữa lành trong Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.
Để có thông tin về việc ngăn ngừa tự tử và phục sự, xin xem trang mạng suicide.ChurchofJesusChrist.org.
38.6.21
Phẫu Thuật Triệt Sản (Kể cả Việc Phẫu Thuật Cắt Ống Dẫn Tinh)
Xin xem đoạn 38.6.4.
38.6.22
Mang Thai Hộ
Mẫu mực của một người chồng và người vợ cung cấp thể xác cho con cái linh hồn của Thượng Đế là do Thượng Đế quy định (xin xem đoạn 2.1.3). Vì lý do này, Giáo Hội không khuyến khích việc mang thai hộ. Tuy nhiên, đây là một vấn đề cá nhân mà cuối cùng phải để cho người chồng và người vợ đã kết hôn hợp pháp xét đoán và thành tâm cân nhắc.
Những đứa trẻ được sinh ra bởi một người mẹ mang thai hộ không được sinh ra trong giao ước. Sau khi sinh ra, các em đó chỉ có thể được làm lễ gắn bó với cha mẹ khi có sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch (xin xem mục 38.4.2.7). Hai cha mẹ này viết một lá thư gửi cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và đưa thư đó cho chủ tịch giáo khu. Nếu ủng hộ lời yêu cầu này, vị ấy nộp lá thư đó cùng với lá thư của mình.
38.6.23
Các Cá Nhân Chuyển Giới
Các cá nhân chuyển giới trải qua những thử thách phức tạp. Các tín hữu và những người ngoại đạo tự nhận là người chuyển giới—và gia đình cùng bạn bè của họ— nên được đối xử với sự nhạy cảm, lòng tử tế, trắc ẩn và tình yêu thương tràn đầy giống như Đấng Ky Tô. Tất cả họ đều được hoan nghênh khi tham dự lễ Tiệc Thánh, các buổi họp khác của ngày Chủ Nhật và các sinh hoạt liên hoan của Giáo Hội (xin xem đoạn 38.1.1).
Giới tính là một đặc điểm thiết yếu của kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng. Ý nghĩa thực sự của giới tính trong bản tuyên ngôn về gia đình là giới tính sinh học khi sinh ra. Một số người trải qua cảm giác khó chịu và không thích hợp giữa giới tính sinh học và bản sắc giới tính của họ. Do đó, họ có thể tự nhận là người chuyển giới. Giáo Hội không bày tỏ lập trường gì về các nguyên nhân khiến người ta tự nhận mình là người chuyển giới.
Hầu hết sự tham gia vào Giáo Hội và một số giáo lễ của chức tư tế đều là trung lập về giới tính. Những người chuyển giới có thể được làm phép báp têm và lễ xác nhận như được mô tả trong mục 38.2.8.10. Họ cũng có thể dự phần Tiệc Thánh và tiếp nhận các phước lành của chức tư tế. Tuy nhiên, lễ sắc phong chức tư tế và các giáo lễ đền thờ đều được tiếp nhận theo giới tính sinh học khi sinh ra.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyên nên chống lại phẫu thuật y khoa tự chọn vì mục đích cố gắng chuyển sang giới tính đối lập với giới tính sinh học được sinh ra của một người (“chuyển đổi giới tính”). Các vị lãnh đạo khuyên bảo rằng việc có những biện pháp này sẽ là nguyên nhân cho những hạn chế tư cách tín hữu của Giáo Hội.
Các vị lãnh đạo cũng khuyên nên chống lại sự chuyển đổi trong giao tiếp xã hội. Một sự chuyển đổi trong giao tiếp xã hội bao gồm việc thay đổi cách ăn mặc hoặc chải chuốt, hay thay đổi tên hoặc đại từ, để cho thấy bản thân mình khác với giới tính sinh học khi sinh ra. Các vị lãnh đạo khuyên bảo rằng những người chuyển đổi trong giao tiếp xã hội sẽ gặp một số hạn chế tư cách tín hữu của Giáo Hội trong suốt thời gian chuyển đổi này.
Các hạn chế này bao gồm việc tiếp nhận hoặc thực hành chức tư tế, tiếp nhận hoặc sử dụng một giấy giới thiệu đi đền thờ và tiếp nhận một số chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội. Mặc dù một số đặc ân của tư cách tín hữu Giáo Hội bị hạn chế nhưng sự tham gia khác vào Giáo Hội vẫn được hoan nghênh.
Những người chuyển giới không theo đuổi sự chuyển đổi về y khoa, phẫu thuật hoặc trong giao tiếp xã hội sang giới tính khác và xứng đáng thì có thể nhận được các chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội, giấy giới thiệu đi đền thờ và các giáo lễ đền thờ.
Một số trẻ em, một số trong giới trẻ và người lớn được điều trị bằng liệu pháp hormone bởi một chuyên gia y tế có giấy phép để xoa dịu tình trạng đau khổ vì không chấp nhận giới tính của mình hoặc làm giảm bớt ý nghĩ tự tử. Trước khi một người bắt đầu liệu pháp như vậy, thì điều quan trọng là người đó (và cha mẹ của một trẻ vị thành niên) phải hiểu những rủi ro và lợi ích tiềm ẩn. Nếu những tín hữu này không cố gắng chuyển giới và xứng đáng thì họ có thể nhận được những chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội, giấy giới thiệu đi đền thờ và các giáo lễ đền thờ.
Nếu một tín hữu quyết định thay đổi cách xưng hô bằng tên hoặc đại từ ưa thích của mình, thì tên ưa thích có thể được ghi vào trường tên ưa thích trong hồ sơ tín hữu. Người đó có thể được xưng hô bằng tên ưa thích trong tiểu giáo khu.
Hoàn cảnh khác nhau rất nhiều tùy vào từng đơn vị và từng người. Các tín hữu và các vị lãnh đạo cùng hội ý với nhau cùng với Chúa. Các Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng sẽ giúp các vị lãnh đạo địa phương giải quyết những tình huống cá nhân một cách nhạy cảm. Các vị giám trợ hội ý với chủ tịch giáo khu. Các chủ tịch giáo khu và các chủ tịch phái bộ truyền giáo cần phải xin lời khuyên bảo từ Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng (xin xem đoạn 32.6.3 và mục 32.6.3.1).
Để có thêm thông tin về việc thông cảm và hỗ trợ những người chuyển giới, xin xem “Người Chuyển Giới” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.
38.7
Các Chính Sách về Y Tế và Sức Khỏe
38.7.1
Khám Nghiệm Tử Thi
Một cuộc khám nghiệm tử thi có thể được thực hiện nếu gia đình của người quá cố đồng ý và nếu cuộc khám nghiệm tử thi này tuân theo luật pháp. Trong một số trường hợp, sự khám nghiệm tử thi được luật pháp đòi hỏi.
38.7.2
Chôn Cất và Hỏa Táng
Gia đình của người quá cố sẽ quyết định xem nên chôn cất hay hỏa táng thi hài của người đó. Họ tôn trọng ước muốn của cá nhân.
Ở một số quốc gia, luật pháp đòi hỏi phải hỏa táng. Trong các trường hợp khác, việc chôn cất là không thiết thực hoặc không hợp với túi tiền của gia đình người quá cố. Trong mọi trường hợp, thi hài cần được xử lý với sự tôn trọng và tôn kính. Các tín hữu nên được cam đoan rằng quyền năng của Sự Phục Sinh luôn luôn áp dụng (xin xem An Ma 11:42–45).
Nơi nào có thể được, thi hài của một tín hữu quá cố đã được làm lễ thiên ân nên mặc lễ phục đền thờ khi được chôn cất hoặc hỏa táng (xin xem đoạn 38.5.8).
Tang lễ hoặc lễ tưởng niệm tạo cơ hội cho các gia đình quy tụ lại và duy trì các mối quan hệ và giá trị của gia đình (xin xem phần 29.5.4).
38.7.3
Trẻ Em Chết trước khi Sinh (Trẻ Em Chết Non và Sẩy Thai)
Những bậc cha mẹ nào đã trải qua cái chết của đứa con còn trong bụng đều cảm thấy đau buồn và mất mát. Các vị lãnh đạo, những người trong gia đình và những người anh em và chị em phục sự cung cấp sự hỗ trợ về mặt tinh thần và thuộc linh.
Cha mẹ có thể quyết định liệu có nên tổ chức lễ tưởng niệm hay làm lễ tại mộ.
Cha mẹ có thể ghi lại thông tin về đứa con đó trong FamilySearch.org. Những chỉ dẫn đã được cung cấp trên các trang mạng.
Các giáo lễ đền thờ là không cần thiết hoặc không cần được thực hiện cho những đứa trẻ chết trước khi sinh. Điều này không phủ nhận việc mấy đứa trẻ này có thể là một phần của gia đình trong thời vĩnh cửu. Cha mẹ được khuyến khích nên tin cậy Chúa và tìm kiếm sự an ủi của Ngài.
38.7.4
Phương Pháp Chết Êm Ái
Cuộc sống trần thế là một ân tứ quý báu từ Thượng Đế. Phương pháp chết êm ái là cố ý kết thúc mạng sống của một người đang mắc bệnh nan y hoặc tình trạng khác. Một người tham gia vào việc giúp cho người khác chết êm ái, kể cả phụ giúp một người nào đó tự tử, là vi phạm các giáo lệnh của Thượng Đế và có thể vi phạm các luật pháp địa phương.
Việc ngừng hoặc từ bỏ các phương cách hỗ trợ mạng sống cho một người vào cuối cuộc đời thì không được coi là chết êm ái (xin xem đoạn 38.7.11).
38.7.5
Bị Nhiễm HIV và AIDS
Các tín hữu bị nhiễm HIV (Vi-rút làm suy giảm miễn dịch ở người) hoặc người bị AIDS (mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch) nên được chào đón tại các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội. Sự tham dự của họ không gây nguy hiểm về sức khỏe cho người khác.
38.7.6
Thôi Miên
Đối với một số người, thôi miên có thể làm tổn hại đến quyền tự quyết. Các tín hữu không nên tham gia vào việc thôi miên với mục đích trình diễn hoặc giải trí.
Việc sử dụng thôi miên để điều trị bệnh hoặc rối loạn tâm thần cần được quyết định với sự tư vấn của các chuyên gia y tế có thẩm quyền.
38.7.7
Giới Tính của Cá Nhân Khi Sinh Ra Không Rõ Ràng
Trong những trường hợp vô cùng hiếm hoi, một em bé được sinh ra với bộ phận sinh dục không rõ ràng là nam hay nữ (cơ quan sinh dục, giới tính không rõ ràng hoặc giữa các giới tính). Cha mẹ hoặc những người khác có thể phải đưa ra quyết định để xác định giới tính của con mình với sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế có thẩm quyền. Các quyết định về việc tiến hành với sự can thiệp y khoa hoặc phẫu thuật thường được đưa ra trong giai đoạn trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các quyết định đó có thể bị trì hoãn trừ khi chúng là cần thiết về mặt y khoa.
Cần có lòng trắc ẩn và sự thông sáng đặc biệt khi giới trẻ hoặc người lớn sinh ra với kinh nghiệm giới tính mơ hồ trải qua sự xung đột cảm xúc liên quan đến các quyết định giới tính được đưa ra trong thời sơ sinh hoặc thời thơ ấu và giới tính mà họ xác định.
Các câu hỏi về hồ sơ tín hữu, lễ sắc phong chức tư tế và các giáo lễ đền thờ dành cho giới trẻ hoặc những người lớn sinh ra với giới tính không rõ ràng nên được chuyển đến Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn.
38.7.8
Chăm Sóc Y Tế và Sức Khỏe
Việc tìm kiếm sự trợ giúp y tế có thẩm quyền, thực hành đức tin và tiếp nhận các phước lành của chức tư tế cùng kết hợp với nhau để chữa lành, theo ý muốn của Chúa.
Các tín hữu không nên sử dụng hoặc thúc đẩy các thực hành về y tế hoặc sức khỏe mà có vấn đề về mặt đạo đức, tinh thần hoặc pháp lý. Những người nào có vấn đề về sức khỏe nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế có thẩm quyền được cấp phép trong những khu vực mà họ hành nghề.
Ngoài việc tìm kiếm sự giúp đỡ y tế có thẩm quyền, các tín hữu của Giáo Hội được khuyến khích tuân theo lệnh truyền trong thánh thư trong Gia Cơ 5:14 để “hãy mời các trưởng lão hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người.” Các phước lành chữa lành của chức tư tế được ban cho những người đang nắm giữ chức phẩm chức tư tế cần thiết. Các phước lành được ban cho khi được yêu cầu và không phải trả tiền (xin xem phần 18.13).
Các tín hữu của Giáo Hội không được khuyến khích tìm kiếm sự chữa lành bằng phép lạ hoặc siêu nhiên từ một cá nhân hoặc nhóm người tự cho là có các phương pháp đặc biệt để tiếp cận quyền năng chữa bệnh ngoài sự cầu nguyện và các phước lành chức tư tế được thực hiện đúng cách. Những thực hành này thường được gọi là “chữa bệnh bằng năng lượng.” Các tên khác cũng được sử dụng. Những lời hứa chữa lành như vậy thường được đưa ra để đổi lấy tiền bạc.
38.7.9
Cần Sa Y Tế
Giáo Hội phản đối việc sử dụng cần sa cho các mục đích phi y tế. Xin xem đoạn 38.7.14.
Tuy nhiên, cần sa có thể được sử dụng cho mục đích y tế khi các điều kiện sau đây được đáp ứng:
-
Việc sử dụng được xác định là cần thiết về mặt y tế bởi một bác sĩ được cấp phép hoặc một người cung cấp dịch vụ y tế hợp pháp khác được chấp thuận.
-
Người đó tuân theo liều lượng và cách thức quản lý từ bác sĩ hoặc người cung cấp dịch vụ y tế được ủy quyền khác. Giáo Hội không chấp thuận cho hút cần sa điện tử trừ khi người cung cấp dịch vụ y tế đã cho phép nó dựa trên sự cần thiết về mặt y tế.
Giáo Hội không chấp thuận hút cần sa, kể cả cho mục đích y tế.
38.7.10
Hiến và Cấy Ghép Nội Tạng và Mô
Việc hiến tặng nội tạng và mô là một hành động vị tha mà thường mang lại lợi ích lớn lao cho các cá nhân bị mắc bệnh.
Quyết định của một người sống để hiến tặng một bộ phận cơ thể cho người khác hoặc tiếp nhận một bộ phận cơ thể được hiến tặng phải được thực hiện với sự tư vấn y tế có thẩm quyền và sự thành tâm cân nhắc.
Quyết định cho phép cấy ghép nội tạng hoặc mô của người đã chết do người đó hoặc gia đình người đó đưa ra.
38.7.11
Kéo Dài Sự Sống (Kể Cả Hỗ Trợ Hồi Sinh)
Khi lâm bệnh nặng, các tín hữu cần thực hành đức tin nơi Chúa và tìm kiếm sự hỗ trợ thích hợp về y tế. Tuy nhiên, khi cái chết dường như không thể tránh khỏi, thì nên xem đó là một phước lành và một phần mục đích của cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 9:6; An Ma 42:8).
Các tín hữu không nên cảm thấy bắt buộc phải kéo dài cuộc sống trần thế bằng phương tiện không hợp lý. Tốt nhất là những quyết định này nên do người đó, nếu có thể, hoặc do những người trong gia đình đó đưa ra. Họ nên tìm kiếm lời khuyên y tế có thẩm quyền và sự hướng dẫn thiêng liêng qua sự cầu nguyện.
Các vị lãnh đạo mang đến sự hỗ trợ cho những người đang quyết định có nên loại bỏ máy hỗ trợ mạng sống cho một người trong gia đình hay không.
38.7.12
Các Nhóm Tự Nhận Thức
Nhiều nhóm tư nhân và các tổ chức thương mại có các chương trình cho là nhằm nâng cao sự tự nhận thức, lòng tự trọng, phần thuộc linh hoặc mối quan hệ gia đình. Các nhóm này có khuynh hướng hứa hẹn các giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề mà thường đòi hỏi thời gian, sự cầu nguyện và nỗ lực cá nhân để giải quyết. Mặc dù những người tham gia có thể trải qua sự khuây khỏa về mặt cảm xúc hoặc niềm vui tạm thời, nhưng những vấn đề cũ thường trở lại, dẫn đến thêm nỗi chán nản và tuyệt vọng.
Một số nhóm này mạo nhận hoặc ngầm ngụ ý rằng Giáo Hội hay cá nhân Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã ủng hộ các chương trình của họ. Tuy nhiên, những tuyên bố này là không đúng.
Các tín hữu Giáo Hội cũng được cảnh báo rằng một số nhóm này ủng hộ các khái niệm và sử dụng các phương pháp có thể gây tai hại. Nhiều nhóm như vậy cũng sẽ tính lệ phí với giá cắt cổ và khuyến khích sự cam kết lâu dài. Một số khác trộn lẫn các khái niệm của thế gian với các nguyên tắc phúc âm theo những cách có thể làm suy yếu phần thuộc linh và đức tin.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội không được trả tiền, quảng cáo, hay tán thành cho các nhóm hoặc cách thực hành như vậy. Không được sử dụng các cơ sở của Giáo Hội cho các sinh hoạt này.
Các tín hữu nào có mối quan tâm về vấn đề giao tiếp hay cảm xúc có thể tham khảo ý kiến với các vị lãnh đạo để được hướng dẫn trong việc nhận ra các nguồn giúp đỡ mà hòa hợp với các nguyên tắc phúc âm. Để biết thêm thông tin, xin xem đoạn 22.3.4.
38.7.13
Chủng Ngừa
Chủng ngừa do các chuyên gia y tế có thẩm quyền thực hiện để bảo vệ sức khoẻ và bảo toàn tính mạng. Các tín hữu của Giáo Hội được khuyến khích bảo vệ bản thân, con cái và cộng đồng của họ qua việc chủng ngừa.
Cuối cùng, các cá nhân có trách nhiệm đưa ra quyết định của họ về việc chủng ngừa. Nếu các tín hữu có mối quan tâm, họ nên tham khảo ý kiến với các chuyên gia y tế có thẩm quyền và cũng tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.
Những người truyền giáo tương lai chưa được chủng ngừa có thể sẽ bị giới hạn trong các chỉ định ở quê nhà của họ.
38.7.14
Lời Thông Sáng và Các Lối Thực Hành Lành Mạnh
Lời Thông Sáng là một lệnh truyền của Thượng Đế. Ngài đã mặc khải lệnh truyền đó vì lợi ích thể chất và thuộc linh của con cái Ngài. Các vị tiên tri đã tuyên bố rõ rằng những lời dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 89 gồm có việc kiêng thuốc lá, thức uống mạnh (rượu) và thức uống nóng (trà và cà phê).
Các vị tiên tri cũng đã dạy các tín hữu phải tránh các chất có hại, bất hợp pháp hoặc gây nghiện hay làm suy yếu khả năng xét đoán.
Có những chất có hại và lối thực hành khác không được nêu rõ trong Lời Thông Sáng hoặc bởi các vị lãnh đạo Giáo Hội. Các tín hữu nên sử dụng sự khôn ngoan và óc xét đoán thành tâm trong việc đưa ra các lựa chọn để gia tăng sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của họ.
Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (1 Cô Rinh Tô 6:19–20).
Chúa hứa ban các phước lành thiêng liêng và vật chất cho những ai tuân theo Lời Thông Sáng và sự hướng dẫn của các vị tiên tri tại thế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21).
38.8
Các Chính Sách Hành Chính
38.8.1
Nhận Con Nuôi và Nhận Chăm Sóc Tạm Thời
Việc nhận con nuôi và nhận chăm sóc tạm thời có thể ban phước cho trẻ em và gia đình. Gia đình vĩnh cửu có tình yêu thương có thể được tạo ra qua việc nhận con nuôi. Dù con cái đến với một gia đình qua việc nhận con nuôi hay sinh nở, thì chúng cũng đều có cùng một phước lành quý giá như nhau.
Các tín hữu tìm cách nhận con nuôi hoặc nhận chăm sóc tạm thời các trẻ em phải tuân thủ tất cả các luật pháp hiện hành của các quốc gia và chính phủ có liên quan.
Giáo Hội không tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ và Canada, các vị lãnh đạo có thể giới thiệu các tín hữu đến Dịch Vụ Gia Đình để làm một nguồn tư vấn. Để có thông tin liên lạc, xin xem đoạn 31.3.6.
Để có thông tin về những người mẹ đơn thân đang mang thai, xin xem đoạn 38.6.19.
Để biết thêm thông tin, xin xem “Adoption” (Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).
38.8.2
Gian Lận Quan Hệ
Gian lận quan hệ xảy ra khi một người lợi dụng sự tin cậy hoặc lòng tin của người khác để lừa gạt người đó. Điều này có thể xảy ra khi cả hai người thuộc cùng một nhóm, chẳng hạn như Giáo Hội. Nó cũng có thể xảy ra khi việc lạm dụng vị trí của tình bạn hoặc sự tin cậy, chẳng hạn như sự kêu gọi của Giáo Hội hoặc mối quan hệ gia đình. Gian lận quan hệ thường là vì lợi nhuận tài chính.
Các tín hữu Giáo Hội nên trung thực trong các giao dịch của họ và hành động một cách chính trực. Gian lận quan hệ là một sự phản bội đáng xấu hổ đối với sự tin cậy và lòng tin. Kẻ gây ra gian lận quan hệ có thể bị truy tố về hình sự. Các tín hữu Giáo Hội vi phạm sự gian lận quan hệ đều có thể đối mặt với các hạn chế hoặc sự thu hồi tư cách tín hữu. Xin xem mục 32.6.1.3 và mục 32.6.2.3 để hướng dẫn các hội đồng xem xét tư cách tín hữu về hành vi gian lận quan hệ.
Các tín hữu không được tuyên bố hoặc ngụ ý rằng các giao dịch kinh doanh của họ được bảo trợ, tán thành bởi hoặc đại diện cho Giáo Hội hay các vị lãnh đạo của Giáo Hội.
38.8.3
Tài Liệu Thính Thị
Tài liệu thính thị có thể giúp mời Thánh Linh đến và nâng cao việc giảng dạy phúc âm trong các lớp học và buổi họp của Giáo Hội. Các ví dụ về các tài liệu này gồm có video, hình ảnh và nhạc thu âm. Việc sử dụng các tài liệu này không bao giờ được trở thành sự xao lãng hay trọng tâm chính của lớp học hoặc buổi họp.
Các tín hữu không nên sử dụng tài liệu thính thị trong các buổi lễ Tiệc Thánh hoặc trong phiên họp chung của đại hội giáo khu. Tuy nhiên, có thể sử dụng nhạc thu âm trong các buổi họp này nếu cần để đệm thánh ca.
Các tín hữu nên tuân theo mọi luật bản quyền khi sử dụng các tài liệu thính thị (xin xem đoạn 38.8.11). Họ chỉ nên sử dụng những tài liệu nào phù hợp với phúc âm và giúp mời Thánh Linh đến.
38.8.4
Việc Xin Chữ Ký và Chụp Ảnh Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Các Chức Sắc Trung Ương và Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng
Các tín hữu Giáo Hội không nên tìm cách xin chữ ký của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Các Chức Sắc Trung Ương hoặc Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng. Các tín hữu cũng không nên yêu cầu các vị lãnh đạo này ký tên vào thánh thư, thánh ca hoặc tờ chương trình của họ. Việc làm như vậy sẽ làm giảm sự kêu gọi thiêng liêng của họ và tinh thần của buổi họp. Nó cũng ngăn cản họ chào hỏi các tín hữu khác.
Các tín hữu không nên chụp ảnh của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Các Chức Sắc Trung Ương hoặc Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng trong các giáo đường.
38.8.5
Các doanh nghiệp
Không được sử dụng các nhà hội và các cơ sở khác của Giáo Hội, các buổi họp và lớp học của Giáo Hội, các trang web và các kênh truyền thông xã hội của Giáo Hội để quảng bá cho bất cứ doanh nghiệp hoặc tổ chức nào không thuộc Giáo Hội.
Không được đưa danh sách các nhóm Giáo Hội hoặc thông tin khác về các tín hữu cho bất cứ doanh nghiệp hoặc tổ chức nào không thuộc Giáo Hội. Những điều này gồm có (nhưng không giới hạn) những quảng cáo về hẹn hò, học vấn và cơ hội việc làm. Xin xem đoạn 38.8.31.
38.8.6
Các Nhân Viên Giáo Hội
Các nhân viên Giáo Hội phải luôn luôn sống theo và nêu cao các tiêu chuẩn của Giáo Hội. Họ cũng phải tuân theo các luật lao động của địa phương.
Để bắt đầu hay tiếp tục làm việc cho Giáo Hội, các nhân viên phải xứng đáng với một giấy giới thiệu đi đền thờ. Một cách định kỳ, những người đại diện Church Human Resource Department (Phòng Nhân Sự của Giáo Hội) sẽ liên lạc với các chủ tịch giáo khu hoặc giám trợ để kiểm chứng sự xứng đáng đi đền thờ của các nhân viên hiện tại hoặc tương lai của Giáo Hội. Các vị lãnh đạo nên trả lời nhanh chóng.
38.8.7
Tạp Chí Giáo Hội
Các tạp chí Giáo Hội gồm có:
-
Tạp chí Bạn Hữu dành cho thiếu nhi.
-
Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ dành cho giới trẻ.
-
Tạp chí Liahona dành cho người lớn.
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn khuyến khích tất cả các tín hữu nên đọc các tạp chí Giáo Hội. Các tạp chí có thể giúp các tín hữu tìm hiểu phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, nghiên cứu những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế, cảm thấy được kết nối với gia đình Giáo Hội toàn cầu, đương đầu với những thử thách và đến gần Thượng Đế hơn.
Các vị lãnh đạo giúp các tín hữu có được các tạp chí như sau:
-
Giúp các tín hữu mua dài hạn các tạp chí in và mua gia hạn tạp chí của họ.
-
Chỉ cho các tín hữu cách truy cập nội dung tạp chí trên ChurchofJesusChrist.org, ứng dụng Thư Viện Phúc Âm và ứng dụng Sống Theo Phúc Âm. Nội dung kỹ thuật số này là miễn phí.
-
Ngay sau khi các tín hữu mới chịu phép báp têm, hãy chỉ cho họ cách truy cập các tạp chí của Giáo Hội bằng kỹ thuật số. Nếu họ thích một tạp chí in, hãy tặng cho họ một năm mua dài hạn một tạp chí bằng cách sử dụng ngân sách của đơn vị.
-
Liên tục mua dài hạn cho tất cả các trẻ em và giới trẻ tham dự nhà thờ mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng. Sử dụng quỹ của ngân sách đơn vị.
Các giám trợ có thể kêu gọi một người đại diện tạp chí để giúp các tín hữu truy cập các tạp chí. Hoặc họ có thể chỉ định cho thư ký chấp hành tiểu giáo khu để phụ giúp (xin xem phần 7.3).
Người đại diện tạp chí hoặc thư ký chấp hành cũng có thể giúp thu thập những kinh nghiệm và chứng ngôn nhằm thúc đẩy đức tin từ các tín hữu địa phương để chia sẻ với các tạp chí.
Các tạp chí in có sẵn để mua dài hạn tại store.ChurchofJesusChrist.org, Phòng Dịch Vụ Toàn Cầu và các cửa hàng bán lẻ của Trung Tâm Phân Phối. Trong một số khu vực, các đơn vị đặt hàng thay cho các tín hữu của họ và phân phối tạp chí tại nhà hội của họ. Để biết thêm thông tin, hãy liên lạc với Phòng Dịch Vụ Toàn Cầu hoặc cửa hàng trung tâm phân phối.
38.8.8
Tên Gọi, Ký Hiệu và Biểu Tượng của Giáo Hội
Tên gọi, ký hiệu và biểu tượng của Giáo Hội là các nhận dạng chính của Giáo Hội. Chúng được đăng ký như là nhãn hiệu đăng ký hoặc mặt khác được luật pháp bảo vệ trên toàn thế giới. Chúng được sử dụng để nhận ra tài liệu chính thức, tin tức và các sự kiện của Giáo Hội.
Các nhận dạng chính của Giáo Hội chỉ được sử dụng theo những hướng dẫn được liệt kê bên dưới.
Tên viết của Giáo Hội. Các đơn vị địa phương có thể sử dụng tên viết của Giáo Hội (không phải là ký hiệu hoặc biểu tượng) khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:
-
Sinh hoạt hoặc chức năng liên kết với tên của Giáo Hội được đơn vị chính thức bảo trợ (ví dụ, một chương trình trong lễ Tiệc Thánh).
-
Tên gọi của đơn vị địa phương được sử dụng như là một phần mở đầu cho tên gọi của Giáo Hội (ví dụ, Chi Nhánh Campo Rosa của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô).
-
Kiểu chữ không bắt chước hoặc giống với ký hiệu chính thức của Giáo Hội.
Ký hiệu và biểu tượng. Ký hiệu và biểu tượng của Giáo Hội (xin xem hình minh họa ở trên) chỉ được sử dụng khi được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chấp thuận. Chúng không thể được sử dụng để làm các yếu tố trang trí. Chúng cũng không được sử dụng trong bất cứ cách thức cá nhân, thương mại hoặc quảng cáo nào.
Có thể gửi thắc mắc đến:
Intellectual Property Office
50 East North Temple Street
Salt Lake City, UT 84150-0005
Số điện thoại: 1-801-240-3959 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-3959
Fax: 1-801-240-1187
38.8.9
Thông Tin Liên Lạc với Các Chủ Tịch Giáo Khu và Giám Trợ từ Các Nhân Viên và Tình Nguyện Viên của Giáo Hội
Khi các nhân viên và tình nguyện viên của Giáo Hội cần phải liên lạc với một chủ tịch giáo khu hoặc giám trợ, họ liên lạc trực tiếp đến thư ký chấp hành của vị lãnh đạo ấy trừ khi vấn đề này rất khẩn cấp hoặc kín mật. Điều này cho phép các chủ tịch giáo khu và giám trợ tập trung vào nhiều trách nhiệm mà chỉ có họ mới có thể hoàn thành.
Các nhân viên và tình nguyện viên của Giáo Hội gồm có những người đại diện của tất cả các phòng sở của Giáo Hội, các chương trình giáo dục và trường học, các hoạt động an sinh và tự lực, và các công việc liên quan đến Giáo Hội.
Khi một thư ký chấp hành không được kêu gọi hoặc hoàn toàn tích cực trong chức năng, thì một vị lãnh đạo có thể được liên lạc trực tiếp.
38.8.10
Máy Vi Tính
Máy vi tính và phần mềm được sử dụng trong các nhà hội của Giáo Hội đều được trụ sở Giáo Hội hoặc văn phòng giáo vùng cung cấp và quản lý. Các vị lãnh đạo và các tín hữu sử dụng các phương tiện này để hỗ trợ các mục đích của Giáo Hội, kể cả công việc lịch sử gia đình.
Tất cả phần mềm trên các máy vi tính này phải được cấp phép hợp lệ cho Giáo Hội.
Chủ tịch giáo khu giám sát việc bố trí và sử dụng máy vi tính trong giáo khu, kể cả những máy tính trong các trung tâm lịch sử gia đình. Chuyên gia công nghệ giáo khu bảo đảm rằng chúng được cập nhật và bảo trì đúng cách như được mô tả trong phần 33.10.
38.8.11
Các Tài Liệu Có Bản Quyền
Bản quyền là sự bảo vệ do luật pháp ban ra cho những người tạo ra các tác phẩm gốc có quyền tác giả được thể hiện dưới dạng hữu hình (kể cả kỹ thuật số), bao gồm:
-
Các tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch bản, và nghệ thuật vũ đạo.
-
Các tác phẩm nghệ thuật, nhiếp ảnh, và điêu khắc.
-
Các tác phẩm ghi âm và thính thị (như phim và video, CD và DVD).
-
Các chương trình hoặc trò chơi trên máy vi tính.
-
Mạng Internet và các cơ sở dữ liệu khác.
Những điều luật quy định về các tác phẩm sáng tạo và việc được phép sử dụng các tác phẩm này khác nhau tùy theo từng quốc gia. Các chính sách của Giáo Hội được mô tả trong phần này phù hợp với các hiệp ước quốc tế được áp dụng ở hầu hết các quốc gia. Để được đơn giản, phần này đề cập đến quyền lợi của tác giả là “bản quyền.” Tuy nhiên, một số quyền lợi này có thể được biết tới bằng tên gọi khác ở một số quốc gia.
Các tín hữu Giáo Hội cần tuyệt đối tuân theo tất cả các luật bản quyền. Nói chung, chỉ chủ sở hữu bản quyền mới có thể cho phép sử dụng tác phẩm của họ sau đây:
-
Phó bản (sao chép)
-
Phân Phối
-
Trình diễn trước công chúng
-
Trưng bày trước công chúng
-
Tạo ra các phó phẩm
Việc sử dụng một tác phẩm theo bất cứ cách nào trong số này mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền là trái với chính sách của Giáo Hội. Việc sử dụng như vậy cũng có thể làm cho Giáo Hội hoặc người sử dụng phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Người sử dụng một tác phẩm cần biết rằng tác phẩm đó được bảo vệ bởi bản quyền. Các tác phẩm đã xuất bản thường gồm có một bản thông báo về bản quyền, chẳng hạn như “© 1959 John Doe giữ bản quyền.” (Đối với bản thu thanh, ký hiệu là ℗.) Tuy nhiên, không cần có thông báo về bản quyền để có sự bảo vệ của pháp luật. Tương tự như vậy, thực tế là một ấn phẩm không được tái bản hoặc đăng trên internet không có nghĩa là nó không có bản quyền. Điều này cũng không biện minh cho việc sao chép, phân phối, trình diễn, trưng bày hoặc tạo ra các phó phẩm của ấn phẩm đó mà không được phép.
Intellectual Property Office (Văn Phòng Sở Hữu Trí Tuệ của Giáo Hội) viết tắt là IPO phụ giúp trong việc xử lý các yêu cầu sử dụng các tài liệu hoặc chương trình của Giáo Hội có bản quyền, kể cả các tài liệu có bản quyền của Intellectual Reserve, Inc. (IRI). IRI là một tập đoàn riêng rẽ, phi lợi nhuận và là chủ sở hữu các tài sản trí tuệ do Giáo Hội sử dụng. Để biết thông tin về việc yêu cầu được sử dụng các tài liệu thuộc sở hữu của Giáo Hội, xin xem trang “Terms of Use (Điều Khoản Sử Dụng)” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.
Các câu hỏi và câu trả lời sau đây có thể giúp các tín hữu hiểu và tuân theo các luật bản quyền khi sử dụng các tài liệu có bản quyền tại nhà thờ và tại nhà. Nếu các tín hữu có những thắc mắc mà không được giải đáp trong các hướng dẫn này, họ có thể liên lạc với IPO:
Intellectual Property Office
50 East North Temple Street
Salt Lake City, UT 84150-0005
Số điện thoại: 1-801-240-3959 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-3959
Fax: 1-801-240-1187
Email: cor-intellectualproperty@ChurchofJesusChrist.org
Tôi có thể sao chép các tài liệu đã được xuất bản của Giáo Hội không? Trừ khi được ghi khác, các tài liệu của Giáo Hội có thể được sao chép để sử dụng cho mục đích phi thương mại ở Giáo Hội, tư gia và gia đình. Điều khoản sử dụng đi kèm với một trang web hoặc ứng dụng của Giáo Hội chỉ rõ cách sử dụng tài liệu trên các trang web và ứng dụng này. Không được sử dụng với tính cách thương mại các tài liệu của Giáo Hội mà không có giấy phép cụ thể từ IPO.
Tôi có thể sao chép nhạc không? Các luật bản quyền đặc biệt áp dụng cho âm nhạc. Một người có thể sao chép nhạc từ những nguồn tài liệu sau đây cho việc sử dụng không có tính cách thương mại trong Giáo Hội, tư gia và gia đình, trừ khi một sự hạn chế được ghi rõ trên bài thánh ca hoặc bài hát đó:
-
Hymns
-
Sách Children’s Songbook
Việc sao chụp hoặc thu lại nhạc mà không được cho phép từ người sở hữu quyền tác giả là trái với chính sách của Giáo Hội.
Tôi có thể sao chép các tài liệu không do Giáo Hội sở hữu không? Nói chung là không được. Luật bản quyền quy định việc sử dụng các tài liệu thuộc sở hữu cá nhân. Thông thường có những giới hạn đặt ra các điều kiện mà công chúng phải tuân theo trước khi sao chép các tài liệu không phải của Giáo Hội. Những hạn chế này thường được liệt kê ở gần phần đầu của một ấn phẩm. Các tín hữu cần tuyệt đối tuân theo tất cả các luật bản quyền.
Tôi có thể trưng bày các sản phẩm nghe nhìn có tính chất thương mại tại các buổi nhóm họp của Giáo Hội không? Nói chung là không được. Các tín hữu Giáo Hội không nên vi phạm những lời cảnh cáo và hạn chế đã được ghi trên các sản phẩm nghe nhìn thương mại. Điều này gồm có phim ảnh, video khác và nhạc. Việc sử dụng các sản phẩm nghe nhìn thương mại tại các buổi nhóm họp của Giáo Hội thường đòi hỏi giấy phép từ những người chủ sở hữu quyền tác giả.
Tôi có thể tải xuống hoặc sao lại chương trình phần mềm và các chương trình khác trên máy vi tính để sử dụng trong Giáo Hội không? Nói chung là không được. Các chương trình và phần mềm khác không được sao lại hoặc tải xuống trừ khi tất cả các giấy phép đã được mua một cách thích hợp.
Cần có sự cho phép nào để trình bày các tác phẩm âm nhạc và kịch nghệ? Những tác phẩm do Giáo Hội hoặc IRI sở hữu có thể được trình diễn trong các bối cảnh của Giáo Hội mà không cần phải có giấy phép từ trụ sở Giáo Hội. Nếu một tác phẩm có bản quyền không phải do Giáo Hội sở hữu, thì các tín hữu cần phải nhận được giấy phép từ người chủ sở hữu quyền tác giả để trình diễn tất cả hoặc một phần của tác phẩm đó trong một bối cảnh của Giáo Hội. Thường thì người chủ sở hữu quyền tác giả đòi hỏi lệ phí hoặc tiền nhuận bút ngay cả khi phần trình diễn là miễn phí. Tất cả các phần trình bày cần phải được các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương chấp thuận.
38.8.12
Các Tài Liệu Giảng Dạy
Giáo Hội cung cấp tài liệu để giúp các tín hữu học hỏi và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các tài liệu này gồm có thánh thư, các sứ điệp trong đại hội trung ương, các tạp chí, các sách hướng dẫn, sách vở và các nguồn tài liệu khác. Các vị lãnh đạo khuyến khích các tín hữu sử dụng thánh thư và các tài liệu khác khi cần để học phúc âm tại nhà.
Việc học hỏi và giảng dạy phúc âm nên tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và giáo lý của Ngài. Để giúp duy trì sự tập trung này vào các lớp học của Giáo Hội, các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các giảng viên sử dụng các tài liệu đã được chấp thuận. Để biết thông tin về các tài liệu đã được chấp thuận, xin xem Instructions for Curriculum.
38.8.13
Danh Bạ
Các tín hữu và các vị lãnh đạo được khuyến khích sử dụng các danh bạ tín hữu do Giáo Hội cung cấp. Các danh bạ này có sẵn trong Danh Bạ và Bản Đồ của Tiểu Giáo Khu trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org và trong ứng dụng Công Cụ của Tín Hữu. Chúng cung cấp thông tin liên lạc cơ bản dành cho các tín hữu. Các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu có thể xem thêm thông tin hữu ích cho các chức vụ kêu gọi của họ. Các vị lãnh đạo cũng có thể xem thông tin này trong Những Tài Liệu của Vị Lãnh Đạo và Thư Ký.
Các tín hữu có thể giới hạn khả năng hiển thị thông tin liên lạc kỹ thuật số của họ. Họ làm điều này bằng cách chọn mức độ riêng tư trong hồ sơ gia đình của họ.
Các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu nên tôn trọng các thiết lập về quyền riêng tư mà các tín hữu đã chọn. Những vị lãnh đạo này cũng bảo đảm rằng thông tin đó chỉ được sử dụng cho các mục đích của Giáo Hội đã được chấp thuận.
Bản in của danh bạ giáo khu và tiểu giáo khu thường không cần thiết. Nếu các vị lãnh đạo quyết định rằng có nhu cầu thực sự thì các danh bạ chỉ có thể được in ra bằng cách sử dụng Danh Bạ và Bản Đồ của Tiểu Giáo Khu trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org. Các danh bạ này không gồm có giới tính, tuổi tác hoặc ngày sinh của các tín hữu.
Không nên in ra các danh sách tín hữu để sử dụng cho mục đích không phải của Giáo Hội.
38.8.14
Cách Ăn Mặc và Ngoại Hình
Người nam lẫn người nữ đều được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế (xin xem Sáng Thế Ký 1:26–27; Áp Ra Ham 4:27). Thể xác là một ân tứ thiêng liêng.
Các tín hữu của Giáo Hội được khuyến khích để cho thấy sự tôn trọng đối với thể xác trong những sự lựa chọn của họ về cách ăn mặc và ngoại hình. Điều gì là thích hợp khác nhau giữa các nền văn hóa và cho các dịp khác nhau. Ví dụ, đối với lễ Tiệc Thánh, các cá nhân mặc y phục tươm tất nhất mà họ có để cho thấy sự tôn trọng đối với giáo lễ Tiệc Thánh (xin xem đoạn 18.9.3). Nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc tham dự đền thờ (xin xem đoạn 27.1.5). Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ biết cách ăn mặc chỉnh tề nhất.
Các tín hữu và các vị lãnh đạo không nên phê phán người khác dựa trên cách ăn mặc và ngoại hình. Họ phải yêu thương tất cả mọi người, như Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh (xin xem Ma Thi Ơ 22:39; Giăng 13:34–35). Tất cả mọi người nên được chào đón tại các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội (xin xem đoạn 38.1.1).
Khi cấp giấy giới thiệu đi đền thờ và đưa ra những sự kêu gọi trong tiểu giáo khu và giáo khu, các vị lãnh đạo xem xét sự xứng đáng và sự hướng dẫn của Thánh Linh (xin xem phần 26.3, đoạn 30.1.1, và đoạn 31.1.1).
38.8.15
Chuẩn Bị Cực Đoan hoặc Chủ Nghĩa Sống Còn
Giáo Hội khuyến khích sự tự lực. Các tín hữu được khuyến khích nên chuẩn bị về phần thuộc linh và vật chất cho những thử thách trong cuộc sống. Xin xem phần 22.1.
Tuy nhiên, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã khuyên bảo không nên chuẩn bị thái quá hoặc quá mức cho những sự kiện thảm khốc có thể xảy ra. Những nỗ lực như vậy đôi khi được gọi là chủ nghĩa sống còn. Những nỗ lực để chuẩn bị nên được thúc đẩy bởi đức tin chứ không phải bởi nỗi sợ hãi.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã khuyên bảo các tín hữu không nên vay nợ để thiết lập kho dự trữ thức ăn. Thay vào đó, các tín hữu nên lập nguồn dự trữ ở nhà và dự trữ tài chính theo thời gian. Xin xem đoạn 22.1.4 và “Food Storage (Kho Dự Trữ Thức Ăn)” (Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).
38.8.16
Ngày Nhịn Ăn
Các tín hữu có thể nhịn ăn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, họ thường tuân thủ ngày Sa Bát đầu tiên của tháng là một ngày nhịn ăn.
Một ngày nhịn ăn thường gồm có cầu nguyện, không ăn không uống trong một khoảng thời gian là 24 giờ (nếu đủ sức khỏe) và hiến tặng một của lễ nhịn ăn rộng rãi. Của lễ nhịn ăn là sự hiến tặng để giúp đỡ những người hoạn nạn (xin xem đoạn 22.2.2).
Đôi khi các buổi họp Giáo Hội toàn cầu hoặc địa phương được tổ chức vào ngày Sa Bát đầu tiên của tháng. Khi điều này xảy ra, chủ tịch đoàn giáo khu quyết định một ngày Sa Bát khác cho ngày nhịn ăn.
38.8.17
Cờ Bạc và Xổ Số
Giáo Hội phản đối và khuyên ngăn việc cờ bạc dưới mọi hình thức. Điều này gồm có cá cược thể thao và xổ số do chính phủ tài trợ.
38.8.18
Khách Mời đến Nói Chuyện hoặc Giảng Dạy
Đối với hầu hết các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội, những người nói chuyện và giảng dạy phải thuộc vào tiểu giáo khu hoặc giáo khu địa phương.
Một người khách mời đến nói chuyện hoặc giảng dạy là người không thuộc vào tiểu giáo khu hoặc giáo khu. Cần có sự chấp thuận của vị giám trợ trước khi một người khách đến nói chuyện được mời đến tham dự một buổi họp hoặc sinh hoạt của tiểu giáo khu. Cần có sự chấp thuận của chủ tịch giáo khu để mời khách đến nói chuyện đến các buổi họp hoặc sinh hoạt của giáo khu.
Vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu tìm hiểu kỹ về những người khách mời đến nói chuyện hoặc giảng dạy. Việc này có thể gồm có liên lạc với vị giám trợ của người ấy.
Vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu bảo đảm rằng:
-
Các phần trình bày phải phù hợp với giáo lý của Giáo Hội.
-
Phần trình bày không gồm có các đề tài có tính chất suy đoán (các đề tài nên phù hợp với những đề tài được đề cập đến trong đại hội trung ương).
-
Những khách được mời đến nói chuyện hoặc giảng dạy không được trả tiền thù lao, không tuyển dụng những người tham dự, và không mời chào khách hàng.
-
Chi phí đi lại của người đó không được thanh toán bằng quỹ ngân sách của đơn vị địa phương hoặc bằng sự đóng góp riêng.
-
Các phần trình bày phải tuân theo các hướng dẫn về việc sử dụng các cơ sở của Giáo Hội (xin xem mục 35.5.2).
38.8.19
Sự Nhập Cư
Các tín hữu ở lại quê hương của họ thường có cơ hội xây dựng và củng cố Giáo Hội ở đó. Tuy nhiên, sự nhập cư đến một quốc gia khác là một lựa chọn cá nhân.
Các tín hữu nào dọn đến ở một quốc gia khác phải tuân theo tất cả các luật lệ hiện hành (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:21).
Những người truyền giáo không nên đề nghị bảo trợ cho việc nhập cư của người khác. Họ cũng không nên yêu cầu cha mẹ, người thân của họ, hoặc những người khác làm như vậy.
Giáo Hội không bảo lãnh việc nhập cư qua công việc làm với Giáo Hội.
Các tín hữu Giáo Hội dành thời gian, tài năng và tình thân hữu của họ để chào đón những người nhập cư và tị nạn như là các thành viên của cộng đồng họ (xin xem Ma Thi Ơ 25:35; xin xem thêm đoạn 38.8.35 trong sách hướng dẫn này).
38.8.20
Mạng Internet
38.8.20.1
Các Nguồn Tài Liệu Internet Chính Thức của Giáo Hội
Giáo Hội duy trì các trang web, blog và tài khoản mạng xã hội chính thức. Các nguồn lực này được nhận rõ là chính thức bằng cách sử dụng ký hiệu hoặc biểu tượng của Giáo Hội (xin xem đoạn 38.8.8). Chúng cũng tuân theo những điều kiện pháp lý và các chính sách về sở hữu trí tuệ và chính sách riêng tư của Giáo Hội.
38.8.20.2
Việc Sử Dụng Internet của Các Tín Hữu trong Các Chức Vụ Kêu Gọi của Giáo Hội
Các tín hữu không được tạo ra các trang mạng, blog, hoặc tài khoản mạng xã hội thay cho Giáo Hội hoặc chính thức đại diện cho Giáo Hội và các quan điểm, giáo lý, chính sách và thủ tục của Giáo Hội. Tuy nhiên, họ có thể lập các trang mạng, blog hoặc tài khoản mạng xã hội để phụ giúp cho những chức vụ kêu gọi của họ. Khi làm như vậy, các tín hữu cần tuân thủ các hướng dẫn sau đây:
-
Việc tạo trang web, blog hoặc tài khoản mạng xã hội trước tiên phải được sự chấp thuận của chủ tịch giáo khu (đối với các nguồn lực của giáo khu) hoặc vị giám trợ (đối với các nguồn lực của tiểu giáo khu).
-
Không được sử dụng hoặc bắt chước ký hiệu hoặc biểu tượng của Giáo Hội (xin xem đoạn 38.8.8).
-
Nguồn lực trực tuyến phải có một mục đích và mục tiêu cũng như được đặt tên cho phù hợp. Tên gọi có thể gồm có tên của một tiểu giáo khu hoặc giáo khu. Tuy nhiên, cái tên này không thể gồm vào tên chính thức của Giáo Hội.
-
Các tín hữu không được ghi rõ hoặc ám chỉ rằng nội dung, hình ảnh hoặc các tài liệu khác của nguồn lực trực tuyến khác của họ là do Giáo Hội bảo trợ hoặc tán thành hay được chính thức đại diện Giáo Hội dưới bất cứ hình thức nào. Thay vì thế, nên gồm vào lời tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng đây không phải là một sản phẩm chính thức, do Giáo Hội tài trợ.
-
Tất cả nội dung phải phù hợp với đối tượng cử tọa và cần được cẩn thận xem xét.
-
Nguồn lực trực tuyến nên bao gồm cả thông tin liên lạc.
-
Phải có nhiều hơn một quản trị viên để chịu trách nhiệm về nguồn lực trực tuyến. Điều này có thể cung cấp sự liên tục khi sự kêu gọi hoặc sự chỉ định của một người thay đổi. Nó cũng giữ cho một người không phải chịu gánh nặng về việc cập nhật và giám sát nguồn lực.
-
Không được đăng các tác phẩm nghệ thuật, video, âm nhạc và các tài liệu khác do Giáo Hội sở hữu trừ khi việc sử dụng như vậy được cho phép rõ ràng bởi trang Terms of Use (Điều Khoản Sử Dụng) của trang mạng chính thức của Giáo Hội hoặc bởi Intellectual Property Office (Văn Phòng Sở Hữu Trí Tuệ) của Giáo Hội. Không nên sử dụng nội dung có bản quyền từ các nguồn khác trừ khi chủ sở hữu nội dung đã cho phép trước bằng văn bản. Để biết thêm thông tin về việc sử dụng tài liệu có bản quyền, xin xem đoạn 38.8.11.
-
Khi sử dụng hình ảnh, video hoặc thông tin cá nhân, thì cần phải được sự ưng thuận của chủ sở hữu nội dung hoặc các cá nhân tham gia. Có thể nhận được sự ưng thuận qua hình thức thông cáo, bản công bố, biển báo cho một sự kiện cụ thể hoặc sự cho phép bằng văn bản khi cần thiết. Luật bảo mật của quốc gia phải được tuân thủ.
-
Các nguồn lực trực tuyến không được sao chép các công cụ và tính năng đã có trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org, Các Công Cụ của Tín Hữu hoặc các nguồn lực khác của Giáo Hội.
-
Các vị lãnh đạo và những người truyền giáo nên phối hợp để ngăn chặn thông tin trùng lặp.
-
Các nguồn lực trực tuyến nên được gỡ xuống khi chúng không còn cần thiết nữa. Phương tiện truyền thông quan trọng (chẳng hạn như hình ảnh và video) nên được lưu giữ trong lịch sử của tiểu giáo khu hoặc giáo khu.
Để biết thêm những hướng dẫn, xin xem trang mạng internet.ChurchofJesusChrist.org.
38.8.20.3
Sử Dụng Mạng Internet Cá nhân và Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
Internet và phương tiện truyền thông xã hội có nhiều công dụng tích cực. Trong số các phương tiện này là các cơ hội để chia sẻ chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm phục hồi của Ngài. Trang blog, phương tiện truyền thông xã hội và các công nghệ internet khác cho phép các tín hữu quảng bá các sứ điệp về sự bình an, hy vọng và niềm vui đi kèm với đức tin nơi Đấng Ky Tô.
Các tín hữu được khuyến khích chia sẻ nội dung nâng cao tinh thần. Họ cũng phải nêu gương lịch sự trong tất cả các tương tác trực tuyến kể cả phương tiện truyền thông xã hội. Họ nên tránh tranh cãi (xin xem 3 Nê Phi 11:29–30; Giáo Lý và Giao Ước 136:23).
Các tín hữu nên tránh tất cả những lời nói đầy thành kiến đối với người khác (xin xem đoạn 38.6.14). Họ cố gắng trở nên giống như Đấng Ky Tô đối với người khác mọi lúc, kể cả trực tuyến và phản ánh sự tôn trọng chân thành đối với tất cả con cái của Thượng Đế.
Các tín hữu không được dùng lời lẽ hoặc hình ảnh hăm dọa, bắt nạt, khinh bỉ, hung bạo hoặc lăng mạ trực tuyến. Nếu các mối đe dọa trực tuyến về các hành vi bất hợp pháp xảy ra, cần liên lạc với cơ quan thực thi pháp luật ngay lập tức.
Các tín hữu không nên ngụ ý rằng các sứ điệp của họ đại diện cho hoặc được Giáo Hội bảo trợ.
38.8.21
Thiết Bị Internet, Vệ Tinh và Video
Thiết bị internet, vệ tinh và video của Giáo Hội chỉ được sử dụng cho các mục đích phi thương mại của Giáo Hội. Mọi sử dụng phải được phép của chủ tịch đoàn giáo khu hoặc giám trợ đoàn.
Không được sử dụng thiết bị này để truy cập hoặc thu lại các chương trình không được Giáo Hội bảo trợ. Cũng không được sử dụng các nguồn lực của Giáo Hội, chẳng hạn như kết nối internet, để truy cập hoặc thu lại các chương trình như vậy.
Chỉ có những người được huấn luyện để làm việc trên thiết bị này mới có thể được làm như vậy. Thiết bị này phải được khóa an toàn khi không được sử dụng. Không được gỡ bỏ thiết bị đó khỏi tòa nhà để sử dụng cho cá nhân.
38.8.22
Luật Pháp trong Xứ
Các tín hữu phải tuân theo, tôn trọng và tán trợ luật pháp ở bất cứ quốc gia nào họ đang sinh sống hoặc đi đến thăm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:21–22; Những Tín Điều 1:12). Điều này bao gồm các luật ngăn cấm tìm người tầm đạo.
38.8.23
Cố Vấn Pháp Luật cho Các Vấn Đề của Giáo Hội
Khi cần trợ giúp pháp lý cho các vấn đề của Giáo Hội, các vị lãnh đạo Giáo Hội nên liên lạc với văn phòng tư vấn pháp lý của Giáo Hội. Ở Hoa Kỳ và Canada, chủ tịch giáo khu liên lạc với Văn Phòng Đại Diện Pháp Lý của Giáo Hội:
1-800-453-3860, số máy lẻ 2-6301
1-801-240-6301
Bên ngoài Hoa Kỳ và Canada, chủ tịch giáo khu liên lạc với người tư vấn về pháp lý cho giáo vùng tại văn phòng giáo vùng.
38.8.23.1
Sự Can Dự hoặc Tài Liệu trong Thủ Tục Tố Tụng
Các vị lãnh đạo Giáo Hội không nên can dự vào các vụ án dân sự hoặc hình sự liên quan đến các tín hữu trong các đơn vị của họ mà không tham khảo ý kiến trước với người tư vấn pháp lý của Giáo Hội. Chính sách này cũng áp dụng cho việc nói chuyện với hoặc viết thư cho các luật sư hoặc nhân viên tòa án, kể cả qua email.
Các vị lãnh đạo nên nói chuyện với người tư vấn pháp lý của Giáo Hội nếu, trong các chức vụ của họ trong Giáo Hội, họ:
-
Tin rằng họ nên làm chứng hoặc giao tiếp trong một vấn đề pháp lý.
-
Đang được thủ tục tố tụng đòi hỏi để làm chứng hoặc giao tiếp trong một vấn đề pháp lý.
-
Được lệnh cung cấp bằng chứng.
-
Được yêu cầu cung cấp các tài liệu hoặc thông tin một cách tự nguyện.
-
Được yêu cầu giao tiếp với luật sư hoặc cơ quan dân sự về các thủ tục tố tụng, kể cả các phiên điều trần để tuyên án hoặc ân xá.
Tuy nhiên với mục đích tốt, các vị lãnh đạo Giáo Hội chia sẻ thông tin trong thủ tục tố tụng có thể bị hiểu sai và gây thiệt hại. Việc chia sẻ như vậy có thể đặc biệt có hại cho các nạn nhân và gia đình của họ. Việc tuân theo chính sách của Giáo Hội cũng giúp giữ cho Giáo Hội không bị liên lụy một cách sai lầm trong các vấn đề pháp lý.
38.8.23.2
Lời Khai trong Thủ Tục Tố Tụng
Các vị lãnh đạo không được phép làm chứng thay cho Giáo Hội trong bất cứ thủ tục tố tụng nào mà không có sự chấp thuận trước từ Văn Phòng Tổng Tư Vấn Pháp Lý. Chính sách này cũng áp dụng cho các buổi điều trần để tuyên án và ân xá. Các vị lãnh đạo Giáo Hội không được cung cấp bằng chứng bằng miệng hoặc bằng văn bản trong chức vụ lãnh đạo của họ mà không có sự chấp thuận này.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội không nên đề nghị hoặc ám chỉ rằng lời khai của họ trong một thủ tục tố tụng đại diện cho vị thế của Giáo Hội.
Các vị lãnh đạo không được chi phối lời khai của một nhân chứng trong bất cứ thủ tục tố tụng nào.
Thông tin liên lạc với người tư vấn pháp lý của Giáo Hội được cung cấp trong đoạn 38.8.23.
38.8.24
Sử Dụng Hộp Thư
Trong nhiều quốc gia, việc đặt bất cứ tài liệu nào không dán tem vào trong hoặc trên thùng thư nhà là vi phạm quy định của bưu chính. Hạn chế này áp dụng cho bất cứ tài liệu nào liên quan đến Giáo Hội, chẳng hạn như tờ rơi, bản tin hoặc thông báo. Các vị lãnh đạo Giáo Hội nên chỉ dẫn cho các tín hữu và những người truyền giáo không đặt các thứ như vậy vào trong hoặc trên các hộp thư.
38.8.25
Việc Liên Lạc của Các Tín Hữu với Trụ Sở Giáo Hội
Các tín hữu Giáo Hội không được khuyến khích gọi điện thoại, gửi email hoặc viết thư cho Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương về các thắc mắc về giáo lý, những thử thách cá nhân hoặc các yêu cầu. Việc trả lời riêng sẽ làm cho Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khó làm tròn bổn phận của họ. Các tín hữu được khuyến khích nên liên lạc với các vị lãnh đạo địa phương kể cả chủ tịch Hội Phụ Nữ hoặc nhóm túc số các anh cả khi tìm kiếm sự hướng dẫn thuộc linh (xin xem phần 31.3).
Trong hầu hết các trường hợp, thư tín từ các tín hữu gửi cho Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương sẽ được chuyển lại cho các vị lãnh đạo địa phương. Chủ tịch giáo khu nào cần hiểu rõ về các vấn đề giáo lý hoặc các vấn đề khác trong Giáo Hội thì có thể viết thư cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn thay cho các tín hữu của họ.
38.8.26
Công Việc Làm của Tín Hữu
Các tín hữu Giáo Hội nên tìm kiếm công việc làm phù hợp với các nguyên tắc phúc âm và họ có thể có lương tâm yên ổn để cầu xin các phước lành của Chúa cho công việc làm. Đây là một vấn đề cá nhân mà cuối cùng để cho người tín hữu xét đoán và thành tâm cân nhắc.
38.8.27
Các Tín Hữu Bị Khuyết Tật
Các vị lãnh đạo và tín hữu được khuyến khích nên giải quyết các nhu cầu của tất cả những người sống bên trong đơn vị của họ. Các tín hữu bị khuyết tật được quý trọng và có thể đóng góp theo những cách có ý nghĩa. Các khuyết tật có thể là về mặt trí tuệ, giao tiếp, cảm xúc hoặc thể chất.
Các tín hữu Giáo Hội được khuyến khích noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi về việc mang đến niềm hy vọng, sự thấu hiểu, và tình yêu thương cho những người có khuyết tật. Các vị lãnh đạo cần biết rõ những người bị khuyết tật và cho thấy mối quan tâm và lo lắng thật sự.
Các vị lãnh đạo cũng nhận ra các tín hữu mà có thể cần được quan tâm nhiều hơn vì họ có cha hoặc mẹ, con cái, hoặc anh chị em có khuyết tật. Việc chăm sóc cho một người trong gia đình có khuyết tật có thể là một điều đáng làm lẫn thử thách.
Các vị lãnh đạo tìm kiếm và phục sự các tín hữu có khuyết tật đang sống trong các trung tâm dành cho người khuyết tật hoặc các cơ sở khác ở xa những người trong gia đình.
38.8.27.1
Gia Tăng Sự Nhận Thức và Thông Cảm
Các vị lãnh đạo, giảng viên và các tín hữu khác tìm cách thông cảm với mỗi cá nhân có khuyết tật cũng như những điểm mạnh và nhu cầu của họ. Họ có thể gia tăng sự thông cảm bằng cách nói chuyện với người ấy và những người trong gia đình của người ấy. Các nguồn tài liệu có sẵn tại disability.ChurchofJesusChrist.org.
38.8.27.2
Đưa Ra Sự Phụ Giúp
Các vị lãnh đạo đánh giá nhu cầu của những người có khuyết tật và những người chăm sóc cho họ. Các vị lãnh đạo này xác định cách các nguồn phương tiện của tiểu giáo khu hoặc giáo khu có thể được sử dụng nhằm giúp đáp ứng những nhu cầu khi thích hợp. Các vị lãnh đạo khuyến khích các tín hữu đưa ra sự giúp đỡ và tìm đến với tình yêu thương và tình bạn.
Giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu có thể kêu gọi một chuyên gia trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu về vấn đề khuyết tật để giúp đỡ các cá nhân, gia đình, giảng viên và các vị lãnh đạo khác (xin xem mục 38.8.27.9).
Các vị lãnh đạo cũng có thể nhận ra các nguồn phương tiện thích hợp của cộng đồng mà có thể giúp đỡ các cá nhân có khuyết tật và gia đình của họ.
Để biết thêm thông tin về cách phụ giúp những người bị khuyết tật, xin xem trang mạng disability.ChurchofJesusChrist.org. Các vị lãnh đạo cũng có thể liên lạc với Dịch Vụ Gia Đình (nếu có; xin xem đoạn 31.3.6 để biết thông tin liên lạc).
Các vị lãnh đạo và các tín hữu không được cố gắng giải thích tại sao một người nào đó bị khuyết tật hoặc tại sao một gia đình có một đứa con bị khuyết tật. Họ không bao giờ được gợi ý rằng khuyết tật là một sự trừng phạt của Thượng Đế (xin xem Giăng 9:2–3) hoặc một đặc ân.
38.8.27.3
Ban Cho Các Giáo Lễ
Xin xem đoạn 38.2.4.
38.8.27.4
Tạo Cơ Hội để Phục Vụ và Tham Gia
Nhiều tín hữu khuyết tật có thể phục vụ trong gần như bất cứ chỉ định nào của Giáo Hội. Các vị lãnh đạo thành tâm cân nhắc các khả năng, hoàn cảnh và ước muốn của mỗi người rồi sau đó tạo ra các cơ hội thích hợp để phục vụ. Các vị lãnh đạo cũng tư vấn với cá nhân và gia đình của cá nhân đó. Họ xem xét những ảnh hưởng của một sự kêu gọi của Giáo Hội đối với người đó và gia đình hoặc người chăm sóc của người đó. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:15.)
Khi xem xét các chỉ định hoặc sự kêu gọi của Giáo Hội cho những người chăm sóc người khuyết tật, các vị lãnh đạo cân nhắc kỹ hoàn cảnh của người chăm sóc người đó.
Các vị lãnh đạo và giảng viên cần mời các tín hữu khuyết tật tham gia vào các buổi họp, lớp học, và sinh hoạt càng trọn vẹn càng tốt. Các bài học, bài nói chuyện, và các phương pháp giảng dạy cần phải được thích ứng nhằm đáp ứng nhu cầu của mỗi người. Để có thông tin về việc làm cho các bài học được thích ứng, xin xem trang mạng disability.ChurchofJesusChrist.org.
Giám trợ đoàn có thể mời một tín hữu trong tiểu giáo khu để giúp đỡ một người bị khuyết tật trong một buổi họp hoặc sinh hoạt. Đối với một lớp học có một tín hữu bị khuyết tật, giám trợ đoàn có thể kêu gọi nhiều giảng viên. Các giảng viên cùng làm việc với nhau để đáp ứng nhu cầu của tất cả các học viên.
Nếu một người không thể tham dự một buổi họp, lớp học, hoặc sinh hoạt, thì các vị lãnh đạo và giảng viên có thể hội ý với người tín hữu đó và gia đình của người ấy về cách đáp ứng các nhu cầu của người tín hữu. Chủ tịch giáo khu hoặc giám trợ có thể cho phép tổ chức các lớp học hoặc các chương trình đặc biệt dành cho các tín hữu khuyết tật (xin xem mục 38.8.27.5). Nếu một người không thể tham dự các buổi họp của Giáo Hội, các vị lãnh đạo và giảng viên có thể cung cấp các tài liệu học, bản thu âm hoặc phát trực tuyến.
Việc phát trực tuyến các sự kiện, kể cả các buổi lễ Tiệc Thánh và đám tang, chỉ dành cho những người không thể trực tiếp tham dự (xin xem phần 29.7). Để biết thêm thông tin về việc dự Tiệc Thánh, xin xem đoạn 18.9.3.
Các vị lãnh đạo khuyến khích những người nắm giữ chức tư tế mà bị khuyết tật nên tham gia vào các giáo lễ khi thích hợp. Bắt đầu vào tháng Một của năm mà họ tròn 12 tuổi, thì những người nắm giữ chức tư tế và các em thiếu nữ nào đã chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận cùng xứng đáng đều có thể chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận thay cho người chết trong một đền thờ. Đối với những hướng dẫn về các tín hữu bị khuyết tật tiếp nhận các giáo lễ đền thờ cho riêng họ, xin xem mục 27.2.1.3 và mục 27.3.1.2.
38.8.27.5
Tổ Chức Các Lớp Học, Chương Trình, hoặc Đơn Vị Đặc Biệt
Các tín hữu bị khuyết tật hoặc có nhu cầu đặc biệt đều được khuyến khích tham dự các buổi họp ngày Chủ Nhật trong tiểu giáo khu của họ trừ khi họ sống trong một cơ sở chăm sóc hoặc chương trình điều trị nội trú nơi các chương trình của Giáo Hội được tổ chức (xin xem phần 37.6).
Các đơn vị và nhóm. Các tiểu giáo khu hoặc chi nhánh có thể được thành lập cho các tín hữu nào có nhu cầu riêng, chẳng hạn như những người khiếm thính và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (xin xem phần 37.1). Chỉ có Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới có quyền đưa ra sự chấp thuận.
Một tiểu giáo khu có thể được yêu cầu tổ chức một nhóm dành cho những người bị khuyết tật, chẳng hạn như những người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Để biết thông tin về các hồ sơ tín hữu của những người tham dự các đơn vị hoặc nhóm như vậy, xin xem đoạn 33.6.11.
Các tín hữu khiếm thính nào không sống trong một khoảng cách hợp lý với một đơn vị khiếm thính có thể tham dự một buổi họp trực tuyến. Họ cần được sự cho phép của các vị lãnh đạo đơn vị đó. Các vị lãnh đạo tiểu giáo khu địa phương bảo đảm rằng các tín hữu khiếm thính được chăm sóc và có cơ hội để thường xuyên dự phần Tiệc Thánh.
Các Lớp Học. Các tín hữu bị khuyết tật tham dự các lớp học vào ngày Chủ Nhật cùng với các tín hữu trong tiểu giáo khu của họ. Tuy nhiên, khi cần đáp ứng các nhu cầu của các tín hữu thành niên hoặc trẻ tuổi cùng bị khuyết tật tương tự, thì một tiểu giáo khu hoặc giáo khu có thể tổ chức các lớp học Trường Chủ Nhật đặc biệt (xin đoạn 13.3.2).
Các chương trình sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Khi cần đáp ứng các nhu cầu của các tín hữu thành niên bị khuyết tật trí tuệ, một tiểu giáo khu, nhóm các tiểu giáo khu, giáo khu hoặc nhóm các giáo khu có thể tổ chức một chương trình sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Chương trình này bổ sung cho việc phục sự, các lễ Nhà Thờ trong ngày Chủ Nhật, và các sinh hoạt trong đơn vị địa phương.
Chương trình sinh hoạt dành cho người khuyết tật thường phục vụ các cá nhân từ 18 tuổi trở lên. Mọi nỗ lực cần được thực hiện để hòa nhập các tín hữu dưới 18 tuổi vào tiểu giáo khu và giáo khu của họ. Trong những tình huống bất thường, các vị lãnh đạo có thể cung cấp các sinh hoạt bổ sung cho giới trẻ bắt đầu từ năm họ tròn 12 tuổi.
Khi nhiều tiểu giáo khu tham gia vào một chương trình sinh hoạt dành cho người khuyết tật, chủ tịch giáo khu chỉ định một giám trợ đại diện để giám sát chương trình đó. Khi có nhiều giáo khu tham gia, Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng chỉ định một chủ tịch giáo khu đại diện để giám sát chương trình đó.
Giám trợ đại diện hoặc chủ tịch giáo khu đại diện tham khảo ý kiến với các giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu khác đang tham gia để quyết định cách tài trợ các chương trình này.
Các vị lãnh đạo sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Các tín hữu thành niên có thể được kêu gọi với tư cách là những người lãnh đạo sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Những người lãnh đạo này hoạch định và thực hiện chương trình sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Họ tham khảo ý kiến của các chuyên gia về người khuyết tật trong tiểu giáo khu và giáo khu (xin xem mục 38.8.27.9) để mời các tín hữu bị khuyết tật tham gia. Họ cùng hội ý với nhau về cách đáp ứng nhu cầu của các tín hữu đó.
Những người lãnh đạo sinh hoạt dành cho người khuyết tật được kêu gọi và được sắc phong theo sự hướng dẫn của vị giám trợ đại diện hoặc chủ tịch giáo khu đại diện. Một chủ tịch giáo khu cũng có thể chỉ định một ủy viên hội đồng thượng phẩm làm người lãnh đạo sinh hoạt dành cho người khuyết tật.
Những người lãnh đạo phục vụ những người nào bị khuyết tật ở mọi lứa tuổi hoàn tất phần huấn luyện tại trang mạng ProtectingChildren.ChurchofJesusChrist.org. Để biết thêm những điều kiện về sự an toàn cho những người lãnh đạo, xin xem Activities for Members with Disabilities.
Khi được mời, những người lãnh đạo sinh hoạt dành cho người khuyết tật có thể tham dự các buổi họp lãnh đạo của giáo khu hoặc tiểu giáo khu.
Những hướng dẫn cho các chương trình sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Các chương trình sinh hoạt dành cho người khuyết tật được tổ chức để giúp những người tham gia phát triển về mặt thuộc linh, xã hội, thể chất và trí tuệ (xin xem Lu Ca 2:52). Những người lãnh đạo quyết định số lần sinh hoạt. Họ xem xét số lượng người tham gia, khoảng cách đi lại và các hoàn cảnh khác.
Một số người không thể tham gia được vì các tình huống phức tạp về y tế, thể chất, trí tuệ hoặc hành vi. Những người lãnh đạo tìm kiếm những cách khác để phục sự nhu cầu của họ.
Sự tham gia và các tiêu chuẩn an toàn. Ít nhất hai người lớn có trách nhiệm phải có mặt trong tất cả các sinh hoạt. Hai người lớn này có thể là hai người nam, hai người nữ, hoặc một cặp vợ chồng. Nói chung, cần nhiều người lớn hơn để giám sát các sinh hoạt dành cho các tín hữu khuyết tật hơn là cần có các hoạt động khác.
Những người lớn giúp cho các sinh hoạt hoàn tất tại trang mạng ProtectingChildren.ChurchofJesusChrist.org. Họ phải nhận được sự chấp thuận từ vị giám trợ của họ trước khi tham gia. Để biết thêm những điều kiện về sự an toàn, xin xem “Activities for Members with Disabilities.”
Nếu hành vi không phù hợp xảy ra, trách nhiệm tức thời của những người lãnh đạo là bảo vệ và giúp đỡ người dễ bị tổn thương. Để biết thông tin về cách đối phó với nạn lạm dụng bị nghi ngờ là có thể xảy ra, xin xem mục 38.6.2.1 và trang mạng abuse.ChurchofJesusChrist.org.
38.8.27.6
Người Thông Dịch cho Các Tín Hữu Khiếm Thính hoặc Bị Lãng Tai
Các tín hữu khiếm thính hoặc bị lãng tai chủ động làm việc với những người lãnh đạo để đáp ứng nhu cầu giao tiếp. Các tín hữu và những người lãnh đạo cùng làm việc với nhau để bảo đảm rằng có sẵn những người thông dịch.
Những người thông dịch phải có mặt ở nơi mà các tín hữu có thể nhìn thấy họ cũng như người đang nói chuyện. Những người thông dịch không nhất thiết phải có mặt trên bục chủ tọa.
Trong một giáo lễ chức tư tế hoặc một cuộc phỏng vấn, thông dịch viên ngồi hoặc đứng gần người thực hiện giáo lễ hoặc người thực hiện cuộc phỏng vấn. Để biết thêm thông tin về việc thông dịch các giáo lễ và các phước lành, xin xem đoạn 38.2.1.
Nếu không có sẵn đủ người thông dịch, họ thay phiên nhau khoảng mỗi 30 phút để tránh mệt mỏi.
Để chuẩn bị cho các tình huống nhạy cảm chẳng hạn như các cuộc phỏng vấn cá nhân hoặc hội đồng xem xét tư cách tín hữu Giáo Hội, các vị lãnh đạo tư vấn với tín hữu khiếm thính. Khi tín hữu mong muốn, các vị lãnh đạo tìm kiếm một người thông dịch không phải là người trong cùng gia đình để giữ sự kín nhiệm.
Những nguyên tắc tương tự này áp dụng cho các tín hữu khiếm thính hoặc bị lãng tai và không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nhưng cần người thông dịch để giúp họ hiểu bằng cách đọc cử động môi.
Các vị lãnh đạo có thể tổ chức các lớp học trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu để dạy ngôn ngữ ký hiệu được sử dụng trong khu vực của họ. Một nguồn tài liệu bổ ích là Dictionary of Sign Language Terms for The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints (Từ Điển Các Thuật Ngữ Ngôn Ngữ Ký Hiệu cho Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô).
38.8.27.7
Quyền Riêng Tư
Các vị lãnh đạo cần tôn trọng quyền riêng tư của các tín hữu khuyết tật cả trong và ngoài các buổi họp lãnh đạo nơi các nhu cầu được thảo luận. Các vị lãnh đạo không chia sẻ các chẩn đoán hoặc thông tin cá nhân khác mà không được phép.
38.8.27.8
Các Động Vật Phục Vụ
Các giám trợ và chủ tịch giáo khu có thể quyết định có nên cho phép các cá nhân bị khuyết tật sử dụng chó phục vụ đã được huấn luyện trong các nhà hội hay không. Các loại động vật khác, kể cả các động vật hỗ trợ cảm xúc (các con thú cưng an ủi) thường không được phép vào trong các nhà hội hoặc tại các sự kiện do Giáo Hội bảo trợ, ngoại trừ được yêu cầu cụ thể bởi luật pháp. (Nói chung ở Hoa Kỳ, Giáo Hội không có nghĩa vụ pháp lý phải đón nhận chó phục vụ hoặc động vật hỗ trợ cảm xúc vào các ngôi nhà thờ phượng.) Các giám trợ và chủ tịch đoàn giáo khu đưa ra những quyết định cho địa phương. Họ cần lưu tâm đến nhu cầu của các cá nhân bị khuyết tật và nhu cầu của những người khác trong giáo đoàn.
Để có thêm những chỉ dẫn về việc sử dụng các động vật phục vụ trong các cơ sở của Giáo Hội, xin xem đoạn 27.1.3 và trang mạng disability.ChurchofJesusChrist.org.
38.8.27.9
Chuyên Gia về Tình Trạng Khuyết Tật
Giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu có thể kêu gọi một chuyên gia về tình trạng khuyết tật trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu. Người chuyên gia này giúp các tín hữu khuyết tật và người chăm sóc của họ tham gia vào các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội và cảm thấy được hòa nhập.
Người chuyên gia này phục vụ các tín hữu và các vị lãnh đạo theo những cách sau đây:
-
Làm quen với các cá nhân khuyết tật và gia đình của họ.
-
Trả lời các câu hỏi và mối quan tâm liên quan đến tình trạng khuyết tật từ những người chăm sóc, các vị lãnh đạo và những người khác.
-
Giúp các cá nhân truy cập các tài liệu, các buổi họp và các sinh hoạt của Giáo Hội. Điều này có thể diễn ra qua việc sử dụng công nghệ và theo các cách khác (xin xem mục 38.8.27.10).
-
Nhận ra các cơ hội có ý nghĩa để các tín hữu khuyết tật phục vụ.
-
Nhận ra các nhu cầu cụ thể của các gia đình và khi thích hợp, nhận ra các nguồn lực của cộng đồng, tiểu giáo khu và giáo khu.
Người chuyên gia này có thể giúp các tín hữu khuyết tật và người chăm sóc của họ chia sẻ thông tin về tình trạng khuyết tật với những người khác.
38.8.27.10
Các Nguồn Lực
Các nguồn lực dành cho các tín hữu bị khuyết tật, cho gia đình và những người chăm sóc của họ, và cho các vị lãnh đạo cùng các giảng viên có sẵn trên trang mạng disability.ChurchofJesusChrist.org. Trang web này cung cấp:
-
Thông tin để giúp gia tăng sự hiểu biết về những thử thách mà những người có khuyết tật phải đối phó.
-
Các nguồn tài liệu để giúp các tín hữu bị khuyết tật và gia đình của họ tìm thấy niềm an ủi trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Danh sách các tài liệu của Giáo Hội ở các dạng thức mà tín hữu bị khuyết tật có thể sử dụng được (xin xem thêm store.ChurchofJesusChrist.org).
Có thể gửi thắc mắc đến:
Members with Disabilities
50 East North Temple Street
Salt Lake City, UT 84150-0024
Số điện thoại: 1-801-240-2477 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-2477
38.8.28
Phục Sự Các Tín Hữu Bị Ảnh Hưởng bởi Tội Phạm và Tù Tội
Các vị lãnh đạo Giáo Hội được khuyến khích noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc mang đến niềm hy vọng, sự hiểu biết và tình yêu thương cho những người bị ảnh hưởng bởi tội phạm và những người bị giam giữ (xin xem Ma Thi Ơ 25:34–36, 40).
Các chủ tịch giáo khu hướng dẫn các nỗ lực phục sự trong trại giam. Những nỗ lực này gồm có việc hỗ trợ những người thành niên và giới trẻ đang bị giam giữ hoặc mới được thả ra khỏi nhà tù hoặc nhà giam. Công việc này cũng gồm có việc chăm sóc các gia đình và trẻ em có cha mẹ hoặc người thân bị giam giữ.
Các vị lãnh đạo có nhà tù hoặc nhà giam ở bên trong ranh giới của đơn vị họ nên thực hiện các bước để bắt đầu nhận biết các cơ hội và nhu cầu phục sự. Để có những nguồn lực và được hướng dẫn, các vị lãnh đạo có thể liên lạc với Prison Ministry Division (Phân Sở Phục Sự tại Nhà Tù của Giáo Hội):
Email: PrisonMinistry@ChurchofJesusChrist.org
Số điện thoại: 1-801-240-2644 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-2644
38.8.29
Các Tín Ngưỡng Khác
Nhiều điều soi dẫn, cao quý, và đáng khen ngợi nhất được tìm thấy trong nhiều tín ngưỡng khác. Những người truyền giáo và các tín hữu khác phải nhạy cảm và tôn trọng niềm tin và truyền thống của người khác. Họ cũng phải tránh gây xúc phạm.
Chủ tịch giáo khu và phái bộ truyền giáo nào có thắc mắc về các mối quan hệ với các tôn giáo khác thì nên liên lạc với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng. Các vị lãnh đạo khác ở địa phương có những thắc mắc như vậy nên liên lạc với chủ tịch giáo khu hoặc phái bộ truyền giáo.
38.8.30
Hoạt Động Chính Trị và Dân Sự
Các tín hữu Giáo Hội được khuyến khích nên tham gia vào các công việc chính trị và chính phủ. Ở nhiều quốc gia, điều này có thể gồm có:
-
Bầu cử.
-
Tham gia hoặc phục vụ trong các đảng phái chính trị.
-
Hỗ trợ tài chính.
-
Giao tiếp với các viên chức và các ứng cử viên của đảng phái.
-
Tham gia biểu tình một cách ôn hòa, hợp pháp.
-
Phục vụ trong các chức vụ được bầu hoặc bổ nhiệm trong chính quyền địa phương và quốc gia.
Các tín hữu cũng được khuyến khích tham gia vào chính nghĩa xứng đáng để làm cho cộng đồng của họ trở thành những nơi lành mạnh để sinh sống và nuôi dạy gia đình.
Theo luật pháp địa phương, các tín hữu được khuyến khích ghi danh bầu cử và nghiên cứu kỹ các vấn đề và các ứng cử viên. Các nguyên tắc phù hợp với phúc âm có thể được tìm thấy trong nhiều đảng phái chính trị khác nhau. Các Thánh Hữu Ngày Sau có một bổn phận đặc biệt để tìm kiếm và ủng hộ những vị lãnh đạo chân thật, tốt, và khôn ngoan (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 98:10).
Giáo Hội trung lập đối với các đảng phái chính trị, cương lĩnh chính trị và các ứng cử viên cho chức vụ chính trị. Giáo Hội không ủng hộ bất cứ đảng phái nào hoặc ứng cử viên nào. Giáo Hội cũng không chỉ cho các tín hữu phải bầu cử như thế nào.
Trong những trường hợp ngoại lệ, khi có liên quan đến các vấn đề đạo đức hoặc các thực hành của Giáo Hội, thì Giáo Hội có thể bày tỏ lập trường về các vấn đề chính trị. Trong những trường hợp như vậy, Giáo Hội có thể tham gia vào cuộc diễn thuyết chính trị để trình bày quan điểm của mình. Chỉ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới có thể cho phép:
-
Bày tỏ lập trường của Giáo Hội về các vấn đề đạo đức.
-
Cam kết với Giáo Hội để ủng hộ hoặc phản đối luật pháp cụ thể.
-
Chia sẻ quan điểm của Giáo Hội về các vấn đề tư pháp.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương không nên tổ chức cho các tín hữu tham gia vào các vấn đề chính trị. Các vị lãnh đạo cũng không nên cố gắng ảnh hưởng đến cách các tín hữu tham gia.
Các tín hữu Giáo Hội tìm kiếm chức vụ trong cơ quan công quyền được bầu chọn hoặc bổ nhiệm không nên ngụ ý rằng họ được Giáo Hội hoặc các vị lãnh đạo Giáo Hội ủng hộ. Các vị lãnh đạo và các tín hữu Giáo Hội cũng cần phải tránh những lời phát biểu hay hành vi nào mà có thể bị hiểu là Giáo Hội ủng hộ bất cứ đảng phái chính trị, cương lĩnh, chính sách, hay ứng cử viên nào.
Cho dù khi tỏ rõ lập trường đối với một vấn đề chính trị, Giáo Hội cũng không yêu cầu các viên chức được bầu chọn phải bỏ phiếu theo một cách nhất định hoặc bày tỏ lập trường một cách nhất định. Các tín hữu là các viên chức được bầu chọn tự đưa ra quyết định. Các viên chức này có thể không đồng ý với nhau hoặc với lập trường đã được công bố của Giáo Hội. Họ không nói thay cho Giáo Hội.
Các lựa chọn và đảng phái chính trị không nên là chủ đề của bất cứ lời giảng dạy hoặc chủ trương nào trong những bối cảnh Giáo Hội. Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các buổi họp và sinh hoạt của Giáo Hội tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài.
Các tín hữu Giáo Hội không nên phê phán nhau trong các vấn đề chính trị. Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín có thể thuộc vào nhiều đảng phái chính trị khác nhau và bỏ phiếu cho nhiều ứng cử viên khác nhau. Tất cả mọi người nên cảm thấy được chào đón trong những bối cảnh Giáo Hội.
Các hồ sơ, danh bạ, và các tài liệu tương tự của Giáo Hội không được sử dụng cho các mục đích chính trị.
Các cơ sở của Giáo Hội không được sử dụng cho các mục đích chính trị. Tuy nhiên, các cơ sở này có thể được sử dụng để bầu cử hoặc ghi danh bỏ phiếu ở nơi nào mà không có sự thay thế hợp lý (xin xem mục 35.5.2.3).
38.8.31
Quyền Riêng Tư của Các Tín Hữu
Các vị lãnh đạo Giáo Hội có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền riêng tư của các tín hữu. Các hồ sơ, danh bạ, và các tài liệu tương tự của Giáo Hội không được sử dụng cho các mục đích cá nhân, thương mại, hoặc chính trị (xin xem thêm đoạn 38.8.13).
Các vị lãnh đạo tiểu giáo khu và giáo khu không được lưu giữ hoặc chia sẻ thông tin kín nhiệm của Giáo Hội bên ngoài các ứng dụng, hệ thống hoặc dịch vụ internet do Giáo Hội cung cấp. Các ví dụ về thông tin kín nhiệm của Giáo Hội về một người gồm có:
-
Tình trạng tư cách tín hữu.
-
Nhu cầu vật chất.
-
Thông tin khác của cá nhân không được công bố rộng rãi.
Thông tin liên lạc từ các cá nhân hoặc các cơ quan chính phủ mà đề cập đến luật bảo vệ dữ liệu riêng tư phải được chuyển ngay đến Văn Phòng Bảo Vệ Dữ Liệu Riêng Tư của Giáo Hội.
Email: DataPrivacyOfficer@ChurchofJesusChrist.org.
Các vị lãnh đạo tiểu giáo khu và giáo khu không nên trả lời những yêu cầu này.
Để biết thông báo về quyền riêng tư của Giáo Hội, xin xem “Privacy Notice (Thông Báo về Quyền Riêng Tư)” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org. Các tín hữu cũng có thể yêu cầu các vị lãnh đạo giáo khu hoặc tiểu giáo khu để giúp họ truy cập vào chính sách.
38.8.32
Các Bài Viết Được Xuất Bản Riêng
Các tín hữu không nên yêu cầu Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Các Chức Sắc Trung Ương, hoặc Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng cùng viết chung hoặc ủng hộ sách báo hay các tác phẩm khác của Giáo Hội.
38.8.33
Thu Âm, Chép Lại hoặc Truyền Trực Tuyến Các Sứ Điệp của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Các Chức Sắc Trung Ương và Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng
Các tín hữu không nên thu âm, ghi chép hoặc phát trực tuyến các sứ điệp của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Các Chức Sắc Trung Ương và Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng. Tuy nhiên, một số buổi họp mà có các vị lãnh đạo này nói chuyện có thể được phát trực tuyến dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu. Để có thông tin, xin xem phần 29.7.
Các tín hữu có thể thu âm lại các chương trình phát sóng của đại hội trung ương trên thiết bị ở nhà dành cho sự sử dụng của cá nhân, không có tính cách thương mại.
38.8.34
Việc Đề Cập Đến Giáo Hội và Các Tín Hữu Giáo Hội
Tên của Giáo Hội đã được ban cho qua điều mặc khải dành cho Tiên Tri Joseph Smith vào năm 1838: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” (Giáo Lý và Giao Ước 115:4). Việc đề cập đến Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội theo những cách được mô tả dưới đây xác định mối liên hệ giữa Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu trong Giáo Hội của Ngài.
Khi nói tới Giáo Hội thì nên sử dụng danh xưng đầy đủ của Giáo Hội nếu có thể được. Tiếp theo việc đề cập ban đầu đến danh xưng đầy đủ, nếu cần một lời ngắn gọn, thì các từ ngữ sau đây là chính xác và được khuyến khích:
-
Giáo Hội
-
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô
-
Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô
Khi đề cập đến các tín hữu Giáo Hội, thì các từ ngữ sau đây là chính xác và được chấp thuận:
-
Các Tín Hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
-
Các Thánh Hữu Ngày Sau (đây là tên do Chúa đặt cho dân giao ước của Ngài trong những ngày sau)
-
Các Tín Hữu trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô
Không khuyến khích việc đề cập đến các tín hữu Giáo Hội bằng các danh hiệu khác, chẳng hạn như “Người Mặc Môn” hoặc “LDS”.
Mặc Môn được sử dụng đúng trong các tên riêng như Sách Mặc Môn. Nó cũng được sử dụng đúng dưới dạng tính từ trong những cách bày tỏ mang tính lịch sử chẳng hạn như “Đường Mòn Mặc Môn.”
Từ Đạo Mặc Môn là không chính xác và không được khuyến khích việc sử dụng từ này. Khi mô tả sự phối hợp của giáo lý, văn hóa và lối sống duy nhất của Giáo Hội, cụm từ “phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô” là chính xác và đã được chấp thuận.
38.8.35
Người Tị Nạn
Nhiều người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ để tìm kiếm sự giải thoát khỏi bạo lực, chiến tranh, đàn áp tôn giáo và các tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Một phần trách nhiệm của họ là chăm sóc những người hoạn nạn (xin xem Mô Si A 4:26), các tín hữu Giáo Hội hy sinh thời gian, tài năng và tình bạn của họ để chào đón những người tị nạn là thành viên trong cộng đồng của họ. Xin xem Ma Thi Ơ 25:35; ChurchofJesusChrist.org/refugees.
38.8.36
Yêu Cầu Được Phụ Giúp Tài Chính từ Giáo Hội
Các chương trình được thiết lập của Giáo Hội trợ giúp tài chính cho những người hoạn nạn và cho các lý do thích đáng.
Việc Giáo Hội phụ giúp các tín hữu đang hoạn nạn đều được các giám trợ thực hiện (xin xem đoạn 22.3.2). Các giám trợ tuân theo các nguyên tắc và chính sách đã được thiết lập để giúp bảo đảm rằng các quỹ của Giáo Hội được sử dụng đúng cách (xin xem phần 22.4 và phần 22.5).
Các tín hữu hoạn nạn được khuyến khích nói chuyện với vị giám trợ của họ thay vì liên lạc với trụ sở Giáo Hội hoặc xin tiền bạc từ các vị lãnh đạo hoặc các tín hữu khác của Giáo Hội. Vị giám trợ có thể sẽ yêu cầu những người lãnh đạo từ nhóm túc số các anh cả hoặc Hội Phụ Nữ giúp đánh giá các nhu cầu.
38.8.37
Việc Nghiên Cứu trong Giáo Hội
Mục đích của việc nghiên cứu của Giáo Hội là thu thập thông tin đáng tin cậy để hỗ trợ các cuộc thảo luận của các vị lãnh đạo trung ương của Giáo Hội. Ban Nghiên Cứu Tương Quan (BNCTQ) là cơ quan nghiên cứu duy nhất được cho phép của Giáo Hội. BNCTQ cũng có thể ký hợp đồng với các cơ quan bên thứ ba để thực hiện cuộc nghiên cứu.
Khi những người nghiên cứu được Giáo Hội cho phép liên lạc với các tín hữu hoặc các vị lãnh đạo, thì họ cung cấp thông tin liên lạc của nhân viên BNCTQ. Người nhân viên này có thể trả lời các câu hỏi về cuộc nghiên cứu.
BNCTQ tìm cách bảo vệ danh tính và những câu trả lời của những người tham gia nghiên cứu. Ai cũng có thể từ chối tham gia bất cứ lúc nào. Họ có thể chọn không trả lời bất cứ hoặc tất cả các câu hỏi.
Cha mẹ hoặc người giám hộ phải ưng thuận trước khi trẻ em dưới 18 tuổi được mời tham gia vào một cuộc nghiên cứu.
Các vị lãnh đạo địa phương không nên chấp thuận bất cứ cuộc nghiên cứu nào liên quan đến Giáo Hội. Điều này gồm có việc sử dụng các tín hữu làm đối tượng nghiên cứu.
BNCTQ tuân thủ tất cả các luật bảo vệ dữ liệu riêng tư. Các vị lãnh đạo địa phương cũng nên tuân thủ các luật này và không nên cung cấp thông tin cá nhân của các tín hữu cho những người nghiên cứu và các cơ quan nghiên cứu trái phép.
Một số cuộc nghiên cứu đòi hỏi thu thập thông tin trong các buổi họp của Giáo Hội. Điều này đặc biệt đúng nếu buổi họp là trọng tâm của cuộc nghiên cứu. Trong những trường hợp như vậy, BNCTQ sẽ làm việc với các vị lãnh đạo địa phương để bảo đảm rằng sự hiện diện của những người nghiên cứu không làm giảm giá trị của các buổi họp.
Để kiểm chứng bất cứ yêu cầu nghiên cứu nào, xin liên lạc với Ban Nghiên Cứu Tương Quan:
Số điện thoại: 1-801-240-2727 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-2727
38.8.38
Tôn Trọng Những Hạn Chế của Địa Phương đối với Việc Chia Sẻ Phúc Âm
Giáo Hội cố gắng làm tròn lệnh truyền của Chúa Giê Su Ky Tô là mang phúc âm đi khắp thế giới (xin xem Ma Thi Ơ 28:19). Những người truyền giáo chỉ phục vụ ở những quốc gia mà họ được chính quyền địa phương chính thức công nhận và hoan nghênh.
Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội tôn trọng tất cả luật lệ và những đòi hỏi liên quan đến các nỗ lực truyền giáo. Ví dụ, ở một số nơi trên thế giới, những người truyền giáo chỉ được gửi đến để phục vụ nhân đạo hoặc công việc truyền giáo chuyên biệt khác. Những người truyền giáo đó không truyền đạo. Giáo Hội không gửi những người truyền giáo đến một số quốc gia.
38.8.39
Sự An Toàn trong Các Hoạt Động An Sinh và Tự Lực của Giáo Hội
Nhiều hoạt động an sinh và tự lực của Giáo Hội có thiết bị và máy móc mà có thể gây ra thương tích nếu không được sử dụng đúng cách. Các chủ tịch giáo khu đại diện (hoặc những người họ chỉ định) và những người quản lý các hoạt động này nên bảo đảm sự an toàn của các nhân viên và những người tình nguyện.
Những người làm việc nên được chỉ dẫn thường xuyên về cách thực hành an toàn. Môi trường làm việc cần được kiểm tra định kỳ. Các nguy cơ về sức khỏe và an toàn cần được sửa chỉnh. Cần phải luôn luôn giám sát đầy đủ để bảo đảm rằng những người làm việc tuân theo những chỉ dẫn, sử dụng các công cụ và thiết bị đúng cách, và tránh hành vi nguy hiểm.
Thông thường những người làm việc tại các hoạt động này phải từ 16 tuổi trở lên. Những người nào điều khiển thiết bị phải chín chắn, được huấn luyện thích hợp và có kinh nghiệm trong việc sử dụng thiết bị đó. Chỉ người lớn mới có thể điều khiển thiết bị chạy bằng điện.
Nếu tai nạn xảy ra, người quản lý các hoạt động đó báo cáo tai nạn đó cho các nơi sau đây:
-
Dịch Vụ An Sinh và Tự Lực: 1-801-240-3001 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-3001
-
Ban Quản Lý Rủi Ro tại trụ sở Giáo Hội (xin xem mục 20.7.6.3 để biết thông tin liên lạc)
38.8.40
Thánh Thư
38.8.40.1
Các Ấn Bản Kinh Thánh
Giáo Hội xác định các ấn bản Kinh Thánh phù hợp với giáo lý của Chúa trong Sách Mặc Môn và sự mặc khải hiện đại (xin xem Những Tín Điều 1:8). Sau đó, một ấn bản Kinh Thánh được chấp thuận và được chọn cho nhiều ngôn ngữ của các tín hữu của Giáo Hội.
Trong một số ngôn ngữ, Giáo Hội xuất bản riêng ấn bản Kinh Thánh. Các ấn bản do Giáo Hội xuất bản dựa trên các bản văn Kinh Thánh tiêu chuẩn. Những ví dụ gồm có:
-
Phiên Bản King James bằng tiếng Anh.
-
Reina-Valera (năm 2009) bằng tiếng Tây Ban Nha.
-
Almeida (năm 2015) bằng tiếng Bồ Đào Nha.
Các ấn bản Kinh Thánh do Giáo Hội xuất bản gồm có các cước chú, mục lục chủ đề và các phần giúp đỡ học tập khác.
Khi nào có thể được, các tín hữu nên sử dụng ấn bản Kinh Thánh đã được chấp thuận hoặc do Giáo Hội xuất bản trong các lớp học và các buổi họp của Giáo Hội. Điều này giúp duy trì sự rõ ràng trong cuộc thảo luận và sự hiểu biết nhất quán về giáo lý. Các ấn bản khác của Kinh Thánh có thể hữu ích cho việc học tập cá nhân hoặc học thuật.
38.8.40.2
Bản Dịch Thánh Thư
Chúa đã hướng dẫn các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài phải bảo toàn các thánh thư (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:56). Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giám sát chặt chẽ công việc phiên dịch thánh thư của Giáo Hội. Việc sử dụng các tiến trình đã được chấp thuận giúp bảo đảm tính chính xác của giáo lý và giữ gìn bằng chứng về nguồn gốc của văn bản.
Các Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng đệ trình các yêu cầu chính thức về các bản dịch mới của thánh thư tới Sở Tương Quan của Giáo Hội.
38.8.40.3
Thánh Thư bằng Ngôn Ngữ Hiện Đại
Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ không cho phép các nỗ lực phiên dịch hoặc viết lại văn bản thánh thư sang ngôn ngữ hiện đại hoặc không chính thức. Lời khuyên này không áp dụng cho các ấn phẩm của Giáo Hội dành cho trẻ em.
38.8.40.4
Truy Cập Thánh Thư
Các quyển thánh thư đã in ra, kể cả một số ấn bản Kinh Thánh đã được chấp thuận hiện đang có sẵn tại Các Dịch Vụ Phân Phối của Giáo Hội. Các ấn bản Kinh Thánh được chấp thuận cũng có thể có sẵn tại các cửa hàng bán sách địa phương, trực tuyến và trong các ứng dụng di động của Kinh Thánh. Các bản thu âm và văn bản điện tử của các ấn bản do Giáo Hội xuất bản và một số ấn bản được chấp thuận đang có sẵn trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm và tại trang mạng scriptures.ChurchofJesusChrist.org. Những nguồn tài liệu này cũng cung cấp bản liệt kê các thánh thư mà có sẵn theo ngôn ngữ.
38.8.41
Tìm Kiếm Thông Tin từ Các Nguồn Đáng Tin Cậy
Trong thế giới ngày nay, thông tin rất dễ truy cập và chia sẻ. Đây có thể là một phước lành lớn cho những người đang tìm cách được rèn luyện và nhận thông tin. Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin không đáng tin cậy và không mang tính gây dựng. Một số nguồn tìm cách thúc đẩy nỗi tức giận, tranh cãi, sợ hãi hoặc các thuyết âm mưu vô căn cứ (xin xem 3 Nê Phi 11:30; Mô Si A 2:32). Do đó, điều quan trọng là các tín hữu Giáo Hội phải khôn ngoan khi họ tìm kiếm lẽ thật.
Các tín hữu của Giáo Hội nên tìm kiếm và chỉ chia sẻ những nguồn thông tin xác thực, đáng tin cậy, và đích xác. Họ nên tránh các nguồn suy đoán hoặc dựa trên tin đồn. Sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, cùng với việc nghiên cứu cẩn thận, có thể giúp các tín hữu phân biệt giữa sự thật và sai lầm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 11:12; 45:57). Trong các vấn đề về giáo lý và chính sách của Giáo Hội, các nguồn có thẩm quyền là thánh thư, những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế và Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.
38.8.42
Các Hội Nghị Chuyên Đề và Những Buổi Nhóm Họp Tương Tự
Giáo Hội cảnh báo các tín hữu về các hội nghị chuyên đề và các buổi nhóm họp tương tự gồm có những phần trình bày mà:
-
Chê bai, chế giễu, hoặc không thích hợp trong cách họ đối xử với các vấn đề thiêng liêng.
-
Có thể gây tổn hại cho Giáo Hội, làm giảm giá trị của sứ mệnh Giáo Hội, hoặc hủy hoại sự an lạc của các tín hữu hoặc các vị lãnh đạo.
Các tín hữu không nên để cho vị thế hoặc tình trạng của họ trong Giáo Hội bị sử dụng để quảng cáo hoặc ngụ ý sự tán thành của những buổi họp như vậy.
Để biết thêm thông tin, xin xem đoạn 35.5.2, đoạn 38.6.12, và đoạn 38.7.8. Xin xem thêm Gia Cốp 6:12.
38.8.43
Hỗ Trợ Tín Hữu trong Các Bệnh Viện và Các Trung Tâm Chăm Sóc
Các vị lãnh đạo hỗ trợ tín hữu trong các bệnh viện và trung tâm chăm sóc ở bên trong đơn vị của họ. Họ tuân theo các hướng dẫn được thiết lập bởi các cơ sở này.
Để biết thông tin về việc thực hiện Tiệc Thánh cho các tín hữu trong những cơ sở này, xin xem đoạn 18.9.1. Để biết thông tin về việc thành lập một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh, xin xem phần 37.6.
38.8.44
Các Sinh Hoạt Có Thể Bị Đánh Thuế
Các vị lãnh đạo tiểu giáo khu và giáo khu bảo đảm rằng các sinh hoạt của Giáo Hội ở địa phương không làm nguy hại đến tình trạng được miễn thuế của Giáo Hội. Để biết những chỉ dẫn, xin xem đoạn 34.8.1.
38.8.45
Các Khoản Thuế
Các tín hữu Giáo Hội phải tuân theo các điều luật về thuế của quốc gia nơi họ sinh sống (xin xem Những Tín Điều 1:12; Giáo Lý và Giao Ước 134:5). Các tín hữu nào không đồng ý với các điều luật về thuế có thể phản đối khi luật của quốc gia họ cho phép.
Các tín hữu Giáo Hội có mâu thuẫn với luật pháp và với những lời dạy của Giáo Hội nếu họ:
-
Cố ý không trả hoặc từ chối trả các khoản thuế bắt buộc.
-
Đưa ra các lập luận không thích đáng về pháp lý để tránh trả thuế.
-
Từ chối tuân thủ một phán quyết chung cuộc trong một vụ kiện tụng về thuế mà đòi hỏi họ phải trả thuế.
Những tín hữu này có thể không đủ điều kiện để nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ. Họ không nên được kêu gọi vào chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội.
Cần có một hội đồng xem xét tư cách tín hữu của Giáo Hội nếu một tín hữu bị kết án một trọng tội vì vi phạm các điều luật về thuế (xin xem mục 32.6.1.5).
38.8.46
Các Chính Sách về Việc Đi Lại
Một người nam và một người nữ không nên đi một mình cùng với nhau trong các sinh hoạt, buổi họp, hoặc những chỉ định của Giáo Hội trừ khi họ đã kết hôn hoặc cả hai đều độc thân. Đối với các chính sách khác về việc đi lại, xin xem đoạn 20.7.7.
38.9
Mối Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy
Các chủ tịch giáo khu và các giám trợ giúp mang các phước lành của việc tham dự Giáo Hội đến cho các tín hữu đang phục vụ trong quân đội. Chương trình các dịch vụ tuyên úy và quan hệ quân sự của Giáo Hội gồm có:
-
Sự hỗ trợ từ các giáo khu và tiểu giáo khu.
-
Chương trình định hướng của Giáo Hội dành cho các tín hữu gia nhập quân đội.
-
Sự tổ chức các tiểu giáo khu, chi nhánh, hoặc các nhóm quân nhân Thánh Hữu Ngày Sau.
-
Sự ủng hộ và hỗ trợ từ các tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau.
-
Thông tin về cách mặc trang phục trong quân đội.
-
Hỗ trợ từ các cặp vợ chồng truyền giáo cao niên được chỉ định cho các căn cứ quân sự được chọn.
38.9.1
Sự Lãnh Đạo về Mối Quan Hệ Quân Sự trong Giáo Khu
Nếu các căn cứ quân sự hoặc tín hữu phục vụ trong quân đội đang ở trong một giáo khu, thì chủ tịch đoàn giáo khu có các trách nhiệm được liệt kê trong phần này. Nếu các căn cứ như vậy nằm trong một phái bộ truyền giáo thay vì một giáo khu, thì chủ tịch phái bộ truyền giáo thực hiện các trách nhiệm này.
Một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu trông coi chương trình định hướng của Giáo Hội cho việc phục vụ trước khi gia nhập quân đội trong giáo khu. Ông ấy phải chắc chắn rằng chương trình định hướng được dành cho tất cả tín hữu gia nhập quân đội. Thư ký chấp hành của giáo khu có thể phối hợp chương trình định hướng này. (Xin xem đoạn 38.9.3.)
38.9.1.1
Các Buổi Lễ của Giáo Hội trong Các Căn Cứ Quân Sự
Nếu các buổi lễ của Giáo Hội được tổ chức trong một căn cứ quân sự thì chủ tịch của một giáo khu nơi có một căn cứ quân sự sẽ tổ chức cho các quân nhân và gia đình của họ (xin xem đoạn 38.9.4):
-
Một tiểu giáo khu với một giám trợ đoàn (khi được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cho phép)
-
Một chi nhánh với một chủ tịch đoàn chi nhánh
-
Nhóm tín hữu quân nhân với người lãnh đạo nhóm tín hữu quân nhân và các phụ tá
Chủ tịch giáo khu kêu gọi, phong nhiệm và giám sát những người lãnh đạo của các đơn vị này. Vị ấy cung cấp thông tin liên lạc của những người lãnh đạo này cho Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội. Vị này có thể chỉ định một tiểu giáo khu hỗ trợ mỗi nhóm quân nhân.
Chủ tịch giáo khu làm việc với Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy để cung cấp thư bổ nhiệm cho mỗi giám trợ, chủ tịch chi nhánh, hoặc lãnh đạo nhóm. Bức thư này mô tả các trách nhiệm của vị ấy và cho phép vị ấy chủ tọa đơn vị và điều khiển các buổi họp. Một bản sao của bức thư nên được trao cho vị tuyên úy trong căn cứ.
Quân đội Hoa Kỳ đòi hỏi phải có một vị tuyên úy giám sát về mặt hành chính đối với bất cứ buổi lễ tôn giáo nào được tổ chức trong một căn cứ quân sự. Nếu có một vị tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau trong căn cứ, thì vị ấy thường giám sát như vậy đối với một đơn vị Giáo Hội nhóm họp ở đó. Vị tuyên úy không chủ tọa các buổi lễ thờ phượng trừ khi vị ấy là giám trợ, chủ tịch chi nhánh, hoặc lãnh đạo nhóm. Tuy nhiên, vị ấy được kỳ vọng sẽ có mặt và tham gia.
Một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu phối hợp với vị tuyên úy thâm niên tại mỗi căn cứ quân sự trong giáo khu. Người ấy bảo đảm rằng các giám trợ của tiểu giáo khu mà có ranh giới quanh một căn cứ quân sự cũng làm y như vậy. Các vị lãnh đạo này thông báo cho vị tuyên úy về lịch họp, địa điểm họp và người liên lạc của tiểu giáo khu. Vị tuyên úy có thể cung cấp thông tin này cho các tín hữu ở căn cứ quân sự đó.
38.9.1.2
Các Vị Tuyên Úy Thánh Hữu Ngày Sau trong Các Giáo Khu
Hằng năm, chủ tịch giáo khu phỏng vấn mỗi vị tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau đang sống trong giáo khu. Ông xác định sự an lạc và xứng đáng của vị tuyên úy để phục vụ. Hằng năm, chủ tịch giáo khu cũng phỏng vấn riêng người phối ngẫu của mỗi tuyên úy.
Các vị tuyên úy và vợ của họ nên có những chức vụ kêu gọi trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu. Một vị tuyên úy nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể phục vụ trong những sự kêu gọi lãnh đạo, chẳng hạn như trong hội đồng ủy viên thượng phẩm hoặc chủ tọa một tiểu giáo khu, chi nhánh hoặc nhóm tín hữu quân nhân trong quân đội. Tuy nhiên, sự kêu gọi này không thể mâu thuẫn với nghĩa vụ quân sự của vị ấy.
Các vị tuyên úy có thể phụ giúp chủ tịch giáo khu theo những cách sau đây:
-
Báo cáo trong các buổi họp hội đồng giáo khu về buổi họp của các đơn vị Giáo Hội trong các căn cứ quân sự. Các báo cáo này nên gồm vào thông tin về các tín hữu mới và tích cực trở lại.
-
Phục vụ với tư cách là người liên lạc giữa các vị lãnh đạo quân đội và chủ tịch giáo khu.
-
Giúp chủ tịch giáo khu nhận ra các tín hữu trong quân đội để kêu gọi với tư cách là những người lãnh đạo nhóm tín hữu quân nhân.
-
Phụ giúp với các nỗ lực để củng cố các tín hữu mới và tích cực trở lại của Giáo Hội trong quân đội.
-
Giúp chuẩn bị cho các tín hữu trong quân đội tiếp nhận các giáo lễ thiêng liêng và tuân giữ các giao ước của họ.
38.9.2
Sự Lãnh Đạo về Mối Quan Hệ Quân Sự trong Tiểu Giáo Khu
Một thành viên của giám trợ đoàn họp với các tín hữu trong tiểu giáo khu trước khi họ gia nhập quân đội. Ông phải chắc chắn rằng họ có một cơ hội tham dự buổi định hướng của Giáo Hội trước khi nhập ngũ (xin xem đoạn 38.9.3).
Để biết thông tin về các hồ sơ tín hữu dành cho một tín hữu nhập ngũ, xin xem đoạn 33.6.9. Một số tín hữu được chỉ định đến một địa điểm xa xôi, hẻo lánh hoặc được điều động đi phục vụ đến vùng chiến sự. Trong những trường hợp này, vị giám trợ liên lạc với Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội để được hướng dẫn về hồ sơ tín hữu (xin xem đoạn 38.9.10).
Các vị lãnh đạo trong tiểu giáo khu nhà nên trao đổi thư từ thường xuyên với mỗi tín hữu của tiểu giáo khu đang xa nhà để phục vụ quân đội.
Vị giám trợ phối hợp với vị tuyên úy thâm niên tại mỗi nơi căn cứ quân sự trong tiểu giáo khu.
38.9.3
Buổi Họp Định Hướng của Giáo Hội Trước Khi Nhập Ngũ
Buổi họp định hướng của Giáo Hội trước khi nhập ngũ giúp các tín hữu đang gia nhập quân đội tìm hiểu điều gì phải kỳ vọng liên quan đến các buổi lễ và sinh hoạt của Giáo Hội trong quân đội. Buổi họp định hướng có thể được tổ chức ở cấp giáo khu hoặc tiểu giáo khu.
Một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu hoặc giám trợ đoàn kêu gọi một người giảng dạy trước khi nhập ngũ để cung cấp chương trình định hướng. Tốt hơn là người giảng dạy này đã có kinh nghiệm về quân sự gần đây. Nếu không có người giảng dạy nào hội đủ điều kiện thì chủ tịch giáo khu hoặc giám trợ liên lạc với Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy để được hướng dẫn.
Để biết thêm thông tin, xin xem “Pre–Military Service Church Orientation (Chương Trình Định Hướng của Giáo Hội Trước Khi Nhập Ngũ)” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.
38.9.4
Đơn Vị Giáo Hội dành cho Các Tín Hữu Quân Nhân
Các tín hữu trong quân đội thường tham dự các tiểu giáo khu ở gần các căn cứ quân sự của họ. Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, chủ tịch giáo khu hay phái bộ truyền giáo có thể tổ chức một tiểu giáo khu, chi nhánh, hoặc nhóm tín hữu quân nhân cho nhân viên quân sự và gia đình của họ tại căn cứ:
-
Không có tiểu giáo khu nào ở trong một khoảng cách hợp lý với căn cứ quân sự.
-
Các quân nhân không hiểu ngôn ngữ của tiểu giáo khu địa phương.
-
Các quân nhân không thể rời khỏi một căn cứ quân sự vì những điều kiện huấn luyện hoặc các hạn chế khác.
-
Đơn vị quân đội của các tín hữu đang hoặc sẽ được điều động đi phục vụ đến một địa điểm nơi mà một trong những điều sau đây áp dụng:
-
Giáo Hội không được tổ chức.
-
Đơn vị Giáo Hội địa phương không thể cung cấp chỗ cho các tín hữu vì ngôn ngữ khác.
-
Việc tham dự các buổi họp địa phương là không khả thi.
-
-
Các tín hữu thuộc các đơn vị Trừ Bị hoặc Phòng Vệ Quốc Gia và tham gia các cuộc thao luyện cuối tuần hoặc các buổi huấn luyện hằng năm.
Các tiểu giáo khu và các chi nhánh tại các căn cứ quân sự được tạo ra bằng các thủ tục được mô tả trong chương 37.
Các tiểu giáo khu và các chi nhánh thường được thành lập để hỗ trợ cho các tín hữu quân nhân lẫn các gia đình của họ. Một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh cũng có thể được thành lập cho các tín hữu quân nhân không có gia đình của họ. Các đơn vị như vậy có thể được thành lập cho các tín hữu tham gia khóa huấn luyện cơ bản hoặc cao cấp hay theo sự chỉ định từ xa. Quân đội thường không cho phép các tín hữu nào của Giáo Hội không có liên hệ gì đến quân đội thuộc vào một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh mà sử dụng các cơ sở của căn cứ.
Nếu số lượng tín hữu hoặc nếu hoàn cảnh khác không được hợp lý để tạo ra một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh tại một căn cứ quân sự, thì chủ tịch giáo khu hay phái bộ truyền giáo có thể thành lập một nhóm tín hữu quân nhân. Một nhóm tín hữu quân nhân là một đơn vị Giáo Hội nhỏ tổ chức các buổi họp Giáo Hội và chăm nom các tín hữu. Người lãnh đạo nhóm không có các chìa khóa của chức tư tế. Vì vậy, người này không được phép nhận tiền thập phân và của lễ, khuyên bảo các tín hữu về những tội lỗi nghiêm trọng, hạn chế các đặc ân của tư cách tín hữu hoặc thực hiện các bổn phận khác mà cần có các chìa khóa đó (xin xem phần 37.7). Để biết thông tin về các nhóm tín hữu quân nhân, xin xem “Service Member Groups and Responsibilities of Group Leaders” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.
Khi một đơn vị Giáo Hội được thành lập tại một căn cứ quân sự, thì người lãnh đạo đơn vị phối hợp với vị tuyên úy thâm niên ở căn cứ đó để sắp xếp thời gian nhóm họp và sử dụng các cơ sở của căn cứ đó. Nếu không có một vị tuyên úy được chỉ định cho căn cứ đó thì chủ tịch giáo khu sẽ hội ý với vị chỉ huy trưởng căn cứ.
38.9.5
Những Người Lãnh Đạo Nhóm ở Vùng Hẻo Lánh hoặc Vùng Chiến Sự
Các chủ tịch giáo khu hoặc phái bộ truyền giáo thường kêu gọi và phong nhiệm cho những người lãnh đạo nhóm tín hữu quân nhân. Tuy nhiên, điều này có thể không thực hiện được ở một số địa điểm xa xôi hoặc vùng chiến sự. Vì một người lãnh đạo nhóm không được ban cho các chìa khóa chức tư tế với sự kêu gọi của mình, nên có thể cho phép người ấy được bổ nhiệm mà không cần được phong nhiệm. Vị lãnh đạo chức tư tế chịu trách nhiệm về địa điểm có thể bổ nhiệm một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc với tư cách là người lãnh đạo nhóm. Trước tiên, vị ấy kiểm chứng sự xứng đáng của người ấy với vị giám trợ và chủ tịch giáo khu của người ấy. Nếu có một vị tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau trong khu vực đó thì vị lãnh đạo chức tư tế có thể cho phép vị tuyên úy này kêu gọi và phong nhiệm một người lãnh đạo nhóm.
Những người lãnh đạo nhóm tín hữu quân nhân ở các địa điểm xa xôi đều có thể nhận được nguồn cung cấp và tài liệu của Giáo Hội bằng cách liên lạc với Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội (xin xem đoạn 38.9.10).
Đôi khi một tín hữu quân nhân được điều động đi phục vụ và bị cô lập khỏi các tín hữu khác của Giáo Hội. Nếu người tín hữu quân nhân này nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc hoặc là một thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn, thì vị giám trợ của người ấy có thể cho phép cho người ấy thực hiện và dự phần Tiệc Thánh. Nếu có nhiều hơn một tín hữu tại một địa điểm đang được điều động đi phục vụ thì người lãnh đạo nhóm nên được kêu gọi.
Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội phải được thông báo khi một người lãnh đạo nhóm được kêu gọi. Một thư bổ nhiệm sẽ được gửi cho vị ấy (xin xem mục 38.9.1.1).
38.9.6
Công Việc Truyền Giáo và Nghĩa Vụ Quân Sự
Đối với các quốc gia bắt buộc nghĩa vụ quân sự, các tín hữu Giáo Hội thường phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự của họ trước khi họ có thể phục vụ truyền giáo. Một số quốc gia có thể cho phép hoãn nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho đến sau công việc truyền giáo. Các chủ tịch giáo khu và giám trợ nên quen thuộc với những đòi hỏi của quốc gia họ để họ có thể tư vấn cho các tín hữu một cách thích hợp. Các tín hữu đang phục vụ trong các lực lượng Trừ Bị hoặc Vệ Binh Quốc Gia đều có thể phục vụ truyền giáo sau khi họ hoàn tất khóa huấn luyện cơ bản và cao cấp.
Để biết thêm thông tin, xin xem “Missionary Service and Military Obligations” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.
38.9.7
Các Vị Tuyên Úy Thánh Hữu Ngày Sau
Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội do trung ương tán thành cho cả nam lẫn nữ tuyên úy là những người phục vụ trong nhiều cơ quan chính phủ và phi chính phủ. Các cơ quan này gồm có:
-
Quân đội.
-
Bệnh viện.
-
Tổ chức an dưỡng cuối đời.
-
Nhà giam.
-
Các trung tâm giam giữ.
-
Sở cảnh sát và sở cứu hỏa.
-
Cảnh sát biên phòng.
-
Các tổ chức dân sự và cựu chiến binh.
-
Cao đẳng và đại học.
Mỗi tổ chức thiết lập những đòi hỏi riêng về học vấn và giáo dục dành cho các tuyên úy. Hầu hết các tổ chức đều đòi hỏi sự tán thành của Giáo Hội trước khi một người có thể phục vụ với tư cách là tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau. Ban Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy của Giáo Hội tán thành tất cả các tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau. Thư tán thành từ các giám trợ và chủ tịch giáo khu là không đủ và không nên được cung cấp.
Các vị tuyên úy Thánh Hữu Ngày Sau:
-
Phục vụ những người thuộc mọi tín ngưỡng, kể cả Các Thánh Hữu Ngày Sau.
-
Bảo đảm rằng các cá nhân có đủ điều kiện để được tự do tôn giáo.
-
Giúp tạo điều kiện hoặc đáp ứng các nhu cầu tôn giáo của những người mà họ phục vụ.
Để biết thêm thông tin, xin xem “Latter-day Saint Chaplains” trên trang ChurchofJesusChrist.org.
38.9.8
Mặc Trang Phục Đền Thờ trong Quân Đội
Xin xem đoạn 38.5.6.
38.9.9
Những Cặp Vợ Chồng Truyền Giáo Cao Niên
Các cặp vợ chồng quân nhân đã nghỉ hưu có thể được kêu gọi để phục vụ với tư cách là những người truyền giáo phụ trách mối quan hệ quân sự tại các căn cứ quân sự được chọn. Họ phụ giúp các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương trong việc củng cố các tín hữu mới và các tín hữu đang tích cực trở lại. Họ cũng hỗ trợ cho các gia đình của các tín hữu quân nhân đang được điều động đi phục vụ trong thời gian gia đình xa nhau.
38.9.10
Các Thông Tin Khác
Để có thông tin về các hồ sơ tín hữu của các tín hữu quân nhân, xin xem mục 33.6.9.
Để có thông tin về các phước lành tộc trưởng cho các tín hữu quân nhân, xin xem 38.2.10.3.
Để có thông tin về việc sắc phong cho các tín hữu quân nhân ở vùng hẻo lánh, xin xem 38.2.9.6.
Để có thông tin về việc cấp giấy giới thiệu đi đền thờ ở những vùng hẻo lánh, xin xem đoạn 26.3.2.
Nếu các vị lãnh đạo Giáo Hội có thắc mắc về các mối quan hệ quân sự, họ có thể liên lạc với:
Mối Quan Hệ Quân Sự và Sự Phục Vụ của Vị Tuyên Úy
50 East North Temple Street, Room 2411
Salt Lake City, UT 84150-0024
Số điện thoại: 1-801-240-2286