“Con Cái của Thượng Đế,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)
Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm
Con Cái của Thượng Đế
Đặc tính chính của mỗi người trên thế gian
Hãy tưởng tượng anh chị em lần đầu tiên gặp một người nào đó và người ấy nói: “Hãy nói cho tôi biết về anh/chị.” Anh chị em sẽ nói gì? Dĩ nhiên, điều đó tùy thuộc vào bối cảnh, nhưng việc anh chị em chọn để chia sẻ có thể nói rất nhiều về cách anh chị em xem xét bản thân mình—và cách anh chị em muốn người khác đánh giá mình.
Có một sự thực về anh chị em là quan trọng hơn tất cả những sự thực khác. Và mặc dù anh chị em có thể không nêu ra sự thực đó khi tự giới thiệu, nhưng nguồn gốc của anh chị em là điều cơ bản hơn là tên, quê hương, hoặc sở thích cá nhân của anh chị em. Sự thực là anh chị em là con của Thượng Đế. Ngài là Cha của anh chị em. Giống như anh chị em có cha mẹ trên thế gian mà anh chị em thừa hưởng các đặc điểm thể chất từ họ thì anh chị em cũng là “một người con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và, vì lẽ đó, [anh chị em có] một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng.” Sự thực này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em xem xét bản thân mình? Làm thế nào điều đó có thể thay đổi cách tiếp cận của anh chị em với những thử thách và cơ hội của cuộc sống?
Phần 1
Thượng Đế Không Những Là Đấng Sáng Tạo của Anh Chị Em mà Ngài Còn Là Cha của Anh Chị Em
Mọi người đều có một người cha trần thế, và không một người cha nào trong số những người cha đó là hoàn hảo cả. Tuy nhiên, cho dù những kinh nghiệm của chúng ta với những người cha và vai trò làm cha trên thế gian có thể ra sao đi nữa, thì chúng ta cũng có một Cha Thiên Thượng là tất cả những gì mà một người cha cần phải có—tình yêu thương, sự hỗ trợ, thông sáng, vị tha, tận tâm với sự thành công của anh chị em. Đấng đầy quyền năng và vinh quang nhất trong vũ trụ yêu thương anh chị em như người con quý báu của Ngài. Ngài hiểu rõ anh chị em và biết chính xác điều anh chị em cần để tăng trưởng, tiến triển, và tìm thấy niềm vui vĩnh cửu. Các tước hiệu như “Đấng Tối Cao,” “Đấng Sáng Tạo,” và “Vị Vua Toàn Năng” chắc chắn đều áp dụng cho Ngài. Nhưng, trên hết, Ngài muốn anh chị em biết Ngài là “Cha.”
Những điều để suy nghĩ
-
Môi Se đã học được trong một khải tượng thiêng liêng rằng ông là con trai của Thượng Đế. Đọc về kinh nghiệm của ông trong Môi Se 1:1–11. Cũng hãy lưu ý trong các câu 12–18 sự hiểu biết này đã giúp Môi Se như thế nào khi Sa Tan cố gắng cám dỗ ông. Hãy suy ngẫm việc ghi nhớ rằng anh chị em là con của Thượng Đế có thể giúp đỡ anh chị em như thế nào trong những lúc cám dỗ.
-
Anh Cả Brian K. Taylor đã kể một câu chuyện về một thiếu nữ đã nói: “Việc biết rằng tôi là con của Thượng Đế là sự hiểu biết mạnh mẽ nhất mà tôi có!” Đọc về thiếu nữ này trong “Tôi Có Phải Là Con của Thượng Đế Không?” để tìm hiểu lý do tại sao người ấy nói như vậy. Tại sao việc biết Thượng Đế là Cha của người ấy đã tạo ra một sự khác biệt lớn như vậy trong cuộc sống của người ấy? Điều này có thể tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của anh chị em?
-
Anh chị em có bao giờ tạo ra một món đồ thủ công hay tác phẩm nghệ thuật nào đó không? Hoặc có lẽ anh chị em đã tạo ra một điều gì đó như là một lịch trình, ngân sách, hoặc bữa ăn. Hãy xem xét mối quan hệ của anh chị em với thứ mà anh chị em đã tạo ra là khác biệt như thế nào với mối quan hệ giữa cha mẹ và một đứa con. Hãy nghĩ về điều này khi anh chị em suy ngẫm những câu thánh thư này: Ga La Ti 4:6–7; 1 Giăng 3:2. Tại sao là điều quan trọng đối với anh chị em để biết rằng anh chị em là con gái hay con trai—chứ không phải chỉ là một sự sáng tạo—của Thượng Đế?
Sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Để giảng dạy về tiềm năng của chúng ta với tư cách là con cái của Thượng Đế, hãy xem xét cách anh chị em có thể minh họa rằng cha mẹ và con cái của họ chia sẻ những đặc điểm thể chất. Có lẽ anh chị em có thể cho xem hình của cha mẹ và con cái của họ và tìm kiếm những điểm tương đồng. Sau đó, anh chị em có thể đọc một số câu thánh thư về những đặc điểm của Cha Thiên Thượng, như là:
Chúng ta thấy được bằng chứng nào về những đặc điểm này nơi nhau? Làm thế nào chúng ta có thể phát triển chúng thêm và trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn?
Tìm hiểu thêm
-
Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022), Thư Viện Phúc Âm
-
Donald L. Hallstrom, “Tôi Là Con của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 26–28
-
Rosemary M. Wixom, “Khám Phá Thiên Tính ở Trong Lòng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 6–8
Phần 2
Đối Xử với Mọi Người như là Con của Thượng Đế
Là điều thông thường khi nghe các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô gọi nhau là “anh em” và “chị em.” Như Chủ Tịch Henry B. Eyring đã giải thích, các từ này “không chỉ là những lời chào thân thiện hoặc những từ ngữ trìu mến đối với chúng ta. Những từ này là một cách diễn đạt về một lẽ thật vĩnh cửu: Thượng Đế thật sự là Cha của tất cả nhân loại; mỗi chúng ta là một phần tử trong gia đình vĩnh cửu của Ngài.” Lẽ thật đơn giản này có quyền năng để thay đổi cách chúng ta đối xử với nhau. Chúng ta có thể khác biệt trong ý nghĩ, hành động, và diện mạo của mình, nhưng những khác biệt đó thì dễ trân trọng và tôn trọng hơn nhiều khi chúng ta nhớ rằng, nói theo nghĩa thuộc linh, thì chúng ta đều là gia đình với nhau.
Những điều để suy nghĩ
-
Sách Mặc Môn kể về hai nhóm người—dân Nê Phi và dân La Man—là những kẻ thù hung tợn trong nhiều thế hệ. Nhưng có những lúc mà các nhóm này đã khắc phục được lòng thù hận của họ và đối xử với nhau như là anh chị em. Đọc về những kinh nghiệm này trong Mô Si A 28:1–3; An Ma 26:23–31; 27:20–24; 4 Nê Phi 1:1–3, 14–18. Khi anh chị em đọc, hãy suy ngẫm điều anh chị em có thể làm để giúp Đấng Cứu Rỗi mang sự bình an đến cho gia đình của Thượng Đế.
-
Những người mà anh chị em gặp có lẽ sẽ không tự giới thiệu mình là con của Thượng Đế, nhưng anh chị em có thể nghĩ về họ theo cách đó khi gặp họ. Anh chị em hãy thử đi! Và bất cứ khi nào anh chị em bị cám dỗ để nghĩ xấu về một người nào đó, thì hãy thay thế ý nghĩ đó bằng “Người này là con của Thượng Đế.” Hãy lưu ý điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của anh chị em về người khác—và cách anh chị em đối xử với họ.
Sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Cân nhắc việc cho thấy hình của những người từ nhiều chủng tộc, văn hóa, và lai lịch khác nhau. Nói về nhiều cách mà mọi người đều giống nhau. Thảo luận lý do tại sao Thượng Đế muốn chúng ta luôn luôn tôn trọng và đối xử tử tế với người khác.
Tìm hiểu thêm
-
Ma La Chi 2:10; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:24–29; Giáo Lý và Giao Ước 18:10; 76:24
-
Dallin H. Oaks, “Hãy Yêu Kẻ Thù Nghịch Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 26–29