“Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)
Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm
Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va
Vì sự phạm giới của A Đam và Ê Va nên tội lỗi và cái chết đã đến với thế gian
Mặc dù câu chuyện trong Kinh Thánh về A Đam và Ê Va trở thành quen thuộc với nhiều người, nhưng nó thường bị hiểu lầm. Các lẽ thật trong thánh thư được phục hồi trong thời kỳ của chúng ta giúp chúng ta hiểu rõ hơn các tình trạng trong Vườn Ê Đen và sự lựa chọn của cha mẹ đầu tiên của chúng ta mà dẫn đến việc họ bị đuổi ra khỏi khu vườn. Kinh nghiệm đó được biết đến là Sự Sa Ngã và mang đến những hậu quả mà đã ảnh hưởng đến tất cả con cái của Thượng Đế.
Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va không phải là một điều bất ngờ đối với Cha Thiên Thượng. Sự Sa Ngã là một phần cần thiết trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho sự cứu rỗi và tôn cao của con cái Ngài. Sau khi Sự Sa Ngã xảy ra, A Đam và Ê Va trở nên hữu diệt và đạt được khả năng có con cái, nhưng họ cũng phải chịu đối mặt với tội lỗi và cái chết.
Vì Sự Sa Ngã, nên tất cả các sinh vật đều phải chịu những nỗi gian khổ, bệnh tật, và cái chết. Sự tương phản này là một phần kế hoạch của Thượng Đế dành cho chúng ta, và nó góp phần vào việc học hỏi, tăng trưởng, và khả năng của chúng ta để cảm nhận niềm vui. Để cứu chuộc chúng ta khỏi những hậu quả của Sự Sa Ngã, Cha Thiên Thượng đã ban cho một Đấng Cứu Rỗi—Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Ky Tô có quyền năng để cứu chuộc thế gian và mọi người trên thế gian khỏi những hậu quả của Sự Sa Ngã.
Phần 1
A Đam và Ê Va Sử Dụng Quyền Tự Quyết
A Đam và Ê Va là hai người con đầu tiên của Thượng Đế mà đến thế gian này. Họ sống trong một trạng thái ngây thơ trong Vườn Ê Đen, có nghĩa là họ không có con cái và không có được niềm vui hay sự khổ sở (xin xem 2 Nê Phi 2:23). Hai cái cây trong vườn đặc biệt có ý nghĩa—cây sự sống và cây hiểu biết điều thiện và điều ác (xin xem Môi Se 3:9). Thượng Đế truyền lệnh cho A Đam và Ê Va không được ăn trái từ cây hiểu biết điều thiện và điều ác (xin xem Môi Se 3:17). Nếu tuân theo lệnh truyền này thì họ có thể ở lại trong khu vườn. Nếu ăn trái cây ấy, họ sẽ trải qua cái chết.
Thượng Đế cũng nhấn mạnh rằng họ có quyền tự quyết về mặt đạo đức, hoặc quyền năng để lựa chọn (xin xem Môi Se 3:16–17). Sa Tan đến cám dỗ A Đam và Ê Va để ăn trái cây ấy. Nó nói với họ rằng họ sẽ không chết nhưng sẽ trở nên khôn ngoan như Cha Thiên Thượng (xin xem Môi Se 4:10–11). Khi A Đam và Ê Va chọn ăn trái cây ấy, thì mắt của họ được mở ra và họ nhận được sự hiểu biết, nhưng họ cũng đã trải qua cái chết thuộc linh, cuối cùng bị đuổi ra khỏi sự hiện diện của Chúa (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:40–41). Họ cũng trở thành người trần thế, chịu đau đớn, bệnh tật, cái chết, và những kinh nghiệm khác của thế giới sa ngã này.
Những điều để suy nghĩ
-
Hãy đọc 2 Nê Phi 2:15–16. Anh chị em học được điều gì về quyền tự quyết bằng cách hiểu thêm về trường hợp của Sự Sa Ngã? Anh chị em học được điều gì về tầm quan trọng của việc chúng ta cần phải chọn điều tốt cho bản thân mình so với điều xấu? Hãy lưu ý đến việc Lê Hi sử dụng từ “bị xúi giục” trong các câu này. Ngày nay chúng ta bị xúi giục bởi điều thiện lẫn điều ác như thế nào? Câu này dạy cho anh chị em biết điều gì về việc chúng ta cần một Đấng Cứu Rỗi?
Sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã nói:
“Tổ Phụ Lê Hi đã dạy rằng nếu Sự Sa Ngã không xảy ra, thì A Đam và Ê Va ‘ở mãi trong trạng thái ngây thơ, không có sự vui sướng, vì họ đâu biết sự khổ sở’ (2 Nê Phi 2:23). Nếu không có kinh nghiệm về sự tương phản trên trần thế, ‘tất cả mọi sự vật cần phải có sự kết hợp thành một,’ thì có thể sẽ không có hạnh phúc hay đau khổ (câu 11). …
“‘A Đam sa ngã để loài người sinh tồn, và loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui’ [câu 25].”
Anh chị em học được điều gì từ những lời giảng dạy của Chủ Tịch Oaks và Lê Hi trong Sách Mặc Môn về sự cần thiết phải có sự tương phản?
Tìm hiểu thêm
-
Dallin H. Oaks, “The Great Plan of Happiness,” Liahona, tháng Mười Một năm 1993, trang 72–75
-
“The Fall of Adam and Eve and the Gift of Agency,” Teachings and Doctrine of the Book of Mormon Teacher Material (năm 2021), trang 32–38
Phần 2
Chúa Giê Su Ky Tô Đã Khắc Phục Những Hậu Quả của Sự Sa Ngã
Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va đã gây ra sự tách rời họ với Thượng Đế, được gọi là cái chết thuộc linh. Vì thể xác của họ trở nên hữu diệt, nên họ cũng phải chịu cái chết thể xác và bị đặt vào một trạng thái tương phản trên thế gian này, nơi mà họ có thể phạm tội. Cái chết thuộc linh và thể xác cùng tội lỗi cuối cùng sẽ ngăn cản A Đam và Ê Va và con cháu của họ trở về nơi hiện diện của Thượng Đế.
Trong tình yêu thương vô hạn của Ngài dành cho con cái của Ngài, Cha Thiên Thượng đã ban cho một Đấng Cứu Rỗi, là Đấng đã làm cho A Đam và Ê Va—và tất cả chúng ta—có thể hối cải tội lỗi. Chúa Giê Su đã trả cái giá cho tội lỗi của chúng ta. Ngài cũng sẽ chịu đựng những nỗi đau đớn của mỗi người nam, người nữ và trẻ em mà sẽ sống, kể cả nỗi đau đớn của tội lỗi, thương tích, bệnh tật, và mất mát của chúng ta. Ngài sẽ chết và phục sinh để chúng ta có thể sống lại. Qua ân tứ vô song của Chúa Giê Su Ky Tô, Thượng Đế đã làm cho chúng ta có thể hối cải tội lỗi, học hỏi, tiến triển, và cuối cùng trở về sống với Ngài.
Sau khi rời khỏi Vườn Ê Đen, A Đam và Ê Va đã tuân theo các lệnh truyền của Chúa, kể cả việc hiến dâng con vật đầu lòng của các đàn gia súc của họ lên Chúa làm của lễ hy sinh. Về sau họ biết được rằng mục đích của lễ hy sinh này là nhằm giúp họ nhớ rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ hy sinh mạng sống của Ngài làm của lễ hy sinh cho tất cả chúng ta. (Xin xem Môi Se 5:4–8.)
Những điều để suy nghĩ
-
Đọc Môi Se 5:11. Trong câu này, Ê Va đã tóm lược điều bà đã học được từ kinh nghiệm của họ với Sự Sa Ngã. Mặc dù chúng ta thường thấy Sự Sa Ngã là lời giới thiệu về nỗi đau đớn và đau khổ cho thế gian, nhưng đặc biệt bà không đề cập đến những điều này. Anh chị em nghĩ tại sao Ê Va đã chọn để nói về Sự Sa Ngã như vậy? Chúng ta có thể biết được điều gì từ Ê Va về các mục đích cuộc sống của mình?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:
“Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã thắng thế giới sa ngã này và vì Ngài đã chuộc tội cho mỗi người chúng ta, nên anh chị em cũng có thể thắng thế giới đầy tội lỗi, vị kỷ, và thường gây mệt mỏi này.
Vì Đấng Cứu Rỗi, qua Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, đã cứu chuộc mỗi người chúng ta khỏi sự yếu kém, sai lầm và tội lỗi, và vì Ngài đã trải qua mọi đau đớn, lo lắng và gánh nặng mà anh chị em từng có, nên khi anh chị em thật sự hối cải và tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài, thì anh chị em có thể khắc phục thế giới hiện tại đầy bấp bênh này.”
Làm thế nào chúng ta có thể khắc phục trần thế sa ngã này? Có khi nào anh chị em đã cảm nhận được sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để chiến thắng thế gian không?
Các sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Cùng đọc Giăng 3:16 với nhóm, và sau đó mời những người trong nhóm chia sẻ việc họ nghĩ câu này có nghĩa là gì. Sau đó đọc Môi Se 5:9 mà mô tả vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Mời những người trong nhóm chia sẻ điều họ học được từ các câu này về tình yêu thương của Thượng Đế và ân tứ về sự hy sinh và Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô, mà cho phép chúng ta khắc phục những hậu quả của Sự Sa Ngã.
-
Cùng đọc An Ma 7:11–13 với nhóm và lưu ý đến mỗi từ mô tả một điều mà chúng ta trải qua trong thế giới sa ngã này. Ví dụ, anh chị em có thể nhận thấy những từ “cám dỗ” và “bệnh tật.” Lập một bản liệt kê những từ này cho những người trong nhóm thấy. Sau đó đọc đoạn này một lần nữa, lần này chú ý đến những từ mô tả những gì Đấng Ky Tô đã làm cho chúng ta. Viết những từ này vào một bản liệt kê thứ hai bên cạnh bản liệt kê đầu tiên. Bài tập này dạy anh chị em điều gì về sự liên hệ giữa Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va cùng vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta?
Tìm hiểu thêm
-
Jeffrey R. Holland, “Nơi Có Công Lý, Tình Yêu Thương, và Lòng Thương Xót Liên Kết với Nhau,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 104–106
-
Robert D. Hales, “The Plan of Salvation: A Sacred Treasure of Knowledge to Guide Us,” Ensign, tháng Mười năm 2015, trang 24–31
Phần 3
Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va Là Thiết Yếu cho Kế Hoạch của Thượng Đế
Vì Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, chúng ta đều có cơ hội để nhận được một thể xác và cảm nhận được niềm vui cùng những khó khăn của cuộc sống trần thế. Chúng ta cũng có cơ hội mỗi ngày để sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình. Vì chúng ta bị tách rời khỏi Thượng Đế mà không còn nhớ gì về cuộc sống tiền dương thế của mình, nên chúng ta cần phải học hỏi và tăng trưởng qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và qua những kinh nghiệm của chính mình.
Tất cả những điều này là thiết yếu cho kế hoạch của Thượng Đế dành cho hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Để trở về với Ngài và trở nên giống như Ngài, chúng ta phải sử dụng quyền tự quyết của mình để chọn điều thiện thay vì điều ác. Khi trải qua tiến trình học hỏi này, chúng ta sẽ phạm sai lầm. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài làm cho chúng ta có thể khắc phục tội lỗi của mình và được tha thứ cùng được làm cho trong sạch, cho phép chúng ta một ngày nào đó trở về nơi hiện diện của Thượng Đế và trở nên giống như Ngài.
Những điều để suy nghĩ
-
Đọc 2 Nê Phi 2:11, 15, và chú ý đến vai trò của sự tương phản trong kế hoạch của Thượng Đế. Anh chị em học được điều gì từ các câu này về việc cần có sự tương phản? Việc hiểu được mục đích của sự chống đối ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em nghĩ về những thử thách của mình?
-
Sự Sa Ngã mang đến cho thế gian nỗi đau khổ lẫn niềm vui. Đọc 1 Cô Rinh Tô 15:21–22 và 2 Nê Phi 2:19–25, cùng tìm kiếm các phước lành có sẵn cho tất cả mọi người sau Sự Sa Ngã. Anh chị em học được điều gì từ các câu thánh thư này về mục đích của cuộc sống?
Các sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Từ thánh thư hiện đại, chúng ta biết A Đam và Ê Va đã cảm thấy như thế nào về sự phạm giới của họ. Cùng đọc chung với nhóm Môi Se 5:10–11. Có thể hữu hiệu để chọn một người nam đọc câu 10 và một người nữ để đọc câu 11, giúp những người trong nhóm tưởng tượng là A Đam và Ê Va đang nói chuyện. Chia sẻ những cảm nghĩ của anh chị em về những câu này với nhóm của anh chị em. Đức tin của A Đam và Ê Va nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã có thể giúp họ hiểu sự phạm giới của họ như cách họ nghĩ như thế nào?
-
Điều gì mang lại niềm vui cho anh chị em? Mời những người trong nhóm chia sẻ câu trả lời của họ cho câu hỏi này. Sau đó cùng nhau đọc 2 Nê Phi 2:25. Anh chị em nghĩ tại sao Lê Hi đã dạy con trai ông rằng “loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui”? Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va có liên quan gì với niềm vui? Mời những người trong nhóm chia sẻ ý kiến của họ.
Tìm hiểu thêm
-
Sáng Thế Ký 2–4; 2 Nê Phi 2:15–26; 9:6–21; Mô Si A 3:11–16; An Ma 12:21–35; 22:12–14; 42:2–15; Giáo Lý và Giao Ước 29:34–44; Môi Se 3–5; 5:9–13
-
Dallin H. Oaks, “The Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm1993, trang 72–75
-
Jeffrey R. Holland, “Nơi Có Công Lý, Tình Yêu Thương, và Lòng Thương Xót Liên Kết với Nhau,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 104–106
-
“The Fulness of the Gospel: The Fall of Adam and Eve,” Ensign, tháng Sáu năm 2006, trang 48–49