Thư Viện
Sự Phục Sinh


“Sự Phục Sinh,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Đấng Ky Tô phục sinh hiện đến cùng Ma Ri Ma Đơ Len

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Sự Phục Sinh

Chúa Giê Su Ky Tô chiến thắng cái chết

Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta sẽ có cơ hội để tự hỏi: “Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?” “Liệu tôi sẽ gặp lại những người thân đã qua đời của mình nữa không?” “Tôi có thể tìm thấy sự bình an ở đâu khi người mà tôi yêu thương chết đi?”

Mặc dù chúng ta không có tất cả các câu trả lời, nhưng lẽ thật về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang lại sự an ủi cho tất cả những ai than khóc. Sự thật rằng tất cả những người chết sẽ sống lại một ngày nào đó mang đến sự bình an cho tâm hồn chúng ta và hứa rằng những ngày tốt đẹp hơn đang ở phía trước.

Khi sống lại từ cái chết đến sự bất diệt, Chúa Giê Su Ky Tô đã trở thành “trái đầu mùa” của Sự Phục Sinh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–23) và cung ứng cách thức cho tất cả chúng ta đến một ngày nào đó sẽ được phục sinh như Ngài đã phục sinh.

Sự Phục Sinh Là Gì?

Sự phục sinh là sự tái hợp của phần thể linh với thể xác sau khi chết, không bao giờ bị tách rời nữa (xin xem An Ma 11:45). Khi chúng ta được phục sinh, thể xác của chúng ta sẽ được hoàn hảo và bất diệt, không còn phải chịu bệnh tật và cái chết nữa. Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục cái chết qua Sự Phục Sinh của Ngài, nên tất cả mọi người cũng sẽ được phục sinh như Ngài đã phục sinh.

Khái quát về đề tài: Sự Phục Sinh

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm có liên quan: Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Giáo Vụ Trên Trần Thế của Chúa Giê Su Ky Tô, Kế Hoạch Cứu Rỗi

Phần 1

Chúa Giê Su Ky Tô Phục Sinh

Đấng Ky Tô giảng dạy sau khi Ngài phục sinh

Chúa Giê Su Ky Tô là người đầu tiên phục sinh. Chiến thắng của Ngài đối với cái chết là nền tảng cho đức tin của chúng ta. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, rồi thăng lên trời.”

Chúa đã ban cho nhiều chứng ngôn về giáo lý thiết yếu này. Mỗi sách trong bốn Sách Phúc Âm gồm có những lời tường thuật của những người đã chứng kiến Chúa Giê Su là một Đấng phục sinh. Sách Mặc Môn cũng làm chứng rằng hàng ngàn người ở Châu Mỹ đã nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi phục sinh. Trong thời hiện đại, các nhân chứng kể cả Joseph Smith và các vị tiên tri và sứ đồ khác cũng đã làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục sinh và hằng sống ngày nay.

Những điều để suy nghĩ

  • Hãy tưởng tượng anh chị em là một luật gia đang thu thập các sự kiện cho một vụ việc để chứng minh rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh. Anh chị em sẽ kêu gọi ai làm nhân chứng? Các nhân chứng sẽ ủng hộ vụ việc của anh chị em như thế nào? Chứng ngôn của các nhân chứng về Chúa phục sinh có thể ảnh hưởng đến chứng ngôn của anh chị em như thế nào? Để có thêm ý kiến, xin xem Giăng 20:1–20; 3 Nê Phi 11:3–17; và Giáo Lý và Giao Ước 76:19–24.

  • Đọc Giăng 20:26–29. Đấng Cứu Rỗi đưa ra sứ điệp nào trong đoạn này cho những người không mục kích Sự Phục Sinh của Ngài? (Xin xem thêm Ê The 12:5–6.) Thậm chí nếu chưa thấy Chúa phục sinh, chúng ta vẫn có thể nhận được một sự làm chứng cá nhân rằng Ngài đã sống lại. Anh chị em đã thấy được bằng chứng nào về Sự Phục Sinh trong cuộc sống của mình? Bằng chứng này đã ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào?

Các sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) tuyên bố: “Trong số tất cả những chiến thắng trong lịch sử nhân loại, không có một chiến thắng nào quá vĩ đại, không có một chiến thắng nào có ảnh hưởng quá phổ biến, không có một chiến thắng nào có hậu quả vĩnh viễn như chiến thắng của Chúa đã bị đóng đinh là Đấng đã bước ra trong Sự Phục Sinh vào buổi sáng lễ Phục Sinh đầu tiên đó.” Thảo luận lý do tại sao là điều quan trọng để biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống ngày nay. Chủ Tịch Hinckley cũng đã viết lời cho bài thánh ca “My Redeemer Lives.” Cùng nhau đọc hoặc lắng nghe bài thánh ca này, và sau đó chia sẻ những ý nghĩ và cảm nghĩ mà bài thánh ca đó truyền cảm hứng nơi anh chị em.

  • Nhiều họa sĩ đầy cảm hứng đã vẽ về khoảnh khắc mà các cá nhân trông thấy Đấng Cứu Rỗi phục sinh. Hãy xem những bản vẽ sau đây hoặc những bản vẽ khác mà anh chị em thích. Chia sẻ điều mà những hình ảnh này giúp anh chị em hiểu về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Những hình ảnh này làm cho anh chị em cảm thấy thế nào về Ngài? Anh chị em có thể đã cảm thấy như thế nào nếu có mặt ở đó?

Ma Ri và Chúa Phục Sinh.
Đấng Ky Tô hiện đến cùng Thô Ma sau khi Ngài phục sinh
Cơ Lê Ô Ba và một môn đồ đang ngồi ăn khi họ nhận ra Đấng Cứu Rỗi

Tìm hiểu thêm

Phần 2

Tất Cả Chúng Ta Đều Sẽ Được Phục Sinh

Gia đình tại một tang lễ

Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh, nên tất cả chúng ta đều cũng sẽ được phục sinh. Ngay sau Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, nhiều người trung tín cũng đã được phục sinh (xin xem Ma Thi Ơ 27:52–53). Mặc dù mọi người sẽ không được phục sinh cùng một lúc, nhưng cuối cùng tất cả mọi người sẽ nhận được một thể xác hoàn hảo, bất diệt nhờ vào ân tứ vinh quang về sự phục sinh chung.

Thể xác phục sinh của chúng ta sẽ giống như thể xác chúng ta hiện có, nhưng được bất diệt, hoàn hảo—không bị bệnh tật và đau đớn. Chúng ta sẽ “nhận được niềm vui trọn vẹn” (Giáo Lý và Giao Ước 93:33–34; xin xem thêm An Ma 11:43). Thể xác phục sinh của chúng ta sẽ làm cho chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và được phán xét. Những người nào đã hối cải tội lỗi của mình sẽ vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu và sống vĩnh viễn nơi hiện diện của Thượng Đế.

Những điều để suy nghĩ

  • Cô Ri An Tôn, con trai của An Ma Con, “băn khoăn về sự phục sinh của kẻ chết” (An Ma 40:1). Vì vậy, An Ma đã dạy Cô Ri An Tôn—và các độc giả của Sách Mặc Môn—nhiều lẽ thật quan trọng liên quan đến Sự Phục Sinh. Hãy đọc điều ông đã dạy trong An Ma 40–41. Trong khi anh chị em đọc, hãy ghi chú các lẽ thật về Sự Phục Sinh mà quan trọng đối với anh chị em. Làm thế nào những lẽ thật này đã có thể giúp Cô Ri An Tôn cảm thấy an tâm? Những lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định anh chị em đang đưa ra bây giờ?

  • Sứ Đồ Phao Lô biết được rằng một số Thánh Hữu ở Cô Rinh Tô đã không tin vào Sự Phục Sinh. Đọc 1 Cô Rinh Tô 15, đặc biệt chú ý đến những lời giảng dạy của Phao Lô về Sự Phục Sinh. Sau đây là một số câu hỏi để suy ngẫm khi anh chị em học tập:

    • Các câu 12–15: Tại sao việc thuyết giảng và đức tin sẽ trở nên vô ích nếu không có sự phục sinh?

    • Các câu 16–19: Tại sao chúng ta sẽ “còn ở trong tội lỗi mình” nếu không có sự phục sinh? Tại sao chúng ta sẽ “là kẻ khốn nạn hơn hết”?

    • Các câu 55–58: Làm thế nào sự hiểu biết của anh chị em về Sự Phục Sinh giúp anh chị em trở nên “vững vàng” và “không rúng động”?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô dạy rằng ân tứ về sự phục sinh được ban cho tất cả mọi người một cách vô điều kiện, nhưng nhiều con cái của Thượng Đế không biết về phước lành này. Thảo luận cách mà Sự Phục Sinh tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của anh chị em. Anh chị em cũng có thể thấy rất có ích để thảo luận về những kinh nghiệm cá nhân của Chị Reyna I. Aburto trong bài nói chuyện của chị “Mồ Mả Không Còn Sự Đắc Thắng Được Nữa và Anh Cả S. Mark Palmer trong “Sự Lo Buồn Các Ngươi Sẽ Đổi Làm Vui Vẻ.” Chị Aburto và Anh Cả Palmer đã được ban phước như thế nào bởi sự hiểu biết về Sự Phục Sinh? Sự hiểu biết này có thể ban phước cho chúng ta như thế nào?

Tìm hiểu thêm

Những Nguồn Tài Liệu Khác về Sự Phục Sinh