“Huấn Luyện về phần Đánh Giá,” Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý (năm 2022)
“Huấn Luyện về phần Đánh Giá,” Huấn Luyện về Chương Trình Giảng Dạy Lớp Giáo Lý
Huấn Luyện về Phần Đánh Giá
Đánh giá là một phần quan trọng của việc học. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự đánh giá, theo hình thức bài thi, trong quá trình học tập.
Những bài thi định kỳ là hoàn toàn thiết yếu đối với việc học tập. Một bài thi hữu hiệu giúp chúng ta so sánh những gì chúng ta cần biết với những gì chúng ta thực sự biết về một đề tài cụ thể; nó cũng cung cấp một tiêu chuẩn mà chúng ta có thể dựa vào đó để đánh giá việc học hỏi và phát triển của mình.
Cũng như thế, các bài thi trong trường đời là một phần thiết yếu của sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Tuy nhiên, thật thú vị là từ thi không thể tìm thấy dù chỉ một lần trong các câu thánh thư trong số Các Tác Phẩm Thánh Thư Tiêu Chuẩn bằng tiếng Anh. Đúng hơn, những từ như thử thách, dò xét, và rèn luyện được sử dụng để miêu tả nhiều khuôn thức biểu lộ thích hợp sự hiểu biết thuộc linh, sự thấu hiểu, và sự tận tụy của chúng ta đối với kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng và khả năng của chúng ta để tìm kiếm các phước lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. (David A. Bednar, “Chúng Ta Sẽ Thử Thách Họ Bằng Phương Tiện Này,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 8)
Việc đánh giá thường xuyên trong lớp giáo lý có thể giúp học viên thể hiện kiến thức, sự hiểu biết thuộc linh, sự tận tụy với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Những cách đánh giá nghiêm túc này có thể giúp học viên trở nên ý thức hơn về những điều các em đang học và các em đã tăng trưởng ra sao.
Sự nhận thức này có thể là một kinh nghiệm bổ ích và thúc đẩy và có thể mời nhiều sự mặc khải cá nhân đến với cuộc sống của các học viên. Điều đó cũng có thể giúp học viên tạo ra những kế hoạch cho sư tăng trưởng và học tập tương lai. Một vài ví dụ của các hoạt động đánh giá trong chương trình giảng dạy lớp giáo lý bao gồm các bài học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em”, các bài học thông thạo giáo lý (bao gồm bài ôn tập thông thạo giáo lý), và phần đánh giá việc học tập giữa khóa mỗi kỳ.
Bài Học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em”
Theo định kỳ trong chương trình giảng dạy lớp giáo lý, anh chị em sẽ thấy có bài học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em.” Các bài học này được sắp xếp bốn đến sáu tuần một lần và tạo cơ hội cho học viên thành tâm suy ngẫm về việc học tập của các em. Đặc biệt là các bài học này mang đến cho học viên cơ hội để giải thích giáo lý các em đã học được trong khóa học; suy ngẫm về những cảm nhận, thái độ, và ước muốn của mình mà liên quan đến kế hoạch của Cha Thiên Thượng và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô; và ôn lại các kế hoạch và mục tiêu các em đang thực hiện để làm sâu sắc vai trò môn đồ và sự cải đạo của các em theo Chúa Giê Su Ky Tô. Kết quả của những bài đánh giá này của học viên không được chính thức ghi lại như các bài đánh giá thông thạo giáo lý. Những bài đánh giá mang tính hình thức này là vì lợi ích của chính học viên.
Mặc dù học viên có trách nhiệm chính trong việc đánh giá việc học của các em trong các bài học này nhưng những người khác cũng có thể giúp. Đức Thánh Linh đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp học viên đánh giá chính mình. Không có người bạn đồng hành nào tốt hơn Đức Thánh Linh để giúp học viên thấy rõ cách các em đang học hỏi và tăng trưởng và cách các em có thể tiếp tục phát triển.
Các bạn cùng lớp có thể giúp bạn mình đánh giá việc học tập của họ và anh chị em giảng viên cũng có thể giúp đỡ. Khi học viên giải thích giáo lý, thì đây có thể là thời điểm tốt để cho học viên làm việc cùng với nhau để thực hành giải thích hoặc đóng diễn. Với tư cách là giảng viên, anh chị em có thể là một nguồn phương tiện tốt để đưa ra phản hồi cho học viên về tiến độ các em đang có hoặc gặp khó khăn. Anh chị em có thể suy nghĩ ý tưởng hoặc chia sẻ kinh nghiệm từ cuộc sống của chính mình để giúp một học viên. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không nên kỳ vọng học viên báo cáo những mục tiêu và kế hoạch với anh chị em. Một vài những mục tiêu và kế hoạch này có thể rất riêng tư. Nếu một học viên cảm thấy thoải mái để chia sẻ kế hoạch hoặc mục tiêu với anh chị em, hãy cùng thảo luận với các em nhưng cũng nhận biết khi nào học viên nên được chuyển hướng đến cha mẹ hoặc giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của các em.
Tạo một Sinh Hoạt Đánh Giá cho một Bài Học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em”
Thỉnh thoảng, anh chị em sẽ cần điều chỉnh các bài học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em” bằng cách tạo một sinh hoạt đánh giá mới. Do thời khóa biểu của trường học, có thể sẽ có bài học mà học viên không được học nhưng lại có trong bài học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em” trong chương trình giảng dạy lớp giáo lý. Hay có một bài học nào đó đặc biệt ý nghĩa cho học viên mà bài Học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em” không đề cập đến. Trong những trường hợp này, anh chị em sẽ cần thay thế một trong những sinh hoạt này trong bài học “Đánh Giá Việc Học Tập của Em” với một sinh hoạt anh chị em tạo ra để đánh giá học viên hiểu hay tiến triển trong chủ đề đó.
Những bước sau đây có thể giúp anh chị em tạo ra một sinh hoạt đánh giá hiệu quả.
Bước 1: Bắt đầu bằng xác định một bài học mà anh chị em muốn theo dõi. Sinh hoạt này tập trung vào kết quả nào?
Sinh hoạt này có tập trung nhiều hơn vào những điều học viên biết và hiểu không? Sinh hoạt này có nhấn mạnh vào những cảm nhận, thái độ, hoặc ước muốn của học viên không? Hay có lẽ sinh hoạt này chủ yếu tập trung vào hành vi của học viên? Việc biết rõ kết quả anh chị em muốn giúp học viên đạt được có thể giúp anh chị em tạo ra một kinh nghiệm đánh giá phù hợp.
Bước 2: Hãy cân nhắc những điều học viên có thể làm để giúp các em nhận ra sự tăng trưởng và học hỏi của mình. Hãy nhớ rằng đây không phải là điều mà học viên cần thể hiện cho anh chị em hoặc cho các học viên khác thấy. Nó đơn thuần chỉ cần là một điều gì đó giúp đỡ các em nhận thấy sự tiến triển trong việc học tập của mình. Các ví dụ có thể gồm có như sau:
-
Các kết quả về kiến thức và sự hiểu biết: Học viên có thể giảng dạy hoặc giải thích một khái niệm giáo lý bằng lời hoặc viết ra. Điều nầy có thể là phần đáp cho trường hợp mà học viên sẽ thực hành giảng dạy giáo lý.
-
Các kết quả về cảm nhận, thái độ, hoặc ước muốn: Học viên có thể xem lại đánh giá cá nhân từ một bài học trước đây và so sánh câu trả lời bây giờ với câu trả lời mà các em đã đưa ra khi lần đầu học bài học đó. Đó có thể là một mục nhập nhật ký hoặc một bản khảo sát đã được hoàn tất mà các em trả lời hoặc làm lại lần nữa để nhận ra sự khác biệt.
-
Các kết quả về hành vi: Học viên có thể ôn lại những điều các em cảm thấy ấn tượng để thực hiện hoặc kế hoạch các em tạo ra như là một phần của bài học. Các em có thể suy ngẫm về cách các em đã hành động dựa trên ấn tượng đó hoặc đã thực hiện kế hoạch. Một vài học viên tình nguyện có thể chia sẻ kinh nghiệm của các em nếu những kinh nghiệm đó không quá riêng tư. Các em thậm chí có thể minh họa một số các hành mong muốn trong lớp, chẳng hạn như việc sử dụng ứng dụng Cây Gia Phả của FamilySearch hoặc biểu hiện một kỹ năng học hỏi thánh thư.
Bước 3: Tạo ra một kinh nghiệm học tập mà cho phép học viên nhận ra cách các em đang tăng trưởng và học hỏi. Hãy tìm cách để làm cho kinh nghiệm học tập trở nên bổ ích và thú vị và dành nhiều thời gian để học viên suy ngẫm và đánh giá sự tăng trưởng của các em. Một vài học viên có thể thất vọng với sự tăng trưởng hiện tại của mình. Hãy tạo cơ hội mà không khiến học viên so sánh sự tăng trưởng của mình với học viên khác. Các học viên nên có nhiều thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Cha Thiên Thượng thông qua Đức Thánh Linh để biết những điều các em đang làm tốt và làm thế nào các em có thể cải thiện. Học viên nên hiểu rằng những bài đánh giá này không bao giờ được xem là kết quả cuối cùng. Thay vào đó, học viên nên luôn luôn được khuyến khích cân nhắc bước kế tiếp trong việc học tập của các em sẽ là gì.
Đánh Giá Phần Thông Thạo Giáo Lý
Hai bài đánh giá học tập toàn diện trong lớp giáo lý tạo cơ hội cho học viên thể hiện sự thông thạo giáo lý. Kết quả của học viên trong hai bài đánh giá này sẽ được lưu lại. Mặc dù học viên cần vượt qua hai bài đánh giá này để nhận được tín chỉ lớp giáo lý cho năm học đó, các em có thể làm các bài đánh giá này bao nhiêu lần cũng được. Sau khi hội ý với cha mẹ về nhu cầu của học viên, giảng viên cũng nên tạo điều kiện hợp lý để học viên hoàn tất các bài đánh giá này. Hãy điều chỉnh các bài đánh giá hoặc những cách mà học viên có thể hoàn tất các bài đánh giá khi cần thiết.
Bao gồm trong phần phụ lục của sách hướng dẫn dành cho giảng viên là hai phần ôn tập đánh giá phần thông thạo giáo lý. Đây là những kinh nghiệm trong lớp học được thiết kế để giúp học viên cùng nhau ôn lại nhằm chuẩn bị cho những phần đánh giá học tập. Những bài ôn tập này nên được hoàn tất khi học viên cùng nhau họp mặt trực tuyến hoặc trực tiếp.
Kết Luận
Hãy nghĩ về những lợi ích trong việc giúp đỡ học viên thường xuyên đánh giá việc học tập của các em. Việc cho học viên một cơ hội để giải thích giáo lý, suy ngẫm về những cảm nhận, thái độ, cùng ước muốn, và ôn lại kế hoạch hoặc mục tiêu các em đang thực hiện sẽ giúp các em trong nỗ lực của mình để trở nên giống Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Các bài học đánh giá cũng mang lại một cơ hội cho Đức Thánh Linh soi dẫn học viên bằng cách giúp các em cảm thấy những gì mình đang làm tốt và động viên các em cải thiện. Những bài học này đều quan trọng và nên được giảng dạy thường xuyên.