Tự Tử
Cách Giúp Đỡ Một Người Đang Gặp Khủng Hoảng


“Cách Giúp Đỡ Một Người Đang Gặp Khủng Hoảng,” Cách Giúp Đỡ (năm 2018).

“Cách Giúp Đỡ Một Người Đang Gặp Khủng Hoảng,” Cách Giúp Đỡ.

Cách Giúp Đỡ Một Người Đang Gặp Khủng Hoảng

Hãy luôn luôn nghiêm túc với những dấu hiệu cảnh báo về việc tự tử và bất cứ mối đe dọa mưu toan tự tử nào đó, cho dù các anh chị em nghĩ cá nhân đó không có nghiêm túc suy nghĩ về việc tự tử hoặc là chỉ tìm kiếm sự chú ý. Hãy làm theo ba bước sau để cung ứng sự hỗ trợ—Hỏi, Quan Tâm, Kể.

Bước 1: Hỏi. Hỏi trực tiếp người đó xem họ có đang nghĩ về việc tự tử không. Anh chị em có thể hỏi: “Anh/chị có đang nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời mình không?” Nếu họ nói rằng họ đang suy nghĩ về việc tự tử, hãy hỏi họ xem họ đã có kế hoạch cho việc đó hay chưa. Anh chị em có thể hỏi: “Có phải anh/chị đang có kế hoạch để tự làm tổn thương chính mình không?” Nếu họ có một kế hoạch, hãy ngay lập tức giúp đưa họ đến một bệnh viện hoặc một phòng khám chăm sóc y tế, hoặc liên lạc với một nhà cung cấp dịch vụ khẩn cấp hay đường dây hỗ trợ khủng hoảng trong khu vực của anh chị em. (Xin xem “Đường Dây Trợ Giúp Khủng Hoảng” để biết đường liên kết giúp đỡ trên khắp thế giới.) Nếu họ không có kế hoạch, hãy tới bước 2.

Bước 2: Quan Tâm. Hãy cho thấy rằng anh chị em quan tâm bằng cách lắng nghe điều họ nói. Cho họ thời gian để giải thích điều họ đang cảm thấy. Tôn trọng những cảm giác của họ bằng cách nói những điều như là: “Tôi rất buồn khi thấy anh/chị đang trải qua nỗi đau đớn như vậy” hoặc “Tôi đã không nhận ra những điều khó khăn mà anh/chị đang gặp phải.” Anh chị em có thể đề nghị giúp đỡ họ lập một kế hoạch an toàn nhằm ngăn ngừa việc tự tử (xin xem “How to Create a Suicide-Prevention Safety Plan,” Doug Thomas, Ensign, tháng Chín năm 2016, trang 63). Một kế hoạch an toàn có thể giúp mọi người nhận ra các điểm mạnh cá nhân, các mối quan hệ tích cực, và các kỹ năng sống lành mạnh của họ. Nó có thể làm giảm sự tiếp cận của họ tới các phương tiện để tự làm hại bản thân, như là vũ khí hoặc thuốc. Nếu họ đề nghị anh chị em không kể cho bất kỳ ai về các cảm giác của họ, hãy giải thích rằng anh chị em sẽ tôn trọng quyền riêng tư của họ nhiều nhất có thể nhưng họ cần nhiều sự giúp đỡ hơn là khả năng của anh chị em. Đừng bao giờ hứa sẽ giữ bí mật về suy nghĩ tự tử của họ.

Bước 3: Kể. Khuyến khích người đó nói với ai đó mà có thể cung cấp thêm sự hỗ trợ. Chia sẻ thông tin liên lạc để có các nguồn trợ giúp hữu ích trong khu vực của anh chị em. Các nguồn trợ giúp có thể bao gồm bệnh viện cộng đồng, phòng khám chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, hoặc đường dây hỗ trợ khủng hoảng miễn phí. Nếu họ không tìm kiếm sự giúp đỡ, thì anh chị em cần phải thay lời họ nhờ ai đó giúp đỡ. Anh chị em có thể muốn nói một điều gì đó chẳng hạn như: “Tôi quan tâm đến anh/chị và muốn anh/chị được an toàn. Tôi sẽ nói với ai đó có thể mang đến cho anh/chị sự giúp đỡ mà anh/chị cần.” Tôn trọng quyền riêng tư của họ bằng cách chỉ nói cho một người nào đó mà anh chị em nghĩ có thể giúp đỡ, chẳng hạn như một người thân trong gia đình, vị giám trợ của người đó, cố vấn trường học, bác sĩ, hoặc một chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác. Nếu anh chị em không chắc chắn nên kể cho ai, hãy nói chuyện với vị giám trợ của anh chị em hoặc gọi điện tới đường dây hỗ trợ khủng hoảng miễn phí tại khu vực của anh chị em. Hãy nhớ rằng, anh chị em không được trông đợi để hỗ trợ người đó một mình.

Xin lưu ý: Nếu các anh chị em có đang dẫn dắt một cuộc thảo luận, hãy cân nhắc việc đề nghị những người tham dự thực tập những bước này. Hãy nêu ra cho họ một tình huống mà một người nào đó đến gặp họ và bày tỏ những ý nghĩ tự tử, và yêu cầu họ thực tập cách phản ứng.

Các Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

In