Tiết 102
Biên bản về việc tổ chức hội đồng thượng phẩm đầu tiên của Giáo Hội, tại Kirtland, Ohio, ngày 17 tháng Hai năm 1834. Các biên bản nguyên thủy được các Anh Cả Oliver Cowdery và Orson Hyde ghi chép. Ngày hôm sau, Vị Tiên Tri hiệu đính các biên bản này, và ngày kế tiếp các biên bản đã được sửa chữa được hội đồng thượng phẩm nhất trí chấp nhận là “hình thức và hiến pháp của hội đồng thượng phẩm” của Giáo Hội. Các câu 30 đến 32, nói về Hội Đồng Mười Hai Vị Sứ Đồ, được thêm vào năm 1835 dưới sự hướng dẫn của Joseph Smith khi tiết này được chuẩn bị để xuất bản trong sách Giáo Lý và Giao Ước.
1–8, Một hội đồng thượng phẩm được thiết lập lên để giải quyết những vấn đề khó khăn quan trọng xảy ra trong Giáo Hội; 9–18, Các thủ tục được trình bày về việc cứu xét các trường hợp; 19–23, Chủ tịch hội đồng đưa ra quyết định; 24–34, Thủ tục kháng cáo được đề ra.
1 Ngày này, qua sự mặc khải, một đại hội đồng hai mươi bốn thầy tư tế thượng phẩm họp tại nhà của Joseph Smith, Jr., để tiến hành việc tổ chức một hội đồng thượng phẩm của giáo hội Đấng Ky Tô, mà hội đồng này phải gồm có mười hai thầy tư tế thượng phẩm, và một hay ba vị chủ tịch tùy theo sự cần thiết của mỗi vụ.
2 Hội đồng thượng phẩm này được lập lên qua sự mặc khải, với mục đích để giải quyết những vấn đề khó khăn quan trọng có thể xảy ra trong giáo hội mà giáo hội hay hội đồng của vị giám trợ không thể giải quyết một cách thỏa đáng cho đôi bên.
3 Joseph Smith, Jr., Sidney Rigdon và Frederick G. Williams được tiếng nói của hội đồng công nhận làm chủ tịch; Joseph Smith, Sr., John Smith, Joseph Coe, John Johnson, Martin Harris, John S. Carter, Jared Carter, Oliver Cowdery, Samuel H. Smith, Orson Hyde, Sylvester Smith, và Luke Johnson, là những thầy tư tế thượng phẩm, được toàn thể hội đồng đồng thanh bầu làm hội đồng thường trực của giáo hội.
4 Các ủy viên hội đồng có tên trên đây sau đó đã được hỏi là họ có chấp nhận những sự chỉ định của họ không, và họ có chịu hành động trong chức vụ đó theo luật pháp thiên thượng không, và tất cả những người này đều đáp lời là họ chấp nhận những sự chỉ định của họ, và sẽ thi hành chức vụ của họ theo đúng ân điển của Thượng Đế đã ban cho họ.
5 Con số tạo thành hội đồng mà đã biểu quyết trong danh nghĩa của giáo hội và cho giáo hội trong việc chỉ định các ủy viên hội đồng có tên trên đây, là bốn mươi ba người chia ra như sau: chín thầy tư tế thượng phẩm, mười bảy anh cả, bốn thầy tư tế và mười ba tín hữu.
6 Biểu quyết rằng hội đồng thượng phẩm không thể có thẩm quyền hành động nếu không có sự hiện diện của bảy vị trong số những ủy viên hội đồng có tên trên đây, hay của những vị chính thức được chỉ định kế vị họ.
7 Bảy vị này sẽ có quyền chỉ định các thầy tư tế thượng phẩm khác mà họ có thể cho là xứng đáng và có khả năng hành động thay thế các ủy viên hội đồng vắng mặt.
8 Biểu quyết rằng bất cứ khi nào có ai trong số các ủy viên hội đồng có tên trên đây quá cố hay bị cách chức vì phạm giới, hoặc thay đổi chỗ ở ngoài phạm vi quản trị của giáo hội này, thì chỗ trống sẽ được thay thế bằng sự đề cử của vị chủ tịch hay các vị chủ tịch, và được thừa nhận bởi tiếng nói của một đại hội đồng các thầy tư tế thượng phẩm, được triệu tập cho mục đích đó để hành động trong danh nghĩa của giáo hội.
9 Vị chủ tịch giáo hội, cũng là vị chủ tịch hội đồng, được lập lên qua sự mặc khải, và được công nhận trong chức vụ chủ tọa của mình bởi tiếng nói của giáo hội.
10 Và theo sự cao trọng của chức vụ của ông, ông cần phải chủ tọa hội đồng của giáo hội; và ông có quyền được phụ giúp bởi hai vị chủ tịch khác, là những người cũng được lập lên theo thể thức mà chính ông đã được lập lên.
11 Và trong trường hợp một hay cả hai người mà được chỉ định phụ giúp ông đều vắng mặt, thì ông có quyền chủ tọa hội đồng mà không cần phải có vị phụ tá nào cả; và trong trường hợp chính ông vắng mặt thì các vị chủ tịch kia, cả hai hoặc một trong hai vị này, có quyền thay thế để chủ tọa.
12 Bất cứ khi nào một hội đồng thượng phẩm của giáo hội của Đấng Ky Tô được tổ chức một cách hợp thức, theo thể cách như đã nói trên, thì bổn phận của mười hai ủy viên hội đồng phải bắt thăm để xác định xem ai trong số mười hai vị ấy là người sẽ đứng lên nói trước tiên, bắt đầu với số một, rồi cứ thế lần lượt đến số mười hai.
13 Bất cứ khi nào hội đồng này hội họp để cứu xét một vụ nào đó thì mười hai ủy viên hội đồng phải xem xét coi vụ đó có khó khăn hay không; nếu nó không khó khăn thì chỉ cần hai vị trong số các ủy viên hội đồng đó đứng lên nói mà thôi, theo như thể thức ghi trên.
14 Còn nếu vụ đó được nghĩ là khó khăn thì cần phải có bốn vị được đề cử ra nói; và nếu nó khó khăn hơn nữa, thì sáu vị, nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng không được đề cử quá sáu vị đứng ra nói.
15 Trong tất cả mọi trường hợp, bị cáo có quyền được phân nửa hội đồng, để ngăn ngừa sự nhục mạ hay sự bất công.
16 Và các ủy viên hội đồng được chỉ định để đứng nói trước hội đồng phải trình bày vụ đó trước hội đồng theo tính chất chân thật của nó, sau khi bằng chứng đã được cứu xét; và mọi người phải nói lên một cách vô tư và công bình.
17 Các ủy viên hội đồng bắt được số chẵn, nghĩa là số 2, 4, 6, 8, 10, và 12, là những người phải đứng lên nhân danh người bị cáo để ngăn ngừa sự nhục mạ và sự bất công.
18 Trong tất cả mọi trường hợp, nguyên cáo và bị cáo phải có quyền tự bào chữa cho mình trước hội đồng, sau khi các bằng chứng đã được lắng nghe, và các ủy viên hội đồng được chỉ định để bào chữa cho vụ này đã trình bày xong những nhận xét của mình.
19 Và sau khi các bằng chứng đã được lắng nghe, các ủy viên hội đồng, nguyên cáo và bị cáo đã nói xong, vị chủ tịch phải đưa ra quyết định theo sự hiểu biết mà ông có về vụ này, và yêu cầu mười hai ủy viên hội đồng chấp thuận quyết định đó qua sự biểu quyết của họ.
20 Nhưng nếu những ủy viên hội đồng còn lại, là những người chưa đứng lên nói, hay bất cứ một người nào khác trong hội đồng, sau khi đã nghe các bằng chứng và các lời bào chữa một cách vô tư, tìm thấy có sự nhầm lẫn trong quyết định của vị chủ tịch, thì họ có thể cho biết điều đó và vụ này phải được xử lại.
21 Và sau khi xét xử lại kỹ càng, nếu có thêm điều sáng tỏ về vụ này, thì sự quyết định sẽ được thay đổi sao cho phù hợp.
22 Nhưng trong trường hợp không có thêm điều sáng tỏ gì thì sự quyết định đầu tiên phải được giữ nguyên, và đa số hội đồng có quyền quyết định như vậy.
23 Trong trường hợp có sự khó khăn về giáo lý hay nguyên tắc, nếu không đủ tài liệu để làm cho vụ đó sáng tỏ trong tâm trí của hội đồng, thì vị chủ tịch có thể cầu vấn để xin ý muốn của Chúa qua sự mặc khải.
24 Các thầy tư tế thượng phẩm, khi ở bên ngoài, có quyền triệu tập và tổ chức một hội đồng theo thể thức đã nói trên, để giải quyết các vấn đề khó khăn, khi hai bên hoặc một trong hai bên yêu cầu việc đó.
25 Và hội đồng các thầy tư tế thượng phẩm vừa nói trên sẽ có quyền chỉ định một người trong nhóm mình tạm thời chủ tọa một hội đồng như vậy.
26 Bổn phận của hội đồng vừa nói trên là phải gửi ngay bản tường trình của họ, với đầy đủ lời chứng kèm theo quyết định của họ, về cho hội đồng thượng phẩm ở chỗ của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội.
27 Nếu hai bên hoặc một trong hai bên bất mãn về quyết định của hội đồng vừa nói trên, thì họ có thể kháng cáo lên hội đồng thượng phẩm ở chỗ của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội, và vụ này phải được xét xử lại, theo thể thức đã ghi trên, như thể chưa có quyết định nào hết.
28 Hội đồng các thầy tư tế thượng phẩm ở bên ngoài này chỉ được triệu tập nhóm họp trong những trường hợp hết sức nan giải đối với vấn đề của giáo hội mà thôi; còn những trường hợp thông thường không đủ tầm quan trọng để triệu tập một hội đồng như vậy.
29 Các thầy tư tế thượng phẩm đang du hành hay đang ở một nơi bên ngoài có quyền quyết định có nên triệu tập một hội đồng như vậy hay không.
30 Có một sự khác biệt giữa hội đồng thượng phẩm hay các thầy tư tế thượng phẩm du hành ở bên ngoài, và hội đồng thượng phẩm du hành gồm mười hai vị sứ đồ về những quyết định của họ.
31 Về quyết định của hội đồng trước có thể có sự kháng cáo; còn quyết định của hội đồng sau thì không thể có.
32 Hội đồng sau chỉ có thể bị các vị thẩm quyền trung ương của giáo hội chất vấn trong trường hợp họ phạm giới.
33 Quyết nghị rằng vị chủ tịch hay các vị chủ tịch ở chỗ của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội sẽ có quyền thẩm định xem trường hợp nào, như có thể được kháng án, có quyền chính đáng để được xét xử lại hay không, sau khi đã nghiên cứu đơn kháng cáo cùng các bằng chứng và lời khai kèm theo đó.
34 Mười hai ủy viên hội đồng kế đó tiến hành rút thăm hay phiếu để xác định xem ai là người phải đứng lên nói trước, và kết quả như sau: 1, Oliver Cowdery; 2, Joseph Coe; 3, Samuel H. Smith; 4, Luke Johnson; 5, John S. Carter; 6, Sylvester Smith; 7, John Johnson; 8, Orson Hyde; 9, Jared Carter; 10, Joseph Smith, Sr.; 11, John Smith; 12, Martin Harris.Sau lời cầu nguyện, đại hội bế mạc.
Oliver Cowdery,
Orson Hyde,
Thư Ký