Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Giáng Sinh
14oaks


2:3

Phúc Âm Bình An

Vào mùa Giáng Sinh này, tất cả Ky Tô Hữu trên khắp thế giới ăn mừng sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, vị “Hoàng Tử Bình An.” Tất cả chúng ta đều hân hoan với sự loan báo của thiên sứ về ngày giáng sinh đó:

những người chăn chiên ngước nhìn lên ánh sáng chiếu rạng

“Ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa. …

“Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng,

“Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người.”1

Một sự minh họa tuyệt vời về cách mà những Ky Tô Hữu vinh danh Đấng Cứu Rỗi là những từ ngữ mà Charles Dicken đã viết cho các con của ông:

chân dung của Charles Dickens

“Các con yêu dấu của Cha, Cha rất mong mỏi rằng các con nên biết một điều nào đó về Lịch Sử của Chúa Giê Su Ky Tô. Vì mọi người cần phải biết về Ngài. Không một ai từng sống trên đời mà quá tốt, quá tử tế, quá hiền lành và quá cảm thông đối với những người đã làm điều sai trái.”

Đó là lời mở đầu của Dickens. Còn đây là những lời kết luận của ông ấy:

chân dung của Charles Dickens

“Hãy nhớ rằng!—là Ky Tô Giáo thì phải luôn làm điều tốt—thậm chí đối với cả những ai làm điều ác với chúng ta. Là Ky Tô Giáo phải yêu mến người lân cận như chính bản thân mình, và làm cho tất cả mọi người điều chi mà chúng ta muốn họ Làm cho mình. Là Ky Tô Giáo cần phải dịu dàng, thương xót, và tha thứ, và giữ những phẩm chất này riêng trong trái tim chúng ta, và không bao giờ khoe khoang về chúng, hoặc trong những lời cầu nguyện của chúng ta hay trong tình yêu thương của chúng ta đối với Thượng Đế, nhưng hãy luôn chứng tỏ rằng chúng ta yêu mến Ngài bằng cách khiêm nhường cố gắng làm điều đúng trong mọi việc. Nếu chúng ta làm điều này, và tưởng nhớ đến cuộc sống và các bài học của Chúa Giê Su Ky Tô của Chúng Ta, và cố gắng hành động theo những bài học đó, chúng ta có thể tự tin hy vọng rằng Thượng Đế sẽ tha thứ cho những tội lỗi và những lỗi lầm của chúng ta, và cho phép chúng ta được sống và chết trong Bình An.”2

Như Dickens đã viết, “cuộc sống và các bài học của Chúa Giê Su Ky Tô của Chúng Ta” dẫn dắt chúng ta đến bình an. Sứ Đồ Phao Lô đã gọi những bài giảng của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là “phúc âm bình an.”3

Từ bình an có nhiều ý nghĩa khác nhau trong thánh thư. Khi Chúa Giê Su phán, “Bình An cho các ngươi,” Ngài đã mô tả rõ ràng về dạng bình an mà Tiên Tri Ê Sai đã rao truyền: “Công bình sẽ sanh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi.”4 Đấng Cứu Rỗi đã làm ứng nghiệm lời tiên tri đó. Ngài đã giải thích rằng: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta.”5

Chúa Giê Su phán cùng Các Sứ Đồ của Ngài

Trong những chỉ dẫn cuối cùng của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã nói với Các Sứ Đồ của mình rằng: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”6

Chúa Giê Su viếng thăm Mỹ Châu

Không lâu sau đó, trong lần Ngài viếng thăm những người ngay chính trong thế giới mới, Đấng Cứu Rỗi đã trích dẫn những lời này của Ê Sai: “Tất cả con cái của ngươi sẽ được Chúa dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn lao thay.”7

Những gì mà Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã giảng dạy về sự bình an trong cuộc sống cá nhân của chúng ta cũng áp dụng cho sự bình an trong một gia đình, hòa bình trong một quốc gia, và hòa bình trên thế giới.

Đấng Cứu Rỗi và Các Sứ Đồ của Ngài không hề có chương trình nào dành cho sự bình an của thế gian ngoài sự ngay chính cá nhân. Họ không chống lại luật lệ của Đế Quốc La Mã hay chế độ cai trị của các bạo chúa trong vùng. Họ đã rao truyền sự ngay chính cá nhân và đã giảng dạy rằng các con cái của Thượng Đế phải yêu thương những kẻ nghịch thù của họ8 và “hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.”9

Chiến tranh và xung đột là hậu quả của sự tà ác, bình an là kết quả của sự ngay chính. Những phước lành của phúc âm là dành cho tất cả mọi người, và cách thức chung cho sự bình an cũng như vậy: tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.

Chủ Tịch Howard W. Hunter đã dạy:

Howard W. Hunter

“Bình an mà thế giới khao khát là lúc chấm dứt sự thù nghịch, nhưng loài người không nhận ra rằng sự bình an là một trạng thái hiện hữu mà chỉ đến với loài người dựa trên các điều khoản và điều kiện do Thượng Đế đặt ra, và không có trong đường lối nào khác. …

“… Nếu chúng ta nhìn vào con người và những cách thức của thế gian, chúng ta sẽ tìm thấy sự hỗn loạn và hoang mang. Nhưng nếu chúng ta hướng về Thượng Đế, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an cho tâm hồn xao động. …

“Sự bình an này sẽ che chở cho chúng ta khỏi những hỗn loạn của thế gian.”10

Chúng ta đọc trong sự mặc khải hiện đại rằng: “Nhưng phải biết rằng kẻ nào làm những việc làm ngay chính thì sẽ nhận được phần thưởng của mình, đó là sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.”11

Sự Bình An là lời hứa của Đấng Cứu rỗi của chúng ta, và sự bình an là mục đích của chúng ta. Sự bình an được hứa hẹn này là cảm giác hạnh phúc và sự thanh thản đến từ việc tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói:

Spencer W. Kimball

“Bình An là kết quả của sự ngay chính. Nó không thể được mua bằng tiền và không thể được trao đổi cũng như không thể được đổi chác. Mà nó phải được tìm kiếm.”12 Chúng ta hát, “Sweet is the peace the gospel brings,”13 và trong một bài thánh ca tuyệt vời khác mà chúng ta cùng hát trong lời cầu nguyện du dương này:

“Hãy để hòa bình trên trái đất

Và hãy để bình an bắt đầu với tôi.”14

Chúng ta không thể có hòa bình giữa các quốc gia mà không có sự ngay chính chung giữa những người dân trong quốc gia đó. Trong những năm bất ổn của Đệ Nhị Thế Chiến, Anh cả John A. Widtsoe đã giảng dạy điều này:

John A. Widstoe

“Đường lối duy nhất để xây đắp một cộng đồng hòa thuận là xây dựng những người nam và người nữ yêu chuộng hòa bình và tạo ra hòa bình. Theo giáo lý của Đấng Ky Tô và Giáo Hội của Ngài, mỗi cá nhân nắm giữ trong tay hòa bình của thế giới.

“Điều đó khiến tôi có trách nhiệm đối với hòa bình của thế giới, và làm cho anh chị em có trách nhiệm cá nhân đối với hòa bình thế giới. Trách nhiệm không thể đẩy sang cho một người nào khác.”15

Khoảng ba mươi năm sau, một vị lãnh đạo trung ương khác, Eldred G. Smith, đã giảng dạy cùng lẽ thật đó:

“Nếu mỗi người có bình an trong tâm hồn, thì cũng sẽ có bình an trong gia đình. Nếu có bình an trong mỗi gia đình, thì sẽ có hòa bình trong quốc gia. Nếu có hòa bình trong các quốc gia, thì sẽ có hòa bình trên thế giới.

“Chúng ta hãy không chỉ hát, ‘Hãy để hòa bình trên trái đất và hãy để bình an bắt đầu với tôi,’ mà chúng ta hãy thực hiện điều đó. Biến nó thành mục đích của tôi—mục đích của anh chị em.”16

Một trong những câu chuyện Giáng Sinh yêu thích của tôi được phát hành trong tạp chí Deseret News hơn ba mươi năm trước. Câu chuyện kể về một bé gái mười một tuổi và những điều em đã học được qua nỗi buồn của em ấy về việc em đã không nhận được món quà mà em mong muốn và sự bình an của em trong lúc học hỏi về ý nghĩa của những điều mà chúng ta ăn mừng qua những món quà tặng trong dịp Giáng Sinh. Tôi chia sẻ điều này đặc biệt dành cho các trẻ em và giới trẻ trong chúng ta.

Một bé gái mười một tuổi đã buồn bã vì đã không nhận được con búp bê mới mà cô bé đã muốn có từ lâu.

một người mẹ trò chuyện cùng con gái

Cố gắng để an ủi, mẹ cô bé đã nói, “Con đang dần lớn hơn so với những điều đó.” Con gái bà thắc mắc, “Có phải con đã thật sự lớn so với lễ Giáng Sinh không?. Cha cô bé đã giải thích:

một người cha trò chuyện cùng con gái

“Con yêu của cha, đứa con gái bé bỏng đáng yêu. Có rất nhiều nỗi đau, và niềm vui, khi ta lớn lên. Không, con ơi, con chưa phải lớn hơn so với lễ Giáng Sinh. Một điều gì đó quan trọng hơn đang diễn ra với con. Con đang dần lớn lên để nhận ra rằng nhiều điều có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng hơn so với một đứa trẻ như con có thể hiểu. … Con đã từng nghe nói rằng chúng ta trao tặng các món quà vào lễ Giáng Sinh vì những người chăn chiên và những nhà thông thái đã mang quà tặng đến cho Hài Nhi Chúa Ky Tô, nhưng để cha kể cho con nghe về món quà Giáng Sinh đầu tiên thật sự.”

Sau đó ông đã mô tả tình yêu thương lớn lao mà Cha Thiên Thượng của chúng ta dành cho Con Trai đầu lòng của Ngài, “người đã trung thành với Ngài trong nhiều khó khăn và sự nổi loạn và thậm chí giúp đỡ Ngài sáng tạo ra thế gian mà chúng ta đang sống.” Ông kể cho cô bé nghe về cách mà Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, để làm Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta.

một người cha đọc sách cho con gái

Ông đọc trong Sách Mặc Môn về cách Vị Nam Tử này “sẽ từ trên trời xuống giữa đám con cái loài người, và sẽ trú trong một đền tạm bằng đất sét. … Và trông kìa, Ngài sẽ phải chịu đựng những cám dỗ, nỗi đau đớn của thể xác, sự đói khát, sự mệt nhọc, ngay cả hơn những gì loài người có thể chịu đựng được, trừ cái chết; vì này, máu sẽ chảy ra từ mọi lỗ chân lông, nỗi lo âu của Ngài về sự độc ác và những sự khả ố của dân Ngài thật lớn lao thay. Và Ngài sẽ được gọi là Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Cha của trời đất” (Mosiah 3:5, 7–8).

Trong lúc đóng sách lại, ông đã giải thích:

một người cha trò chuyện cùng con gái

“Mặc dù Cha Thiên Thượng của chúng ta đã biết những điều này sẽ xảy đến cho Con Trai yêu dấu của Ngài, nhưng Ngài, trong tình yêu thương và sự thông sáng vô hạn của Ngài, đã ban Con ấy cho thế gian. Và phần thứ hai của món quà tuyệt vời này là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử, cũng biết tất cả những điều này, đã sẵn lòng dâng bản thân Ngài để chúng ta có thể có cuộc sống vĩnh cửu.”

Nhiều năm sau, bé gái nay đã là một người phụ nữ, đã viết:

một thiếu nữ đang ngủ

“Đó là đêm Giáng Sinh đầu tiên mà tôi có thể nhớ rằng tôi đã đi ngủ mà không có con búp bê Giáng Sinh trên gối. Tôi đã có những thứ tốt hơn. Trong lòng tôi là một sự bình an mới mẻ và ly kỳ. Tôi đã tìm thấy một món quà mà không thể bị hao mòn hay thất lạc, một món quà mà tôi sẽ không bao giờ là quá lớn so với nó, mà là một món quà, với sự giúp đỡ của Thượng Đế, tôi phải phát triển thành. … Và tôi đã cầu nguyện … rằng một ngày nào đó tôi sẽ có con cái thật sự, và rồi tôi sẽ biết phần còn lại của Món Quà của Tình Yêu Thương.”17

Tôi xin kết thúc với lời giảng dạy của Chủ Tịch Rusell M Nelson trong Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào năm trước: “Chúa Giê Su Ky Tô là sự ban cho siêu việt của Thượng Đế—sự ban cho của Đức Chúa Cha cho tất cả con cái Ngài.18

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”19

Tôi cầu nguyện rằng lẽ thật vĩnh cửu sẽ thấm nhuần vào tất cả những điều chúng ta làm trong mùa Giáng Sinh này, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu ca 2:11, 13–14.

  2. Charles Dickens, The Life of Our Lord (Cuộc Đời của Chúa của Chúng Ta) (năm 1934), chương 11, trang 127.

  3. Xin xem Ê Phê Sô 6:15; Rô Ma 10:15.

  4. Ê Sai 32:17.

  5. Giăng 16:33.

  6. Giăng 14:27.

  7. 3 Nê Phi 22:13.

  8. Xin xem Ma Thi Ơ 5:44.

  9. Rô Ma 12:18.

  10. Teachings of Presidents of the Church: Howard W. Hunter (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Howard W Hunter) (năm 2015), trang 51, 56.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 59:23.

  12. Teachings of Spencer W. Kimball (Những Lời Giảng Dạy của Spencer W Kimball) (năm 2011), trang 157.

  13. “Sweet Is the Peace the Gospel Brings,” Hymns, số. 14.

  14. Lời bài hát “Let There Be Peace on Earth,” (Hãy để Hòa Bình trên Trái Đất) do Sy Miller and Jill Jackson sáng tác được bảo vệ bản quyền. © năm 1955, 1983 bởi Jan-Lee Music, ASCAP, bản quyền Quốc tế được đảm bảo. All rights reserved.

  15. John A. Widtsoe, “The Nature of Peace,” trong Conference Report, tháng Mười năm 1943, trang 113.

  16. Eldred G. Smith, “Peace,”(Bình An) Ensign, tháng Bảy năm 1972, trang 118.

  17. Janice Jensen Barton, “The Christmas I Remember Best,” (Giáng Sinh Tôi Nhớ Nhất,” Deseret News, ngày 24 tháng Mười Hai năm 1959, trang bìa.

  18. Russell M. Nelson, “Four Gifts from the Savior,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2019, trang 15.

  19. Giăng 3:16.