Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES
Danh Sách Các Mục Cần Kiểm Tra của Giảng Viên


30:15

Danh Sách Các Mục Cần Kiểm Tra của Giảng Viên

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi với Anh Cả Uchtdorf

Chủ Nhật, ngày 12 tháng Sáu năm 2022

Những Người Yêu Mến Của Tôi!

Các anh chị em và bạn bè thân mến của tôi, đây thật là một thời điểm tuyệt vời để cùng nhau hội ngộ và xem đoạn video kỳ diệu này mà cho chúng ta thấy làm thế nào các tín hữu Giáo Hội và mọi người trên khắp thế giới đều có thể giảng dạy mọi thế hệ, mọi lứa tuổi theo cách của Đấng Cứu Rỗi.

Những người bạn thân mến của tôi, ngày hôm nay, tôi biết ơn được ở cùng những người mà tôi yêu mến: những giảng viên—trong quá khứ, hiện tại, và tương lai! Vì tất cả mọi người đều là giảng viên theo cách này hay cách khác, tôi nghĩ rằng nhóm những người mà tôi yêu mến là khá bao quát. Tôi yêu thương các giảng viên. Tôi thích được ở gần họ. Tôi thương yêu và mang ơn rất nhiều những giảng viên trong cuộc đời tôi.

Các học giả đã nghiên cứu trong hàng trăm năm về điều gì tạo nên một giảng viên xuất sắc, và họ đã đề xuất, quảng bá, và công bố rộng rãi các lý thuyết của họ về điều gì giúp cho việc học tập được thành công.

Tất cả chúng ta đều có phước khi được học hỏi từ người thầy vĩ đại nhất mọi thời đại, Chúa Giê Su Ky Tô. Trong hơn hai ngàn năm qua, tôi cho rằng bất kỳ giây phút nào—ở một nơi nào đó trên thế gian—những lời giảng dạy của Ngài đều được trân quý, nghiên cứu, suy ngẫm, lặp lại và được đặt làm khuôn mẫu.

Và chẳng phải đó là mục tiêu của tất cả các giảng viên sao? Để tạo nên sự khác biệt tích cực lâu dài sao? Để ban phước cho cuộc sống của người khác nhiều hơn là chỉ trong một bài học hoặc lớp học sao?

Và Chúa Giê Su ở Na Xa Rét cũng có cùng một loại ảnh hưởng như vậy—trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Vậy còn ai tốt hơn để chúng ta học hỏi nữa? Nếu học hỏi từ Ngài, chúng ta sẽ cải thiện không chỉ với tư cách là giảng viên, bất kể hoàn cảnh cuộc sống chúng ta ra sao, mà còn cải thiện rất nhiều với tư cách là con người.

Do đó, tôi có đặc ân và vinh dự ngày hôm nay để nói chuyện với anh chị em về Đấng Cứu Rỗi—bởi vì cách tốt nhất để trở thành một giảng viên hiệu quả hơn là hãy trở thành một môn đồ trung tín hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tầm Quan Trọng của Việc Kiểm Tra Trước Chuyến Bay

Khi còn là một phi công của hãng hàng không, mỗi lần ngồi vào ghế cơ trưởng, tôi có một mục tiêu chính—đưa bản thân, phi hành đoàn, và hành khách của tôi đến nơi an toàn. Mục tiêu này đòi hỏi sự tập trung và cảnh giác.

Để duy trì sự tập trung này, các phi công phải thực hiện một loạt các bước kiểm tra trước chuyến bay, diễn tập các quy trình an toàn và kiểm tra chức năng của thiết bị và độ tin cậy của máy móc. Mỗi mục trong danh sách kiểm tra đó đều là việc mà người phi công đã làm hàng trăm (hoặc hàng ngàn) lần.

Một phi công lão luyện không bao giờ cho rằng bởi vì mình đã bay hàng trăm lần, nên không cần bận tâm đến việc kiểm tra trước chuyến bay hoặc lướt qua danh sách đó một cách hời hợt.

Việc kiểm tra trước chuyến bay rèn luyện các phi công phải tập trung vào những điều cần thiết cho một chuyến bay thành công.

Giống như mỗi phi công có một mục đích hướng dẫn cụ thể, chúng ta cũng như vậy với tư cách là những người giảng dạy Lời Chúa: để mang mọi người đến gần hơn với Đấng Ky Tô. Bất cứ khi nào chúng ta tiếp cận một cơ hội giảng dạy, đó nên là mục tiêu hàng đầu trong tâm trí chúng ta.

Là giảng viên, chúng ta có một danh sách để giúp chúng ta tập trung vào mục tiêu thiêng liêng của mình không? Có!

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Trong tháng này, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ xuất bản một phiên bản đã được cải tiến của tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi. Tài liệu đó là hướng dẫn dành cho tất cả những người giảng dạy phúc âm—ở nhà và tại nhà thờ. Tài liệu này sẽ có sẵn trong 70 ngôn ngữ trên ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Các bản in sẽ xuất bản trong những tháng tiếp theo.

Tài liệu này dựa trên cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô để hướng dẫn và soi dẫn chúng ta với tư cách là giảng viên. Nó giúp chúng ta tập trung vào việc giảng dạy giống như Ngài.

Tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp tất cả những ai đang giảng dạy. Nó có thể là nguồn cảm hứng và chỉ dẫn cho các bậc cha mẹ, người lân cận, các anh chị em phục sự, người truyền giáo, và tất cả các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc làm môn đồ có nghĩa là thương yêu, chăm sóc, ban phước, và nâng đỡ người khác, và điều đó có nghĩa là giảng dạy.

Nói cách khác, nếu anh chị em đang cố gắng thương yêu và phục vụ như Chúa Giê Su đã làm, thì anh chị em chính là một giảng viên, và tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi là dành cho anh chị em và cho tôi. Tôi hy vọng rằng tài liệu này là quý giá đối với anh chị em, dù anh chị em là người mới trên hành trình này hoặc đã có nhiều năm kinh nghiệm.

Trong phần 3 của tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, có một phần tự đánh giá—giống như một danh sách kiểm tra trước chuyến bay—mà có thể giúp chúng ta tập trung hơn vào nỗ lực giảng dạy của mình. Phần này sẽ dẫn đến việc tự suy xét, tiết lộ những điều chưa biết, và soi dẫn về những cách thức mà chúng ta có thể cải thiện. Phần này có thể hữu ích cho những giảng viên giống như danh sách kiểm tra trước chuyến bay hữu ích cho các phi công.

Nếu anh chị em cho phép tôi ngồi cạnh anh chị em trong buồng lái, thì tôi muốn cùng anh chị em thực hiện các bước kiểm tra trước chuyến bay của việc giảng dạy này. Tôi mời anh chị em lấy ra một tấm bảng tưởng tượng và xem xét cách anh chị em tự đánh giá bản thân về mỗi mục. Bảng tự đánh giá này có thể là một phước lành lớn lao—cho ngày hôm nay và mỗi lần chúng ta chuẩn bị giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi.

Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô

Mục đầu tiên trong danh sách kiểm tra trước chuyến bay của chúng ta là “Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô.” Đây là cơ hội để suy ngẫm liệu Đấng Cứu Rỗi có phải là trọng tâm trong việc giảng dạy của chúng ta không. Xin hãy cân nhắc những câu hỏi sau đây:

  • Tôi có giảng dạy về Chúa Giê Su Ky Tô bất kể là tôi đang dạy điều gì không?

  • Tôi có nhấn mạnh đến tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô không?

  • Tôi có giúp học viên nhận ra tình yêu thương, quyền năng, và lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của họ không?

  • Tôi có giúp học viên nỗ lực cố gắng trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn không?

Đây là những câu hỏi sâu sắc!

Hãy công nhận điều này: phúc âm rất bao la, đến mức chúng ta có thể dành cả đời để học hỏi mà vẫn không hết. Hãy tưởng tượng việc tô vẽ một tấm bia cao lớn như mặt ngoài của một tòa nhà gỗ khổng lồ mà có thể tượng trưng cho tầm vóc của phúc âm.

Tất cả chúng ta đều có những sở thích trong phúc âm—những điều làm chúng ta thích thú. Các giai đoạn lịch sử, các chương trình của Giáo Hội, các đề tài giáo lý, hoặc thậm chí là những câu thánh thư khác nhau. Và chúng ta có thể bị cám dỗ để tập trung chủ yếu vào các đề tài ưa thích này của mình.

Nhưng dù mục tiêu trong việc giảng dạy phúc âm có lớn đến đâu, thì hồng tâm của nó—điểm trung tâm của mục tiêu—điều mà chúng ta phải luôn nhớ tập trung vào—vẫn rất nhỏ. Và tâm điểm này được trao cho chúng ta không phải qua các bình luận, thăm dò ý kiến, hoặc tranh luận. Chính Đấng Cứu Rỗi đã ban nó cho chúng ta.

Vậy hồng tâm đó là gì?

Hãy yêu mến Thượng Đế và yêu thương người khác.

Đó chính là trọng tâm.

Những điều khác có thể làm chúng ta thích thú. Chúng thậm chí có thể quan trọng. Nhưng chúng không phải là trọng tâm.

Chúng chỉ là phụ. Chúng chỉ giống như món ăn phụ trong thực đơn của chúng ta; có thể như rau quả so với món chính. Chúng có thể thêm vào nhiều hương vị khác nhau, và có lẽ là rất nhiều vitamin, nhưng chúng không phải là món chính.

Vậy thì mục tiêu của chúng ta khi giảng dạy là gì?

Mục tiêu của chúng ta là để giúp những người mình dạy đến gần Đấng Ky Tô hơn, gia tăng sự hiểu biết và tình thương yêu Thượng Đế của họ, và phục vụ Thượng Đế bằng cách tìm đến tất cả các con cái của Ngài với lòng trắc ẩn.

Đó chính là trọng tâm.

Và chúng ta tìm thấy tấm gương vĩ đại nhất về việc thương yêu Thượng Đế và những người khác ở đâu?

Qua cuộc đời và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Khi mang người khác đến gần Đấng Ky Tô hơn, chúng ta giúp họ gia tăng đức tin và tình thương yêu Thượng Đế. Và chúng ta giúp họ gia tăng lòng trắc ẩn và tình thương yêu người khác.

Bất cứ khi nào bị cám dỗ để đi lệch hướng và bị phân tâm bởi những đề tài khác mà dường như thú vị đối với mình, thì chúng ta nên thực sự tự hỏi rằng:

“Tôi có giảng dạy về Chúa Giê Su Ky Tô bất kể là tôi đang dạy điều gì không?”

“Điều tôi đang giảng dạy có giúp người khác phát triển tình thương yêu Thượng Đế và thể hiện tình thương yêu đó qua việc thương yêu và phục vụ, và qua việc áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống chúng ta không?”

Là giảng viên, chúng ta có thể nói bằng ngôn ngữ của các thiên sứ; chúng ta có thể làm cho người khác cảm thấy thích thú, vui mừng, và kinh ngạc. Nhưng nếu thất bại trong việc tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta đã nhìn quá xa điểm nhắm1 và việc giảng dạy của chúng ta chỉ đạt được phần nào tiềm năng của nó.

Hãy luôn tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy

Danh mục kiểm tra thứ hai là “Yêu Mến Những Người mà Anh Chị Em Giảng Dạy.” Danh mục kiểm tra này cho phép chúng ta suy ngẫm về động cơ của bản thân với tư cách là giảng viên, và nó nhắc nhở chúng ta hãy giữ lòng mình tập trung vào việc thương yêu và quý trọng những người mình dạy. Sau đây là một số câu hỏi để cân nhắc:

  • Tôi có cố gắng nhìn nhận học viên theo cách Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận họ không?

  • Tôi có cố gắng tìm hiểu về những người mà mình dạy—để hiểu hoàn cảnh, nhu cầu, và ưu điểm của họ không?

  • Tôi có cầu nguyện cho học viên bằng tên của họ không?

  • Tôi có tạo ra một môi trường an toàn để tất cả mọi người đều được tôn trọng và biết rằng sự đóng góp của họ có giá trị không?

  • Tôi có tìm những cách phù hợp để bày tỏ tình yêu thương của mình không?

Tôi nghe nói về một phụ nữ là một giáo viên trung học nhiều kinh nghiệm. Cô ấy đã dành nhiều năm để phát triển phương pháp giảng dạy của mình và đã đóng góp đáng kể vào cuộc sống của các học sinh trung học. Cô ấy biết cách đối phó với lứa tuổi này một cách hoàn hảo.

Một năm nọ, cô tham gia vào một chương trình học hè mà trong đó cô ấy dạy các học sinh nhỏ tuổi hơn và khác biệt hơn rất nhiều, đó là các em năm tuổi. Tất nhiên, các em nhỏ này rất hào hứng và hiếu động khi chúng tràn vào lớp của cô ấy. Chúng rất ồn ào và không ngừng cười đùa, hò hét, chạy giữa các dãy bàn, và rượt đuổi lẫn nhau. Để giúp lớp học trở nên trật tự, cô giáo này đã sử dụng “giọng điệu cô giáo” mà rất có hiệu quả với các học sinh trung học để bảo chúng ổn định vào chỗ ngồi. Nhưng điều gì đã xảy ra?

Một sự im lặng bao trùm lớp học. Bọn trẻ ngay lập tức dừng việc chúng đang làm và trố mắt ra, chạy đến một cái bàn trống. Ngoại trừ hai em nhỏ.

Em thứ nhất, một bé gái, ngồi sụp xuống sàn và bắt đầu khóc. Mặc dù cô giáo này không hề cảm thấy giận dữ đối với em ấy, nhưng cô bé này cảm thấy rằng mình đã làm một điều gì đó rất tồi tệ và khóc sướt mướt.

Em thứ nhì, một bé trai mạnh khỏe, nhìn cô giáo với vẻ sợ hãi và chạy nhanh ra cửa, rồi mất hút ở phía hành lang. Cô giáo này tự hỏi không biết em ấy có quay lại không.

Ngày hôm đó, cô giáo này đã học được một bài học quan trọng: những kỹ năng mà cô ấy dùng đối với các trẻ vị thành niên không có hiệu quả đối với các em nhỏ tuổi.

Và đó cũng là bài học cho chúng ta, cho anh chị em và tôi.

Mỗi người chúng ta giảng dạy là một người con của Thượng Đế và có nhân cách riêng.

Chúng ta có nhìn nhận họ theo cách mà Cha Thiên Thượng nhìn nhận họ—như những cá nhân riêng biệt với suy nghĩ, cảm nhận, thử thách, và khó khăn của riêng họ không? Chúng ta có đang tạo cho họ một môi trường học hỏi an toàn—một nơi mà mỗi người đều cảm thấy an tâm và được chấp nhận không?

Cho dù ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta là gì, thì những học viên của chúng ta có biết rằng chúng ta nói ngôn ngữ chung của tình yêu không? Rằng chúng ta trân quý họ, có lòng trắc ẩn đối với họ, và tôn trọng họ không?

Đấng Cứu Rỗi đã dành phần lớn cuộc đời Ngài với những người bị xã hội ruồng bỏ.

Ngài đã có thể thuyết giảng và lên án họ. Thay vào đó, Ngài đã đón nhận, chữa lành, và an ủi họ.

Đúng vậy, Ngài đã phán dạy họ “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.”2 Nhưng đối với những người đau yếu, tội lỗi, và tàn tật, Ngài đã nói và hành động với tình yêu thương, lòng trắc ẩn, và sự tôn trọng.

Ngài xem mỗi người chúng ta như các con trai và con gái của Thượng Đế Toàn Năng—không thấp kém hơn Ngài, với tiềm năng vĩnh cửu để bước cùng Ngài trong vinh quang.

Nhà văn nổi tiếng người Ky Tô Giáo là C. S. Lewis đã nhắc lại quan điểm này khi ông dạy rằng: “Chúng ta không thể coi thường việc sống trong một xã hội gồm có những người nam và nữ đều có khả năng trở thành những vị thần, và hãy nhớ rằng người khù khờ và tẻ nhạt nhất mà bạn trò chuyện cùng có thể một ngày nào đó sẽ là một người mà, nếu bạn nhìn thấy bây giờ thì bạn sẽ bị thôi thúc mạnh mẽ phải thờ phượng.” Và ông nói tiếp: “Không có người nào là bình thường. Bạn chưa bao giờ trò chuyện với một người trần tục. … Chúng ta đùa cợt, làm việc, kết hôn, hắt hủi, và bóc lột những con người bất diệt — bất diệt … và huy hoàng vĩnh cửu.”3

Khi đối xử với người khác bằng sự tôn trọng như vậy, chúng ta noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta yêu thương như Ngài đã yêu thương. Chúng ta nâng đỡ như Ngài đã nâng đỡ. Chúng ta giảng dạy như Ngài đã giảng dạy.

Vậy nên, chúng ta hãy nhớ yêu thương, tôn trọng, và nâng đỡ những người mình giảng dạy.

Giảng Dạy qua Thánh Linh

Danh mục kiểm tra thứ ba là “Giảng Dạy qua Thánh Linh” Xin hãy cân nhắc những câu hỏi sau đây:

  • Tôi có chuẩn bị bản thân về phần thuộc linh để giảng dạy chưa?

  • Tôi có làm theo những sự thúc giục thuộc linh về nhu cầu của các học viên không?

  • Tôi có tạo điều kiện và cơ hội cho học viên để họ được giảng dạy bởi Đức Thánh Linh không?

  • Tôi có giúp các học viên tìm kiếm, nhận ra, và hành động theo sự mặc khải cá nhân không?

  • Tôi có chia sẻ chứng ngôn thường xuyên và khuyến khích các học viên làm như vậy không?

Tôi cố gắng thường xuyên nhắc nhở mình rằng trong tất cả các nỗ lực để giảng dạy phúc âm và mang người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, tôi không thể cải đạo bất kỳ ai.

Chỉ có Đức Thánh Linh có thể làm điều đó.

Chúng ta có thể cất lên lời đó, nhưng sự cải đạo là việc của Thánh Linh. Điều này xảy ra khi Đức Thánh Linh cảm động tấm lòng một người và người đó đáp lại ảnh hưởng của Ngài bằng cách noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Nếu, nhờ vào những lời lẽ thuyết phục hoặc các lý luận vững chắc, một ai đó “được thuyết phục” để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, thì niềm tin đó cũng chỉ thoáng qua như hạt giống rơi vào những nơi đầy sỏi đá.4

Công việc của chúng ta không phải là cải đạo. Đó không phải là trách nhiệm của chúng ta.

Nhưng việc của chúng ta là gì? Là để giảng dạy tin lành về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài mà đã được phục hồi trong thời kỳ của chúng ta! Và công việc của chúng ta là phải hỗ trợ và chứng minh lời nói của mình bằng những hành động trung thực và chân thành! Cuộc sống chúng ta, cách chúng ta sống và hành động.

Liệu ai đó có đáp lại điều chúng ta giảng dạy hay không là việc giữa họ và Thượng Đế. Nhưng chúng ta có thể là cầu nối giữa họ và Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể là cửa sổ để qua đó Đức Thánh Linh có thể bước vào cuộc sống của họ. Những lời nói và hành động của chúng ta có thể giảng dạy giáo lý của Đấng Ky Tô theo một cách thức để giúp học viên cảm nhận được sự can thiệp của Đức Thánh Linh.

Như Anh Cả Dallin H. Oaks đã dạy: “Việc học hỏi và lý luận có thể tìm ra lẽ thật … nhưng chỉ có sự mặc khải mới có thể xác nhận lẽ thật ấy.”5

Tôi xin lặp lại câu đó: “Việc học hỏi và lý luận có thể tìm ra lẽ thật … nhưng chỉ có sự mặc khải mới có thể xác nhận lẽ thật ấy.”

Đôi lúc, chúng ta dường như mộng du trong cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy nhiều điều nhưng hiếm khi nhớ được chúng. Các quảng cáo, lời trích dẫn trên Pinterest, thậm chí là biển báo trên đường. Hầu hết những điều ấy lướt qua tâm trí chúng ta mà không thấm sâu vào lòng.

Nhưng nếu Đức Thánh Linh ngỏ lời với tâm hồn của anh chị em, với tâm hồn của tôi, thì chúng ta sẽ không thể nào quên được, vì điều đó sẽ thay đổi anh chị em; nó sẽ thay đổi chúng ta. Hãy nhớ lại những lời của Joseph Smith sau khi đọc Gia Cơ 1:5: “Thật chưa có một đoạn thánh thư nào lại có tác dụng xúc động tâm hồn con người mãnh liệt bằng đoạn thánh thư này đối với tôi lúc bấy giờ.”6

Thánh Linh có thể mang một suy nghĩ bình thường được thốt ra theo một cách bình thường và khiến nó bùng cháy lên như ngọn lửa.

Sự cải đạo của người khác không phụ thuộc vào tài hùng biện hoặc khả năng sử dụng thánh thư của chúng ta. Nó không phụ thuộc vào tài năng giảng dạy hoặc bảo vệ giáo lý của chúng ta. Nó không phụ thuộc vào trí thông minh, sự lôi cuốn, hay khả năng sử dụng ngôn ngữ của chúng ta.

Tất cả những gì chúng ta cần làm là tự mình biết. Sau đó, Cha Thiên Thượng mời chúng ta hãy “mở miệng mình luôn luôn để rao truyền phúc âm [của Ngài] bằng một âm thanh vui vẻ.”7 Và nếu chúng ta làm như vậy, Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về lẽ thật.

Chúng ta không cần phải “trở thành” bất cứ điều gì khác với bản thân mình, và đó là những con cái của Thượng Đế và các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh chị em có thể vui vẻ bày tỏ tình thương yêu của mình đối với Đấng Cứu Rỗi, phúc âm, và Giáo Hội của Ngài không?

Nếu chúng ta làm phần vụ của mình, thì Thánh Linh sẽ làm phần vụ của Ngài. Đó là cách chúng ta “giảng dạy qua Thánh Linh.”

Giảng Dạy Giáo Lý

Mục thứ tư trong danh sách kiểm tra trước chuyến bay của chúng ta là “Giảng Dạy Giáo Lý”—tất nhiên không phải bất kỳ giáo lý nào, mà phải là giáo lý mà Chúa Giê Su Ky Tô đã nhận được từ Cha Ngài. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến.”8 Để đánh giá xem chúng ta đang noi theo gương Ngài đến mức nào, hãy cân nhắc những câu hỏi sau đây:

  • Tôi có học hỏi giáo lý này cho bản thân mình không?

  • Tôi có giảng dạy từ thánh thư và lời của các vị tiên tri ngày sau không?

  • Tôi có giúp học viên nhận ra và hiểu biết các lẽ thật trong thánh thư không?

  • Tôi có tập trung vào các lẽ thật giúp xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô không?

  • Tôi có giúp học viên tìm kiếm sự mặc khải cá nhân trong giáo lý đó không?

Chúa đã phán trong gian kỳ của chúng ta rằng: “Và ta ban cho các ngươi một lệnh truyền rằng các ngươi phải giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc. Các ngươi hãy siêng năng giảng dạy lẫn nhau, rồi ân điển của ta sẽ ở với các ngươi.”9

Giáo lý mà chúng ta phải giảng dạy là gì?

Đó là những lời đến từ thánh thư và từ miệng của các vị sứ đồ và tiên tri. Chính họ là những người có quyền và thẩm quyền để giải thích và làm sáng tỏ giáo lý. Và qua họ, Thượng Đế đã luôn luôn tuyên bố lời Ngài để ban sự hướng dẫn và sự hiểu biết cho con cái của Ngài.

Giáo lý cứu rỗi và trọng tâm của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chính là lẽ thật rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tất cả mọi người. Sứ Đồ Phao Lô, người đã nhìn thấy và giao tiếp với Đấng Cứu Rỗi phục sinh, đã viết thư cho những người ở Cô Rinh Tô: “Tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng … ấy là [Chúa Giê Su Ky Tô] chịu chết vì tội chúng ta … rằng Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại … và Ngài đã hiện ra cho Sê Pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ.”10

Chúng ta được truyền lệnh phải “có được lời của Thượng Đế, là lời sống và mãnh lực … và [sẽ] dẫn dắt người của Đấng Ky Tô vào con đường chật và hẹp … và đặt linh hồn họ, phải, linh hồn bất diệt của họ, ở bên tay phải của Thượng Đế trong vương quốc thiên thượng.”11

Là giảng viên, chúng ta không được hổ thẹn về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.12 Thay vào đó, chúng ta phải vui vẻ cất cao tiếng nói của mình trong việc giảng dạy giáo lý của Ngài, thậm chí khi điều đó dường như gây trở ngại cho một số người và dường như rồ dại đối với những người khác.13 “Vì đây là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.”14

Mời Học Tập Siêng Năng

Mục cuối cùng trong danh sách kiểm tra trước chuyến bay của chúng ta là “Mời Gọi Học Tập Siêng Năng.” Mục này là một lời nhắc nhở rằng việc chúng ta giảng dạy siêng năng chỉ là một nửa của phương trình. Nửa còn lại—về lâu dài, có lẽ là nửa quan trọng hơn—là việc học tập siêng năng của các học viên. Sau đây là một số câu hỏi để giúp đánh giá liệu việc chúng ta giảng dạy siêng năng có dẫn đến việc học tập siêng năng không:

  • Tôi có giúp học viên chịu trách nhiệm đối với việc học tập của họ không?

  • Tôi có khuyến khích học viên học phúc âm hằng ngày không?

  • Tôi có khuyến khích học viên chia sẻ các lẽ thật mà họ đang học không?

  • Tôi có mời học viên sống theo điều họ đang học không?

Linh hồn chúng ta cần được liên tục nuôi dưỡng để chúng ta có thể trở thành các tạo vật đầy ánh sáng và vinh quang như Thượng Đế mong muốn. Khi học hỏi và suy ngẫm lời của các vị tiên tri của Thượng Đế, chúng ta uống nước sự sống và nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô.

Việc chỉ đọc những lời này là không đủ. Chúng ta cần phải nghe theo lời đó; chúng ta cần phải suy ngẫm và tiếp thu chúng.15

Tôi xin diễn đạt lại một câu châm ngôn: “Hãy dạy phúc âm cho một người và anh chị em đã ban phước cho người ấy trong một ngày. Hãy dạy một người cách nuôi dưỡng lời Thượng Đế và kết nối với Đức Thánh Linh, và anh chị em đã ban phước cho người đó suốt đời.”

Chính nhờ vào quá trình của sự soi dẫn và mặc khải cá nhân mà chúng ta xây đắp cuộc sống của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc.16 Chỉ khi đó, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể trở thành “cái neo của linh hồn.”17

Việc giảng dạy phúc âm là quan trọng. Việc giảng dạy người khác hãy đắm mình trong việc cầu nguyện, tìm kiếm Thánh Linh, và việc áp dụng điều họ đã học ít ra cũng quan trọng tương đương.

Lời Hứa & Phước Lành

Hỡi các anh chị em thân mến, bạn bè yêu quý, những giảng viên kính mến—và tất cả các anh chị em đều là giảng viên; tất cả chúng ta đều là giảng viên—xin cảm ơn về sự trung tín của anh chị em và mong muốn của anh chị em để làm điều thiện. Cảm ơn các anh chị em vì đã dành nhiều giờ để chuẩn bị, phục sự, và giảng dạy người khác về phúc âm một cách vui vẻ.

Tôi mời các anh chị em nghiên cứu tài liệu mới Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi và sử dụng phần tự đánh giá để tự nhắc nhở về mục đích của anh chị em.

Bằng cách nắm vững lời Thượng Đế và giảng dạy người khác làm như vậy—qua việc giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi—chúng ta thể hiện tình yêu thương dành cho Thượng Đế và những người lân cận của mình. Và khi bước đi trên con đường chật và hẹp đó, chúng ta tham dự vào sự kêu gọi thiêng liêng nhất để dẫn dắt linh hồn bất diệt của chính chúng ta và của những người khác đến bên “tay phải của Thượng Đế trong vương quốc thiên thượng, để họ được ngồi chung với Áp Ra Ham, Y Sác, Gia Cốp, và tất cả các thánh tổ phụ của chúng ta, để họ không còn phải đi ra ngoài nữa.”18

Cầu xin Thượng Đế ban phước cho anh chị em, những người bạn thân mến của tôi, những giảng viên và các tôi tớ đồng nghiệp của tôi, cho những nỗ lực chân thành của anh chị em để giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi. Trong thánh danh của người thầy vĩ đại nhất mọi thời đại, trong tôn danh Đức Thầy của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.