Giới Trẻ
Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên


Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên

Chủ Tịch Russell M. Nelson: Không có lời nào đủ để diễn tả lòng biết ơn của chúng tôi đối với ca đoàn lớp giáo lý. Ôi, các em hát hay quá. Xin cám ơn các em. Cám ơn các em rất nhiều. Khi nhìn thấy Trung Tâm Đại Hội này đông kín Các Thánh Hữu Ngày Sau đẹp đẽ, tôi cảm thấy như là cuối cùng tôi đã có được một gia đình đông đúc mà tôi đã hy vọng có. Có 22.000 em ở đây buổi tối nay và còn nhiều ngàn em khác đang xem chương trình phát sóng này.

Chị Nelson và tôi rất vui mừng khi được hiện diện với các em buổi tối hôm nay. Chúng tôi thích được hiện diện với các em, là giới trẻ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô—cùng các giảng viên và cha mẹ của các em.

Chúng tôi mong muốn có thể nghe từ mỗi em về những kinh nghiệm của các em trong việc chuẩn bị cho buổi họp toàn cầu của chúng ta, trong khi các em đọc Sách Mặc Môn hằng ngày và cầu nguyện để được nghe điều Chúa thiết tha muốn giảng dạy cho các em.

Một lần nữa, tôi có lời cám ơn ca đoàn lớp giáo lý đã hát bài thánh ca mở đầu của chúng ta với mối cảm xúc như vậy. Bài thánh ca đó—“Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho một Vị Tiên Tri”—hướng lòng chúng ta tới Tiên Tri Joseph Smith. Chúng ta mang ơn ông biết bao! Ông là vị tiên tri của gian kỳ cuối cùng này! Hãy tưởng tượng đi! Ông ở tuổi của các em khi ông được soi dẫn bởi những lời của Sứ Đồ Gia Cơ: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời.”1

Những lời đó đã khiến cho thiếu niên Joseph phải đi đến một khu rừng gần đó, nơi mà ông đã trút lòng mình ra cùng Thượng Đế.

Các tầng trời đã mở ra! Joseph đã nhìn thấy Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và tự ông biết được phải đi đâu để tìm câu trả lời cho các câu hỏi của mình.

Bây giờ tôi khẩn nài với mỗi em hãy làm như thiếu niên Joseph đã làm. Hãy đích thân mang các câu hỏi của các em đến Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện. Hãy cầu xin Ngài, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, hướng dẫn các em. Các em có thể tự mình biết được—ngay bây giờ ở tuổi của các em—cách nhận được mặc khải cá nhân. Và không có điều gì sẽ tạo ra sự khác biệt lớn hơn thế trong cuộc sống của các em!

Tôi hứa với các em—chứ không phải là hứa với người đang ngồi bên cạnh các em, mà chính là với các em—rằng cho dù các em đang ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cho dù các em đang ở đâu trên con đường giao ước—ngay cả vào lúc này đây, các em không tập trung vào con đường ấy—thì tôi cũng hứa với các em rằng nếu các em chịu chân thành và liên tục làm công việc thuộc linh cần thiết để phát triển kỹ năng thuộc linh và quan trọng của cách học nghe những thúc giục của Đức Thánh Linh, thì các em sẽ có được tất cả mọi chỉ dẫn mà các em sẽ luôn cần trong cuộc đời mình. Các câu hỏi của các em sẽ được giải đáp theo cách thức và kỳ định riêng của Chúa. Và cũng đừng quên lời khuyên dạy của cha mẹ và các vị lãnh đạo Giáo Hội. Họ cũng đang tìm kiếm mặc khải thay cho các em.

Khi biết được cuộc sống của mình đang được Thượng Đế hướng dẫn, mặc cho những thử thách và thất vọng có thể và sẽ đến, các em cũng sẽ cảm nhận được niềm vui và sự bình an.

Bây giờ, chúng tôi muốn nói với các em về thử thách gay go nhất, chính nghĩa lớn nhất và công việc vĩ đại nhất trên thế gian. Và chúng tôi muốn mời các em tham gia vào!

Tôi đã yêu cầu Chị Wendy Nelson nói về văn cảnh của sứ điệp quan trọng đó. Xin mời Chị Nelson.

Chị Wendy W. Nelson: Các em thân mến, là những người mà chúng tôi yêu mến và tin tưởng, tôi muốn được bắt đầu bằng cách kể cho các em nghe điều mà vợ chồng tôi đã thấy vào một ngày nọ khi chúng tôi lái xe ngang qua những ngọn đồi ở Utah trên một chiếc xe chạy trên mọi địa hình.

Đó là một ngày mùa thu đẹp trời. Chúng tôi thích được ở giữa vùng cây cối đổi màu vàng và lộng lẫy, đang mọc cao và vươn thẳng lên trời.

khu rừng cây

Sau đó, chúng tôi rẽ vào một góc và tôi thấy một cái cây mà nhắc nhở tôi về con người tôi, và cảm giác của tôi thường có trong nhiều tình huống.

thân cây cong queo

Các em có biết cảm giác đó không? Các em nhìn xung quanh và có thể nói là mọi người khác đều vươn cao và thẳng lên tới trời.

Họ đều có mọi điều được ổn thỏa. Họ mặc quần áo chỉnh tề, dường như luôn luôn nói lời đúng, không có vấn đề gì cả, và vâng lời một cách tuyệt đối—và hình như không bao giờ phạm sai lầm trong cuộc đời của họ.

Và các em và tôi thì không được như vậy!

Các em thân mến, đã đến lúc phải ngừng so sánh bản thân mình với người khác. Đã đến lúc bỏ đi những quan điểm sai lầm về bản thân mình và về người khác. Sự thật là, chúng ta không đầy khuyết điểm như chúng ta nghĩ, và những người khác đều không hoàn hảo như vẻ bề ngoài của họ—dĩ nhiên, chỉ trừ Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta, mà thôi.

Điều duy nhất thực sự quan trọng là các em và tôi đang làm chính xác điều chúng ta đã cam kết—chính là đã giao ước—trong tiền dương thế với Cha Thiên Thượng là chúng ta sẽ làm trong khi chúng ta đang ở trên thế gian này đây.

Vậy, tôi xin hỏi các em: Các em được sinh ra để làm gì?

Tôi ước gì các em có thể xem được đoạn video dài 10 phút về cuộc sống tiền dương thế của các em trên YouTube.

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng nếu có thể nhìn vào thiên thượng trong năm phút, thì các em sẽ biết rõ một vấn đề hơn là các em nghiên cứu nó trong suốt cuộc đời của các em.2 Vì vậy, hãy tưởng tượng xem nếu như các em có thể nhìn cuộc sống tiền dương thế của các em trong 10 phút!

Dĩ nhiên chúng ta biết rằng Chúa đã khôn ngoan kéo bức màn che kín những ký ức đó. Nhưng, chỉ trong chốc lát, hãy thử tưởng tượng hiệu quả trong cuộc sống của các em bây giờ sẽ như thế nào nếu các em được cho xem 10 phút về cuộc sống tiền dương thế của các em.

Tôi tin rằng nếu các em có thể nhìn thấy mình đang sống với Cha Mẹ Thiên Thượng và với Chúa Giê Su Ky Tô; nếu các em có thể quan sát điều các em đã làm trong tiền dương thế và thấy mình lập các cam kết—chính là các giao ước—với những người khác, kể cả những người hướng dẫn và giảng viên của các em; nếu các em có thể nhìn thấy mình can đảm đáp trả các cuộc tấn công vào lẽ thật và dũng cảm ủng hộ Chúa Giê Su Ky Tô, thì tôi tin rằng mỗi em sẽ có quyền năng, sự cam kết và quan điểm vĩnh cửu được gia tăng để giúp các em khắc phục bất cứ và tất cả mọi hoang mang, nghi ngờ, vấn đề khó khăn và rắc rối của các em. Hết tất cả!

Tôi tin rằng nếu các em có thể nhớ được những người nào các em đã nói là sẽ giúp đỡ trong khi các em đang ở trên thế gian này đây, hoặc những kinh nghiệm khổ sở mà các em đã đồng ý để trải qua, rằng bất cứ tình huống thực sự khó khăn nào các em hiện đang gặp—hoặc sẽ gặp—thì các em sẽ nói: “Ồ, giờ tôi nhớ ra rồi. Giờ tôi hiểu rồi. Tình huống khó khăn này giờ trở nên có lý đối với tôi. Với sự giúp đỡ của Chúa, tôi có thể làm được điều này!”

Bây giờ, còn một điều khác nữa mà tôi mời các em suy nghĩ. Tôi thích tưởng tượng rằng mỗi người chúng ta đến thế gian với một bản liệt kê gắn liền với linh hồn của chúng ta, có tựa đề là: “Những Điều Phải Làm Trong Khi ở trên Thế Gian.”

Chúng ta hãy nói về những gì có thể gồm vào trong bản liệt kê đó. Chúng ta hãy nói về năm điều chắc chắn được viết lên trên bản liệt kê của các em theo đúng như phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Trước hết các em đến để tiếp nhận một thể xác hữu diệt. Và các bạn tôi ơi, đó là một vấn đề thực sự quan trọng.

Thứ hai, các em đến để được thử thách.

Tiện thể, các em có nhận thấy rằng thử thách của chúng ta thường liên quan đến việc học cách kiềm chế lòng ham muốn và niềm đam mê của cơ thể chúng ta, mà đôi khi có thể vượt ngoài tầm kiểm soát không? Nếu các em hiện đang vật lộn với những hậu quả của bất cứ loại nghiện ngập hoặc tội lỗi nghiêm trọng nào mà chưa được hối cải, thì tôi khuyên các em nên cất bỏ gánh nặng của bản thân bằng cách nói chuyện với giám trợ của các em—ngày hôm nay. Ông ấy nắm giữ các chìa khóa chức tư tế mà có thể giúp đỡ các em.

Điều thứ ba phải làm trong khi ở trên thế gian: chọn theo Chúa Giê Su Ky Tô và ủng hộ Ngài, cũng giống như các em đã làm trong tiền dương thế.

Thứ tư, chọn hối cải hằng ngày và dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần. Khi làm như vậy, các em sẽ được chữa lành, củng cố và làm vinh hiển về phần thuộc linh, và cuối cùng được thánh hóa và tôn cao nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Bây giờ là mục thứ năm trong bản liệt kê của các em: tìm kiếm và làm tròn sứ mệnh trên trần thế của các em. Các bạn trẻ thân mến của tôi, trong tiền dương thế, các em và tôi đều được ban cho những sứ mệnh tuyệt vời để làm tròn trong khi ở trên thế gian này đây.

Chúng ta có cơ hội để làm tròn những sứ mệnh trên trần thế của mình. Nhưng chúng ta không bắt buộc phải làm. Không một ai sẽ bắt chúng ta phải làm cả. Chúng ta có quyền tự quyết của mình để chọn cách sử dụng thời gian và năng lực, tài năng và phương tiện của mình. Trong thực tế, điều chúng ta chọn để làm thì thật sự là một phần thử thách của chúng ta.

Sự lựa chọn này là của các em và của tôi. Chúng ta sẽ chọn để làm bất cứ điều gì cần làm để hoàn thành các sứ mệnh tuyệt vời mà vì đó chúng ta đã được gửi đến thế gian để làm không?

Trong khi câu hỏi đó được ngẫm nghĩ trong tâm trí các em, chúng ta hãy chuyển đề tài để nói về lý do tại sao các em hiện diện trên thế gian này—vào thời điểm đặc biệt này, tức là một thời điểm độc đáo trong lịch sử của thế gian.

Tại sao các em hiện diện trên thế gian ngay lúc này đây?

Tại sao các em không được sinh ra vào các thập niên 1880? Hoặc 30 năm sau?

Tôi xin kể cho các em nghe về một kinh nghiệm đã trực tiếp dạy tôi về những thời kỳ lịch sử mà chúng ta đang sống.

Chúng ta thường nói về cuộc sống trong những ngày sau này. Xét cho cùng, chúng ta là Các Thánh Hữu Ngày Sau. Nhưng có lẽ những ngày này còn “sau cùng” nhiều hơn chúng ta từng tưởng tượng.

Lẽ thật này đã trở thành hiện thực đối với tôi vì điều tôi đã trải qua trong một khoảng thời gian 24 giờ mà bắt đầu vào ngày 15 tháng Sáu năm 2013. Khi đó, vợ chồng tôi đang ở Moscow (Mát-xcơ-va), Nga.

Trong khi Chủ Tịch Nelson gặp gỡ các vị lãnh đạo chức tư tế, thì tôi có đặc ân được nhóm họp với gần 100 chị em phụ nữ của chúng ta. Tôi yêu mến các chị em người Nga. Họ thật là tuyệt vời!

Khi bước đến bục giảng để nói chuyện, thì tôi nhận thấy mình đang nói về một điều mà tôi không bao giờ ngờ tới. Tôi nói với các phụ nữ: “Tôi muốn được biết các chị em là dòng dõi nào. Xin hãy đứng lên khi chi tộc Y Sơ Ra Ên đại diện cho dòng dõi được tuyên bố trong phước lành tộc trưởng của các chị em được nói tới.”

“Benjamin?” Có một vài chị em phụ nữ đứng lên.

“Dan?” Có thêm một vài chị em nữa đứng lên.

“Reuben?” Có thêm một vài người đứng lên.

“Naphtali?” Nhiều người nữa đứng lên.

Trong khi tên của mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên được đọc lên—từ Asher đến Zebulun—và trong khi các chị em phụ nữ đứng lên, chúng tôi đều kinh ngạc trước điều chúng tôi đang chứng kiến, cảm nhận và học được.

Các em nghĩ có bao nhiêu trong số mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên đã được đại diện trong nhóm nhỏ chưa tới 100 phụ nữ vào ngày thứ Bảy đó ở Mát-xcơ-va?

Mười một! Mười một trong số mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên được đại diện trong một căn phòng đó! Chỉ thiếu chi tộc Lê Vi mà thôi. Tôi kinh ngạc. Đó là một khoảnh khắc cảm động về phần thuộc linh đối với tôi.

Ngay sau các buổi họp đó, vợ chồng tôi đi thẳng đến Yerevan, Armenia. Những người đầu tiên chúng tôi gặp khi xuống máy bay là vợ chồng chủ tịch phái bộ truyền giáo. Bằng cách nào đó chị ấy đã nghe về kinh nghiệm này ở Mát-xcơ-va, và chị hân hoan nói: “Tôi thuộc chi tộc Lê Vi!”

Hãy tưởng tượng sự hồi hộp của chúng tôi khi vợ chồng tôi gặp những người truyền giáo của họ vào ngày hôm sau, kể cả một anh cả thuộc chi tộc Lê Vi vừa mới đến từ Gilbert, Arizona.

Khi còn là một bé gái tham dự Hội Thiếu Nhi ở Raymond, Alberta, Canada, tôi đã biết được rằng trong những ngày sau cùng—trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi—mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ lại. Lẽ thật đó đã làm tôi phấn khởi và đồng thời cũng khá khó cho tôi để thấu hiểu. Vì vậy, hãy tưởng tượng tôi sẽ như thế nào khi được có mặt với các tín hữu thuộc vào tất cả mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên trong vòng 24 giờ!

Kể từ lúc đó tôi đã học được rằng, có lẽ tôi không nên yêu cầu các chị em phụ nữ đó tự xác nhận dòng dõi của mình, vì các phước lành tộc trưởng là thiêng liêng và dòng dõi mà được tuyên bố cho họ là điều riêng tư của cá nhân. Tuy nhiên, tôi rất biết ơn về đặc ân mà tôi đã có khi được đích thân nhìn thấy những thành quả của sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. Ảnh hưởng của kinh nghiệm đó chưa bao giờ bị suy giảm trong lòng hay tâm trí tôi.

Các em thân mến, đây quả thật là những ngày sau! Chưa bao giờ có một thời điểm như vậy trong lịch sử của thế giới này. Chưa bao giờ! Trong tiền dương thế, các em và tôi đã cam kết sẽ làm một công việc vĩ đại trong khi chúng ta ở trên thế gian này đây. Và với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta sẽ làm điều đó! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Chủ Tịch Nelson: Cám ơn, Wendy. Anh yêu em! Bà ấy thật tuyệt vời đấy chứ?

Các em thân mến, đây chắc chắn những ngày sau, và Chúa đang gấp rút làm công việc của Ngài để quy tụ Y Sơ Ra Ên. Sự quy tụ đó là điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay. Không có điều gì khác so sánh được với sự vinh hiển, không có điều gì khác so sánh được với tầm quan trọng, không có điều gì khác so sánh được với vẻ uy nghi này. Và nếu các em chọn, nếu các em muốn, thì các em có thể là một phần tử quan trọng của sự quy tụ này. Các em có thể là một phần tử quan trọng của một cái gì đó lớn lao, một cái gì đó vĩ đại, một cái gì đó hùng vĩ!

Khi nói tới sự quy tụ, chúng ta chỉ nói tới lẽ thật cơ bản này: mỗi người con của Cha Thiên Thượng, ở cả hai bên của bức màn che, xứng đáng được nghe sứ điệp về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ tự quyết định xem họ có muốn biết thêm không.

Những người nào có dòng dõi từ nhiều chi tộc khác nhau của Y Sơ Ra Ên là những người có nhiều khả năng nhất để hướng lòng mình tới Chúa. Ngài đã phán: “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta.”3 Những người nào thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên sẽ dễ dàng nhận ra Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của họ và sẽ mong ước được quy tụ lại trong bầy chiên của Ngài. Họ sẽ muốn trở thành tín hữu của Giáo Hội Ngài, lập giao ước với Ngài và Cha Thiên Thượng, và tiếp nhận các giáo lễ thiết yếu của họ.

Chúa phán bảo với Tiên Tri Joseph Smith rằng bây giờ, nghĩa là thời kỳ của chúng ta, là giờ thứ mười một và là lần cuối Ngài sẽ kêu gọi những người làm công trong vườn nho của Ngài cho mục đích rõ ràng của việc quy tụ người chọn lọc từ bốn phương trời của thế gian.4

Câu hỏi của tôi buổi tối hôm nay cho các em ở độ tuổi từ 12 đến 18 là như sau: Các em có muốn trở thành một phần tử quan trọng của thử thách gay go nhất, chính nghĩa lớn nhất và công việc vĩ đại nhất trên thế gian ngày nay không?

Các em có muốn giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau quý báu này không? Là những người chọn lọc, các em có sẵn lòng giúp tìm kiếm những người chọn lọc chưa được nghe sứ điệp về phúc âm phục hồi không? Các em có muốn trở thành “các sứ giả nhặm lẹ” mà tiên tri Ê Sai đã nói tới không?5

Giờ đây, việc tham gia vào sự quy tụ Y Sơ Ra Ên sẽ đòi hỏi một số hy sinh nơi các em. Nó còn có thể đòi hỏi một số thay đổi trong cuộc sống của các em. Chắc chắn nó sẽ cần một số thời gian và năng lực của các em và tài năng mà Thượng Đế đã ban cho các em. Các em có muốn tham gia không?

Hãy nghĩ tới niềm phấn khởi và sự cấp bách của sự quy tụ đó: Mỗi vị tiên tri, bắt đầu từ A Đam, đã nhìn thấy thời kỳ này của chúng ta. Và mỗi vị tiên tri đã nói về thời kỳ của chúng ta khi Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ và thế gian sẽ được sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nghĩ về điều đó! Trong số tất cả những người từng sống trên trái đất, chúng ta là những người được tham gia vào sự kiện quy tụ cuối cùng vĩ đại này. Thật là thú vị biết bao!

Cha Thiên Thượng đã dành riêng nhiều linh hồn cao quý nhất của Ngài— tôi có thể nói rằng có lẽ là nhóm người tốt nhất của Ngài—cho giai đoạn cuối cùng này. Những linh hồn cao quý đó—những người lành nghề nhất, những anh hùng đó—chính là các em!

Tôi làm chứng rằng sự quy tụ này là bây giờ, và có thật. Trong năm tôi được sinh ra, tổng số tín hữu của Giáo Hội chưa tới 600.000 người, không có tín hữu nào ở Nam Mỹ cả. Ngày nay có hơn 16 triệu tín hữu trên toàn cầu, với gần 3 triệu tín hữu ở Nam Mỹ.

Tôi xin kể cho các em nghe về một kinh nghiệm tôi đã có vào năm 1979, khi tôi đang phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Trung Ương Trường Chủ Nhật. Tôi được mời tham dự một buổi họp của các vị lãnh đạo Giáo Hội, tại đó Chủ Tịch của Giáo Hội, Chủ Tịch Spencer W. Kimball, đã nói chuyện. Ông đã chỉ thị cho mỗi người chúng tôi phải cầu nguyện để các cánh cửa của các quốc gia sẽ được mở ra hầu cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể được mang đến cho tất cả mọi người trên thế gian. Ông đặc biệt đề cập đến Trung Quốc và yêu cầu chúng tôi cầu nguyện cho người dân Trung Quốc. Ông cũng nói: “Chúng ta nên phục vụ người dân Trung Quốc. Chúng ta nên học ngôn ngữ của họ. Chúng ta nên cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ.”

Tôi trở về nhà với Dantzel là vợ tôi, (đã qua đời cách đây hơn 13 năm), và nói với bà: “Chủ Tịch Kimball đã yêu cầu mọi người trong buổi họp đó nên học tiếng Trung Quốc! Và anh đã không nghe chủ tịch nói: ‘Tất cả mọi người trừ Anh Nelson!’ Vậy, em có sẵn lòng học tiếng Trung Quốc Quan Thoại với anh không?” Dĩ nhiên vợ tôi đồng ý và chúng tôi được dạy cho tiếng Trung Quốc Quan Thoại.

Sáu tuần sau khi Chủ tịch Kimball đưa ra chỉ thị đó, tôi đã tham dự buổi họp thường niên của American Association for Thoracic Surgery (Hiệp Hội Phẫu Thuật Lồng Ngực Hoa Kỳ) được tổ chức ở Boston, Massachusetts. Sáng hôm đó tôi đã cầu nguyện trong phòng khách sạn của tôi cho người dân Trung Quốc, đúng như Chủ Tịch Kimball đã yêu cầu. Tôi đi đến buổi họp đầu tiên trong ngày và ngồi nơi tôi luôn luôn ngồi trong các buổi họp chuyên nghiệp này—ở phía trước của căn phòng. Tuy nhiên, khi buổi họp diễn ra, tôi càng trở nên không thoải mái trong ghế của mình. Khi đèn tắt cho phần thuyết trình có chiếu slide, tôi lẻn ra khỏi ghế và lặng lẽ đi xuống phía sau căn phòng—một chỗ mà tôi thường không bao giờ ngồi. Khi đèn sáng lại, tôi thấy mình ngồi cạnh một bác sĩ Trung Quốc. Ông tự giới thiệu là Giáo Sư Wu Ying-Kai đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc!

Sau một cuộc trò chuyện thú vị với ông, tôi đưa ra lời mời ông đến thăm Salt Lake City và diễn thuyết tại trường University of Utah Medical School. Ông vui vẻ nhận lời và hoàn thành rất tốt đẹp. Sau đó, ông trở về Trung Quốc.

Không bao lâu sau đó, ông ấy đã mời tôi làm giáo sư thỉnh giảng về phẫu thuật tại trường Shandong Medical University ở Tế Nam, Trung Quốc. Điều đó dẫn đến những lời mời tiếp theo cho tôi để phục vụ với tư cách là giáo sư thỉnh giảng tại hai trường đại học nữa ở Trung Quốc.

Những kinh nghiệm chuyên môn tuyệt vời này—trước khi tôi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai—đạt đến cực điểm khi tôi được các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc yêu cầu thực hiện một ca phẫu thuật tim hở để cứu mạng một ngôi sao nhạc kịch nổi tiếng nhất của họ. Tôi đã làm thế và may mắn thay, ca phẫu thuật đó thành công. Ngẫu nhiên, đó cũng là ca phẫu thuật cuối cùng trong cuộc đời chuyên nghiệp của tôi.

Trong gần 40 năm nay, tôi đã cầu nguyện cho người dân Trung Quốc. Tôi vui mừng trong mối giao hảo của tôi với các đồng nghiệp y khoa và những người bạn khác ở Trung Quốc. Bây giờ thật là một niềm vui cho tôi được chính thức gọi là “ông bạn già của Trung Quốc.”

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tuân theo bất cứ điều gì mà vị tiên tri của Thượng Đế yêu cầu chúng ta làm, thì con đường sẽ được mở ra và cuộc sống sẽ được thay đổi.

Giờ đây, tôi hy vọng là các em tự hỏi mình: “Tôi có thể làm gì, khi còn là thiếu niên, để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên?” Chị Nelson và tôi cũng đã hỏi câu hỏi đó, và một vài câu hỏi khác, cho một nhóm thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi, nhiều em trong nhóm đó có mặt ở đây buổi tối nay.

Trước hết, chúng tôi hỏi: “Sự quy tụ Y Sơ Ra Ên là gì? Và điều đó có nghĩa gì đối với các em?” Những câu trả lời của họ khác nhau, nhưng đa số họ cho biết là họ không chắc đó là gì. Buổi tối hôm nay, chúng tôi muốn các em biết rằng sự quy tụ Y Sơ Ra Ên cuối cùng có nghĩa là mang phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến cho con cái của Thượng Đế ở cả hai bên bức màn che, là những người không lập các giao ước quan trọng với Thượng Đế cũng như không nhận được các giáo lễ thiết yếu của họ.

Mỗi người con của Cha Thiên Thượng đều xứng đáng có cơ hội để chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, chấp nhận và tiếp nhận phúc âm của Ngài với tất cả các phước lành của phúc âm đó—phải, tất cả các phước lành mà Thượng Đế đã hứa với dòng dõi của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp, là những người mà các em biết đấy cũng được gọi là Y Sơ Ra Ên.

Các thanh thiếu niên phi thường thân mến của tôi, các em đã được gửi đến thế gian vào thời điểm chính xác này, thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử thế giới, để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Không có điều gì xảy ra trên thế gian này ngay bây giờ lại quan trọng hơn thế. Không có điều gì có kết quả lớn lao hơn cả. Hoàn toàn không có điều gì cả.

Sự quy tụ này là quan trọng bậc nhất đối với các em. Đây sứ mệnh mà vì đó, các em đã được gửi đến thế gian.

Vậy, câu hỏi của tôi cho các em là: “Các em có sẵn lòng gia nhập đạo quân trẻ tuổi của Chúa để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên không?” Xin hãy suy nghĩ về câu hỏi này. Đừng trả lời vội.

Chúng ta hãy trở lại với những câu hỏi khác mà Chị Nelson và tôi đã hỏi những người bạn trẻ của chúng tôi. Chúng tôi hỏi: “Nếu vị tiên tri mời mọi người từ 12 đến 18 tuổi trong Giáo Hội tham gia vào việc giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên, thì các em có sẵn lòng để làm không?”

Các em đó đã trả lời với những ý kiến đầy soi dẫn như sau: “Nếu vị tiên tri mời chúng em tham gia giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên, thì em sẽ hoàn toàn tham gia vào.” Em khác nói: “Em sẽ ngừng làm bất cứ điều gì đang làm để giúp đỡ!”. Em khác nữa nói: “Em sẽ đi và làm bất cứ điều gì ông ấy yêu cầu em làm, vì vị tiên tri là một người thuyết giảng của Thượng Đế.”

Các câu trả lời của họ cũng gồm có: “Em sẽ sẵn lòng làm nhiều công việc lịch sử gia đình hơn. Em sẽ cởi mở hơn và nỗ lực nhiều hơn để nói chuyện với những người khác về phúc âm. Em sẽ là một tấm gương sáng trong việc cho thấy các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Em sẽ làm phép báp têm nhiều hơn thay cho người chết; thay đổi các khía cạnh của cách em sống cuộc sống của mình và những điều mà em lựa chọn; đi bất cứ nơi đâu ông ấy cần em đi; học một ngôn ngữ mới; gặp gỡ những người mới; cho những người chưa bao giờ đọc Sách Mặc Môn mượn sách đó. Và em sẽ cố gắng là người tử tế nhất.”

Chúng tôi cũng hỏi những người trẻ tuổi này điều họ sẽ sẵn lòng hy sinh để họ có thể giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Một lần nữa giới trẻ đã làm cho chúng tôi xúc động. Họ đáp: “Em sẽ dành ít thời gian chơi thể thao hơn để có thể giúp đỡ một người đang cần lẽ thật. Em sẽ hy sinh việc đi chơi với bạn bè và thay vì thế mời họ đến đền thờ. Nhất định là em cắt giảm thời gian trên điện thoại của mình. Em sẽ từ bỏ một số thời gian ngồi trước màn hình. Thậm chí em [còn] sẵn lòng hy sinh những giấc ngủ trưa vào ngày Chủ Nhật nữa!”

Chúng tôi hỏi: “Nếu muốn tham gia giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên, thì các em muốn bắt đầu làm hoặc ngừng làm gì?” Họ trả lời như sau: “Em sẽ học thánh thư nhiều hơn, và một cách kỹ càng hơn, để có thể trả lời cho các câu hỏi mà người khác có thể đặt ra cho em. Em sẽ dành ít thời gian hơn cho mạng truyền thông xã hội; tham gia nhiều hơn vào các hành động đơn giản của công việc truyền giáo của tín hữu, kể cả các hành động phục vụ hằng ngày. Em sẽ dành ít thời gian hơn trên điện thoại của mình, và khi em đang sử dụng điện thoại, em có thể đăng các câu thánh thư hoặc các sứ điệp thuộc linh khác lên mạng truyền thông xã hội. Em sẽ nghiên cứu các bài nói chuyện trong đại hội trung ương vì chúng rất quan trọng. Em sẽ ăn những thức ăn lành mạnh để em có thể được khỏe mạnh. Em sẽ ngừng suy nghĩ mọi thứ về mình.” Xin cám ơn các em về những câu trả lời của các em cho các câu hỏi của chúng tôi.

Các em thân mến, hãy suy nghĩ nhé, ngay bây giờ tôi đang chuẩn bị cho cái ngày mà tôi sẽ được yêu cầu tường trình cho Tiên Tri Joseph Smith, cho Chủ Tịch Brigham Young, và những người khác—và cuối cùng là cho Chúa—về sự quản lý của tôi với tư cách là vị tiên tri của Thượng Đế trên thế gian ngày nay. Tôi không muốn bị hỏi: “Anh Nelson này, tại sao anh không nói rõ hơn với giới trẻ về phần vụ của họ trong việc quy tụ Y Sơ Ra Ên? Tại sao anh không mạnh dạn hơn trong việc mời họ tham gia?”

Vậy nên bây giờ, tôi mời mọi thiếu nữ và mọi thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tham gia vào đạo quân trẻ tuổi của Chúa để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Điều gì sẽ giúp đỡ các em? Khi tiếp tục đọc Sách Mặc Môn hằng ngày, các em sẽ học được giáo lý về sự quy tụ,6 các lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Chuộc Tội của Ngài, và Phúc Âm trọn vẹn của Ngài mà không được tìm thấy trong Kinh Thánh. Sách Mặc Môn là trọng tâm của sự quy tụ Y Sơ Ra Ên.7 Trên thực tế, nếu không có Sách Mặc Môn, thì sự quy tụ Y Sơ Ra Ên đã được hứa sẽ không xảy ra.

Và bây giờ, tôi mời các em tự chuẩn bị bằng cách làm thêm năm điều nữa—năm điều mà sẽ thay đổi các em và giúp các em thay đổi thế giới.

Trước hết, hãy từ bỏ sự phụ thuộc thường xuyên vào mạng truyền thông xã hội để giảm bớt ảnh hưởng thế gian của nó đối với các em.

Để tôi kể cho các em nghe về một thiếu niên cũng độ tuổi của các em, là cháu trai của một người bạn thân của tôi. Cậu ấy rất nổi tiếng trong số bạn bè của cậu và là một người lãnh đạo ở trường trung học của cậu ấy. Gần đây, cha mẹ của cậu ấy tìm thấy những thứ trên điện thoại của cậu ấy mà không phù hợp với một tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cố nài cậu ấy phải tạm xa mạng truyền thông xã hội một thời gian. Họ đổi cái điện thoại thông minh của cậu ấy cho một cái điện thoại có nắp gập, và cậu ta lấy làm hoảng sợ. Làm thế nào cậu ta liên lạc được với bạn bè của mình?

Ban đầu cậu ta trở nên giận dữ với cha mẹ mình, nhưng chỉ sau vài ngày, cậu ta cám ơn họ vì đã lấy đi cái điện thoại thông minh của mình. Cậu ta nói: “Em cảm thấy lần đầu tiên được tự do trong một thời gian dài.” Giờ đây, cậu ta gọi cho bạn bè của mình bằng điện thoại có nắp gập để liên lạc với họ. Cậu ta thực sự nói chuyện với bạn bè của mình chứ không phải lúc nào cũng gõ tin nhắn!

Những thay đổi nào khác đã xảy ra trong cuộc đời của chàng thiếu niên này? Cậu ta nói rằng bây giờ cậu ta thích được tự do khỏi cuộc sống giả mạo mà mạng truyền thông xã hội tạo ra. Cậu ta đang tích cực tham gia vào đời sống thay vì luôn luôn nói chuyện trên điện thoại. Cậu ta tham gia vào các sinh hoạt giải trí ngoài trời thay vì chơi các trò chơi điện tử. Cậu ta trở nên tích cực và hữu ích hơn trong nhà của mình. Cậu ta tìm kiếm cơ hội để phục vụ. Cậu ta lắng nghe chăm chú hơn trong nhà thờ, có nét mặt tươi vui hơn, vui vẻ hơn rất nhiều, và đang tích cực chuẩn bị đi truyền giáo! Tất cả điều này là vì cậu ta đã rời xa ảnh hưởng tiêu cực của mạng truyền thông xã hội.

Vì vậy, lời mời đầu tiên của tôi cho các em ngày hôm nay là hãy từ bỏ sự phụ thuộc thường xuyên vào mạng truyền thông xã hội bằng cách không sử dụng mạng truyền thông xã hội trong bảy ngày. Tôi thừa nhận rằng cũng có những mặt tích cực về mạng truyền thông xã hội. Nhưng nếu các em chú ý nhiều đến nguồn cung cấp dữ liệu từ mạng truyền thông xã hội hơn là các em chú ý đến những thúc giục của Thánh Linh, thì các em đang đặt mình vào nguy cơ về phần thuộc linh—cũng như nguy cơ trải qua nỗi cô đơn và trầm cảm mãnh liệt. Các em và tôi đều biết giới trẻ đã bị ảnh hưởng qua mạng truyền thông xã hội để làm và nói những điều mà họ sẽ không bao giờ làm hoặc nói trực tiếp. Bắt nạt là một ví dụ điển hình.

Một sự tai hại nữa của mạng truyền thông xã hội là nó tạo ra một thực tế giả mạo. Mọi người đều đăng những bức ảnh vui nhộn, liều lĩnh và thú vị nhất mà tạo ấn tượng sai lầm rằng tất cả mọi người ngoại trừ các em đang có một cuộc sống vui nhộn, liều lĩnh và thú vị. Phần lớn những gì xuất hiện trong các nguồn cung cấp dữ liệu của nhiều mạng truyền thông xã hội khác nhau của các em đều bị lệch lạc, nếu không phải là giả mạo. Vì vậy, hãy cho mình một kỳ nghỉ bảy ngày khỏi sự giả mạo!

Hãy chọn bảy ngày liên tiếp và làm theo như thế! Hãy xem các em có nhận thấy bất cứ sự khác biệt nào trong cảm giác và suy nghĩ của các em không, và thậm chí cách các em suy nghĩ trong suốt bảy ngày đó. Sau bảy ngày, hãy xem có một số điều nào các em muốn ngừng làm và một số điều nào các em muốn bắt đầu làm bây giờ không.

Sự xa lánh mạng truyền thông xã hội này có thể chỉ là giữa các em và Chúa. Nó sẽ là dấu hiệu của các em cho Ngài thấy rằng các em sẵn lòng bước ra khỏi thế gian để tham gia vào đạo quân trẻ tuổi của Ngài.

Lời mời thứ hai của tôi là sự hy sinh thời gian cho Chúa hằng tuần trong ba tuần liên tiếp, để cho Ngài biết rằng các em muốn gia nhập vào đạo quân trẻ tuổi của Ngài—nhiều hơn là các em muốn bất cứ điều gì khác. Trong ba tuần, hãy từ bỏ điều mà các em muốn làm và sử dụng thời gian đó để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Bất cứ lúc nào các em làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là các em đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Khi cầu nguyện về sự hy sinh thời gian này, các em sẽ được hướng dẫn để biết điều các em có thể từ bỏ trong tuần đó lẫn điều các em có thể làm thay vào đó để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Ví dụ, một người trẻ tuổi chơi gôn có thể từ bỏ một vòng gôn và dành thời gian đó trong phòng làm lễ báp têm của đền thờ.

Lời mời thứ ba của tôi là đánh giá toàn diện cuộc sống của các em với Chúa, và có lẽ với cha mẹ và giám trợ của các em, để bảo đảm rằng các em đang bước vững vàng trên con đường giao ước. Nếu các em đang đi lệch hướng, hoặc nếu có một số điều các em cần phải từ bỏ để giúp tâm trí các em được thanh khiết hơn, thì ngày hôm nay là thời điểm hoàn hảo để thay đổi.

Nếu các em không biết chắc làm thế nào để hối cải, thì hãy nói chuyện với giám trợ hoặc cha mẹ của các em hoặc cả hai. Họ sẽ giúp các em hiểu được Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ sẽ giúp các em cảm nhận được niềm vui mà sự hối cải chân thành luôn mang lại.

Xin đừng rời xa con đường giao ước thêm một phút nào nữa. Xin hãy trở lại qua sự hối cải chân thành ngay bây giờ. Chúng tôi cần các em bên chúng tôi trong đạo quân trẻ tuổi của Chúa. Nó sẽ khác đi nếu không có các em!

Lời mời thứ tư của tôi là các em cầu nguyện hằng ngày để tất cả con cái của Thượng Đế đều có thể nhận được các phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các em và tôi đang sống để thấy, và sẽ tiếp tục thấy, Y Sơ Ra Ên được quy tụ với quyền năng vĩ đại. Và các em có thể là một phần của quyền năng ở đằng sau cuộc quy tụ đó!

Lời mời thứ năm của tôi là các em đứng nổi bật và khác biệt với thế gian. Các em và tôi biết rằng các em phải là ánh sáng cho thế gian. Do đó, Chúa cần các em trông giống như, nói giống như, hành động giống như, và ăn mặc giống như một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Phải, các em đang sống trong thế gian, nhưng các em có các tiêu chuẩn rất khác với thế gian để giúp các em tránh được tì vết của thế gian.

Với Đức Thánh Linh là Đấng đồng hành của mình, các em có thể thấy xuyên qua văn hóa của số người nổi tiếng mà thế gian ngưỡng mộ đã trở nên phổ biến trong xã hội chúng ta. Các em có thể thông minh hơn các thế hệ trước. Và nếu đôi khi các em có bị gọi là “kỳ lạ,” thì hãy hãnh diện về cái tên được gán cho đó và vui mừng rằng ánh sáng của các em đang rực rỡ tỏa sáng trong thế giới càng ngày càng tối tăm này!

Hãy đặt tiêu chuẩn cho những người khác ở trên thế gian! Hãy chấp nhận là người khác biệt! Quyển sách nhỏ có tựa đề Cổ Vũ cho Sức Mạnh của Giới Trẻ nên là tiêu chuẩn của các em. Đó là tiêu chuẩn mà Chúa kỳ vọng tất cả thanh thiếu niên của Ngài giữ vững. Giờ đây, là tôi tớ khiêm nhường của Ngài, tôi khẩn nài các em nên nghiên cứu quyển sách nhỏ này một lần nữa. Hãy thành tâm đọc nó như thể các em chưa từng đọc nó trước đây. Hãy đánh dấu lên sách đó. Hãy nói về sách đó. Hãy thảo luận các tiêu chuẩn với bạn bè của các em. Hãy quyết định cách các em có thể sống theo các tiêu chuẩn này, các tiêu chuẩn của các em, theo một cách chính xác hơn nữa.

Các em có một quyển sách riêng của mình. Vì vậy, tối nay vào cuối buổi họp này, nếu các em chọn tham gia, thì xin lấy một quyển sách Cổ Vũ cho Sức Mạnh của Giới Trẻ và tặng quyển sách mới này cho một người bạn mà có thể không biết các tiêu chuẩn của các em hoặc có thể không sống theo các tiêu chuẩn đó.

Hãy cầu nguyện về người nào sẽ cần quyển sách này. Các em sẽ được hướng dẫn. Và đó sẽ là điều thú vị.

Bây giờ, tôi xin tóm tắt bằng cách xem lại năm lời mời của tôi dành cho các em để tham gia vào đạo quân trẻ tuổi của Chúa để quy tụ Y Sơ Ra Ên:

  1. Không sử dụng mạng truyền thông xã hội trong bảy ngày.

  2. Hy sinh thời gian hằng tuần cho Chúa trong ba tuần.

  3. Tiếp tục trên con đường giao ước. Nếu các em đang đi lệch hướng, hãy hối cải và trở lại con đường.

  4. Cầu nguyện hằng ngày để tất cả con cái của Thượng Đế có thể nhận được các phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

  5. Hãy đứng nổi bật. Hãy là người khác biệt. Hãy là ánh sáng. Tặng cho một người bạn quyển sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Các em thân mến, các em là trong số những người tốt nhất mà Chúa đã từng gửi đến thế gian này. Các em có khả năng thông minh và khôn ngoan hơn và có nhiều ảnh hưởng đối với thế gian hơn bất cứ thế hệ nào trước đây!

Để kết thúc, tôi mời các em cùng đứng lên với giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới và cảm nhận nỗi xúc động của việc làm một thành viên trong đạo quân trẻ tuổi của Chúa trong “quân đội Si Ôn” bằng cách hát bài thánh ca kết thúc của chúng ta: “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên,” vì bài thánh ca này là về các em hết đấy!

Từ tận đáy sâu tâm hồn mình, tôi làm chứng rằng đây là công việc của Thượng Đế Toàn Năng. Ngài hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Đây là Giáo Hội của Ngài, được phục hồi để hoàn thành vận mệnh thiêng liêng của mình, kể cả sự quy tụ Y Sơ Ra Ên đã được hứa.

Các em niềm hy vọng của Y Sơ Ra Ên, là “con cái của ngày đã được hứa”!8 Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Gia Cơ 1:5.

  2. Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), trang 419.

  3. Giăng 10:27.

  4. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 33:3, 6.

  5. Xin xem Ê Sai 18:2.

  6. Giáo lý liên quan đến việc quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên là một trong số các bài học sớm nhất được giảng dạy trong Sách Mặc Môn: “Sau khi gia tộc Y Sơ Ra Ên bị phân tán khắp nơi, họ sẽ được quy tụ lại với nhau, … những cành thiên nhiên của cây ô liu, hay nói cách khác, những người còn sót lại thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên, sẽ được ghép vào, hay nói cách khác, họ sẽ nhận biết được Đấng Mê Si chân chính, Chúa của họ và cũng là Đấng Cứu Chuộc của họ” (1 Nê Phi 10:14).

  7. Xin xem ví dụ, 3 Nê Phi 5:23–26.

  8. “Hope of Israel,” Hymns, số  259.