Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional năm 2022
Dũng Cảm, Cao Quý và Độc Lập


Dũng Cảm, Cao Quý và Độc Lập

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 11 tháng Chín năm 2022 • Đại Thính Đường Salt Lake

Anh Cả Dale G. Renlund: Xin cám ơn. Chúng ta đang quy tụ trong Đại Thính Đường Salt Lake lịch sử, nhưng cử tọa của chúng ta thì ở trên toàn thế giới. Trong khắp các thánh thư, Chúa đều yêu cầu chúng ta phải ghi nhớ. Việc ghi nhớ di sản chung của chúng ta về đức tin, sự tận tâm và sự kiên trì mang đến cho chúng ta quan điểm và sức mạnh khi đối phó với những thử thách trong thời kỳ của mình.

Chính là với ước muốn phải “nhớ Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao”1 nên bộ sách bốn tập Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau mới được hình thành. Ba tập sách này đã được xuất bản. Bộ sách tường thuật lịch sử này gồm có những câu chuyện về Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín thời xưa. Nó mang đến cho chúng ta những tấm gương thực tế của những người yêu mến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, lập giao ước và đi trên con đường giao ước để tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Chị Ruth L. Renlund: Chúng tôi hân hạnh tập trung vào những kinh nghiệm thực tế mà bây giờ các em có thể đọc trong sách Các Thánh Hữu: Dũng Cảm, Cao Quý và Độc Lập, tập thứ ba trong bộ sách. Tập này ghi chép lịch sử của Giáo Hội trong thời gian giữa lễ cung hiến Đền Thờ Salt Lake vào năm 1893 và lễ cung hiến Đền Thờ Bern Switzerland vào năm 1955. Trong thời gian này, sự mặc khải liên tục được biểu hiện trong Giáo Hội qua các vị tiên tri của Chúa và cho từng tín hữu. Tập 3 của bộ sách Các Thánh Hữu giúp chúng ta hiểu được lịch sử của riêng mình và những người đã sống trong lịch sử đó và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Anh Cả Renlund: Trong khoảng thời gian này, cả ông bà nội ngoại của tôi đều đã gia nhập Giáo Hội. Cha mẹ tôi di cư đến Salt Lake City vì họ đã hứa là sẽ kết hôn trong đền thờ. Không có đền thờ nào ở châu Âu vào năm 1950. Mỗi người đều nhận được lễ thiên ân trong Đền Thờ Salt Lake, lắng nghe phần chỉ dẫn bằng tiếng Anh, chỉ hiểu một chút ít. Họ kết hôn và được làm lễ gắn bó và tự cho rằng mình được vĩnh viễn ban phước. Sự lựa chọn của họ để làm bất cứ điều gì cần thiết để được làm lễ gắn bó trong đền thờ cũng đã có ảnh hưởng vĩnh cửu đến cuộc sống của tôi.

Sách Các Thánh Hữu, tập 3 là di sản của chúng ta, cho dù chúng ta là hậu duệ của những người tiền phong ban đầu, như Chị Renlund, hay từ những người tiền phong sau này, như tôi, hoặc một số các em là người tiền phong trong đức tin. Các em là phần tử quan trọng trong lịch sử đang tiếp tục của Giáo Hội này. Chúng tôi cảm ơn các em về tất cả những gì các em làm để xây dựng trên nền tảng đức tin do các em và các tổ tiên của các em đặt ra. “Chúng tôi cầu nguyện rằng tập này [của bộ sách Các Thánh Hữu] sẽ mở rộng sự hiểu biết của các em về quá khứ, củng cố đức tin của các em, và giúp các em lập và tuân giữ các giao ước dẫn đến sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu.”2

Chị Renlund: Tôi rất phấn khởi được chia sẻ những câu chuyện từ tập 3 của bộ sách Các Thánh Hữu. Chúng ta hãy bắt đầu nhé!

Anh Cả Renlund: Chúng ta hãy bắt đầu với một ví dụ về Sự Phục Hồi đang tiếp diễn của Giáo Hội. Chủ Tịch Russell M. Nelson thường dạy rằng Sự Phục Hồi “là một tiến trình chứ không phải là một sự kiện, và sẽ tiếp tục cho đến khi Chúa tái lâm.”3 Một ví dụ vào lúc cuối đời của Chủ Tịch Joseph F. Smith là một minh họa tuyệt vời.

Hình Ảnh
ảnh toàn thân của người nam và người nữ mặc toàn đồ trắng

Joseph F. Smith và Julina Lambson Smith.

Vào năm 1918, sức khỏe của Chủ Tịch Smith trở nên yếu kém, và có lẽ ông biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Cái chết dường như vây lấy ông. Trước hết, người con trai đầu của ông, Hyrum, bị bệnh và chết vì vỡ ruột thừa. Chủ Tịch Smith đã trút cạn nỗi đau buồn của mình trong nhật ký: “Lòng con tan nát. … Ôi! Xin Thượng Đế giúp đỡ con! …”4 Thứ hai, nỗi đau buồn của Chủ Tịch Smith càng chồng chất thêm nữa khi Ida, người vợ góa của Hyrum, chết vì suy tim ngay sau đó.

Thứ ba, ông đọc những báo cáo kinh hoàng về cuộc thế chiến đang bùng nổ dữ dội. Trong trận chiến, có 20 triệu binh lính và dân thường đã chết. Thứ tư, dịch cúm gây chết người đã làm thiệt mạng nhiều người trên khắp thế giới. Con số tử vong trên toàn thế giới ít nhất là 50 triệu người. Những cái chết này đã mang lại vô vàn nỗi sầu muộn và đau lòng cho các gia đình. Chủ Tịch Smith thương tiếc trước sự thiệt mạng của nhiều người. Ngoài ra, ông đã nằm liệt giường trong năm tháng. Hiển nhiên là cái chết đã hiện hữu trong tâm trí của vị tiên tri rồi.

Tôi có ở đây một quyển Kinh Thánh của Chủ Tịch Smith. Có lẽ ông đã sử dụng quyển này hay quyển khác giống như vậy để nhắc nhở một điều mặc khải chính yếu.

Chị Renlund: Vào ngày 3 tháng Mười năm 1918, ông ngồi trong căn phòng của mình ở Beehive House, cách đây chỉ một góc đường, “đang suy ngẫm về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự cứu chuộc thế gian. Ông mở … đến sách 1 Phi E Rơ và đọc về việc Đấng Cứu Rỗi đang thuyết giảng cho những linh hồn trong thế giới linh hồn. … Thánh Linh đã giáng xuống [Chủ Tịch Smith], mở ra [con] mắt hiểu biết của [ông].” Ông nhìn thấy thế giới linh hồn nơi có rất nhiều “người nam và người nữ ngay chính đã chết trước khi giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi đang vui mừng chờ đợi sự giáng lâm của Ngài ở đó để tuyên phán sự giải thoát họ khỏi những dây trói buộc của sự chết.

“Đấng Cứu Rỗi đã hiện đến …, và các linh hồn ngay chính vui mừng … . Họ quỳ xuống trước Ngài, thừa nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Giải Cứu họ khỏi sự chết và những xiềng xích của ngục giới. …

“… [Chủ Tịch Smith cũng] hiểu rằng Đấng Cứu Rỗi không thân hành đến với những linh hồn bất tuân. Thay vì thế, Ngài đã tổ chức các linh hồn ngay chính … để mang sứ điệp phúc âm đến cho các linh hồn ở trong bóng tối. Bằng cách này, tất cả những người đã chết trong sự phạm giới hoặc không hiểu biết về lẽ thật đều có thể học hỏi về đức tin nơi Thượng Đế, sự hối cải, phép báp têm làm thay để được xá miễn tội lỗi, ân tứ Đức Thánh Linh, và tất cả các nguyên tắc phúc âm thiết yếu khác. …

Anh Cả Renlund: “Sau đó vị tiên tri nhận thấy rằng [Các Thánh Hữu] trung tín trong gian kỳ này sẽ tiếp tục làm việc trong cuộc sống mai sau bằng cách thuyết giảng phúc âm cho những linh hồn đang ở trong bóng tối và dưới vòng nô lệ của tội lỗi. [Ông nhận xét,] ‘Những người chết nào hối cải sẽ được cứu chuộc, qua sự tuân theo các giáo lễ của ngôi nhà Thượng Đế, … và sau khi họ đã trả xong hình phạt về những sự phạm giới của mình, và được tẩy sạch, họ sẽ nhận được phần thưởng tùy theo việc làm của họ, vì họ là những người thừa kế sự cứu rỗi.’

Chị Renlund: “… Sáng hôm sau, [một số người đã ngạc nhiên khi thấy ông tham dự] đại hội trung ương tháng Mười mặc dù sức khỏe của ông rất yếu. Với quyết tâm ngỏ lời cùng giáo đoàn, ông đứng loạng choạng trước bục giảng [trong tòa nhà này], thân hình to lớn của ông run lên vì cố gắng. … Vì không đủ sức để nói về khải tượng của mình mà không bị quá đỗi xúc động, ông chỉ đề cập sơ về điều đó. Ông nói với giáo đoàn: ‘Tôi đã không sống một mình trong năm tháng này. ‘Tôi đã ở trong tinh thần cầu nguyện, khẩn nài, đức tin và quyết tâm; và tôi đã giao tiếp liên tục với Thánh Linh của Chúa. Ông nói: ‘Đây là một buổi họp vui vẻ buổi sáng hôm nay đối với tôi. ‘Xin Thượng Đế Toàn Năng ban phước cho anh chị em.’”5

Sau đại hội trung ương, Chủ Tịch Smith đã đọc cho con trai ông là Joseph Fielding Smith chép lại điều mặc khải này. Đây là một trong hai bản mà ông đã ký tên và đệ trình lên Đệ Nhất Chủ Tịch và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Họ đã đọc về khải tượng này và hoàn toàn tán thành nó,6 và bản văn này đã được xem như là thánh thư và ghi vào trong tiết 138 của Giáo Lý và Giao Ước. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng Thượng Đế quan tâm đến những người ở bên kia bức màn che của cuộc sống trần thế. Ngài quan tâm đến sự cứu chuộc của họ. “Người chết” đã không thực sự chết. Sự phục hồi đang tiếp diễn đã mang lại sự hiểu biết này cho chúng ta và mang lại sự an ủi và rõ ràng về thế giới mai sau.

Anh Cả Renlund: Theo nhiều cách, sự mặc khải cá nhân đòi hỏi tiến trình tương tự. Đối với tôi, tôi phải tập trung vào một vấn đề. Tôi phải nghiên cứu kỹ và suy nghĩ về vấn đề đó. Tôi phải đề ra các giải pháp khác nhau. Dường như chỉ khi đó thì sự mặc khải cá nhân mới có thể đến một cách chắc chắn. Sự mặc khải thường đến với tôi trong các chỉ thị mệnh lệnh ngắn gọn, chẳng hạn như “Đi”, “Làm” hoặc “Nói!”

Chị Renlund: Tôi cũng vậy. Sau khi đã suy ngẫm, nghiên cứu và cầu nguyện, tôi thường có những suy nghĩ hoặc ý tưởng nảy ra trong đầu mà tôi biết đó không phải là suy nghĩ của chính mình. Nó luôn khuyến khích tôi rằng Thượng Đế biết tôi và thúc giục tôi qua Đức Thánh Linh để làm điều tốt.

Anh Cả Renlund: Đôi khi sự mặc khải đến vì có một nhu cầu cụ thể. Một ví dụ đặc biệt đã xảy ra tại đại hội trung ương tháng Tư năm 1894. Chủ Tịch Wilford Woodruff loan báo với các cố vấn của mình và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ rằng ông đã nhận được một điều mặc khải về các giáo lễ gắn bó của đền thờ. Ông nói: “Chúa đã phán với tôi rằng điều đúng đắn là khi con cái được làm lễ gắn bó với cha mẹ họ, và cha mẹ họ với cha mẹ của cha mẹ họ càng đi ngược lại xa hơn nữa càng tốt nếu chúng ta có thể có được hồ sơ.”7 Điều mặc khải này đến hơn 50 năm sau khi Ê Li phục hồi thẩm quyền gắn bó trong Đền Thờ Kirtland.

Chị Renlund: Vào ngày Chủ Nhật, tại đại hội trung ương năm 1894, Chủ Tịch Woodruff đã tuyên bố: “‘Chúng ta chưa kết thúc với sự mặc khải. …… Chúng ta chưa hoàn tất công việc của Thượng Đế đâu.’ Ông nói về cách Brigham Young đã thực hiện công việc của Joseph Smith để xây cất đền thờ và tổ chức các giáo lễ đền thờ. Chủ Tịch Woodruff nhắc nhở giáo đoàn: ‘Nhưng ông đã không nhận được tất cả những điều mặc khải thuộc vào công việc này.’ ‘Chủ Tịch Taylor và Wilford Woodruff cũng vậy. Công việc này sẽ không kết thúc cho đến khi nó được hoàn thiện.’”8

Kể từ những năm tháng ở Nauvoo, các tín hữu đã làm phép báp têm cho người chết đối với những người đã qua đời trong gia đình. Nhưng tầm quan trọng của việc được làm lễ gắn bó với tổ tiên của mình đã chưa được mặc khải. Chủ Tịch Woodruff giải thích: “Chúng tôi muốn Các Thánh Hữu Ngày Sau từ thời điểm này hãy truy tìm gia phả của họ càng đi ngược lại xa hơn nữa càng tốt, và được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ. … Để cho con cái được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ, và mối dây liên kết của họ kéo dài càng xa càng tốt.”9

Chủ Tịch Woodruff “đã nhắc nhở Các Thánh Hữu về khải tượng của Joseph Smith về người anh trai của ông là Alvin trong Đền Thờ Kirtland. ‘Tất cả những ai đã chết mà không biết về phúc âm này, những ai sẽ nhận được phúc âm nếu họ đã được phép trì hoãn đều sẽ là những người thừa kế vương quốc thượng thiên.’

Chủ tịch Woodruff nói về những người ở trong thế giới linh hồn: “‘Điều đó cũng như vậy đối các tổ phụ của anh chị em’. ‘Sẽ có rất ít, nếu có, những người không chấp nhận phúc âm.’

“Trước khi kết thúc bài giảng của mình, ông đã khuyên nhủ Các Thánh Hữu nên … tìm kiếm những người thân đã chết. Ông nói: ‘Thưa các anh chị em, chúng ta hãy tiếp tục với hồ sơ của mình, điền vào một cách ngay chính trước mặt Chúa, và thực hiện nguyên tắc này, thì các phước lành của Thượng Đế mà sẽ đến với chúng ta, và những người được cứu chuộc sẽ ban phước cho chúng ta trong những ngày sắp tới.’”10 Điều mặc khải này mang đến lý do cho các tín hữu để thường xuyên trở lại đền thờ nhằm thực hiện các lễ sắc phong và giáo lễ làm thay cho các tổ tiên đã qua đời của họ. Các gia đình đã lưu giữ kỹ các hồ sơ của những giáo lễ và công việc của họ để hoàn thành chúng trong những quyển sách giống như quyển này đây mà cho thấy công việc được thực hiện cho những người trong gia đình của Jens Peter và Marie Dame.

Anh Cả Renlund: Ngày nay, giáo lý về lễ gắn bó qua nhiều thế hệ dường như rất bình thường và tự nhiên đối với chúng ta, nhưng phải cần một điều mặc khải từ Chúa để tổ chức chính xác lễ gắn bó của các gia đình. Điều mặc khải này đã ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình tôi trên hòn đảo Larsmo xa xôi, ngay ngoài khơi bờ biển phía tây Phần Lan. Câu chuyện này không có trong sách Các Thánh Hữu, tập 3, nhưng nó được trân quý trong gia đình tôi. Năm 1912, ông bà nội của tôi, Lena Sofia và Matts Leander Renlund, được nghe những người truyền giáo từ Thụy Điển thuyết giảng phúc âm phục hồi. Bà Lena Sofia và Ông Leander chịu phép báp têm vào ngày hôm sau. Họ tìm thấy niềm vui trong tín ngưỡng mới của mình và trở thành phần tử của một chi nhánh nhỏ, chi nhánh đầu tiên ở Phần Lan. Rủi thay, vận may của cuộc đời đã thay đổi và thảm họa giáng xuống.

Năm 1917, Ông Leander chết vì bệnh lao, bỏ lại Bà Lena Sofia thành góa phụ và đang mang thai đứa con thứ mười của họ. Đứa trẻ đó, là cha tôi, được sinh ra hai tháng sau khi Ông Leander chết. Nhiều người nữa trong gia đình cũng chết vì bệnh lao. Cuối cùng, Bà Lena đã chôn cất 7 trong số 10 người con của mình, ngoài Ông Leander ra. Đó là một nỗi vất vả lớn cho bà, một người nông dân nghèo khổ, để giữ cho những gì còn lại của gia đình bà được nguyên vẹn.

Trong gần hai thập niên, bà đã không có được một đêm ngon giấc. Bà hối hả làm những công việc lặt vặt trong ngày để kiếm miếng ăn. Ban đêm, bà chăm sóc những người đang hấp hối trong gia đình. Thật khó để tưởng tượng được cách mà Bà Lena Sofia đã đối phó.

Tôi gặp Bà Lena Sofia một lần vào tháng Mười Hai năm 1963. Tôi 11 tuổi và bà đã 87 tuổi. Lưng bà còng vì cả một đời bươn chải. Da mặt và da tay của bà sạm nắng, thô cứng và chai sần như miếng da sờn. Khi chúng tôi gặp nhau, bà đứng chỉ vào một bức ảnh của Ông Leander và nói với tôi, bằng tiếng Thụy Điển: “Det här är min gubbe.” “Đây chồng bà.”

Tôi tưởng là bà đã sử dụng sai thì hiện tại của động từ đó. Vì Ông Leander đã qua đời được 46 năm, tôi đã chỉ ra cho mẹ tôi cái lỗi rõ ràng này. Mẹ tôi chỉ nói với tôi rằng: “Con không hiểu đâu.” Tôi đã không hiểu. Lena Sofia biết rằng người chồng đã chết từ lâu của bà đã và sẽ thuộc về bà suốt thời vĩnh cửu. Theo giáo lý về gia đình vĩnh cửu, Ông Leander vẫn hiện hữu trong cuộc đời của bà và là một phần của niềm hy vọng lớn lao của bà về tương lai.

Hình Ảnh
ảnh người phụ nữ

Lena Sofia Renlund, bà nội của Dale G. Renlund’s.

Hình Ảnh
ảnh đứa bé trai

Thiếu niên Dale G. Renlund

Trước khi lễ cung hiến Đền Thờ Phần Lan Helsinki vào năm 2006, chị gái tôi đã kiểm tra xem giáo lễ nào cần phải thực hiện cho dòng dõi của cha chúng tôi. Điều chị ấy tìm thấy là một lời khẳng định vững chắc về đức tin của Bà Lena Sofia trong thẩm quyền gắn bó. Bà Lena Sofia đã nộp hồ sơ gia đình về những người con đã qua đời của bà mà được hơn tám tuổi khi qua đời, để công việc đền thờ có thể được thực hiện vào năm 1938. Các giáo lễ này là trong số các giáo lễ sớm nhất được nộp cho một ngôi đền thờ từ Phần Lan.

Bà Lena đã đối phó bằng cách ghi nhớ giáo lý về sự cứu rỗi. Bà coi đó là một trong những sự thương xót lớn lao của Thượng Đế mà bà đã tiến đến việc biết rằng gia đình là vĩnh cửu trước khi những thảm họa này ập tới bà. Một dấu hiệu về sự cải đạo vững chắc của bà theo phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là công việc của bà trong lịch sử gia đình, công việc được mặc khải qua Joseph Smith, Wilford Woodruff và Joseph F. Smith. Bà giống như những người đã “chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình, chỉ trông thấy, và được thuyết phục và chào mừng những điều đó từ đằng xa.”11

Chị Renlund: Vì Sự Phục Hồi là một tiến trình đang tiếp diễn nên chúng ta có nhiều điều nữa để mong đợi. Cách đây chưa đầy một năm, Chủ Tịch Nelson nói: “Những điều chỉnh hiện tại về các phương thức trong đền thờ, và những điều chỉnh khác sẽ tiếp theo sau, là bằng chứng liên tục cho thấy rằng Chúa đang tích cực hướng dẫn Giáo Hội của Ngài. Ngài đang tạo cơ hội cho mỗi chúng ta củng cố các nền móng thuộc linh của mình một cách hiệu quả hơn bằng cách tập trung cuộc sống của chúng ta vào Ngài và vào các giáo lễ và giao ước trong đền thờ của Ngài.”12 Chủ Tịch Nelson giải thích rằng những điều chỉnh này được thực hiện “Dưới sự hướng dẫn của Chúa và để đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta” vì Chúa muốn chúng ta “hiểu rõ ràng và chính xác điều [chúng ta] đang lập giao ước phải làm. … Phải am hiểu các đặc ân, lời hứa và trách nhiệm [của chúng ta] … [và] phải có những hiểu biết và nhận thức về phần thuộc linh.”13

Đôi khi sự mặc khải đến đúng lúc. Điều này đã xảy ra với một ví dụ khác về Sự Phục hồi đang tiếp diễn khi Lorenzo Snow là Chủ Tịch Giáo Hội. Năm 1898, Giáo Hội lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Trong cao trào của chiến dịch chống tục đa hôn, Quốc Hội Hoa Kỳ đã cho phép tịch biên tài sản của Giáo Hội. Vì lo lắng chính phủ sẽ tịch thu các khoản quyên góp của họ nên nhiều Thánh Hữu đã ngừng đóng tiền thập phân, làm giảm đáng kể nguồn tài trợ chính của Giáo Hội. Giáo Hội đã đi vay nợ để cung cấp đủ tiền nhằm giữ cho công việc của Chúa tiếp tục tiến bước. Thậm chí, Giáo Hội còn vay nợ để trang trải chi phí hoàn thành Đền Thờ Salt Lake. Tình trạng tài chính của Giáo Hội đè nặng lên tâm trí của vị tiên tri 85 tuổi.14

“Một buổi sáng đầu tháng Năm, Chủ Tịch Snow đang ngồi trên giường thì con trai ông, LeRoi, bước vào phòng. … Vị tiên tri chào anh ấy và cho biết: ‘Cha sẽ đi St. George.’

“LeRoi rất ngạc nhiên. St. George cách đó … 480 cây số.” Muốn đến đó, họ phải bắt xe lửa đi hơn 320 kilômét về phía nam đến Milford và sau đó đi thêm 169 kilômét nữa bằng xe ngựa. Đây sẽ là một hành trình khó khăn cho một người lớn tuổi. Tuy nhiên, họ đã thực hiện chuyến đi dài và nhiều khó khăn. “Khi họ đến nơi … , bụi bặm và mệt mỏi,… [môt] chủ tịch giáo khu hỏi tại sao họ đến. Chủ Tịch Snow nói: ‘Chà, tôi không biết chúng tôi đến St. George để làm gì nữa, chỉ vì Thánh Linh bảo chúng tôi đến.’

“Ngày hôm sau, 17 tháng Năm, vị tiên tri nhóm họp với các tín hữu trong Đại Thính Đường St. George, một tòa nhà bằng đá sa thạch đỏ cách đền thờ vài góc đường về phía tây bắc.” Khi đứng lên ngỏ lời cùng Các Thánh Hữu, Chủ Tịch Snow nói: “Thật khó để chúng tôi nói rõ lý do tại sao chúng tôi đến đây, nhưng tôi cho rằng Chúa sẽ nói một điều nào đó với chúng ta.”

Anh Cả Renlund: “Trong khi thuyết giảng, Chủ Tịch Snow bỗng dưng dừng lại, và căn phòng trở nên hoàn toàn yên lặng. Đôi mắt của ông sáng rực, và diện mạo của ông cũng rạng ngời. Khi mở miệng ra, giọng nói của ông càng mạnh mẽ hơn. Sự soi dẫn của Thượng Đế dường như tràn ngập khắp căn phòng. Sau đó ông nói về tiền thập phân. … Ông than thở rằng nhiều… Thánh Hữu đã không sẵn lòng đóng đầy đủ tiền thập phân. … Ông nói: ‘Đây là một sự chuẩn bị thiết yếu cho Si Ôn.’

“Chiều hôm sau, Chủ Tịch Snow [dạy:] ‘Giờ đã đến lúc cho mỗi Thánh Hữu Ngày Sau mà có kế hoạch chuẩn bị cho tương lai và giữ đôi chân vững chắc trên một nền tảng thích hợp, để đi và làm theo ý muốn của Chúa cùng đóng đầy đủ tiền thập phân của mình. Đó là lời của Chúa ban cho anh chị em, và đó cũng sẽ là lời của Chúa ban cho mỗi khu định cư trên khắp xứ Si Ôn.’”

Sau đó, Chủ Tịch Snow đã dạy: “‘Chúng ta đang ở trong tình trạng sợ hãi, và vì điều đó mà Giáo Hội đang ở trong vòng nô lệ. Chỉ khi Các Thánh Hữu tuân thủ luật này thì tình trạng này mới được giảm nhẹ.’ Ông yêu cầu [các tín hữu] nên hoàn toàn tuân theo luật này và hứa rằng Chúa sẽ ban phước cho họ vì những nỗ lực của họ. Ông cũng tuyên bố rằng việc đóng tiền thập phân giờ đây sẽ là một điều kiện tất yếu để đi đền thờ.”15

Chị Renlund: Kể từ lúc đó, nhiều người có thể làm chứng rằng Chúa thật sự trút phước lành dồi dào nhất của Ngài xuống cho những người nào sẵn lòng tuân theo luật đơn giản này. Anh Alois Cziep phục vụ với tư cách là chủ tịch của Chi Nhánh Vienna Austria. Anh đã giữ tiền thập phân và các hồ sơ khác của chi nhánh trong chiếc hộp cứng và giản dị này. Trong các cuộc không kích của Đệ Nhị Thế Chiến, đây là vật đầu tiên được Chủ Tịch Cziep và gia đình ông gìn giữ kỹ trước cả tài sản cá nhân của họ.

Một số người cũng đã làm chứng về thử thách trong việc chấp nhận luật này và kết quả là nhận được những phước lành đáng kể.

Kinh nghiệm của gia đình Yanagida ở Nhật Bản là một ví dụ như vậy. Năm 1948, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn một lần nữa đã gửi những người truyền giáo đến Nhật Bản. Khi Toshiko Yanagida hỏi cha chị về tôn giáo thì ông đã khuyến khích chị tham dự buổi lễ của Thánh Hữu Ngày Sau. Ông đã gia nhập Giáo Hội vào năm 1915.

Chị Yanagida gặp những người truyền giáo, được cải đạo và chịu phép báp têm vào tháng Tám năm 1949 với sự tham dự của cha chị. Về sau, chồng chị đã tìm đến những người truyền giáo và được người truyền giáo đã giảng dạy Chị Yanagida làm phép báp têm.16

Hình Ảnh
ảnh người phụ nữ

Toshiko Yanagida.

Anh Cả Renlund: Anh Chị Yanagida gặp khó khăn trong việc đóng tiền thập phân. Họ “không kiếm được nhiều tiền, và đôi khi họ còn tự hỏi liệu họ có đủ tiền để trả cho bữa ăn trưa ở trường của con trai họ không. Họ cũng hy vọng mua được một ngôi nhà. Sau một buổi họp ở nhà thờ, [Chị Yanagida] đã hỏi một người truyền giáo về tiền thập phân. Chị nói: ‘Sau chiến tranh, người Nhật bây giờ nghèo lắm. ‘Rất khó cho chúng tôi để đóng tiền thập phân. Chúng tôi có cần phải đóng không?’

“Anh Cả đó đáp rằng Thượng Đế đã truyền lệnh cho mọi người phải đóng tiền thập phân và nói về các phước lành của việc tuân theo nguyên tắc này. [Chị Yanagida] hoài nghi—và hơi tức giận. Chị ấy tự nhủ: ‘Đây là suy nghĩ của người Mỹ.’

“… Một chị truyền giáo đã hứa với [Chị Yanagida] rằng việc đóng tiền thập phân có thể giúp gia đình chị ấy đạt được mục tiêu của họ là sở hữu ngôi nhà riêng của mình. Vì muốn vâng lời, [Anh Chị Yanagida] đã quyết định đóng tiền thập phân và tin tưởng rằng các phước lành sẽ đến. …

“[Họ] bắt đầu thấy được [các] phước lành đó … . Họ mua một lô đất giá phải chăng trong thành phố và vẽ bản thiết kế cho một ngôi nhà. Sau đó, họ xin vay mua nhà qua một chương trình mới của chính phủ, và ngay khi nhận được sự chấp thuận cho xây cất, họ bắt đầu đổ nền móng.

“Tiến trình diễn ra suôn sẻ cho đến khi một người thanh tra xây dựng nhận thấy rằng các nhân viên cứu hỏa không thể tiếp cận được lô đất của họ. Người này nói với họ: ‘Khu đất này không phải là đất thích hợp để xây nhà. ‘Ông bà không thể tiếp tục xây cất nữa.’

“Không biết chắc phải làm gì, [Anh Chị Yanagida] nói chuyện với những người truyền giáo. Một anh cả nói với họ: ‘Cả sáu người chúng tôi sẽ nhịn ăn và cầu nguyện cho anh chị. ‘Anh chị cũng hãy làm như vậy.’ Trong hai ngày tiếp theo, Anh Chị Yanagida cũng nhịn ăn và cầu nguyện với những người truyền giáo. Sau đó, một người thanh tra khác đã đến để thẩm định lại lô đất của họ. … Lúc đầu, người này đã cho Anh Chị Yanagida một chút hy vọng là sẽ vượt qua vòng thẩm định. Nhưng khi nhìn qua lô đất đó, người ấy đã nhận thấy một giải pháp. Trong trường hợp khẩn cấp, sở cứu hỏa có thể tiếp cận lô đất chỉ bằng cách gỡ bỏ hàng rào gần đó. Rốt cuộc thì Anh Chị Yanagida có thể xây cất ngôi nhà của họ.

Người thanh tra nói với họ: “‘Tôi đoán là hai ông bà hẳn đã làm điều gì đó đặc biệt tốt trong quá khứ. ‘Trong tất cả những năm làm việc của mình, tôi chưa bao giờ dễ chịu như vậy.’ [Anh Chị Yanagida] vô cùng vui mừng. Họ đã nhịn ăn, cầu nguyện và đóng tiền thập phân. Và đúng như lời mà chị truyền giáo [phi thường đó] đã hứa, họ sẽ có một ngôi nhà riêng của mình.”17

Các thánh hữu trên toàn cầu đều đã có những kinh nghiệm tương tự khi họ đóng tiền thập phân. Chúa ban phước cho dân Ngài là những người trung tín và vâng lời. Và chính là việc đóng tiền thập phân một cách trung tín mà đã cho phép các đền thờ được xây cất trên khắp thế giới.

Chị Renlund: Tôi biết rằng cuộc sống của chúng ta đã được ban phước theo những cách tinh tế và quan trọng khi sống theo luật thập phân. Đôi khi các phước lành không được như chúng ta kỳ vọng và có thể dễ dàng bị xem thường. Nhưng chúng là có thật. Chúng ta đã trải qua điều đó.18

Một trong những câu chuyện ưa thích khác của tôi trong sách Các Thánh Hữu là việc các chị em phụ nữ đầu tiên được kêu gọi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian. Ở nước Anh vào cuối thập niên 1890, tin đồn được lan truyền rằng các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau là những người cả tin, dễ bị lừa và không thể suy nghĩ độc lập. Sau đó, một Thánh Hữu Ngày Sau từ Salt Lake City, Elizabeth McCune, và con gái của bà đã có một chuyến thăm dài ngày đến London.

Khi họ tham dự một đại hội của Giáo Hội ở London, Elizabeth đã rất ngạc nhiên khi, “trong phiên họp buổi sáng, Joseph McMurrin, một cố vấn trong chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo, đã đưa ra … những lời phát biểu thẳng thắng về các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau [và loan báo:] ‘Giờ đây chúng ta có một chị phụ nữ đến từ Utah hiện diện với chúng ta … . Chúng tôi sẽ yêu cầu Chị McCune nói chuyện vào buổi tối hôm nay và kể cho anh chị về kinh nghiệm của chị ấy ở Utah.’ Rồi vị ấy khuyến khích mọi người trong đại hội đưa bạn bè của họ đến để nghe bà ấy nói chuyện.”

“Khi gần đến giờ họp, mọi người đã vào chật kín phòng. Elizabeth thầm dâng lên một lời cầu nguyện và lên đứng ở bục giảng.” Bà nói với đám đông về đức tin và gia đình của bà, mạnh dạn làm chứng về lẽ trung thực của phúc âm. Bà cũng nói: “‘Tôn giáo của chúng ta dạy chúng ta rằng người vợ phải bình đẳng, kề vai sát cánh với người chồng.’ Khi buổi họp kết thúc, những người lạ đến bắt tay Elizabeth. Một người nói: ‘Nếu có thêm nhiều phụ nữ của quý vị chịu đến đây thì có rất nhiều điều tốt sẽ được thực hiện.’”

“Sau khi thấy ảnh hưởng của Elizabeth đối với cử tọa, [Chủ Tịch McMurrin đã viết thư cho Chủ Tịch của Giáo Hội:] ‘Nếu một số phụ nữ sáng dạ và thông minh được kêu gọi đi truyền giáo ở Anh, … thì kết quả sẽ rất tuyệt vời.’” “Quyết định kêu gọi các phụ nữ làm những người truyền giáo toàn thời gian để giảng đạo một phần là kết quả của lời thuyết giảng của Elizabeth McCune.”19

Hình Ảnh
ảnh toàn thân của người phụ nữ

Elizabeth McCune.

Ngày 22 tháng Tư năm 1898, Inez Knight và Jennie Brimhall cập bến cảng Liverpool, Anh. Họ là những người đầu tiên được phong nhiệm với tư cách là “những người nữ truyền giáo” cho Giáo Hội.

Họ tháp tùng Chủ Tịch McMurrin và những người truyền giáo khác đến một thị trấn phía đông Liverpool. Vào buổi tối, một đám đông người đã tham dự một buổi họp ngoài đường phố với những người truyền giáo. “Chủ tịch McMurrin loan báo rằng một buổi họp đặc biệt sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau, và ông mời mọi người đến và nghe lời thuyết giảng từ ‘các phụ nữ Mặc Môn đời thật.’”20 Đây là quyển nhật ký truyền giáo của Inez Knight. Bà viết: “Vào buổi tối, tôi đã run rẩy sợ hãi trong khi nói chuyện nhưng bản thân tôi đã ngạc nhiên.”21 Bà nhận ra sự giúp đỡ từ thiên thượng mà bà đã nhận được khi bà viết: “Tôi đã nói chuyện vào buổi tối với một đám đông người, nhưng được ban phước với những lời cầu nguyện của những người truyền giáo khác.”22 Các “phụ nữ Mặc Môn đời thật” này đã làm tròn bổn phận của họ, đi đến từng nhà và làm chứng thường xuyên tại các buổi họp ngoài đường phố. Chẳng mấy chốc họ được các chị truyền giáo khác đến tham gia với họ là những người đã lao nhọc trên khắp nước Anh.

Anh Cả Renlund: Chị Knight và Chị Brimhall là người khởi đầu. Trong gian kỳ này, hàng trăm ngàn chị truyền giáo đã phục vụ.23 Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên về các chị truyền giáo là họ có thể hiệu quả bằng cách sống với con người thật của mình. Họ là các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau thực sự. Giống như Chị Knight và Chị Brimhall, họ nói chuyện với mọi người về việc họ là ai và tại sao họ tin vào điều nào đó.

Ảnh hưởng của các chị truyền giáo đối với việc quy tụ của Y Sơ Ra Ên thật là phi thường. Mới gần đây một anh cả trẻ tuổi đã hỏi tôi trong một phiên họp hỏi đáp về lý do tại sao các tiểu giáo khu trong phái bộ truyền giáo của anh ấy thích các chị truyền giáo hơn. Câu trả lời của tôi chỉ là: “Vì các chị ấy toàn tâm toàn ý cho công việc. Các tín hữu yêu quý tất cả những người truyền giáo nào như thế, dốc toàn lực cho công việc.”

Sự đáp ứng của các chị truyền giáo đối với những sự kêu gọi truyền giáo đã và đang tiếp tục là một phần chính yếu trong việc truyền bá phúc âm. Chủ Tịch Nelson đã nói trong đại hội trung ương tháng Tư: “Chúng tôi yêu mến các chị em truyền giáo và nồng nhiệt chào đón họ Những gì các em đóng góp cho công việc này thật là tuyệt vời!”24

Chị Renlund: Tôi cũng rất ấn tượng về điều tốt đẹp đến từ Chị McCune là người không được kêu gọi và không được phong nhiệm với tư cách là người truyền giáo. Nhưng người chị em đáng mến này đã làm nên chuyện nhờ vào đức tin của chị.25

Điều này đưa chúng ta đến một câu chuyện tuyệt vời khác của sách Các Thánh Hữu, tập 3. Chúng ta tìm thấy các tấm gương của Các Thánh Hữu đã cho thấy vai trò môn đồ của họ trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Những kẻ thù cũ đã vượt qua sự thù hận và trở nên đoàn kết khi họ trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, “Hà Lan rơi vào tình trạng tồi tệ sau năm năm bị [chế độ Đức Quốc Xã] chiếm đóng. Hơn hai trăm ngàn người Hà Lan đã chết trong chiến tranh, và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hại hoặc phá hủy. Nhiều Thánh Hữu ở … Hà Lan đã ghét người Đức” và ghét nhau vì một số người đã chống lại và những người khác thì hợp tác với những kẻ chiếm đóng. Hiển nhiên là có sự chia rẽ.

Anh Cả Renlund: “Chủ tịch phái bộ truyền giáo Cornelius Zappey đã khuyến khích các chi nhánh của Giáo Hội bổ sung nguồn cung cấp thực phẩm bằng cách bắt đầu các dự án trồng khoai tây và sử dụng khoai tây giống từ chính phủ Hà Lan.” Với sự khuyến khích này, “các chi nhánh ở Hà Lan … bắt đầu trồng các luống khoai tây ở bất cứ nơi nào họ có thể tìm được chỗ, trồng khoai tây ở sân sau, vườn hoa, bãi đất trống và giữa hai lằn đường.

“Gần đến mùa gặt, [Chủ Tịch Zappey] đã tổ chức một đại hội phái bộ truyền giáo ở thành phố Rotterdam.” Ông biết từ các cuộc trò chuyện với chủ tịch Phái Bộ Đông Đức “rằng nhiều Thánh Hữu ở Đức đã bị thiếu lương thực trầm trọng. [Chủ Tịch Zappey] muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ nên ông đã hỏi những người lãnh đạo địa phương liệu họ có sẵn lòng tặng một phần thu hoạch khoai tây của họ cho Các Thánh Hữu ở Đức hay không.

Ông thừa nhận: “‘Một số kẻ thù đáng ghét nhất mà anh chị em gặp phải do hậu quả chiến tranh này là người Đức.’ ‘Nhưng những người đó bây giờ còn tồi tệ hơn nhiều so với anh chị em.’

“Lúc đầu, một số Thánh Hữu Hà Lan chống lại kế hoạch đó. Tại sao họ phải chia sẻ khoai tây của họ với người Đức chứ? [Một số người đã mất nhà cửa] vì bom của quân Đức hoặc [nhìn] những người thân yêu của họ chết đói vì quân chiếm đóng Đức đã cướp thực phẩm của họ.”

Chủ Tịch Zappey đã yêu cầu Pieter Vlam, một cựu tù nhân chiến tranh và là vị lãnh đạo chi nhánh của Giáo Hội ở Amsterdam, “đến thăm các chi nhánh trên khắp Hà Lan và khuyến khích họ ủng hộ kế hoạch này,” trong khi phân biệt giữa chế độ Đức Quốc Xã và người dân Đức. “Pieter là một vị lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Giáo Hội, là người bị bắt giam vô cớ trong một trại cải tạo ở Đức mà được nhiều người biết đến. Nếu Các Thánh Hữu Hà Lan yêu mến và tin tưởng một ai đó trong phái bộ truyền giáo thì người đó chính là Pieter Vlam.”

Khi nhóm họp với các chi nhánh, “Pieter đã nói đến những khó khăn của mình trong tù. Ông ấy nói: ‘Tôi đã trải qua cảnh này. ‘Anh chị em biết rằng tôi đã trải qua cảnh này.’ Ông khuyên họ nên tha thứ cho người dân Đức. Ông nói: ‘Tôi biết việc yêu thương họ là khó biết bao. ‘Nếu đó là anh chị em của mình thì chúng ta nên đối xử với họ như là anh chị em của mình.’

Chị Renlund: “Lời nói của anh ấy và những lời của các chủ tịch chi nhánh khác đã khiến Các Thánh Hữu cảm động, và sự tức giận của nhiều người tan biến khi họ thu hoạch khoai tây cho [các anh chị em] người Đức của họ.” Không chỉ vậy, những bất đồng và ngờ vực đã nảy sinh giữa các tín hữu ở bên trong chi nhánh cũng bắt đầu tan biến. Các tín hữu “biết rằng họ có thể cùng nhau làm việc trong tương lai.

“Trong khi đó, [Chủ Tịch Zappey] đã cố gắng xin giấy phép vận chuyển khoai tây đến Đức. …. Khi một số viên chức cố gắng ngăn chặn kế hoạch vận chuyển, [Chủ Tịch Zappey] nói với họ: ‘Số khoai tây này thuộc về Chúa, và nếu đó là ý muốn của Ngài thì Chúa sẽ bảo đảm rằng chúng phải đến Đức.’

Hình Ảnh
những người đàn ông mang các bao tải khoai tây

Cornelius Zappey, những người truyền giáo Hà Lan và Các Thánh Hữu Hà Lan chất khoai tây lên xe để chở đi.

“Cuối cùng, vào tháng Mười Một năm 1947, Các Thánh Hữu Hà Lan và những người truyền giáo đã gặp nhau ở The Hague để chất … hơn bảy mươi tấn khoai tây lên xe. Một thời gian ngắn sau, số khoai tây này đã đến Đức để phân phát cho các Thánh Hữu. …

“Tin tức về dự án khoai tây đã sớm đến tai Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Chủ Tịch David O. McKay đã ngạc nhiên nói: ‘Đây là một trong những hành động cao quý nhất của người Ky Tô hữu chân chính mà tôi từng thấy.’”26

Hình Ảnh
Các Thánh Hữu Hà Lan đứng xung quanh một chiếc xe tải chất đầy các bao khoai tây

Anh Cả Renlund: Năm sau đó, các tín hữu Hà Lan lại gửi một số lớn khoai tây thu hoạch được cho người Đức. Và họ còn thêm cá trích vào, làm cho món quà tặng còn đáng kể hơn. Một vài năm sau, vào năm 1953, Biển Bắc Hải bị ngập lụt, và làm ngập những phần lớn đất đai của Hà Lan, khiến các tín hữu Hà Lan lâm vào cảnh hoạn nạn. Lần này, Các Thánh Hữu Đức đã gửi viện trợ đến Hà Lan để giúp họ trong lúc hoạn nạn. Những hành động bác ái của Các Thánh Hữu Hà Lan đã có ảnh hưởng trong nhiều năm và là bằng chứng lâu dài về tình yêu thương và lòng bác ái có thể có được, ngay cả giữa những kẻ thù, khi những người bình thường yêu mến Thượng Đế trước hết và rồi người lân cận của họ như chính bản thân họ.

Sự sẵn lòng tha thứ đã mang lại sự chữa lành cho các tín hữu Hà Lan. Tôi đã thấy điều tương tự như vậy cũng đúng với tôi. Nếu tôi nuôi lòng oán giận, thì Thánh Linh sẽ buồn phiền. Nếu tôi tức giận thì tôi sẽ kém nhân từ hơn và ít giống như Đấng Ky Tô hơn trong cách cư xử của tôi đối với người khác. Lẽ thật này được một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Too Late the Phalarope của Alan Paton xuất bản năm 1953 ở Apartheid Nam Phi đã tuyên bố một cách xuất sắc: “Có một luật cứng rắn … rằng khi một vết thương sâu gây ra cho chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ hồi phục cho đến khi chúng ta tha thứ.”27

Chị Renlund: Có rất nhiều câu chuyện đầy cảm ứng khác từ lịch sử Giáo Hội trong khung cảnh thời gian này được kể trong sách Các Thánh Hữu, tập 3, các câu chuyện từ mọi nơi trên thế giới. Có lẽ các em muốn biết một điều gì đó về William Daniels là người đã trung thành phục vụ trong nhiều năm ở Cape Town, Nam Phi xa xôi. Mặc dù không được sắc phong chức phẩm chức tư tế, nhưng ông đã có một chứng ngôn nhiệt thành . 28

Anh Cả Renlund: Hoặc Rafael Monroy và Vicente Morales ở Mexico đã tuẫn đạo vì đức tin của họ. Và mẹ Jesuita cùng vợ Guadalupe của Rafael là những người đã can đảm lãnh đạo gia đình và cộng đồng của họ bất chấp những mối đe dọa đang tiếp diễn.29

Hình Ảnh
ảnh người phụ nữ

Jesusita Monroy.

Chị Renlund: Hoặc Alma Richards, người Thánh Hữu Ngày Sau đầu tiên giành được huy chương Thế Vận Hội, một phần vì ông ấy đã chọn sống theo Lời Thông Sáng.30

Anh Cả Renlund: Hoặc Hirini Whaanga mà đã được người vợ chung thủy là Mere, ủng hộ, đã trở về quê hương của mình ở New Zealand với tư cách là một người truyền giáo để thuyết giảng và thu thập các tên để làm công việc đền thờ.31

Chị Renlund: Hoặc Helga Meiszus là người đã giữ vững đức tin khi còn là một thiếu nữ Thánh Hữu Ngày Sau ở Đức Quốc Xã bất chấp sự bắt nạt của bạn bè, thầy cô giáo và những người lãnh đạo trường học cũ.32

Anh Cả Renlund: Hoặc Evelyn Hodges là người đã từng làm nhân viên xã hội do Hội Phụ Nữ thuê để giúp các gia đình ổn định cuộc sống trong thời kỳ Đại Suy Thoái.33

Chị Renlund: Chà, chúng ta không còn thời gian để đề cập đến các câu chuyện khác nữa, nhưng tôi biết các em đều sẽ muốn tự mình đọc tập thứ ba của sách Các Thánh Hữu.

Anh Cả Renlund: Đối với tôi, bài hát lý tưởng cho thời kỳ này trong lịch sử Giáo Hội là “Hark, All Ye Nations!”34 mà ca đoàn sẽ hát để kết thúc buổi họp của chúng ta. “Hark, All Ye Nations!” do Louis F. Mönch, một người gốc Đức, sáng tác và cũng là người đã gia nhập Giáo Hội trong khi đi ngang qua Salt Lake City. Về sau, ông phục vụ truyền giáo cho Giáo Hội ở Thụy Sĩ và Đức. Trong khi đang phục vụ truyền giáo, ông đã xuất bản nhiều tài liệu bằng tiếng Đức, kể cả “Hark, All Ye Nations!” Bài này đã trở thành một trong những bài thánh ca được yêu thích nhất của Các Thánh Hữu Ngày Sau nói tiếng Đức. Nó được xuất bản lần đầu tiên ở Đức trong sách thánh ca này vào năm 1890. Nó đã được dịch sang các ngôn ngữ khác và được xuất bản như một phần quyển thánh ca hiện tại mà chúng ta đang sử dụng. Phiên bản đó đã bỏ câu thứ ba của ông ấy mà ca đoàn cũng sẽ hát.

Câu thứ ba này mô tả điều Các Thánh Hữu mà chúng ta đã nói đến đã làm trong thời đại này. Họ “[đã] tôn vinh Thượng Đế hằng sống có một và thật. [Đã đến] và [được] báp têm; [bám] vào thanh sắt. [Dâng lên] Ngài tấm lòng [của họ] với đức tin nơi Con Ngài—Chúa Giê Su, Đấng Chí Thánh”

Tôi mời các em đọc sách Các Thánh Hữu để học hỏi và hiểu biết lịch sử của Giáo Hội và học hỏi từ tấm gương của các tín hữu Giáo Hội. Sách Các Thánh Hữu được nghiên cứu kỹ và đáng tin cậy một cách đặc biệt. Đây là một bằng chứng về Sự Phục Hồi đang tiếp diễn của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Lịch sử của chúng ta là đầy soi dẫn. Lịch sử này là di sản chung của chúng ta, cho dù chúng ta là hậu duệ của những người tiền phong ban đầu, những người tiền phong sau này, hay nếu chúng ta là những người tiền phong trong đức tin.

Tại sao điều này là quan trọng? Tại sao chúng ta thường dành nhiều thời gian như vậy để kể lại những câu chuyện này? Đó là vì những câu chuyện này mang đến cho chúng ta những ví dụ thực tế về khả năng tiến đến việc biết được Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và lãnh đạo Giáo Hội này cũng như trông nom dân giao ước của Ngài là những người được trang bị với quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại. Tôi cầu xin một phước lành cho các em để các em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của các em khi các em đến gần Ngài và Giáo Hội của Ngài hơn, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mô Rô Ni 10:3.

  2. A Message from the First Presidency,” Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 (năm 2018), trang xv.

  3. Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 94. Chủ Tịch Nelson cũng nói: “Chúng ta là nhân chứng cho một tiến trình phục hồi. Nếu anh chị em nghĩ là Giáo Hội đã được phục hồi một cách trọn vẹn, thì thật ra anh chị em chỉ đang thấy sự khởi đầu. Còn nhiều điều nữa sẽ tới. … Hãy đợi sang năm sau. Và rồi năm kế tiếp nữa. Hãy uống các viên vitamin. Hãy ngủ đủ giấc. Sẽ là điều phấn khởi lắm đấy” (Russell M. Nelson, trong “Latter-day Saint Prophet, Wife and Apostle Share Insights of Global Ministry” [Ngày 30 tháng Mười năm 2018], newsroom.ChurchofJesusChrist.org.

  4. Do Joseph Fielding Smith, biên soạn., Life of Joseph F. Smith (Salt Lake City: Deseret News Press, năm 1938), trang 474.

  5. Xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, 1893–1955 (năm 2022), trang 202–205.

  6. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 206–207.

  7. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 31–32.

  8. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independenttrang 32.

  9. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independenttrang 33.

  10. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent33; Giáo Lý và Giao Ước 137:7.

  11. Hê Bơ Rơ 11:13.

  12. Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” trang 95.

  13. Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” trang 94–95.

  14. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 71, trang 74.

  15. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 74–77.

  16. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 525–528, trang 531–534

  17. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 542–545.

  18. Xin xem David A. Bednar, “Cửa Sổ trên Trời,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 17.

  19. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 55–58, trang 63–65.

  20. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 63trang 64.

  21. Nhật ký của Inez Knight Allen, ngày 2 tháng Tư năm 1898, L. Tom Perry Special Collections, Thư Viện Harold B. Lee Library, trường Brigham Young University, Provo, Utah, trang 16.

  22. Nhật ký của Inez Knight Allen, ngày 2 tháng Tư năm 1898, trang 18.

  23. 297.478 thiếu nữ độc thân đã bắt đầu công việc truyền giáo toàn thời gian từ ngày 1 tháng Một năm 1981 đến ngày 1 tháng Một năm 2022.

  24. Russell M. Nelson, “Thuyết Giảng Phúc Âm về Sự Bình An,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 6.

  25. Xin xem Russell M. Nelson. “Một Lời Khẩn Nài cùng Các Chị Em Phụ Nữ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 95–98.

  26. Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 500–504.

  27. Alan Paton, Too Late the Phalarope (New York: Scribner Paperback Fiction, năm 1995), trang 278.

  28. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 308–310, trang 322–324.

  29. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 161–162, trang 172–176, 186–189.

  30. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 147–150, trang 156–159.

  31. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 52–55, trang 66–68, trang 78–80.

  32. Xin xem “Meyer, Helga Meiszus (Birth)” trong bảng mục lục của sách Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent.

  33. Xin xem Saints, tập 3, Boldly, Nobly, and Independent, trang 305–308, trang 315–317, trang 327–329.

  34. Hark, All Ye Nations!,” Hymns, số 264. Bản dịch tiếng Anh có thể hát được của câu 3 từ tiếng Đức là:

    Hãy tôn vinh Thượng Đế hằng sống có một và thật.

    Hãy đến và chịu phép báp têm; bám vào thanh sắt.

    Dâng lên Ngài tấm lòng của mình với đức tin nơi Con Ngài—

    Chúa Giê Su, Đấng Chí Thánh.

    Bản dịch tiếng Anh theo sát nghĩa hơn của câu 3 từ tiếng Đức là:

    Hãy tôn vinh Thượng Đế chân chính, vĩnh cửu,

    Lời Ngài đòi hỏi sự hối cải và phép báp têm.

    Hãy dâng hiến tâm hồn mình qua Con của Ngài

    Ngươi sẽ nhận được một phần thưởng!

In