2010–2019
“Đến Cùng Ta với Một Tấm Lòng Cương Quyết, và Ta Sẽ Chữa Lành cho Họ”
Tháng mười 2010


2:3

“Đến Cùng Ta với Một Tấm Lòng Cương Quyết, và Ta Sẽ Chữa Lành cho Các Ngươi”

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là Hoàng Tử Bình An, Đấng Chữa Lành Vĩ Đại, là Đấng duy nhất có thể thật sự thanh tẩy chúng ta khỏi nọc độc của tội lỗi.

Buổi tối hôm nay, tôi muốn chia sẻ một sứ điệp về sự an ủi và chữa lành với bất cứ anh em nào cảm thấy cô đơn hoặc bị bỏ rơi, đã đánh mất bình an trong tâm trí hoặc tâm hồn hoặc cảm thấy rằng mình đã đánh mất cơ hội cuối cùng rồi. Sự chữa lành và bình an trọn vẹn có thể tìm thấy được ở dưới chân của Đấng Cứu Rỗi.

Là một đứa bé 7 tuổi sống ở Bán Đảo Á Rập, tôi thường được cha mẹ tôi bảo phải luôn luôn mang giày vào và tôi đã hiểu tại sao. Tôi biết rằng giày sẽ bảo vệ đôi chân tôi chống lại nhiều mối đe dọa ở sa mạc như rắn, bò cạp và gai. Một buổi sáng, sau một đêm cắm trại ở sa mạc, tôi muốn đi thám hiểm, nhưng không muốn bận tâm với việc mang giày. Tôi lý luận rằng tôi chỉ đi bộ một chút thôi và tôi sẽ ở gần nơi cắm trại. Vì vậy thay vì mang giày, tôi mang dép. Tôi tự bảo dép thì cũng là giày vậy—một loại giày thôi. Và dầu sao chăng nữa, điều gì có thể xảy ra được chứ?

Khi tôi bước dọc theo bờ cát nguội—bằng đôi dép của mình—tôi cảm thấy có một cái gì giống như gai đâm vào lòng bàn chân của tôi. Tôi nhìn xuống và thấy không phải là một cái gai mà là con bò cạp. Trong khi tâm trí của tôi ghi nhận là con bò cạp và tôi nhận ra điều đã vừa mới xảy ra, thì cơn đau vì bị chích bắt đầu lan từ bàn chân lên đến chân tôi. Tôi ôm chặt đầu chân để cố gắng ngăn chặn cơn đau như cắt vì tiếp tục đi thêm, và tôi kêu cứu. Cha mẹ tôi chạy đến từ chỗ cắm trại.

Trong khi cha tôi dùng xẻng đập con bò cạp, thì một người bạn của gia đình đang cắm trại với chúng tôi đã can đảm cố gắng hút nọc độc ra khỏi bàn chân tôi. Vào lúc này, tôi nghĩ rằng tôi sắp chết. Tôi khóc trong khi cha mẹ tôi bế tôi vào xe và chạy tốc độ nhanh băng ngang sa mạc hướng đến bệnh viện cách đó 2 giờ đồng hồ. Cơn đau lan khắp chân tôi thật dữ dội và trong suốt chặng đường đi, tôi nghĩ rằng tôi sắp chết.

Tuy nhiên, cuối cùng, khi chúng tôi đến bênh viện, bác sĩ đã có thể bảo đảm với chúng tôi rằng chỉ trẻ sơ sinh và người thiếu dinh dưỡng nặng mới bị đe dọa bởi cái chích của loại bò cạp đó. Bác sĩ chích thuốc làm tê cái chân của tôi và lấy đi cảm giác đau đớn. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, tôi đã không còn cảm thấy bị đau vì bò cạp chích nữa. Nhưng tôi đã học được một bài học quan trọng.

Tôi biết rằng khi cha mẹ tôi bảo tôi mang giày, họ đã không có ý nói là dép; tôi đủ lớn khôn để biết rằng dép không mang đến sự bảo vệ giống như một đôi giày. Nhưng buổi sáng đó trên sa mạc, tôi đã bất chấp điều tôi đã biết là đúng. Tôi đã lơ đi điều cha mẹ tôi nhiều lần dạy tôi. Tôi đã lười biếng lẫn đôi chút chống đối và tôi đã trả cái giá cho điều đó.

Trong khi tôi ngỏ lời cùng các em là các thiếu niên dũng cảm, cùng những người cha, các giảng viên, những người lãnh đạo và bạn bè của các em, tôi có lời ngợi khen tất cả những ai đang siêng năng cố gắng trở thành con người Chúa cần và muốn các anh em trở thành. Nhưng tôi làm chứng từ kinh nghiệm của mình với tư cách là một thiếu niên và với tư cách là một người đàn ông, rằng bất chấp điều chúng ta biết là đúng, cho dù vì thói lười biếng hoặc chống đối, đều luôn luôn mang đến những hậu quả không mong muốn và làm hại phần thuộc linh. Không, cuối cùng con bò cạp đã không đe dọa tính mạng của tôi, nhưng nó gây ra đau đớn vô cùng và làm cho tôi lẫn cha mẹ tôi lo lắng. Khi nói đến cách chúng ta sống theo phúc âm như thế nào, chúng ta cần phải không đáp ứng với thói lười biếng hoặc chống đối.

Là các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và là những người mang chức tư tế, chúng ta biết các lệnh truyền và tiêu chuẩn chúng ta đã giao ước để tuân giữ. Khi chọn một con đường khác với con đường chúng ta biết là đúng, như đã được cha mẹ và các vị lãnh đạo của chúng ta giảng dạy, và đã được Đức Thánh Linh xác nhận trong lòng chúng ta, thì điều đó giống như bước vào sa mạc cát bằng dép thay vì bằng giày. Rồi chúng ta tìm cách biện minh cho hành vi lười biếng hoặc chống đối của mình. Chúng ta tự bảo rằng mình không thật sự làm điều gì sai, điều đó không thật sự là quan trọng và rằng không có điều gì tệ hại lắm đâu nếu thả tay ra khỏi thanh sắt một chút. Có lẽ chúng ta tự an ủi với ý nghĩ rằng mọi người khác đều đang làm như vậy—hay còn làm điều tệ hại hơn nữa—và dầu sao chăng nữa, chúng ta cũng sẽ không bị ảnh hưởng xấu đâu. Bằng cách nào đó, chúng ta tự thuyết phục rằng chúng ta là ngoại lệ đối với luật lệ và do đó được miễn khỏi những hậu quả của việc vi phạm luật lệ đó. Đôi khi chúng ta cố tình từ chối “vâng lời một cách chính xác”1—như được nói đến trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta—và chúng ta giữ lại một phần tấm lòng của mình đối với Chúa. Và rồi chúng ta bị chích đau.

Thánh thư dạy chúng ta rằng “Chúa đòi hỏi tấm lòng thành,2 và chúng ta được truyền lệnh phải yêu mến Chúa và phục vụ Ngài với “tất cả tấm lòng [của mình].”3 Lời hứa là chúng ta “có thể đứng vô tội trước mặt Thượng Đế vào ngày sau cùng” và trở về nơi hiện diện của Ngài.4

Dân An Ti Nê Phi Lê Hi trong Sách Mặc Môn đã dẹp bỏ vũ khí chiến tranh của họ và chôn giấu chúng xuống sâu dưới lòng đất, giao ước không bao giờ cầm vũ khí lên đánh lại anh em của họ nữa. Nhưng họ còn làm nhiều hơn thế nữa. “Họ đã trở thành một dân tộc ngay chính” vì “họ đã dẹp bỏ các khí giới phản nghịch, của mình để không còn chống lại Thượng Đế nữa.”5 Sự cải đạo của họ trọn vẹn và sâu xa đến nỗi họ “không hề bỏ đạo.”6

Nhưng trước khi họ cải đạo, hãy nhớ đến trạng thái của họ: họ sống trong trạng thái mà thánh thư gọi là “công khai chống lại Thượng Đế.”7 Tấm lòng phản nghịch của họ đã kết án họ phải sống “trong một trạng thái ngược lại với bản chất hạnh phúc” vì họ đã “đi ngược lại với bản chất của Thượng Đế.”8

Khi họ dẹp bỏ vũ khí phản nghịch, của mình, họ đã tự làm cho mình hội đủ điều kiện có được sự chữa lành và bình an của Chúa, và chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Đấng Cứu Rỗi quả quyết rằng: “Nếu họ không chai đá trong lòng, và không cứng cổ chống lại ta, thì họ sẽ được cải hóa, và ta sẽ chữa lành cho họ.9 Các anh em và tôi có thể chấp nhận lời mời gọi của Ngài phải “trở lại và hối cải, và đến cùng ta với một tấm lòng cương quyết, và ta sẽ chữa lành cho [các ngươi].”10

Hãy đối chiếu sự chữa lành kỳ diệu này với điều xảy ra “khi chúng ta muốn che giấu những tội lỗi của mình, hay làm thỏa mãn tính kiêu ngạo, [hay] lòng ham muốn vô bổ của chúng ta. … Thiên thượng sẽ tự rút lui; Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền” và chúng ta bị bỏ rơi một mình “để đá vào gai nhọn… và để chống đối Thượng Đế.”11

Thưa các anh em, chúng ta tìm được sự chữa lành và trợ giúp chỉ khi nào chúng ta tự mình phủ phục dưới chân của Đấng Chữa Lành, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải dẹp bỏ khí giới phản nghịch của mình (và mỗi người chúng ta đều biết các khí giới đó là gì). Chúng ta cần phải dẹp bỏ tội lỗi, tính kiêu ngạo và tự phụ của mình. Chúng ta cần phải từ bỏ ước muốn của mình để đi theo thế gian, cũng như được thế gian kính trọng và ca ngợi. Chúng ta cần phải ngừng chống đối Thượng Đế và thay vì thế, dâng hết lòng mình lên Ngài, mà không giữ lại một phần nào cả. Rồi, Ngài có thể chữa lành cho chúng ta. Rồi, Ngài có thể tẩy sạch chúng ta khỏi nọc độc của tội lỗi.

“Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.”12

Chủ Tịch James E. Faust dạy:

“Khi sự vâng lời trở thành mục tiêu của chúng ta thì nó không còn là một điều khó chịu và trở thành lợi thế cho chúng ta. …

“… Sự vâng lời đưa đến tự do đích thực. Chúng ta càng vâng theo lẽ thật được mặc khải, thì chúng ta càng được giải thoát.”13

Tuần trước, tôi gặp một ông lão 92 tuổi đã tham gia vào nhiều chiến dịch trọng đại trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ông đã sống sót khỏi ba lần bị thương, mỗi lần như vậy là do một quả mìn làm nổ chiếc xe Jeep mà ông đang đi, làm tử thương người tài xế. Ông biết được rằng nếu muốn sống sót trong một bãi mìn, ta cần phải đi chính xác theo lối đi của chiếc xe đang đi trước mặt mình. Và quả thật như vậy, bất cứ bị trệch hướng qua bên phải hoặc bên trái đều cũng có thể—và quả thật vậy—gây ra tai họa cả.

Các vị tiên tri và sứ đồ, các vị lãnh đạo và các bậc cha mẹ, đều liên tục chỉ ra con đường mà chúng ta cần phải đi theo nếu chúng ta muốn tránh một sự hủy diệt làm nổ tung linh hồn mình. Họ biết con đường an toàn không bị gài mìn (hoặc quả thực là bò cạp) và họ thiết tha mời gọi chúng ta đi theo sau họ. Có rất nhiều cạm bẫy đầy tai hại để cám dỗ chúng ta rời con đường đó. Việc đi lạc vào con đường ma túy, rượu chè, hình ảnh sách báo khiêu dâm, hoặc hành vi đồi bại ở trên mạng Internet hay trò chơi video, sẽ hướng chúng ta thẳng đến một trận nổ làm hủy diệt phần thuộc linh. Việc đi trệch hướng qua bên phải hoặc bên trái của con đường an toàn trước mặt chúng ta, dù là vì tính biếng nhác hoặc chống đối, đều có thể cho thấy là gây ra tai họa cho cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Không có ngoại lệ nào cho quy luật này cả.

Nếu đi lạc khỏi con đường, chúng ta có thể thay đổi, chúng ta có thể trở lại, chúng ta có thể đạt lại được niềm vui và sự bình an nội tâm của mình. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng việc trở lại con đường mà các bãi mìn đã được gỡ đi thì sẽ được khuây khỏa biết bao.

Không một ai có thể tìm ra được sự bình an trong một bãi mìn.

Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là Hoàng Tử Bình An, Đấng Chữa Lành Vĩ Đại, là Đấng duy nhất có thể thật sự thanh tẩy chúng ta khỏi nọc độc của tội lỗi và thuốc độc của tính kiêu căng cùng thay đổi tấm lòng chống đối của mình thành tấm lòng cải hóa, giao ước. Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn và áp dụng cho tất cả chúng ta.

Lời mời gọi đưa ra cho dân Nê Phi, khi Ngài phục sự họ với tư cách là Đấng Ky Tô phục sinh, vẫn còn hiệu lực cho các anh em và tôi: “Trong các ngươi có ai đau ốm không? Hãy đem họ lại đây. Trong các ngươi có ai què, đui, câm, điếc, cụt tay chân, bị phong hủi, hay bại xuội, hoặc bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây ta sẽ chữa lành cho họ.14

Không một ai trong các anh em đã bỏ mất cơ hội cuối cùng của mình. Các anh em có thể thay đổi, các anh em có thể trở lại, các anh em có thể thỉnh cầu lòng thương xót. Hãy đến cùng Đấng chí thánh là Đấng có thể chữa lành và các anh em sẽ tìm ra bình an. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), bìa sau bên trong.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 64:34; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 4:2; 59:5; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 4:2.

  5. An Ma 23:7; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. An Ma 23:6.

  7. Mô Si A 2:37; An Ma 3:18; xin xem thêm Mặc Môn 2:15.

  8. An Ma 41:11.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 112:13; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  10. 3 Nê Phi 18:32.

  11. Giáo Lý và Giao Ước 121:37, 38.

  12. Giăng 3:17.

  13. James E. Faust, “Obedience: The Path to Freedom,” Liahona, tháng Bảy năm 1999, 55, 53; Ensign, tháng Năm năm 1999, 47, 45.

  14. 3 Nê Phi 17:7; sự nhấn mạnh được thêm vào.