Ở trên Con Đường
Khi chúng ta giữ chặt con cái mình và tuân theo sự dẫn dắt của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta đều sẽ trở lại ngôi nhà thiên thượng của mình và được an toàn trong vòng tay của Cha Thiên Thượng.
Mới đây tôi đã theo dõi sự ra đời của bé Kate Elizabeth. Sau khi chào đời và được đặt vào vòng tay của mẹ nó, Kate giơ tay ra và nắm lấy ngón tay của mẹ nó. Thể như bé Kate đang nói: “Nếu con nắm chặt, thì mẹ sẽ giúp con ở trên con đường trở về với Cha Thiên Thượng không?”
Vào lúc bảy tuổi, Joseph Smith mắc bệnh thương hàn và chân của ông bị nhiễm độc. Bác Sĩ Nathan Smith đang phát minh ra một phương pháp mà có thể cứu được cái chân bị nhiễm độc. Không có thuốc gây mê, nhưng Bác Sĩ Smith cần phải mổ chân ông và cố ý lấy ra những phần xương bị nhiễm độc. Joseph khước từ không uống rượu mạnh để chịu đựng nỗi đau và từ chối không chịu để bị trói, nhưng nói: “Tôi sẽ xin cha tôi ngồi trên giường và ôm tôi vào vòng tay ông và rồi tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết.”1
Đối với các trẻ em trên khắp thế giới, chúng tôi nói: “Hãy nắm lấy tay tôi. Nắm chặt nhé. Chúng ta sẽ cùng nhau ở trên con đường trở về với Cha Thiên Thượng.”
Cha mẹ, ông bà, láng giềng, bạn bè, những người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi—mỗi người chúng ta đều có thể giơ tay ra để ôm các trẻ em. Chúng ta có thể dừng lại, quỳ xuống, và nhìn vào mắt các em cùng cảm nhận ước muốn tự nhiên của các em để tuân theo Đấng Cứu Rỗi. Hãy nắm lấy tay của các em. Hãy đi với các em. Đó là cơ hội của chúng ta để nắm chặt tay các em trên con đường đức tin.
Không một trẻ em nào cần phải đi một mình trên con đường chừng nào chúng ta còn sẵn lòng nói cho trẻ em của mình hiểu về kế hoạch cứu rỗi. Việc hiểu biết kế hoạch đó sẽ giúp cho các em hiểu được lẽ thật rằng các em là con cái của Thượng Đế và Ngài có một kế hoạch dành cho các em, rằng các em đã sống với Ngài trong cuộc sống tiền dương thế, rằng các em đã reo mừng để đến thế gian này, và qua sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta cùng nhau có thể trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng. Nếu các em hiểu được kế hoạch đó và mình là ai, thì các em sẽ không sợ hãi.
Trong An Ma 24 chúng ta đọc “Ngài thương yêu linh hồn chúng ta [và] Ngài thương yêu con cái chúng ta; vậy nên, … kế hoạch cứu rỗi được tiết lộ cho chúng ta biết chẳng khác chi đối với các thế hệ tương lai vậy.”2
Chúng ta bắt đầu cho con cái mình biết về kế hoạch đó khi chúng ta tự bám chặt vào thanh sắt.
Khi bám chặt vào thanh sắt, chúng ta ở trong vị trí đặt tay mình lên tay con cái mình và cùng nhau bước đi trên con đường chật và hẹp. Tấm gương của chúng ta được vinh hiển trong mắt chúng. Chúng sẽ noi theo gương của chúng ta khi chúng cảm thấy an toàn trong hành động của chúng ta. Chúng ta không cần phải hoàn hảo—chỉ cần chân thật và thành thật. Con cái muốn cảm thấy như là một người với chúng ta. Khi một người cha hay mẹ nói: “Chúng ta có thể làm điều đó! Chúng ta có thể đọc thánh thư hằng ngày chung với gia đình,” thì con cái sẽ tuân theo!
Một gia đình như vậy với bốn đứa con nhỏ viết: “Chúng tôi quyết định bắt đầu một cách đơn giản vì khoảng thời gian chú ý của con cái chúng tôi rất ngắn. Đứa con lớn nhất của chúng tôi chưa đọc được, nhưng nó có thể lặp lại theo lời chúng tôi, nên chúng tôi bắt đầu đọc Sách Mặc Môn, chỉ ba câu mỗi đêm. Chồng tôi và tôi thường đọc mỗi người một câu, và rồi Sydney lặp lại một câu. Chúng tôi tiến triển đến bốn câu và rồi năm câu khi mấy đứa con trai bắt đầu tự lặp lại các câu của chúng. Vâng, điều đó chán ngắt, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục. Chúng tôi cố gắng tập trung vào tính kiên định thay vì tốc độ đọc. Chúng tôi mất ba năm rưỡi để đọc xong Sách Mặc Môn. Thật là một cảm giác tuyệt vời về sự hoàn thành!”
Người mẹ tiếp tục nói: “Giờ đây, việc đọc thánh thư chung gia đình hằng ngày là một thói quen trong gia đình chúng tôi. Con cái chúng tôi không lo lắng với lời lẽ trong thánh thư, và chồng tôi và tôi lấy cơ hội để chia sẻ chứng ngôn về lẽ thật. Quan trọng hơn hết, Thánh Linh trong nhà chúng tôi đã tăng lên.”
Các anh chị em có học được điều tôi đã làm từ kinh nghiệm của gia đình này không? Khi dốc lòng bám chặt lời của Thượng Đế, thì chúng ta chỉ cần mỗi lần đọc một câu thánh thư thôi. Không bao giờ quá trễ để bắt đầu. Các anh chị em có thể bắt đầu từ bây giờ.
Thế gian sẽ dạy dỗ con cái chúng ta nếu chúng ta không dạy dỗ chúng, và trẻ con có khả năng học hỏi tất cả những gì mà thế gian sẽ dạy chúng vào lúc chúng còn rất nhỏ. Điều chúng ta muốn chúng phải biết trong năm năm nữa cần phải được nêu lên trong cuộc chuyện trò của chúng ta với chúng ngày nay. Hãy dạy chúng trong mọi hoàn cảnh; hãy để cho mọi tình trạng khó xử, mọi hậu quả, mọi thử thách mà chúng có thể gặp mang đến cơ hội giảng dạy chúng cách bám chặt vào các lẽ thật phúc âm.
Shannon, một người mẹ trẻ, đã không nghĩ rằng sẽ dạy con cái mình về quyền năng của sự cầu nguyện khi họ leo vào chiếc xe van của họ để lái về nhà chỉ cách đó 40 phút. Không có giông bão khi họ rời nhà của bà ngoại họ, nhưng khi họ bắt đầu lái ngang qua các con đường trong hẻm núi, tuyết rơi nhẹ giờ bắt đầu thành trận bão tuyết. Chiếc xe van bắt đầu trượt trên mặt đường. Chẳng mấy chốc, tầm nhìn thấy là con số không. Hai đứa con nhỏ nhất đã cảm thấy tình hình căng thẳng và bắt đầu khóc. Shannon nói với hai đứa con lớn, Heidi và Thomas, 8 và 6 tuổi: “Các con cần phải cầu nguyện. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng để được về nhà an toàn. Hãy cầu nguyện để chúng ta sẽ không bị kẹt lại ở đây và chúng ta sẽ không bị trượt ra khỏi đường.” Đôi tay của chị run rẩy trong khi chị lái xe, tuy nhiên chị có thể nghe lời cầu nguyện thì thầm của mấy đứa trẻ lặp đi lặp lại từ ghế sau: “Thưa Cha Thiên Thượng, xin giúp chúng con về nhà an toàn; xin giúp chúng con để chúng con sẽ không bị trượt ra khỏi đường.”
Cuối cùng, những lời cầu nguyện làm cho hai đứa con nhỏ bình tĩnh lại và chúng ngừng khóc khi họ biết được rằng con đường bị đóng lại đã không cho họ lái xe xa hơn nữa. Họ cẩn thận quay xe lại và tìm ra một khách sạn nghỉ qua đêm. Khi ở trong khách sạn, họ đã quỳ xuống và cám ơn Cha Thiên Thượng về sự an toàn của họ. Trong đêm đó, một người mẹ đã dạy cho con cái mình quyền năng của việc bám chặt vào sự cầu nguyện.
Con cái của chúng ta sẽ đương đầu với những thử thách nào? Giống như Joseph Smith, con cái của chúng ta có thể tìm ra can đảm để “làm bất cứ điều gì cần thiết.” Khi chúng ta dự định ôm chúng vào lòng và dạy chúng về kế hoạch của Cha Thiên Thượng qua việc cầu nguyện và đọc thánh thư, thì chúng sẽ biết chúng từ đâu tới, tại sao chúng có mặt ở đây và chúng sẽ đi đâu.
Mùa xuân năm ngoái, chồng tôi và tôi tham dự một trận đá bóng của đứa cháu nội bốn tuổi của chúng tôi. Ta có thể cảm thấy nỗi phấn khởi trên sân chơi khi các cầu thủ chạy tứ phía rượt theo quả bóng. Khi tiếng còi cuối cùng huýt lên, các cầu thủ cũng chưa biết ai thắng hay ai thua. Chúng chỉ tham dự một cuộc chơi mà thôi. Các huấn luyện viên hướng dẫn các cầu thủ bắt tay với những người ở đội bên kia. Rồi tôi thấy một điều gì khá đặc biệt. Người huấn luyện viên yêu cầu làm hai hàng chào chiến thắng. Tất cả cha mẹ, ông bà và bất cứ khán giả nào đến theo dõi trận đấu đều đứng lên và làm thành hai hàng đối diện nhau, và họ giơ cánh tay lên để tạo thành vòng cung. Các trẻ em reo hò khi chúng chạy xuyên qua những người lớn đang cổ vũ và theo con đường tạo thành bởi các khán giả đứng hai bên. Chẳng bao lâu các trẻ em từ đội đối thủ cũng nhập vào cuộc vui cùng với tất cả các cầu thủ—những người thắng lẫn những người thua—đều được những người lớn cổ vũ khi chúng chạy xuyên qua hàng chào chiến thắng.
Trong tâm trí mình, tôi có một hình ảnh khác. Tôi có cảm tưởng tôi đang nhìn các trẻ em sống theo kế hoạch, kế hoạch mà Cha Thiên Thượng đã tạo ra cho mỗi đứa trẻ. Chúng đang chạy trên con đường chật và hẹp ngang qua vòng tay nối liền của các khán giả là những người yêu thương chúng, mỗi em đều cảm thấy niềm vui được ở trên con đường đó.
Gia Cốp nói: “Ôi vĩ đại thay kế hoạch của Thượng Đế chúng ta!”3 Đấng Cứu Rỗi đã “đánh dấu con đường và hướng dẫn lối đi.”4 Tôi làm chứng rằng khi chúng ta nắm chặt con cái mình và tuân theo sự dẫn dắt của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta đều sẽ trở lại ngôi nhà thiên thượng của mình và được an toàn trong vòng tay của Cha Thiên Thượng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.