Lịch Sử Giáo Hội
Jane Elizabeth Manning James


“Jane Elizabeth Manning James,” Các Đề Tài về Lịch Sử Giáo Hội

“Jane Elizabeth Manning James”

Jane Elizabeth Manning James

Jane Elizabeth Manning (vào khoảng năm 1822–1908) là một trong ít nhất năm đứa trẻ được sinh ra bởi một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Phi tự do ở Connecticut vào thời điểm mà hầu hết người da đen ở Hoa Kỳ vẫn còn là nô lệ.1 Khi còn là người thành niên trẻ tuổi, bà đã gia nhập Giáo Hội New Canaan vào năm 1841, nhưng 18 tháng sau, vào mùa đông năm 1842–1843, bà ấy và một vài thành viên trong gia đình đã được làm phép báp têm vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Jane và những người khác trong gia đình của bà sớm mong muốn được gia nhập với các Thánh Hữu tại Nauvoo, nên họ đã hoạch định để hành trình từ Connecticut đến New York bằng cả thuyền lẫn tàu hơi nước. Tuy nhiên, họ đã bị từ chối đoạn đi bằng thuyền vì chủng tộc của mình, vì vậy họ đã phải đi bộ 1287 km còn lại. Tại Peoria, Illinois, chính quyền địa phương đã nghi ngờ rằng gia đình Manning có thể là những nô lệ chạy trốn và yêu cầu giấy tờ để chứng minh thân phận tự do của họ. Sự phân biệt chủng tộc là một trở ngại mà Jane đã phải đối mặt trong phần đời còn lại của mình.

bức ảnh chân dung của Jane Manning James

Chân dung của Jane Manning James.

Do nhã ý của Thư Viện Lịch Sử và Văn Khố của Giáo Hội

Ngay khi đến Nauvoo, Jane đã nhanh chóng phát triển tình bạn với Joseph và Emma Smith. Bà đã sống với họ và làm việc trong nhà của họ. Tại một thời điểm, Emma đã mời Jane làm con nuôi trong gia đình Smith qua lễ gắn bó của chức tư tế.2 Jane đã từ chối do hiểu lầm về lối thực hành mới lạ này, nhưng bà ấy tin chắc vào vai trò tiên tri của Joseph. Sau này bà ấy làm chứng: “Tôi biết Tiên Tri Joseph”. “Ông ấy là người đàn ông tốt nhất mà tôi từng gặp trên thế gian. … Tôi chắc chắn rằng ông ấy là một vị tiên tri bởi vì tôi biết điều đó.”3

Qua những cuộc trò chuyện với Joseph và mẹ của ông, Lucy Mack Smith, Jane đã biết thêm về Sách Mặc Môn và việc phiên dịch sách đó đồng thời có được sự hiểu biết và tôn trọng các giáo lễ đền thờ.

Jane đã kết hôn với Isaac James, một người da đen tự do đã cải đạo đến từ New Jersey. Họ, cùng với con trai của Jane là Sylvester, đã rời khỏi Nauvoo vào năm 1846 để đi đến miền tây cùng với các Thánh Hữu. Vào tháng Sáu năm đó, con trai của Jane và Isaac là Silas đã chào đời. Năm tiếp theo, gia đình của họ đã vượt qua vùng đồng bằng và đến Thung Lũng Salt Lake vào mùa thu năm 1847. Isaac và Jane đã có thêm sáu đứa con, chỉ có hai trong số đó sống lâu hơn Jane. Cũng như những người định cư đầu tiên khác đến Thung Lũng Salt Lake, Jane và Isaac đã chăm chỉ làm việc để cung cấp cho gia đình của họ. Isaac đã đi làm thuê và thỉnh thoảng là người đánh xe ngựa cho Brigham Young, và Jane đã kéo sợi, may quần áo và làm công việc giặt giũ, như bà từng làm ở Nauvoo.

Căng thẳng trong hôn nhân đã khiến Isaac và Jane ly hôn vào năm 1870. Sau đó, Jane đã có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi kéo dài hai năm với một người từng là nô lệ, Frank Perkins, nhưng không lâu sau đó đã tiếp tục sống như một người mẹ và người bà đơn thân. Nhu cầu tài chính và cái chết của ba đứa con đã khiến Jane phải quay trở lại làm việc. Bà làm và bán xà phòng, trong khi hai đứa con trai của bà đi làm thuê. Vào năm 1890, sau 20 năm xa cách, Isaac trở lại Salt Lake City, tái lập lại tư cách tín hữu Giáo Hội của ông, và gây dựng mối quan hệ thân thiện với Jane. Một năm sau, ông qua đời và lễ tang được tổ chức tại nhà của bà.

Trong suốt những khó khăn của cuộc đời, Jane vẫn trung thành với đức tin của bà nơi những lời giảng dạy trong phúc âm và trân trọng tư cách tín hữu của mình trong Giáo Hội. Bà đã hiến tặng cho việc xây cất đền thờ và tham gia vào Hội Phụ Nữ và Hội Cắt Giảm Chi Phí dành cho Thiếu Nữ.4 Jane đã kinh nghiệm được một cách dồi dào các ân tứ của Thánh Linh, bao gồm những khải tượng, giấc chiêm bao, sự chữa lành bằng đức tin, và nói nhiều thứ tiếng lạ. Sau này bà viết: “Đức tin của tôi nơi Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô vẫn còn vững mạnh ngày nay, không, đức tin đó có thể còn mạnh mẽ hơn cái ngày mà tôi chịu phép báp têm.”5

Từ năm 1884 đến năm 1904, thỉnh thoảng Jane đã liên lạc với các vị lãnh đạo của Giáo Hội—như John Taylor, Wilford Woodruff, Zina D. H. Young, và Joseph F. Smith—và xin phép được nhận lễ thiên ân trong đền thờ và được làm lễ gắn bó.6 Vào thời điểm đó, những người nam và nữ Thánh Hữu Ngày Sau da đen chưa được phép tham dự vào hầu hết các giáo lễ đền thờ. Vào năm 1888, chủ tịch giáo khu Angus M. Cannon đã cho phép Jane thực hiện phép báp têm thay cho những người thân đã qua đời của bà.7 Vào năm 1894, các vị lãnh đạo Giáo Hội cuối cùng đã cho phép bà được nhận lễ gắn bó làm thay vào gia đình của Joseph Smith với tư cách là một người hầu việc, một sự kiện độc nhất vô nhị. Mặc dù bà đã không nhận được lễ thiên ân hoặc lễ gắn bó gia đình trong đền thờ trong suốt cuộc đời của mình, các giáo lễ này đã được thực hiện thay mặt bà vào năm 1979.8

Bà qua đời vào ngày 16 tháng Tư năm 1908, hưởng thọ 95 tuổi, luôn luôn là một Thánh Hữu Ngày Sau trung tín. Tờ Deseret News đã đưa tin: “Có ít ai được ghi nhận về đức tin và sự trung thành hơn là Jane Manning James, và mặc dù với xuất thân khiêm tốn của mình, bà đã quen biết và làm bạn với hàng trăm người.”9

Ghi Chú

  1. Mẹ của Jane là người nô lệ nhưng đã được giải phóng theo luật giải phóng dần dần của tiểu bang Connecticut. Jane được sinh ra là người tự do, nhưng chế độ nô lệ vẫn hợp pháp trong tiểu bang cho đến sau khi Jane đã rời đi. Về cuộc đời của Jane nói chung, xin xem Henry J. Wolfinger, “A Test of Faith: Jane Elizabeth Manning James and the Origins of the Utah Black Community,” trong Clark Knowlton, ed., Social Accommodation in Utah (Salt Lake City: University of Utah, năm 1975), trang 126–175 và Quincy D. Newell, “The Autobiography and Interview of Jane Elizabeth Manning James,” Journal of Africana Religions, quyển 1, số 2 (năm 2013), trang 251–291.

  2. Lá thư của Zina D. H. Young gửi cho Joseph F. Smith, ngày 15 tháng Một năm 1894, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  3. “‘Aunt’ Jane James,” trong “Joseph Smith, the Prophet,” Young Woman’s Journal, quyển 16, số 12 (tháng Mười Hai năm 1905), trang 551, 553.

  4. Eighth Ward Relief Society Minutes and Records, 1867–1969, Tiểu Giáo Khu thứ Tám, Giáo Khu Liberty, ngày 20 tháng Tám năm 1874; ngày 20 tháng Mười năm 1874; ngày 21 tháng Mười Hai năm 1874; ngày 20 tháng Một năm 1875; ngày 22 tháng Ba năm 1875; ngày 20 tháng Năm năm 1875; ngày 20 tháng Mười Một năm 1875, quyển 1, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City [Jane mang họ Perkins trong một thời gian ngắn]; “Ladies Semi-monthly Meeting,” Woman’s Exponent, quyển 22, số 9 (ngày 1 tháng Mười Hai năm 1893), trang 66. Jane đã đóng góp tiền để xây cất Đền Thờ St. George, Logan, và Manti, và đóng góp cho Giáo Vụ đến dân La Man (dân Da Đỏ). Xin xem Linda King Newell và Valeen Tippetts Avery, “Jane Manning James,” Ensign, tháng Tám năm 1979, trang 29.

  5. Jane Elizabeth Manning James autobiography, vào khoảng năm 1902, được đọc cho Elizabeth J. D. Roundy, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City, trang 22.

  6. Lá thư của Jane E. James gửi cho John Taylor, ngày 27 tháng Mười Hai năm 1884; lá thư của Jane E. James gửi cho Joseph F. Smith, ngày 7 tháng Hai năm 1890; lá thư của Jane E. James gửi cho Joseph F. Smith, ngày 31 tháng Tám năm 1903.

  7. Lá thư của Angus M. Cannon gửi cho Jane E. James, ngày 16 tháng Sáu năm 1888; xin xem thêm Tonya Reiter, “Black Saviors on Mount Zion: Proxy Baptisms and Latter-day Saints of African Descent,” Journal of Mormon History, quyển 43, số 4 (tháng Mười năm 2017), trang 100–123.

  8. Jane Elizabeth Manning James autobiography, vào khoảng năm 1902. Jane đã đọc ra cuốn hồi ký của bà vào một lúc nào đó giữa năm 1902 và 1908 tại Salt Lake City; Ronald G. Coleman và Darius A. Gray, “Two Perspectives: The Religious Hopes of ‘Worthy’ African American Latter-day Saints before the 1978 Revelation,” trong Newell G. Bringhurst và Darron T. Smith, eds., Black and Mormon (Urbana: University of Illinois Press, năm 2004), trang 54. Xin xem thêm Quincy D. Newell, “The Autobiography and Interview of Jane Manning James,” Journal of Africana Religions, quyển 1, số 2 (năm 2013), trang 256, 275 (ghi chú số 34).

  9. “Death of Jane Manning James,” Deseret News, ngày 16 tháng Tư năm 1908.