2010
Trở Nên Tự Túc
tháng Giêng năm 2010


Sứ Điệp Thăm Viếng Giảng Dạy của Hội Phụ Nữ tháng Giêng năm 2010

Trở Nên Tự Túc

Hãy thành tâm giảng dạy những câu thánh thư và những lời trích dẫn này hoặc, nếu cần, một nguyên tắc khác mà sẽ ban phước cho các chị em phụ nữ mà các chị em đến thăm. Hãy chia sẻ chứng ngôn về giáo lý đó. Mời những người mà các chị em thăm viếng chia sẻ cảm nghĩ của họ và điều họ học được.

Sự Tự Túc Là Gì?

“‘Sự tự túc có nghĩa là sử dụng tất cả các phước lành chúng ta có được từ Cha Thiên Thượng để tự chăm sóc mình và gia đình mình cũng như để tìm ra giải pháp cho các vấn đề của chúng ta.’ Mỗi người chúng ta có trách nhiệm để cố gắng tránh những vấn đề trước khi chúng xảy ra và học cách khắc phục thử thách khi chúng xảy đến…

“Làm thế nào chúng ta trở nên tự túc? Chúng ta trở nên tự túc qua việc nhận đủ kiến thức, học vấn, và biết đọc, biết viết; bằng cách quản lý tiền bạc và của cải một cách khôn ngoan, được vững mạnh về phần thuộc linh, chuẩn bị cho những lúc khẩn cấp và biến cố; và bằng cách có được sức khỏe thể chất cũng như sự an lạc về mặt giao tế và cảm xúc.”1

Julie B. Beck, chủ tịch trung ương Hội Phụ Nữ.

Trách Nhiệm đối với Phúc Âm

“Khi sống mà biết lo xa và gia tăng các ân tứ và tài năng của mình, chúng ta trở nên tự túc hơn. Sự tự túc là nhận lấy trách nhiệm về sự an lạc tinh thần và vật chất của mình và cho những người mà Cha Thiên Thượng giao phó cho chúng ta chăm sóc. Chỉ khi nào chúng ta tự túc được thì chúng ta mới có thể tuân theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc phục vụ và ban phước cho những người khác.

“Thật là quan trọng để hiểu rằng sự tự túc là một phương tiện để đạt cứu cánh. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, và mục tiêu đó được gia tăng nhờ việc chúng ta phục vụ vô vị kỷ đối với những người khác. Khả năng của chúng ta để phục vụ được gia tăng hoặc giảm bớt bởi mức độ tự túc của chúng ta.”2

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

“Sự tự túc là kết quả của việc lao nhọc của chúng ta và hỗ trợ tất cả mọi lối thực hành an sinh khác. Đó là một yếu tố thiết yếu trong sự an lạc tinh thần cũng như vật chất của chúng ta. Chủ Tịch Marion G. Romney [1897–1988] đã nói về nguyên tắc này: ‘Chúng ta hãy làm việc để có được thứ mình cần. Chúng ta hãy tự túc và độc lập. Sự cứu rỗi không thể nào đạt được với nguyên tắc nào khác. Sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân và chúng ta phải thực hiện sự cứu rỗi của mình trong những sự việc về phần vật chất cũng như thuộc linh.’ …

“Chủ Tịch Spencer W. Kimball [1895–1985] còn dạy thêm về sự tự túc: ‘Trách nhiệm cho sự an lạc về mặt giao tế, cảm xúc, tinh thần, thể chất hoặc kinh tế của mỗi người trước hết thuộc về người đó, thứ nhì là về gia đình của người đó và thứ ba là về Giáo Hội nếu người ấy là một tín hữu trung tín của Giáo Hội.’”3

Chủ Tịch Thomas S. Monson.

Ghi Chú

  1. “The Welfare Responsibilities of the Relief Society President,” Basic Principles of Welfare and Self-Reliance (2009), 4–5.

  2. “A Gospel Vision of Welfare: Faith in Action,” Basic Principles of Welfare and Self-Reliance (2009), 1–2.

  3. “Guiding Principles of Personal and Family Welfare,” Liahona, tháng Hai năm 1987, 3.