2011
Giấc Mơ của Lê Hi: Bám Chặt vào Thanh Sắt
Tháng Mười năm 2011


Giấc Mơ của Lê Hi

Bám Chặt vào Thanh Sắt

Chủ đề bao quát của Sách Mặc Môn là—mời gọi tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô—có ý nghĩa tột bậc trong khải tượng của Lê Hi.

Elder David A. Bednar

Tôi yêu thích Sách Mặc Môn. Một trong những ký ức ban đầu của tôi là mẹ tôi đọc cho tôi nghe Book of Mormon Stories for Young Latter-day Saints, (Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn dành cho Các Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi), của Emma Marr Petersen. Trong những kinh nghiệm ấu thơ đó và trong suốt một cuộc đời học tập và cầu nguyện liên tục của cá nhân, Đức Thánh Linh đã nhiều lần làm chứng với tâm hồn tôi rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng Sách Mặc Môn là một chứng thư khác của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết rằng Tiên Tri Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn với và bởi quyền năng của Thượng Đế. Và tôi làm chứng rằng Sách Mặc Môn là “một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.”1

Những Biểu Tượng Chính trong Giấc Mơ của Lê Hi

Tầm quan trọng của việc đọc, học tập, tra cứu và suy ngẫm thánh thư nói chung và Sách Mặc Môn nói riêng được nổi bật nơi vài yếu tố trong khải tượng của Lê Hi về cây sự sống (xin xem 1 Nê Phi 8).

Điểm đặc trưng chính yếu trong giấc mơ của Lê Hi là cây sự sống—tượng trưng cho “tình thương yêu của Thượng Đế” (xin xem 1 Nê Phi 11:21–22). “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Như vậy, sự giáng sinh, cuộc sống và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô là những biểu hiện trọng đại nhất về tình thương yêu của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Như Nê Phi đã làm chứng, tình thương yêu này “hấp dẫn hơn hết thảy mọi vật khác” và, như một thiên sứ trong khải tượng của ông đã nói, “là niềm vui sướng nhất cho tâm hồn” (1 Nê Phi 11:22–23; xin xem thêm 1 Nê Phi 8:12, 15). Chương 11 của sách 1 Nê Phi trình bày một điều mô tả chi tiết về cây sự sống là tượng trưng cho cuộc sống, giáo vụ và sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi—“tấm lòng hạ cố của Thượng Đế” (1 Nê Phi 11:16).

Trái cây tượng trưng cho các phước lành của Sự Chuộc Tội. Việc dự phần vào trái cây ấy tượng trưng cho việc tiếp nhận các giáo lễ và giao ước mà qua đó Sự Chuộc Tội có thể trở nên hiệu quả trọn vẹn trong cuộc sống của chúng ta. Trái cây ấy được mô tả là “làm người ta cảm thấy vui sướng” (1 Nê Phi 8:10) và sinh ra niềm vui lớn lao cùng ước muốn chia sẻ niềm vui đó với người khác.

Một cách đáng kể, chủ đề bao quát của Sách Mặc Môn—mời gọi tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô—có ý nghĩa tột bậc trong khải tượng của Lê Hi. Thanh sắt dẫn đến cái cây có một tầm quan trọng đặc biệt (xin xem 1 Nê Phi 8:19). Thanh sắt là lời của Thượng Đế.

Việc Nắm Lấy so với Việc Liên Tục Bám Chặt Thanh Sắt

Tổ Phụ Lê Hi trông thấy bốn nhóm người trong khải tượng của ông. Ba trong số bốn nhóm đó đang tiến bước dọc theo con đường chật và hẹp để tìm cách có được cái cây và trái của cây đó. Nhóm thứ tư không tìm kiếm cái cây đó, thay vì thế mong muốn tòa nhà vĩ đại và rộng lớn làm điểm đến cuối cùng của họ (xin xem 1 Nê Phi 8:31–33).

Trong 1 Nê Phi 8:21–23 chúng ta biết về nhóm người thứ nhất đã tiến bước và bắt đầu ở trên con đường dẫn đến cây sự sống. Tuy nhiên, khi những người đó gặp đám sương mù tối đen tượng trưng cho “những cám dỗ của quỷ dữ” (1 Nê Phi 12:17), thì họ bị lạc đường, đi lang thang và bị thất lạc.

Hãy lưu ý rằng những câu này không có đề cập đến thanh sắt. Những người làm ngơ hoặc xem nhẹ lời của Thượng Đế thì không tiếp cận được với cái la bàn thiêng liêng đó là loại la bàn chỉ hướng đến Đấng Cứu Rỗi. Hãy lưu ý rằng nhóm này tìm được con đường và tiến bước, biểu lộ một mức độ tin tưởng vào Đấng Ky Tô và tinh thần tin chắc, nhưng họ đã bị những cám dỗ của quỷ dữ làm chệch hướng và bị thất lạc.

Trong 1 Nê Phi 8:24–28 chúng ta đọc về một nhóm người thứ hai tìm được con đường chật và hẹp dẫn đến cây sự sống. Nhóm này “đến nắm đầu thanh sắt rồi liền bám chặt thanh sắt và cố sức tiến qua đám sương mù tối đen, cho tới khi họ đến được bên cây và ăn trái cây ấy” (câu 24). Tuy nhiên, vì những người ăn mặc sang trọng ở trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại có hành động chế giễu nhóm người thứ hai này, nên “họ lấy làm hổ thẹn” và “đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn” (câu 28). Xin lưu ý rằng nhóm này được mô tả là “đến nắm đầu thanh sắt” (1 Nê Phi 8:24; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Việc nhóm thứ hai tiến bước với đức tin và lòng cam kết thật là điều có ý nghĩa. Họ cũng đã có thêm phước lành của thanh sắt và họ đã nắm lấy nó! Tuy nhiên, khi họ bị ngược đãi và đương đầu với nghịch cảnh thì họ rơi vào những lối cấm rồi lạc mất. Mặc dù có đức tin, lòng cam kết và lời của Thượng Đế, nhưng cuối cùng nhóm này cũng bị lạc mất—có lẽ vì họ chỉ thỉnh thoảng đọc hay học tập hoặc tra cứu thánh thư. Việc nắm lấy thanh sắt gợi ý cho tôi là chỉ thỉnh thoảng học một cách “đột xuất” hoặc học không đều đặn thay vì đắm mình một cách kiên định, liên tục vào lời của Thượng Đế.

Trong câu 30, chúng ta đọc về một nhóm người thứ ba tiến bước “tay luôn luôn giữ chặt thanh sắt cho tới khi họ đến được bên cây thì rạp mình xuống và ăn trái cây ấy.” Cụm từ chính trong câu này là tay luôn luôn giữ chặt thanh sắt.

Nhóm thứ ba cũng tiến bước với đức tin và lòng tin chắc; tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy là họ đi lang thang, lạc vào những lối cấm hay bị lạc mất luôn. Có lẽ nhóm người thứ ba này đã đọc học tập cùng tra cứu thánh thư một cách kiên định. Có lẽ đó là do việc chuyên tâm và tận tụy đối với một “[chuyện dường như] nhỏ nhặt tầm thường” (An Ma 37:6) đã cứu nhóm thứ ba khỏi sự hủy diệt. Có lẽ đó là “sự hiểu biết về Chúa” và “sự hiểu biết lẽ thật” (An Ma 23:5, 6) đã đạt được qua việc trung thành nghiên cứu thánh thư đã sinh ra ân tứ thuộc linh về lòng khiêm nhường—giống như nhóm người này “rạp mình xuống và ăn trái cây ấy” (1 Nê Phi 8:30; sự nhấn mạnh được thêm vào). Có lẽ đó là việc nuôi dưỡng phần thuộc linh và sức mạnh có được nhờ vào việc “nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô” một cách liên tục (2 Nê Phi 31:20) mà có thể giúp cho nhóm này không lưu ý đến lời lẽ đầy khinh miệt và chế giễu của những người ở trong tòa nhà vĩ đại rộng lớn (xin xem 1 Nê Phi 8:33). Đây là nhóm người mà các anh chị em và tôi cần phải cố gắng để gia nhập.

Hai anh của Nê Phi hỏi: “Thanh sắt dẫn đến bên cái cây mà cha chúng ta đã trông thấy có nghĩa là gì vậy?

“Và [Nê Phi] nói với họ rằng đó là lời của Thượng Đế; và những ai biết nghe theo lời của Thượng Đế và biết giữ vững lời ấy, thì sẽ không bao giờ bị diệt vong; và họ cũng không bị mù quáng bởi những cám dỗ cùng những tên lửa của kẻ thù nghịch khiến họ phải đi vào con đường hủy diệt” (1 Nê Phi 15:23–24; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Vậy thì, sự khác biệt giữa việc nắm lấy và bám chặt thanh sắt là gì? Tôi xin được đề nghị rằng việc bám chặt thanh sắt đòi hỏi, trong một mức độ lớn, việc sử dụng các thánh thư một cách thành tâm, kiên định và nghiêm túc với tính cách là một nguồn lẽ thật chắc chắn đã được mặc khải cũng như với tính cách là một sự hướng dẫn xác thực cho cuộc hành trình dọc theo con đường chật và hẹp dẫn đến cây sự sống—chính là đến với Chúa Giê Su Ky Tô.

“Và chuyện rằng, tôi thấy rằng thanh sắt mà cha tôi đã thấy là lời của Thượng Đế, nó dẫn tới suối nước sống, hay tới cây sự sống” (1 Nê Phi 11:25).

Sách Mặc Môn Là dành cho Chúng Ta Ngày Nay

Sách Mặc Môn đưa ra các lẽ thật thích đáng và thiết yếu trong thời kỳ chúng ta cũng như cho hoàn cảnh của chúng ta. Sự thích đáng thuộc linh và thực tiễn của Sách Mặc Môn trong cuộc sống chúng ta đã được Mô Rô Ni nhấn mạnh: “Này, tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi, tuy rằng các người chưa có. Nhưng này, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho tôi thấy được các người, và tôi biết việc làm của các người” (Mặc Môn 8:35). Vì đã thấy thời kỳ và hoàn cảnh của chúng ta nhờ khả năng biết trước của Thượng Đế, nên các tác giả chính của Sách Mặc Môn đã đặc biệt gồm vào các đề tài và ví dụ về tầm quan trọng lớn lao nhất đối với các dân cư trên thế gian trong những ngày sau.

Tôi mời các anh chị em hãy thận trọng và thành tâm suy ngẫm câu hỏi sau đây: Tôi có thể và cần phải học các bài học nào từ khải tượng của Lê Hi về cây sự sống và từ nguyên tắc liên tục bám chặt thanh sắt là điều sẽ giúp tôi có thể vững mạnh về phần thuộc linh trong một thế giới chúng ta đang sống ngày nay?

Khi chuyên tâm cố gắng và tìm kiếm sự soi dẫn để trả lời câu hỏi quan trọng này, các anh chị em sẽ dần dần hiểu một cách trọn vẹn hơn nhờ quyền năng của Đức thánh Linh, trong tâm trí mình, về tầm quan trọng của việc liên tục bám chặt thanh sắt. Rồi các anh chị em sẽ được ban phước để áp dụng các bài học đó với đức tin và sự chuyên tâm trong cuộc sống cá nhân của mình cũng như trong nhà mình.

Cầu xin cho chúng ta đều có mắt để nhìn và tai để nghe thêm các bài học từ khải tượng của Lê Hi mà sẽ giúp chúng ta “tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20).

Ghi Chú

  1. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 64.

KHẢI TƯỢNG CỦA LÊ HI, DO GREG OLSEN HỌA, KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SAO CHỤP

HÌNH ẢNH MINH HỌA DO DAVID STOKER THỰC HIỆN

HÌNH ẢNH MINH HỌA DO MATTHEW REER THỰC HIỆN