2011
Sách Mặc Môn Giảng Dạy Điều Gì về Tình Yêu Thương của Thượng Đế
Tháng Mười năm 2011


Sách Mặc Môn Giảng Dạy Điều Gì về Tình Yêu Thương của Thượng Đế

Một số trong những ví dụ tuyệt vời nhất về tình yêu thương của Chúa đã được ghi lại trong Sách Mặc Môn.

Elder Russell M. Nelson

Hầu hết các Ky Tô hữu đều quen thuộc với các thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô như đã được thuật lại trong Kinh Thánh. Họ kinh ngạc trước tình yêu thương Ngài đã cho thấy đối với người nghèo khó, bệnh hoạn và bị áp bức. Những người tự xem mình là môn đồ của Ngài cũng cố gắng noi theo gương Ngài và tuân theo lời khuyên nhủ của Vị Sứ Đồ yêu dấu của Ngài: “Chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. … Vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1 Giăng 4:7–8).

Khái niệm này được Sách Mặc Môn làm sáng tỏ. Sách này mô tả cách một người được Thượng Đế sinh ra và cách một người nhận được khả năng yêu thương như Ngài đã yêu thương như thế nào. Sách này nhận ra ba nguyên tắc chính yếu mang quyền năng yêu thương của Thượng Đế vào cuộc sống của chúng ta.

Trước hết, Sách Mặc Môn dạy rằng việc sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô và lập giao ước với Ngài nhằm tuân giữ các lệnh truyền của Ngài là chìa khóa để được sinh lại theo thể thuộc linh. Vua Bên Gia Min đã nói với những người dân trong Sách Mặc Môn là những người đã lập một giao ước như vậy: “Và giờ đây, nhờ giao ước mà các người đã lập, các người sẽ được gọi là con cái của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái của Ngài; vì này, hôm nay, Ngài đã sinh ra các người theo thể thuộc linh; vì các người có nói rằng, lòng các người đã thay đổi nhờ có đức tin nơi danh Ngài; vậy nên các người được Ngài sinh ra và đã trở thành các con trai và con gái của Ngài” (Mô Si A 5:7).

Thứ hai, chính Đấng Cứu Rỗi dạy rằng quyền năng để trở thành giống như Ngài có được qua việc nhận được các giáo lễ của phúc âm: “Này, đây là lệnh truyền: Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng” (3 Nê Phi 27:20).

Thứ ba, Ngài khuyên nhủ chúng ta phải noi theo gương Ngài: “Các ngươi nên là những người như thế nào?” Ngài hỏi một cách hùng hồn. Ngài đáp: “Quả thật, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27). Thật vậy, Ngài muốn chúng ta trở thành giống như Ngài hơn.

Một số trong những ví dụ tuyệt vời nhất về tình yêu thương của Ngài đã được ghi lại trong Sách Mặc Môn. Các ví dụ này có thể áp dụng vào cuộc sống của chúng ta khi chúng ta cố gắng trở thành giống như Chúa hơn.

Chính là tình yêu thương của Ngài dành cho Lê Hi và gia đình Lê Hi—và tình yêu mến của họ đối với Ngài—đã mang họ đến Châu Mỹ, vùng đất hứa của họ, là nơi họ được thịnh vượng.1

Chính là tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta đã thúc đẩy Ngài cách đây nhiều thế kỷ để truyền lệnh cho các vị tiên tri người Nê Phi lưu giữ một biên sử thiêng liêng về dân của họ. Các bài học từ biên sử đó liên quan đến sự cứu rỗi và tôn cao của chúng ta. Những điều giảng dạy này hiện có trong Sách Mặc Môn. Văn bản thiêng liêng này là bằng chứng hiển nhiên về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài trên khắp thế gian.2

Chính là tình yêu thương của Đấng Ky Tô dành cho “chiên khác” của Ngài đã mang Ngài đến Tân Thế Giới. 3Từ Sách Mặc Môn, chúng ta biết được rằng những thiên tai lớn và ba ngày tối tăm đã xảy ra ở Tân Thế Giới tiếp theo cái chết của Chúa ở Cựu Thế Giới. Rồi Chúa vinh quang và phục sinh giáng xuống từ trời cùng phục sự ở giữa dân chúng của Tân Thế Giới.

Ngài phán cùng họ: “Ta là sự sáng và sự sống của thế gian, và ta đã uống cạn chén đắng mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta, và ta đã tôn vinh Đức Chúa Cha bằng cách gánh lấy tội lỗi của thế gian” (3 Nê Phi 11:11).

Rồi Ngài ban cho một trong số những kinh nghiệm thân mật nhất mà bất cứ người nào cũng có thể có được với Ngài. Ngài mời họ đến rờ vào vết thương bên hông Ngài và vết đinh đóng trên tay chân Ngài, để họ sẽ biết chắc rằng Ngài là “Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, và là Thượng Đế của cả thế gian, và ta đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian” (3 Nê Phi 11:14).

Rồi Chúa Giê Su ban cho các môn đồ thẩm quyền làm phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh và làm lễ Tiệc Thánh. Ngài ban cho họ quyền năng thiết lập Giáo Hội của Ngài ở giữa họ, do mười hai môn đồ dẫn dắt.

Ngài ban cho họ một số những lời giảng dạy cơ bản mà Ngài đã ban cho các môn đồ của Ngài ở Cựu Thế Giới. Ngài chữa lành người bệnh. Ngài quỳ xuống cầu nguyện lên Đức Chúa Cha bằng những lời mạnh mẽ và thiêng liêng đến nỗi không thể nào ghi lại được. Lời cầu nguyện của Ngài mạnh mẽ đến nỗi những người nghe Ngài cầu nguyện đều tràn ngập niềm vui trong lòng. Chúa Giê Su đã khóc vì lòng Ngài tràn ngập tình yêu thương dành cho họ và vì đức tin của họ nơi Ngài. Ngài tiên tri về công việc của Thượng Đế trong những thế kỷ dẫn đến Ngày Tái Lâm của Ngài như đã được hứa.4

Rồi Ngài bảo họ mang con cái của họ đến cùng Ngài.

“Rồi Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, rồi cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng.

“Và khi làm như vậy xong, Ngài lại khóc;

“Và Ngài phán cùng đám đông và bảo họ rằng: Hãy nhìn xem các con trẻ của các người.

“Và khi đưa mắt nhìn lên trên trời, họ thấy các tầng trời mở ra, và họ trông thấy các thiên sứ từ trời hạ xuống như đang ở giữa một đám lửa. Rồi các vị này giáng xuống bao quanh các trẻ nhỏ, … và các thiên sứ này phục sự chúng” (3 Nê Phi 17:21–24).

Đó là sự thanh khiết và quyền năng của tình yêu thương của Thượng Đế như đã được mặc khải trong Sách Mặc Môn.

Trong những ngày sau này, chúng ta, là những người có đặc ân có được Sách Mặc Môn, được làm tín hữu của Giáo Hội của Chúa, có được phúc âm của Ngài, và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, đều biết được một điều gì đó về tình yêu thương vô hạn của Thượng Đế. Chúng ta biết cách làm cho tình yêu thương của Ngài thành tình yêu thương của chúng ta. Khi trở thành các môn đồ chân thật của Ngài, chúng ta nhận được khả năng yêu thương như Ngài yêu thương. Khi tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, chúng ta trở thành giống như Ngài hơn. Chúng ta nới rộng vòng yêu thương riêng tư của mình để tìm đến những người thuộc mọi quốc gia, sắc tộc và sắc ngữ.

Với lòng biết ơn sâu xa về cuộc sống gương mẫu của Ngài, chúng ta có thể làm cho câu thánh thư này thành tiêu chuẩn của mình: “Hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy” (Mô Rô Ni 7:48).5

Đấng Ky Tô Hiện Đến ở Tây Bán Cầu, tranh do Arnold Friberg họa© 1995 IRI

An Ma Làm Phép Báp Têm trong Dòng Nước Mặc Môn, tranh do Arnold Friberg họa

Chúa Giê Su Ky Tô Viếng Thăm Châu Mỹ, tranh do John Scott họa