Sách Mặc Môn
Củng Cố Đức Tin của Chúng Ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô
Sách Mặc Môn mời gọi chúng ta và gia đình chúng ta chấp nhận đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sách đó chia sẻ các nguyên tắc nhằm giúp gia đình chúng ta thành công.
Được sưu tập từ những lời giảng dạy của các vị tiên tri qua nhiều thế kỷ, Sách Mặc Môn được viết ra cho một thời đại tương lai khi sự phục hồi các chìa khóa chức tư tế, cùng với một cuộc đại quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên, sẽ chuẩn bị thế gian cho ngày tái lâm của Đấng Cứu Rỗi (xin xem 2 Nê Phi 25; 27; 3 Nê Phi 21). Nê Phi mô tả văn bản thiêng liêng này như là “tiếng kêu gào của một người từ bụi đất” (2 Nê Phi 33:13). Mô Rô Ni nói: “Này, tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi, tuy rằng các người chưa có. Nhưng này, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho tôi thấy được các người” (Mặc Môn 8:35).
Sách Mặc Môn được viết cho thời kỳ chúng ta và cho những ngày sắp tới. Có khoảng một triệu quyển Sách Mặc Môn được in ra trong 100 năm đầu tiên tiếp theo Thời Kỳ Phục Hồi. Công việc này gồm có 15 ngôn ngữ, một công việc phi thường. Trong 50 năm kế tiếp (1930–80), có hơn 25 triệu quyển sách đã được in bằng 41 ngôn ngữ. Kể từ lúc đó cách đây 30 năm, có thêm 125 triệu quyển Sách Mặc Môn đã được in ra bằng 107 ngôn ngữ, kể cả những Phần Tuyển Tập từ Sách Mặc Môn. Ảnh hưởng và tác dụng của Sách Mặc Môn sẽ tiếp tục phát triển khi vương quốc của Thượng Đế được mang đến cho mỗi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc.
Trang tựa, do Mặc Môn viết, tiết lộ các mục đích chính của quyển sách này. Mục đích đầu tiên đặc biệt nhắm vào hậu duệ của con cái Lê Hi. Mục đích cuối cùng là “để thuyết phục cho [tất cả mọi người] tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu” (trang tựa của Sách Mặc Môn).
Quan Trọng cho Thời Kỳ Chúng Ta
Tại sao một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô lại quan trọng như vậy cho thời kỳ chúng ta? Tại sao Chúa cho ra đời một chứng thư khác để củng cố những lời phán mạnh mẽ trong Kinh Thánh?
Chúng ta sống trong một thời kỳ không giống bất cứ thời kỳ nào khác. Các thế hệ trước chúng ta không bao giờ tưởng tượng ra được một thành tựu khoa học mang đến sự chăm sóc y tế, phương tiện giao thông, tiện nghi và tiện ích. Thế gian tràn đầy thông tin và công nghệ, sự phát triển công việc lịch sử gia đình và chia sẻ phúc âm nhưng cũng nhanh chóng đầy dẫy hình ảnh sách báo khiêu dâm, trò chơi video bạo động, và ”những điều tà ác và những ý định xấu xa hiện đang có và sẽ có trong lòng những kẻ âm mưu” (GLGƯ 89:4). Trong hầu hết khắp nơi trên thế giới, chúng ta sống trong một thời kỳ gắn bó chặt chẽ với của cải vật chất.
Nếu chúng ta không cẩn thận, những tình trạng này có thể làm xao lãng hoặc cám dỗ chúng ta rời xa các nguyên tắc vĩnh cửu và chân chính dành cho mỗi thế hệ.
Khi tôi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi ở Châu Âu vào đầu thập niên 1970, chúng tôi bắt đầu phần lớn việc giảng dạy của mình với một lời giải thích về Sự Bội Giáo, bởi vì thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô đã được chấp nhận khắp nơi. Khi tôi trở lại với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo 20 năm sau, chúng tôi bắt đầu cuộc chuyện trò của mình một cách khác, bởi vì niềm tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, là Đấng đã hy sinh mạng sống của Ngài vì tội lỗi của chúng ta và sống lại vào ngày thứ ba, đã bị phai nhòa một cách đáng kể.
Trong thế giới ngày nay, những lời tranh luận đầy ngạo mạn của Cô Ri Ho, kẻ chống báng Đấng Ky Tô, đã có những người nghe theo:
“Tại sao các người lại trông chờ một Đấng Ky Tô? Vì không có một người nào có thể biết được những điều gì sẽ phải xảy đến.
“Này, những điều này mà các người bảo là do các thánh tiên tri truyền lại, này, đó toàn là những truyền thuyết điên rồ của tổ phụ các người.
“… Các người không thể biết được những điều mà các người không trông thấy. …
“… Mọi người thịnh vượng tùy theo thiên tài của mình, và mọi người chinh phục tùy theo sức lực của mình” (An Ma 30:13–15, 17).
Chúng ta cần đức tin kiên cố và vững chắc nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và cần được giúp đỡ trong việc củng cố gia đình mình để đức tin này tuôn tràn vào lòng của con cháu chúng ta. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, khi gieo vào tâm hồn chúng ta một cách vững chắc, mang đến sự cải đạo chân thật, và theo sau đó là sự hối cải, tư cách môn đồ chân thật, các phép lạ, ân tứ thuộc linh và sự ngay chính lâu dài. Đây là một phần sứ mệnh thiêng liêng của Sách Mặc Môn.
Khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, tôi đã có một cuộc thảo luận thú vị nhất với một giáo sĩ. Ông ấy cho chúng tôi biết rằng ông không thể chấp nhận Sách Mặc Môn vì sách đã công khai nói về Chúa Giê Su Ky Tô, dùng danh Ngài và những sự kiện về cuộc sống của Ngài hằng trăm năm trước khi Ngài giáng sinh. Ông ấy thấy điều minh bạch này không điển hình cho mẫu mực trong Kinh Cựu Ước mà nói đến Đấng Cứu Rỗi một cách tinh tế hơn.
Đối với tôi, lời tuyên bố bạo dạn về Chúa Giê Su Ky Tô chính là quyền năng của Sách Mặc Môn. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải nhận được sự làm chứng của Thánh Linh rằng sách ấy là của Thượng Đế. Nhưng một khi điều đó đã đạt được rồi thì các mục đích của Đấng Ky Tô, tính xác thực về cuộc sống và Sự Phục Sinh của Ngài, và việc cần thiết một cách rõ rệt để noi theo Ngài và đạt được cuộc sống vĩnh cửu với Ngài đều nổi bật một cách hiển nhiên trước mắt chúng ta.
Chứng Ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô
Kèm theo với quyền năng của Đức Thánh Linh, việc đọc và suy ngẫm những bài giảng hùng hồn về Chúa Giê Su Ky Tô trong Sách Mặc Môn mang đến một bằng chứng chắc chắn về lẽ trung thực của các bài giảng này. Tôi thích xem lướt qua Sách Mặc Môn để nuôi dưỡng các giáo lý mạnh mẽ của Đấng Ky Tô: Khải tượng của Nê Phi về cây sự sống, với câu hỏi của vị thiên sứ: “Ngươi có hiểu được tấm lòng hạ cố của Thượng Đế chăng?” (1 Nê Phi 11:16); chứng ngôn của Lê Hi rằng “sự cứu chuộc sẽ đến trong và qua Đấng Mê Si Thánh; vì Ngài đầy ân điển và lẽ thật” (2 Nê Phi 2:6); Gia Cốp thêm vào rằng Ngài là “người giữ cổng … và Ngài không thu dụng tôi tớ nào ở đó cả” (2 Nê Phi 9:41).
Rồi chúng ta tuân theo điều Vua Bên Gia Min dạy chúng ta về những đức tính của vai trò môn đồ, với lời tuyên bố vững chắc rằng “sẽ không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường hoặc một phương tiện nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô” (Mô Si A 3:17).
Rồi chẳng mấy chốc chúng ta nghe lời dạy của A Bi Na Đi về điều ông tin:
“Nhưng có sự phục sinh, vì thế mà mồ mả không còn sự đắc thắng được nữa, và nọc của sự chết đã bị nuốt mất trong Đấng Ky Tô.
“Ngài là sự sáng và sự sống của thế gian; phải, một sự sáng bất tận, không bao giờ có thể bị lu mờ được; phải, và cũng là một sự sống bất tận, để không thể có sự chết được nữa” (Mô Si A 16:8–9).
An Ma mang đến các giáo lý tuyệt diệu về Sự Chuộc Tội, công lý và lòng thương xót cho cuộc sống: “Kế hoạch thương xót không thể được mang lại nếu sự chuộc tội không được thực hiện; Vậy nên, chính Thượng Đế sẽ chuộc tội lỗi cho thế gian, để mang lại kế hoạch thương xót, và để thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý, ngõ hầu Thượng Đế mới có thể là một Thượng Đế hoàn hảo công bình, và cũng là một Thượng Đế đầy lòng thương xót” (An Ma 42:15).
Rồi chúng ta học được về cuộc viếng thăm kỳ diệu của Đấng Cứu Rỗi với con cái của Lê Hi. Chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lời giảng dạy và chứng ngôn của Ngài:
“Này ta đã ban phúc âm của ta cho các ngươi, và đây là phúc âm mà ta đã ban cho các ngươi—rằng ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, và Cha ta đã sai ta đến. …
“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, ngõ hầu cho một khi ta đã bị loài người nhấc lên như thể nào thì loài người cũng sẽ được Đức Chúa Cha nhấc lên thể ấy, để họ đứng trước mặt ta và chịu sự phán xét qua những việc làm của mình, dù đó là việc thiện hay việc ác” (3 Nê Phi 27:13–14).
Cuối cùng, lời kết thúc đầy khẩn khoản của Mặc Môn và Mô Rô Ni: “Các người hãy biết rằng, các người phải tìm hiểu tổ phụ mình, và phải hối cải tất cả những tội lỗi và những điều bất chính của mình; các người phải tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và tin rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Mặc Môn 7:5). Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô, thì không vì lý do gì các người lại chối bỏ quyền năng của Thượng Đế” (Mô Rô Ni 10:32).
Được Đóng Khung trong vòng Gia Đình
Chứng ngôn mạnh mẽ có sức thuyết phục này về phần thuộc linh là Chúa Giê Su Ky Tô quả thật là Đấng Mê Si—Vị Nam Tử đã được xức dầu của Thượng Đế, được gửi đến thế gian để mang đến sự phục sinh của tất cả loài người và thanh tẩy phần thuộc linh của những người sẽ hối cải và noi theo Ngài—được đóng khung trong vòng lịch sử gia đình.
Sách Mặc Môn bắt đầu với một gia đình, người cha và người mẹ, các con trai và con gái lưu ý đến điều mặc khải của cha họ cũng là một vị tiên tri để bỏ lại sau lưng những vật chất thế gian và tuân theo lời phán dạy của Chúa. Sách này đầy dẫy những câu chuyện về việc cha mẹ tìm cách làm cho con cái họ thấm nhuần lời hứa và hy vọng của Chúa Giê Su Ky Tô. Một dịp nọ, tôi đã lấy ra từ các trang sách đó lời khuyên dạy cụ thể của những người cha dành cho các con trai—có tất cả là 52 trang đánh máy. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta thấy cách cha mẹ giảng dạy đức tin nơi Đấng Ky Tô và việc vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế cho những đứa con biết vâng lời từ thời thơ ấu của chúng lẫn những đứa con phải tự tìm kiếm con đường của chúng—đôi khi ngay trong cùng một gia đình. Đó là một bài học cho thời kỳ của chúng ta, cho con cái và gia đình chúng ta.
Các vai trò cụ thể của những người phụ nữ và các con gái đến một mức độ nào đó không được đề cập đến, cũng là thông thường như trong các văn bản thời xưa. Nhưng chúng ta thấy được ảnh hưởng vĩnh cửu và lâu dài của họ khi nhìn vượt qua điều hiển nhiên đó. Chúng ta quý trọng những phần quý báu nói về phụ nữ và những người mẹ, như khi những cảm nghĩ của họ được mô tả là “dịu dàng, thanh khiết và tế nhị trước mặt Thượng Đế” (Gia Cốp 2:7) hay khi Hê La Man mô tả sự tốt lành của quân đội trẻ trung của mình có được nhờ ảnh hưởng từ những người mẹ ngay chính của họ:
“Họ đã tuân lệnh và chú ý thi hành mọi mệnh lệnh một cách rất chính xác; phải, và sự việc như vậy là nhờ họ có đức tin; và tôi nhớ tới những lời họ nói với tôi rằng mẹ họ đã dạy họ như vậy. …
“Bấy giờ đó là đức tin của những người tôi vừa nói; họ là những người trẻ tuổi, trí óc cương quyết, và luôn luôn đặt niềm tin của mình nơi Thượng Đế. …
“… Họ đã được mẹ của họ dạy rằng, nếu họ không nghi ngờ, Thượng Đế sẽ giải thoát họ.
“Và họ còn kể lại cho tôi nghe những lời của mẹ họ, và nói như vầy: Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc mẹ chúng tôi đã biết như vậy” (An Ma 57:21, 27; 56:47–48).
Tôi xin mời các anh chị em suy ngẫm những câu hỏi này để giúp các anh chị em áp dụng những lời giảng dạy của Sách Mặc Môn cho gia đình của mình:
-
Những đoạn nào trong Sách Mặc Môn dạy chúng ta rằng con cái cần phải nhìn thấy tính liêm khiết và sự ngay chính trong đức tin của cha mẹ chúng?
-
Những người cha trong Sách Mặc Môn đã đưa ra cho các con trai của họ lời khuyên dạy nào mà chúng ta có thể muốn chia sẻ với con cái của mình?
-
Chúng ta học được điều gì về các nỗ lực của mình với con cái không vâng lời?
-
Các cha mẹ trong Sách Mặc Môn chia sẻ niềm tin tưởng sâu đậm của họ với con cái của họ như thế nào?
-
Chúng ta học biết được điều gì về đức tin khi đức tin được chuyền từ thế hệ này đến thế hệ kia?
Không có điều gì quan trọng để chia sẻ với người khác hơn là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này mang đến sự hiểu biết về những thử thách của cuộc sống này, hạnh phúc ở giữa cảnh khó khăn, và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.
Có nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài thế gian nhằm lôi kéo chúng ta và gia đình chúng ta ra khỏi đức tin thiết yếu nhất này. Sách Mặc Môn mời chúng ta và gia đình chúng ta chấp nhận đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và sách này chia sẻ các nguyên tắc mà sẽ giúp gia đình chúng ta thành công.
Tôi làm chứng rằng Sách Mặc Môn là chân chính và quả thật sách này được thiên sứ Mô Rô Ni giao cho Tiên Tri Joseph Smith, dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô. Sách này được viết cho thời kỳ chúng ta, cho con cháu chúng ta. Nếu hằng ngày chúng ta giở sách ấy ra với đức tin, thì tôi hứa rằng Thánh Linh của Chúa sẽ ngự trên chúng ta và gia đình chúng ta sẽ được ban phước vĩnh viễn.