2013
Công Việc Truyền Giáo
tháng Giêng năm 2013


Sứ Điệp Thăm Viếng Giảng Dạy của Hội Phụ Nữ, tháng Giêng năm 2013

Công Việc Truyền Giáo

Thành tâm nghiên cứu tài liệu này, và nếu thích hợp, hãy thảo luận tài liệu này với các chị em phụ nữ mà các chị em thăm viếng. Sử dụng những câu hỏi để giúp các chị em củng cố các chị em phụ nữ của mình và làm cho Hội Phụ Nữ thành một phần tích cực trong cuộc sống riêng của mình. Để biết thêm chi tiết, xin mời vào trang mạng reliefsociety.lds.org.

Hình Ảnh
Biểu tượng của Hội Phụ Nữ

Đức tin, Gia đình, Trợ giúp

Các Thánh Hữu Ngày Sau được gửi đi “để lao nhọc trong vườn nho của [Chúa] ngõ hầu cứu rỗi linh hồn con người” (GLGƯ 138:56), điều đó gồm có công việc truyền giáo. Chúng ta không cần phải được chính thức kêu gọi đi truyền giáo để chia sẻ phúc âm. Những người có cuộc sống được ban phước bởi phúc âm ở xung quanh chúng ta, và khi chúng ta tự chuẩn bị mình, thì Chúa sẽ sử dụng chúng ta. Các giảng viên thăm viếng có thể chấp nhận các trách nhiệm thuộc linh của mình và giúp “mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).

Khi tổ chức Hội Phụ Nữ vào năm 1842, Tiên Tri Joseph Smith nói rằng các phụ nữ không những chăm sóc người nghèo khó mà còn cứu vớt các linh hồn.1 Đây vẫn còn là mục đích của chúng ta.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói: “Chúa … giao phó một chứng ngôn về lẽ thật cho những người Ngài biết sẽ chia sẻ với những người khác.” “Chúa còn kỳ vọng chúng ta là tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Ngài phải ‘mở miệng [của chúng ta] luôn luôn để rao truyền phúc âm [của Ngài] bằng một âm thanh vui vẻ.’ (GLGƯ 28:16). … Đôi khi, chỉ một cụm từ của chứng ngôn cũng có thể đưa đến những sự kiện làm ảnh hưởng cuộc sống của một người nào đó cho thời vĩnh cửu.”2

Từ Thánh Thư

Giáo Lý và Giao Ước 1:20–23; 18:15; 123:12

Từ Lịch Sử của Chúng Ta

Câu chuyện về Olga Kovářová ở nước Séc cũ là một tấm gương về công việc truyền giáo của tín hữu từ lịch sử của Hội Phụ Nữ chúng ta. Vào thập niên 1970, Olga là một sinh viên đang học bằng tiến sĩ và khao khát có được một cuộc sống thuộc linh sâu xa hơn. Chị để ý thấy một Thánh Hữu Ngày Sau 75 tuổi tên là Otakar Vojkůvka. Chị nói: “Đối với tôi, ông ấy trông như là bảy mươi lăm tuổi nhưng tâm hồn của ông ấy gần như là mười tám và đầy tràn niềm vui.” “Đây là một điều rất bất thường ở nước Séc vào thời gian đầy hoài nghi đó.”

Olga hỏi Otakar và gia đình ông làm thế nào họ tìm thấy niềm vui. Họ giới thiệu chị với các tín hữu Giáo Hội khác và tặng cho chị một quyển Sách Mặc Môn. Chị hăm hở đọc sách ấy và chẳng bao lâu đã chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận. Kể từ lúc đó Olga là một ảnh hưởng tốt lành trong một thế giới đầy áp bức chính trị và ngược đãi tôn giáo. Chị đã phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Phụ Nữ trong chi nhánh nhỏ của mình và giúp cứu vớt linh hồn của những người khác bằng cách mang họ đến cùng Đấng Ky Tô.3

Ghi Chú

  1. Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 485.

  2. Dieter F. Uchtdorf, “Chờ Đợi trên Con Đường Dẫn đến Thành Đa Mách,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 76–77.

  3. Xin xem Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society (2011), 92–95.