2015
Các Thuộc Tính của Chúa Giê Su Ky Tô: Sự Tha Thứ và Lòng Thương Xót
tháng bảy 2015


Sứ Điệp Thăm Viếng Giảng Dạy của Hội Phụ Nữ, tháng Bảy năm 2015

Các Thuộc Tính của Chúa Giê Su Ky Tô: Sự Tha Thứ và Lòng Thương Xót

Thành tâm nghiên cứu tài liệu này và tìm cách biết phải chia sẻ điều gì. Làm thế nào việc hiểu biết về cuộc sống và vai trò của Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng đức tin của các chị em nơi Ngài và ban phước cho những người mà các chị em trông nom chăm sóc qua việc thăm viếng giảng dạy? Để biết thêm chi tiết, xin mời vào trang mạng reliefsociety.lds.org.

Đức tin, Gia đình, Trợ giúp

Việc hiểu được rằng Chúa Giê Su Ky Tô tha thứ và thương xót chúng ta có thể giúp chúng ta tha thứ và mở rộng lòng thương xót tới những người khác. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói “Chúa Giê Su Ky Tô là Tấm Gương của chúng ta,” “Cuộc sống của Ngài là một di sản về tình thương yêu. Ngài chữa lành người bệnh; Ngài nâng đỡ người bị áp bức; Ngài cứu người phạm tội. Cuối cùng, đám đông giận dữ lấy mạng sống Ngài. Tuy nhiên những lời đầy trắc ẩn của Ngài vang lên từ đồi Sọ: ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì’—là một tấm gương tột bậc trên trần thế về lòng trắc ẩn và yêu thương”.1

Nếu chúng ta tha thứ cho họ, Cha Thiên Thượng cũng sẽ tha thứ cho chúng ta. Chúa Giê Su yêu cầu chúng ta “Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót.” (Lu Ca 6:36). Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói “Sự tha thứ cho tội lỗi của chúng ta đi kèm với các điều kiện,” “Chúng ta phải hối cải. … Chúng ta đã chẳng có lần nhu mì khẩn cầu lòng thương xót của Ngài và khẩn nài để nhận được ân điển sao? Chúng ta đã chẳng mong ước với hết nghị lực của tâm hồn mình để nhận được lòng thương xót sao—để được tha thứ cho những lỗi lầm mình đã làm và những tội lỗi đã phạm sao? … Hãy để cho Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô thay đổi và chữa lành tâm hồn của các chị em. Hãy yêu thương nhau. Hãy tha thứ cho nhau.”2

Các Câu Thánh Thư Bổ Sung

Ma Thi Ơ 6:14-15; Lu Ca 6:36-37; An Ma 34:14-16

Từ Thánh Thư

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói rằng “Chúng ta phải tha thứ giống như chúng ta đã được thứ tha,”.3 Câu chuyện về đứa con trai hoang phí cho chúng ta thấy được hai mặt của sự tha thứ: một người con trai được tha thứ và người con trai kia thì gặp khó khăn trong việc tha thứ.

Người em đã lấy phần thừa hưởng của mình, và nhanh chóng tiêu xài hết, và khi một nạn đói xảy ra, anh ta phải đi chăn heo. Thánh thư nói rằng “Vậy nó mới tỉnh ngộ,” anh ta quay về nhà và nói với người cha rằng mình không xứng đáng làm con của ông nữa. Nhưng người cha đã tha thứ cho anh ta và giết một con bò mập để ăn mừng. Người anh trở về nhà từ ngoài đồng và giận dữ. Anh ta nhắc người cha rằng anh đã giúp việc bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà “cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn hữu tôi.” Người cha trả lời rằng, “Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của cha là của con. Nhưng thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được.” (xin xem Lu Ca 15:11-32).

Ghi Chú

  1. Thomas S. Monson, “Tình Yêu Thương- Thực Chất của Phúc Âm,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 91.

  2. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, “Những Kẻ Có Lòng Thương Xót Sẽ Được Thương Xót,” Liahona, tháng Năm năm 2012, 70, 75, 77; sự nhấn mạnh trong bản gốc.

  3. Jeffrey R. Holland, “The Peaceable Things of the Kingdom,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 83.

Hãy Suy Nghĩ về Điều Này

Làm thế nào mà sự tha thứ có thể mang lại lợi ích cho những ai sẵn sàng tha thứ cho người khác?

In