Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Tám năm 2019
Tôi Có Thể Giúp Người Khác Thay Đổi Không?
Có chứ. Nhưng vai trò của anh chị em có thể khác với những gì anh chị em suy nghĩ.
Chúng ta được sáng tạo ra với khả năng để thay đổi. Việc phát triển đến tiềm năng thiêng liêng là mục đích của việc trải nghiệm cuộc sống trần thế của chúng ta. Một trong những mục tiêu cao nhất của chúng ta trong công việc phục sự là giúp người khác đến cùng Đấng Ky Tô và tạo ra những thay đổi cần thiết để quay trở lại nơi hiện diện của Ngài. Nhưng bởi vì quyền tự quyết của họ, nên vai trò của chúng ta trong việc giúp họ trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn bị hạn chế.
Sau đây là 7 bài học đầy ý nghĩa từ Đấng Cứu Rỗi về cách chúng ta có thể giúp người khác trở nên giống như Ngài hơn.
-
Đừng Sợ Mời Họ Thay Đổi
Đấng Cứu Rỗi đã không sợ hãi khi mời người khác bỏ lại phía sau những lối sống cũ và hoàn toàn chấp nhận những lời giảng dạy của Ngài. Ngài đã mời Phi E Rơ và Giăng bỏ công việc của họ và “trở nên tay đánh lưới người” (Mác 1:17). Ngài mời người phụ nữ phạm tội tà dâm “hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11). Ngài mời người trai trẻ giàu có từ bỏ sự gắn bó của mình với vật chất thế gian và đi theo Ngài (xin xem Mác 10:17–22). Chúng ta cũng có thể vừa quyết liệt vừa yêu thương khi mời người khác thực hiện những thay đổi và đi theo Đấng Cứu Rỗi.
-
Hãy Nhớ Đó Là Sự Lựa Chọn của Họ để Thay Đổi
Dạng thay đổi do Đấng Cứu Rỗi mời thực hiện thì không thể bị ép buộc. Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy và mời gọi, nhưng Ngài không hề bắt buộc ai cả. Người trai trẻ giàu có đã “đi, bộ buồn bực” (Ma Thi Ơ 19:22). Tại thành Ca Bê Na Um, nhiều môn đồ của Ngài đã chọn “trở lui,” và Ngài hỏi Mười Hai Vị Sứ Đồ nếu họ cũng muốn lui chăng (xin xem Giăng 6:66–67). Một số môn đồ của Giăng Báp Tít đã chọn đi theo Đấng Cứu Rỗi, những người khác thì không (xin xem Giăng 1:35–37; 10:40–42). Chúng ta có thể mời người khác trở nên giống như Ngài hơn, nhưng chúng ta không thể lựa chọn để thay đổi thay cho họ. Và nếu họ đã không chọn để thay đổi, thì chúng ta không nên từ bỏ—chúng ta cũng không nên cảm thấy như đã thất bại.
-
Cầu Xin Cho Người Khác Có Khả Năng để Thay Đổi
Trong Lời Cầu Nguyện Thay của Ngài, Chúa Giê Su đã xin Thượng Đế cho các môn đồ của Ngài sẽ được gìn giữ khỏi sự tà ác, sẽ trở nên giống như Ngài và Đức Chúa Cha hơn, và sẽ được tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế (xin xem Giăng 17:11, 21–23, 26). Và vì biết rằng Phi E Rơ cần sức mạnh trong các nỗ lực để phát triển trong vai trò của ông, Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện cho ông (xin xem Lu Ca 22:32). Những lời cầu nguyện của chúng ta vì người khác có thể tạo nên sự khác biệt (xin xem Giăng 5:16).
-
Dạy Họ Nương Cậy vào Quyền Năng của Ngài
Chỉ qua Đấng Cứu Rỗi mà chúng ta mới có thể thật sự thay đổi và phát triển đến tiềm năng thiêng liêng mà tất cả chúng ta đều có. Ngài là “đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi [Ngài] thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Chính quyền năng của Ngài có thể “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ” (Ê The 12:27). Chính đức tin nơi quyền năng chuộc tội của Ngài đã làm cho An Ma Con có thể thay đổi (xin xem An Ma 36:16–23). Chúng ta có thể dạy người khác nương cậy vào Đấng Cứu Rỗi để họ cũng có thể có quyền năng tinh lọc của Ngài trong cuộc sống của họ.
-
Đối Xử với Họ qua Con Người Họ Có Thể Trở Thành
Tình yêu thương và sự chấp nhận có thể là những tác nhân mạnh mẽ đưa đến sự thay đổi. Người đàn bà bên giếng nước đang sống với người không phải là chồng mình. Các môn đồ của Chúa Giê Su “đều sững sờ về Ngài nói với một người đàn bà” (Giăng 4:27), nhưng Chúa Giê Su quan tâm nhiều hơn về con người mà bà ấy có thể trở thành. Ngài giảng dạy bà ấy và cho bà ấy cơ hội để thay đổi, và bà ấy đã làm theo. (Xin xem Giăng 4:4–42.)
Khi chúng ta đối xử với người khác qua con người hiện tại của họ thay vì qua con người họ có thể trở thành, thì chúng ta có thể ngăn cản sự tiến triển của họ. Thay vì vậy, chúng ta có thể tha thứ và quên đi những lỗi lầm trong quá khứ. Chúng ta có thể tin rằng người khác có thể thay đổi. Chúng ta có thể nhìn lướt qua điều yếu kém và nhận ra những đặc điểm tích cực mà có lẽ họ không thấy được nơi bản thân mình. “Chúng ta có trách nhiệm để thấy những người không phải qua con người hiện tại của họ mà thay vì thế qua con người mà họ có thể trở thành.”1
-
Để Cho Họ Có Tiến Độ Riêng của Họ
Sự thay đổi cần thời gian. Tất cả chúng ta phải: “tiếp tục kiên nhẫn cho đến khi nào [chúng ta] được toàn hảo” (Giáo Lý và Giao Ước 67:13). Chúa Giê Su đã kiên nhẫn với người khác và tiếp tục giảng dạy cho cả những người chống đối Ngài, làm chứng về vai trò mà Đức Chúa Cha ban cho Ngài và trả lời các câu hỏi của họ (xin xem Ma Thi Ơ 12:1–13; Giăng 7:28–29). Chúng ta có thể kiên nhẫn với người khác và khuyến khích họ kiên nhẫn với chính mình.
-
Đừng Bỏ Cuộc Nếu Họ Tái Phạm Lại Những Lối Sống Cũ
Sau khi Đấng Ky Tô chết, thậm chí Phi E Rơ và một số Vị Sứ Đồ khác đã quay trở lại với cuộc sống họ quen thuộc trước đây (xin xem Giăng 21:3). Đấng Ky Tô đã nhắc nhở Phi E Rơ rằng ông cần phải “chăn chiên [Ngài]” (xin xem Giăng 21:15–17), và Phi E Rơ quay trở lại công việc giáo vụ. Thật quá dễ dàng để trở về với lối sống trước đây. Nhưng chúng ta có thể tiếp tục hỗ trợ bằng cách nhẹ nhàng khuyến khích và đưa ra những lời đầy soi dẫn mời họ tiếp tục noi theo Đấng Cứu Rỗi và nỗ lực để trở nên giống Ngài hơn.
Cho Phép Người Khác Tiến Triển
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã kể câu chuyện này về việc cho phép người khác tiến triển: “Tôi từng được nghe kể về một thiếu niên nhiều năm về trước là người gần như luôn luôn là chủ đề của mọi trò đùa tại trường. Anh ta có một vài khuyết điểm, nên rất dễ bị bạn bè trêu ghẹo. Sau đó anh ta đã chuyển đi nơi khác. Cuối cùng anh ta nhập ngũ và có một vài kinh nghiệm thành công về học vấn ở đó và nói chung đã thoát ra khỏi quá khứ của mình. Quan trọng hơn cả, giống như nhiều người trong quân đội, anh đã khám phá ra vẻ đẹp oai nghiêm của Giáo Hội và trở nên tích cực và hạnh phúc trong phúc âm.
“Rồi, sau vài năm, anh ta trở về thị trấn thời niên thiếu của mình. Hầu hết những người thuộc lớp thế hệ của anh đã chuyển đi nhưng vẫn còn một số ở lại. Nhìn bề ngoài, tuy anh ta quay trở về khá thành công và là một con người mới, nhưng cái suy nghĩ cổ hủ mà đã tồn tại trước đây thì vẫn còn đó, chỉ chờ anh ta quay lại. Đối với những người trong thị trấn đó, thì anh ta vẫn chỉ là con người của ngày xưa. …
“Cuối cùng thì người đàn ông với nỗ lực thay đổi giống như Phao Lô để bỏ lại đằng sau quá khứ và nắm lấy phần thưởng mà Thượng Đế đặt sẵn phía trước đã dần dần bỏ cuộc cho đến khi anh ta chết trong tình cảnh mà anh đã trải qua trong thời niên thiếu của mình. … Thật đáng tiếc, và thật đáng buồn khi anh một lần nữa bị bao vây bởi … những người đã nghĩ rằng quá khứ của anh thì thú vị hơn tương lai của anh. Họ tìm cách dứt tay anh ra khỏi cái nắm tay mà Đấng Ky Tô đã đưa ra để níu giữ anh. Và anh ta chết trong nỗi buồn rầu, chỉ vì một lỗi lầm nhỏ của chính mình. …
“Hãy để cho người ta hối cải. Hãy để cho người ta tiến triển. Hãy tin rằng con người ta có thể thay đổi và cải thiện.”2
© 2019 by Intellectual Reserve, Inc. All rights reserved. In tại Hoa Kỳ. Phê chuẩn bản tiếng Anh: 6/18. Phê chuẩn bản dịch: 6/18. Bản dịch Ministering Principles, August 2019. Vietnamese. 15769 435