Các Thành Niên Trẻ Tuổi
Phân Biệt Được Sự Tốt Lành Bên Trong Mình
Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.
Anh chị em định nghĩa ân tứ phân biệt như thế nào? Cho tới gần đây, tôi đã không hề nhận thấy được một trong các mục đích thiết yếu của ân tứ này.
Phần lớn cuộc đời tôi, tôi đã định nghĩa ân tứ phân biệt là khả năng để có thể nhận ra điều đúng với điều sai, lẽ thật và sự sai lầm. Mặc dù đó là một phần quan trọng của ân tứ này, tôi mới vừa học được là còn nhiều hơn thế nữa.
Tôi thông hiểu rõ hơn khi tìm thấy trong phần ghi chú của một bài nói chuyện trong đại hội trung ương tháng Tư năm 2020. Người nói chuyện trích dẫn Chủ Tịch Stephen L Richards (1879–1959), cựu Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, là người đã nói: “Hình thức phân biệt tốt nhất là khả năng nhận thức nơi người khác và mở ra cho họ bản tính tốt hơn của họ, sự tốt lành vốn có bên trong họ.”1
Chẳng phải câu đó nghe giống như thơ sao?
Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta mở ra sự tốt lành vốn có bên trong người khác. Lẽ thật của lời phát biểu đó thật đặc biệt đối với tôi đến mức tôi đã muốn học hỏi thêm. Tôi tìm thấy rằng Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cũng dạy rằng ân tứ phân biệt giúp chúng ta “tìm và mang ra sự tốt lành mà có thể được ẩn giấu bên trong chúng ta.”2
Kể từ khi phát hiện ra điều này, tôi đã nhận thấy phần này của ân tứ phân biệt thật là quan trọng biết bao. Chúng ta cần tìm những đức tính tốt bên trong mình để chúng ta có thể phát triển những đức tính đó. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy và hành động như con cái của Thượng Đế nhiều hơn tức là như con người thực sự của chúng ta (xin xem Thi Thiên 82:6; Mô Si A 5:7; Mô Rô Ni 7:19).
Vậy làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu tìm thấy sự tốt lành bên trong mình? Đây là một vài cách thức để bắt đầu.
Tập Trung vào Việc Sử Dụng Sức Mạnh của Anh Chị Em để Ban Phước cho Người Khác
Đó là một lẽ thật của giáo lý rằng mỗi người đều có những ân tứ nhất định từ Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:11)—và việc nghĩ về những ân tứ này thì không phải là kiêu ngạo. Thật ra, Chúa đã yêu cầu chúng ta làm như vậy! Thánh thư dạy chúng ta tìm kiếm “các ân tứ tốt đẹp nhất, luôn luôn nhớ đến mục đích mà các ân tứ đó được ban cho” (Giáo Lý và Giao Ước 46:8; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Khi chúng ta trở nên ý thức hơn về các ân tứ hoặc tài năng của mình, chúng ta nên tìm cách để sử dụng chúng nhằm phục vụ người khác.
Một cách để nhận ra các ân tứ của anh chị em là hỏi một người nào đó mà mình tin cậy! Hỏi họ xem sức mạnh của anh chị em là gì. Nếu anh chị em giống như tôi, thì anh chị em có thể cho rằng việc đó thật đáng ngại. Nhưng hãy nhớ rằng, đây không phải là về sự phù phiếm; mà là về việc tìm hiểu xem mình có những đặc điểm hay thuộc tính nào để cung cấp cho các anh chị em của mình trên khắp thế giới (xin xem Mô Si A 8:18).
Ví dụ, một người hàng xóm tốt bụng có lần đã nói với tôi rằng tôi có tài giúp mọi người cảm thấy thoải mái. Thay vì lờ đi nhận xét đó như chỉ có mỗi đó là lời khen lịch sự, tôi bắt đầu theo dõi ân tứ đó trong cuộc sống mình. Khi làm như vậy, tôi nhận thấy rằng Cha Thiên Thượng có thể giúp tôi sử dụng những kỹ năng xã hội của mình để kết bạn với những người khác và ban phước cho nhiều cuộc sống hơn là cuộc sống của tôi.
Bằng cách nhận ra các ân tứ của mình, anh chị em có thể chọn sử dụng chúng một cách có ý thức để ban phước cho người khác (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 82:18).
Nghiên Cứu Phước Lành Tộc Trưởng của Anh Chị Em
Phước lành tộc trưởng cũng là một nguồn tài liệu hữu ích để thấy được các ân tứ độc nhất vô nhị, được Thượng Đến ban cho của chúng ta. Anh Cả Larry R. Lawrence, một thành viên danh dự của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, đã nói: “Thánh Linh có thể cho chúng ta thấy những yếu kém của mình, nhưng Ngài cũng có thể cho chúng ta thấy những ưu điểm. … Khi đọc các phước lành tộc trưởng của mình, chúng ta được nhắc nhở rằng Cha Thiên Thượng biết tiềm năng thiêng liêng của chúng ta.”3
Việc nghiên cứu phước lành tộc trưởng của anh chị em sẽ giúp anh chị em tập trung vào việc phát triển những thuộc tính mà có thể giúp anh chị em đạt được tiềm năng của mình.
Trong trường hợp của tôi, tôi thường tưởng tượng ra người mẹ nào mà mình hy vọng trở thành trong tương lai. Tôi thấy mình suy nghĩ quá nhiều mà không hề hay biết, rằng một người mẹ tốt thì phải có thân hình gọn gàng, biết sắp xếp, và xinh đẹp—và món bánh cuộn quế của bà thật đáng ghen tị trong Hội Phụ Nữ tiểu giáo khu. Dù rằng những điều này không phải là xấu, nhưng việc nghiên cứu phước lành tộc trưởng của tôi đã cho tôi thấy rằng Chúa quan tâm nhiều hơn đến việc tôi là một người mẹ tử tế và cảm thông. Đối với tôi, các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô này là các thuộc tính mà tôi nên khao khát phát triển nhất.
Tưởng Nhớ và Suy Ngẫm trong Thời Gian Tiệc Thánh
Lễ Tiệc Thánh là thời gian để nghĩ về Đấng Cứu Rỗi. Nó cũng là thời gian để suy ngẫm về sự tiến triển của anh chị em trong việc trở nên giống như Ngài. Khi anh chị em khám phá những thuộc tính tốt lành vốn có của mình, việc nhìn lại mỗi tuần vào những gì mình đạt được, những kinh nghiệm, và những mối giao tiếp xã hội có thể giúp anh chị em thấy được một thời điểm nhất định nào đó khi mà ân tứ của mình đã được biểu lộ.
Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Khi các anh chị em kiểm điểm cuộc sống của mình trong thời gian giáo lễ Tiệc Thánh, tôi hy vọng rằng những ý nghĩ của các anh chị em không những tập trung vào những điều các anh chị em đã làm sai mà còn vào những điều mà các anh chị em đã làm đúng nữa—những giây phút mà các anh chị em cảm thấy rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi đã hài lòng với các anh chị em. Các anh chị em còn có thể dành ra một giây phút trong thời gian Tiệc Thánh để cầu xin Thượng Đế giúp các anh chị em thấy được những điều đó.”4
Đây là một số câu hỏi anh chị em có thể tự hỏi mình hoặc cầu vấn Thượng Đế trong thời gian Tiệc Thánh:
-
Tôi đã noi theo tấm gương của Đấng Ky Tô tuần này như thế nào?
-
Tôi đã phục vụ ai?
-
Tôi đã cảm thấy Thánh Linh vào lúc nào trong tuần này? Tại sao?
-
Một thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà tôi đang cố gắng phát triển là gì? Tôi đang làm việc đó hữu hiệu như thế nào?
-
Có điều gì đó trong cuộc sống của tôi mà tôi nên cầu nguyện để được giúp đỡ không?
-
Tôi có cần phải tha thứ cho ai không?
-
Một vấn đề, lớn hay nhỏ, mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp tôi tuần này là gì?
Việc suy ngẫm về sự tốt lành của Thượng Đế và đánh giá cuộc sống của tôi trong thời gian Tiệc Thánh thay vì chỉ tập trung vào những thất bại và lỗi lầm giúp tôi đặt sự tin cậy nơi Ngài.
Làm Vinh Hiển Những Chức Vụ Kêu Gọi của Anh Chị Em
Có mục đích khi chúng ta được ban cho những chức vụ kêu gọi của mình, thậm chí thoạt đầu chúng ta không biết lý do tại sao.
Có lần tôi được kêu gọi vào chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ trong một tiểu giáo khu của người thành niên trẻ tuổi độc thân. Tôi rất phấn khởi để bắt đầu. Nhưng sau một vài tháng, tôi cảm thấy nản chí. Tôi không thể thấy được bất kỳ sự tăng trưởng thuộc linh nào cả ở những người tôi đang cố gắng phục sự. Những nỗ lực của tôi để thăm viếng và kết bạn dường như đều thất bại.
Một ngày Chủ Nhật, tôi cảm thấy như mình đang thiếu các ân tứ thuộc linh mà có thể giúp một người nào đó phục sự giỏi. Lời cầu nguyện của tôi trong lễ Tiệc Thánh ngày hôm đó là để cảm thấy sự bảo đảm rằng tôi có khả năng hoàn thành sự kêu gọi của mình. Tôi cảm thấy có ấn tượng phải hỏi xin một phước lành chức tư tế.
Tôi họp với vị giám trợ của tôi, và trong khi ông đặt tay của ông lên đầu tôi, một trong những điều đầu tiên ông nói với tôi là: “Cha Thiên Thượng biết ơn về sự tử tế mà chị chia sẻ với người khác.”
Bỗng dưng tôi cảm thấy Thánh Linh thật mạnh mẽ, và tôi cảm thấy trấn an rằng Chúa rất hài lòng với các nỗ lực của tôi. Tôi cảm thấy là mình đã có một phần của các ân tứ cần thiết để phục sự một cách tử tế. Tôi đã chỉ đo lường những thất bại của tôi thay vì những thành công của tôi.
Sự kêu gọi của anh chị em là cơ hội tốt để tìm và sử dụng các ân tứ thuộc linh của mình.
Anh Chị Em Có Thể Bắt Đầu Từ Bây Giờ
Chúng ta không cần phải chờ đợi để bắt đầu phát hiện ra điều tốt lành bên trong mình.
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, lúc đó là Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói:
“Đôi khi chúng ta cảm thấy nản lòng vì không ‘có được nhiều hơn’ một điều gì đó—được thánh thiện, tôn trọng, thông minh, khỏe mạnh, giàu có, thân thiện, hoặc có khả năng hơn. …
“Tôi học được trong cuộc sống của tôi rằng chúng ta không cần phải được ‘nhiều hơn’ về bất cứ điều gì để bắt đầu trở thành con người mà Thượng Đế đã dự định cho chúng ta phải trở thành.”5
Chúng ta có thể bắt đầu bằng một lời cầu nguyện. Hãy thưa cùng Cha Thiên Thượng cảm giác hiện tại của anh chị em, và anh chị em muốn được cảm thấy như thế nào về bản thân mình. Hãy cụ thể cầu xin ân tứ phân biệt để giúp anh chị em thấy được những điều tốt lành vốn có của mình. Một trong những giây phút đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tôi đến từ việc dâng lên những lời cầu nguyện này. Tôi tin tưởng Cha Thiên Thượng đang tha thiết giúp đỡ chúng ta thấy được tất cả những gì Ngài thấy.
Vì danh tính của chúng ta với tư cách là con cái của Thượng Đế, số mệnh của chúng ta là lớn lao (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 78:17). Qua ân tứ phân biệt, chúng ta có thể tiến đến việc biết được lẽ thật đó cho chính mình.