Các Thành Niên Trẻ Tuổi
Trở Nên Kiên Cường Về Mặt Cảm Xúc
Tác giả hiện sống ở Seville, Tây Ban Nha.
Tôi chưa từng trải qua nỗi lo lắng cho đến khi trở về nhà sau công việc truyền giáo, nên tôi đã không chắc làm thế nào để tiến triển.
Cuộc sống đang theo đúng kế hoạch.
Tôi sắp hoàn thành công việc truyền giáo. Trong 18 tháng trước đó, chứng ngôn của tôi đã được củng cố, và tầm nhìn của tôi về kế hoạch cứu rỗi đã được mở rộng. Tôi cảm thấy gần gũi với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng hơn bao giờ hết. Cuộc sống dường như rất hạnh phúc.
Chắc chắn là gia đình tôi và tôi cũng đang có những thử thách, nhưng nói chung, tôi rất phấn khởi và có rất nhiều kế hoạch cho tương lai. Nhưng sau đó tôi trở về nhà. Và tôi đã rất sốc. Tôi gặp khó khăn trong việc thích nghi lại với cuộc sống thường ngày. Tôi lo lắng không ngừng về việc đưa ra lựa chọn đúng và vâng lời một cách tuyệt đối. Tôi tạo quá nhiều áp lực cho chính mình để giữ mức độ thuộc linh cao mà tôi đã có trong suốt quá trình truyền giáo bởi vì tôi sợ rằng nếu không làm như vậy, thì tôi sẽ thụt lùi về mặt thuộc linh.
Khi áp lực cho bản thân tăng lên, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng và hoảng sợ. Những cảm giác ấy ngày càng trở nên thường xuyên hơn, và cuối cùng tôi cảm thấy như mình sắp chết đuối.
Thật không may, tôi đã giấu những cảm xúc của mình khỏi gia đình và bạn bè. Tôi biết rằng sự lo lắng và trầm cảm không có gì đáng xấu hổ, nhưng tôi cảm thấy lạc lõng và mất kiểm soát đến nỗi không biết cách bày tỏ những gì mình đang trải qua để được giúp đỡ.
May thay, Chúa luôn luôn ở đó để soi dẫn chúng ta khi chúng ta hướng về Ngài. Sau khi suy ngẫm và cầu nguyện, tôi cảm thấy được thúc giục để bày tỏ với anh trai tôi và vợ của anh ấy. Họ giúp tôi nhận ra rằng tôi không “điên” như mình nghĩ và rằng những khó khăn về mặt cảm xúc có thể xảy đến cho bất kỳ ai.
Chị Reyna I. Aburto, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã làm chứng về lẽ thật này: “Các bạn thân mến, điều đó có thể xảy đến với bất cứ ai trong chúng ta—đặc biệt khi là những người tin tưởng nơi kế hoạch hạnh phúc, chúng ta đặt những gánh nặng không cần thiết lên bản thân mình bằng cách nghĩ rằng chúng ta cần phải được hoàn hảo ngay bây giờ. Những ý nghĩ như thế có thể trở nên quá sức chịu đựng. Việc đạt được sự hoàn hảo là một tiến trình mà sẽ diễn ra trong suốt cuộc sống trần thế và cuộc sống mai sau của chúng ta—và chỉ nhờ ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.”1
Một Khóa Học Đầy Soi Dẫn
Khi cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng để được hướng dẫn, tôi đã nhận ra rằng mình cần phải thử tìm đến những nguồn tài liệu mà Ngài đã cung cấp, và tôi cần phải học hỏi và thay đổi để trở nên tốt hơn. May mắn thay, lúc đó tôi có cơ hội được tham dự khóa học để giúp trở nên kiên cường về mặt cảm xúc của Giáo Hội. Cơ hội này dường như đến rất đúng lúc, và tôi không tin rằng đó là sự trùng hợp.
Trong sách hướng dẫn của khóa học, sự kiên cường về mặt cảm xúc được định nghĩa như sau:
-
“Khả năng thích ứng với những thử thách về mặt cảm xúc với lòng can đảm và đức tin đặt trọng tâm nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
-
“Giúp đỡ bản thân mình và người khác hết sức có thể.
-
“Tìm kiếm thêm sự giúp đỡ khi cần thiết.”2
Nói cách khác, sự kiên cường về mặt cảm xúc là một điều mà tất cả chúng ta đều cần.
Đối với tôi, khóa học đầy soi dẫn này là một dấu hiệu rõ ràng rằng Cha Thiên Thượng biết rõ những thử thách mà chúng ta gặp phải ngày nay với tư cách là những tín hữu thuộc Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài muốn có thể giúp chúng ta tiếp tục tiến triển trên con đường trở về cùng Ngài. Việc nhìn thấy nhiều khía cạnh tuyệt vời của khóa học này đã giúp tôi nhận ra rằng Cha Thiên Thượng hiểu rõ từng người chúng ta và các nhu cầu cá nhân của chúng ta như thế nào, và ngay lập tức tôi cảm thấy bình an khi bắt đầu học. Khóa học đó dạy những lẽ thật vĩnh cửu rõ ràng và mạnh mẽ mà có thể được áp dụng cho cuộc sống chúng ta khi đối phó với các vấn đề sức khỏe tâm thần, cho dù đó là cho bản thân chúng ta hay một người mà chúng ta yêu thương.
Một trong những lời giảng dạy gây ấn tượng cho tôi được tìm thấy trong chương 9: “Cung Cấp Sức Mạnh cho Người Khác” Chương này cuối cùng đã giúp tôi tìm kiếm thêm sự giúp đỡ. Nó dạy về nguyên tắc phục vụ người khác. Tôi học về tầm quan trọng của việc phục vụ người khác bằng cách xác thực những cảm xúc và ý kiến của họ và tìm đến họ với sự đồng cảm và thấu hiểu. Tôi cũng nhận ra rằng tôi cần phải tin tưởng người khác để giúp đỡ tôi trong những khó khăn của mình.
Khi đã có thể áp dụng những ý kiến này và bày tỏ với gia đình và bạn bè về những khó khăn về sức khỏe tâm thần của mình, tôi ngạc nhiên rằng họ thật có lòng trắc ẩn và không xét đoán. Tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ họ.
Tôi cảm thấy rằng nỗi lo lắng của mình có thể đã trở nên nặng nề và tồi tệ hơn nếu tôi đã không chia sẻ về thử thách của mình với những người thân. Và kinh nghiệm này còn giúp tôi tìm đến và đồng cảm với người khác về những lo lắng và vấn đề của họ nữa.
Chúng Ta Có Thể Đối Mặt Với Tương Lai bằng Niềm Hy Vọng
Tôi cảm thấy buồn cười rằng sau khi trở về từ công việc truyền giáo, tôi đã lo lắng về việc mất đi “nền tảng thuộc linh” mà tôi có được trong quá trình truyền giáo, bởi vì giờ đây tôi nhận ra rằng việc trở về nhà chỉ là sự bắt đầu của một chương mới để tôi có thể tìm ra những cách thức mới nhằm gia tăng đức tin của mình.
Mối quan hệ cá nhân giữa tôi với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã phát triển và sâu sắc hơn rất nhiều từ khi tôi trở về nhà, đặc biệt nhờ vào những nguyên tắc tôi học được trong khóa học để giúp trở nên kiên cường về mặt cảm xúc này và qua việc nương cậy vào Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi để được giúp đỡ. Tôi cảm thấy rằng Hai Ngài trở nên thiết thực và hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của mình.
Tôi đã học và chấp nhận rằng với tư cách là con cái của Thượng Đế, chúng ta không ngừng thay đổi, học hỏi, và phát triển. Và tuy nhiên, mặc cho những thay đổi trong cuộc sống chúng ta, Cha Thiên Thượng vẫn không thay đổi. Ngài không mong đợi tôi phải hoàn hảo trong khi phục vụ truyền giáo, và Ngài cũng không mong đợi điều đó bây giờ. Ngài đơn giản là yêu thương tôi và muốn tôi tiếp tục cố gắng hướng tới Ngài và cố gắng hết sức có thể trên cuộc hành trình trở về cùng Ngài.
Này, chỉ vì tôi đã tham gia khóa học để giúp trở nên kiên cường về mặt cảm xúc, điều đó không có nghĩa là tôi không còn có những nỗi lo lắng hoặc hoảng sợ hoặc những lúc cảm thấy tràn đầy nỗi sợ hãi về tương lai. Đôi lúc tôi vẫn cảm thấy những điều đó. Nhưng giờ đây tôi nhận ra những đường lối này và đã học được những cách để đối phó với chúng trong một cách lành mạnh hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống hằng ngày của mình.
Cuối cùng, khóa học này đã dạy tôi về cách để đối phó với những lúc cảm thấy lo lắng và thử thách. Nó dạy tôi phải có lòng kiên nhẫn và lòng trắc ẩn đối với bản thân và những sự không hoàn hảo của mình. Và tôi học để hiểu cách Thượng Đế nhìn nhận mình và không bị khủng hoảng bởi những điều chưa biết trong tương lai.
Thông qua sự giúp đỡ cả về chuyên môn lẫn từ thiên thượng, tôi đã dần nhận ra rằng chúng ta có những công cụ cần thiết để biết cách “tự hành động … chứ không bị tác động” (2 Nê Phi 2:26) bởi những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta khi chúng ta tiếp tục hướng tới Đấng Ky Tô.