“Nhìn Thấy Khuôn Mặt của Thượng Đế nơi Kẻ Thù Của Chúng Ta,” Liahona, tháng Ba/tháng Tư năm 2022.
Nhìn Thấy Khuôn Mặt của Thượng Đế nơi Kẻ Thù Của Chúng Ta
Các bài học về việc vượt qua tranh chấp đến từ sách Sáng Thế Ký có thể mang lại một khuôn mẫu cho chính cuộc sống chúng ta.
Với tư cách là một người hòa giải mâu thuẫn, tôi đã học được nhiều điều khôn ngoan về cách biến đổi tranh chấp và mời gọi sự hòa giải từ việc tham khảo những ví dụ và lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô trong Kinh Tân Ước. Tuy nhiên, Kinh Tân Ước không phải là quyển thánh thư duy nhất mà đã dẫn dắt tôi trong sự nghiệp của mình. Kinh Cựu Ước cũng có một số lời giảng dạy sâu sắc bất ngờ mà có thể giúp chúng ta khi chúng ta mắc kẹt trong những mâu thuẫn mang tính hủy hoại.
Mâu thuẫn mang tính hủy hoại là gì? Đó là khi chúng ta không thể hợp tác với người khác để giải quyết vấn đề và dẫn đến việc chúng ta làm tổn thương người khác hoặc chính mình.
Sự mâu thuẫn mang tính hủy hoại dẫn đến việc sợ bị tổn thương cả từ trong mong đợi lẫn từ hậu quả của mâu thuẫn đó, việc sợ không được thương yêu hoặc được nhìn nhận trong cách thức chúng ta muốn, và việc sợ thất bại không tìm ra giải pháp cho những vấn đề đang bủa vây chúng ta. Khi để nỗi sợ hãi đó chiếm giữ, chúng ta cảm thấy không đủ khả năng để giải quyết các vấn đề mà mình đối mặt và thường trải qua những cảm xúc tuyệt vọng, xấu hổ, hoặc bất lực.
Hầu hết mọi người cảm thấy nguy hiểm về loại mâu thuẫn đó, đó là lý do tại sao chúng ta chọn sử dụng những loại mâu thuẫn kém hữu dụng như tránh né, dễ dãi, hoặc cạnh tranh để cố gắng làm cho mâu thuẫn biến mất. Thật không may, trong sự mâu thuẫn mang tính hủy hoại, không có giải pháp nào trong số đó thực sự hiệu quả.
Đúng, chúng ta nên tránh sự tranh chấp (xin xem 3 Nê Phi 11:29). Nhưng chúng ta không bao giờ nên tránh né, từ bỏ, hoặc đả kích những người chúng ta có mâu thuẫn. Thay vào đó, chúng ta cần học cách yêu thương những người chúng ta có mâu thuẫn. Điều này đòi hỏi chúng ta áp dụng lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, đối với kẻ thù của mình (xin xem Mô Rô Ni 7:47).
Chúa Giê Su phán dạy rằng việc thương yêu những người yêu thương anh chị em thì dễ dàng. Ngài cũng phán rằng: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma Thi Ơ 5:44). Đấng Cứu Rỗi phán bảo chúng ta phải thương yêu như Ngài đã làm và trở nên hoàn hảo giống như Ngài (xin xem Giăng 13:34; 3 Nê Phi 12:48). Điều này có nghĩa là sẵn lòng thương yêu người khác ngay cả khi việc đó có vẻ nguy hiểm. Chúng ta có thể do dự bởi vì chúng ta đương nhiên muốn tránh nguy hiểm. Nhưng việc quyết định thương yêu những người có thể làm tổn thương chúng ta sẽ cho phép chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi và được tràn đầy lòng bác ái.
Loại yêu thương này đòi hỏi sự dũng cảm khi đối mặt với mâu thuẫn. Nó kêu gọi chúng ta mở lòng mình ra với những người có mâu thuẫn với mình qua hình thức “yêu thương hay nhịn nhục; … chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ; … yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. … Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (1 Cô Rinh Tô 13:4–5, 7–8). Lòng bác ái thể hiện loại yêu thương này mà không đảm bảo rằng những người ở phía bên kia của sự tranh chấp cũng sẽ làm như vậy.
Tình thương yêu cho phép chúng ta nhìn nhận các anh chị em mà mình đang có mâu thuẫn một cách rõ ràng đến nỗi những nhu cầu và mong muốn của họ cũng quan trọng như của chính chúng ta, bất kể họ nhìn nhận chúng ta như thế nào. Chúng ta sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để tìm ra giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng như của chính chúng ta.
Hai câu chuyện trong Kinh Cựu Ước là những ví dụ tuyệt vời về tình thương yêu này.
Ê Sau và Gia Cốp
Trong Sáng Thế Ký 25, chúng ta đọc về một cuộc mâu thuẫn trong gia đình giữa hai anh em, Ê Sau và Gia Cốp, các con trai của Y Sác. Ê Sau đã bán quyền thừa hưởng của ông cho Gia Cốp để đổi lấy một chén canh (xin xem Sáng Thế Ký 25:30–31). Sau đó, làm theo lời dặn của mẹ mình, Gia Cốp đã giả làm Ê Sau để nhận phước lành cuối cùng từ Y Sác (xin xem Sáng Thế Ký 27:6–29).
Ê Sau đã thù ghét Gia Cốp và thề sẽ giết em trai mình. Gia Cốp đã bỏ trốn đến sống với chú của ông là La Ban. (Xin xem Sáng Thế Ký 27:41–45.) Cuối cùng, Gia Cốp gặp rắc rối với chú của ông và buộc phải trở về nhà (xin xem Sáng Thế Ký 31). Gia Cốp biết rằng việc đó có nghĩa là phải đối mặt với Ê Sau, người có một đạo quân đông đảo hơn. Ông lo sợ cho mạng sống của mình và của gia đình ông (xin xem Sáng Thế Ký 32:7–8).
Vào ngày họ gặp nhau, Gia Cốp đã gửi đi rất nhiều dê, lạc đà, bò, cừu, và lừa như một lễ vật hòa bình. Sau đó, ông cúi đầu bảy lần khi đến gần anh trai mình. Ê Sau đã phản ứng trong một cách mà Gia Cốp không ngờ tới. Ê Sau đã khóc, ôm lấy em trai mình, và nói với Gia Cốp rằng không cần đến lễ vật hòa bình.
Gia Cốp đã cảm động trước tình yêu thương của Ê Sau và đáp lời:
“Thưa rằng: Xin anh, không. Nếu em được ơn trước mặt anh, hãy nhậm lấy lễ vật bởi tay em làm ra đi; vì em thấy được mặt anh khác nào người ta thấy được mặt Đức Chúa Trời, và anh đã đẹp lòng tiếp rước em.
“Xin anh hãy nhậm lấy lễ vật em đã dâng cho anh, vì Đức Chúa Trời cho em đầy dẫy ân huệ, và em có đủ hết. Người nài xin Ê Sau quá đến đỗi phải chịu nhậm lấy” (Sáng Thế Ký 33:10–11).
Ba Yếu Tố Cần Thiết để Sống trong Hòa Bình
Gia Cốp thể hiện một mẫu mực của tình yêu thương mà tôi nhận thấy là cách hiệu quả nhất để mời gọi sự hòa giải với những người mà chúng ta đã gây tổn thương hoặc làm tổn thương chúng ta.
Thi Thiên 85:10 miêu tả các điều kiện của sự hòa giải: “Sự thương xót và sự chân thật đã gặp nhau; Sự công bình và sự bình an đã hôn nhau.” Hành động giảng hòa giữa Gia Cốp và Ê Sau đã hội đủ những điều kiện được viết trong Thi Thiên.
Gia Cốp và Ê Sau đã cần có sự can đảm để thừa nhận sự thật rằng họ không phải là kẻ thù của nhau—họ là anh em. Cần có lòng thương xót để tha thứ lẫn nhau. Cần có sự ngay chính—loại công lý nhằm sửa chữa điều mà chúng ta hoặc người khác đã làm sai—để Gia Cốp dâng cho Ê Sau một phần của những gì ông đã được ban phước. Khi tất cả ba yếu tố đã hội đủ, điều đó cho phép họ sống trong hòa bình.
Chúng ta có thể làm theo khuôn mẫu này trong cuộc sống của chính mình.
Khi chúng ta mắc kẹt trong mâu thuẫn mang tính hủy hoại, nỗi sợ hãi mâu thuẫn và sợ hãi người khác có thể làm chúng ta tê liệt hoặc hành động trong những cách khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn. Chúng ta thường hợp lý hóa rằng bất kỳ điều gì chúng ta có thể làm đều không thể đảo ngược chu kỳ hủy hoại này. Chúng ta trở nên nghi ngờ rằng người khác có thể thay đổi.
Tuy nhiên, tấm gương của Gia Cốp cũng cho chúng ta một cách để vượt qua loại mâu thuẫn đó. Gia Cốp đã đối mặt với nỗi sợ hãi người anh trai của mình và sợ hãi mâu thuẫn với ông ấy. Vào lúc đó, ông quan tâm nhiều hơn về việc “bảo vệ lẫn nhau” hơn là “tự bảo vệ mình”, nên ông đã hướng về anh trai của mình, trao cho ông ấy cả sự thật lẫn công lý về bất kỳ điều sai trái nào ông đã làm. Ê Sau, người từng muốn giết chết Gia Cốp, đã mềm lòng; lòng thương xót và sự bình an đã được đáp lại. Gia Cốp đã tìm ra cách để yêu thương kẻ thù của ông và, khi làm như vậy, ông đã nhìn thấy “gương mặt Thượng Đế” đang nhìn lại mình.
Bất chấp sự lo lắng mà chúng ta có thể cảm thấy khi tiếp cận mâu thuẫn theo cách này, nó hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ điều gì khác trong việc biến đổi loại tranh chấp như vậy. Tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô tạo không gian cho chúng ta để thực sự nhìn nhận những người chúng ta có mâu thuẫn theo một cách mà về cơ bản sẽ thay đổi cả chúng ta và họ.
Giô Sép và Các Anh Em Của Ông
Một thế hệ sau Gia Cốp, chúng ta thấy một tấm gương mạnh mẽ khác về tình thương yêu từ người con trai út của Gia Cốp, là Giô Sép.
Giô Sép bị bán làm nô lệ từ nhỏ bởi những người anh em đầy ghen tị của mình. Những người anh em của Giô Sép cảm thấy rằng cha họ đã thiên vị và rằng Giô Sép đã được ưu ái hơn. Giô Sép đã chịu nhiều đau khổ vì ác ý của những người anh em đối với mình. Ông đã phải xa cách gia đình mình trong nhiều năm, trở thành một người hầu, và bị cầm tù trong một thời gian. Cuối cùng, Chúa đã giúp ông vượt qua nghịch cảnh, và ông đã trở thành một người cai trị đầy quyền lực ở Ê Díp Tô. (Xin xem Sáng Thế Ký 37–45.)
Các anh em của ông cũng chịu đau khổ và, trong thời kỳ đói kém, đã đến Ê Díp Tô, đói khát và thất bại. Khi gặp Giô Sép, họ đã không nhận ra ông và cầu xin sự giúp đỡ.
Giô Sép có quyền bỏ tù những người anh em của mình để áp đặt công lý lên họ. Họ đáng bị như vậy. Thay vào đó, ông đã chọn sử dụng ân điển—để tha thứ và yêu thương họ.
Ông nói với họ: “Các anh em hãy lại gần tôi”. “Họ bèn lại gần. Và ông nói: Tôi là Giô Sép, em mà các anh đã bán đặng bị dẫn qua xứ Ê Díp Tô.
“Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh” (Sáng Thế Ký 45:4–5).
Giô Sép không chỉ tha thứ cho các anh em của mình mà còn thấy được mục đích gây dựng trong mâu thuẫn của họ. Ông nhận ra rằng có bàn tay Thượng Đế trong mọi sự việc và mặc cho những đau khổ mà tất cả bọn họ đã gánh chịu, “Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em.” (Sáng Thế Ký 45:7).
Một lần nữa, một khuôn mẫu tương tự có thể xảy ra trong cuộc sống chúng ta khi chúng ta thừa nhận rằng sự đau đớn do mâu thuẫn thực ra có thể đưa chúng ta đến những kết quả mà sẽ củng cố gia đình và cộng đồng của mình nếu chúng ta cùng nhau làm việc để tìm kiếm giải pháp.
Tất cả chúng ta đều sẽ trải qua mâu thuẫn. Nó sẽ làm chúng ta tổn thương. Đôi khi rất nhiều. Tôi luôn kinh ngạc trước nỗi đau mà những người khác cảm thấy khi vướng vào mâu thuẫn, đặc biệt là với những người thân yêu của họ. Tuy nhiên, nỗi đau và sự sợ hãi đó không nhất thiết là dấu chấm hết.
Chúng ta có thể chọn nhìn nhận mâu thuẫn và những người chúng ta có mâu thuẫn trong một cách khác, giống như Giô Sép đã làm. Chúng ta có thể chọn để buông bỏ sự tức giận, phẫn uất, cùng sự đổ lỗi để ôm lấy kẻ thù của mình.
Chúng ta có thể chọn tình thương yêu hơn là nỗi sợ hãi và khám phá—như Gia Cốp, Ê Sau, Giô Sép, và các anh em của ông đã làm—rằng những kẻ thù của mình chính là các anh chị em của chúng ta. Bằng cách cố gắng giảng hòa với họ, chúng ta cũng có thể nhìn thấy gương mặt của Thượng Đế.